Trình Gia Dương
Tôi lấy bảng biểu, lý lịch, các giấy chứng nhận học lực và thư mời học từ túi tài liệu ra, kiểm tra kỹ càng. Tới lúc này, tôi mới sực nhớ, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nét chữ của cô, rất đẹp và có lực giống hệt con người cô. Tôi sửa một vài sai sót trong các giấy tờ rồi đưa tất cả cho đồng nghiệp phụ trách việc hợp tác giáo dục.
Anh ta cười cười hỏi tôi: “Đây là ai mà khiến anh lao tâm khổ tứ vậy?”
“Em gái của bạn”. Tôi đáp.
Không lâu sau, đại học bên Pháp có thư trả lời, họ gửi giấy tờ đăng ký cũng như giấy đảm bảo được ở trong ký túc xá cho các thành viên trong danh sách. Trong thư gửi cho Kiều Phi của trường Đại học Paul- Valery, họ yêu cầu cô phải có mặt tại trường vào cuối tháng Sáu để tham gia khóa tập huấn cơ sở ngôn ngữ trong dịp nghỉ hè.
Cứ nghĩ như vậy, tôi cảm thấy thời gian trôi thật nhanh.
Tháng Sáu năm ngoái, hai con người xa lạ chúng tôi đã gắn kết không rời, thế mà một năm sau tôi lại là người tiễn cô ấy rời xa mình.
Tôi từng cho rằng, chúng tôi sẽ không rời xa nhau, thế nhưng vào lúc này tôi đang làm một việc cuối cùng cho cô ấy. Bất luận thế nào thì người con gái này đã từng ở bên tôi, đem sự vui vẻ và ấm áp đến cho tôi.
Khi nghĩ như vậy tôi đã lái xe lên đường.
Mui xe được mở ra, những chiếc lá hòe trên nóc xe rơi xuống người khiến bóng tôi trở nên loang lổ.
Dừng đèn đỏ. Nhìn xung quanh chột nhận ra đây là rạp chiếu phim chúng tôi từng đi qua. Một chàng trai và một cô gái tay trong tay, đứng trước quầy bán vé, dường như họ đang bàn nhau nên xem bộ phim nào.
Trên tấm áp phích quảng cáo về một bộ phim cũ được chiếu lại, Casablanca, là cảnh cuối cùng nhân vật nam chính tiễn người con gái mình yêu ra đi.
Cảnh cuối của bộ phim khiến người ta vô cùng cảm động, khi sắp phải chia ly cô gái xinh đẹp, Ingrid Bergman, đề nghị chàng trai, Humphrey Bogart, hãy hôn mình.
Trong phim cô gái vốn là người kiên cường nhưng khi trải qua quá nhiều biến cố đã trở nên yếu đuối, còn chàng trai lại được tôi luyện trở thành người có ý chí kiên cường.
So với tôi thì trái ngược hoàn toàn, đúng là khiến người ta không thể không bất bình.
Tôi quyết định quay xe, rồi chạy về hướng Học viện Ngoại ngữ.
Tôi gọi di động cho Kiều Phi, không có ai bắt máy.
Tôi ở dưới tầng dưới của kí túc xá gọi điện thoại nội hạt tìm cô, có vẻ như vở kịch một năm trước lại tái diễn. Các bạn của cô cho tôi biết, cô về quê sắp xếp hành lí.
Kiều Phi
Tôi trở về nhà, thông báo với bố mẹ, con sắp đi Pháp rồi.
Mẹ tôi hỏi, con mơ đấy à? Thế thì đi đi.
Thật đấy, mẹ ạ, tôi đưa cho mẹ xem visa đi Pháp.
Mẹ tôi vẫn không tin, mẹ nói con có thể đem bất cứ thứ gì ra để lừa mẹ, bởi mẹ chưa bao giờ thấy những thứ đó cả.
Bố tôi nói, thật đấy bà nó ạ. Nhà hàng xóm cũng có một đứa đi du học ở Nhật, bố đi tới xem kỹ hộ chiếu của tôi và visa của Pháp dán bên trong.
Bây giờ bố mẹ tin rồi chứ? Hai ngày nữa con phải đi rồi, được nhà nước cử đi du học, năm sau con mới về.
Bố mẹ liền trở nên buồn bã, ở Pháp chắc mọi thứ đắt hơn Thẩm Dương nhỉ?
Mẹ hỏi thế có sinh hoạt phí không?
Có, tiền sinh hoạt phí do chính phủ cấp. Tổng cộng một tháng cũng được hơn sáu nghìn tệ.
Nhiều thế cơ hả con? Thế cơ hội này là do trường dành cho con à?
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi lại mẹ, mẹ có nhớ cái anh năm ngoái tới nhà ta không?
Mẹ trả lời, có, và hỏi là anh ta giúp con phải không?
Tôi trả lời đúng ạ.
Phi Phi, con phải nhớ báo đáp người ta đấy.
Tôi gật gật đầu, rồi giật mình, làm thế nào để báo đáp anh ấy đây? Có thứ gì tôi có mà anh không có chứ?
Tôi thu xếp lại hành lí rồi gửi tới Bắc Kinh, sau đó một mình đi tàu hỏa tới Đại Liên. Tôi đã ngồi bên bờ biển của thành phố này rất lâu, nhớ lại chuyến du lịch lần đó, tôi và Trình Gia Dương. Nhớ tới những lời nói ngọt ngào trên máy bay, nhớ tới cảnh tay trong tay và đam mê đêm đó. Bây giờ những điều đó trở thành ấn tượng khó phai, đối với một người, về một cuộc tình.
Trình Gia Dương
Đi máy bay lại ngồi tàu, một lần nữa tôi về quê của cô ấy.
Tới nhà cô, bố của Phi có ở nhà. Tôi đã nhìn thấy ảnh của ông.
Tôi dùng tay chào ông, rồi lại dùng tay ra hiệu hỏi Phi đi đâu rồi.
Ông liền lấy 乃út viết ra giấy: Con bé mới về, hôm qua lại đi rồi.
Tôi thẫn thờ ngồi thụp xuống. Đường sá xa xôi không quan trọng, cái chính là đã đến nơi rồi lại không gặp được cô, khiến người tôi mệt mỏi rã rời.
Tôi cũng viết lên giấy trò chuyện với ông, nói, cháu là bạn của Phi, vì biết cô ấy sắp đi Pháp nên muốn đến gặp một lát,thế bệnh tim của bác thế nào rồi?
Đã ổn rồi, cảm ơn cháu.
Cháu phải đi đây, cháu đi tìm cô ấy. Đây là một chút tiền, mong bác nhận lấy.
Ông nhất quyết không chịu nhận cứ dùng dằng hồi lâu.
Bất đắc dĩ tôi bèn cất tiền lại.
Tôi phải mau chóng quay về, trước khi cô đi phải gặp cô một lần, tôi có rất nhiều điều vẫn chưa nói, bây giờ nghĩ lại mói thấy hối hận quả là cảm giác đáng sợ.
Tôi tìm thấy một quán bán thịt trong chợ ở dưới nhà Phi liền hỏi ông chủ: “Chú có biết nhà họ Kiều ở tầng năm không?”
“Hai ông bà câm điếc có đứa con gái học ngoại ngữ phải không?”
“Đúng ạ”
“Tôi là hàng xóm với họ. Có chuyện gì vậy?”
Tôi rút tiền từ trong túi ra: “Đây là hai nghìn tệ, nhờ chú vào cuối tuần hay dịp lễ tết gì đó manh chút thịt tươi, sườn lợn tới cho họ”.
Ông chủ lấy tạp dề lau tay, nhìn tôi suy nghĩ một lát rồi đề nghị: “Để tôi viết cho cậu một giấy biên nhận”.
Tôi cầm tờ giấy biên nhận, thế này cũng có thể coi là làm xong một chuyện.
Tôi tức tốc quay về, bạn cùng phòng của Kiều Phi vẫn nói với tôi cô ấy chưa lên.
“Vẫn chưa lên ư?”
“Chưa”.
“Có lẽ cô ấy bay sang Pháp rồi cũng nên?”
“Chưa đâu, chưa đâu, sáng nay bọn em còn giúp cô ấy nhận hành lý gửi từ quâ lên mà”.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, may mà cô ấy vẫn chưa đi. Vậy tôi sẽ chờ cô ấy ở đây.
Thế nhưng buổi chiều, Bộ có việc đột xuất. Tôi phải thay chị đồng nghiệp bị ốm tới Thương Hải, làm phiên dịch cabin cho hội nghị thường niên của đoàn luật sư quốc tế trong hai ngày.
Tôi không thể rời đi vào lúc này được.
“Việc này cũng quá bất ngờ, sao mãi lúc này chú mới thông báo cho cháu? Cháu còn chưa chuẩn bị gì cả”. Tôi nòi với trưởng phòng.
“Thiếu gia, cậu mất tích mất ba ngày, ai chuẩn bị thay cho cậu được chứ?” Ông ấy trách, rồi đi ra phía sau vỗ vỗ vai tôi: “Hơn nữa, chú cũng chẳng có cách nào cả, cô ấy đột nhiên bị ốm, chú phải làm sao? Xử lý người ta còn chẳng có thời gian chuẩn bị nữa là, đành nhờ Gia Dương ra trận vậy”.
Làm ngành này, chẳng có cách nào cả. Quân lệnh như sơn. Tôi đành cầu nguyện Kiều Phi đừng có đi vào hai ngày này.
Hội nghị như chiến trường.
Tâm trạng tôi vốn không tốt lắm, hơn nữa lại chưa chuẩn bị gì đã ra phiên dịch cho hội nghị. Tôi phải nghĩ nát cả óc, may mà đồng nghiệp phía thượng Hải có tố chất tốt, do vậy hiệu quả hợp ác phie6ndi5ch của chúng tôi có thể tạm coi là mỹ mãn.
Trên chuyến bay về, tôi định chợp mắt một chút, nào ngờ ngủ thật. Trong lúc mơ mơ màng màng, tôi có cảm giác dường như tâm trí mình không ở chỗ này. Tôi hỏi cô tiếp viên, cô trả lời: “Đây là chuyến bay tới Đại Liên”.
Tỉnh lại, hóa ra là giấc mơ.
Đột nhiên tôi nghĩ ra, rồi cười một mình. Đúng rồi, tại sao mình không nghĩ ra chứ, rất có thể Phi đi Đại Liên. Có lẽ lúc tôi về đến nơi, cô ấy chắc cũng vừa về.
Nếu gặp nhau, tôi sẽ nói vớ ấy rằng: Chặng đường trước mắt hãy cẩn thận, phải tập trung học tập, khi về làm phiên dịch cao cấp để kiếm tiền cho bố mẹ. Không biết hành lý của cô có nhiều không? May mà ở chỗ gửi đồ tôi có người quen, cho dù có thừa nhiều cân cũng chẳng sao. Liệu cô có đem đồ khô đi không nhỉ? Mộc nhĩ, nấm rơm, thôi được mình sẽ mua những thứ này cho cô ấy. Băng vệ sinh cũng không cần thiết, tôi đã lưu tâm vấn đề này, thứ đó bên pháp có giá tương đương với hàng Trung Quốc. Mà thôi không nói nữa, kẻo cô ấy lại bảo mình là đồ lắm chuyện.
Cứ nghĩ như thế tôi lại muốn về ngay. Vừa xuống máy bay, đặt chân xuống đất tôi đã chạy một mạch tới đường hầm, tới xe của sân bay chở tới cửa ra.
Xe vẫn chưa rời khỏi sân bay, ánh mắt tôi bị hút vào hình guảng cáo trên chiếc xe buýt bên cạnh, cô gái quảng cáo cho dầu gội đầu thảo dược cười với đôi mắt nheo nheo như mắt mèo, mái tóc dài đen bóng, mượt như lụa. Dường như là Phi.
Sự lơ đễnh không tập trung của tôi lúc đó đã biến thành sai lầm không thể cứu vãn, tôi đã không nhìn lên trên, cũng không nhìn người ngồi trên xe. Kiều Phi đang sắp sửa bước lên máy bay.