Những Tháng Năm Hổ Phách - Chương 47

Tác giả: Tuyết Ảnh Sương Hồn

Sau Tết âm lịch năm 2000, Tần Chiêu Chiêu tiễn Đàm Hiểu Yến lên tàu đi Quảng Đông. Trường cô đã sắp xếp cho sinh viên năm cuối tới thực tập một kỳ tại một công ty quần áo tại Đông Quản, Quảng Đông.
Trước kia, Tần Chiêu Chiêu kiến thức hạn hẹp chưa từng nghe nói đến thành phố Đông Quản. Những thành phố nổi tiếng được nhiều người biết đến nhất của tỉnh duyên hải Quảng Đông là Thâm Quyến, Quảng Châu, Châu Hải… Đông Quản là chốn nào, nằm ở đâu? Cô hoàn toàn không biết. Ban đầu Đàm Hiểu Yến cũng không biết, nghe nhà trường giới thiệu xong liền vui mừng khôn xiết kể cho cô nghe Đông Quản được vinh danh là một trong “Tứ tiểu long” của Quảng Đông, chính xác Đàm Hiểu Yến sẽ tới thực tập ở trấn Hổ Môn.
“Chính là trấn Hồ Môn nơi Lâm Tắc Từ đốt thuốc phiện của Anh ấy. Hổ Môn ở ven biển, Chiêu Chiêu, lần này mình muốn đi xem biển ở Hồ Môn. Mình chưa được thấy biển bao giờ.”
Đàm Hiểu Yến vô cùng mong mỏi chuyến đi xa này. Cô và Tần Chiêu Chiêu giống nhau, lớn chừng này tuổi mà chưa từng đi quá nửa bước khỏi tỉnh Giang Tây. Sống mười mấy năm ở một thành phố nhỏ nằm sâu trong lục địa, biển xanh thăm thẳm phương xa tràn đầy hấp dẫn mời gọi những cô gái trẻ. Tiếc nuối lớn nhất là nhà cửa mới sửa sang lại đẹp đẽ được một tháng đã phải đi xa.
Mang niềm khát khao được đến với biển và tương lai rộng mở, Đàm Hiểu Yến cùng các bạn cười cười nói nói theo giáo viên hướng dẫn lên tàu nam tiến. Một đám học sinh mười sáu, mười bảy cơ hồ đều lần đầu xa nhà, mọi chuyện đều vô cùng mới mẻ. Chuyến đi thực tập xa này với họ giống một chuyến du lịch hơn.
Phụ huynh tiễn con đi phân nửa đều mang gương mặt âu sầu lo lắng, luôn miệng dặn đi dặn lại con cái những việc cần làm. Mẹ Đàm Hiểu Yến dặn cô không dưới chục lần: “Ở ngoài một mình cần tự biết chăm sóc mình nghe không? Làm việc phải cẩn thận, có chuyện gì nhớ gọi điện về nhà ngay nhé!”
“Mẹ, con biết rồi mà.”
“À đúng rồi, mẹ có gói cho con một ít đất quê mình, bỏ trong cái túi da ấy. Xuống dưới đó, nếu thủy thổ không hợp thì lấy một chén nước, pha ít đất quê mình vào, chờ đất lắng xuống, uống một ngụm nước trong là ổn.”
Đây là phong tục của thành phố này, người đi xa luôn mang theo một ít đất quê mình. Nghe nói ra ngoài không hợp thủy thổ, pha một ít vào nước uống sẽ khỏi. Phương pháp dân gian chẳng có khoa học nào chứng minh nhưng mọi người vẫn sẵn lòng tin tưởng, cha mẹ nào sắp tiễn con gái đi xa nhất định sẽ bỏ vào túi con một nắm đất quê nhà.
Đàm Hiểu Yến không đồng tình. “Gì chứ! Đất pha ra mà cũng uống được ấy ạ? Chả vệ sinh tí nào!”
“Con thì biết cái gì, người già ai ai cũng nói thế. Cứ mang một nắm đất quê mình, ra ngoài cũng an tâm hơn.”
Đàm Hiểu yến làm mặt quỷ, nhỏ giọng nói: “Mẹ chỉ mê tín!”
Tần Chiêu Chiêu đặc biệt xin nghỉ đến tiễn Đàm Hiểu Yến. Mùng Sáu Tết, trường trung học thực nghiệm bắt đầu đi học trở lại, ngày thi càng đến gần càng cần tranh thủ từng giây từng phút. Nhưng có học hành thế nào, Tần Chiêu Chiêu vẫn muốn dành chút thời gian tới tiễn bạn thân. Từ cấp hai tới nay, hai người đã quen nhau sáu năm, sáu năm thân mật khăng khít không bí mật nào không sẻ chia với nhau; đến nay Hiểu Yến sắp đi xa, Tần Chiêu Chiêu cũng cảm thấy lòng mình lưu luyến không nỡ rời.
Đàm Hiểu Yến cũng có chút buồn bực, nhưng vẫn rất mong mỏi, phấn chấn. Cô kéo tay Tần Chiêu Chiêu hứa hẹn: “Chiêu Chiêu, thi đại học xong nhất định phải đến Hổ Môn nhé, mình sẽ dẫn cậu đi xem biển.”
Đây là lời hứa tốt đẹp nhất, Tần Chiêu Chiêu gật đầu, cười. “Được rồi, năm nay nghỉ hè, nhất định mình sẽ đi Hổ Môn tìm cậu chơi.”
Tần Chiêu Chiêu hơi bất ngờ vì không thấy Cao Dương tới tiễn Hiểu Yến, nghe cô rầu rầu bảo chưa kịp báo cho anh ta biết hôm nay mình sẽ đi. Hai hôm trước anh ta gây sự đánh nhau ở một quán game, trong lúc nóng nảy đã tiện tay phang một cái ghế vào đầu đối phương khiến người ta chảy máu, bất tỉnh nhân sự. Đánh người bị thương nặng như thế, anh ta sợ hãi chạy về quê trốn một thời gian. Người không ở trong thành phố, cô cũng không liên lạc được.
Niềm mong mỏi, tò mò về cuộc sống mới tốt đẹp đang chờ đợi giúp giảm bớt nỗi u sầu ly biệt đối với một đám học sinh trẻ tuổi, người đỏ mắt nơi sân ga đa số là các bậc cha mẹ. Bọn trẻ còn háo hức nói với nhau về tương lai, tiền đồ muốn vươn tới sau này, một tương lai trong tưởng tượng xán lạn, rực rỡ.
Tàu sắp chuyển bánh, học sinh đã lên đủ, vẫy tay tạm biệt ba mẹ, bạn bè còn đứng trên sân ga trong tiếng còi vang. Không khí rặt vị chia xa, một vài phụ huynh bắt đầu cúi đầu lau nước mắt. Nhóm học sinh đi lần này cơ hồ đều là con một, là báu vật ba mẹ vất vả nuôi lớn, giờ khắc này các con rời xa vòng tay chở che của ba mẹ, một mình ngàn dặm tha hương, cha mẹ nào có thể cam lòng? Làm sao mà an tâm?
Nhìn mẹ khóc, không ít con cái cũng nước mắt ngắn dài, có nữ sinh còn khóc ầm ĩ. Giờ khắc này họ bắt đầu nhận ra, mình sắp phải rời xa gia đình ấm áp, xa trường lớp, xa cha mẹ, xa cố hương thân thuộc, một mình chơ vơ giữa Hổ Môn xa xôi ngàn dặm. Nhất thời, trên tàu dưới sân nước mắt như mưa.
Mẹ Hiểu Yến vịn tay trên kính xe, lần theo đoàn tàu chầm chậm chuyển bánh, lớn tiếng dặn dò thêm lần nữa: “Hiểu Yến, con nhớ tới nơi thì nhanh chóng gọi điện về báo bình an nhé!”
Hiểu Yến như muốn khóc: “Mẹ, con biết rồi, con đến Hổ Môn sẽ gọi điện về nhà ngay.”
Tần Chiêu Chiêu và mẹ Hiểu Yến cùng chạy theo đoàn tàu, thấy Hiểu Yến ghé mặt sát cửa kính, giây phút chia xa rõ ràng, xót xa. “Hiểu Yến, nhớ viết thư cho mình!”
“An tâm, mình nhất định sẽ viết thư cho cậu!”
Đoàn tàu kéo còi mỗi lúc một dồn dập, bánh tàu nhanh dần, mẹ Hiểu Yến vẫn cố chạy theo đoàn tàu trên sân ga, giọng nói đột nhiên nghẹn ngào: “Hiểu Yến, ở ngoài một mình, nhất định phải tự chăm sóc bản thân nghe con.”
“Mẹ…” Tiếng Đàm Hiểu Yến nức nở truyền ra.
Sân ga ly biệt, một màn biệt ly khiến Tần Chiêu Chiêu nước mắt ròng ròng.
Học kỳ cuối cùng của đời học sinh trung học, các lớp bắt đầu treo lịch đếm ngược đến ngày thi đại học. Kỳ thi tháng Bảy đối với học sinh lớp mười hai tựa như lưỡi gươm của vua Dionysius vẫn treo lơ lừng trên đầu Damocles, đem tới áp lực tâm lý cực kỳ nghiêm trọng.
Vô số cuộc thi, thi lớn thi nhỏ, thi tuần thi tháng, thi thử, thi sát hạch liền tù tì. Giáo viên nói trăm “thi” sẽ thành tay quen, luyện thi càng nhiều càng quen với tâm lý thi cử, đến khi thi thật sẽ không bị bối rối, đạt kết quả tốt hơn. Cách nói này có lý riêng của nó, chẳng qua thi cử nhiều khiến học sinh thực sự rất mệt mỏi, thành tích không ổn định, lúc cao lúc thấp. Những học sinh có thành tích giảm sút sinh ra lo âu, sợ sệt, tâm lý ngày càng khủng hoảng, suy sụp.
Lớp Xã hội 4 có một nữ sinh thành tích thi cử bị giảm một bậc, về nhà bị cha mẹ phê bình: “Rốt cuộc con bị làm sao vậy? Thành tích rớt một bậc. Xem em họ con thi tốt thế kia cơ mà, người ta còn nhỏ hơn con hai tháng mà học hành hơn con bao nhiêu. Sao con lại chẳng có tí tiền đồ nào thế?”
Nữ sinh kia vốn vì thành tích giảm sút mà mệt mỏi, lo âu, lại bị ba mẹ trách mắng như vậy thì cảm thấy thật buồn khổ, tự ti, đau đớn, tuyệt vọng… Cô trốn vào một góc khóc ầm ĩ rồi dùng dao gọt 乃út chì rạch tay. Nếu phụ huynh không sớm phát hiện ra, đưa đi cấp cứu hẳn đã mất mạng rồi.
Nhà trường nhận được tin, lập tức phong tỏa hết tin tức, không để học sinh biết và triệu tập cuộc họp phụ huynh bất thường. Nhà trường và phụ huynh cùng bàn luận tìm cách giảm bớt và kéo dãn áp lực tâm lý và gánh nặng tinh thần cho học sinh năm cuối. Rất nhiều phụ huynh lúc trước lớn tiếng quát mắng con cái nghiêm khắc khi nghe kể chuyện đều hoảng hốt, về nhà trở nên ôn hòa với con hơn rất nhiều. Những từ “không có tiền đồ” này kia đều không dám nhắc tới chỉ sợ con cái mình cũng kích động rồi nghĩ quẩn mà tự sát như nữ sinh kia.
Tần mẹ đi họp phụ huynh về, đặc biệt tìm con gái để tâm sự, dặn dò cô chỉ cần cố gắng hết sức học hành, cho dù không thể thi đỗ đại học cũng không sao, nhất định không nên đặt áp lực quá lớn lên bản thân…
Thời gian này Tần Chiêu Chiêu cũng cảm thấy áp lực gấp bội vì cô cũng bị lùi vài bậc trên bảng xếp thứ tự. Bây giờ là thời điểm mấu chốt để chạy nước rút, học sinh ai nấy liều mạng học hành, cạnh tranh khốc liệt. Cô không phải người thông minh thiên bẩm, chỉ có thể cần cù bù thông minh, cố gắng gấp bội để bù đắp cho phần kém cỏi của mình. Ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, học nhiều đến nỗi hai mắt thâm quầng nhưng kết quả cuộc thi gần đây nhất vẫn rớt một bậc. Cô không khỏi lo âu: tại sao cố gắng tới vậy vẫn không thể theo kịp mọi người? Chẳng lẽ mình ngu ngốc đến mức đó sao?
Nỗi lo âu của cô không biết phải nói với ai, Đàm Hiểu Yến đi rồi, cô không còn bạn bè nào có thể tâm sự mọi chuyện được nữa. Đương nhiên cô vẫn thư từ qua lại với Đàm Hiểu Yến, nhưng thư của Hiểu Yến cũng ngập đầy những thất vọng về kỳ thực tập. Cái gọi là thực tập mà nhà trường sắp xếp cho các cô thực chất là làm công nhân may trong một khu công nghiệp ở Hổ Môn. Xưởng làm việc hết sức đơn điệu, buồn tẻ, công việc lại vất vả, ngày nào cũng làm việc từ tám giờ sáng đến sáu giờ tối chỉ được nghỉ trưa một tiếng đồng hồ, buổi tối lắm khi còn phải tăng ca. Thành phẩm sản xuất ra đưa đi tiêu thụ khắp nơi, ông chủ thu lãi lớn nhưng tiền lương “thực tập sinh” của họ thì ít đến thảm thương, một giờ tăng ca được có hai đồng.
Học sinh mười mấy tuổi đầu vừa mới ra đời, lần đầu nếm khổ sở như vậy, chịu được mấy ngày đầu tiên đã khóc sướt mướt, nhớ nhà đòi về. Giáo viên hướng dẫn đưa mọi người tới đây nói, đây là nơi thực tập được nhà trường thỏa thuận sắp xếp sẵn, trường chọn đơn vị thực tập này đã là tốt lắm rồi. Tuy tiền công thực tập và tăng ca thấp một chút nhưng có còn hơn không. Học sinh vừa ra trường, tay nghề, trình độ thiết kế thời trang chưa tới đâu còn muốn thế nào nữa? Làm gì có chuyện vừa mới tốt nghiệp đã có văn phòng cho bọn họ khoan khoái, thoải mái ngồi bàn giấy thiết kế chứ?
“Phàm là việc gì cũng từ từ mời tới được. Các em phải học từ đầu, chưa cần cố nhảy cao chạy xa làm gì. Việc thực tập các em nhất định phải tham gia, nếu không sẽ bị treo bằng tốt nghiệp.”
Treo bằng tốt nghiệp quả đúng là đòn sát thủ, khiến phần lớn học sinh phải chịu uất ức ở lại thực tập, chỉ còn một số ít không quan tâm mà bỏ về. Họ chịu khổ không nổi, gọi điện về nhà khóc lóc kể lể, khiến ba mẹ đau lòng vạn phần. “Không tốt thì con về nhà đi, ngàn vạn lần không cần gắng gượng làm gì, đừng để hại tới bản thân.”
Đàm Hiểu Yến vẫn ở lại, mỗi lần gọi điện về nhà cô cũng không hề nhắc tới chuyện một ngày phải làm việc vất vả mười mấy tiếng liền, luôn nói chuyện vui, không bao giờ đả động tới chuyện không hay, chỉ đến khi viết thư cho Tần Chiêu Chiêu mới dám kể những chuyện này.
“Chiêu Chiêu, làm công nhân thật sự rất vất vả. Mỗi ngày mình phải làm mười mấy tiếng liền, về ký túc xá là nằm bẹp luôn. Đến Hổ Môn bao lâu rồi mà mình vẫn chưa biết biển ở đâu. Ngày nào cũng phải đi làm, ngày nào cũng phải tăng ca. Có thời gian rảnh cũng chỉ đủ đi dạo trong khu công nghiệp, chẳng biết bao giờ mình mới ra ngoài đi ngắm biển được.”
Đàm Hiểu Yến cũng có bao nhiêu nỗi khổ thầm kín, Tần Chiêu Chiêu không dám mang thêm vấn đề của mình ra làm phiền cô nữa, trong thư chỉ nói tới chuyện của Cao Dương.
Người bị Cao Dương đánh trọng thương ở tiệm game được đưa tới bệnh viện mấy ngày, cuối cùng bác sĩ tuyên bố không thể cứu được nữa. Vụ này bỗng dưng thành to chuyện, từ tội hành hung gây thương tích đột nhiên thành tội Gi*t người. Trong sổ của cảnh sát, Cao Dương vốn bị quy vào dạng thanh niên bất lương, lần này mắc vao vụ án này, cảnh sát ra quân giăng thiên la địa võng bắt bằng được anh ta, nghe nói ít nhất cũng bị phán tử hình treo[1].
[1] Án phạt tử hình nhưng chưa lập tức thi hành, sau khi bị tuyên án, bị cáo sẽ thực hiện hai năm tù cải tạo lao động và xem xét kết quả.
Chuyện Cao Dương cố tình hành hung người khác đến tử vong phải đi tù trở thành một vụ án điển hình về tội phạm thanh thiếu niên được đăng lên báo ở thành phố. Đối với một thành phố nhỏ bé còn chú trọng an ninh trị an, những vụ án Gi*t người lớn như thế này không có nhiều, đặc biệt lần này thủ phạm lại là một nam sinh chưa đầy mười chín tuổi, đương nhiên sẽ trở thành một vụ việc nổi bật đáng được đưa tin.
Tần Chiêu Chiêu nghe tin này, thẫn thờ chấn động mất nửa ngày. Gi*t người… Cô vốn tưởng chỉ trong phim mới thấy cụm từ máu me, khủng bố này, chẳng liên quan gì tới thế giới cô sống, những người cô quen. Vậy mà giờ đây, chính Cao Dương trở thành kẻ sát nhân. Cô vẫn còn nhớ rõ lắm, nam sinh rắn rỏi, thẳng thắn kia vốn không phải người xấu, tại sao đột nhiên hóa thành kẻ sát nhân? Nghe nói tối đó ở quán game, anh ta chỉ cãi nhau qua loa với người kia, sau đó dẫn tới xô xát, anh ta không nghĩ ngợi gì, vung cái ghế nện cho đối phương một cái. Chính là, nện một cái, từ nay vạn kiếp bất phục.
Đàm Hiểu Yến nhận được thư, hồi đáp rất nhanh, trong thư đầy khi*p sợ và cảm khái, cuối thư còn viết:
“Chiêu Chiêu, mình chưa từng nghĩ mọi chuyện có thể ra nông nỗi này. Vốn cha mẹ anh ấy đã nhờ người giới thiệu cho anh ấy đi làm ở một đại lý xe rồi, anh ấy còn nói với mình đi làm rồi nhất định sẽ không sinh sự, đánh nhau với người ta nữa. Vậy mà giờ… Thế sự quả thật khó lường!”
Thế sự khó lường! Mười tám tuổi, Tần Chiêu Chiêu và Đàm Hiểu Yến lần đầu tiên nhận thức được bốn chữ “thế sự khó lường”. Một thanh niên hào hiệp, phong nhã như Cao Dương đột nhiên trở thành tù nhân chính là ví dụ sắc nét nhất cho bốn chữ này.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc