Natsume lại leo dốc bằng xe đạp như mọi lần.
Ở đoạn cuối con đường, dốc khá đứng nhưng cậu không hề đuối sức. Thậm chí còn không đổ mồ hôi. Chẳng hiểu tại sao, nhưng trông cậu như ma nơ canh gắn máy. Cậu dựng xe đạp trước cửa hàng, cởi chiếc thắt lưng khóa dán giữ cạp quần rộng thùng thình như mọi lần, rồi phủi bụi trên đùi bồm bộp như mọi lần.
“Chào buổi sáng.”
“Chào em.”
Mặc bộ vest màu cà tím không cà vạt, trông cậu còn giống cả người mẫu nam chụp ảnh bìa cho tạp chí GQ nữa. Cao ráo, đung đưa cánh tay hơi dài một cách lịch lãm vừa nở nụ cười quý tộc cậu vừa mở cửa và biến mất trong cửa hàng.
Quả là kì lạ, nhưng Natsume là nhân viên duy nhất của cửa hàng thủy sinh Trash. (Từ hôm nay sẽ là hai người!)
Theo lí lịch cậu ta mang đến thì sau khi tốt nghiệp một trường đại học xếp hạng cao hơn trường học tôi mười lăm bậc, Natsume sang Pháp làm việc cho một chi nhánh nào đó của Nhật về sản xuất săm lốp. Thông thạo tiếng Nhật, Anh và Pháp (nhờ tu nghiệp tại trường Athénée Francais[8]), cậu ta đã có nhiều năm bay vòng quanh một khu vực rộng cỡ một phần tư diện tích trái đất với cương vị quản lí chung khu vực Châu Á. Chàng trai đó bây giờ đang là nhân viên làm thêm của cửa hàng thủy sinh với lương giờ chưa tới một ngàn yên.
[8] Trường đào tạo ngoại ngữ cổ nhất của Nhật tập trung chủ yếu vào tiếng Pháp, do giảng viên đại học Joseph Cotte thành lập năm 1913.
Đôi khi tôi có cảm giác như mình đang bắt danh họa vĩ đại Da Vinci hay Rembrandt làm công việc vẽ phác thảo lên bao diêm rẻ tiền. Liệu lãng phí nguồn nhân lực có bị cấu thành tội danh? Tôi hơi hoảng về điều này.
Đang tiếp tục quét dọn trước cửa tiệm, tôi chợt thấy Natsume từ trong trở ra.
“Tại sao Morikawa Suzune lại ở đây?”
“À, em gặp rồi hả?”
“Vâng. Còn bị chị ấy cười vì cái hình trên tạp dề nữa chứ.”
Đó là logo của cửa hàng do tôi vẽ, in trên phần иgự¢ chiếc tạp dề đồng phục.
Trông nó như thế này.
“Ơ? Sao em lại biết cả tên của cô ấy nữa, Natsume?”
Thường thì cậu ta chỉ thể hiện cho mọi người thấy biểu cảm bề ngoài, lúc này thì ngược lại, ánh mắt vô hồn mới phản ánh suy nghĩ thật sự. Cậu ta đang kinh ngạc.
“Anh không biết chị ấy ạ?”
“Anh biết chứ. Hôm qua anh phỏng vấn mà. Hôm nay cô ấy bắt đầu làm việc.”
“Không phải thế,” Natsume nói. “Ý em là chuyện chị ấy là một diễn viên mới nổi rất sáng giá cơ.”
Tôi bảo “à,” rồi tiếp tục, “Thế hả?” Dĩ nhiên là tôi không biết. Nghe cô ấy tự giới thiệu là người mẫu, tôi bèn liên tưởng đến mấy việc chụp ảnh cho catalogue bán hàng trên mạng hay đại loại thế.
“Cô ấy nổi tiếng lắm hả?”
Natsume gật đầu với vẻ nghiêm trang đầy quyền uy. “Năm ngoái, chị ấy đã giành giải diễn viên phụ xuất sắc trong tác phẩm Tarantella tham dự liên hoan phim ngắn quốc tế diễn ra ở Đông Âu đấy. ”
Mồ hôi lạnh túa ra trên lưng. Cụm từ “nguồn nhân lực, nguồn nhân lực” lặp đi lặp lại trong đầu tôi.
“Em được biết chị ấy vốn là người mẫu độc quyền của một tạp chí thời trang. Tarantella là tác phẩm điện ảnh đầu tiên thì phải.”
“Tại sao lại đến chỗ chúng ta?”
“Chắc chắn đêm qua tôi đã trả lời câu đó rồi còn gì.” Cô đứng ở chỗ cửa ra vào, khoanh tay nhìn chúng tôi.
“Buffet bánh ngọt,” tôi nói.
“Chính thế,” cô gật đầu. “Mà bỏ qua chuyện ấy đi, cái hình họa trên tạp dề là gì vậy?”
Tôi nhìn chú chó gầy gò đang đứng trước иgự¢ Natsume.
“Cửa hàng thủy sinh mà lại có hình chó là sao? Chẳng khác gì cửa hàng thú cưng.” Cô nhận xét.
“Ừ, nguồn gốc tên của cửa hàng. Đơn giản thế thôi.”
“Chú chó này là cái mà anh gọi là “thứ tuyệt vời” đấy hả?”
“Đại loại thế, nhưng mà… Những con chó chẳng liên quan gì đến sản phẩm, như con Terrier của công ty ghi âm hay con Bull của công ty chuyên sản xuất nước xốt, vẫn trở thành logo thương mại được đấy thôi, thế nên Trash của cửa hàng chúng ta chẳng có gì là không ổn cả.”
“Cũng phải,” cô tán thành. “Nếu có vấn đề, thì không phải ở chỗ anh đã vẽ gì, mà là anh vẽ như thế nào. Anh vẽ bằng tay trái hả?”
Tôi hiểu điều cô muốn nói,“Tôi thuận tay trái. Thế không có nghĩa là tôi vẽ nó băng tay phải đâu nhé.”
“Thế hả, thế thì vấn đề nằm ở đôi mắt anh rồi.”
Cô nhòm vào mắt tôi, cười khoe hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Tôi chợt nhận ra.
Dưới ánh sáng ban ngày, đôi mắt cô mang màu sáng tựa màu kẹo cam lộ. Giống với một cô bé mà tôi biết.
Cả buổi sáng không có lấy một người khách.
Lúc nào cũng vậy.
Tôi và Natsume vừa đóng gói thủy sinh vừa xem danh sách đặt hàng qua mạng. Morikawa Suzune thì đang sử dụng chiếc máy tính xách tay lớn bằng khổ giấy A4 đặt trên quầy tính tiền. Cô lo việc thành lập cửa hàng trực tuyến. Hiện giờ tôi cũng đang nhận đặt hàng qua thư điện tử, nhưng mục tiêu là phải dùng chương trình máy tính để tự động hóa thao tác đó. Natsume đã thiết lập xong những phần cơ bản. Tuy nhiên vì thời gian dành cho công việc này có hạn nên tiến độ không được như mong đợi. Giờ có Suzune thì chắc hẳn vấn đề sẽ được giải quyết. Natsume đã kiểm tra kĩ năng máy tính của cô. Trong tương lai gần, cửa hàng trực tuyến “Trash” chắc chắn sẽ cập bến khai trương.
“Tuyệt vời!”
“Gì cơ ạ?” Natsume hỏi.
“Không, không có gì. Nhưng mà…” tôi băn khoăn. “Sao lại thế được nhỉ? Lúc mới nhìn thấy cô ấy, anh không có cảm giác là lần gặp đầu tiên.”
“Em nghĩ chẳng có gì là lạ cả.” Natsume nói, vẫn chăm chú bơm hơi vào túi ni lông chứa cây thủy sinh. “Chị ấy xuất hiện ở hai mẫu quảng cáo về nước khoáng và máy tính xách tay, được phát sóng đến khoảng đầu năm nay. Em nhớ là thế. Chắc anh từng nhìn thấy chị ấy trong đoạn quảng cáo đó nên hình ảnh mới đọng lại kí ức chứ gì.”
“Hay là thế nhỉ?”
“Chắc chắn đấy.”
Lời lẽ của Natsume luôn đầy sức thuyết phục. Không biết có phải do cậu chỉ toàn nói thật, hay cậu ta nói gì tôi cũng nghe thành thật nhỉ? Một trong hai khả năng đó thôi. Cho dù Natsume nhận định rằng “Vũ trụ này đang leo lên lưng con voi,” có lẽ tôi cũng tin chưa biết chừng.
Buổi trưa, ba chúng tôi ăn bánh Chocolate Danish do Morikawa mua về.
Đó là phần bánh dư từ bữa sáng của cô ấy, thế mà mỗi người chúng tôi vẫn phải chia nhau ăn hết hai cái.
“Cho tôi được nói vài lời.” Tôi lên tiếng.
“Tôi nghĩ anh định bảo mọi thứ đều có giới hạn của nó.” Cô mỉm cười lạnh lùng như muốn nói có gì to tát đâu mà. “Người khuyên tôi mua bánh Chocolate Danish là anh đấy nhé. Mà bánh lại quá ngon. Nếu mua mười cái một lúc tôi sẽ được đóng thêm hai dấu nữa.”
Tôi đã sai à? Một câu hỏi bằng mắt hướng đến tôi.
Không sai, tôi trả lời.
Thế nên, mỗi người chúng tôi, sau khi ăn hết hai cái bánh Danish, lại tiếp tục chia cái cuối cùng ra làm ba phần và giải quyết nốt.
Tính đa dạng trong nhân sinh quan. Có lẽ là thế.
Khách hàng đầu tiên trong ngày, như mọi lần, lại là Okuda.
Đó là cậu sinh viên trường dự bị đại học sống gần đây (“trường” có lẽ chỉ cách cậu ta gọi nơi đi học mà thôi). Cứ ba ngày cậu ta đến một lần, ngắm quanh các bể nước độ ba mươi phút rồi lại ra về mà chẳng mua món gì. Thứ duy nhất cậu ta từng đem ra khỏi đây là chiếc áo phông phát hôm kỉ niệm khai trương. Tôi chuẩn bị có ba mươi chiếc áo phông in hình Trash, thế mà tồn đến bảy chiếc, giờ chúng trở thành áo mặc ở nhà của tôi (mỗi ngày một chiếc nên đủ cho cả tuần).
Thoạt nhiên Okuda dừng chân trước bể nước rộng khoảng 180 xentimét đặt gần cửa vào. Bể thủy sinh cỡ đại chứa tổng lượng nước hơn sáu trăm lít tự thân nó đã là một vũ trụ khép kín.
Mà người sáng tạo là tôi.
Tôi tạo ra trái đất và bầu trời, thả vào đó sinh mệnh, phá bảo “Hãy sáng lên” rồi bật công tắc đèn halogen kim loại. Trình tự có hơi khác một chút, nhưng tôi cũng thực hiện công việc tương tự với công việc của chủ thể nào đó đã tạo ra thế giới của chúng ta. Vũ trụ hình lập phương ấy tự sinh trưởng, đến giờ một mô hình thu nhỏ của khu rừng rộng lớn đã được hình thành trong bể nước.
“Sinh sản thôi, gia tăng dân số nào,” mỗi lần tôi nói vậy là đàn cá lại cần mẫn lao động để gia tăng số lượng.
(Tôi gọi là sở thích thủy cung).
Xem bể nước này khoảng năm phút, Okuka lại chuyển sang bể nước tiếp theo. Cứ như vậy cậu ta nhích từ cửa ra vào đến góc trong cửa hàng và cuối cùng nhận ra sự tồn tại của Morikawa Suzune, đang ngồi thu lu ở quầy tính tiền.
Okuda mất đến ba giây để đối chiếu giữa nhận thức và kí ức. Tôi đoán vậy, bởi sau khi hướng tia nhìn về phía cô ấy được ba giây thì sắc mặt cậu ta đột nhiên thay đổi, dáng vẻ bắt đầu bồn chồn.
Vừa giả vờ ngắm tiếp bể nước, cậu ta vừa thấp thỏm nhìn trộm cô ấy. Mặt mũi đỏ ửng, sau vài lần rục rịch tiến đến quầy tính tiền rồi lại bỏ cuộc trở về chỗ cũ, cuối cùng không chịu nổi tình thế tiến thoái lưỡng nan, cậu ta nhanh chân chạy ra khỏi cửa hàng.
Vừa tiếp tục công việc đóng gói vừa quan sát đầu đuôi sự việc, tôi bèn hỏi Natsume bên cạnh, “Thế tức là cậu ta cũng biết Morikawa Suzune hả?”
Natsume điềm nhiên gật đầu, “Phải tám mươi phần trăm đàn ông con trai từ lứa tuổi lên mười tới ngoài ba mươi biết đến chị ấy.”
Hừ.
“Thế có nghĩa là cô ấy từng làm cho ngần ấy người đỏ mặt?”
“Đúng thế. Chị ấy cực kì xinh đẹp, những gã đàn ông nhìn thấy chị ấy đều có cảm giác bị ấn khẽ vào phần nhạy cảm ở bên trong con người họ.”
Một cách vô thức tôi ấn vào cụm dây thần kinh vùng bụng.
“Natsume cũng có cảm giác ấy hả?”
Cậu khẽ lắc đầu, “Những điều em nói, suy cho cùng cũng chỉ mang tính chung thôi mà.”
Hừ.
“Vậy thì, cá nhân em nghĩ thế nào?”
“Em à,” cậu nói, đoạn hướng ánh mắt nhìn về phía Morikawa Suzune bên trong quầy tính tiền.
Mái tóc buộc lại giờ đã xõa xuống vai, cô vừa nhìn chăm chú vào màn hình máy tính với vẻ nghiêm túc vừa lấy đầu ngón tay giữa di di khu vực thái dương.
“Em nghĩ chị ấy là một phụ nữ tài giỏi. Một con người thông minh. Chị ấy bảo kiến thức lập trình là do tự học nhưng trình độ thì khá cao.”
Không hiểu sao tôi có cảm giác Natsume đang lạc đề, nhưng hình như cậu ta không tự ý thức được.
“Tại sao cô ấy lại có ý định học lập trình.”
“Chị ấy nói đó là sở thích. Nghe bảo chị ấy vốn tốt nghiệp đại học chuyên ngành tự nhiên.”
Ra vậy.
Một người mẫu xinh đẹp học chuyên ngành tự nhiên có sở thích lập trình. Một sự kết hợp vô cùng khác thường nhưng không có nghĩa là không có. Nó cũng giống như một chàng nhân viên làm thêm ở cửa hàng thủy sinh thành thạo ba ngoại ngữ vậy.
Một thứ gì, có vẻ, như sôi nổi ít nhiều bao trùm lên cửa hàng sau mặt trởi lặn, mọi người kết thúc một ngày làm việc và lấy lại tự do của mình. Thỉnh thoảng có đến hai vị khách cùng một lúc trong tiệm (tuyệt vời!).
Ấy vậy mà, khách hôm nay cứ như kiểu có ai đó trong phòng chờ đập vào lưng theo thứ tự rồi đẩy xa, xong lại theo thứ tự rời đi, hầu hết đều tỏ phản ứng như Okuda của trường dự bị đại học. Đối chiếu giữa nhận thức và trí nhớ, sau đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Cũng có một chàng trai công sở can đảm bắt chuyện với Morikawa Suzune tại quầy tính tiền. Chàng ta bồn chồn lo lắng nhưng vẫn quyết định hỏi cô ấy giá của một chiếc giác hút, sau khi nhận được câu trả lời “Tôi không biết,” chàng xấu hổ ra về.
Tất nhiên cũng có những vị khách không biết cô ấy, giống tôi. Ông giáo sư đại học vừa qua tuổi trung niên, chuyên sưu tập tiêu thảo hẹp lá dài (Một loại thủy sinh vùng Đông Nam Á), phát hiện ra cô nhân viên mới ngay tức khắc, như vớ được vàng ông lại gần cô, bắt đầu giảng giải về bộ sưu tập của mình. Ở khoản này, tôi và Natsume đã từng phải tiếp đãi ông bằng thái độ cự tuyệt một cách trịnh trọng. Giáo sư giảng cho Suzune về một loại thực vật thuộc họ khoai sọ vùng Đông Nam Á. Trong suốt khoảng thời gian bằng với thời gian chú chó Laika lên tàu vũ trụ và bay một vòng xung quanh trái đất (tức là khoảng một trăm phút) ấy, nụ cười không tắt trên môi Suzune, thi thoảng cô còn gật mạnh đầu ra vẻ điều đó là điều mình rất muốn biết.
Sau khi giáo sư ra về, tôi nói “Cô vất vả quá!” Má đỏ bừng, Suzune đáp, “Tôi vui mà. Anh có biết lá thảo hẹp có độc chứ? Ông ấy bảo nếu ăn nhiều có thể sẽ ૮ɦếƭ.”
“Ừ, hình như thế. Tôi chưa ăn bao giờ nên cũng không rõ lắm.”
“Ôi, ước gì giáo sư kể nhiều hơn nữa. Không biết ông ấy có đến nữa không nhỉ?”
“Đương nhiên. Tuần một lần, kiểu gì giáo sư cũng có mặt ở đây.”
“Chờ mòn mỏi.”
Ý tôi muốn nói là cũng có những chuyện như thế.
Khi khách đã vãn, chúng tôi thay phiên nhau ra ngoài ăn tối. Dưới chân dốc có một quán ăn Việt Nam rất ngon, đi bộ lên đến con đường có hàng cây còn có cửa hàng chuyên về pasta và một quán Ý phục vụ pizza nướng lò. Tôi và Natsume kết hợp nhuần nhuyễn các quán đó và tạo thành một chuyển động tròn. Chẳng hạn như pizza, pasta, 乃ún xào thịt, pizza (Natsume) hay pasta, pasta, pasta, pasta (tôi).
Cách cửa hàng chừng năm phút đi bộ có một câu lạc bộ thể thao quốc doanh. Sau khi bơi 500 mét ở đấy, Morikawa tắm vòi sen kĩ càng rồi đến cửa hàng bánh ngọt mua bánh Danish táo như buổi sáng (lần này là hai cái).
“Chà, sảng khoái thật.”
“Cô dùng phòng tắm trên tầng hai cũng được mà.”
“Không sao. Anh đừng bận tâm.Từ trước tới giờ, bơi là việc thường nhật của tôi.”
“Thế hả?”
“Hay là có lí do gì khiến anh cứ muốn tôi dùng phòng tắm bằng mọi giá không hả?”
“Làm gì có.”
Cô cười ha ha. “Một lúc nào đó,” cô bảo. “Một lúc nào đó, ta sẽ tắm chung nhé?”
Dù cay đắng nhưng vẫn phải thừa nhận ở cái tuổi hai mươi chín, tôi vẫn còn đỏ mặt bởi những câu đùa thẳng đuột kiểu này của phụ nữ.
Chẳng mấy chốc đã đến chín giờ, giờ đóng cửa, Natsume cởi chiếc tạp dề quen thuộc, cất tiếng chào “Em xin phép” và ra về.
Tại quầy tính tiền, Morikawa Suzune tổng kết doanh thu ngày hôm nay.
“Này,” cô nói.
“Gì cơ?”
“Doanh thu chừng này có ổn không? Trả tiền lương làm thêm cho tôi và Natsume xong thì phần còn lại của anh chỉ bằng khoản tiêu vặt của học sinh tiểu học thôi đấy. ”
“Không sao,” tôi trấn an. “Doanh thu bán hàng trực tuyến là chính chứ không phải doanh thu bán tại tiệm này. Cái đó thì rồi họ sẽ chuyển khoản cho tôi.”
“Ra là thế,” cô gật đầu. “Nhưng mà, nếu trừ tiền vốn, tiền điện nước, thậm chí còn phải trả nợ từ khi xây dựng cửa hàng, kết quả cũng không khác học sinh tiểu học là bao. Như thế thật tội nghiệp.” Cô hỏi. “Nếu vậy thì làm sao mà anh kết hôn được chứ?”
“Chẳng sao.” Tôi đáp. “Tôi cũng chẳng có ý định.”
“Chà chà?” Cô cười vui vẻ. “Tôi nghe Natsume kể rồi. Rằng anh có bạn gái rất xinh. Hai người quen nhau qua chương trình môi giới hôn nhân. Hôm qua về muộn cũng là hẹn hò chứ gì?”