26
- Mấy người nào vây con Rùa vậy mày?
Tôi thấp thỏm hỏi, và những cái tên nhảy ra từ miệng thằng Thục đúng như tôi phỏng đoán: đứng cạnh ông Bảy Thành là ông Hai Sắn, ông Bốn Lai và chú Ngãi.
Trừ chú Ngãi không có nét gì đặc biệt, ông Bốn Lai có cái bụng ngoại cỡ của Obelix. Bụng ông bự đến mức ông luôn giữ nó bằng hai tay như thể sợ nó bất thình lình rơi xuống đất. Cũng như Obelix, từ xa trông ông Bốn Lai như một quả dưa khổng lồ. Cái báng súng nhô lên trên vai ông chính là cái cuống dưa.
Ngược lại với ông Bốn Lai, ông Hai Sắn người nhỏ thó nhưng chiếc mũi lại to một cách khác thường, tóc túm trong chiếc khăn màu đỏ buộc ngang trán, bên hông dắt lủng lẳng một chiếc rìu. Nếu có thêm bộ ria vàng nữa, hoàn toàn có thể nhầm ông với nhân vật Asterix.
Trong khi tôi ngẩn ra nhìn ông “Panoramix” Bảy Thành, ông “Obelix” Bốn Lai và ông “Asterix” hai Sắn, lờ mờ hiểu ra tại sao ông ngoại con Rùa lại bảo truyện Asterix là chuyện kể về làng Đo Đo và con Rùa không hề nghi ngờ gì về điều đó thì thằng Thục thở hắt ra, lúc này nó đã chống chân xuống đất ngay bên cạnh đám người:
- Phen này con Rùa nguy to rồi! Chưa bao giờ em thấy bốn ông này cùng nhau đi kiếm con Rùa như bữa nay.
Những người thợ săn nhìn thấy tôi và thằng Thục dựng xe đứng xem nhưng họ chẳng buồn để ý. Cơn giận làm mặt người nào người nấy đỏ gay. Mặt trời ban trưa thả xuống từng bựng nắng càng khiến họ trông như đang bốc khói.
Ông Bảy Thành liếc về phía hai đứa chúng tôi một cái rồi quay sang con Rùa, giọng ầm ầm như tạc đạn:
- Mày còn chối nữa hả?
- Con nói thật mà.
Con Rùa lí nhí đáp, nó không nhìn về phía tôi và Thục nhưng tôi đoán nó đã thấy hai đứa tôi ngay từ đầu.
Ông Hai Sắn sờ tay lên cán rìu, nhếch mép:
- Ở đây không ai tin mày hết á. Đây đâu phải lần đầu hả Rùa!
Con Rùa có lẽ cũng biết không ai tin lời nó thật. Nó cứ ấp úng:
- Con… con…
Ông Bảy Thành giận dữ, chòm râu dày dưới cằm rung bần bật:
- Hôm trước mày làm ướt thuốc nhồi của tao, bây giờ mày phá hỏng bẫy của tao, của ông Bốn Lai và chú Ngãi… Mày có bị thần kinh không hả Rùa?
Ông Bốn Lai dộng báng súng kíp xuống đất, quai hàm bạnh ra:
- Hỏi tới hỏi lui gì nữa. Chắc chắn là nó rồi. Bây giờ phải làm gì với nó đây, mấy ông?
Chú Ngãi sấn tới một bước, chỉ tay vào mặt con Rùa, nóng nảy:
- Cãi nhau với con nhỏ này chỉ hao hơi tốn tiếng! Nó phá của tôi ba cái bẫy, bây giờ tôi phải bắt nó trói lại!
Chú Ngãi nói xong, lập tức thò tay tóm lấy tay con Rùa. Chú người thấp đậm, da đen, môi thâm, tóc quăn tít. Lúc hùng hổ trông chú như một con gấu bị đói lâu ngày, và con Rùa đang đối diện với chú giống như một thân cây non sắp sửa bị xé vỏ.
Con Rùa bước lui một bước để tránh cú chộp của người thợ săn. Bụng ngập tràn lo lắng, tôi hấp tấp lao xuống khỏi yên xe, tiến lại, chưa biết phải nói gì hay làm gì để giải vây cho con Rùa, thằng Thục đã kêu lên:
- Ê, ê, người lớn không được ăn Hi*p con nít à nha!
Chú Ngãi phun nước bọt, không thèm nhìn thằng Thục:
- Nó là con nít nhưng là con nít hoang! Hừm, hèn gì người ta nói “con không cha như nhà không nóc”.
Ngay từ khi bắt gặp cánh thợ săn vây con Rùa, tôi biết họ đã phát giác những chuyện xảy ra trong rừng ngày hôm qua. Tôi cũng có chút áy náy về hành động của con Rùa, cả về sự đồng lõa của mình, nhưng cách nói miệt thị của chú Ngãi khiến tôi giận run người, nhất là tôi nhìn thấy vẻ mặt con Rùa như bợt đi trong nắng.
Tôi buột miệng:
- Chú là người lớn sao lại ăn nói hồ đồ thế!
- Mày nói ai ăn nói hồ đồ? – Chú Ngãi quay sang tôi, mắt trợn ngược, câu nói rít qua kẽ răng.
- Tôi nói chú đó. – Thằng Thục gầm gừ, khác hẳn vẻ hiền lành hằng ngày. Nó bật chống xe đánh tách rồi hùng dũng bước lại. – Nếu ba con Rùa không vì bắt ςướק rồi trượt chân rơi xuống sông thì con Rùa đâu có mồ côi cha. Chú Hương ૮ɦếƭ cũng vì xóm làng, sao chú nói chuyện vô ơn quá vậy!
Bị hai đứa trẻ phê phán trước đám đông, mặt chú Ngãi phù ra như bị đánh thuốc độc. Chú xả một tràng như súng liên thanh bị ςướק cò:
- Mày trẻ con biết gì! Ông Hương đi ăn trộm bị rượt ngã xuống sông, bọn tao vờ nói bắt ςướק để con Rùa lớn lên khỏi mặc cảm. Ai ngờ càng lớn nó càng hư!
Câu nói của chú Ngãi như một thùng nước lạnh tạt vào mặt bọn tôi. Thục nghiến răng ken két:
- Chú đừng có bịa chuyện!
- Tao thèm vào bịa chuyện. – Chú Ngãi chỉ tay vào ông Bốn Lai – Nghe tin ông Bốn Lai kiếm được kỳ nam trong rừng, tối đó ông Hương chui vô trộm bị ông Bốn Lai phát giác. Ông Hương bỏ chạy, băng qua cầu treo thì trượt chân..
Tôi nghe các cơ bụng co giật liên hồi, bao tử đau thắt như có ai vò. Tôi liếc về phía con Rùa, thấy nó đang run bần bật, mặt héo đi từng phút một.
- Chú mày có im đi không! – Ông Bốn Lai quát chú Ngãi.
- Tôi không im. – Chú Ngãi quát lại ông Bốn Lai, trông chú như đã không còn lý trí – Sự thật thế nào tôi nói thế nấy. Mấy ông không nói thì tôi nói.
- Sự thật cái con khỉ! – Ông Hai Sắn giật tung chiếc khăn đỏ trên đầu, giận dữ - Mày bịa chuyện tao đập mày nghe Ngãi!
- Ông đập tôi đi! – Mắt chú Ngãi vằn đỏ, miệng chú bắt đầu sùi bọt – Mấy ông biết thừa là tôi không bịa mà!
Chú Ngãi thách thức ông Hai Sắn. Nhưng người giáng cho chú một báng súng là ông Bảy Thành.
Cú đánh của ông Bảy Thành mạnh đến mức chú Ngãi ngã chúi xuống cỏ.
- Mày còn nói xấu ba con Rùa, tao đánh mày ૮ɦếƭ luôn.
Chú Ngãi lóp ngóp bò dậy, hậm hực quét mắt qua đám đông một lượt rồi không nói không rằng, chú cắm đầu bỏ đi một mạch.
27
Người bỏ đi thứ hai là ông Hai Sắn. Trước khi đi, ông tiến lại chỗ con Rùa đứng, đặt tay lên đầu nó, chép miệng:
- Con đừng tin lời chú Ngãi. Thằng đó nó khùng rồi!
Ông Bảy Thành nối bước ông Hai Sắn. Ông giậm gót giày lên cỏ vừa lúc lắc cây súng kíp, không nói gì với con Rùa, chỉ hừ mũi:
- Đồ điên!
Ông nói trống không nhưng ai cũng hiểu ông đang nói chú Ngãi.
Người thợ săn nấn ná sau cùng là ông Bốn Lai. Ông đến bên con Rùa (lăn đến bên nó thì đúng hơn) và nhìn nó bằng ánh mắt ái ngại. Ông nhìn nó như vậy một hồi lâu, rồi khẽ buông một tiếng thở dài:
- Chú Ngãi giận quá nói lung tung.
Con Rùa vẫn đứng trơ như người mất hồn, nước mắt lăn dài trên má. Có cảm giác nó không nghe thấy người thợ săn. Tôi thấy ông Bốn Lai định đưa tay vuốt tóc nó, nghĩ sao lại thôi. Ông vác súng lên vai, tặc lưỡi trước khi nặng nề quay gót:
- Con hãy tin lời bác. Ba con là người ngay thẳng, đàng hoàng, không hề làm chuyện gì sai trái.
Cho đến khi người thợ săn cuối cùng mất hút cuối đường làng, con Rùa vẫn không nói tiếng nào, đôi mắt óng ánh nước của nó đang nhìn vào một điểm vô hình nào đó trước mặt và căn cứ vào vẻ thẫn thờ của nó, tôi đoán tâm trí nó chắc đang ở rất xa nơi nó đang đứng.
Tôi nhìn nó, lòng dậy lên nhiều cảm xúc khác nhau, định bước tới gần nó nhưng kẹt nỗi có thằng Thục đang đứng đó. Tôi không rõ con Rùa đang nghĩ gì, cũng không chắc nó có đang nghĩ ngợi hay không, có thể tâm hồn nó lúc này chỉ là một nỗi hoang vắng.
Từ khi chú Ngãi tố cáo nguyên nhân cái ૮ɦếƭ của ba con Rùa, thái độ của ba người thợ săn còn lại với con Rùa lập tức đổi khác. Họ không nhắc gì đến những hành động phá phách của con Rùa, chỉ xúm vào bênh vực ba nó và phản đối chú Ngãi. Cách xưng hô cũng thay đổi: họ gọi nó bằng tiếng “con” ngọt ngào trìu mến.
Con Rùa không biết có nghe thấy tất cả hay không. Tôi nghĩ là nó nghe thấy nhưng chẳng hiểu tại sao nó chẳng hề nhúc nhích. Nếu có thứ gì đó trên người con Rùa vẫn còn động đậy thì đó là những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ lăn tròn trên cánh mũi nó như những hạt pha lê ngời lên trong nắng.
Thằng Thục dường như hiểu ra tâm sự của tôi. Nó quay lại chỗ chiếc xe đạp dựng chênh vênh bên vệ đường, nói:
- Em về nhà cô Út Huệ trước đây. Anh với con Rùa về sau nhé.
Chim vẫn hót bên tai tôi khi thằng Thục đạp xe đi. Tiếng chèo bẻo đánh chẽo chẹt từng hồi nghe buồn nẫu ruột. Tiếng chim cu gù đâu đó từ những gò xa vẳng lại chỉ làm tăng thêm sự tĩnh mịch của buổi trưa hè, của cả cõi lòng tôi.
Tôi đến sau lưng con Rùa, nhẹ nhàng đặt tay lên vai nó:
- Về thôi, em.
Đôi vai con Rùa khẽ cựa quậy, và nó quay lại nhìn tôi. Nó không nói gì, nhưng ánh mắt thăm thẳm của nó khiến tôi nhói lòng.
Rồi cứ lặng thinh như thế, con Rùa bước đi.
Tôi đi bên cạnh nó, buồn rầu và bất lực. Hoa dong riềng đỏ chói chang trong nắng trưa như đang đốt cháy trái tim tôi.
Ngày mai tôi đã rời làng. Tôi lên đây để chia tay con Rùa, để lặp lại với nó rằng tôi thích nó nhiều lắm. Tôi muốn bảo nó đừng buồn, rằng thế nào tôi cũng sớm về thăm nó. Định bụng như vậy, bất ngờ gặp cảnh này những ý nghĩ trong đầu tôi đột ngột rối tung. Tôi không biết nên hướng cảm xúc của mình vào đâu, nên nói điều gì trước điều gì sau và nói như thế nào để không làm con Rùa bị tổn thương nữa.
Cân nhắc một hồi, tôi liếc con Rùa, phân vân nói:
- Em đừng buồn nữa. Chú Ngãi bị em phá hỏng đến ba cái bẫy nên bịa chuyện nói xấu ba em cho hả tức đó thôi.
Nước mắt lúc này đã ngừng lăn trên má con Rùa nhưng nó vẫn lặng im trước lời an ủi của tôi. Tôi thấp thỏm nhìn nó, dè dặt nói tiếp:
- Ông Bảy Thành, ông Bốn Lai và ông Hai Sắn đều bảo chú Ngãi nói bậy…
- Em biết mấy ông đó tốt với em. Nhưng em nghĩ chú Ngãi không hoàn toàn bịa chuyện. Bây giờ thì em hiểu tại sao sau cái ૮ɦếƭ của ba em, mẹ em lập tức bỏ nhà ra đi… - Con Rùa bỗng lên tiếng và câu đáp trả của nó làm tôi thộn mặt ra. Giọng con Rùa ráo hoảnh, không giống giọng của một người vừa mới khóc và sự tỉnh táo của nó bất giác làm tôi lo lắng. Có vẻ nó đã đi đến tận cùng nỗi đau nên đã lì ra.
- Em… em…
Tôi ấp úng, một phần vì bất ngờ trước phản ứng của con Rùa, phần khác do tôi không nghĩ được câu gì có thể xoay chuyển được tâm trạng của nó. Lúc ba con Rùa mất, tôi đã dời nhà vào Sài Gòn, chuyện về ông sau này tôi chỉ được nghe qua thằng Thục và nhiều người khác.
Cho đến khi cả hai về tới nhà, tôi vẫn không nói được tiếng nào với con Rùa, ngoài câu nói lúc nó băng qua vườn cải nhà cô Út Huệ để vào nhà: “Lát tối anh qua chơi với em nhé!”
28
Hồi trưa lúc ngồi bên bàn ăn, nghe nói tôi sẽ lên xóm trên chia tay cô Út Huệ với bé Loan, thím Lê dặn tôi phải về ngủ sớm để tờ mờ sáng hôm sau lên đường. Tôi cũng định bụng chỉ lên chơi với con Rùa cho đến lúc trời nhá nhem. Có ở bên cạnh nó thêm vài tiếng đồng hồ nữa cũng thế thôi. Đằng nào cũng phải chia tay. Tôi đã dự định trong đầu rồi. Vào Sài Gòn, tôi sẽ tìm cách quay về làng trong thời gian sớm nhất để gặp lại nó, để xem nó đã lớn thêm được chừng nào. Hồi bà tôi, ba tôi và chú Thảo chưa mất, năm nào tôi cũng theo ba tôi về làng. Sau này có đôi lần mẹ tôi dẫn tôi về dự giỗ kỵ nhưng do làm ăn khó khăn và bận rộn, những chuyến về thăm quê ngày một thưa dần.
Dự tính như thế nhưng rốt cuộc suốt buổi chiều hôm đó, tôi ở lì trong nhà cô Út Huệ chơi với thằng Thục và bé Loan. Tâm trạng con Rùa đang rơi vào một chỗ nào đó rối ren mù mịt, tôi nghĩ tôi khó mà trò chuyện với nó một cách bình thường.
Đến khi màn đêm bắt đầu buông xuống từng mảng tối, thoạt dầu mắc trên ngọn sầu đông, sau đó chảy tràn xuống sân như vết mực loang, tôi đoán con Rùa chắc đã nguôi ngoai nên mon men qua nhà nó.
Lần đầu tiên tôi bắt gặp mình ngập ngừng khi qua nhà con Rùa. Đã mấy lần tôi đứng lại, nhìn về phía lối mòn dẫn vào rừng, ngắm chim bay từng bầy trong bóng đêm chập choạng, vừa bay vừa gọi nhau ríu rít trên đường về tổ, tự hỏi mình sẽ nói gì hay làm gì để con Rùa cảm thấy thanh thản lát nữa đây.
Khi bước qua khỏi hàng giậu, dưới ánh sao mờ tôi thấy con Rùa đang ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc. Nó vẫn hay ngồi chỗ đõ, tôi đã thấy nhiều lần nhưng lúc này dáng ngồi của nó trông mới cô đơn làm sao và cảm giác đó khiến tôi thấy Ⱡồ₦g иgự¢ đột nhiên tức nghẹn.
Tôi nhẹ bước lại gần, cảm động biết rằng nó đang đợi tôi.
Tôi đứng sau lưng con Rùa, lặng thinh, bối rối, hết nhìn nó lại nhìn sang hòn non bộ rồi nhìn về phía ao rau muống rồi lại nhìn nó.
- Anh ngồi xuống đi anh!
Con Rùa buột miệng, như có mắt sau lưng.
Tôi lặng lẽ ngồi xuống cạnh nó, vẫn chưa biết bắt đầu giây phút chia tay bằng câu gì.
Cũng như khi nãy, người mở lời là con Rùa. Nó quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi, bất ngờ hỏi:
- Anh còn thích em không?
- Em biết là anh thích em mà! – Tôi khẽ nhăn mặt, không hiểu tại sao con Rùa lại hỏi thế - Bao giờ anh cũng thích em.
Con Rùa vịn hai tay vào vai tôi, giọng nghiêm trang:
- Nếu cái ૮ɦếƭ của ba em đúng như chú Ngãi nói, anh vẫn thích em chứ?
- Ờ, anh vẫn thích. – Tôi đáp không ngại ngần.
Tôi nhìn đôi mắt long lanh của con Rùa, lòng dậy lên cảm giác thương xót. Tôi định nói với nó tôi không tin lời chú Ngãi nhưng tôi biết con Rùa sẽ không nghe tôi. Vì vậy rốt cuộc tôi đã chẳng nói gì.
Tôi biết tình cảm tôi dành cho con Rùa trước đây đã rất nhiều. Tối hôm qua nghe những lời tâm tình mộc mạc ngây thơ của nó, thêm chuyện rắc tối trưa nay nữa, tôi càng thương yêu nó nhiều hơn. Càng lúc tôi càng nhận rõ giữa tôi và con Rùa có điều gì đó lớn hơn tình cảm giữa một người con trai và một người con gái. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh một cô gái sống cô độc và lầm lũi, trái tim bé bỏng của cô từ nay lại bị câu chuyện không rõ là hư hay thật nhưng chắc chắn là rất tồi tệ của người thợ săn làm cho xây xát, lòng tôi lại nặng trĩu.
Tôi không biết liệu với gánh nặng quá sức đó, con Rùa sẽ chịu đựng như thế nào và nó sẽ vịn vào điều gì để có thể đi qua mùa cọng dừa, mùa chong chóng đang chờ đợi nó phía trước.
Thật buồn khi mà ngay lúc con Rùa cần tôi ở bên cạnh nhất, tôi lại phải ra đi. Từ ngày mai, khi bầu trời được tô sáng bằng những tia nắng hình rẻ quạt quét lên từ phía biển, con Rùa lại tiếp tục những ngày dài lủi thủi, cô đơn và chắc chắn là đầy mặc cảm.
Tôi nghĩ miên man, lo âu và phiền muộn, vẫn nhìn vào mắt con Rùa để một lần nữa nhận ra rèm mi của nó thật đẹp và cuối cùng không rõ do nó hay do tôi, đầu con Rùa đã tựa vào vai tôi từ lúc nào. Thương gì đâu!