Người Phiên Dịch - Chương 34

Tác giả: Kỷ Viện Viện

Kiều Phi
Tôi bỏ máy xuống, ngồi bần thần suy nghĩ.
Gia Dương đang ở cách tôi nửa vòng trái đất, tôi nghĩ mãi nhưng vẫn không nhớ ra dáng hình của anh ấy.
Tôi ở kí túc xá của lưu học sinh trong làng sinh viên, mỗi người một phòng. Trong phòng có nhà vệ sinh và bếp cá nhân. Mỗi tầng có một phòng tắm chung.
Tôi mở tài khoản ở ngân hàng và đã nhận được học bổng tháng đầu tiên. Ở Montpellier không bán sim điện thoại Trung Quốc. Tôi có được sim này từ một bạn học Hoa kiều vừa từ Marseille về. Gia Dương là người đầu tiên tôi gọi điện, thế nhưng nói chưa được mười câu thì anh nói còn có việc phải làm rồi tạm biệt.
Điện thoại thông báo: Thời gian gọi của bạn là một phút hai mươi lăm giây.
Tôi nhìn vào chiếc thẻ điện thoại tám mươi lăm phút với hình con khỉ được vẽ trên đó, không hiểu thời gian còn lại tôi gọi cho ai bây giờ.
Tháng Bảy, thời tiết oi bức. Mọi người đã nghỉ hè, nhưng nhà trường vẫn xếp lịch học rất nặng cho chúng tôi.
Tôi đăng kí học tại Học viện phiên dịch, một lớp sở tại chuyên dạy giáo trình phiên dịch Pháp- Hán. Học sinh không đông lắm, hai người Hồng Kông, ba người Đài Loan, hai bạn nam người Bỉ, bốn bạn người Pháp và tôi- cô gái duy nhất tới từ Trung quốc đại lục. Tất cả mọi người đều đã có nền tảng ngôn ngữ cơ sở và kinh nghiệm làm việc nhất định. Đều tới lớp này để được rèn luyện nâng cao.
Thời gian buổi chiều do học viên tự sắp xếp, tôi hẹn với những bạn khác tới thư viện làm bài tập, sửa lỗi sai cho nhau.
Đôi khi chúng tôi đi mua hoa quả, hoặc ra bãi biển chơi, tán gẫu. Mỗi buổi chiều, chúng tôi quy định chỉ được dùng một loại ngôn ngữ, tiếng Pháp, tiếng Trung, thỉnh thoảng là tiếng Anh.
Một buổi sáng trước khi vào lớp, bạn học người Bỉ cầm một tờ báo từ bên ngoài chạy tới chỗ tôi: “Mình đã nói rồi mà, tối qua ở bờ biển mình đã nhìn thấy một người trông rất quen, quả nhiên là Ronaldo”.
Tôi nhìn tờ báo, trang tin tức chạy hàng tít lớn: Tối qua ngôi sao bóng đá Ronaldo tới nghỉ tại bãi biển nổi tiếng của nước Pháp.
“Sao lúc đó cậu lại không nói sớm chứ?” Tôi trách, “Nếu không mình có thể xin được chữ kí rồi”.
“Ôi, mình nhìn thấy bên cạnh anh ta còn có một cô gái rất xinh, cái đầu to và hai cái răng hô đấy, mình thấy rất quen nhưng không nhớ nổi là ai”.
“bây giờ cậu có nhớ ra cũng chẳng có giá trị tin tức gì nữa rồi”. Cậu bạn người Pháp chế giễu.
“Còn mình chính là Gia Cát Lượng”. Choate nói bằng tiếng Trung.
Mọi người đều bật cười.
Dung Dung tới từ Hồng Kông có biệt tài chơi violon cực hay, cô đang làm thêm tại quán bar trên quảng trường nhà hát trung tâm thành phố. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng đóng vai người hâm mộ tới nghe cô đàn.
Đám thanh niên nói tiếng trung chúng tôi đã gây sự chú ý với ông chủ quán bar. Ông ta đề nghị chúng tôi hay là tham gia hoạt động “Một ngày về Trung Quốc”. Bởi bây giờ đang là mùa du lịch, nếu làm vậy sẽ thu hút được nhiều du khách, thu nhập sẽ chia đôi.
Chúng tôi đều rất hứng thú liền nhận lời hợp tác với ông ta.
Chúng tôi dùng que trúc mà tôi mang từ TQ sang kết lại để trang trí cho quán bar. Cô bạn tới từ Đài Loan biết thư pháp liền viết một vài bài thơ Đường bằng cỡ chữ lớn dán trên tường, nghiễm nhiên đã có màu sắc cổ xưa. Chúng tôi còn thắp cả hương trầm mua tại một cửa hàng TQ, vậy là lại thêm phần cổ kính. Quán bar mang phong cách Châu Âu trong ngày này sẽ cung cấp rượu và một số món điểm tâm TQ theo yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi còn mời được một họa sĩ TQ tới Pháp du lịch thực hiện việc vẽ bằng cách vẩy mực.
Một tuần sau, mọi thứ dường như đã được chuẩn bị đâu ra đó rồi thì ông chủ quán bar lại bảo: “Dường như vẫn còn thiếu thứ gì đó. Trong số các bạn là ai biết hát?”.
Ai đó nhanh miệng đáp: “Tôi đã từng nghe thấy Phi hát khi đang giặt quần áo, cô ấy hát rất hay”.
Tôi không phải quá nhút nhát trước đám đông, nhưng giá như tôi hát hay hơn thì tốt.
Tôi tải bài Hoa nhài và Năm tháng từ mạng xuống, dịch ca từ sang tiếng Pháp rồi đứng trước gương luyện hát. Mỗi lần hát tới đoạn: “Những năm tháng còn sống trên cõi đời, gặp nhau nơi đoạn đường hẹp, lòng vẫn vấn vương”, tôi lại ngẩn người ra.
Trong ngày TQ đó, khách ngồi kín trong quán bar, không khí rất sôi động, náo nhiệt. Cuối cùng, mọi người đều có thể nói được một vài từ như: xin chào, cảm ơn, chúc bạn phát tài... bằng tiếng Trung. Thậm chí một số người còn đọc được một đoạn, “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương”, trong bài thơ của Lý Bạch.
Đêm đó tôi đã gặp lại Audeux Ferrandi. Cô ấy chạy từ đằng xa tới ôm hôn tôi: “Kiều Phi, cậu còn nhớ mình chứ?”.
Tôi cũng ôm lấy cô: “Sao mình lại có thể quên cậu được chứ? Chính cậu đã dạy mình hút thuốc mà”.
“Cuối cùng cấu đã tới Montpellier. Cậu sống tốt chứ?”
Sau khi học xong Audeux trở về quê hương, hiện cô đang phụ trách công tác liên lạc với thành phố kết nghĩa Thành Đo trong văn phòng quốc tế tại sở thị chính. Cô ghi cho tôi địa chỉ nhà và số điện thoại, sau đó còn dặn: “Kiều Phi, nếu rảnh rỗi nhất định cậu phải tới nhà mình chơi đấy”.
Đây đúng là điểm thuận lợi của việc có bạn bè, bỗng nhiên lại có sự ấm áp bất ngờ ở nơi chân trời góc biển.
Trong tháng này, khóa học cơ sở của tôi sẽ kết thúc, điểm tối đa cho hai môn bắt buộc là hai mươi điểm, thầy giáo chấm cho tôi mười sáu điểm. Tôi gọi điện về nhà hàng xóm rồi nhờ bác ấy chuyển lời cho bố mẹ tôi, vì bố mẹ chẳng có khái niệm gì về điểm số, nên tôi nói rất đơn giản: Con đã đạt điểm thi cao nhất lớp. Một tin tốt như thế này, còn phải kể cho ai nữa đây? Tôi gọi vào di động cho Trình Gia Dương, điện thoại bị chuyển tới tổng đài.
Tôi gọi diện cho Ferrandi hỏi về việc cuối tuần có thể tới thăm nhà cô ấy không?
Cô đáp lại: “Tất nhiên rồi Kiều Phi. Nếu cậu là người tốt cậu nhất định phải tới đấy”.
Nhà của Audeux nằm trong khu phố cổ của thành phố Montpellier.
Bên con đường trải đá xanh là những bức tường gạch trắng tinh với những tán lá cọ xòe bóng trên các ngôi nhà cổ.
Tôi bước chầm chậm trên con đường nhỏ, chợt băn khoăn không hiểu đã có bao nhiêu chiếc xe bánh gỗ đã đi trên con đường này, để mang những chai rượu nho thơm ngon tới đây. Và có bao nhiêu người đã đi qua nơi này, lặng lẽ đi trên lịch sử.
Tâm trạng lãng mạn như vậy hoàn toàn không thích hợp với tôi. Tôi cứ đi mãi rồi bỗng phát hiện ra không thấy biển tên đường nữa, cũng chẳng thấy những người bộ hành, không hiểu được đây có phải là con phố mình đang tìm không.
Trời đã chạng vạng tối, từ đằng xa tôi nhìn thấy biển hiệu của một cửa hàng nhỏ bật sáng. Tôi liền bước tới hỏi đường, tới gần mới thấy thì ra là một quán pizza.
Trong quán có một anh chàng trẻ trung, đang lấy những chiếc bánh nóng hổi trong lò nướng ra. Chiếc bánh pizza được nướng rất vừa lửa phủ một lớp phô mai dầy ở phía trên cùng với những miếng cà chua tươi ngon, nấm rơm giòn giòn và khoanh hành tây thì tròn cong lên. Anh ta có vẻ rất hài lòng, liền nhanh chóng cắt chiếc bánh thành những miếng đều nhau rồi cho vào tủ trưng bày. Tới lúc này anh ta mới nhìn thấy tôi.
Tôi cảm thấy người này nhìn rất quen nhưng không nhớ ra là đã gặp ở đâu.
Khuôn mặt trẻ trung, mái tóc và đôi mắt đen nhánh, anh ta cười với tôi: “Bánh pizza mới ra lò đây, cô có muốn thử một miếng không?”.
“Tôi muốn hỏi đường một chút”.
Tôi vừa mới nói xong, thì có một người từ phía trong bước ra, đó chính là cô bạn Audeux của tôi.
“Phi, mình đang chờ cậu đây. Cậu tự tìm được tới đây sao? Thật không tin nổi. Mau vào nhà đi”.
Audeux giới thiệu tôi với chàng trai: “Đây là cô bạn TQ của chị, Kiều Phi”.
Cô lại giới thiệu với tôi: “Đây là em trai mình, Zuzu Ferrandi”.
Thế giới thật nhỏ bé, cuối cùng tôi cũng nhớ ra mình đã gặp chàng trai này ở đâu rồi. Cùng lúc đó, cậu ấy cũng nói: “Đúng rồi, chúng ta đã từng gặp nhau ở Paris”.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc