Cái giá của các quy chuẩn xã hộiTại sao chúng ta vui mừng khi làm một việc nào đó, nhưng lại không vui khi được trả tiền để làm việc đó?Hãy hình dung một anh chàng đang có mặt ở nhà mẹ vợ để dự bữa tối trong buổi Lễ Tạ ơn và trên bàn là bữa tiệc thịnh soạn bà chuẩn bị để đón tiếp anh. Món gà tây quay có màu nâu vàng óng; nguyên liệu nhồi cho món gà tây là những thứ do bà tự làm và đúng kiểu anh thích. Bọn trẻ thì vui sướng: món khoai lang được trang trí vương miện bằng những chiếc kẹo dẻo. Vợ anh thì được tán dương: món bánh ngô cô ấy thích làm được chọn cho thực đơn tráng miệng.
Những hoạt động vui vè được tiếp diễn cho tới chiều muộn. Chàng trai trìu mến nhìn về phía mẹ vợ rồi từ từ đứng lên và rút ví ra. Anh chân thành nói: “Mẹ! Vì tất cả tình yêu mẹ dành cho bữa tiệc này, con nợ mẹ bao nhiêu nhỉ?”. Khi sự im lặng bao trùm không khí của buổi tiệc, anh giơ xấp tiền lên và nói: “Mẹ nghĩ 300$ có đủ không? Không! Có lẽ con nên gửi mẹ 400$!”
Một lý rượu đổ, bà mẹ vợ đứng dậy, mặt đỏ bừng bừng; cô chị dâu ném cho anh cái nhìn giận dữ và đứa cháu gái thì bật khóc. Buổi Lễ Tạ Ơn năm sau, có vẻ, sẽ là một bữa tối lạnh lẽo trước màn hình tivi.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Tại sao một lời đề nghị trả tiền trực tiếp lại làm cho bữa tiệc mất vui như thế? Như Margaret Clark, Judson Mills và Alan Fiske đã đưa ra giả thuyết rằng chúng ta sống đồng thời trong hai thế giởi khác nhau - một với các quy chuẩn xã hội chiếm ưu thế, và một với quy chuẩn thị trường tạo ra các quy tắc, Các quy chuẩn xã hội bao gồm những yêu cầu thân thiện giữa con người với con người như: Anh/chị có thể làm ơn giúp tôi chuyển chiếc ghế bành này ra chỗ khác được không? Anh/chị làm ơn giúp tôi thay lốp với?... Các quy chuẩn xã hội được bọc kín trong bản chất xã hội và nhu cầu cộng đồng của con người. Các quy chuẩn này thường ấm áp nhưng rất mờ nhạt. Nó không đòi hỏi sự đáp trả tức thời: có thể giúp người hàng xóm di chuyển cái ghế bành, nhưng không có nghĩa là anh ta cũng phải sang nhà bạn và làm điều tương tự.
(Margaret Clark: nhà văn, Tiến sĩ giáo dục, tác giả của hơn một trăm cuốn sách về các mối quan hệ, các vấn đề xã hội, tình bạn, tình yêu ... Judson Mills: Nha sản xuất phim, diễn viên điện ảnh người Mỹ. Alan Fiske: Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học và Nhân loại học thuộc Đại học Chicago.)
Thế giới thứ hai, thế giới được quy định bởi các quy chuẩn thị trường rất khác biệt. Sự trao đổi là rất sắc bén: lương, giá cả, tiền thuê nhà, tiền lãi và chi phí lợi ích. Những mối quan hệ thị trường đó không có nghĩa là xấu xa hay keo kiệt - thực tế là, các mối quan hệ này cũng bao hàm tính sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân - nhưng chúng ám chỉ tới các lợi ích so sánh và sự thanh toán tức thời.
Khi chúng ta đặt các quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường trên hai con đường riêng biệt, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Lấy tình dục làm ví dụ. Chúng ta có thể không phải trả tiền cho nó nhưng cũng có một thứ dục trường, thứ tình dục dựa trên nhu cầu và phải mất tiền mới có được. Điều này nghe có vẻ hơi thẳng thắn. Không có những người chồng (hoặc vợ) trở về nhà và đòi 50$ cho mỗi lần như thế; cũng không có những kẻ hoạt động mại dâm hy vọng có được một tình yêu vĩnh cửu.
Khi các quy chuẩn xã hội và thị trường và chạm nhau, thì vấn đề sẽ nảy sinh. Lại lấy tình dục làm ví dụ. Một chàng trai mời một cô gái ra ngoài ăn tối, đi xem phim và anh ta là người thanh toán. Họ lại đi chơi với nhau và một lần nữa chàng trai là người trả tiền. Đến lần thứ ba, anh ta vẫn là người móc hầu bao thanh toán bữa ăn và các hoạt động giải trí. Đến lúc này, chàng trai hy vọng, ít ra, cũng là một nụ hôn say đắm khi họ tạm biệt nhau trước cửa nhà. Ví của chàng trai ngày càng mỏng đi, nhưng điều tồi tệ hơn là những gì đang diễn ra trong đầu anh ta: anh ta đang gặp rắc rối trong việc điều hòa quy chuẩn xã hội (tìm hiểu) và quy chuẩn thị trường (đổi tiền lấy tình dục). Đến lần hẹn hò thứ tư, anh vô tình đề cập việc hẹn hò lãng mạn này tiêu tốn của anh ta thế nào. Lúc này, đã quá giới hạn. Cô gái gọi anh ta là con quái vật và mắng té tát vào mặt anh ta. Đáng lẽ anh ta nên biết là một người không thể lẫn lộn giữa quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường, đặc biệt là trong trường hợp này.
Vài năm trước đây, Giáo sư James Heyman (Đại học St. Thoanas) và tôi quyết định khám phá các tác động của quy chuẩn thị trường và quy chuẩn xã hội. Trong thí nghiệm này, một vòng tròn được bố trí ở bên trái màn hình máy tính và một chiếc hộp hình vuông được đặt ở vị trí bên phải. Nhiệm vụ của những người tham gia là sử dụng con chuột máy tính, kéo vòng tròn thả vào bên trong hình vuông. Ngay khi vòng tròn được thả đúng vào hình vuông, nó sẽ biến mất khỏi màn hình và một vòng tròn mới hiện ra ở điểm xuất phát. Chúng tôi yêu cầu những người tham gia kéo được càng nhiều vòng tròn càng tốt và chúng tôi sẽ đếm số vòng họ kéo được trong vòng năm phút. Đó là cách chúng tôi tính năng suất lao động của họ - nổ lực họ dành cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Cách làm này có thể làm sáng tỏ các trao đổi xã hội và thị trường như thế nào? Nhóm thứ nhất được nhận 5$ cho việc tham gia vào thí nghiệm ngắn này ngay khi bước vào phòng. Chúng tôi hy vọng họ sẽ áp dụng các quy chuẩn thị trường cho tình huống này và hành động tương ứng.
Nhóm thứ hai được hướng dẫn tương tự về nhiệm vụ cơ bản của mình, nhưng mức tiền họ được trả thấp hơn rất nhiều (50 xu cho một thí nghiệm và 10 xu cho một thực nghiệm khác). Một lần nữa, chúng tôi trông đợi những người tham gia sẽ áp dụng quy chuẩn thị trường cho tình huống của mình và hành động tương ứng.
Với nhóm thứ ba, chúng tôi giới thiệu về nhiệm vụ họ phải làm với tư cách là một yêu cầu xã hội. Chúng tôi không đề nghị trả công cụ thể cho công sức họ bỏ ra, cũng không hề đề cập tới tiền. Chúng tôi trông đợi họ sẽ áp dụng các quy chuẩn xã hội cho tình huống và hành động tương ứng.
Các nhóm đã làm việc với mức độ cần mẫn như thế nào? Đúng với đặc tính của quy chuẩn thị trường, những người nhận 5$ thả được trung bình 159 vòng; những người nhận được 50 xu, thả được trung bình 101 vòng. Đúng như mong đợi của chúng tôi, những người được trả tiền nhiều hơn sẽ có động lực và làm việc chăm chỉ hơn (khoảng 50%).
Vậy những người làm mà không có tiền thì sao? Kết quả cho thấy, trung bình, họ thả được 168 vòng nhiều hơn rất nhiều so với những người được trả 50 xu. Họ đã làm việc dựa trên quy chuẩn xã hội chứ không phải vì sức nặng của đồng tiền.
Nhiều ví dụ cho thấy, mọi người thường làm việc vì một lý do nào đó hơn là vì tiền bạc. Ví dụ, vài năm trước, AARP đã hỏi một số luật sư liệu họ có giảm giá các dịch vụ cho những người nghỉ hưu gặp khó khăn xuống mức khoảng 30$/giờ không? Câu trả lời của các luật sư là không. Sau đó, người quản lý chương trình đến từ AARP có một sáng kiến tuyệt vời: ông hỏi các luật sư liệu họ có cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người nghỉ hưu gặp khó khăn không. Các luật sư đều trả lời có.
Chuyện gì đang diễn ra ở đây vậy? Làm cách nào mà 0$ có thể hấp dẫn hơn 30$? Khi tiền được đề cập, các luật sư dùng quy chuẩn thị trường và thấy rằng đề nghị đó thật là ngớ ngẩn so với mác lương thị trường của họ. Khi tiền bạc không được nhắc tới, họ dùng các quy chuẩn xã hội và sẵn sàng tình nguyện dành thời gian của mình. Tại sao họ không nhận 30$ và tự cho rằng mình là những tình nguyện viên nhận 30$? Vì một khi các quy chuẩn thị trường đã thâm nhập vào sự cân nhắc của chúng ta, các quy chuẩn xã hội sẽ tự động không còn chỗ đứng.
Giáo sư kinh tế học Nachuẩn Sicherman, tại Columbia, cũng học được điều tương tự khi ông theo học võ thuật tại Nhật Bản. Thầy dạy võ của ông không lấy học phí. Các võ sinh cảm thấy như vậy là không công bằng nên đã đề nghị được trả công vì thời gian thầy bỏ ra cho họ. Hạ cây gậy shinai xuống, người thầy từ tốn trả lời rằng, nếu ông lấy tiền, thì họ sẽ không đủ khả năng để trả cho ông.
Trong thí nghiệm trước, những người được trả 50 xu đã tự điều chỉnh mình theo các quy chuẩn thị trường, quyết định rằng 50 xu không phải là nhiều và đã làm việc không thật tâm. Nói cách khác, khi các quy chuẩn thị trường tham gia, các quy chuẩn xã hội lập tức bị đẩy ra ngoài.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay tiền bằng quà? Chắc chắn bà mẹ vợ chàng trai sẽ vui vẻ nhận một chai rượu loại tốt cho bữa tối. Hoặc một món quà (ví dụ như một chậu cây cảnh) cho bữa tiệc về nhà mới của một người bạn. Quà tặng có là phương pháp trao đổi giúp giữ chúng ta trong các quy chuẩn xã hội không? Liệu những người tham gia nhận được món quà đó sẽ thoát khỏi các quy chuẩn xã hội và buớc vào các quy chuẩn thị trường, hoặc việc tặng quà giống như phần thưởng có thể duy trì những người tham gia trong xã hội không?
Để biết quà tặng nằm ở đâu trong ranh giới giữa quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường, tôi và James quyết định thực hiện một thí nghiệm mới. Lần này, chúng tôi không trả tiền cho việc kéo các vòng tròn từ đầu này sang đầu kia màn hình máy tính, thay vì thế, chúng tôi đề nghị tặng quà cho họ. Phần thưởng 50 xu được thay thế bằng một thanh Snickers (trị giá khoảng 50 xu), và phần thuởng 5$ được thay thế bằng một hôp sô-cô-la Godiva (cũng trị giá khoảng 5$).
Kết quả, cả ba nhóm đều làm việc chăm chỉ, bất chấp việc họ nhận được một thanh Snickers nhỏ (những người thuộc nhóm này kéo được bình quân 162 vòng), hay hộp sô-cô-la Godiva (bình quân là 169 vòng), hoặc không có gì cả (bình quân 168 vòng). Điều này cho thấy: không ai thấy bị xúc phạm vì món quà nhỏ, vì ngay cả những món quà nhỏ cũng giữ cho chúng ta tránh xa khỏi các quy chuẩn thị trường.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết hợp quy chuẩn thị trường với quy chuẩn xã hội? Nói cách khác, nếu chúng ta đưa cho những người tham gia một thanh Snickers 50 xu hoặc một hộp sô-cô-la Godiva 5$, họ sẽ làm gì? Liệu một thanh Snickers 50 xu có làm cho những người tham gia cố gắng làm việc như một thanh Snickers sẽ khiến họ làm việc không, hoặc liệu nó có làm cho họ làm việc thiếu nhiệt tình hơn, như số tiền 50 xu đã khiến họ như vậy không? Liệu nó có nằm ở giữa hai mức không? Thí nghiệm tiếp theo sẽ đưa ra câu trả lời.
Kết quả, những người tham gia không hề có động lực làm việc khi họ nhận thanh Snickers 50 xu, và nỗ lực họ bỏ ra giống như khi họ nhận được số tiền 50 xu. Họ phản ứng với món quà được định giá giống như cách họ đã phản ứng với số tiền. Lúc này, món quà không còn gợi ra quy chuẩn xã hội mà đã chuyển sang lãnh địa của quy chuẩn thị trường.
Chúng tôi áp dụng cách đó một lần nữa bằng cách hỏi những người qua đường xem họ có sẵn lòng giúp chúng tôi dỡ một chiếc sofa từ chiếc xe tải xuống hay không. Chúng tôi cũng có được kết quả tương tự. Mọi người sẵn sàng làm việc không công và cũng sẵn sàng làm việc nếu được trả tiền công xứng đáng; nhưng nếu chỉ đề nghị họ một số tiền nhỏ thì họ sẽ bước đi. Quà tặng cũng có hiệu quả trong trường hợp này. Chỉ một món quà nhỏ cũng đủ để khiến họ vui vẻ giúp, nhưng khi chúng tôi đề cập món quà đó tốn bao nhiêu tiền thì họ quay lưng từ chối ngay lập tức.
Những kết quả này cho thấy, để làm nổi bật quy chuẩn thị trường, chỉ cần đề cập đến tiền (ngay cả khi tiền không được trao tay) là đủ. Nhưng, tất nhiên, các quy chuẩn thị trường không chỉ về sự nỗ lực - chúng liên quan tới một phạm vi rộng các loại hành vi, bao gồm cả tính tự lực, sự giúp đỡ và chủ nghĩa cá nhân. Có phải chỉ cần làm người ta nghĩ đến tiền sẽ khiến họ hành động khác đi? Giả thuyết này được khám phá trong hàng loạt các thí nghiệm thú vị do Giáo sư Kathleen Vohs (Đại học Minnesota), Nicole Mead (sinh viên tốt nghiệp Đại học bang Florida) và Miranda Goode (sinh viên tốt nghiệp Đại học British Columbia) cùng tiến hành.
Họ yêu cầu những người tham gia thí nghiệm hoàn thành một “bài tập câu xáo trộn”, tức là, sắp xếp một nhóm từ để tạo thành câu. Bài tập cho nhóm thứ nhất được dựa trên những câu có tính chất chung chung (ví dụ, “Bên ngoài trời lạnh”); với nhóm còn lại, bài tập được dựa trên những câu hoặc cụm từ liên quan đến tiền (ví dụ: “Mức lương cao”). Liệu việc nghĩ về tiền theo cách này có đủ để thay đổi hành vi của những người tham gia?
Khi hoàn thành bài tập này, những người tham gia tiếp tục làm một bài toán khó, trong đó, họ phải sắp xếp mười hai chiếc dĩa thành một hình vuông. Họ có thể gặp người đưa ra thí nghiệm này nếu cần giúp đỡ. Bạn nghĩ ai sẽ yêu cầu giúp đỡ sớm hơn - những người làm việc với các câu về “lương”, với gợi ý ngầm về tiền; hay những người làm việc với những câu chung chung, về thời tiết hoặc các chủ đề khác kiểu như vậy? Kết quả là, những sinh viên với bài tập về “lương” cố gắng giải bài toán trong hơn năm phút trước khi yêu cầu được giúp đỡ, trong khi những người làm bài tập với những câu chung chung yêu cầu giúp đỡ sau khoảng ba phút. Vậy là, nghĩ về tiền khiến những người thuộc nhóm bài tập “lương” tự lực hơn và ít mong muốn yêu cầu giúp đỡ hơn.
Nhưng thí nghiệm cũng cho thấy, họ không sẵn sàng giúp đỡ người khác. Trong thực tế, sau khi nghĩ về tiền, những người này ít nhiệt tình giúp người thực nghiệm nhập dữ liệu hơn, ít có khả năng giúp đỡ một thành viên khác đang gặp rắc rối, đặc biệt là ít có khả năng giúp một “người lạ” (một người thực nghiệm cải trang) “vô tình” làm đổ hộp 乃út chì.
Nói chung, những người thuộc nhóm bài tập “lương” cho thấy nhiều đặc điểm thị trường: ích kỷ và tự lực hơn; họ muốn dành thời gian một mình nhiều hơn; họ có xu hướng chọn các bài tập đòi hỏi nguồn lực cá nhân hơn là đồng đội; và khi đang phải quyết định chọn chỗ ngồi, họ sẽ chọn chỗ ngồi cách xa khỏi người được yêu cầu phải làm việc cùng.
Điều này dẫn tôi tới ý nghĩ: khi bạn đang ở trong một nhà hàng để hẹn hò, đừng đề cập tới giá của các món ăn. Đối với bạn, đây là một cơ hội để tạo ấn tượng cho buổi hẹn hò bằng thứ hạng của nhà hàng. Nhưng nhắc lại điều đó nhiều lần, rất có thể bạn sẽ chuyển mối quan hệ của mình từ chuẩn xã hội sang chuẩn thị trường. Đúng, có thể người bạn hẹn hò không nhận ra bữa ăn đó tốn của bạn bao nhiêu tiền. Mẹ vợ của bạn có thể cho rằng chai rượu bạn vừa biếu chỉ là loại 10$, trong khi thực tế có giá 60$. Đó là cái giá bạn phải trả để giữ cho mối quan hệ của mình trong phạm vi xã hội và tránh xa khỏi các quy chuẩn thị trường.
Vì thế chúng ta sống trong hai thế giới: một, được đặc trưng bởi các trao đổi xã hội và một, được đặc trưng bởi các trao đổi thị trường. Chúng ta áp dụng các quy chuẩn khác nhau cho hai kiểu quan hệ này. Nếu chúng ta đưa các quy chuẩn thị trường vào các trao đổi xã hội, thì chúng sẽ phá vỡ các chuẩn xã hội và làm tổn thương các mối quan hệ. Khi đã mắc lỗi, thì việc hồi phục mối quan hệ xã hội là rất khó. Một khi bạn đã đề nghị trả tiền cho bữa tối vui vẻ trong buổi Lễ Tạ Ơn thì mẹ vợ của bạn sẽ ghi nhớ việc đó trong rất nhiều năm tiếp theo.
Bạn thân của tôi, Giáo sư Uri Greenzy (Đại học California tại San Diego) và Giáo sư Aldo Rustichini (Đại học Minnesota) cung cấp một bài kiểm tra rất thông minh về các tác động lâu dài của một trường hợp chuyển từ chuẩn xã hội sang chuẩn thị trường.
Vài năm trước, họ tiến hành nghiên cứu một nhà trẻ tại Israel để xác định xem việc áp dụng một mức phạt đối với các bậc cha mẹ đến đón con muộn có phải là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả không. Uri và Aldo kết luận rằng khoản tiền phạt đó không phát huy tác dụng tốt, mà còn có tác động tiêu cực. Vì sao? Trrớc khi mức phạt được đưa ra, giáo viên và phụ huynh có một hợp đồng xã hội, với các quy chuẩn xã hội về việc tới muộn. Do đó, nếu đến đón muộn, phụ huynh sẽ cảm thấy rất day dứt về chuyện đó, buộc họ phải khẩn trương hơn trong việc tới đón con. (Tại Israel, cảm giác tội lỗi là một cách hiệu quả để có được sự tuân thủ). Nhưng một khi mức phạt được áp dụng, nhà trẻ đó đã vô tình thay thế các quy chuẩn xã hội bằng các quy chuẩn thị trường. Giờ đây, vì các phụ huynh đã trả tiền cho sự chậm trễ của mình, họ có thể tự quyết định có tới muộn hay không và họ thường lựa chọn đến muộn. Đây là điều mà nhà trẻ này không hề mong muốn.
Nhưng câu chuyện thật sự mới chỉ bắt đầu. Điều thú vị nhất xảy ra một vài tuần sau đó, khi nhà trẻ xóa bỏ mức phạt. Liệu các bậc phụ huynh có quay lại với quy chuẩn xã hội không? Liệu cảm giác tội lỗi của họ có quay trở lại không? Không hề! Họ tiếp tục đến đón con muộn và thực tế, số lần đón muộn của phụ huynh còn tăng lên (sau cùng, cả quy chuẩn xã hội và mức phạt đều bị xóa bỏ).
Thí nghiệm này cho thẩy một thực tế: khi chuẩn xã hội va chạm với chuẩn thị trường, nó sẽ ra đi trong một thời gian dài. Nói cách khác, các mối quan hệ xã hội không dễ để thiết lập lại.