Hoa Giấy Bên Mộ Bà Sáng thứ hai luôn là ngày nhộn nhịp nhất trong lớp, vì sau một ngày nghỉ tụi bạn sẽ xúm lại trò chuyện về ngày chủ nhật của mình. Tuy đã là lớp 12 và bài vở thì chất chồng như núi nhưng không đứa nào quên cái bổn phận ăn chơi đã ăn sâu vào máu.
Thế mà hôm nay lớp chợt im lìm vì vắng mất Lệ Mai. Bà cô ấy vừa qua đời. Bỗng dưng tôi thấy thương cô ấy hơn bao giờ hết.
Tôi chợt nhớ đến ngày bà ngoại mất tôi cũng đã hụt hẫng rất lâu. Lúc tôi còn đang trên lớp thì nghe tin bà mất vì đột tử, ba tôi rước tôi về lúc đến nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng vào hư vô.
Từ đó tôi không còn ngoại.
Bà ngoại khi sống ở không xa nhà chúng tôi lắm, ngoại ở với dì và dượng tôi. Tôi và Phát vẫn thường hay về đó thăm ngoại lúc cuối tuần. Ngoại là người dạy chúng tôi cách làm bánh bông lan, dạy tôi cách bới tóc theo kiểu mấy người xưa. Ngoại là người truyền lửa cho thế hệ chúng tôi tin và yêu những người làm cách mạng, những người đã ngã xuống vì thế hệ tương lai.
Ngoại kể cho chúng tôi nghe về những ngày chiến tranh bom đạn, về ông cụ ngoại đã hy sinh trong trận chiến khốc liệt năm nào.
Tôi cũng không quên ngoại là người vun trồng bên mộ ông cụ ngoại và ông ngoại những khóm hoa giấy với lời răn dạy rằng ông cụ ngoại và ông ngoại đều là những người tâm đức.
Lúc ấy tôi không hiểu hai chuyện đấy thì có liên quan gì với nhau, nhưng khi mẹ tôi trồng cây hoa giấy xanh ươm bên mộ ngoại tôi mới hiểu được rằng, người yên nghỉ dưới lòng đất cạnh những cây hoa giấy là những người từng sống rất có hậu.
Mẹ nói ngày ông ngoại mất, chính tay bà đã dắt mẹ vun vén cho cây hoa giấy cạnh mộ ông và nói với mẹ điều đó. Với hy vọng dù ông đã ra đi, nhưng trong mắt mẹ, ông vẫn là một người tốt, dạy mẹ cách khắc ghi lòng biết ơn ấy vào sâu trong lòng. Và nhắc mẹ rằng mỗi lần nhìn đến những chùm hoa giấy ngày ngày tháng tháng vẫn vươn lên nảy nở mãnh liệt kia, mẹ sẽ chẳng thể nào quên được ông ngoại, người đã dành cả đời yêu thương chăm sóc mình.
Cũng như tôi, chẳng thể nào quên đi tình thương bao la mà ngoại đã dành hết cho mình. Ngày nào tán hoa giấy ấy còn vươn mình vượt qua những ngày mưa hay nắng, ngày ấy tôi vẫn còn nhớ rằng, chính tay tôi đã đặt cây hoa ấy bên mộ ngoại để mọi người hiểu được tấm lòng của bà trước lúc ra đi.
Những cánh hoa ấy vẫn đơm hoa rực rỡ, chúng không bị khuất phục bởi những ngày nắng chói chan, hay những ngày mưa dầm thối đất. Chúng đơn thuần vượt lên trên hết thảy, để tỏa hương sắc thắm cho đời.
Giống như những người đã ra đi. Dù họ không còn nữa, nhưng những điều tốt đẹp họ để lại vẫn thấm vào lòng người. Như ngoại đã khiến tôi tin và hiểu rằng, người luôn sống mãi như những đóa hoa đang buông mình trước gió kia.
Không bao giờ tàn...
Đang ngẩn người thì Tính khều khều tôi, tôi giật thót mình mới nhận ra cả giờ ra chơi tôi chỉ ngồi đây suy nghĩ vẫn vơ, cả Phát cũng đi đâu mất rồi.
“Gì vậy?” Tôi trố mắt nhìn Tính, hắn ta có bao giờ nói chuyện với tôi đâu.
“Có người tìm cậu kìa!” Cậu ta nói rồi quay người đi mất.
Tôi nhìn ra cửa sổ, chợt thấy nhói lòng. Thành đang đứng đó. Chiếc áo sơ mi trắng viền xanh với vạt áo để ra ngoài có vẻ biếng nhác, tóc anh ấy hơi rối vì lớp tôi học trên lầu, mùa này thì gió nhiều quá.
Tôi nhìn anh ấy chăm chăm, đến khi anh quay đầu lại bắt gặp ánh mắt tôi, tôi mới thấy mình sao lại làm một việc quá lố như thế chứ. Anh ấy ngoắc tôi ra ngoài hành lang, tôi ngoan ngoãn vuốt lại áo váy cho thẳng rồi đi ra trong khi tim tôi vẫn đập điên cuồng trong Ⱡồ₦g иgự¢.
Tôi đến đứng cạnh anh, lòng không ngừng rủa thầm Phát. Tại sao cậu ấy lại đi mất trong giờ phút này cơ chứ. Làm sao tôi có thể hiên ngang đứng trước mặt Thành mà xem như hai người bạn bình thường đây?
“Em gửi đơn xin phép cho giáo viên chủ nhiệm giúp Mai nhé! Anh tìm Phát mà không được, may mà còn có em.” Anh ấy nói, nụ cười như tỏa nắng làm tôi quên mất phải trả lời anh thế nào.
Tôi vô thức nhận tờ đơn xin phép trong tay anh, cảm thấy mặt mình nóng ran lên và muốn biến mất luôn cho rồi.
“À khi nào thì cô ấy đi học lại?” Tôi cố nặn ra một nụ cười coi được nhất rồi hỏi anh.
“Chắc khoảng hai ba ngày, vì bà cô ấy mới mất. Em có muốn cùng đi viếng với anh không?”
Tôi nghĩ dù sao thì cô ấy cũng đối xử với tôi rất tốt, thôi thì tôi đến an ủi cô ấy cũng tốt.
“Dạ, được ạ. Em sẽ cùng Phát đến, nhưng mà em không biết nhà cô ấy đâu.”
“Chiều nay ba giờ anh đợi tụi em ở trường.”
Thành chào tạm biệt tôi rồi về lớp, nhìn anh khuất xa nơi cuối hành lang tôi mới thấy mình thở đều trở lại được. Anh không phải là một con người khó gần như tôi vẫn hằng nghĩ, nhưng nếu cứ gần anh như vậy tôi sẽ càng ngày càng lún sâu vào mớ tình cảm hỗn độn này.
Chiều Phát không đi được, tôi phải đi một mình với Thành. Tôi hơi căng thẳng, thằng nhóc Huy nó thấy tôi hoang mang nó cứ nghĩ là tôi sợ phải đến đám tang. Nhưng sự thật đâu có đơn giản thế.
“Chị không cần phải lo lắng, cứ ăn mặc cho thẳng thớm vào. Đừng mặc mấy cái áo rộng phùng phình nữa, mặc một chiếc áo sơ mi thôi. Vào đó thì chào hỏi người ta lễ phép là được, đừng cười to, đừng nói chuyện lớn tiếng... bla... bla...”
Tôi thấy nó càng ngày càng lảm nhảm cứ y như ba tôi, tôi không biết nó có xem tôi là chị hai nó hay không nữa.
Nếu Phát không phải đi với ba cậu ấy thì tôi đâu ra nông nỗi này. Giờ phút này tôi mới ý thức được rằng hóa ra trước giờ tôi luôn cùng ra ngoài với cậu ấy, hoặc là lúc nào cậu ấy cũng ở bên tôi. Không có cậu ấy, tôi cảm thấy không an toàn, như đôi chân tôi không thể nào chạm đất được vậy.
Hình như tôi đã phụ thuộc vào cậu ấy quá nhiều rồi!
Đúng ba giờ nhóc Huy đạp xe chở tôi ra trường. Tôi thấy Thành đã đứng đó, anh dựa vào lưng vào gốc bằng lăng, dáng người cao to không lẫn vào đâu được.
“Hey, chào anh.” Thằng nhóc Huy vẫy tay chào Thành, anh nhận ra chúng tôi nên tiến lại gần hơn.
“Chào, cậu là...” Thành ngập ngừng, dường như anh ấy hoàn toàn không nhận thấy điểm giống nhau của hai chị em tôi.
“Em là em trai chị Mây, anh là anh Thành đúng không?” Thằng nhóc Huy rất lanh lợi, nó giành hết kịch bản của tôi rồi.
“Vậy mà anh cứ tưởng em là anh trai cô ấy.”
“Ha ha...” Nhóc Huy cười nghiêng ngả. Mỗi khi ai nói chúng tôi là anh em nó đều cười như vậy.
Nó ra về còn dặn Thành đưa tôi về tới nhà, đợi nó ra mở cửa rồi mới được về, tôi thấy nó dặn vậy có phần hơi quá. Nhưng có lẽ là nó sợ... tôi hiểu nó nghĩ gì, nhưng vậy mà Thành cũng đồng ý. Tôi chỉ sợ Thành nghĩ về tôi như một đứa con nít chưa lớn.
“Em đang nghĩ gì vậy?” Thành hỏi, nhìn lại mới thấy chúng tôi đến nơi rồi.
Tôi xuống xe, cởi mũ bảo hiểm ra rồi cười cười, “Hì hì không có gì hết.”
Chúng tôi vào nhà Mai, khu nhà nằm giữa phố xá đông đúc. Không như nhà tôi và Phát chỉ là một khi đất trống với những mảnh đất người ta đang rao bán nên khá vắng vẻ.
Tôi thấy người rất đông, nhưng không nhìn thấy Mai. Người phát hiện ra Thành là một người phụ nữ trung niên, tôi nghĩ là mẹ của Mai, tôi cúi đầu chào bà ấy rồi bà dẫn hai chúng tôi đến bàn ngồi.
Mai đi ra ngồi với chúng tôi, chỉ mới một ngày mà tôi thấy cô ấy tiều tụy hẳn đi, đôi gò má hóp lại và hai mắt sưng húp, thâm quầng. Tự dưng thấy thương cô ấy quá!
“Cậu đừng buồn nữa.” Tôi vén tóc cô ấy lên, dường như cô ấy đã ốm đi nhiều rồi.
Thành cũng vỗ vai cô ấy, tôi thấy hai người ấy thân mật trái tim tôi như đau thắt lại.
Tôi thật sự ghen tị với cô ấy, tôi ghen với cô ấy ૮ɦếƭ đi được, nhưng tôi còn biết làm gì nữa? Tôi nuốt mọi uất ức vào tim. Tôi muốn khóc quá.
Mai nhìn tôi, “Cậu làm gì vậy? Sao lại khóc? Khờ quá, mình không sao đâu.”
Rồi cô ấy mỉm cười, tôi càng thấy mình sắp trở thành con ác quỷ hai mặt rồi.
“Biết vậy anh đã bỏ em ở nhà rồi.” Thành xoa đầu tôi như chúng tôi thật sự rất thân thiết, như anh đối với tôi cũng trìu mến như Mai vậy.
Chúng tôi ngồi một lát, vào thắp hương rồi xin phép ra về. Chúng tôi không muốn làm phiền Mai quá lâu, khách khứa đông đúc quá mà cô ấy không thể ở mãi với chúng tôi được.
Tôi và Thành ra về lúc bốn giờ rưỡi. Thành nhìn thời gian vẫn còn sớm nên dẫn tôi đi ăn ở KFC. Tôi muốn từ chối nhưng trái tim tôi không cho phép. Tôi cứ muốn lại gần anh, gần như vậy, gần mãi.
“Em đừng nói với anh ngay cả cắt gà rán em cũng không biết làm nha?”
Thấy tôi loay hoay cầm con dao, Thành cười tươi như hoa trêu chọc tôi.
“Em...” Tôi không biết trả lời thế nào, vì mọi khi tôi ăn đều do Phát cắt ra từng miếng nhỏ cho tôi. Cậu ấy tỉ mỉ gỡ từng khúc xương nhỏ ra cho tôi nữa.
“Bình thường đều do Phát làm cho em ăn, đúng không?” Thành vừa nói vừa đổi cái đĩa đã cắt sẵn cho tôi. Tôi thấy anh cười hơi cô đơn, tôi chớp mắt nhưng hóa ra mình nhìn nhầm.
“Có lẽ là em đã quen rồi.” Dường như tôi đã phụ thuộc vào Phát quá lâu và quá sâu rồi. “Cậu ấy lớn lên cùng em, không ai chơi cùng nên coi em như em gái thôi.”
Thành mím môi không nói gì, tôi cũng bắt đầu ăn. Tuy Thành không tỉ mỉ gỡ hết xương ra như Phát nhưng miễn là Thành làm là tôi cảm thấy ngon rồi.
Vừa về tới tôi đã thấy Phát và nhóc Huy ngồi trên ghế đá sát hàng rào. Chiếc ghế đá nối liền hai bờ tường lại với nhau. Nhà tôi và cậu ấy chẳng có với nhau chung thứ gì ngoài cái băng ghế đá ấy.
Nhóc Huy thấy tôi về nên lon ton chạy lại, Phát cũng đi sau lưng nó.
“Cám ơn anh đã đưa chị em về.”
Thành mỉm cười với Huy. “Không có gì, em đừng nói vậy.”
Phát vỗ vỗ vai Thành, “Cho em gửi lời hỏi thăm đến cô ấy.”
Thành về rồi, ba chúng tôi vẫn còn ngồi trên ghế đá trước nhà. Tôi vẫn như người trên mây mới xuống, cảm giác Thành mang lại vẫn chưa tan đi được trong tôi.
Ngồi đó, nghe thằng nhóc Huy kể lể về đội bóng đá trong trường, với ông thầy thể dục đầu hói và những đồng đội rởm của nó, lòng tôi cũng bình tĩnh lại được đôi chút. Phát hôm nay có vẻ trầm ngâm, tôi lấy tay chọt chọt vào eo cậu ấy. Cậu ấy vẫn không động đậy. Bình thường tuy không nhột nhưng vẫn cố vờ nhột cho tôi vui cơ mà.
“Cậu sao vậy?” Tôi khẽ hỏi.
Gió lùa qua kẽ tóc. Từng đợt gió cứ mơn man làm tôi hít sâu tận mấy lần để ôm trọn cơn gió ấy vào người.
Cứ tưởng Phát lờ tôi đi hay cậu ấy mải lo suy nghĩ mà không nghe rồi, nhưng mất một lúc sau tôi mới nghe cậu ấy trả lời lại: “Không sao.”
Nếu có ai đó nói với bạn hai từ “không sao”, có nghĩa là họ có sao, rất có sao là đằng khác. Nhưng phải tận rất lâu sau này tôi mới biết được, hai từ ấy thốt ra từ miệng Phát có nghĩa là cậu ấy buồn và tổn thương rất nhiều. Vì tôi.