“Ở trong xa cách
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây
Ở trong mờ tối
Em ơi sáng đầy”29
Đêm đó, tôi hầu như không ngủ được. Tôi cố dỗ giấc, biết rằng sáng mai phải thức dậy lúc tinh mơ nhưng mắt tôi vẫn mở thao láo. Lúc tối, trước khi bịn rịn chia tay con Rùa để quay về nhà cô Út Huệ, tôi đã nói với nó:
- Em ở lại bình yên. Ngày mai anh đi nhưng anh sẽ quay về với em thật sớm.
Tôi cố kiềm giọng để không tạo cảm giác bùi ngùi nhưng tôi không thể ngăn được mắt tôi ươn ướt.
Con Rùa “dạ” khẽ. Nó cũng chúc tôi lên đường bình an. Chỉ vậy thôi, và siết tay tôi thật chặt. Có thể lòng nó đang ngổn ngang, cũng có thể nó tin rằng cả hai đứa tôi không cần phải nói thêm câu nào sau những gì chúng tôi đã thổ lộ với nhau tối hôm trước.
Con Rùa tiễn tôi tới hàng giậu ngăn đôi nhà nó và nhà cô Út Huệ. Vẫn không nói gì, tôi quay lại ôm nó một cái thật nhanh trước khi chạy vào nhà.
Bây giờ nằm nhớ lại, tôi như nghe được những lời hứa hẹn con Rùa thầm gửi gắm một lần nữa qua cái siết tay trong lúc đó “Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!”.
“Ừ, anh sẽ chờ em lớn”. Tôi thì thầm nói, tin rằng đó là một trong những câu nói thành thật nhất trong đời tôi.
Thằng Thục vẫn ngủ say bên cạnh. Tôi lắng nghe tiếng thở đều đều của nó, mỉm cười nhớ lại cảnh nó hùng hổ bênh vực con Rùa hồi trưa dù nó chưa bao giờ ưa con Rùa. Tối hôm qua, lúc cùng thằng Thục trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi hỏi thím Lê về những ngày giỗ kỵ trong dòng họ. Khi biết ba tháng nữa là tới ngày bác Vận làm giỗ cho ông tôi, tôi nói với thím là tôi sẽ xin phép mẹ cho tôi về quê. Nghe tôi hứa như vậy, thím Lê mừng lắm. Nhưng thằng Thục mới là người mừng nhất. Nó nhảy nhót hớn hở như một đứa con nít lên ba, miệng bô bô từ lúc đó cho tới lúc leo lên giường, chỉ khi giấc ngủ tóm lấy nó rồi tôi mới có thể nằm yên theo đuổi những ý nghĩ trong đầu và băn khoăn nhủ bụng: Nếu thằng Thục biết tôi quyết định quay về làng sớm như vậy phần lớn vì tôi lo lắng cho con Rùa, cả vì nỗi nhớ nhung trong lòng tôi, không biết nó có giận lẫy hay không?
Cuối cùng thì đêm hôm đó tôi cũng chợp mắt được một chút, lúc gió bắt đầu kêu u u trên mái lá như giục mùa chong chóng sớm về mặc dù bọn trẻ làng tôi thường chơi trò này vào độ cuối năm. Trước khi chìm vào giấc ngủ tôi còn bắt gặp tôi lẩm bẩm với chính mính: “Ba tháng nữa. Ba tháng nữa thôi”.
Tất nhiên tôi đã không nói với con Rùa bao giờ tôi sẽ về, vì lúc ngồi với nó dưới bóng cây bướm bạc, tôi chưa trò chuyện với thím Lê về những ngày giỗ kỵ. Tôi nghĩ không cho nó biết trước có khi lại hay. Hẳn nó sẽ rất đỗi vui mừng khi thấy tôi bất ngờ xuất hiện vào lúc bọn trẻ làng đang say mê với trò dùng cọng dừa tết thành hình cào cào, châu chấu…
Khuya hôm đó, khi thi*p đi với những từ “ba tháng” lăn tăn trong đầu, cả khi thức dậy lúc trời còn mù sương vào sáng hôm sau để chở thằng Thục xuống đường quốc lộ đón chuyến xe sớm từ Đà Nẵng vào, tôi không thể nào tưởng tượng được là phải đến ba năm sau tôi mới có dịp trở lại làng Đo Đo.
30
Ba tháng so với ba năm giống như thằn lằn so với khủng long - một khác biệt rất lớn. Với những gì đã xảy ra giữa tôi và con Rùa, thật không có gì khủng khi*p hơn một ngàn ngày bặt tin nhau. Thế mà kể từ lần đó, tôi đã đi khỏi làng một mạch suốt ba năm trời.
Thực ra chẳng ai cản trở tôi về làng. Tôi cũng không bận bịu đến mức không thể thực hiện được lời hứa với con Rùa, với thím Lê và thằng Thục.
Chỉ là do tôi quyết định không về.
Quyết định đau đớn đó bắt đầu vào buổi sáng tôi và thằng Thục đứng ven đường quốc lộ chờ chuyến xe sớm. Hôm trước, tôi trằn trọc gần như suốt đêm nên sáng hôm sau chuông đồng hồ reo inh ỏi tôi vẫn chẳng nghe thấy. Thục phải lay tôi dậy, hai anh em ăn vội chén cơm chiên thím Lê để sẵn dưới Ⱡồ₦g bàn rồi chạy xe ra khỏi nhà.
Lúc đi tới đoạn đường sắt cắt ngang con đường đất đầy ổ gà, thằng Thục cào tay lên lưng tôi “Ngừng lại chờ tàu không anh?”, tôi lắc đầu “Ở đây chờ coi tàu, lỡ xe đò đó mày”.
Hôm đó tôi và thằng Thục đứng bên vệ đường đến ba mươi phút mới đón được xe. Tôi không ngờ nửa tiếng đồng hồ đó đã làm thay đổi cả con người tôi.
Trong câu chuyện giữa hai anh em lúc chờ xe, có một câu nói khiến tôi như bị ai đánh mạnh vào đầu:
- Anh biết không, tối hôm qua lúc anh ở chơi bên nhà con Rùa, cô Út Huệ nói với em một bí mật động trời. Ba con Rùa là con ông nội mình.
- Là sao? - Tôi ngơ ngác hỏi lại, nửa hiểu nửa không, mặc dù tôi nghĩ là tôi nghe rất rõ câu nói của Thục.
- Ông Hương là chú mình. Anh, em và con Rùa là anh em chú bác.
Thằng Thục vừa nói vừa nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, thậm chí nó khẽ chạm tay vào lưng tôi như sẵn sàng đỡ lấy nếu tôi bất thần ngã lăn ra.
- Tầm bậy! - Tôi hất tay thằng Thục ra, gần như quát lên - Ông Hương sao là chú của tao và mày được! Ông Hương là con thầy Điền kia mà!
Vẻ mặt của tôi lúc đó chắc rất giống vẻ mặt của kẻ sắp sửa Gi*t người. Tôi thấy Thục thụt lui một bước, nó nuốt nước bọt và cố giải thích bằng giọng nơm nớp:
- Cô Út Huệ bảo có một năm thầy Điền vô Sài Gòn chữa bệnh, ở nhà vợ thầy Điền và ông nội mình có quan hệ tình cảm với nhau và đẻ ra ông Hương.
Tôi lại định hét lên “Nói láo!” nhưng cuối cùng tôi kiềm lại khi sực nhớ người tiết lộ điều đó là cô Út Huệ chứ không phải thằng Thục đang đứng trước mặt tôi.
Đang bán tín bán nghi, tôi bỗng nghe một luồng điện chạy dọc sống lưng khi sực nhớ tới thái độ của thầy Điền lúc tôi xưng là cháu ông Chín Ngạc.
Năm tám tuổi, tôi từng học thầy Điền khi vô lớp ba. Đó cũng là năm cuối cùng tôi ở làng. Nhưng hồi đó, tôi chẳng nhận thấy điều gì khác lạ trong cách thầy đối xử với tôi. Có thể lúc đó thầy Điền chưa biết tôi là cháu ông Chín Ngạc, cũng có thể tôi còn quá bé để cảm nhận được những biểu hiện phức tạp của thế giới người lớn.
Nhưng cách đây mấy ngày, lúc con Rùa dẫn tôi vô nhà chào thầy, vừa nghe tới tên ông nội tôi rõ ràng đáy mắt thầy lóe lên một thứ ánh sáng rất kỳ lạ. Đó không phải là sự mừng rỡ của người thầy giáo già khi gặp lại đứa học trò cũ, vì hôm đó thầy chẳng buồn hỏi han tôi lấy một câu, cũng chẳng tỏ ra cho tôi biết là thầy đã nhận ra tôi. Tia chớp bắn ra từ mắt thầy dù chỉ lóe lên trong tích tắc đủ khiến tôi nghĩ ngợi vẩn vơ một lúc lâu, và nếu tôi không nghĩ về điều này lâu hơn chỉ vì những ngày sau đó do mải chơi với con Rùa tôi quên bẵng đi mất.
Bây giờ, câu chuyện của cô Út Huệ gợi lại trong tâm trí tôi thái độ khó hiểu của thầy Điền và tôi ngờ rằng hôm đó thầy chẳng nhớ ra tôi là ai dù tôi có xưng tên. Cái ánh chớp mà tôi nhìn thấy trong mắt thầy có lẽ là phản ứng của thầy đối với tên của ông nội tôi.
Như để củng cố thêm phỏng đoán trong đầu tôi, thằng Thục rụt rè nói thêm:
- Mẹ em cũng biết chuyện này. Tối hôm qua, trước khi đi ngủ em hỏi mẹ, mẹ dặn em đừng bép xép với ai.
Tôi không có cảm giác gì nữa khi thằng Thục nói câu đó. Gánh khổ đau trong lòng tôi đã lớn đến mức có ai chất thêm vài hòn đá nữa tôi cũng chẳng thể nhận ra. Trước khi thằng Thục bồi thêm câu đó, đã có một cái gì đó đang vỡ vụn và tan chảy trong tôi.
Tôi không thấy buồn, chỉ nghe chập chờn trong trí não tiếng gì như tiếng răng rắc - đó là tiếng của một con tàu va phải đá ngầm, tiếng gãy đổ của một số phận hay tiếng của một tình yêu sâu thẳm đang bị bàn tay khắc nghiệt của định mệnh uốn cong đi, tôi cũng không biết nữa.
31
Tôi ngủ mê mệt dọc đường đi, bỏ hai trong ba bữa ăn khi xe ghé vào các quán cơm.
Ngồi xe đò, tôi thích ngồi sát thành xe để ngắm cảnh vật bên đường. Những cánh đồng lúa, những đàn bò gặm cỏ, những rặng dừa, các bụi chuối, dãy dâm bụt hay các nhánh ổi ven sông đều làm tôi xao xuyến, vì chúng luôn gợi lại trong tâm trí tôi những kí ức tuổi thơ, nhắc nhở tôi về một thế giới quyến rũ nơi mà tôi không có lấy một lần đi đứng tử tế, toàn chạy nhảy, té ngã, trầy xước trong những cuộc trường chinh lem luốc bất tận ngoài đường sá, bụi bờ với lũ bạn nghịch ngợm.
Nhưng trên chuyến xe trở vào Sài Gòn lần này, dù vẫn ngồi sát cửa, tôi dường như chẳng thấy gì. Trong óc tôi lúc nào cũng tràn ngập hình bóng con Rùa. Khi thức tôi nghĩ đến nó. Khi ngủ tôi cũng chỉ toàn mơ thấy nó.
Tôi nhớ mồn một cảnh con Rùa giành nắp keng với thằng Thục trong quán ăn ở chợ Kế Xuyên hôm nào. Lần đó bị thằng Thục du côn giật tóc, bị chủ quán giận dữ xua đuổi, con Rùa ra đứng trước cửa thẫn thờ nhìn vô khiến tôi thấy tội tội. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó.
Lần thứ hai gặp lại con Rùa, tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt nó lấp ló ở chỗ kẽ hở giữa hai tấm phên khi nó rình tôi ngồi đọc sách. Chỉ đến lần thứ ba, cũng trong một lần phát giác nó nấp ngoài hè nhìn trộm tôi, tôi mới nói chuyện được với nó và từ hôm đó một tình bạn thân thiết mở ra giữa hai đứa tôi. Rồi đến một ngày tôi sung sướng nhận ra rằng tình cảm giữa hai đứa tôi còn lớn hơn một tình bạn và chúng tôi sẵn sàng chờ đợi nhau để nghe tương lai kể cho chúng tôi nghe đó là tình cảm gì.
Những kỉ niệm giữa hai đứa tôi dĩ nhiên không diễn ra trong đầu tôi theo lớp lang như thế. Chuyện nọ xọ chuyện kia, hình ảnh này đan xen hình ảnh khác, những câu chuyện nhảy ra giữa chừng, không đầu không đuôi, không theo thứ tự nào cả. Tôi mơ thấy chú Ngãi và những người thợ săn quây lấy con Rùa cạnh bụi cúc tần trước khi mơ thấy con Cổ Dài từ phía ao rau muốn lạch bạch lao về phía tôi. Tôi thấy hình ảnh con sóc xám đứng bên gốc cây thông non giương đôi mắt đen tròn như hai hạt nhãn ra nhìn chúng tôi trước khi thấy cuốn truyện Asterix con Rùa lôi ra từ dưới vạt áo, sau đó tôi mới thấy tiếp cảnh tôi và con Rùa co ro bên nhau trong lòng bụi duối dại nhìn mưa bay mù mịt qua kẽ lá.
Nhưng tất cả những chi tiết ấy đều giống nhau ở chỗ vừa hiện ra ngay lập tức hóa thành những mũi kim nhọn khâu chặt hình ảnh con Rùa vào trái tim tôi, và cứ mỗi lần mũi kim xuyên qua lại làm người tôi run lên. Và chắc chắn là tôi đã khóc khi nhìn thấy những hình ảnh thân yêu đó trong giấc mơ vì mỗi lần choàng tỉnh khi xe băng qua ổ gà, tôi lại bắt gặp mình nhòe nước mắt.
Khi xe vượt qua đèo Cả vào ban đêm, nhìn những đốm lửa đèn xa xa trong thung vắng, tôi nhớ con Rùa da diết. Và ngay trong lúc nhớ nó nhất, tôi chợt hiểu tại sao cô Út Huệ tiết lộ với thằng Thục về bí mật của con Rùa ngay vào đêm trước hôm tôi trở lại Sài Gòn.
Từ hôm đầu tiên lên xóm trên và bắt đầu những ngày ở lại nhà cô cho đến khi tôi đi, cô Út Huệ tuyệt không thắc mắc một lời nào về mối quan hệ giữa tôi và con Rùa. Một phần vì tôi đã lớn, phần khác vì nếu tôi thích chơi với một cô bé ở cạnh nhà hơn một đứa trẻ nào khác trong làng thì đó là chuyện quá bình thường.
Tôi không biết cô nghĩ gì trong những ngày đó nhưng có lẽ trực giác đã mách bảo cô rằng sự thân thiết giữa tôi và con Rùa rất có thể sẽ dẫn đến một sự gắn bó đậm đà hơn tình bạn thông thường, và điều đó nếu xảy ra sẽ biến thành một thảm kịch trong dòng họ.
Càng nghĩ tôi càng tin rằng cô Út Huệ nói với thằng Thục về thân thế của con Rùa chẳng có mục đích nào khác là mượn cái miệng bép xép của thằng này để thông báo cho tôi biết điều đó. Cũng có thể ngay cả thằng Thục, vốn đã rất ghen tị với con Rùa, cũng lờ mờ nhận thấy sự khắng khít giữa tôi và con Rùa bộc lộ một thứ tình cảm đặc biệt nào đó mà nếu như con Rùa quả thực là em họ tôi thì tình cảm đó đúng là sai trái. Chắc vì lý do nghiêm trọng này mà trong buổi sáng đứng chờ xe bên đường quốc lộ, thằng Thục đã làm một chuyện nó chưa bao giờ làm là cãi lại tôi, rốt lại chỉ để bơm vào đầu tôi câu chuyện bí mật giữa ông nội tôi và bà nội con Rùa.
Chẳng ai nói thẳng với tôi rằng tôi nên cảnh giác với tình cảm của mình, nhưng bằng những thông tin vòng vèo mọi người đã đạt được điều họ muốn: tôi đã quyết định lìa bỏ mối tình đầu vừa chớm nở của mình, với một cảm giác mất mát, đau đớn và xót xa như lìa bỏ một cánh tay để suốt ba năm đằng đẵng sau đó tôi sống vật vờ như một kẻ bị khuyết tật về tâm hồn.
Nỗi đau âm ỉ như than vùi trong bếp, không bao giờ thực sự tắt đi, vì một lẽ nữa là con Rùa luôn được bảo vệ để không biết được thân phận thật sự của mình. Và hiển nhiên hậu quả là nó không bao giờ biết được tại sao tôi - một người nó yêu thương và yêu thương nó đến thế - lại bỏ đi biền biệt khi vừa hứa hẹn sẽ quay về làng trong thời gian sớm nhất.
Cô Út Huệ, thím Lê và thằng Thục chắc là không trách tôi - tôi tin cả ba đều đoán được tại sao tôi không về dự đám giỗ ông tôi, cũng như bặt tăm suốt những năm sau đó.
Chỉ có con Rùa là không biết gì. Một đứa con gái cô độc, ba ૮ɦếƭ, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, lại bị chứng bệnh hiểm nghèo kéo dài suốt bốn năm (có lẽ do bị sốc trước cảnh gia đình ly tán), trước nay chỉ đánh bạn với thiên nhiên, loài vật, gần đây mới có được một người bạn thực sự hiểu nó và yêu quý nó là tôi, thế mà chỗ dựa tình cảm duy nhất đó cuối cùng cũng phản bội lại nó. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh con Rùa một mình lủi thủi trong rừng, một mình ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc hướng mắt về phương Nam chờ tin tôi, nhớ đến lời thủ thỉ của nó “Anh nhớ về sớm nhé. Không có anh, em chẳng biết chơi với ai”, lòng tôi lại đau như dao cứa.
Bây giờ, đã biết tôi và con Rùa là anh em chú bác, thế nhưng mỗi lần nhớ đến nó lòng tôi không hiểu sao vẫn tràn ngập yêu thương. Đã nhiều lần, nhớ nó cồn cào, nỗi thương cảm dâng ngập mi mắt, tôi muốn quay ngay về làng chạy lên xóm trên gặp nó, ôm nó vào lòng, tắm nước mắt trên mặt nó và nói với nó là tôi nhớ nó nhiều lắm.
Tất nhiên là cuối cùng tôi đã không bị những thôi thúc mộng mị đó cuốn đi. Và sau những lần nhớ thương quay quắt như vậy, tôi càng quyết tâm không về làng. Tôi là đứa con trai đa sầu đa cảm, nếu đứng trước mặt con Rùa ngay lúc này tôi biết tôi không thể kiểm soát được tình cảm của mình.
Thực sự thì tôi chẳng thấy nhú lên trong lòng chút tình cảm anh em nào với con Rùa. Tôi không cảm nhận được sợi dây thiêng liêng vô hình ràng buộc những người cùng máu mủ ruột rà. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới con Rùa trong bóng dáng một đứa em họ. Nghĩ đến nó, lần nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai lời nhắn gửi đầy tin cậy “Bây giờ em còn nhỏ, anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Những lúc đó, lòng tôi lại nghẹn thắt, trái tim tôi lại hóa thành cụm lục bình trôi lênh đênh trong dòng sông cảm xúc đầy ắp nỗi buồn.
32
Có lúc, tôi nhận ra tôi đang giận ông tôi cho dù lúc ông còn sống, tôi là đứa cháu mà ông thương nhất.
Tôi giận thói trăng hoa của ông. Với cốt nhục ông để lại bên nhà thầy Điền, ông đã vô tình làm khổ đứa cháu yêu của ông.
Nhưng tôi chỉ giận ông thoáng qua. Khi bình tĩnh lại tôi buộc phải chấp nhận một sự thật là trong cuộc sống, đôi khi đời sau không thể tránh được việc phải dọn dẹp những ngổn ngang đời trước đã bày ra, phải oằn lưng trả những món nợ đời trước đã trót vay một cách vô tội vạ, và cuộc sống tồn tại bằng cách vượt qua những thách thức đó để tiến về phía trước. Oan trái có vẻ như là trạm dừng mà lịch sử thỉnh thoảng vẫn thích ghé qua trước khi tiếp tục lăn bánh. Điều làm tôi nhói đau là đôi vai gầy guộc tuổi mười bốn của con Rùa còn quá nhỏ để gánh một nỗi trớ trêu như thế.
Mẹ tôi không hiểu được nỗi buồn của tôi trong những ngày này. Lúc mới về nhà, tôi đã định hỏi bà về những chuyện tình cảm của ông tôi, nhưng rốt cuộc tôi đã từ bỏ ý định đó. Tôi đoán những gì cô Út Huệ và thím Lê biết thì chắc bà cũng biết. Lời xác nhận của mẹ tôi trong lúc này sẽ không có giá trị gì nhiều về mặt thông tin, nó chỉ giống một nhát dao khoét sâu thêm vào vết thương trong lòng tôi.
Chính vì tôi không hỏi nên mẹ tôi không chắp nối được vẻ buồn bã của tôi với cô cháu gái của thầy Điền. Bà hướng suy nghĩ vào Bích Lan, cho rằng tâm trạng thất thường của tôi nảy sinh từ những giận hờn ấm ớ vẫn xảy ra như cơm bữa trong những cuộc tình mới lớn.
Bích Lan dạo này không đòi hôn tôi nữa mặc dù hiện nay mẹ con tôi đang ở tạm nhà nó sau khi rời khỏi chỗ ở cũ.
Mẹ Bích Lan rủ mẹ con tôi về ở chung, vì tình thân giữa bà và mẹ tôi, cả vì bà nhắm tôi cho vai con rể tương lại trong nhà. Tôi là một sinh viên hiền, ngoan, học khá chăm và dù khá chăm không đồng nghĩa với khá giỏi nhưng chỉ vậy cũng đủ để bà có thể an tâm giao con gái bà cho tôi. Hơn nữa, có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất: Bích Lan rất thích tôi và luôn miệng công khai tình cảm đó ở bất cứ đâu và trước bất cứ ai, đến mức tôi có cảm tưởng nó nói về tôi như nói về một món ăn khoái khẩu.
Hôm đầu tiên tôi dọn tới nhà nó, việc đầu tiên nó làm là xộc thẳng vào phòng học của tôi. Như thường lệ, Bích Lan kéo ghế ngồi sát rạt bên tôi và nhoẻn miệng cười, duyên dáng một cách cố ý. Sự điệu đà thái quá của nó khiến tôi có cảm giác nó đang khoe một món đồ kẹp tóc chứ không phải đang khoe một nụ cười.
- Nè. - Nó hắng giọng, gần như sà vào lòng tôi.
- Gì đó Lan?
Tôi cảnh giác hỏi và dè dặt nhích ghế ra xa một chút.
- Anh ngồi yên coi! - Nó đập tay lên tay tôi, nói như ra lệnh - Hôm nay Lan muốn thông báo với anh một chuyện quan trọng.
Tôi giương mắt nhìn nó thay cho câu hỏi. Từ khi quen nó đến nay, tôi chưa bao giờ thấy nó coi việc gì trên đời là quan trọng. Mọi thứ đối với nó cứ như đùa đùa giỡn giỡn, kể cả chuyện nó bảo nó yêu tôi.
- Anh đừng có trố mắt lên như thằng khờ thế. - Bích Lan tủm tỉm, nhưng khi nói tiếp thì nó thu ngay nụ cười lại - Anh nghe Lan nói này. Ừm ừm… dĩ nhiên là anh rất dễ thương…
Lại đòi hôn! Tôi lo lắng nghĩ bụng, cố trấn áp các cơ mặt để đừng nặn ra một cái nhăn.
- Sự thực là Lan rất thích anh… ừm ừm… đến giờ vẫn còn vô cùng thích.
Tôi mím chặt môi để bắt mình tập trung, đoán là phần hấp dẫn nhất vẫn còn ở phía sau.
- Nhưng bên cạnh sự thực đó còn có một sự thực khác. Là Lan yêu anh xong rồi. Người Lan yêu bây giờ không phải là anh.
иgự¢ tôi tự nhiên nhẹ hẫng. Sự sung sướng bất ngờ ập đến khiến mắt tôi thoạt xanh thoạt đỏ. Tôi như người tù vừa được tòa tuyên án tha bổng, vừa lâng lâng vừa thắc thỏm sợ mình nghe nhầm.
- Chắc anh không buồn phải không? - Bích Lan nhìn chăm chăm vào mặt tôi, hỏi như hỏi một đứa bé vừa bị giật mất quà.
Tôi nuốt nước bọt, phân vân không biết phải trả lời như thế nào. Gật đầu thì sợ Bích Lan tự ái mà bảo mình buồn thì trái với lương tâm, mặc dù khi sự sung sướng lắng xuống, tôi vẫn có chút chạnh lòng, không hiểu vì sao.
- Lan biết anh không buồn. - Bích Lan nhún vai - Vì thực ra anh đâu có yêu Lan. Một phút cũng không.
Ngay cả khi Bích Lan mở lời giùm tôi, tôi vẫn không muốn để mình xoay quanh đề tài tế nhị này.
Tôi tò mò hỏi, lái mối quan tâm ra xa khu vực nguy hiểm:
- Người yêu của Lan là ai vậy?
- Một người yêu cũ.
Tôi cười:
- Lan có cả mớ người yêu cũ, biết người nào là người nào.
- Cả mớ hồi nào?
- Lan kể chứ ai… - Tôi ngập ngừng - Lan bảo những bạn trai cũ của Lan rất thích hôn Lan…
- Lan nói dóc mà anh cũng tin! - Bích Lan lại đập tay lên tay tôi - Trước nay Lan chỉ yêu có một người đó thôi. Cho đến khi chia tay cả hai cũng chưa hôn nhau cái nào.
- Chia tay á?
- Ừ, chia tay. Bây giờ gặp lại.
Chuyện tình của con nhỏ Bích Lan này rắc rối y hệt con người nó. Nó kể chuyện tình của nó mà tôi tưởng như đang nghe nó kể chuyện phim. Bích Lan quen anh chàng kĩ sư Triều vào giữa năm lớp mười hai, sáu tháng trước khi tôi biết nó. Quen nhau được bốn tháng thì nó khăng khăng đòi chia tay. Nó bảo với tôi lúc đó nó ngờ rằng Triều không yêu nó thật lòng. Lý do rất buồn cười: Triều không chịu hôn nó. Nó bảo đi chơi với nhau bao nhiêu lần, anh vẫn không hôn nó cái nào. Nó nghi nghi, vờ xáp vô, lần nào cũng bị anh khéo léo đẩy ra. Cuối cùng nó quát thẳng vào mặt người yêu nó: “Anh bảo mặt em xấu như ma phải không? Hay là anh pêđê?”, rồi đùng đùng bỏ đi. Đi luôn. Cho đến khi gặp tôi, nó đã chia tay Triều được hai tháng.
Nghe Bích Lan huyên thuyên một hồi, tôi đoán nó không hề yêu tôi. Có thể nó thích tôi. Có thể con người tôi có nét gì đó ngồ ngộ, hay hay, nó thích như thích một món đồ chơi. Nhưng yêu thì chắc là không. Nếu nó có luôn miệng nói yêu tôi chẳng qua cũng để tự đánh lừa nó. Rằng nó đã quên được Triều. Rằng trên đời này không nỗi đau nào là không thể vượt qua. Bây giờ tôi lờ mờ đoán ra sở dĩ nó cứ đòi tôi hôn nó chẳng qua nó muốn xác định xem có thật là nó vô duyên đến mức không người con trai nào buồn ᴆụng vào nó hay không.
Trong khi tôi nghĩ ngợi miên man, Bích Lan vẫn tiếp tục kể:
- Trong thời gian anh về quê, Lan tình cờ gặp lại anh Triều. Hóa ra anh ấy không hề là kĩ sư như anh ấy khoe em…
Một buổi tối, Bích Lan ngồi ăn ốc với một cô bạn học tại một quán cóc bên lề đường thì gặp một đám xiếc rong kéo tới hành nghề. Đám xiếc gồm hai thanh niên và ba đứa nhóc. Người thanh niên phụ trách việc nuốt than và phun lửa chính là Triều. Thoạt đầu Bích Lan còn ngờ ngợ, không tin đó là anh chàng người yêu cũ của mình. Đến khi biết chắc đó là Triều, nó không kiềm được rùng mình khi thấy anh ngậm xăng trong miệng phun vào hai chiếc que tẩm dầu đang cháy phừng phực trước ngọn lửa bùng lên táp cả vào mặt mũi tóc tai khiến anh phải lấy tay phủi lia lịa. Đến khi Triều bốc từng hòn than đỏ rực trong chiếc lon trên tay thằng nhóc đứng cạnh bỏ vào miệng trệu trạo nhai thì trái tim của Bích Lan không chịu đựng nổi nữa. Nó rú lên và gục đầu xỉu ngay tại bàn.
Khi Bích Lan tỉnh dậy, nó thấy rất nhiều gương mặt lo lắng của những thực khách bàn kế bên vây quanh nó. Cô bạn học đang bắt gió và giật tóc mai cho nó, mỉm cười:
- Nhát cáy như vậy lần sau thấy người ta biểu diễn xiếc thì ngó lơ chỗ khác đi nha!
Bạn nó mắng yêu, không biết nguyên nhân thực sự khiến nó xúc động đến ngất đi như thế.
Bích Lan dường như không nghe thấy bạn mình. Nó đảo mắt nhìn quanh, thất vọng khi không tìm thấy người mình muốn gặp. Đám xiếc rong có lẽ đã vội vã kéo đi ngay từ khi Triều nhận ra người con gái đang đổ gục xuống bàn kia chính là Bích Lan.