Thuật đã trở lại với sự yên tâm và vui vẻ. Anh đầy đủ cơ sở để nói cho Trang không phải lo lắng gì về thằng Linh cả. Đọc lá thư của nó chắc cô ấy sẽ xúc động. Vốn cô ấy là như thế, dễ tin, dễ xúc động. Giống như hồi anh hứa giải thoát Công ra khỏi cái ૮ɦếƭ, cô đã cảm ơn anh rối rít và nhận lời lấy anh ngay. Đây là hành động phiêu lưu, ngược với tính thận trọng của anh....Nhưng tình yêu đã làm cho anh không còn biết sợ nữa.
Hồi ấy anh dậy vào lúc một giờ sáng. Mới đầu mùa đông mà trời đã lạnh buốt. Anh co người trong chiếc áo bông dày cộp, mang xà cột vào thẳng nhà giam. Ở đây anh bố trí một cốt cán của anh canh gác. Thật ra nó là một con người đần độn, nói trước quên sau.
Anh tính toán, nếu nó thức anh sai nó đi công việc gì đấy....Tất nhiên, nếu có gì, không ai tin cái thằng khố rách ấy. Và nó chắc chắn sẽ vào tù vì can gián vào vụ giải thoát phản động. Và nếu nó ngủ....Quả thật, nó đã nghủ, ngủ rất say, ngáy như ...bò rống.
Thuật đã mở cửa nhà giam, gọi Công ra, nói thẳng:
- Đồng chí đi đi. Đừng bao giờ trở lại mảnh đất này nữa...Trời lạnh đấy, nhưng gắng lội qua bên kia sông, coi như thoát....
Công vẫn chưa hiểu gì cả. Lâu nay anh đang chuẩn bị cho mình một cái ૮ɦếƭ đúng tư thế của một người cộng sản.
- Đây là vì tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí, tớ mong cậu tìm một mảnh đất khác...Tớ quý cậu, thương cậu thật lòng đấy.
- Anh không lừa dối tôi đấy chứ, anh Thuật?
- Giữa chúng ta đã có bao nhiêu kỷ niệm của một thời lý tưởng. Cậu là người đã cứu sống tớ, ơn tớ không trả, nỡ nào tớ lại lừa dối cậu. Cậu hãy đi đi, đi thật xa, đi đến một vùng rừng núi nào đấy....Hãy tạo lập một cuộc sống khác.
Trong đêm tối, bóng Công nặng nề đổ xuống nền nhà giam. Đầu anh cúi xuống, suy nghĩ....
- Cậu vẫn chưa tin tớ ư? Thuật lại rì rầm trong tiếng ngáy ồ ồ của người gác nhà giam. Tớ lừa câu để làm gì? Tội xử tử là hình phạt cuối cùng đối với một con người. Bản án tớ đã thông qua sau một cuộc xét xử của ông bà nông dân hôm nọ, sẽ được thi hành ngay ngày mai. Việc gì tớ phải đi lừa đồng chí...
- Cảm ơn anh nhiều lắm anh Thuật ạ. Bây giờ tôi mới hiểu anh là người tốt. Tôi thật có lỗi với anh.
Công đã cảm động đến rưng rưng. Sau này anh mới kịp nghĩ con người trong cơn tuyệt vọng, giữa lúc bước sang một thế giới khác, thường có những tâm trạng ngây thơ, dễ tin và dễ xúc động như một đứa trẻ con.
- Tớ chúc cậu may mắn. Nhớ đừng bao giờ trở về nữa.
- Đúng, anh là vị cứu tinh của tôi....Tôi chỉ có một nguyện vọng là nhờ anh cưu mang giúp vợ con tôi. Tôi tin cô ấy còn thương yêu tôi, chẳng qua vì một nhẽ nào đấy buộc cô ấy phải.....
- Thôi, đồng chí lên đường đi. Đừng bao giờ nghĩ đến việc trả ơn. Đồng chí với nhau mà ơn với huệ cái gì. Đồng chí luôn nhớ rằng, lúc nào đồng chí cũng luôn mang bản án....Phải lẩn trốn, phải đổi tên, đổi họ.
Khi Công đã đi rồi, anh bấm ổ khóa lại, ngồi xuống bên đống dấm một lúc lâu. Anh cốt nông vẫn ngáy pho pho y hệt ống bễ lò rèn. Anh mỉm cười nửa miệng, nghĩ: Cái đồng chí cốt cán này thật xứng đáng. Loại này làm cách mạng bảo đảm trăm phần trăm thắng lợi. Phá gì bọn họ phá không nổi....
Từ đấy anh trở thành ân nhân của Công. Và anh đã thực hiện đầy đủ những gì Công gửi gắm: “Cưu mang vợ con” Công thật lòng.
Lúc đầu, quả thật anh cũng chẳng ghét bỏ gì thằng Linh. Tuy không yêu thương nó như con đẻ, nhưng anh cũng đã làm trọn nghĩa vụ của một người cha dượng nuôi nó như một trách nhiệm. Nhưng rồi, càng lớn lên, nó càng làm anh khó chịu. Thật tình cũng không hiểu vì sao càng ngày anh lại càng khó chịu mỗi khi gặp nó hoặc nghĩ đến nó. Cho đến bây giờ, anh vẫn hiểu Trang chưa yêu anh thật lòng. Dường như cô ấy dồn hết tình cảm cho thằng bé. Anh ghen với nó ư? Anh không dám thú nhận điều ấy. Nhưng quả thật anh rất khó chịu khi bắt gặp mẹ con cứ thì thụt, cứ rầm rì to nhỏ. Anh rất bực mình mỗi khi bắt gặp cô ấy gắp thức ăn bỏ cho nó.... Phải thừa nhận rằng cô ấy thương yêu, quý trọng nó hơn chính anh. Hoặc cũng có thể, cái sự khó chịu ấy bắt đầu từ những hồi tưởng của anh về Công, người bố đẻ của chính thằng con riêng ấy.
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Hà Nội, Công luôn luôn là một học sinh xuất sắc, một cây văn nghệ nổi tiếng. Ngược lại, Thuật là một cậu bé lười nhác, cứ cầm đến cuốn sách là ngủ gật. Cuối năm bao giờ cũng bị thầy giáo nêu lên làm khuôn mẫu cho sự ngu dốt. Cuối cùng Thuật đành phải bỏ học trở về làng....
Và số phận lại cuốn cả hai vào dòng thác cách mạng. Ở môi trường mới này, Thuật lại phát huy được tất cả mặt mạnh của mình. Anh không ủy mị tiểu tư sản như Công. Anh đoạn tuyệt với thời học sinh xa xôi kia. Anh cứng rắn và luôn nghe theo cấp trên. Anh trở về cái thành phần cố nông cơ bản của anh. Cần đấu gục ai là anh đấu đến cùng. Được cái trời phú cho anh cái thiên bẩm nói không cần sách. Trứơc lính tráng anh nói thao thao bất tuyệt. Ai cũng nghĩ anh là một học sĩ. Anh không học, không đọc bao nhiêu, nhưng anh biết nghe và biết biến những gì nghe được thành của riêng anh. Tất nhiên không phải anh không nhầm lẫn. Ví dụ có lần anh nói cụ Nguyễn Du đã sáng tạo ra cuốn tiểu thuyết Chinh phụ ngâm làm nhụt nhuệ khí chiến đấu của người lính Cách mạng. Nhưng được cái lính ta hồi ấy, trình độ văn hóa kém, có anh còn chưa biết chữ A tròn hay vuông
Một đồng chí cấp ủy trình độ văn hóa không hơn gì anh, đã mê cái tài hùng biện của anh và đưa anh về công tác cạnh ông. Bất kỳ ở đâu anh cũng tỏ rõ lập trường giai cấp kiên định của mình và dạy bảo mọi người phải luôn luôn cảnh giác trước kẻ thù giai cấp. Theo anh trí thức là “giai cấp” bấp bênh (anh không hề nghĩ mình nhầm lẫn). Cần phải tẫy não giai cấp này triệt để. Và trong tiềm thức, anh liệt Công vào loại “giai cấp” bấp bênh ấy. Mỗi lần nghĩ đến trí thức, anh thường lởn vởn hình ảnh Công với những ganh ghét của tuổi thơ.
Điều anh lo sợ là hai đứa con anh rất quý cu Linh. Anh không để con mình tiêm nhiễm tính xấu của thằng nhóc con ấy. Nghĩ thế, nhưng thực tình anh cũng chưa nhận thức rõ rệt tính xấu của nó là tính gì. Đúng ra, anh rất sợ chia sẻ tình cảm. đối với anh, vợ và con thuộc thế giới riêng biệt của anh, tất cả một mảnh tâm hồn bé nhỏ đến những tình cảm lớn lao. Đối với vợ con anh, anh là thần tượng chứ đâu phải thằng Linh.
Anh rất khó chịu mỗi lần nghe cu Nhân hay cái Oanh thỏ thẻ kể lại bằng sự khâm phục thực sự về anh Linh của nó leo tít trên ngọn xoan, ngọn mít nhà ai đấy bắt xuống cho chúng nó một tổ chim hay hái trộm ở vườn nhà Bận cho chúng mấy quả ổi chin thơm lừng.
Điều quan trọng là anh tự điều chỉnh được tình cảm mình trước vợ con anh. Anh vẫn tự hào về tính tình kín đáo, điềm đạm, tự tin của mình. “Muốn làm được việc lớn là phải biết giấu mình trước đối phương”. Anh lấy câu của đồng chí cấp ủy nọ làm phương châm sống và làm việc của mình. Và điều rõ ràng là anh đã thành công, chưa một lần thất bại.
Chiều hôm ấy anh trở về, vẻ mặt buồn. Trang ra tận cổng đón chồng.
- Sao....anh không đưa được con về ư?
Cả ngày hôm nay chị nóng ruột và hy vọng.....Chị chưa thể nào tin được cái điều người ta quy tội con chị.
Anh nhìn vợ với đôi mắt như van lơn, như xin lỗi. Anh đưa chị vào nhà, nghẹn ngào nói:
- Em thông cảm, anh đã không làm được điều em mong muốn. Em khổ tâm, đau đớn lắm. anh biết thế, nhưng anh cũng nát ruột ra ấy chứ vui vẻ gì. Em đừng bắt anh làm cái gì anh không thể làm được.
- Nhưng mà nó như thế nào? Chị sốt ruộc hỏi chồng một câu tưởng như vô nghĩa.
- Nó như thế nào thì em đã biết rồi.
- Em biết thì em đã không nhờ đến anh.
- Người ta trình bày cho anh xem toàn bộ hồ sơ...Nói chung người ta đã không bắt oan con chúng ta.
- Có nghĩa nó là một thằng ăn cắp, một tên ăn trộm?
- Thôi em đừng hỏi dồn em nữa, khổ anh lắm...Anh hy vọng....
- Hy vọng cái gì bây giờ nữa?
- Hy vọng ở đấy nó cải tạo tốt. Học tập và lao động của chúng nó được tổ chức khá nghiêm túc. Chắc chắn nó sẽ trở nên một người có ích. Anh dừng lại một lúc, rồi sẽ sàng tiếp:
- Chắc chắn nó sẽ về sớm hơn cái thời hạn ba năm của nó.
- Em đừng sốt ruột. Anh tin chắc hai năm nó sẽ về. Nhanh thôi em à.
- Nhanh là đối với những người sung sướng, mãn nguyện như anh, còn những người ở trông tù, ba năm là nửa cuộc đời, là 30 năm đấy.
- Có thư của con đây. Em xem đi. Nó đâu đến nỗi khổ như em tưởng.
Đêm ấy, anh lại tiếp tục động viên, an ủi chị. Anh phân tích cho chị rõ đấy không phải là nhà tù như chị nghĩ.
- Đấy là một trường học – vừa học vừa làm – dành cho những đứa trẻ mà do hoàn cảnh nào đấy thiếu sự chăm sóc, giáo dục chu đáo của cha mẹ, và nhà trường. Xem thư nó, em thấy rồi đấy.
- Anh đúng là một nhà tuyên truyền. Sao nói cũng hay. Nhà tù, trại giam mà cũng như thiên đường.
- Em đừng nói thế. Sống với anh hai mặt con rồi, chẳng nhẽ em không hiểu được tấm lòng của anh ư? Nhưng....hoàn cảnh nó thế, biết làm sao bây giờ...Em thông cảm, quả thật anh bận quá, suốt ngày đêm....
- Anh chỉ biết lo cho cái ghế của anh thôi.
- Mình là đầu não một huyện. Chuyện lớn chuyện bé gì lại không để tai mắt vào...Đấy em xem, còn chút thì giờ nào anh đều dành trọn vẹn cho em và cho con....