Đó là một ngày cuối thu, hàng cây sồi nhuộm sắc đỏ đậm như màu gạch lên quả đồi bao quanh khu nghĩa trang. Hàng chi cử và anh đào đã rụng hết lá, con đường lớn không bóng người buồn bã và lạnh lẽo tới mức khó tìm thấy được nơi nào khác giống nơi đây. Ngày thường rất ít người tới nghĩa trang, tôi chỉ bắt gặp lác đác mấy ông già bà lão. Như thường lệ, sau một lúc lạc đường, tôi lần được đến ngôi mộ của bố.
Có một vị khách đã đến trước.
Cô ấy ngồi trên xe lăn.
иgự¢ tôi nóng bừng, tôi có cảm giác sức nóng ấy đang từ từ rơi xuống bao tử.
Chiếc áo choàng lông trắng và đôi bốt cao cổ màu đen. Mái tóc màu hổ phách thả ngang lưng.
Không thể nhầm được. Mặc dù năm năm nhưng kí ức của tôi vẫn chuẩn xác.
Tôi tiến đến gần, đặng cất tiếng thì nhận ra có điều bất ổn. Chưa kịp xác nhận, cô ấy đã quay lại, mỉm cười nhìn tôi.
Bên trong áo choàng lông, cô mặc áo len cổ lọ cũng màu trắng. Và trên иgự¢ là chiếc dây chuyền. Viên thấu kính ngũ giác. Bảo bối của Karin…
“Chào em,” cô nói. Là giọng của Karin và khuôn mặt của Karin.
“Chị là…”
“Chị là Suzune. Morikawa Suzune.”
Nhìn kĩ, chị Suzune không cao lớn bằng Karin. Có cảm giác đây là Karin thu nhỏ lại một cỡ. Khuôn mặt cũng ngây thơ hơn hẳn Karin.
“Trong lúc chị ngủ, mọi thứ đều phát triển rất chậm. Cả trưởng thành lẫn lão hóa.” Chị giải thích như vậy. Đúng là trông chị ấy giống sinh viên đại học hai mươi tuổi hơn là một phụ nữ ở tuổi ba mươi sáu. “Em chẳng thay đổi gì nhỉ. Chị xem ảnh của em ở nhà chị.”
“Nhưng em đã ba mươi lăm tuổi rồi. Cứ mãi trẻ con thế thì…”
“Nếu em ở bên kia,” chị nói. Bên kia có lẽ ngụ ý thế giới của giấc mơ. Nhưng cách nói của chị nghe như đang ám chỉ một thị trấn nhỏ nào đó ở châu Âu. “Thì điều đó cũng không có ý nghĩa lắm đâu.”
“Thật vậy sao?”
“Ừ.”
Tôi cắm lên mộ bố bó hoa long đởm vừa mang đến. Chắp hai tay, tôi thông báo với bố cuộc gặp gỡ kì diệu vừa xảy ra. Sau khi thông báo xong, chúng tôi đi về phía ngôi nhà lớn được xây bằng bê tông ở phía Bắc nghĩa trang.
Tôi vừa đẩy xe lăn vừa hỏi, “Khi nào vậy?”
“Khoảng hai tháng rồi.” Chị trả lời bằng giọng quen thuộc của Karin. Dù biết đó là Suzune, tim tôi vẫn tự ý đập theo nhịp nhanh hơn bình thường.
“Bố của em,” chị nói. “Bố của em đã đưa chị quay về đây.”
“Bố em?”
Suzune khẽ gật đầu. Tắm mình trong ánh nắng mềm mại buổi chiều thu, mái tóc dài của chị ánh lên lấp lánh. Cả gò má của Suzune cũng ánh lên láng mịn như tờ giấy Kent cao cấp.
“Chị gặp bố em trong giấc mơ phải không?”
“Phải. Trong giấc mơ.”
“Karin thì sao ạ?” Tôi hỏi. Ngay từ đầu tôi đã biết câu trả lời, dù vậy tôi không ngăn được mình thốt ra câu hỏi.
“Em chị,” chị nói. “Vẫn đang tiếp tục ngủ.”
Thấy chị nhìn sang với ánh mắt lo lắng, tôi gật đầu. “Em ổn.”
“Có lẽ em chị vẫn đang ở một nơi nào khác. Chuyện Karin cũng ngủ giống như chị, mãi sau khi tỉnh dậy chị mới biết.”
Chị nở nụ cười gượng gạo với vẻ bất an. Đến lúc đó tôi mới nhận ra chị có răng khểnh. Nếu không chỉnh có khi Karin cũng có hàm răng giống thế.
Chúng tôi đến một chỗ giống như cột trụ của ngôi nhà. Năm cây cột trụ đỡ một khối khổng lồ làm từ bê tông. Khối kiến trúc trông như một con thuyền ấy rộng bằng khoảng dãy nhà mới của trường tiểu học của tôi hồi nhỏ.
Chúng tôi tìm chỗ không bị nắng chiếu và ngồi xuống ghế đá đặt ở đó. Suzune bám vào tay tôi, từ từ đứng dậy, rồi ngồi xuống chiếc ghế đá có chỗ ngồi được sơn màu trắng. Tôi cũng ngồi xuống bên cạnh.
“Cơ thể chị vẫn chưa quen,” chị nói. “Hình như chị ngủ hơi nhiều quá.”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Giấc ngủ của chị dài quá.”
Chị vừa ngước nhìn khối bê tông trên đầu vừa nói. “Cái gì vậy nhỉ? Trông như con thuyền hướng về phía các vì sao ấy.”
“Đúng đấy. Trông giống thật.”
Chị nhìn chăm chăm vào mặt tôi một lát như để thăm dò thái độ, sau đó tiếp tục câu chuyện, “Bố của em đã đến và nói với chị, rằng “Đã đến lúc phải về rồi đấy”.”
“Nghe giống lời bố mẹ gọi đứa con đang chơi ngoài công viên về nhà lúc chiều tà nhỉ?”
“Đúng vậy. Nhưng thực tế cũng như thế. Vì chị vẫn là đứa trẻ lên mười quên về nhà mà.”
Suzune hướng ánh mắt xa xăm lên bầu trời như đang tiếc nhớ thế giới mà chị đã bỏ lại phía sau.
“Nơi ấy thoải mái lắm. Ở đó chị gặp rất nhiều người, được nghe rất nhiều câu chuyện. Chị lắng nghe và nhớ được lời của họ. Và rồi chị biết được sự hình thành của thế giới.”
“Sự hình thành của thế giới ấy ạ?”
“Ừ.”
Tôi im lặng chờ đợi câu tiếp theo của chị nhưng dường như Suzune không định kể gì nữa. Có vẻ thấy lạnh, chị rụt cổ và đưa tay lên má.
“Chờ em một chút nhé.” Nói rồi tôi đứng dậy và chạy đến máy bán hàng tự động ở gần đó. Tôi mua cà phê nóng và xúp ngô rồi quay lại ghế đá, đưa cà phê nóng cho Suzune rồi ngồi xuống bên cạnh chị.
“Xúp ngô?” Chị hỏi.
“Vâng. Em thích cái này lắm. Thế nên em rất thích đến mùa lạnh, vì mùa hè họ không bán loại này.”
“Như trẻ con ấy nhỉ,” Suzune nói. Giọng điệu giống Karin nên trong một phút tôi thấy vui hơn hẳn, nhưng ngay sau đó lại buồn thỉu đi.
Suzune ủ lon cà phê trong hai bàn tay và áp nó vào bụng. “Ấm quá,” chị nói, hai gò má láng mịn hơi phồng lên như một đứa trẻ. Tôi thấy băn khoăn về sự đa dạng kì lạ trong tuổi tác của người phụ nữ này. Rốt cuộc chị bao nhiêu tuổi đây?
Nếu nói về số tuổi từ khi sinh ra, Suzune đã ba mươi sáu tuổi. Còn hình dáng của cô gái trước mặt tôi bây giờ trông như vừa đón sinh nhật tuổi hai mươi. Thế nhưng hồi lên mười, chị chìm vào giấc ngủ và lang thang suốt hai mươi sáu năm trong thế giới của giấc mơ. Có lẽ không tồn tại cái gọi là “tuổi chính xác” ở người phụ nữ này.
Vẫn áp lon cà phê ủ trong hai tay vào bụng, nửa thân trên của Suzune từ từ rung lên. Trên иgự¢ chị, sợi dây thấu kính ngũ giác cũng rung theo cùng một nhịp điệu. Nhận ra ánh mắt của tôi, Suzune nghiêng đầu như muốn hỏi, “Gì thế?” Nếu là Karin, chắc chắn cô sẽ hỏi “Cậu nhìn cái gì bên trong? Hay là cái bên ngoài?” Mặc dù giống nhau như chị em sinh đôi, quả nhiên họ vẫn là hai người khác biệt.
“Sợi dây chuyền thấu kính ngũ giác.”
Nghe tôi nói, chị nhìn xuống иgự¢ mình và “à” lên một tiếng, “Vì chị nghe nói Karin lúc nào cũng đeo nó. Chị nghĩ là nếu đeo vào thì em sẽ nhận ra chị.”
“Không có thì em cũng biết mà.”
Lẽ nào Suzune không nhận ra mình có khuôn mặt giống với Karin. Thấy lạ, tôi bất giác bật cười.
“Có gì kì quặc sao?” Suzune hỏi.
“Không ạ, không có gì.” Tôi hỏi và để đánh trống lảng. tôi giật nắp lon súp ngô. Tiếng động dội lại từ bức tường bê tông to hơn tôi nghĩ. Tôi đưa lon lên miệng, xì xụp uống xúp ngô đã hơi nguội. Suzune thôi nhìn tôi để chuyển ánh mắt sang phía khung cảnh trông giống như một bài tập vẽ phối cảnh.
“Ông già ấy,” lát sau Suzune nói. “Đang bắt chuyện với ngôi mộ.”
Lần theo ánh mắt chị, tôi cũng nhìn thấy ông già, “À, lần nào em cũng gặp ông ấy.”
Đó là một ông già nhỏ người. Lúc nào ông cũng đi xe đạp đến, trải chiếc chiếu rơm mang theo xuống trước bia mộ và ngồi rất lâu…
“Chắc là mộ của người vợ.”
“Chắc chắn là thế,” Suzune nhìn chăm chăm vào ông già với ánh mắt êm đềm. “Nếu vậy thì vợ của ông ấy chắc chắn là ở nơi ấy.”
Tôi nhìn vào mặt Suzune. “Nơi ấy là thế giới của giấc mơ?”
“Ừ,” Suzune nói. “Ở đất nước kỉ niệm. Nơi đó, suy cho cùng là nơi đặt những kỉ niệm.”
Suzune nói rồi quay lại nhìn chằm chằm vào tôi.
Thấy tôi chớp mất tỏ vẻ không hiểu, chị thay đổi cách diễn đạt. “Mọi người đều nói rằng, “Người ấy đang sống trong trái tim tôi” phải không?”
“Vâng, có nói vậy.”
“Đó là bởi vì bằng cách nào đó họ cảm nhận được về thế giới ấy.” Suzune nói và vén mái tóc đang rũ xuống má. “Kỉ niệm, kí ức, những thứ đó vẫn còn sót lại rất nhiều phải không?”
“Vâng, vẫn còn lại.”
Trong đầu tôi đột nhiên hiện lên hình ảnh quen thuộc hằng ngày… Bố khom lưng xì xụp bát mì udon.
“Chị nghĩ đó là nơi được tạo ra nhờ những kí ức.”
Một câu chuyện kì lạ. Nhưng nó cũng có sức thuyết phục kì diệu khiến ta dễ dàng tin tưởng. Là cảm xúc mà nhờ nó ta sẽ không bao giờ quên đi người ta yêu thương. Là trái tim mà ở đó ta mãi trân trọng những kỉ niệm về người đã khuất. Giống như ông già kia, vẫn trò chuyện không ngừng nghỉ với một người chắc chắn là không ở đây… Với tất cả những lí do ấy, tôi cảm giác rằng tôi có thể hiểu được.
“Thế nhưng tại sao lại có thế giới ấy?”
“Chà,” chị nghiêng đầu. “Cái đó thì chị cũng không biết. Nó là một nơi rất giống với giấc mơ, vậy nên rốt cuộc chẳng phải chính trái tim mọi người đã tạo ra nó hay sao?”
Suzune dang hai cánh tay, ngước lên bầu trời và nói, “Ước gì mình được thấy một giấc mơ thế này.” Chị mỉm cười rạng rỡ, “Trong giấc mơ ấy mọi người đều đang kết nối với nhau. Chúng ta, rồi những người trước đây đã từng sống trên con phố này, tất cả. Em không nghĩ đó là một giấc mơ tuyệt đẹp sao?”
Chúng ta không chia lìa mà đang gắn kết với nhau. Ai cũng sẽ là chất xúc tác cho hai người nào đó và cuộc đời này tràn đầy những phản ứng hóa học.
Phải chăng mọi điều là như vậy?
Yêu một ai đó, dù có mất người ấy đi chăng nữa thì ta cũng sẽ không bao giờ quên được nỗi buồn và hình bóng cũ. Nỗi buồn càng sâu thì các kí ức càng khắc mạnh vào trái tim ta và đọng lại như mới.
Nếu vậy thì ta không thể quên họ. Quên việc họ vẫn hiện diện. Quên việc yêu, được yêu và trao cho nhau nụ cười. Chắc chắn tất cả đều có ý nghĩa.
“Em đã hiểu tại sao chúng ta lại bị cuốn vào kỉ niệm tha thiết đến thế rồi chứ?”
Tôi gật đầu.
Tại sao chúng ta cứ hướng về quá khứ?
Có lần Karin đã bảo tôi rằng, đó là bản năng của con người. Con người là sinh vật không thể không ngoái lại phía sau. Cảm xúc “nhớ nhung” cũng đồng nghĩa với việc kiếm tìm “thời gian” xưa cũ. Yêu mọi khoảnh khắc, quý trọng cuộc đời, những ý nghĩ đó tạo nên “giấc mơ,” và giấc mơ ấy là thế giới mà những người ta yêu đang sống.
“Rất nhiều người đã truyền đạt quan điểm này cho chị. Dĩ nhiên trong đó có cả bố em.” Đến đây Suzune cắn chặt môi dưới. Chiếc răng khểnh trắng trông rất dễ thương. Nhận ra ánh mắt của tôi, ngay lập tức chị giấu hàm răng vào phía trong cặp môi. Và rồi chị ghé mặt lại gần, nói như thì thầm. “Bố em có gửi lời nhắn lại đấy.”
“Lời nhắn?”
“Ừ. Chị nghĩ vì bố em đã chân thành nhờ chị chuyển lời này đến em nên chị mới ở đây như thế này. Sức mạnh trong ý nghĩ của bố em đã đánh thức chị dậy.”
Suzune nhìn trân trối vào mắt tôi. Qua ánh mắt mạnh mẽ đó, có vẻ chị định chuyển đến tôi cả những tình cảm không thể diễn đạt thành lời. “Ông bảo rằng ông rất yêu em.”
Hốt nhiên, ống mũi tôi đau nhói. Tôi nghiến mạnh quai hàm, cố kìm nén cảm xúc đang chuẩn bị trào ra.
“Ta rất lo lắng vì đã để lại con trai ta một mình. Anh em không có, mẹ thì đã mất sớm. Ta cũng đã cố gắng nhưng chỉ dốc sức được đến đây.”
Tôi vẫn cắn răng, gật đầu.
“Ông bảo vì sinh con khi tuổi đã cao nên nâng niu quá cẩn thận, khiến con trai trở thành một người không trông cậy được. Vì lẽ đó mà ông lo lắng khi chẳng chuẩn bị tinh thần mà đột nhiên ra đi thế này.”
“… Bố em bao bọc con cái quá phải không?” Tôi nói như thì thầm bằng cổ họng cứng đờ. “Còn Yuji với Momoka mà. Em đâu có sao…”
“Cha mẹ thường như vậy, phải không?”
“Đúng.”
Suzune nhìn chăm chăm vào tôi với khuôn mặt ngây thơ, nhưng ánh mắt thấp thoáng thứ cảm xúc như người mẹ nhìn con. “Bố mẹ thường hay thiên vị con cái, nhưng quả thật Satoshi là một đứa rất tốt. Bố em nói vậy.”
“Từ xưa đã thế rồi.”
Dù tôi có mang điểm kém về nhà, bố vẫn đón nhận hệt như đó là dấu hiệu hứa hẹn thiên tài tiềm ẩn trong tôi.
“Lúc nào bố cũng đánh giá em cao quá mức.”
“Em không thấy hạnh phúc vì có một người cha như vậy sao?”
Có chứ. Chắc chắn rồi. Thế nên tôi là một đứa trẻ hạnh phúc. Dù tôi lập dị, không giỏi giao tiếp xã hội, không có gì đặc biệt gọi là ưu điểm thì tôi vẫn là một kẻ hạnh phúc. Vì bên cạnh tôi có người công nhận một tôi như thế.
Tôi nhớ lại buổi tối cuối cùng ở cùng bố. Đó là ba ngày trước khi bố tôi chạy sang “thế giới bên kia.”
Và quả nhiên là đêm ấy tôi lại cùng bố ăn món mì udon nấu nhừ ở chung cư.
Tôi không nhớ rõ vì sao chúng tôi nói chuyện này, nhưng giờ ngẫm lại, có lẽ bố đã có linh cảm về vận mệnh của mình.
“Ta xin lỗi,” bấy giờ bố nói.
“Gì cơ ạ?” Tôi hỏi.
“Về hiện trạng của anh bây giờ. Về hiện trạng một thanh niên tử tế tuổi ngoài ba mươi và người bố ngoài tám mươi gặp mặt nhau vào tối cuối tuần, cùng xì xụp món udon.”
“Có gì đâu ạ,” tôi trả lời. “Con có cơ hội thư giãn, mà mì udon cũng ngon. Như thế này là được rồi đấy chứ ạ.”
Thật ra thì đây cũng chẳng phải là cuộc sống mà tôi mong muốn. Là đứa con trai duy nhất mà tôi chẳng thể thực hiện giấc mơ của bố mẹ. Chưa bao giờ tôi hỏi giấc mơ đó là gì, chỉ chắc chắn một điều rằng, bố mẹ không mong đợi hình ảnh hiện tại của tôi.
Bố nói, “Anh dễ thương lắm, dễ thương không chịu được. Chưa bao giờ ta nghĩ việc có con lại làm ta xáo động nhường này. Vì quá hạnh phúc nên có lẽ ta đã quên mất trình tự đúng của nó. Ta chẳng giơ tay ra đánh, cũng chẳng mắng nhiếc nặng lời. Chắc chắn ta cũng không thể làm được điều đó.” Bố khẽ lắc đầu. “Giờ nghĩ đến tim ta vẫn đau. Hình ảnh anh vừa lắc cái ௱ôЛƓ phồng lên vì bỉm vừa chạy quanh phòng. Chuyện như vừa hôm qua. Ta thấy hạnh phúc đến ૮ɦếƭ đi được. Ta nghĩ thế này chẳng phải mình đã sung sướng quá mức được hưởng rồi hay sao? Một người đàn ông như thế làm sao giáo dục con cái cho được. Tất cả mọi điều anh làm ta đều thấy tuyệt vời. Anh là đứa trẻ đẹp nhất thế giới, là cậu bé thông minh nhất thế giới và có tâm hồn dễ mến nhất thế giới.”
“Thế nhưng,” tôi nói. “Nhờ điều đó mà con mới hạnh phúc. Con biết ơn bố lắm. Con nghĩ nếu con bị nói này nói kia như những nhà khác thì quá khổ.”
“Nhưng chưa biết chừng ta đã Ϧóþ ૮ɦếƭ cái gọi là khả năng của anh.”
Như vậy nghĩa là sao?
“Hồi đó những lời ta nói với anh cũng không nhiều lắm.”
Ừm, đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Những lời bố nói là những lời răn dạy vô cùng đơn giản. Dù không ăn được những đồ ngon cũng không sao. Không cần thiết phải ăn vận đắt tiền. Luôn phải sạch sẽ. Hãy làm những việc làm người khác hạnh phúc. Luôn phải nhã nhặn.
Chắc chắn những người lớn hồi xưa đều nói giống hệt nhau. Tôi lớn lên theo cách đó và giả sử nếu tôi có con hẳn là tôi cũng sẽ dạy chúng những lời như vậy.
“Thời đại bây giờ, đặt trong thế giới ích kỉ, những lời đó sai bét phải không? Đôi khi ta cũng băn khoăn. Rằng liệu thế này có được không?”
“Đâu có sai ạ.”
Nhờ nghe theo những lời dạy của bố mà tôi sống một cách an lành. Tôi thấy thoải mái. Ít nhất là cách sống này hợp với tôi. So với những người đàn ông khác thì cuộc sống của tôi quá đỗi đơn giản, nhưng đây là phong cách của tôi. Tôi không có duyên với những chuyến du lịch cuối tuần hoành tráng, không sở hữu những thiên tình sử với phụ nữ đẹp, nhưng tôi cũng chẳng thấy ước ao. Vì vậy mà tôi biết ơn bố. Tôi thấy mình may mắn vì được làm con của bố. Chẳng phải lúc nào bố cũng công nhận tôi hay sao? Chẳng phải dù tôi là đứa con chẳng làm được điều gì khiến bố mẹ tự hào thì bố vẫn tiếp tục bảo rằng “Con đã cố gắng đấy, cừ lắm” hay sao? Dù tôi có là đứa con vô tích sự thì bố vẫn ở bên tôi tới tận bây giờ với tình yêu thương vô bờ bến. Chỉ cần như thế là quá đủ. Còn điều gì cần hơn thế nữa?
“Vậy nên,” tôi khẳng định. “Bố không cần phải nghĩ ngợi thế đâu. Như thế này là được rồi. Với con như thế này là rất ổn.”
Thấy tôi buông lời chắc nịch như thế, bố nở nụ cười thấp thoáng chút buồn rồi lặng im ngồi nhìn tôi.
“Hẳn là như vậy,” tôi nói. “Vì là con của bố nên em mới hạnh phúc.”
Suzune cười dịu dàng, khẽ gật đầu, “Bố em còn nói thế này nữa.”
“Sao ạ?”
“Nhất định ta sẽ đưa công chúa Ibara trở về.”
Chị ghé sát mặt và nhìn vào mắt tôi. Quả nhiên là đồng tử của chị cũng mang màu như màu lông chim, “Bố em hứa nhất định ông sẽ tìm ra và mang công chúa trở về bên em.”
“Vậy, bố em…”
Suzune gật đầu rồi hỏi “Em có chờ không? Có thể sẽ mất nhiều thời gian lắm đấy.”
“Em sẽ chờ,” tôi trả lời. “Nói sao nhỉ, em rất giỏi đợi chờ. Em đã đợi năm năm, đến giờ cũng không có gì đau khổ cho lắm.”
“Cho dù em sẽ phải đợi tiếp năm năm nữa?”
“Vâng. Không phải em có niềm tin vững chắc nhưng mà… có lẽ… Vả lại, không hẳn là em chờ đợi trong mơ hồ phải không? Bố đã hứa với em rồi mà. Bố là một người biết giữ lời hứa.”
“Cũng phải,” Suzune nhoẻn miệng cười. “Có lẽ trái tim của người cha luôn nghĩ về con sẽ làm được bất cứ điều gì phải không?”
Chúng tôi đi bộ trên con đường lớn có hàng cây anh đào. Không gian tĩnh lặng. Hai chúng tôi hệt như hai người duy nhất trên biển mặt trăng.
“Lời nhắn cuối cùng của bố em là thế này.” Suzune nói. “Ta rất hạnh phúc. Ta có người vợ yêu và con trai, có được niềm hạnh phúc tràn trề. Và rồi ông nói thế này. Ta muốn con nói với con trai ta một câu mà ta không dám nói chỉ vì ăn nói kém cỏi… Ta yêu lắm. Từ trái tim ta yêu anh lắm. Ta yêu lắm… Ông nhắc đi nhắc lại ba lần như thế.”
Suzune khẽ khàng khoác cánh tay mình vào tay tôi. Chị giả vờ như không nhận ra những giọt nước mắt của tôi.
“Nếu con gặp con trai ta,” chị nói. “Thì lúc đó… lúc đó hãy cho ta gửi lời hỏi thăm đến nó. Đó là lời nhắn cuối cùng.”
“Vâng,” tôi nói. “Vâng. Con đã nhận được lời nhắn của bố. Cảm ơn bố. Con thực sự cảm ơn. Cảm ơn bố…”
Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn. Đây là câu chuyện của tôi và cũng là câu chuyện của những người đã tạo ra phản ứng hóa học mà trong đó tôi là chất xúc tác.
Cho dù tôi có lìa xa thế giới này thì câu chuyện vẫn sẽ không kết thúc. Tất cả sẽ tiếp diễn nhờ mối tương tác với các phản ứng hóa học… yêu thương, ghen tuông và rồi lại yêu thương.
Bốn tháng sau khi Suzune tỉnh lại, cha mẹ chị bắt đầu trở về sống cùng nhau. Họ bảo giờ chẳng cần đăng kí kết hôn nữa nên cả hai vẫn tiếp tục lấy họ khác nhau. Suzune cũng sống cùng bố mẹ khoảng một năm, nhưng chẳng bao lâu sau, như bào tử leo lắt ngoài gió, chị đi đến một đất nước khác.
Trước khi chị đi chúng tôi có hẹn gặp vài lần. Có lần chúng tôi cùng đi ăn buffet bánh ngọt. Giống như Karin, Suzune cũng ăn hết veo mười loại bánh ngọt. Giả sử Linus vẫn còn làm ở quán đó, có lẽ khi nhìn thấy Suzune cậu ấy lại nhớ về chị gái mình. Nhưng Linus đã rời khỏi đây được ba năm rồi. Cậu ra đi đột ngột nên chẳng ai biết cậu đi đâu. Cũng có người bảo rằng cậu đã về nước. Nếu vậy thì có khi cậu đã cắt đứt sự rung động với chị gái mình rồi cũng nên. Tôi chợt nhớ lại câu nói “Xa cách lâu ngày sẽ dập tắt tình yêu” của Mirabeau mà Linus trích dẫn.
Thế nhưng Linus này, tình yêu của anh vẫn chưa có vẻ gì là xa cách cả. Tại sao lại thế nhỉ?
Suzune thường viết thư cho tôi từ nơi chị ở. Khi thì từ Myanmar, khi thì từ Pakistan, tức là cứ mỗi lần thư đến lại có dấu bưu điện khác nhau. Chị trôi dần về phía Tây theo cơn gió mậu dịch. Bưc thư cuối cùng tôi nhận được đến từ Ai Len, tức là chị cũng đi khá xa. Mỗi lần nhận được thư chị tôi lại nhớ đến chị gái của Natsume. Tôi thường nghĩ rằng đến một lúc nào đó hai người lại gặp nhau cũng nên. Trên con phố ở Santiago vùng Nam Mĩ chẳng hạn.
“Gửi Satoshi yêu thương,” chị luôn mở đầu như vậy. Tôi rất xấu hổ nhưng đến giờ thì tôi cũng quen. “Em gái chị đã trở về chưa? Hay em vẫn một mình?” là câu chắc chắn chị sẽ hỏi. Trong những bức thư đầu mùa đông không bao giờ thiếu được câu, “Lại đến mùa xúp ngô rồi nhỉ! Năm nay em đã ăn chưa?”
Hai năm sau khi Suzune rời Nhật, tôi mở rộng tầng hai cửa hàng. Tôi dùng số tiền bán chung cư của bố, nới rộng bếp và làm lại phòng tắm, phòng vệ sinh. Tôi còn dựng thêm một phòng nữa và dọn sang đấy ngủ, phòng có kê một chiếc giường rộng, để trống một chỗ bên cạnh dành sẵn cho Karin.
Tôi định dùng phòng cũ làm phòng trẻ sau này nên đã thay giấy dán tường sang màu xanh dương. Hễ rảnh là tôi đến cửa hàng tạp hóa sắm dần đĩa, cốc để Karin có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Một năm sau khi sửa nhà, tôi mua một chiếc bàn cổ để đặt trong bếp. Trước giờ tôi vẫn ngồi ăn bên chiếc bàn gấp tròn nhỏ. Tôi đem bức ảnh bên hồ lấy từ chung cư của bố về, Ⱡồ₦g vào khung ảnh thủy tinh và đặt trên chiếc bàn mới.
Trên mặt bàn gỗ sồi đơn sơ già cỗi, tôi và Karin hồi mười bốn tuổi đang cười đùa vui vẻ. Ngày nào tôi cũng bắt chuyện với Karin trong ảnh. Đại khái là những câu chuyện tầm phào thường nhật chẳng đâu vào đâu.
Vừa uống loại trà 313 (kết hợp giữa hồng trà Ceylon, quả tầm xuân và sả) hay loại 421 (kết hợp giữa tinh chất cúc La Mã, oải hương và hoa hồng) và vẫn phồng mang trợn má ăn bánh Chocolate Danish, tôi vừa báo cáo với cô bé mười bốn tuổi cười khoe dụng cụ nẹp răng những chuyện chẳng hạn như “Hôm nay có người khách mua những một trăm cây diệp tài hồng cơ đấy,” hay “Vợ chồng nhà cá sóc lại vừa sinh con.”
Tôi từng định đến gặp Karin đang ngủ thay vì nhìn ảnh nhưng rồi tôi lại đổi ý. Vì tôi sợ điều kìm nén trong lòng bấy nay sẽ lập tức vỡ òa.
Cửa hàng vẫn thế. Việc kinh doanh của tôi chẳng thể hóa thành thiên đường của sở thích, mặc dầu vậy, dường như vẫn chưa đến ngày tuyệt chủng của những người yêu thích thủy sinh. Nhờ hệ thống bán hàng qua mạng hoạt động khá khẩm, tôi cũng rủng rỉnh hơn hồi xưa đôi chút. Tôi dùng một phần số tiền bán chung cư để trả nợ, mỗi khi đến hạn phải trả tiền cuối tháng, bao tử tôi không còn bị đau như trước nữa.
Okuda vào làm thay Natsume được sáu năm thì mất sức lao động nên buộc phải nghỉ việc. Vì ăn quá nhiều đồ béo vị bơ lạc mà cân nặng của cậu ta khi ấy lên đến 120 kilôgam. Trong thời gian nghỉ dưỡng, cậu ta tiếp tục ôn thi và sau năm lần thử sức đã đỗ vào trường đại học mơ ước. Khi tốt nghiệp, Okuda đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng về trọng lượng cơ thể, cậu ta đã thành công trong việc giảm xuống dưới mức một trăm cân. Sau lễ tốt nghiệp, chúng tôi có đi ăn cùng nhau, đến lúc đó cậu ta vẫn còn nghiêng đầu thắc mắc, “Chắc là chị nhân viên hồi ấy không phải Morikawa Suzune đâu nhỉ…” Tôi dự định khi Karin trở lại sẽ để hai người đó gặp nhau nhằm gây ngạc nhiên cho Okuda, tuy nhiên trước khi sự thực được công khai thì một thời gian dài đã trôi qua.
Không biết từ khi nào, ông giáo sư trường đại học nghiên cứu về tiêu thảo dài lá hẹp đã không còn đến cửa hàng nữa. Khách hàng quen và nhân viên cũng thay đổi theo thời gian. Tôi có cảm giác như chỉ mình tôi vẫn quanh quẩn một chỗ, đơn thuần lặng ngắm dòng người đi ngang qua. Hằng ngày tôi vẫn đóng gói thủy sinh, buổi trưa ăn pasta hoặc Chocolate Danish và chạy 400 mét ở sân vận động gần nhà vào những buổi chiều rảnh rỗi.