Tháng mười chưa cười đã tối. Mới năm rưỡi chiều mà những cửa hàng trên phố Hàng Gai đồng loạt lên đèn khiến các món đồ lụa đồ mỹ nghệ bày trong tủ kính như trở nên lộng lẫy hơn. Thư nhấc một bộ kimono màu đen thêu hoa xanh nhã nhặn chìa ra trước mặt Vân:
- Bộ này có vẻ được Vân này!
Vân đỡ lấy chiếc mắc treo bộ đồ, khẽ vuốt vào mặt lụa rồi lật mặt trái xem xét những đường may thêu. Nàng chống cằm lên bàn tay, khẽ lắc đầu:
- May tương đối kỹ nhưng mà màu không ổn… Nếu nền trắng thêu hoa vàng hay hoa hồng thì tốt hơn.
- Hai chị mua cho bạn ạ? – cô bé bán hàng nhanh nhảu chen vào.
Vân và Thư liếc mắt nhìn nhau, chỉ cười chứ không trả lời. Bước chân chậm rãi đưa hai cô gái lướt qua hai, ba cửa hàng khác. Vẫn chưa tìm được món đồ thực sự ưng ý, Vân chống nạnh, thở ra một hơi:
- Chả biết bên kia nó tặng cái gì để mà tránh nữa cơ chị ạ.
- Mình nghĩ chẳng cần tránh đâu. Đằng nào thì bà ấy cũng có ác cảm rồi. Có khi tặng trùng lại hay!
- Nói vậy chứ chắc gì đã trùng.
- Ừ, nhưng theo kiểu Vân kể thì cô nàng kia cũng hời hợt, chắc chỉ tặng thứ đắt tiền chứ không chăm chút gì đâu.
- Thế, nên em mới phải tìm chọn cái gì tinh xảo một tẹo. Bực lắm, em cứ nghĩ nửa tháng nữa bà ý mới đi cơ, đã dặn đặt thợ quen may hẳn một bộ vừa khăn trải bàn vừa bọc hộp giấy ăn vừa khăn ăn đấy chứ! Đùng một cái trưa nay thấy gọi điện…
- Thôi, đã ác cảm thì cái gì chẳng làm khó được. Cũng may là bà ấy chuẩn bị đi rồi.
Vân nghe chữ “chuẩn bị đi” thoát ra từ môi Thư mà cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Cả tháng nay nàng luôn bị ức chế bởi sự có mặt của mẹ Thanh. Không chỉ tỏ ra ác cảm với gốc gác ngoại tỉnh cũng như tuổi tác của nàng và luôn gọi điện cắt ngang những khoảng thời gian vốn đã ít ỏi Thanh ở bên nàng, bà Nhã còn công khai o bế Hạnh Phương, nghiễm nhiên coi cô ả như con dâu. Bà khen ngợi cô ta hết lời rồi cả ngấm ngầm lẫn lộ liễu so sánh nàng với cô ta trước mặt Thanh cũng như bạn bè và họ hàng của chàng.
Thanh có phản ứng lại, nhưng những phản ứng của chàng chưa đủ quyết liệt để nàng cảm thấy được an ủi. Vân đã hơn một lần phải ghìm cơn giận để đỡ phải sa vào cảnh đôi co với mẹ chàng. Bao nhiêu nỗi bực bội không thể mặt nặng mày nhẹ với Thanh để trút giận mãi được, nàng chỉ còn cách tâm sự với mấy đứa bạn đại học và Thư. Đám con trai như Tố “tồ” chưa đứa nào có kinh nghiệm nên chỉ làm nàng vui bằng cách lắng nghe và pha trò cười. Đứa có khả năng xoa dịu nàng nhất là Đan lại đang thực tập tận Paris, bận tới độ không có thời gian đọc mail. Vậy là chỉ còn Thư làm tư vấn viên tâm lý. Thật may, Thư hơi giống tính Đan, biết cách đem đến sự thăng bằng cho người khác. Vì vậy, nàng không cảm thấy quá tệ hại…
Cuối cùng thì Vân cũng chọn được một chiếc áo kiểu Thượng Hải thêu hoa đào trên nền lụa hồng nhạt bóng bẩy. Nàng thở phào, tự thưởng cho mình và Thư hai chiếc túi đính cườm vì cả tiếng đồng hồ vất vả rồi để Thư lại với cuộc dạo phố shopping, nàng phóng xe tới nhà hàng Sao Biển.
* * *
Thanh dựng xe cách nhà hàng một quãng, đang ngóng về phía đầu đường với vẻ khá sốt ruột. Thấy nàng, chàng nhìn nàng, ánh mắt vẫn dịu dàng nhưng thoáng trách móc:
- Anh đã dặn em đến sớm một chút rồi mà.
- Đường Hàng Ngang - Hàng Đào cấm xe, em phải đi vòng - Vân cố gắng mỉm cười và nói với chàng bằng giọng bình thường nhất. Hai người phóng tới trước cửa nhà hàng. Đám nhân viên xăng xái ra đỡ lấy hai chiếc xe.
Dường như không nhận ra vẻ mệt mỏi buồn buồn của Vân, Thanh vội vã lấy vé xe rồi đi nhanh vào. Vân đứng lại sửa lại mép giấy của gói quà, nàng nhìn theo dáng Thanh, chợt nhận ra rằng gần đây chàng không còn kiên nhẫn với nàng nữa. Nàng mím môi rảo bước tới nắm tay chàng:
- Chờ em!
Ánh mắt của Vân khiến Thanh hơi khựng lại. Chàng thấy sợ cái dữ dội ngấm ngầm trong đôi mắt này. Gần đây nàng có nhiều tâm sự. Chàng biết nàng có nhiều điều không bằng lòng. Tất cả đều vì chàng… Thanh khẽ siết lấy bàn tay lành lạnh của nàng, dắt lên cầu thang phòng ăn trên gác.
Đón Vân là một bàn tiệc đông người. Thức ăn đã được bưng lên, toả khói nghi ngút. Quanh chiếc bàn tròn bà Nhã và ông chồng mới vốn cũng là dân xuất khẩu lao động, bà Hạnh Nhu cùng hai con, tươi cười giả tạo. Và khủng khi*p nhất là hai gương mặt đàn ông quen thuộc đến rợn người đang hướng về phía nàng, Lương Nhữ Tri và Thìn.
Gió từ hồ Tây thổi vào làm Vân rùng mình, nàng thấy bàn tay lạnh cóng. Nàng biết Thìn là bạn hồi học phổ thông của bà Hạnh Nhu, vì chính hắn đã giới thiệu nàng vào làm việc ở công ty áo cưới của bà ta. Và nàng cũng biết bà Nhã và bà Hạnh Nhu chơi rất thân với nhau, thân đến độ nhận nhau làm thông gia từ mươi mười lăm năm trước. Nhưng nàng chưa bao giờ xâu chuỗi lại các mối quan hệ của ba người đó và càng không ngờ đến việc Lương Nhữ Tri cũng có mặt ở đyâ. Lão giám đốc Đài Loan ăn mặc không khác gì một ông già Việt Nam nhàn hạ, nói tiếng Việt như người Việt và cư xử tỉnh bơ như thể lão là một ông bạn vong niên mới về hưu của Thìn.
Bỏ ngoài tai những lời giới thiệu chào hỏi ồn ào, Vân nhìn nhanh về phía Thanh. Chàng chưa gặp Thìn và mới chỉ nhìn thoáng lão Lương, vì không nhận ra hai ông khách quý hoá nên chàng cúi chào rất ngoan ngoãn. Thìn nhìn nàng bằng con mắt toé lửa, có lẽ nếu không có lão già ngồi bên kiềm lại, có lẽ hắn đã lao ra ngắt đầu nàng rời khỏi cổ như con tôm nướng kia rồi. Lương Nhữ Tri thì hoàn toàn lãnh đạm với việc hỏi han xã giao, chừng mực đến ớn lạnh. Nhưng nàng biết, lão đã bị một chút bất ngờ vì nàng xuất hiện.
Mấy năm làm dưới trướng của lão ta, Vân đã rèn luyện tình huống không mong mà gặp người quen nhiều lần. Bằng sự nhạy cảm của mình, nàng hiểu rằng bà Nhã và bà Nhu có thể là đối tượng mới trong những phi vụ làm ăn mờ ám của liên minh ma quỷ Thìn - Lương. Vậy nên nàng vẫn cư xử hết sức bình thường trong một sự cẩn trọng tối đa.
Lễ phép nói lời xin lỗi vì sự chậm trễ và đặt gói quà vào tay bà Nhã, nàng ngồi xuống chiếc ghế trống, giữ lưng thật thẳng để đối phó với những câu hỏi thăm móc máy của bà Hạnh Nhu và Hạnh Phương. Thật vừa vặn đẹp đẽ làm sao khi Thanh thì được xếp ngồi cạnh mẹ và cô ả mặt đẹp, còn nàng kẹp giữa một bên là Lương Nhữ Tri, một bên là thằng giặc nhỏ Bảo Phương.
- Đỡ suy nhược thần kinh chưa cháu? – bà Nhu đon đả.
- Dạ, đã khá hơn nhiều. Đợt đó, cháu về Sapa cắt thuốc, thuốc nam, uống một thang là thấy đỡ đau đầu hẳn.
- Thế bệnh cột sống đĩa đệm?
- Cái đó phải vật lý trị liệu hơi lâu. Giờ vẫn thỉnh thoảng cháu bị đau lại nhưng không đến nỗi phải bỏ dở công việc như trước cô ạ.
- Chị làm ở chỗ mới thế nào? Nghe nói là công ty nước ngoài mà lương rẻ mạt lắm hả?
- Chị thấy lương cũng tương xứng với công việc. Còn em thì sao?
Câu hỏi ngược của Vân làm Hạnh Phương tức tối. Ai chẳng biết là cô ả chỉ sóng tay tiêu tiền của mẹ còn việc ở ảnh viện thì làm bê bết mãi không xong. Bà Nhã thấy cô nàng không trả lời được thì vội vã đỡ lời:
- Cô nghe mẹ cháu bảo cháu chuẩn bị học cao học phải không Phương?
- Dạ vâng ạ - Hạnh Phương vội bám lấy những lời đó như một thí sinh dốt được gà bài - Cháu chuẩn bị thi nên cũng hơi bận.
- Ừ, còn trẻ thì cứ tập trung vào. Vài ba năm nữa, hăm bảy hăm tám, cứng tuổi rồi – bà Nhã liếc về phía Vân một cái – sợ có muốn cũng chẳng còn đủ thời gian mà học… Thanh, con cũng phải phấn đấu đi chứ, đàn ông mà chỉ có bằng kỹ sư, thua cả vợ, thì người ta cười cho!
Vân giấu tiếng cười nhạt, nàng quay sang nói chuyện bóng đá với Bảo Phương. Dù có nghịch ngợm tai quái, thằng bé này vẫn dễ trị hơn đám đàn bà “miệng nam mô” cũng như hai tên đàn ông đê tiện ngồi kia. Câu chuyện được dẫn dắt sang hướng khác, Hạnh Phương lên tiếng nũng nịu:
- Cháu định đi học lái xe. Chú Thìn với bác Lương có biết trung tâm nào dạy tốt không?
- Cái này bác không biết lắm. Già rồi, toàn đi bộ. Chỗ nào xa thì bảo thằng con đưa đi. Xe cộ may ra chỉ có chú Thìn biết.
Dù biết bản lĩnh bịa chuyện của tên già họ Lương, Vân vẫn cảm thấy dựng tóc gáy trước những lời như thật của hắn. Thìn huênh hoang với Phương về chuyện học để thi lấy bằng gì đó còn Lương thì quay sang bà Nhã cười tươi:
- Bên kia chắc Mercedes với BMW nhiều như rươi cô Nhã nhỉ. Chả bù cho bên này, toàn xe Hàn Quốc liên doanh vớ vẩn.
- Ấy, bác nói thế. Xe con trai bác đi bọn em có cố cũng chả mua được.
- Con trai anh Lương mua Lexus từ thời đầu đấy, đến nay cả Hà Nội cũng chỉ có chục chiếc mà toàn biển ngoại giao thôi – Thìn nói oang oang.
Những gương mặt no đủ cười tít mắt vì mùi tiền sộc ra theo mỗi câu nói. Bà Hạnh Nhu nhìn Thìn bằng ánh mắt long lanh ướt rượt, gắp một miếng nạc cua cho hắn:
- Em định mua cho cháu nó cái Premacy anh ạ. Anh thấy thế nào?
- Con gái đi Premacy được quá còn gì! Số tự động nhé, giá mềm nữa nhé.
- Chú đừng có hùa với mẹ cháu! Bọn bạn cháu có đến mấy đứa đi xe đấy rồi, vỏ xe mỏng va nhẹ đã rúm ró lại, mà xe có 30 ngàn, chả bõ công rút tiền… - Phương dẩu môi - Cháu thích đi Pajero giống chú cơ.
Bà Nhã bỏ chiếc vỏ sò xuống bát, liếc mắt mắng yêu:
- Con bé này, sao lại thích đi cái xe chẳng nữ tính tí nào thế!
- Xe đấy gần 50 ngàn, thế mới gọi là mua ô tô chứ mẹ. Xe dưới 30 ngàn thì chỉ là cái hộp bốn bánh thôi.
“Trọc phú, rởm đời ngọt xớt!” – Vân rủa thầm. Nàng quay sang bà Hạnh Nhu, mỉm cười niềm nở:
- Cùng tầm tiền, cô để Phương mua Ford Mondeo đi cho sang. Hơn kém nhau vài trăm đô nhưng một cái có nội thất da với phanh ABS. Hoặc nếu Phương vẫn thích lái xe gầm cao thì mua Ford Escape.
- Ôi, em không biết là chị Vân còn đi làm thêm cho bọn Ford đấy đấy!
Vân lại nhếch môi cười. Hạnh Phương cố tình lái chữ Ford ngả theo dấu huyền, để ám chỉ cái nghề mà ai cũng biết là nghề nào đó. Nàng đưa mắt về phía Thanh và thấy chàng thoáng cau mày. Chàng đang bực Hạnh Phương vì câu nói ác hay bực nàng vì cái quá khứ lừng lẫy chẳng tốt đẹp gì? Nàng trả lời Hạnh Phương, thấy miệng mình nhạt thếch:
- Bọn chị độc quyền thiết kế quảng cáo cho bên Ford. Với lại bạn chị cũng mới mua xe.
- Có phải cái cậu đi ô tô đỏ hôm nọ đi với Vân ở đoạn đầu Quang Trung không?
Vân ngước lên nhìn bà Nhã, một lát mới nhớ ra chuyện hẹn gặp Tố mấy tuần trước. Chưa kịp trả lời thì bà với mẹ con Hạnh Phương đã ríu rít nói sang chuyện khác. Nàng liếc về phía Thanh, có dấu hỏi trong ánh mắt của chàng.
*Bữa tiệc ê hề những món ăn đắt tiền và những lời thơn thớt cuối cùng cũng chấm dứt. Bà Nhã hào hứng kéo tất cả đi “tăng 2” karaoke bằng một vẻ vừa khẩn khoản vừa quyền hành. Vân cúi xuống sửa lại mép áo để giấu cái nhăn mặt. Nàng dị ứng với những căn phòng mờ mờ xập xình tiếng nhạc và dị ứng với những gương mặt quá đỗi giả tạo này. Lễ phép xin lỗi bà Nhã vì phải về nhà đợi điện thoại của mẹ và vờ chóng mặt vì vài ly vang trắng, nàng khép nép chờ Thanh đưa về.
Nhưng bà mẹ sành điệu của Thanh tất nhiên không phải tay vừa. “Thanh lên ô tô ngồi với mẹ, xe gửi lại đây mai lấy.” “Nhu ơi, cái chỗ hôm nọ mình dẫn người ta vào tên là gì ấy nhỉ?” “Thôi thế Vân có việc thì cứ về đi, bác cảm ơn.” Bằng những điệu bộ khoả lấp, lời nói rất nhanh nhảu, tự tin, quấy quá, bà ta tách nàng ra khỏi đám đông và khiến Thanh không thể nào mở lời được. Vân lặng lẽ vòng xe đi ngược hướng của đoàn người.
Với những ý nghĩ lộn xộn trong đầu, nàng không về nhà mà vòng về nhà Thanh. Ông Túc vẫn như thường lệ, đang chăm chú nghiên cứu một vài thứ hiểm hóc nào đó. Cầm những bức ảnh về nhật thực toàn phần ở Mũi Né do chính tay mình chụp từ mười năm trước và ngắm tới từng vết xước trên phần ép plastic, ông có vẻ như chẳng buồn để ý xem ai vừa bước vào. Để mặc ông với thế giới riêng của mình, Vân định trèo lên gác xép để cũng tìm kiếm một cõi riêng khác thì thấy ông ngẩng lên:
- Này, con biết tiếng Khựa đúng không nhỉ?
Ông già vẫn hay gọi Trung Quốc là Khựa, chẳng rõ tại sao. Vân quay lại kéo ghế ngồi gần ông, hỏi lại:
- Bác cần dịch gì ạ?
Ông già gỡ kính ra rồi lại loay hoay đeo vào, bằng vẻ lẩm cẩm cố hữu ông lần túi lấy một tờ lịch gấp tư.
- Ờ, chiều nay sang bên nhà ông Sửu thấy có cái phim trên truyền hình cáp hay quá. Bác ghi lại tên phim rồi... Đây, con xem là phim gì để bác ra hàng thuê lại…
Làm sao có thể chép lại một cái tên phim loằng ngoằng giun dế như thế nhỉ? Vân đón tờ giấy và bỗng quên mất rằng tâm trạng của mình đang sầu não, nàng cười thành tiếng.
- Sao thế? Bác viết sai hết à? - mặt ông Túc nghệt ra, ông giơ bàn tay có sáu ngón lên gãi cằm.
- Không ạ - Vân cố nén cười nhưng dường như vẫn chưa thể nghiêm mặt lại - Tại cái chữ bác ghi chỉ là “tập thứ hai mươi tám” thôi chứ không phải tên phim.
- Ô, thế à? Thế tên phim là gì?
- Cháu không biết. Cháu có xem đâu.
- Ừ nhỉ!
Vân mỉm cười, cảm giác của nàng đã bớt nặng nề hơn. Dù sao sau một bữa cơm kinh khủng, việc ngồi và tham gia vào câu chuyện chẳng ra đầu ra đuôi với một người ngô nghê lơ đễnh như ông Túc cũng dễ chịu chán! Và nếu nói một cách uỷ mị thì nàng thích nhìn niềm vui ánh lên trong đôi mắt hiền hiền dài dại của ông già.
Mười rưỡi rồi mười một giờ, Thanh vẫn chưa về. Ông Túc lọ mọ tẩn mẩn với gia tài của mình không để ý đến tiếng chuông của chiếc đồng hồ cổ nhưng Vân thì cảm thấy mỗi tiếng chuông là một tảng đá nặng nề trĩu xuống tâm trạng của nàng. Tại sao Thanh không nhắn cho nàng một dòng tin, hay tranh thủ gọi và nói với nàng mấy câu quan tâm như thói quen bao lâu nay nàng biết...
- Này, bác mới được truy lĩnh lương. Đi ra ngõ Cấm Chỉ ăn gà tần với bác nhé!
Vân mỉm cười lắc đầu vô thức, không nhận ra vẻ thông cảm và yêu thương ánh lên trong đôi mắt kèm nhèm tưởng như lơ đãng. Nỗi u ám của nàng trở lại khiến ngay cả một nụ cười cũng trở nên méo mó. Nàng dắt xe ra khỏi ngõ, vẫy tay từ biệt ông già.
* * * * *
Đang rảo bước, Vân bỗng dừng phắt lại vì chiếc Lexus đen đã án ngữ ngay lối dẫn vào cầu thang nhà nàng. Hai gương mặt quen thuộc thấp thoáng cửa xe, một dài ngoẵng, một phì nộn. Chúng đang hướng ra phía hàng gửi xe ở đầu khu tập thể. Vân nhanh chóng nép vào một góc tường, thật may cho nàng là đêm nay nàng lại không gửi xe ở nhà quen. Nàng lùi dần, lủi vào một ngách nhỏ, lối tắt dẫn ra phố chính. Gần nửa đêm, phố xá vắng tanh, chỉ còn một hiệu café internet sáng đèn. Vân chọn một máy ở trong cùng và cúi đầu thật thấp.
Nàng vào Yahoo Messenger. Bạn bè nàng phần lớn đều chỉ dùng internet ở văn phòng nên giờ này chẳng có mấy người online, dãy nick nằm im lìm bên những biểu tượng mặt người xám xịt. Chỉ có Hoài Đan nhảy vào gọi nàng:
- Sao mày online giờ này?
- Không ngủ được, xuống đường đi bộ. Tạt vào chat với mày một tí.
- Dạo này có gì mới không?
- Vẫn bình thường, việc công ty tầm này đều đều chậm chậm. Mày thì sao?
- Học xong rồi, chuẩn bị về. Người xét ra thì vẫn khoẻ, nhưng mệt tim.
- Sao?
- Lão kia chẳng thèm gọi, chẳng thèm hỏi tao một câu. Không hiểu làm sao nữa.
- Hồi hè tao có gặp một lần ngay trước cửa văn phòng. Lão ý nhăn như bị, mặt cắt không ra một tí vui vẻ.
- (Một biểu tượng mặt người mỉm cười) Đợt đấy là công ty có vấn đề xào xáo. Đảo chính lật đổ ách độc tài Bùi Đức Lập.
Vân cũng đưa một biểu tượng mặt cười nhưng gương mặt thật sự của nàng thì như lặng đi. Nàng nhớ lại và xâu chuỗi lại các sự kiện trong đầu. Phải rồi, khi ấy nàng cũng biết. Nhưng bản thân nàng cũng có quá nhiều vấn đề nên câu chuyện nàng nghe được cũng coi như chìm vào quên lãng. Nàng gõ tiếp:
- Có phải liên quan đến vụ họp cổ đông gì đó và em chồng mày không?
- Sao mày biết?
Không dưới một lần Vân đã nghe Lương và Thìn nhắc đến Thạch, em trai Lập, chúng coi người này như một quân cờ. Nàng kể vắn tắt cho Đan về mối quan hệ của mình với Thìn, về những gì nàng nghe thấy, về lời đề nghị đê tiện của Thìn hồi đầu mùa hè và cả về những rắc rối sau khi nàng chia tay với hắn.
Đan im lặng một lát, mãi sau mới thấy viết tiếp. Chắc con bé không ngờ Vân lại dây dưa với kẻ bỉ ổi đã tìm mọi cách hại sự nghiệp của chồng nó:
- Bây giờ hắn ta vẫn bám lấy mày?
- Ừ - Vân chỉ biết gõ một chữ gọn lỏn.
- Sao không báo công an?
- Xô xát trực tiếp thì công an cũng chỉ nhắc nhở rồi thôi. Các vụ phá phách quấy rối thì có hậu quả nghiêm trọng nào đâu mà mất công tìm bằng chứng. Với lại tao không phải hộ khẩu Hà Nội, cũng chẳng thân quen gì…
- Nhưng mà phải có cách chứ?
- Tao nhờ một người quen chung nói hộ, thấy hắn để yên yên độ vài tháng. Đến hôm nay lại lù lù xuất hiện. Hồi ở đây mày có gặp cái lão bồ già của em chân dài Minh Ánh không?
- Có. Vì hai nhân vật đấy mà tao với Lập mới nảy sinh lắm vấn đề vớ vẩn…
- Ừ, lão đấy hồi xưa là người Hoa ở trong miền Nam, sau vượt biên. Bây giờ trở sang Việt Nam, mang cái mác Đài Loan.
- Nghe Lập nói là hắn đi lừa không biết bao nhiêu bà sồn sồn giàu có lập công ty, vẽ dự án vay vốn ngân hàng rồi ôm tiền trốn.
- Không chỉ thế thôi đâu. Còn nhiều trò lắm. Tao nghi là chính lão già này đã khích bác sai khiến Thìn quay lại bám để phá tao. Giờ hai thằng già đang đứng chình ình ở chân cầu thang nhà tao đấy!
- Thế nên mày mới ngồi hàng chat khuya?
- Ừ, tao ngồi ở đầu ngõ, để ý nãy giờ mà chưa thấy xe của chúng nó đi ra. Chắc là nó đỗ xe cắm trại đợi thâu đêm rồi mày ạ.
- Chẳng lẽ định ngồi đấy đến sáng à? Tìm chỗ nào nghỉ tạm đêm nay đi.
- Ừ, để tao tính.
Vân bấm số của Thanh. “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Có lẽ với sự tác hợp nhiệt tình của bà mẹ, chàng đã yên ổn ngoài vùng phủ sóng trong vùng phủ chăn nào đó rồi! Nàng cắn môi, nghĩ ra một vài cái tên, những mối quan hệ quá nhạt nhẽo. Cuối cùng, nàng gọi cho Tố “tồ”. Dù sao thì nó cũng chưa có ràng buộc gì, lại đủ thân để nhờ vả…
Vừa ngắt cuộc gọi thì nàng thấy chiếc Lexus ì ạch bò ra khỏi ngõ. Không nghĩ ngợi, nàng đứng dậy thanh toán tiền và quay về nhà. Trời bắt đầu đổ mưa.
Lối lên cầu thang đã khoá, Vân loay hoay lục túi tìm chìa. Bàn tay hơi cóng. Những đợt gió hung hãn của đêm mùa đông làm nàng cảm thấy ớn lạnh. Và nàng còn ớn lạnh hơn khi hai bàn tay từ trong bóng tối vươn ra ấn nàng vào những chiếc chấn song sắt. Giọng Thìn rõ mồn một trong đêm:
- Mẹ mày, chạy đâu cho thoát!
Hơi rượu và mùi khét khét gây gây lộn mửa trùm lấy nàng, Thìn xích lại ép chặt người nàng vào cánh cổng. Hai bàn tay man dại lần trên thân thể đang vùng vẫy của nàng, tiếng hai cánh cửa han gỉ va vào nhau, tiếng thở hổn hển và tiếng lẩm bẩm kể lể lẫn chửi rủa của hắn trộn lẫn làm nàng buốt óc. Bám tay vào gờ tường để lấy điểm tựa, Vân hất thân hình phì nộn bật ra để bỏ chạy. Nhưng Thìn đã nhanh hơn một nhịp, hắn tóm được chiếc mũ đằng sau áo của nàng. Kéo phắt khoá cởi chiếc áo khoác để thoát khỏi bàn tay тһô Ьạᴏ, nàng phong phanh một chiếc áo len không tay chạy thẳng ra đầu ngõ, tiếng chân nặng nề đuổi theo sau.
Vân guồng chân thật gấp bất chấp cơn mưa và gió rét. Nàng lao thẳng ra đường và suýt nữa thì bị chiếc Matiz đỏ đâm phải. Tố mở cửa xuống xe, chưa hết sửng sốt vì bộ dạng của nàng thì đã thấy Thìn chạy ì ạch ở đoạn đầu ngõ. Nó hiểu ra vấn đề khá nhanh, vội vã ϲởí áօ quàng vào vai nàng. Vừa lúc đó, một chiếc Vespa phóng tới.
Thanh nhìn chiếc Matiz đỏ vẫn mở rộng cửa rồi lẳng lặng quay xe.
- Thanh, nghe em nói đã!
Vân vùng khỏi tay Tố chạy theo, không ngớt gọi tên chàng. Thanh không ngoảnh lại mà tăng ga để tiếng gọi xa dần... Cho đến khi có một tiếng phanh két rợn người vang lên ở cái đoạn đường mà chàng vừa bỏ lại, chàng mới giật mình dừng xe. Từ góc phố, một chiếc taxi cáu bẩn đã vọt ra, điên cuồng lao thẳng về phía Vân.