Những Bí Quyết Giao Tiếp Tốt - Chương 07

Tác giả: Larry King

NHỮNG KHÁCH MỜI THÚ VỊ NHẤT VÀ CHÁN NHẤT CỦA TÔI, VÀ LÝ DO VÌ SAO
• Bốn yếu tố tạo nên một người khách thú vị
• Những người khách mà tôi sẽ không mời lại
• Bạn học hỏi được gì từ những người khách thú vị nhất và chán nhất
Cứ mỗi lần làm MC trong một dịp nào đó thì tôi lại được người ta kéo lại và hỏi rằng: “Larry này, ai là khách mời thú vị nhất, ai là khách mời chán nhất trong chương trình Larry King Live vậy?” Trong chương này tôi sẽ trả lời bạn câu hỏi đó. Và có thể các bạn cũng thấy nhiều điều để học cách nói chuyện hay hơn
NHỮNG YẾU TỐ NÀO TẠO NÊN MỘT NGƯỜI KHÁCH THÚ VỊ?
Tôi đánh giá sự cuốn hút và thú vị của một người khách theo bốn tiêu chuẩn. Dựa vào những tiêu chuẩn này và cộng thêm yếu tố thời sự mà chúng tôi quyết định nên mời ai tham gia chương trình.Nếu vị khách mời nào có đầy đủ cả bốn yếu tố sau đây thì thật tuyệt vời:
1. Lòng đam mê nghề nghiệp cháy bỏng.
2. Có khả năng nói về mình một cách thật lôi cuốn thậm chí còn làm người khác cảm thấy tò mò và muốn biết nhiều hơn nữa.
3. Sôi nổi kể chuyện và sôi nổi tranh luận.
4. Có óc hài hước.
Một người dẫn chương trình thành công không đồng nghĩa với việc phải nói nhiều về mình! Chương trình Larry King Live không phải dành riêng cho tôi, vì thế, nếu cựu tổng thống Bill Clinton khi tham gia chương trình này hỏi chuyện về tôi trong một giờ đồng hồ thì rắc rối to! Dĩ nhiên tôi sẽ cảm thấy sung sướng, nhưng các sếp của tôi thì sẽ nhăn mặt. Vì vậy trong những chương trình của tôi, tôi luôn muốn các vị khách mời của mình nói thật nhiều, thật nhiều về chính họ. Và nếu họ có một chút duyên ăn nói nữa thì quả thật tuyệt vời biết bao nhiêu!
Sôi nổi kể chuyện và sôi nổi tranh luận – yếu tố này sẽ làm không khí nóng hẳn lên. Nếu bạn nói về việc cái xe ủi tuyết của địa phương bỗng dưng ૮ɦếƭ máy ngay trước cửa nhà bạn, rồi bạn đã phải đấu khẩu với các nhà chức trách như thế nào…, có thể bạn sẽ là người khách sinh động nhất. Nếu kể về việc bạn đã “tức điên lên” như thế nào khi người nhân viên ở ga xe lửa không chịu giúp bạn chỉ vì anh ta đã hết ca làm, anh ta còn bảo bạn hãy chờ người khác giúp, tức là bạn đang châm ngòi cho một cuộc trò chuyện có nguy cơ… không bao giờ kết thúc.
NHỮNG VỊ KHÁCH MỜI THÚ VỊ NHẤT CỦA TÔI
Người đầu tiên tôi muốn nói đến là ca sĩ Frank Sinatra. Các bạn còn nhớ anh chàng ca sĩ hát ca khúc “Remember” mà tôi từng kể ở chương 4 không? Anh ta là vị khách mời có đầy đủ cả bốn yếu tố trên. Một con người tài năng hết lòng đam mê nghề nghiệp. Một cá tính hài hước luôn sôi nổi kể chuyện, nhất là khi nói về thời niên thiếu của anh ở Hoboken, New Jesey.
Thật ra Sinatra không hứng thú lắm với các phương tiện truyền thông đại chúng, và nhất là lại không thích được các phóng viên săn tin phỏng vấn này nọ. Nhưng trong chương trình trò chuyện này thì anh cảm thấy rất tự nhiên và thoải mái. Và thế là chàng ca sĩ đã trò chuyện hết sức cởi mở như chính con người thật của mình. Anh sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi về cuộc sống, về công việc ca hát một cách chân thật, không chút gượng gạo hay sáo rỗng. Nhiều lời đồn đại rằng Sinatra là một người hay cáu giận nhưng tôi lại thấy anh ta nói chuyện rất khôi hài.
Sinatra kể rằng hôm nọ đang ăn tối ở nhà hàng Chasen’s (ở Hollywood) thì thấy Don Rickles. Don tới bàn của Sinatra để nhờ một việc. Chả là anh chàng vừa mới cưới vợ cách đây ít ngày, và bây giờ thì đang ăn tối với những người anh em bên vợ.
- “Cậu có thể qua chào người thân của tôi một tiếng được không hả Sinatra?”
Sinatra nói, “Không, dĩ nhiên là không rồi. Dắt họ qua đây đi”.
Nhưng rồi Don cố thuyết phục. Don nói rằng sự có mặt của Sinatra có thể làm cho những người anh em bên vợ “nể nang” anh ta hơn. Nghe thế Sinatra mới chịu đồng ý.
Don về chỗ hí hửng chờ đợi, thản nhiên như không có chuyện gì. Lát sau Sinatra có vẻ như tình cờ bước lại gần bàn của Don. Rồi vỗ vai Don nói rằng: “Ồ, Don đấy à? Gặp cậu ở đây tớ mừng quá!”
Don nói nhỏ với Sinatra: “Vỗ mạnh hơn cho tình cảm vào, Sinatra. Vì tớ mà!”
Khi kể câu chuyện này Sinatra đã làm cho khán thính giả cười vỡ bụng. Sự khôi hài là một trong bốn yếu tố quan trọng để anh thu hút khán giả và cả tôi nữa.
Và đây là những khách mời khác cũng rất tuyệt vời trong chương trình của tôi:
Harry Truman
Với Harry Truman thì những gì bạn thấy ở anh ấy cũng chính là con người thật của anh. Là một trong những ngôi sao nổi tiếng đam mê công việc của mình, Truman còn rất quan tâm đến những sự kiện đang diễn ra lẫn những chuyện trong lịch sử. Truman nói thứ tiếng Anh thẳng thắn và dễ hiểu. Anh rất hăng hái mỗi khi nói về lĩnh vực truyền thông hay đảng Cộng hòa. Được nói chuyện với một con người từng trải và có kiến thức rộng như Harry Truman thật thích thú!
Ted Williams
Ông không chỉ là một người mạnh mẽ, sôi nổi mà tôi từng thấy mà còn là một trong những vị khách mời thú vị nhất. Ted cũng có những đức tính như Truman: thẳng thắn, sôi nổi và quyết đoán.
Một trong những điều khiến Ted trở thành người trò chuyện hấp dẫn nhất là vì bản tính ông rất ghét phương tiện truyền thông đại chúng. Khán giả của tôi nhận xét rằng thường thì những vị nào ghét giới báo chí truyền hình lại là những khách mời thú vị.
Kể từ lúc trở thành cầu thủ bóng chày đạt thành tích cao nhất trong vòng nửa thập niên qua, Ted Williams không bao giờ nhờ các phương tiện truyền thông tâng bốc mình, thậm chí từng ví các ký giả là “những kỵ sĩ bóng đêm trên bàn phím”. Quan điểm về chính trị của Ted giống như nhiều người khác, trong đó có tôi. Tôi thích ông ở khía cạnh một vị khách mời và quý trọng ông ở cương vị một con người thành đạt.
Richard Nixon
Về yếu tố thứ tư – có một óc khôi hài – thì Nixon không có. Dẫu ông vẫn luôn cố gắng pha trò khi nói chuyện nhưng không thành công như người khác. Chắc do ông không có năng khiếu. Song xét về yếu tố thứ ba thì ông quả là một người nổi bật. Tôi luôn thích mời ông trở lại chương trình của tôi.
Có thể ông là vị khách tuyệt nhất tôi từng tiếp xúc nếu xét về khả năng phân tích. Dường như ông có thể phân tích được bất cứ vấn đề nào. Nếu tôi có một hệ thống truyền thanh, hẳn tôi sẽ mời Nixon cộng tác.
Bạn hỏi Nixon về sự kiện Nam-Bắc Triều Tiên định hợp nhất , hay thắc mắc về tình hình Trung Đông, hoặc một sự kiện nào đó trên thế giới, ông luôn giải thích được một cách rõ ràng và logic nhất. Nixon còn có một tính cách thứ năm mà tôi chưa đề cập. Đó là phẩm chất quan tâm sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề khác nhau bằng một niềm say mê đáng nể. Ông có thể nói huyên thuyên không ngớt từ việc kinh doanh đến những bài hát đang được yêu thích hay về bóng chày. Thể thao là một trong những niềm đam mê lớn nhất của Nixon. Đáng mến là khi đi xem bóng chày, ông luôn ngồi ở hàng ghế bình thường chứ không hiện diện ở những chỗ VIP, và chưa bao giờ người ta thấy ông bỏ về nửa chừng.
Trò chuyện với Richard Nixon, bạn khỏi lo rằng không có đề tài nói hay đến lúc chẳng biết nói gì.
Adlai Stevenson
Tôi phỏng vấn Stevenson trong chương trình của tôi lúc còn ở Miami dưới thời tổng thống Kennedy. Khi ấy ông là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Stevenson có một giọng nói nghe cứng cỏi và một đôi mắt linh lợi. Tuy hai lần tranh cử tổng thống thất bại nhưng đã góp phần thúc giục mối quan tâm của thanh niên Mỹ đối với những phong trào tình nguyện vì lợi ích cộng đồng. Những phút đầu mở màn chương trình, tôi có nói rằng: “Thưa ông, những điều này lẽ ra không nên nói trên làn sóng. Nhưng thật sự tôi đã bỏ phiếu cho ông. Ông là một người hùng trong tâm trí tôi, là người mà tôi luôn ngưỡng mộ”. Đôi mắt xanh của Stevenson nhấp nháy. Những vết nhăn trên trán động đậy, đây là thói quen của ông khi có cảm xúc mạnh. Ông nói: “Chúng ta chưa từng gặp nhau, nhưng ngay lúc này tôi có thể nói rằng anh là một người có cá tính đặc biệt”.
Stevenson là một khách mời rất đặc biệt với sự thông minh sâu sắc và khéo léo giao tiếp. Ông có thể bày tỏ cảm xúc và lập trường của mình mạnh mẽ hơn bất cứ ai trong thời bấy giờ. Điều này là lý do khiến Stevenson có tiếng là “nhà tri thức”. Tuy nhiên cũng có những trường hợp, sự thông minh trên mức một người Mỹ bình thường ấy, thay vì giúp ích thì lại làm hại ông!
Nhưng trong chương trình của tôi, điều này làm cho Stevenson trở nên rất tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ, hay tranh luận nảy lửa và mất bình tĩnh. Ông không làm nghiêm trọng hóa những vấn đề vốn đã phức tạp. Những nhà lãnh đạo, những nhân vật quyền lực trên thương trường hay trong lĩnh vực giải trí… thường có một điểm chung là không thích nghiêm trọng hóa vấn đề, dù nó có rắc rối hay không. Họ hay nhìn những việc khó khăn nghiêm trọng một cách nhẹ nhàng hơn. Đây là một đức tính không phải là không cần thiết.
Robert Kennedy
Vị khách mời có óc khôi hài này đã lôi cuốn được tất cả mọi người. Đối với tôi và các khán giả của chương trình, Robert thật sự đã ghi điểm. Ông không bao giờ ngại cười lẫn không ngại lấy bản thân mình ra để chọc cười thiên hạ. Tôi đánh giá Robert là một trong những vị khách vui nhất. Một người có nụ cười hay nhất mà tôi từng gặp.
Mario Cuomo
Là một người có thể đọc diễn văn thao thao bất tuyệt dù có chuẩn bị trước hay không. Năm 1984, tôi đến Hội nghị của đảng Dân chủ ở San Francisco sau khi Cuomo đã trình bày xong những quan điểm chính của ông. Không khí hội nghị rất sôi động. Tình cờ tôi đứng cạnh một đại biểu thuộc phái đoàn Oklahoma, và vô tình nghe ông nói rằng: “Tôi không biết người đàn ông đó, nhưng hôm nay ông ấy đã nhắc cho tôi nhớ vì sao tôi là một đảng viên Đảng Dân chủ”. Thế cũng đủ chứng tỏ bài diễn văn của Cuomo có hiệu quả như thế nào. Khi ngồi trên ghế khách mời trong chương trình của tôi, Cuomo cũng khiến người ta phải thán phục như thế.
Billy Graham
Tháng 4-1994 Billy lên chương trình Larry King Live sau một chuyến công du đến Triều Tiên và mang về cho tổng thống Clinton thông tin về tình hình Bắc Triều Tiên sau khi chủ tịch Kim Il Sung mất. Anh là người khách luôn cung cấp cho chúng tôi những tin tức nóng bỏng và hấp dẫn, với những lời bình luận, nhận xét xác đáng nhất. Chính vì vậy mà anh được mời lên chương trình rất nhiều lần.
Danny Kaye
Vâng. Chính là Danny Kaye! Vị khách mời này và chương trình nói về anh đã làm cho rất nhiều người phải bất ngờ. Danny là cậu bé từng cùng tôi chơi bóng lúc còn thơ ấu ở Brooklyn. Lớn lên anh là một ca sĩ rất được công chúng hâm mộ và yêu mến.
Một lần Danny Kaye tham dự chương trình của tôi phát qua làn sóng radio. Có một người phụ nữ từ Toledo gọi điện đến và nói rằng: “Trong đời tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ có dịp được nói chuyện với anh. Tôi không có câu hỏi nào dành cho anh cả. Tôi chỉ muốn nói cho anh biết điều này: Con trai tôi đã rất mến mộ anh. Nó muốn trở thành một người giống như anh. Nó từng bắt chước anh từ lời ăn tiếng nói cho đến sở thích. Nó tìm hiểu tất cả những việc xung quanh anh…”
Câu chuyện của người phụ nữ khiến không khí trầm lại. “Con trai tôi là lính hải quân đã hy sinh ngoài chiến trận khi mới 19 tuổi. Người ta đã trao lại cho tôi tấm ảnh duy nhất họ tìm thấy trong người nó. Đó là tấm ảnh của anh. Tấm ảnh mà nó luôn luôn giữ gìn cẩn thận bên người. Tôi đã đóng khung tấm ảnh này với bức hình của nó. Suốt ba mươi năm nay tôi đã lau chùi hai bức ảnh. Tôi nghĩ nên kể cho anh nghe câu chuyện này”.
Danny đã khóc ngay trong phòng thu thanh. Tôi cũng khóc và ở đầu dây bên kia người phụ nữ dường như cũng khóc. Rồi Danny hỏi: “Thưa chị, con trai của chị thích nhất bài hát nào?” – Người mẹ trả lời: “Ca khúc Dena”.
Danny Kaye đã hát một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của anh cho người mẹ ấy nghe. Một bài hát không đi kèm nền nhạc. Chỉ có giọng người ca sĩ thổn thức qua làn nước mắt.
Trong suốt cuộc đời làm phát thanh viên của mình, đó là những giây phút mà tôi ghi nhớ nhất. Giây phút của tình người! Danny đã tạo ra khoảnh khắc thiêng liêng ấy không phải từ sự cởi mở, hay từ những lời nói hay ho thú vị mà từ một tấm lòng biết chia sẻ và đồng cảm. Và anh không giấu cảm xúc chân thật của mình.
NHỮNG KHÁCH MỜI CHÁN NHẤT CỦA TÔI
Đôi khi những người tôi hy vọng sẽ mang đến những câu chuyện thú vị lại làm tôi thất vọng nhiều nhất. Dù không ngồi vào ghế khách mời trong chương trình của tôi, bạn cũng nên rút kinh nghiệm từ họ.
Anita Bryant hoàn toàn có thể lôi cuốn người khác nếu cô ấy hào hứng nói về công việc của mình hơn. Nhưng tất cả những gì cô ấy muốn nói chỉ là quan điểm về tôn giáo. Khi hỏi cô về những đề tài khác thì tôi chỉ nhận được vài từ trả lời cho có lệ. Tôi phải làm gì? Một danh sách dày đặc câu hỏi đành xếp xó.
Bob Hope cũng khiến tôi thất vọng với lý do tương tự. Ở Hope, nỗi ám ảnh không là một chủ đề cụ thể mà là phong cách cụ thể - trả lời mọi câu hỏi hết sức gượng gạo.
Bình thường Hope đâu có như thế, chỉ khi ánh đèn camera chiếu vào là Hope trở nên luống cuống lập cập. Anh ấy nói năng không chút tự nhiên. Câu hỏi nào cũng trả lời cụt ngủn, vô hồn, không có chiều sâu lẫn cảm xúc. Mặc dù tôi cố dẫn dắt câu chuyện đến những đề tài gần gũi nhất mà bất cứ ai cũng có thể hào hứng nói, chỉ có Hope nhà ta thì không. Tôi chỉ còn biết thở dài ngao ngán chờ… tới giờ chương trình kết thúc.
Nhưng người khách làm tôi bất ngờ nhất, không ai khác hơn là Robert Mitchum.
Anh ấy đến chương trình của tôi vào một buổi tối, rồi làm cho tôi đêm đó cứ trằn trọc mãi. Mitchum ngoài đời là một người như thế sao? Trên sân khấu, anh là người hùng John Wayne trừ gian diệt bạo, dũng mãnh và sắc sảo. Một đấng mày râu nói câu nào là khiến các bà các cô ૮ɦếƭ mê ૮ɦếƭ mệt câu ấy. Nhưng đáng tiếc đó chỉ là vai diễn trên sân khấu…
Tôi chưa bao giờ phỏng vấn John Wayne, nhưng Mitchum thì tôi được nói chuyện rồi. Không biết lúc đó anh ấy có điều gì bực bội hay phiền muộn, không hiểu anh ấy có thích chương trình này hay không? Anh ta đã ăn tối hay chưa? Tóm lại là tôi không thể đoán được lý do là gì mà sự thể lại ra thế này:
- “Mitchum này, anh nhận xét gì về những bộ phim do John Huston làm đạo diễn?”
- “Ông ấy làm việc ổn.”
- “À, theo anh thì lối diễn của John Huston và John Smith khác nhau như thế nào?”
- “Không khác mấy.”
Tiếp theo đó là những câu trả lời chỉ với một từ. Mà từ nào cũng chỉ có một âm tiết: “Có.” “Không.” và “Chưa.”
Sau cùng tôi hỏi Mitchum về Robert De Niro, một trong những nam diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ.
- “Tôi không biết ông ta.”
Thật không còn lời nào để nói! Tôi hoàn toàn bị sốc và tràn trề thất vọng! Thất vọng cho khán giả của tôi, những người đã xem Mitchum là thần tượng. Và thất vọng cho chính bản thân tôi. Tôi còn nhớ những buổi chiều cũng Herbie Cohen và Davey Fried đến rạp Benson (Brooklyn) xem Mitchum diễn. Chúng tôi đã từng bảo nhau rằng : “Anh ấy diễn xuất hay quá! Giá mà chúng mình cũng giỏi như anh ấy.” Giờ khám phá ra thần tượng của mình là người vô hồn vô cảm như thế, ngay tôi đây cũng cần đến một viên thuốc an thần, đừng nói gì đến khán giả.
“Vai diễn” thật của Mitchum ngoài đời mang đến cho chúng ta một bài học: Đừng bao giờ hỏi chuyện một người không thích nói. Họ sẽ không nói! Và ta sẽ phải “độc tấu” với những câu hỏi không có câu trả lời đúng nghĩa. Lời khuyên tốt nhất là: tìm một người khác để trò chuyện.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc