Trường trung học G nằm ở khu Đông Bắc Giác, từ nhà Tần Ương muốn đi đến đó dù là ngồi xe buýt đi chăng nữa cũng phải mất kha khá thời gian.
Tinh mơ mỗi ngày, khi hai vợ chồng nhà họ Tần còn mải mê trong mộng đẹp, cậu con trai độc nhất của họ đã thức dậy, rón rén rời giường, tiến hành mọi sinh hoạt cá nhân của mình trong sự yên tĩnh hết mức có thể.
Mua hai phần cơm ngũ cốc, hai bịch sữa đậu nành, một phần không đường, một phần có đường, cứ thế lỉnh khỉnh các thứ leo lên xe, bên tai sẽ tức thì vang lên một tiếng chào đầu ngày vô cùng hào hứng: “Sớm thế!”
Bên góc trái cửa phía Đông, Thẩm Tấn ngồi ở một băng ghế hai người, vẫy tay về phía cậu. Nắng sớm vàng nhạt chiếu xiên qua cửa kính, phủ một tầng mơ màng trên gương mặt cậu ta, đôi mắt sáng rực nhìn đăm đăm không rời phần điểm tâm trong tay Tần Ương.
“Ngoan nào, kêu một tiếng ‘anh’ thì sẽ cho đằng ấy ăn.” Nhìn thấy dáng điệu tươi cười nịnh nọt lấy lòng của Thẩm Tấn, Tần Ương dù đã lấy phần nhiều hơn chia cho cậu ta, vẫn không nhịn được mà buông ra một câu trêu chọc.
Xe bắt đầu chạy, được một chốc lại ghé trạm, sau khi rước lên vài vị khách ngái ngủ thì lại chạy tiếp, cứ thế lúc chạy lúc ngừng, đến tận cổng trường mới thôi. Người ngồi bên cạnh sau khi ăn no rồi thì lăn ra ngủ, đầu gà gật gác trên vai Tần Ương. Ngồi không cũng buồn, khí trời buổi sớm trong lành càng khiến tâm tình thêm dễ chịu, thế là quay sang chấm điểm bộ dạng khi ngủ của kẻ kế bên. Phía dưới cằm có vài sợi ria con vừa mới nhú, hàng lông mi đen sẫm lúc bình thường bây giờ đã yên ắng khép lại, đổ một cái bóng dài nhàn nhạt trên gương mặt Thẩm Tấn, mái tóc lúc trước bởi nhuộm vàng mà xác xơ bù xù nay qua quá trình tẩy rửa cũng đã trở lại màu đen đơn thuần như trước… Những đuôi tóc cứ đâm vào cổ Tần Ương, gây ra cảm giác ngưa ngứa đến là buồn cười.
Phía trước đèn bất ngờ chuyển đỏ, bác tài mạnh tay kéo cần thắng, người trong xe đồng loạt mất thăng bằng ngã nhào về phía trước. Chỉ thấy Thẩm Tấn khẽ cau mày, đôi mắt đang nhắm nghiền đột nhiên mở bừng, ánh nhìn trong sáng đối thẳng vào Tần Ương. Một thoáng ấy, có kẻ tim bỗng dưng vô cớ đập mạnh. Đang muốn quay mặt đi, đã nghe Thẩm Tấn dương dương ra vẻ tự đắc. “Đẹp trai ha? G trung đệ nhất mỹ nam tử!”
“Ghê quá!” Tần Ương thụi ngay cho Thẩm Tấn một cái cùi chỏ, nhờ thế mà đàn áp được công cuộc tự sướng đầu ngày của kẻ kia.
Thẩm Tấn cũng chẳng nổi đoá, chỉ cười “he he” mấy tiếng, rồi quay sang bịch sữa đậu nành trong tay Tần Ương, tò mò: “Không đường hả?”
“Ừa.”
Nghe thế, nụ cười lập tức sinh ra mấy phần trêu chọc: “À ha, có người vẫn còn sợ say xe?”
Hồi tiểu học, có lần nhà trường tổ chức cho đám nhóc đi chơi xuân. Sáng sớm ngày hôm ấy, Tần Ương vì uống quá nhiều sữa bò có vị ngọt gắt mà dọc đường đi cứ nôn lên nôn xuống ở trên xe. Cũng may các bạn nữ khác trong lớp cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Thế là cả đám tụm lại bên cạnh nhau, hợp thành một tập đoàn say xe đến mức trời trăng mây đất gì cũng không biết. Nhờ thế, hình tượng trưởng lớp uy nghiêm của Tần Ương chúng ta vẫn còn giữ được. Chỉ có mỗi Thẩm Tấn, bé tuy khoẻ nhưng bé chẳng ngoan, về sau cứ lấy đó làm cớ cười nhạo bạn mãi. Cho đến giờ, tai nạn ngoài ý muốn ấy vẫn còn theo ám ảnh Tần Ương, có cho vàng cũng không dám lớn gan ăn đồ ngọt trước khi lên xe nữa.
Kéo tay Tần Ương lại gần ma mãnh uống trộm một ngụm, Thẩm Tấn không xấu hổ đã đành, lại còn nheo mắt cười gian bảo: “Mai mua cho mình một phần không đường luôn đi bồ.” Cũng không ngờ rằng chỉ vì một câu nói tưởng như ngẫu hứng đó mà mỗi ngày sau đó luôn nhận được một phần điểm tâm nóng sốt từ người nọ.
Nhưng đó cũng là chuyện về sau này mới biết, còn hiện tại, bị động đến vết thương cũ trong lòng, trưởng lớp năm nào chỉ mặt lạnh làm ngơ.
“Ngày mai tự mà đi mua lấy!”
“Nè, nè, chúng ta là anh em với nhau mà…”
………
Trong mười hai lớp mới vào năm nay, lớp của Tần Ương và Thẩm Tấn xếp thứ tư, nằm ở phòng đầu tiên ở dãy phòng học trên lầu ba.
Chủ nhiệm lớp là một thầy giáo trạc tuổi trung niên họ Du, dạy môn ngữ văn, đã có tật nói lắp lại còn nói rất nhiều, bọn học sinh trong lớp phải bàn nhau ngầm đặt cho biệt danh gọi là “Lão Du”. Lão Du rất thích cổ văn, chỉ một bài “Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện”[1] mà cứ dạy đi dạy lại đủ một tháng mới thôi. Bọn học sinh ám ảnh đến độ kêu bất kỳ đứa nào mở miệng ra là cũng có thể ê a đọc được: “Liêm Pha giả, triệu chi lương tương dã…” [2]
Cũng bởi thế mà Thẩm Tấn đối với vị giáo viên này bất mãn vô kể: “Tụi bây coi Lão Du, người gì đâu vừa cao vừa ốm, hệt như một cây sào trúc. Thử mặc vào nguyên bộ đồ xanh coi, sẽ giống y như là Phạm Tiến vậy! Không đúng, không đúng, Phạm Tiến người ta tốt xấu gì cũng là một nhà nho…Khổng Ất Kỷ, phải, nói ổng là Khổng Ất Kỷ thời nay thì đúng hơn!”[3]
Bốn phía rộ lên tiếng cười hưởng ứng, nhưng Thẩm Tấn vẫn chưa hả được ấm ức trong lòng, phải quay đầu sang hỏi Tần Ương mới chịu: “Tần Ương, cậu nói coi có đúng không?”
Lúc này, Tần Ương đang bắc ghế đứng trên bảng cầm thước kẻ vẽ vời gì đó. Vào học chưa được bao lâu, cậu đã được thầy chọn làm uỷ viên cho hội tuyên truyền của trường, thế cũng tức là nhiệm vụ ra báo bảng hàng tháng cũng thuộc về Tần Ương nốt. Dĩ nhiên là cậu không làm một mình. Bên cạnh đó cũng có các bạn khác phụ trách những phần như viết văn vẽ tranh, nhưng khổ nỗi họ đều là con gái cả, thế nên nhiệm vụ vinh quang leo trèo kẻ bảng này ngoài thân con trai duy nhất làTần Ương ra thì còn ai khác?
Gọi một tiếng, thấy Tần Ương chẳng thèm để ý đến mình, Thẩm Tấn đời nào chịu thôi, lại ầm ĩ kêu to hơn nữa: “Bớ~~~Tần Ương!”
Tần Ương lúc này mới cau mày quay đầu lại: “Nếu cậu rảnh rang như vậy thì đem bài cổ văn khi nãy dịch sang văn hiện đại đi, coi chừng chiều nay Lão Du khảo bài gọi ngay cậu cho xem.”
“Sế, dịch thì dịch.”
Lão Du, ông thầy này nói dữ thì không dữ, còn hiền như cục đất là đằng khác, nhưng có một tuyệt chiêu cực kỳ lợi hại chính là nói, nói dai nói dài nói nhiều vô kể. Lỡ bị gọi lên mà dịch không xong bài học, dám chắc sẽ được nghe một tràng thuyết giáo ca cẩm, ca, ca mãi, cho đến tận hừng đông vẫn còn chưa xong.
“Cái ông Tư Mã Thiên này cũng ngộ, chắc là chưa được đi chơi đêm bao giờ nên mới ngồi nhà viết ra cái truyện chán ngắt thế này. Hứ, một người vì buồn chán mà viết, một người buồn chán mà đọc, đúng là trời sinh một đôi mà!” Đọc sách, Thẩm Tấn cũng không chịu an phận mà đọc.
Xung quanh lại lớn tiếng hò theo: “Chí lý, mình ổng buồn chán còn chưa đủ, phải kéo người ta theo hầu mình mới chịu chứ!”
“Ấy, ấy, im cái coi tao nói cho nghe, nghe đồn là Lão Du chưa có vợ đó…”
Càng nói chủ đề câu chuyện càng chệch sang chuyện khác, cứ xoay đi xoay lại ba chữ “Dạ Ngưu Hoạt” (sinh hoạt về đêm của phái nam) mà suy diễn đủ điều. Bọn con trai thì cười đến khoái trá, cười đến đểu giả, đám con gái ngoài đỏ mặt mắng “đáng ghét” thì cũng chẳng biết làm sao.
Đang lúc say sưa nhất, một mẩu phấn từ đâu bay đến, trúng phóc ngay cái đầu đang chụm năm chụm ba cười cười nói nói của Thẩm Tấn. Dứt ra khỏi đám bạn, cậu ta vừa ôm đầu kêu đau vừa ngẩng lên nhìn Tần Ương oán thán: “Tần Ương, cậu lại ức Hi*p tôi!”
Người cầm thước kẻ đứng trên ghế cao ung dung nhìn xuống: “Nửa tiếng rồi, vở bài tập của cậu một chữ cũng không có? Bị ăn hết rồi phải không?”
Thẩm Tấn phẫn nộ trừng cho Tần Ương một bộ mặt quỷ, vừa cúi xuống viết được vài chữ bỗng đã lại ngẩng lên: “À, hôm nay Lão Du bắt buộc cậu phải làm cho xong báo bảng này hả?”
“Ừ.” Vài đường phấn thẳng tắp lại men theo thước kẻ nhẹ nhàng hiện ra giữa nền bảng đen bóng.
“Vậy khi nào thì về nhà?”
“Khi nào xong sẽ về.”
“Thế bao lâu thì xong?”
“Tôi cũng không biết.”
“Hnm…một ly trà sữa, tôi đợi đằng ấy về cùng?”
Thước kẻ trong phút chốc thoáng lệch đi, muốn trở tay sửa lại nhưng đã không còn kịp nữa, một đường phấn trắng rất nhanh hiện ra, xiêu xiêu nằm giữa bức tranh ngay hàng thẳng lối . “Không có trà sữa đâu.”
“…Có người keo kiệt thì có…”
Tiếp tục quay lại với sự ngiệp sáng tác văn thơ của mình, nhưng càng đọc bài khoá lại càng thấy buồn ngủ. Thế là Thẩm Tấn dẹp ngữ văn qua bên, mang vở toán ra xem, “tập hợp”, “tập hợp con”, “tập hợp nghiệm”,… Đọc qua thì nghe đơn giản vậy đó, chứ nói thiệt, đến quỷ xem còn không hiểu nữa là.
“Nè,…trà sữa, thích nóng hay là lạnh hở?” Phía sau có người bỗng dưng lên tiếng.
“m ấm thôi.” Thẩm Tấn đáp đơn giản, không ngẩng đầu lên, bên khoé môi chỉ khe khẽ nở ra một nụ cười, trông đến là gian.
——
-Chú thích-
[1] Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện: thiên thứ 81 trong bộ Sử Ký đồ sộ của Tư Mã Thiên.
Sử Ký (chữ Hán chính thể: 史記/史记, latin hóa: Shǐjì), còn được gọi bằng tên Sách của ông Thái sử (太史公書, Thái sử công thư) là cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống. Vì là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, nó ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này, có thể so sánh Tư Mã Thiên với Herodotus và Sử Ký với cuốn Historiai của ông (theo quan điểm người phương Tây).
Về nội dung thiên truyện Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện, có thể đọc thêm ở đây.
[2] Tham khảo theo các bản dịch Sử Ký trên mạng thì câu này tạm dịch là: Liêm Pha là một viên tướng giỏi của nước Triệu…
[3] Phạm Tiến và Khổng Ất Kỷ.
- Phạm Tiến: là một nhân vật đặc sắc trong “Nho Lâm Ngoại Sử”. Phần nội dung chính về nhân vật này theo baike có thể tóm gọn như sau: Phạm Tiến, nhiều năm liền ứng thi đều không đỗ đạt. Về sau nhờ sự cất nhắc của quan chủ khảo trường thi mà công danh đạt thành. Tức thì một bước lên ngôi, cha vợ lúc trước xem thường khinh khi hắn ra sao thì bây giờ ngược lại sủng nịnh ra sức lấy lòng bấy nhiêu. Phạm Tiến cũng bị công danh lợi lộc làm cho mờ mắt, đối với sự a dua nịnh hót của bọn người bên cạnh lấy làm vô cùng đắc ý. Tựu trung lại, có thể dùng một câu: “nhất nhân đắc đạo, kê khuyển thăng thiên” – một người đắc đạo, gà chó lên trời aka một đứa lên đời, được nhờ cả xóm :”D
Thông tin ngoài lề về “Nho lâm ngoại sử” (Wikipedia)
Nho lâm ngoại sử (chữ Hán: 儒林外史, bính âm: Rú lín wài shǐ) hay còn gọi là Chuyện làng Nho là tiểu thuyết chương hồi của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh, toàn thư gồm 56 hồi (theo Lỗ Tấn thì hồi cuối cùng không phải do Ngô Kính Tử sáng tác), miêu tả gần hai trăm nhân vật mà hầu hết là nhà Nho, nội dung phê phán và châm biếm sâu cay chế độ khoa cử công danh thời nhà Thanh.
Trong Nho lâm ngoại sử, Ngô Kính Tử đã miêu tả rất nhiều nhà Nho, tốt có, xấu có, nhưng chung quy có thể làm 4 loại:
• Loại bị phú quý công danh đầu độc đến ngu muội hèn hạ. Tiêu biểu cho hạng nhà Nho này là Chu Tiến và Phạm Tiến.
• Loại hãnh tiến vì phú quý công danh, bị công danh làm tha hoá cả tâm hồn. Tiêu biểu là các nhân vật Khuông Siếu Nhân, Mã Tuần Thượng, Cù Dật Phu… và đặc biệt là bọn quan lại như Thái thú Nam Xương Vương Huệ.
• Loại ngoài miệng thì lên án phú quý công danh nhưng thâm tâm thì đầy rẫy những ham muốn hèn hạ. Tiêu biểu là Dương Chấp Trung, Quyền Vật Dụng, Ngưu Ngọc Phổ…
• Loại trong sạch, không màng phú quý công danh, cự tuyệt con đường làm quan, làm giàu mà tiêu biểu là Vương Miện, Đỗ Thiếu Khanh, Kinh Nguyên, Thẩm Quỳnh Chi…
- Khổng Ất Kỷ: nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn “Lỗ Tấn”, là một người học vấn kém cỏi, kiến thức hạn hẹp nhưng lại rất thích làm ra vẻ ta đây, khoe khoang bản lĩnh với người khác. Do muốn khoe khoang học vấn uyên bác của mình, nên rất hay hỏi người khác: “Chữ 回 (Hồi) có 4 cách viết, bạn đã biết chưa?” Sự thật là trong các bộ tự thư phổ thông, chữ “回” chỉ được biết đến với 3 cách viết. Dĩ nhiên, Khổng Ất Kỷ hỏi thế chỉ đơn giản là muốn khoe mẽ. Nhưng cũng có một sự thật khác nữa là trong Khang Hi tự điển mới có cách viết thứ 4 của chữ Hồi ^^”
—–
Tiếng lòng: Hoan Hỉ quả có khả năng Gi*t người không đao : ). Mình xin nhắc lại lần thứ n có lẻ mà không cần ngượng ngùng chi hết là mình rất rất yêu bạn Tần Ương trong fic này.
;__;~