Nháo Hỉ - Chương 37

Tác giả: Trần Tích

Thời gian họp chợ, trấn Bình Cẩm luôn rất sôi động, dù cách rất xa vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí ồn ào và náo nhiệt.
Có sự hối hả, mộc mạc và tràn đầy thú vị.
Đường phố trong thị trấn rất hẹp, khó khăn lắm mới tìm được nơi đỗ xe, Tạ Bách Ninh tắt máy, vừa quay đầu lại đã thấy người phụ nữ bên cạnh mình đang cười.
Anh sửng sốt, khó hiểu hỏi: “Cô cười cái gì?”
Cô nhìn ra ngoài cửa sổ xe: “Khắp đường phố đều là người già và phụ nữ lớn tuổi, không hề thấy học sinh và trẻ em, như chúng ta, liệu có quá gây chú ý không?”
Anh nhìn theo tầm mắt của cô, quả đúng như cô nói.
Ở nông thôn, hầu hết những người trẻ tuổi đều đến các thành phố lớn để kiếm sống, số người ở lại trồng trọt ít đến đáng thương.
Càng huống chi, những người trẻ tuổi như họ ở nơi nhỏ bé này, cứ như là những người bước ra từ TV vậy.
Sự xuất hiện của họ rõ ràng đã phá vỡ tình trạng bình thường ở đây, không khác gì chim hạc lạc giữa bầy gà, thu hút rất nhiều sự chú ý của mọi người.
Mỗi lần anh đứng ở trước quầy hàng, chủ quầy sẽ luôn nói vài câu.
“Cặp vợ chồng trẻ, hai người từ đâu đến? Đến thị trấn của chúng tôi làm gì vậy?”
“Hai người đang định đi nghỉ mát ở hồ Sa Hồng sao?”
“Hai người trông giống như là minh tinh vậy, tuấn tú lịch sự ghê nơi! Có phải muốn đến địa phương của chúng tôi để quay phim không?”

Vân vân và vân vân, rất nhiệt tình.
Tạ Bách Ninh không có tâm trạng, vẻ mặt anh không vui, nghe nhiều quá nên thành ra có hơi cáu kỉnh.
Hứa Tương Mi trả lời từng người một, khiến cô gần như không thể chống đỡ nổi.
Cuối cùng cũng đã mua đủ nguyên liệu nấu ăn, Hứa Tương Mi phải nói là thở phào nhẹ nhõm.
Hai người mang túi lớn túi nhỏ đặt vào cóp xe. Tạ Bách Ninh lấy chìa khóa xe ra, cô níu tay anh lại: “Đi mua vài bộ quần áo đi, tôi hết quần áo thay rồi.”
Thời tiết rất nóng bức, miệng anh khô khốc, có chút nóng ruột không thể giải thích được.
“Cô đi đi, tôi sẽ đợi.”
“Cùng đi đi, hình như anh cũng không có thì phải.”
Tạ Bách Ninh muốn hút thuốc, anh xua tay: “Tôi có đủ rồi.”
Cô hơi thất vọng: “Thôi vậy, không mua nữa. Lần sau lại đến.”
Anh mở cửa xe ra, hơi do dự, dùng sức đóng sầm cửa lại: “Đi thôi.”
Hứa Tương Mi ngước mắt lên nhìn anh. Sau khi kinh ngạc qua đi, trong mắt cô tràn ngập ý cười.
Không đi được vài bước, đột nhiên, họ nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng, trung hậu: “Cô Hứa.”
Một lão tiên sinh với khuôn mặt hiền từ bước đến, mỉm cười hỏi: “Đi họp chợ à?”
Hứa Tương Mi mỉm cười, lễ phép trả lời: “Đúng vậy, thầy Từ, thầy cũng đi họp chợ sao?”
Thầy Từ nói: “Tôi ở nhà nhàn rỗi không có gì làm, đi ra ngoài dạo một chút, coi như Gi*t thời gian.”
Ánh mắt ông hướng về Tạ Bách Ninh, vẻ ngoài của người đàn ông này hời hợt, tinh thần không được tốt cho lắm, dường như có điều phiền muộn.
Cô chủ động giới thiệu: “Bạn của tôi, Tạ Bách Ninh.”
Tạ Bách Ninh gật đầu, chào hỏi: “Thầy Từ.”
Ông gật đầu đáp lại: “Anh Tạ.” Lại hỏi Hứa Tương Mi: “Nhìn tình hình này, hai người định ở lại đây một thời gian?”
Hứa Tương Mi mỉm cười: “Đúng vậy, cảm ơn thầy về chuyện căn nhà gỗ, hôm nào đó tôi nhất định sẽ tự mình đến nhà để cảm tạ.”
“Cô khách sáo quá rồi, tôi chỉ chịu trách nhiệm liên hệ mà thôi.”
“Như vậy cũng đã là đại ân rồi. Hơn nữa, chờ lò nung được xây xong, còn phải mua một ít đất sét từ thầy.”
Tạ Bách Ninh không nhịn được nữa, anh tránh sang một bên, châm thuốc, ngụm có ngụm không hút.
Hút ba điếu liên tiếp, Hứa Tương Mi nói lời tạm biệt với thầy Từ, anh dụi tắt thuốc rồi đi về phía cô.
Hứa Tương Mi cau mày: “Bách Ninh, anh hút thuốc ít lại đi.”
Anh phớt lờ lời nói của cô, hỏi: “Mua ở đâu?”
Cô thất vọng, nói: “Có một siêu thị quần áo ở phía trước.”
“Nhanh lên, thời tiết nóng quá.”
“À, được.”
Đối với quần áo của thị trấn, Hứa Tương Mi không có yêu cầu gì, có thể mặc là được. Mỗi người chọn ngẫu nhiên một vài bộ vừa mắt, thanh toán hóa đơn rồi về nhà.
Xe chạy không được bao xa thì tình cờ gặp được dì Tương và cháu gái nhỏ của bà đang đợi xe buýt, thế là thuận tiện đưa họ về luôn.
Cô bé nhỏ nhắn có mái tóc xoăn tự nhiên, làn da ngăm đen và hai mắt sáng long lanh.
Cô bé có chút hiếu động, hết sờ chỗ này rồi lại sờ chỗ kia.
Dì Tương ngại ngùng nói: “Đứa nhỏ này rất nghịch, cô Hứa, xin đừng trách.” Bà quay đầu lại khẽ mắng: “Tuyết Mai, đừng phá phách.”
Hứa Tương Mi nhìn lại: “Không sao đâu, không có việc gì cả, mọi người đều thích trẻ con hoạt bát. Dì Tương, cứ gọi cháu là Tương Mi là được.”
Cô chỉ vào người đàn ông bên cạnh: “Anh ấy là Tạ Bách Ninh. Bánh rán đêm qua rất ngon, mật ong cũng rất ngọt, bọn cháu đều rất thích, sau này còn phải nhờ dì chiếu cố nhiều hơn nữa.”
Tạ Bách Ninh lại gật đầu, nói xin chào: “Dì Tương, xin chào.”
Dì Tương cười đáp lại: “Chào anh Tạ.” Lại nói: “Nếu hai người không chê, sau này tôi sẽ lại làm cho hai người.”
Hứa Tương Mi mỉm cười: “Vậy thì cảm ơn dì Tương.”
Tuyết Mai thò cái đầu nhỏ ra, đôi mắt đảo quanh quan sát.
Cô chạm vào tóc cô bé: “Em muốn nói gì sao?”
Cô bé rất can đảm: “Chị ơi, hai người thật đẹp.”
Hứa Tương Mi rất vui, cô chạm nhẹ vào cánh tay của Tạ Bách Ninh: “Bách Ninh, cô bé khen anh đẹp này.”
Tạ Bách Ninh dành chút thời gian quay đầu lại, cong khóe miệng nói: “Cảm ơn cháu.”
Giọng Tuyết Mai nghe giòn tan: “Không có gì ạ.”
Hứa Tương Mi cười khúc khích: “Em thật đáng yêu.”
Không khí trong xe đột nhiên trở nên sôi động hơn, dì Tương cũng cười, xẵng giọng nói: “Cái con bé này thật là.”
Dì Tương tò mò, hỏi: “Hai người là vợ chồng sao?”
Mặc dù đã bị hỏi nhiều lần, nhưng Hứa Tương Mi cũng không khỏi đỏ mặt, giải thích: “Chúng cháu chỉ là bạn bè.”
Lọt vào mắt dì Tương, bà vừa nhìn đã hiểu ngay: “Nhìn hai người rất xứng đôi.”
Cô lén liếc nhìn Tạ Bách Ninh, thấy anh vẫn rất bình thường, thầm thở dài: “Dì đừng trêu bọn cháu.”
Tuyết Mai hỏi: “Bà ơi, xứng đôi là sao ạ?”
Dì Tương trừng mắt nhìn cháu gái mình: “Nhiều chuyện.”
Hứa Tương Mi rất buồn cười, nói với cô bé: “Xứng đôi có nghĩa là khi một người đàn ông và một người phụ nữ ở bên nhau rất hạnh phúc.”
“Em biết, giống như ba và mẹ em.”
“Ừ, em thật thông minh.”
Tuyết Mai níu người bên cạnh mình, khoe: “Bà ơi, chị khen con thông minh.”
Dì Tương nói: “Thi cuối kỳ môn toán chỉ được có năm mươi bốn điểm, còn ở đó tự nói mình thông minh.”
Cô bé không phục: “Nhưng con làm bài tiếng Trung được chín mươi tám điểm!”
Dì Tương gõ đầu cô bé: “Môn tự nhiên quá kém.” Bà lại hỏi Hứa Tương Mi: “À mà, công việc của hai người là gì vậy?”
Hứa Tương Mi khẽ mỉm cười: “Cháu không có công việc tử tế, còn Bách Ninh là giáo sư đại học, anh ấy có thể dạy kèm môn toán cho Tuyết Mai.”
Ánh mắt của dì Tương sáng lên: “Còn trẻ như vậy đã là giáo sư đại học thật là giỏi, dạy kèm cho Tuyết Mai nhà dì vậy có phiền quá không? Có ổn không?”
Tạ Bách Ninh nhìn Hứa Tương Mi.
Cô nói: “Dì Tương giúp chúng ta nấu ăn, anh dạy kèm cho Tuyết Mai, được không?”
Anh không nở nhìn ánh mắt tha thiết của bà ấy: “Cũng được.”
Dì Tương rất vui mừng: “Tuyết Mai, cảm ơn thầy giáo đi.”
Tuyết Mai nói: “Cảm ơn anh Bách Ninh.”
Hứa Tương Mi khen ngợi: “Miệng thật ngọt.”
Sau đó, mỗi ngày Tuyết Mai đều ôm cặp sách đến căn nhà gỗ. Điểm toán của cô bé thảm không sao tả nổi. Cũng may Tạ Bách Ninh là một giáo viên giỏi, có cách dạy và rất kiên nhẫn. Vậy nên môn toán của cô bé đã ngày càng tốt hơn.
Tất nhiên, Tạ Bách Ninh có việc để làm, trạng thái tinh thần của anh đang từng ngày tốt lên, trên khuôn mặt cũng xuất hiện nhiều nụ cười hơn.
Có vẻ như quyết định của cô rất đúng.
Trong lúc đó, lò nung cũng đã được dựng xong, được xây bằng những viên gạch đỏ, giống như một chiếc chuông có một cái miệng lớn, mang phong cách châu Âu của thế kỷ trước.
Hứa Tương Mi đã đến thăm thầy Từ, mua đất sét gốm và một số dụng cụ gốm cơ bản từ ông, cũng bày trí lại căn phòng trống trên tầng hai để làm phòng gốm.
Hôm nay là một ngày mưa, Tuyết Mai không đến, Hứa Tương Mi đưa Tạ Bách Ninh vào phòng làm gốm: “Tôi dạy anh cách làm gốm.”
Cô đưa anh đến ngồi trước máy kéo phôi: “Tôi đã chuẩn bị đất sét trắng, bây giờ anh bắt đầu học kéo phôi nhé, tôi sẽ làm mẫu trước.”
Hứa Tương Mi ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cô đặt đất sét gốm vào máy, dùng tay ấn xuống để làm cho đất sét gốm dính vào máy kéo phôi. Vừa làm, cô vừa giải thích các bước cho anh.
Tạ Bách Ninh hơi mất tập trung, đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy dáng vẻ làm gốm của cô, trong lòng đột nhiên cảm thấy rung động.
Người phụ nữ trước mặt mái tóc buộc hờ, để lộ chiếc cổ thon dài đẹp như một con thiên nga trắng. Ánh mắt cô chăm chú, vẻ mặt thành tâm và dịu dàng, từ cô toát ra ánh hào quang chói chang, đẹp đến nỗi không gì sánh được.
Còn có, mười ngón tay nhạy bén thon dài như hành lá của cô phủ lên đất sét gốm, cùng với cánh tay trắng muốt tạo thành một sự tương phản, khiến anh không thể nào rời mắt.
Cho đến khi cô giơ một chiếc bình đã hoàn thành lên hỏi anh: “Anh có hiểu không?”
Anh thu lại suy nghĩ của mình: “Tôi thử một lần.”
“Được.” Cô đứng dậy để anh làm.
Tạ Bách Ninh ngồi xuống, lúc đầu thiếu kinh nghiệm, bùn bay loạn, không thể thành hình.
Tay chân anh luống cuống, có hơi chật vật.
Hứa Tương Mi chỉ dẫn: “Đừng gấp, lòng bàn tay dùng sức, từ từ di chuyển lên.”
Anh làm theo lời cô, tình hình thực sự được cải thiện, nhưng một lúc sau, Tạ Bách Ninh lại mất kiểm soát.
Tạ Bách Ninh tự giễu: “Tôi không ngờ mình lại ngu ngốc đến vậy.”
Cô mỉm cười an ủi: “Lần đầu tiên làm bị vậy là bình thường. Đừng nản lòng, anh thử lại đi.”
Anh mở lại máy, tiếp tục làm. Có lẽ anh thực sự không có thiên phú, lặp đi lặp lại nhiều lần, vẫn luôn thất bại.
Tuy Tạ Bách Ninh rất kiên nhẫn, nhưng anh cũng đã bắt đầu nản lòng.
Anh tắt máy kéo phôi: “Không làm nữa.”
Hứa Tương Mi thấy vậy thì rất buồn cười, cũng rất mới lạ, hiếm khi thấy được tính khí nóng nảy trẻ con của anh, cô nói: “Tôi cầm tay dạy anh, anh muốn tạo hình gì?”
Tạ Bách Ninh nhìn thứ mà cô vừa mới làm xong, nói: “Bình hoa.”
Cô đi đến phía sau lưng anh: “Đầu tiên đặt đất sét gốm lên bàn xoay, ấn chặt, sau khi dính rồi thì nặn vòng.”
Đợi đến khi Tạ Bách Ninh sẵn sàng, Hứa Tương Mi điều chỉnh tốc độ của máy kéo phôi: “Hai tay cầm đất sét và cố định.”
Hai bàn tay ẩm ướt của cô nhẹ nhàng phủ lên tay anh, dùng một lực nhỏ: “Cố định tạo hình trước.”
Má cô gần như kề sát vào má anh, hơi thở mềm mại thổi đến khiến trái tim Tạ Bách Ninh như thắt lại.
Thực ra thì Hứa Tương Mi còn hồi hộp hơn. Khoảng cách gần như vậy khiến trái tim cô chao đảo, thầm phấn khích, mừng rỡ và ngại ngùng, toàn thân tê liệt, ngay cả máu trong người cũng sôi sục.
Nhưng vẻ mặt cô lại rất bình thản, khi thì buông tay ra chỉ dẫn, khi thì áp vào bàn tay anh dẫn dắt anh làm theo.
Cả hai dần dần bỏ qua cử chỉ thân mật, tập trung vào công việc trên tay.
Lần này mọi việc đều suôn sẻ. Cuối cùng, cô thu người lại, đưa cho anh một cây cung cắt đất sét: “Anh tách đáy bình ra đi.”
Tạ Bách Ninh cắt chiếc bình ra, cẩn thận từng ly từng tí đem nó đặt lên một tấm gạch tráng men.
Anh thở phào: “Cuối cùng cũng xong.”
Hứa Tương Mi bắt gặp ánh mắt của anh, khẽ cười ra tiếng.
Ánh mắt cô sáng như ánh trăng, trong vắt như làn nước mùa xuân.
Anh nhìn mà ngẩn ngơ, trái tim nhanh chóng nhảy lên.
Cô hỏi: “Lần sau anh muốn tạo hình gì?”
Tạ Bách Ninh buột miệng: “Một cái vại lớn.”
Trong lòng anh dường như có một cái vại nước lớn, không ngừng kêu leng keng.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc