Phần 1: Không quênPhương Hồi nói: “Có lẽ con người luôn có một số chuyện gì đó, dù có muốn quên cũng không thể quên được”.
1
Sở dĩ tôi chọn đi du học là vì hội chợ việc làm đầu tiên diễn ra trong năm thứ tư đại học đã khiến tôi phát khi*p.
Nói thực là điều kiện của tôi khá ổn, ít nhất tôi tự cho là như vậy.
Nhưng Đại học Y ở Bắc Kinh không phải là trường đại học nằm trong tốp đầu, nhưng tôi cũng không đến nỗi phải giấu giấu giếm giếm khi làm hồ sơ. Năm thứ nhất đại học, tôi đã từng tranh thủ cơ hội để có mặt trong Hội sinh viên, đã từng lấy danh nghĩa là trưởng ban liên lạc[1] kê giúp bàn ghế để bắt chuyện với một cô bạn cùng khoa, cái chức trưởng ban liên lạc nghe tên thì oai lắm, nhưng bản chất chỉ là công việc phụ trách mấy hoạt động không quá 50 người tham gia. Mặc dù điểm các môn chuyên ngành của tôi cũng có môn bị tụt xuống mức báo động; nhưng sau những nỗ lực không từ thủ đoạn như xin xỏ, năn nỉ, ra sức lấy lòng, hi sinh bộ mẽ, thì các thầy cô giáo cũng đều thông cảm, phiên phiến đại khái cho tôi đủ điểm đạt – 60 điểm trong bài thi cuối kì. Thế nên dù bảng điểm của tôi cũng không đẹp cho lắm, nhưng ít nhất là toàn màu xanh hết; cái đó cộng với tướng mạo khá ưa nhìn nên tôi cũng khá tự tin.
[1] Ban liên lạc là một bộ phận quan trọng của Hội sinh viên trong các trường đại học ở Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của ban liên lạc là với các tổ chức, đơn vị bên ngoài để xin tài trợ kinh phí cho Hội sinh viên và các hoạt động của hội.
“Lương tháng dưới 3.000 tệ đây không thèm để mắt! Công ti cho xe thì còn phải hỏi xem đây thích Sonata hay Passat! Thưởng cuối năm ít nhất phải được 10.000 mới nói chuyện được với đây, nếu không, còn lâu nhé!”.
Đây là câu tôi tuyên bố xanh rờn với đám bạn cùng phòng trước khi đến hội chợ việc làm đó. Mặc dù khá buồn cười, nhưng cũng còn chứng minh được rằng tôi đã từng oai phong lẫm liệt như thế đấy.
Sự tự tin của tôi gần như đã tiêu tan sau 2 giờ đồng hồ xếp hàng mà chưa vào được hội trường. Lúc này, tôi mới thực sự thấm thía được các vấn đề như thuyết dân số, thuyết phát triển xã hội, thực trạng sinh tồn của con một và tìm việc ở Trung Quốc.
Nghĩ lại quả đúng, hồi mới chào đời chúng tôi tranh giường trong bệnh viện, đi mẫu giáo thì tranh phiếu bé ngoan, vào đội thi tranh đứng tốp đầu, từ cấp một lên cấp hai tranh vào trường chuyên lớp chọn, từ cấp hai lên cấp ba cũng tranh nhau với tỉ lệ 1 chọi 8, thi đại học thì 1 chọi 4, đi xin việc thì 1 chọi N! Thật đúng là lớn lên trên cầu độc mộc, tiến bước trong lửa đạn chiến tranh!
Cuối cùng tôi đã rút ra được kết luận rằng: M.kiếp, chúng tôi khổ thật!
Khó khăn lắm tôi mới chen chân được vào hội trường, tưởng rằng cuối cùng đã đến lúc mình được thể hiện tài năng, ai ngờ muốn lại gần bàn tuyển dụng của các công ti cũng không hề đơn giản. Chỗ nào cũng thấy quảng cáo, hồ sơ, chỗ nào cũng thấy hò hét tuyên truyền, nhìn thấy đủ mọi anh tài xuất chiêu tiến bước.
Một cậu sinh viên nhìn cậu sinh viên nọ của trường Đại học Liên hợp đứng bên cạnh bằng ánh mắt coi thường, lúc đưa hồ sơ nói lớn: “Em tốt nghiệp Đại học khoa học kĩ thuật Bắc Kinh!”.
Cậu sinh viên trường Đại học Liên hợp bại trận.
Một cậu sinh viên khác liền đứng ra ngay: “Em tốt nghiệp Đại học Hàng không Bắc Kinh!”.
Cậu sinh viên trường Đại học khoa học kĩ thuật Bắc Kinh bại trận.
Lại có một cậu sinh viên khác đẩy cậu kia ra: “Em tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh!”.
Cậu sinh viên trường Đại học Hàng không Bắc Kinh bại trận.
Trong lúc cậu ta đang dương dương tự đắc nhìn mọi người bằng ánh mắt cao ngạo, sau lưng lại có tiếng nói: “Em cũng tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, đã có bằng thạc sĩ!”.
Tất cả các anh tốt nghiệp đại học đều bại trận…
Cảnh tượng này khiến tôi nhớ đến bài tấu hài Báo cáo tên món ăn, bây giờ chắc có thể đổi tên thành Báo cáo tên trường đại học để gây cười cho khán giả.
Đi tiếp thì thấy phía trước có một bàn tuyển dụng được rất đông nữ sinh chen vào, nổi bật nhất trên bìa tập hồ sơ của họ không phải là tên trường họ tốt nghiệp, không phải là trình độ chuyên môn, mà gần như là những bức ảnh chân dung đẹp rạng ngời, khiến tôi còn tưởng rằng mình đang đi nhầm vào vòng thi tuyển chọn hoa khôi.
Có hai cô gái đi ngang qua tôi.
Cô A nói: “Cậu nghĩ có hi vọng không?”.
Cô B nói: “Mong manh lắm, mấy con bé học Đại học ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh còn có hi vọng. Anh giám đốc nhìn bọn họ cười lộ cả nếp nhăn!”.
Cô A liền thở dài: “Bọn họ làm đẹp thật. Cậu có biết con bé XX ở lớp một không? Nó phẫu thuật mắt hai mí được ba tháng, nhìn còn thấy tự nhiên. Con bé YY mới phẫu thuật được mấy hôm, nhìn giả bỏ xừ. Lại còn đánh mắt, nhìn khi*p quá!”.
Cô B nói: “Thế nên cô nàng mới chụp bộ ảnh 380 tệ/bộ, để giấu chứ sao!”.
Tôi sửng sốt nhìn bọn họ, nghĩ bụng đúng là vấn nạn xin việc đã tạo đà mở rộng phát triển thị trường thẩm mĩ và thị trường chụp ảnh.
Cuối cùng tôi cũng tìm được một công ti khá phù hợp cho mình, trong lúc tôi đang chuẩn bị giới thiệu thế mạnh của mình thì một ông chú bước đến, chìa bộ hồ sơ cho người phụ trách.
“Anh xem giúp hồ sơ của tôi một chút, tôi có kinh nghiệm công tác!”. Ông chú nói rất nhũn nhặn.
Tôi nhìn một lượt từ đầu đến chân, thấy chú ấy không giống với cậu thanh niên chừng 22 tuổi chút nào và thế là bèn ngắt lời chú: “Cái này… chú ạ, không phải hội chợ việc làm hôm nay chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học ạ? Chú…”.
“Tôi cũng là sinh viên mới tốt nghiệp mà! Xem này, đây là bản photo giấy tờ bằng cấp! Tốt nghiệp trước cậu mấy năm thôi!”. Chú ta nghiêm mặt nói.
Tôi thầm nghĩ sao con người này lại vô ý vô tứ như vậy, tranh giành miếng cơm manh áo với thế hệ đáng tuổi con mình, lại còn chen ngang ăn nói rất hùng hổ nữa chứ, thế là tôi liền cười, nói: “Chú đừng nói như vậy, chú đã tốt nghiệp trước khá lâu rồi. Hồi chú lĩnh món tiền lương đầu tiên, chắc là cháu vừa mới oe oe khóc chào đời. Hồi chú tung hoành ngang dọc trên thương trường, cháu vẫn đang chơi nặn đất. Hồi chú động phòng hoa chúc, cháu vừa mới được đeo khăn quàng đỏ để vào đội. Đến khi chú mệt mỏi chán chường và gặp cháu, thì cháu mới chính thức trở thành niềm hi vọng của đất nước, dự định sẽ phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Kiểu gì thì cháu cũng phải gọi chú là chú phải không ạ?”.
Ông ta liền thở dài: “Đúng vậy, thế nên trong khi tôi đang ở cái thời trên đầu có cha mẹ, ở dưới có con cái, tóm thứ quẫn bách, thì cậu vẫn có thể đủng đỉnh vừa chơi vừa kiếm việc mà!”.
Đến nước này thì tôi chẳng còn gì để nói nữa, nhìn vẻ mặt phong trần của ông ta, nghĩ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, đồng tiền bát gạo mà thôi!
“Anh đã từng làm trợ lí ở công ti s à?”. Người phụ trách đột nhiên hỏi.
“Vâng, đúng vậy, đúng vậy”. Chú đó gật đầu liên hồi như gà mổ thóc: “Thế nên tôi rất thạo các nghiệp vụ có liên quan! Anh có thể kiểm tra thêm!”.
Thấy người ta không còn hứng thú gì với tôi, tôi biết mình đã bại trận, lấy lại bộ hồ sơ trị giá 5,5 tệ của mình, loanh quanh hai vòng ở hội trường rồi đi ra.
Lúc đó tôi liền quyết định, mọi con đường đều dẫn đến thành Roma, chuyện tìm việc, có lẽ phải tự cứu mình bằng đường vòng vậy.