Phần ba: THANH XUÂN KHỜ KHẠO
(1997 – 2000)
Thích một người mà không dám nói ra, là chua xót lẫn ngọt ngào, là hạnh phúc lẫn tổn thương, biết rõ cuối cùng không có kết quả nhưng vẫn không thể ngừng mê đắm.
Chương 1
Tháng Chín khai giảng, Tần Chiêu Chiêu như ý nguyện bước qua cánh cửa lớn của trường trung học thực nghiệm.
Cô được phân vào lớp 10.2, nhìn vào danh sách học sinh lớp, thấy tên Kiều Mục, lòng cô dấy lên một thứ cảm giác là mừng hay sợ cũng không thể diễn tả bằng lời. Lần đầu tiên trong đời, cô có cảm giác trên đời thật sự có thần linh. Có phải họ nghe thấu những lời nguyện cầu của cô nên mới giúp ước nguyện thành sự thật?
Vào tới phòng học, liếc mắt nhìn học sinh đầy lớp liền thấy ngay Kiều Mục đang thân mật trò truyện với vài người. Sơ mi trắng tinh, tóc ngắn gọn ghẽ, khuôn mặt thanh tú bừng lên dưới ánh mặt trời tỏa ra một vẻ rạng rỡ, huy hoàng.
Kiều Mục giống mẹ, dung mạo không quá xuất sắc nhưng đứng giữa đám đông lại rất nổi bật, liếc mắt là có thể nhận ra. Họ mang tới một cảm giác mới mẻ, rực rỡ vượt xa những thứ “xinh đẹp”, “mỹ mạo” tầm thường. Thứ cảm giác ấy ta vẫn gọi là “rất ý vị”, nhà văn thường xưng tụng là “có khí chất”.
Liếc mắt thấy người, trái tim Tần Chiêu Chiêu liền đập thình thịch. Cô tùy tiện ghé vào một chiếc bàn trống nhưng tầm mắt vẫn mải miết đuổi theo bóng dáng Kiều Mục bên cửa sổ. Cậu bạn đang vui vẻ trò chuyện với bạn bè, không hề để mắt thấy cô. Nhìn họ nói chuyện cũng biết cấp hai bọn họ học chung trường, giờ cùng nhau lên thẳng cấp ba.
Chuông vào lớp vang lên, mọi người lục tục ngồi vào chỗ. Giáo viên chủ nhiệm vào lớp, buổi học đầu tiên phải điểm danh nhận diện học sinh trước, gọi đến tên ai người đó sẽ đứng lên hô một tiếng “có” rồi tự giới thiệu về bản thân.
Lúc giáo viên gọi đến tên Tần Chiêu Chiêu, cả lớp bất giác hướng về phía cô, ngay đến Kiều Mục cũng quay đầu lại, thấy người quen quen không khỏi ngẩn người, sau đó tựa hồ nhớ ra cô là ai bèn gật đầu khẽ cười.
Cô đột nhiên căng thẳng. “Mình… mình tên là… là Tần Chiêu Chiêu, mình… mình…”
Còn bao nhiêu lời muốn nói mà không soa nói ra được, cô đỏ mặt, cắn chặt môi, vạn phần quẫn bách, chỉ biết đứng như trời trồng giữa lớp. Vài người ngồi dưới bật cười ha ha, giữa những tiếng cười cô nghe thấy một câu không to không nhỏ chem. Vào: “Oái, bạn này nói lắp à?”
Ngữ điệu, dùng từ cũng không đến mức đùa cợt ác ý nhưng rõ ràng là có thừa chế giễu. Tần Chiêu Chiêu giật mình, theo phản xạ nhìn lại thấy một nữ sinh phong cách ăn mặc rất là Tây, là người vui vẻ tán gẫu với Kiều Mục lúc trước.
Mới ngày khai giảng đã bị người ta giễu cợt ngay trước mặt Kiều Mục, Tần Chiêu Chiêu mất mặt không để đâu cho hết, chỉ biết im lặng cúi đầu, cắn chặt môi, hai mắt rơm rớm đỏ hoe.
Giáo viên chủ nhiệm thấy tình hình không ổn, mới ngày đầu lên lớp đã có học sinh khóc lóc thật không hay liền bảo cô ngồi xuống, gọi tên một học sinh khác. Mọi người lần lượt đứng lên, hào hứng giới thiệu bản thân, Tần Chiêu Chiêu đặc biệt nhớ cái tên “Lăng Minh Mẫn” – chính là nữ sinh ban nãy buông lời trêu chọc cô.
Tần Chiêu Chiêu vốn nghĩ chỉ cần vào được trường trung học thực nghiệm sẽ tới được gần Kiều Mục hơn. Nhưng tới giờ cô vô cùng thất vọng nhận ra khoảng cách giữa mình và Kiều Mục hình như còn xa vời hơn trước kia – gần trong gang tấc mà xa tận chân trời.
Bạn cùng lớp của Tần Chiêu Chiêu rất nhiều người có gia cảnh tốt, đa số mọi người đều là con cán bộ chức vụ cao ở các cơ quan nhà nước, chẳng trách người trong thành phố đều nói trường trung học thực nghiệm cũng gần như trường dành cho con em cán bộ.
Cứ nhìn Lăng Minh Mẫn sẽ thấy, ba cô là cán bộ Phòng Công thương thành phố, mẹ làm ở công ty bảo hiểm; ông bà ngoại là lão thành cách mạng, công tác trong quân đội đến tận khi về hưu, giờ đã lánh xa nhiệm sở, yên tĩnh tận hưởng tuổi già. Cậu và các bác đằng ngoại đều là bộ đội phục viên chuyển ngành, người làm ở Viện kiểm sát, người là viên chức cục thuế, đều là những nơi rất khá. Nhìn gia cảnh Lăng Minh Mẫn, Tần Chiêu Chiêu mới thực sự hiểu được cái gọi là “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Nữ sinh trung học không được trang điểm nhưng kem dưỡng da thì vẫn có thể dùng. Hết giờ học, các bạn trong lớp sôi nổi bàn luận xem dùng kem hiệu nào thì tốt. Lăng Minh Mẫn khen: “Mùa hè mình dùng kem Hazeline, mùa đông chuyển sang Olay. Hai loại này dùng rất tốt.”
Giáo viên chủ nhiệm xếp lại chỗ ngồi cho cả lớp. Tần Chiêu Chiêu được chuyển tới bên phải, cùng tổ với Lăng Minh Mẫn, vì thế những lời nói của cô ấy dẫu không muốn nghe vẫn lọt vào tai Chiêu Chiêu. Cô căn bản không hiểu cái gì gọi là Hazeline hay Olay, bình thường cũng không dùng kem dưỡng da, chỉ đến mùa đông lạnh giá mới bôi một ít kem hiệu Úc Mỹ Tịnh (1), nhưng loại kem này rất rẻ, chỉ một hào một túi nhỏ. Sau này, có lần thấy kem dưỡng Olay ở iteemj bách hóa, một lọ nhỏ xíu giá vài chục đồng, cô liền đơ người đứng nhìn khung kính, đến khi nhân viên tiệm đi tới hỏi cô có muốn xem loại nào, cô bèn quay mặt, nhanh chóng đi thẳng.
(1). Một nhãn hiệu sản phẩm chăm sóc da của Trung Quốc.
Mọi người thường mang điểm tâm tới lớp ăn, Lăng Minh Mẫn cũng không ngoại lệ. Thông thường bạn bè sẽ mang theo bánh mì hoặc bánh ngọt, những thứ này Tần Chiêu Chiêu chỉ nhìn thôi đã thấy ngon lành lắm rồi. Đồ ăn của cô nếu không phải là cơm và đồ ăn thừa hôm trước rang lên thì cũng là hai cái bánh bao mua ở hàng ăn sáng.
Tiền mua bánh mì đủ để mua bánh bao mấy ngày, Tần Chiêu Chiêu không nỡ mang tiền ăn mấy ngày tiêu trong một lúc vào những món xa xỉ như thế.
Đồ ăn sáng của Lăng Minh Mẫn thường là một hộp sữa và những hộp đồ ăn được đóng gói rất đẹp nghe nói mua trong tiệm siêu thị. Cô nói: “Mẹ mình không cho ăn linh tinh ở mấy quán nhỏ vì không sạch sẽ tí nào.”
Ngày ấy, hai chữ “siêu thị” vẫn còn xa lạ với hầu hết người dân tỉnh lẻ, muốn mua đồ gì người ta chỉ đến cửa hàng kêu nhân viên ở đó lấy cho mà có thể tự do chọn lựa, cảm giác rất tiện lợi. Thế nhưng siêu thị thường chỉ bán đồ ăn vặt và các loại đồ gia dụng, giá cả cũng không hề rẻ, dân thường có vào cũng chỉ xem cho vui rồi đi ra, muốn mua đồ gì họ sẽ tìm tới các cửa hàng bán buôn ở phía tây thành phố chứ không phí tiền mua ở đây. Đến tận vài năm sau, khi các cửa hàng “one stop shopping (2)” cỡ lớn rục rịch mọc lên với hàng loạt những quầy hàng hải sản, hoa quả, đồ may mặc, thiết bị gia dụng chung ở một nơi kèm phương châm “giá cả ổn định” thì siêu thị mới thực sự phổ biến, trở thành một nơi thuận tiện mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
(2). Cửa hàng một cửa, tập trung nhiều quầy hàng nhỏ, chỉ cần dùng chân một lần là đủ thỏa mãn nhu cầu.
Cho nên ngày đó, Tần Chiêu Chiêu lần đầu tiên nghe tới chuyện đến siêu thị mua đồ ăn sáng. Mà đồ ăn Lăng Minh Mẫn mang theo đúng là rất sạch sẽ, vệ sinh, một hộp giấy nhỏ chia sáu ngăn, mỗi ngăn có một miếng bánh ngọt bọc trong túi nhỏ. Lăng Minh Mẫn cũng thường mang đồ ăn tới rồi kêu Kiều Mục ngồi sau ăn cùng.
Trong lớp, Kiều Mục không kết thân với nhiều người vì tính cách cậu có phần nhã nhặn, yên tĩnh, không thích đám nam sinh ồn ào, cũng không thích ngồi chung với các bạn nữ nói nói cười cười. Tất nhiên, Lăng Minh Mẫn là ngoại lệ. Hai người quen nhau từ hồi cấp hai nên thân thiết hơn những người khác. Lớp có hai mươi mấy nữ sinh, Kiều Mục gặp ai cũng chỉ gật đầu mỉm cười, lịch sự chào hỏi nhưng chỉ nói chuyện phiếm với Lăng Minh Mẫn, cũng chỉ ăn những thứ Lăng Minh Mẫn mời. Ngược lại, nếu cậu mang cái gì ngon cũng chỉ mời Lăng Minh Mẫn. Trong lớp ai cũng biết hai người họ thân nhau.
Một hôm, Tần Chiêu Chiêu ở lại trực nhật sau giờ học, nhìn thấy vỏ hộp đồ ăn sáng Lăng Minh Mẫn bỏ vào trong sọt rác, cô tò mò nhặt lên xem, thấy trên vỏ bánh đẹp đẽ in hình một tiếng bánh trứng vàng ươm, còn cả giá của siêu thị là chín đồng tám, vỏ hộp sữa cũng in giá hai đồng rưỡi. Riêng đồ điểm tâm đã hết hơn mười đồng, Tần Chiêu Chiêu ngẫm lại cơm rang với bánh bao hai hào của mình, trong lòng dâng lên một nỗi niềm khó nói thành lời. Cô vứt vỏ hộp xuống đất, còn tiện chân đạp cho nó hai cái.
Đi học, học sinh sẽ tự mang nước tới tường, nhất là những ngày có tiết Thể dục. Tần Chiêu Chiêu vẫn thường dùng chiếc bi-đông quân dụng màu xanh của ba để đựng nước mang đi học. Bi-đông vừa nặng vừa to nhưng bền vô cùng, mười mấy năm trời, ngoại trừ lớp sơn xanh đã bị tróc loang lổ thì cái bi-đông vẫn rất tốt. Hồi còn học cấp hai, chiếc bi-đông thế này là chuyện rất bình thường vì đa số học sinh trong lớp đều có gia cảnh rất bình thường, những nhà khá giả nhưng Chung Na rất hiếm có bạn còn dùng bình đựng nước truyền dịch rửa sạch đi để đựng nước. Nhưng vào trường thực nghiệm, cô nhận ra các bạn không ai mang theo bình nước, phần lớn các bạn chỉ mang theo một chai nước khoáng.
Lần đầu tiên Tần Chiêu Chiêu được thấy nước khoáng là hồi học cấp hai, thấy Chung Na mang theo trong giờ Thể dục. Trước kia, cô vẫn ngỡ những loại nước đóng chai thế này đều là nước ngọt có gas. Lúc trước cũng ba mẹ đi đám cưới nhà đồng nghiệp hoặc bạn bè, cô vẫn thấy có một bình rượu hoặc một chai nước ngọt lớn trên bàn chia mỗi người một ly. Cô rất thích uống loại nước ngọt này, màu sắc vàng óng và mùi vị thơm ngọt giống cam tươi, chua chua ngọt ngọt rất ngon, còn mẹ cô thường sẽ để dành cốc của mình cho cô uống. Có điều, nước trong chai này cũng trong suốt, chẳng khác gì nước bình thường. Tại sao lại trong suốt như nước vậy? Trong như thế thì có vị chua chua ngọt ngọt hay không?
Đến khi Chung Na hào phóng mời cô uống một ngụm, điểm nghi hoặc này mới thật sự tiêu tan.
Uống một ngụm, Tần Chiêu Chiêu vẫn không tin vào đầu lưỡi mình, bèn tu thêm một miếng lớn nữa, vẫn chẳng có vị gì, chẳng khác gì nước đun sôi mẹ vẫn rót vào bi-đông cho cô. Tới giờ cô mới hiểu rằng không phải tất cả nước đóng chai bán trong cửa hàng đều là nước ngọt. Nước khoáng đóng chai cũng chỉ là nước mà thôi, chẳng khác gì nước đun sôi để nguột nhàn nhạt ở nhà, có chăng khác biệt là nước máy đun dôi một hào một khối còn nước đóng chai thì một đồng rưỡi một chai vì người ta nói nước này là nước khoáng thiên nhiên, tinh khiết không ô nhiễm.
Những người cô quen biết ở Trường Cơ chẳng có ai có thể bỏ một đồng rưỡi ra mua một chai nước uống, tiết kiệm chừng đó tiền nước có thể tiết kiệm được mấy khối nước rồi, mà giữa đường nếu có khát nước, ghé quán uống một cốc trà mát lạnh cũng chỉ hết một hào mà thôi.
Nhiều năm sau, Tần Chiêu Chiêu có nghe một tiết mục hài nói của nghệ sĩ Quách Đức Cương. Ông diễn một người nghèo có tiền liền đi mua nước khoáng, than thở: “Ta đây phải xem xem cái nước khoáng này mùi vị ra sao.” Nói rồi, ông đưa tay giả vờ uống thử một ngụm, nước vừa tới miệng liền phun ra. “Phì, cũng chỉ là nước trắng mà thôi.”
Người xem bật cười ầm trời, hết đợt này đến đợt khác. Chính Tần Chiêu Chiêu cũng cười, nhưng cười xong trong lòng lại có vài phần chua xót. Dư vị này giống như minh chứng cho những năm tháng ấu thơ túng quẫn mà cô đã trải qua.