Thiếu gia Ngôn Hi coi trời bằng vung
Typer: Hàn Băng Tâm
Kể từ hôm chú vẹt tên Thịt Kho Tộ bị Ngôn Hi mang đi, A Hoành và Tư Hoán thân thiết nhau hơn một chút. Thỉnh thoảng Tư Hoán lại xoa đầu và đùa với cô hoặc mỉm cười hiền lành.
Đây là... cảm giác có anh trai ư?
A Hoành không xác định được, nhưng sự mơ hồ này lại rất ấm áp nên cô không muốn so đo gì nữa, vì như thế sẽ rất mệt.
Cô muốn được sống thoải mái, sống chân thành, hi sinh một cách từ từ và cũng sẽ được báo đáp từ từ.
Đây là tham vọng, tham vọng với một tâm trạng thấp thỏm, bất an.
Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi đi như dòng nước chảy xiết trên con sông thời gian. Lá thu rụng hết, mùa đông lạnh lẽo đã đến.
Không còn ai nhắc đến Nhĩ Nhĩ trước mặt A Hoành nữa, người nhà họ Ôn như đã có sự thống nhất chung, họ đang cố gắng đón nhận A Hoành. Nhưng A Hoành lại có cảm giác họ đang cố gắng chịu đựng, mà chịu đựng thường rất khổ sở, sớm muộn sẽ có ngày bộc phát.
Thế nên, trước khi quả khí cầu có tên “Nhĩ Nhĩ” đó phát nổ, cô chỉ còn cách bình tĩnh chờ đợi, chờ đợi cuộc sống ban tặng cho cô một cơ hội thay đổi quý giá hoặc một niềm vui bất ngờ.
Nhĩ Nhĩ là sự tồn tại khách quan, A Hoành là một cái tên chủ quan.
Khách quan chủ quan, duy học biện chứng, đây là những kiến thức mà cô giáo chính trị truyền thụ lại cho cô.
Học hành vẫn luôn mang lại sự mệt mỏi, đây là chân lý mà khách quan chủ quan đều không phủ định được.
Mặc dù A Hoành không oán trách nhưng khi nghe giáo viên “giảng thêm mấy phút” nữa một cách không mệt mỏi, cô lại cảm thấy bụng dạ ầm ĩ biểu tình vì đói.
Vừa hết giờ, học sinh lao về phía căng tin như ong vỡ tổ.
“Ặc! Lão tử lấy nhầm bánh mì rồi! Vị dâu tây này ăn chán ૮ɦếƭ đi được!” Tân Đạt Di vừa xoa cái đầu đầu bù xù vừa kêu ầm ĩ, cầu thang cũng run lên bần bật.
Cậu bạn mà Tân Đạt Di gọi là Tiểu Biến kia có tên Vệ Húc, trông khá đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ, thích chơi nhảy dây, đá cầu với con gái. Tân Đạt Di nhàn cư vi bất thiện, đặt cho cậu ta biệt danh Tiểu Biến Thái hay gọi tắt là “Tiểu Biến”.
Mặc dù Vệ Húc tính tình bẽn lẽn, nhẹ nhàng như con gái, nhưng dù gì cũng là một chàng trai, nghe thấy Tân Đạt Di gào lên như vậy, sắc mặt liền tái đi, “hừ” một tiếng rồi lắc lư cái hông, mang chiếc bánh mì ruốc lừ lừ bỏ đi.
“Úi cha cha, chọc tức bạn Tiểu Biến rồi, cẩn thận hôm nay bạn ấy lại dẫn hết bọn con gái trong lớp đến hỏi tội cậu đấy!” Cậu bạn bên cạnh cười ngặt nghẽo.
“Biến đi! Còn lâu đây mới sợ tụi nó!” Tân Đạt Di bĩu môi tỏ vẻ không thèm chấp. “Đồng chí nào có bánh mì ruốc thì đổi cho lão tử cái?”
Tụi con trai đầu không thích ăn đồ ngọt nên Tân Đạt Di nói vậy vẫn vờ như không hề hay biết.
A Hoành nhìn chiếc bánh mì ruốc trên tay mình, ngần ngừ giây lát rồi chạy đến chỗ cậu ta, mỉm cười đưa chiếc bánh mì ra, nói: “Đổi!”
Mắt Tân Đạt Di sáng lên, nhưng khi nhìn thấy A Hoành, lại trở nên sầm xuống, cậu ta cầm chiếc bánh mị vị dâu tây trong tay rồi ngại ngùng nói: “Tớ không đói!”
Sau đó một đường parabol tuyệt đẹp xuất hiện, chiếc bánh mì vị dâu tây bị ném ngay vào thùng rác rồi Tân Đạt Di bỏ đi.
A Hoành sững lại, nhìn chiếc bánh mì nằm chỏng chơ trong thùng rác, thở dài rồi nhặt lên, vỗ vỗ bụi dính trên chiếc bánh mì, lẩm bẩm bằng giọng vùng sông nước Giang Nam: “Một tệ tám hào đấy.”
“A Hoành?” Bỗng có người gọi cô.
A Hoành quay lại thì nhìn thấy Tư Hoán, mặc dù biết anh không hiểu tiếng Ô Thủy nhưng cô vẫn có chút ngại ngùng.
“Em mua hai cái bánh mì à? Cho anh một cái, đói quá!” Tư Hoán vừa cười vừa đưa tay ra, bàn tay rất sạch sẽ, các ngón tay thon dài, anh nhìn A Hoành rồi ca thán: “Hôm nay Hội học sinh có cuộc họp, bận đến giờ mới tan. Bụng đói mà đến căng tin thì bánh mì bị bán hết rồi.”
A Hoành thấy có chút cảm động, bèn đưa chiếc bánh mì ruốc cho Tư Hoán.
"Anh muốn ăn vị dâu tây." Tư Hoán cười, để lộ đôi má lúm đồng tiền sâu hoắm khiến các cô gái qua lại trên cầu thang nhìn mà tim đập thình thịch.
A Hoành cười rồi lắc đầu. "Bẩn rồi."
Tư Hoán mỉm cười tỏ ý không sao, nhưng A Hoành lại giấu tay ra sau lưng rồi cười rất tươi tắn
Cô cầm chiếc bánh mì vị dâu tây, mở giấy gói ra rồi cắn mộ miếng nhỏ.
A Hoành không phân biệt được sự khác nhau giữa bánh mì ruốc và bánh mì dâu tây, chỉ cảm thấy bánh mì dâu tây có vị ngọt át hết vị chua, không giống với vị dâu tây cô từng ăn, nhưng nếu gọi là bánh mì dâu tây thì không phù hợp lắm nên thấy rất lạ. Tuy nhiên ăn cũng rất ngon.
Ngày lập đông, trời mưa rả rích. Bà Trương dặn đi dặn lại cô rằng tan học thì đến nhà họ Ngôn vì cụ Ngôn mời cả nhà họ Ôn đến ăn sủi cảo.
Cụ Ngôn là anh em từng vào sinh ra tử trên chiến trường của ông nội A Hoành. Trước đây, một nhuòi là đoàn trưởng, một nguòi là chính ủy, một văn một võ, thân nhau như con chấy cắn đôi. Lúc đầu hai cụ giao keo với nhau là sẽ làm thông gia, kết quả hai nhà đều sinh con trai nên đành phải từ bỏ giao kèo này.
Lúc đầu Tư Hoán bảo tan học sẽ cùng A Hoành đến nhà họ Ngôn, nhưng cuối cùng anh lại vướng chuyện của Hội học sinh nên tan muộn. A Hoành ngồi đợi anh ở văn phòng nửa tiếng, Tư Hoán thấy áy náy bèn lấy cớ có việc bận, xin về trước.
"Lạnh không?" Tư Hoán cầm ô hỏi A Hoành, ánh mắt rất đỗi dịu dàng.
A Hoành đội mũ áo khoác lên rồi lắc đầu.
Hai người lặng lẽ đi dưới ô, một người bên trái, một người bên phải, cách nhau một sải tay.
Gió lạnh thấu xương, mưa vẫn rơi rả rích, con ngõ nhỏ nhiều năm chưa được sửa sang, bùn đất khá dày.
Hai người vừa đi vừa giậm chân cho đỡ dính bùn, nhưng "ghét của nào trời cho của ấy", giờ tan tầm mọi người đạp xe qua lại nhiều làm đất bắn hết lên người. Hai người liền lấy khăn tay luống cuống lau chùi, được chỗ nọ lại bẩn chỗ kia, quần áo cũng ướt già nửa.
"Chạy thôi!" Tư Hoán cười, giục: "Đằng nào quần áo cũng ướt hết rồi."
A Hoành lớn lên ở vùng sông nước, hồi nhỏ nghịch ngợm, suốt ngày dầm nước bắt cá nên khôg quen che ô. Thấy Tư Hoán đề nghị như thế thì liền gật đầu đồng ý và lao đi giữa làn mưa.
A Hoành chạy giữa làn mưa nhưng cản thấy mưa ở đây hoàn toàn khác so với mưa ở làng Ô Thuỷ. Mưa ở Ô Thuỷ dịu dàng ướt áo, mưa ở chốn này lạnh thấu tim gan, hai cảm giác hoàn toàn trái ngược, trời và đất khiến nỗi nhớ quê càng thêm da diết.
Tư Hoán rảo bước dưới mưa, lặng lẽ nhìn theo bóng A Hoành. Những giọt mưa lạnh ngắt lăn xuống mặt anh, mắt cũng ướt nhoè vì mưa, cuốn phim cũ mơ hồ của ký ức cũng dần trở nên sắc nét hơn.
Anh từng xem một bộ phim đen trắng. Có cô gái từng tinh ngịch vứt chiếc ô trong tay anh đi rồi nắm chặt tay anh chạy dưới màn mưa giăng. Anh đã quen với việc chạy phía sau cô gái đó, quen với việc có bàn tay nhỏ nhắn dúi vào bàn tay mình, quen với việc dõi theo chiếc bóng của cô ấy ngày một lớn hơn trong mưa, quen với việc gọi cô là “Nhĩ Nhĩ”.
Nhĩ Nhĩ của anh, giữa cơn mưa mùa đông, tiếng cười giòn tan đó rất giống với chim én gọi bầy giữa những ngảy tháng Tư.
Anh là anh trai của Nhĩ Nhĩ, hồi trước những tưởng là anh trai ruột, nhưng chỉ trong một đêm, anh và người em gái thân nhất lại trở thành hai người xa lạ.
Nhiều lúc anh thấy giận ông nội lắm. Nếu đã biết rõ sự thật, biết rõ Nhĩ Nhĩ không phải em giá ruột của anh thì tại sao lại để mặc cho bọn họ thân nhau như vậy? Cứ để mặc dòng máu của họ ngấm vào cơ thể nhau mới nói cho anh biết người thân nhất mà anh từng vui đùa sớm tối đó không có mối liên hệ gì với anh.
A Hoành đi trước vẫy tay mỉm cười với anh, nhưng anh lại không thể mỉm cười với cô, đến giả vờ cũng không làm được.
Cỏ thơm tháng Tư đã lụi tàn, hoa đào nở rộ từng chùm, nhưng không còn rực rỡ như ngày trước.
Sau khi về đến nhà, trong nhà chẳng còn ai, cụ Ôn để lại mẩu giấy nói đến nhà họ Ngôn trước, bảo bọn họ tan học thì đến đó ngay.
A Hoành và Tư Hoán vội vã thay quần áo rồi ra khỏi nhà.
Lúc này mưa đã tạnh.
“Nhàn anh Ngôn Hi ở đâu?” A Hoành tò mò hỏi.
“Em thấy rồi mà.” Tư Hoán cười rồi dẫn A Hoành vòng qua vườn hoa, men theo con đường rải đá khúc khuỷu đến một khu nhà kiểu Tây màu trắng phía sau cây cổ thụ.
“Đến rồi, đây là nhà Ngôn Hi.” Tư Hoán cười rồi chỉ tay về phía khu nhà.
“Hay nhỉ, ông Ngôn, họ Ngôn.” A Hoành lẩm bẩm.
Tư Hoán tỏ ra rất thoải mái, anh cười, đôi mắt sáng ngời.
Có gì mà hay? Ông Ngôn không mang họ Ngôn thì chẳng lẽ mang họ Ôn như bọn họ ư?
“Ông Ôn, cháu giá ông vui tính thế!” Một tiếng cười sảng khoái và giọng nói sang sảng cất lên.
A Hoành định thần nhìn lại mới phát hiện ra cửa đã mở, Ngôn Hi và mọi người đang đứng ở đó, mặt liền đỏ bừng.
Ông nội nhìn cô, ý cười hiện rõ trong đáy mắt, bên trái là bà Uẩn Nghi, bên phải là một cụ già dáng dấp cao to, tóc bạc, lông mày rậm, ánh mắt sáng ngời, trông rất uy nghiêm.
Ngôn Hi rất đẹp trai, tướng mạo khác hẳn với ông cụ, nhưng ánh mắt lại rất giống ông, cũng kiêu ngạo, có hồn như thế.
“Cháu chào ông Ngôn.” Tư Hoán cúi đầu lễ phép chào hỏi rồi đứng cạnh Ngôn Hi, hai anh chàng bắt đầu chuyện trò với nhau.
“A Hoành chào ông Ngôn đi con.” Bà Uẩn Nghi nhìn A Hoành, nở một nụ cười hiếm hoi, chắc cũng thấy buồn cười trước câu nói của con gái.
Kể từ khi A Hoành đến nhà họ Ôn, hôm nay là lần đầu tiên bà Uẩn Nghi nhìn thẳng vào con gái.
Bà là người phụ nữ nặng tình, bao tình cảm sâu nặng dành cho đứa con gái nuôi không lấy lại được nên đành tiếp tục yêu vậy. Còn cô bé trước mặt, trái tim bà rõ ràng có sự rung động nhưng không dám lại gần.
“Cháu chào ông Ngôn ạ.” Tiếng phổ thông của A Hoành vẫn lơ lớ như vậy, nhưng tư thế cúi người trông rất lễ phép.
“A Hoành, Ôn Hoành, hay! Tên rất hay!” Ông cụ cười, nhìn A Hoành mà càng thấy tội nghiệp. Chuyện năm xưa là do ông một tay sắp đặt, ông thật sự cảm thấy áy náy và thương cô bé này.
“Ngôn Soái, ông thử nói xem cái tên này hay ở đâu?” Ông Ôn cười tủm tỉm.
“Hay tức là hay thôi, tôi bảo hay là hay!” Ông Ngôn Soái liếc ông Ôn một cái, hàng lông mày rậm cau lại, có nét gì đó khá trẻ con.
“Chẳng có thiên địa vương pháp gì cả!” Ông Ôn cười giễu.
“Cháu à, cháu đừng có khom lưng mãi như thế. Lão là kẻ quê mùa, cả đời cầm súng chứ có cầm 乃út bao giờ đâu.” Ông Ngôn trợn mắt, giọng cũng oanh oang.
“Chữ Hoành lấy trong cuốn Hành Phi Tử - Dương quyền, nằm trong câu “Hoành bất đồng vu khing trọng”. Thế giới muôn màu, biết bao thăng trầm, thị thị phi phi, chọn nhẹ hay chọn nặng, tất cả đều phải dựa vào cái cân. Cháu gái nhà ta chính là người có sự cân bằng.” Ông Ôn nhìn đứa cháu gái mà ánh mắt lộ rõ rạng ngời, tinh anh.
Ông Ngôn Soái liền cười ha hả. “Ông Ôn già nên lẩn thẩn rồi, ai lại ví cháu gái mình với cái cân hả?”
Ông Ôn lắc đầu rồi thở dài.
Nhưng ánh mắt A Hoành lại sáng lên.
Hồi nhỏ, cha nuôi đặt têncho cô là “Hằng”, có nghĩa là “vĩnh hằng”, đi với tên Tại, có nghĩa là “vĩnh hằng bên nhau”, mong hai chị em trường thọ, có cuộc sống đủ đầy. Có điều sau này, khi vào tên hộ khẩu, công an hộ tịch lại viết sai chữ nên mới dùng chữ “Hoành” này, thực ra không phải như lời ông Ôn nói là mược tên trong sách cổ.
Tuy nhiên, câu nói của ông gần như đã khiến mọi ấm ức chất chứa trong lòng cô tiêu tan, ánh mắt nhìn ông cũng rạng rỡ hẳn lên.
“Bao giờ ăn sủi cảo đấy ông, cháu đói rồi!” Trước đó Ngôn Hi chỉ nghe người lớn nói chuyện chứ không xen vào, đến lúc này mới tranh thủ nhắc nhở một câu. Mắt anh sáng long lanh nhìn ông nội, bộ dáng rất ngoan hiền, giọng nói cũng rất dễ thương.
“Thằng ૮ɦếƭ tiệt này! Cháu gào cái gì chứ!” Ông Ngôn Soái bực mình, mắng yêu.
Ngôn Hi liền nhanh nhẹn trốn ra sau lưng bà Uẩn Nghi và làm mặt hề, trông rất ngây thơ vô tội.
A Hoành thấy anh hoàn toàn khác với vẻ cao ngạo, coi trời bằng vung ngày thường thì khúc khích cười.
“Cháu xem, em gái cũng cười cháu rồi kia kìa, thật chẳng hiểu chuyện gì cả!” Bà Uẩn Nghi cười, vỗ vỗ vào bàn tay thon dài của Ngôn Hi rồi quay sang nói với ông Ngôn Soái: “Bác Ngôn đừng giận, Tiểu Hi tính còn trẻ con, nghịch ngợm, bác nỡ lòng nào đánh nó?”
“Nể mặt Ôn Hoành, hôm nay ông tha cho mày đấy!” Ông Ngôn Soái trợn mắt nói.
“Lão Ngôn chỉ được cái nói cho sướng cái miệng thôi!” Ông Ôn cười trêu.
Trong mấy ông bạn già chơi với nhau, ông Ngôn nổi tiếng là người chiều cháu.
Từ nhỏ Ngôn Hi đã nghịch ngợm, quấy phá, ông bực lắm, giơ tay lên định đánh, nhưng chưa kịp hạ tay xuống, cậu bé đã gào lên khóc ầm ĩ, vừa khóc vừa hát: “Bắp cải trắng, đất khô cằn, ba tuổi mồ côi cha, năm tuổi mồ côi mẹ,...” Hàng xóm láng giềng nghe mà rớt nước mắt, chỉ thẳng vào ông Ngôn trách ông nhẫn tâm, nhà ông phải thắp không biết bao nhiêu tuần hương mới có được đứa cháu này, nếu có mệnh hệ nào thì ông còn mặt mũi đâu mà nhìn tổ tiên nữa!
Ông Ngôn nhìn thằng cháu ngân ngấn nước mắt, càng nhìn càng thấy không nỡ, rồi nói: "Chứ sao nữa, có nhà ai cõ cháu đẹp như cháu tôi không?" Nhà ông Ôn, nhà ông Lục, nhà ông Tân cộng lại cũng không thể bằng!"
Ai ngờ, câu này lan ra ngoài, ông Tân không chịu. Các thủ trưởng thường mang hai ông ra so sánh, hai người vốn đã không ưa nhau, quân hàm lại càng lớn càng có nhiều cái để so sánh. Lấy vợ so sánh, đẻ con so sánh, có cháu lại càng phải so sánh.
Ông Tân liền bế cháu nội Tân Đạt Di sang gặp ông Ngôn để lí luận: "Ông già lẩm cẩm kia! Dựa vào đâu mà ông nói thằng Tân Đạt Di nhà tôi không xinh xắn bằng thằng Ngôn Hi nhà ông! Ông thử nhìn thằng cháu nhà ông xem, miệng thì nhỏ, ăn mì còn khó, chẳng khác gì con gái, chẳng có tướng đàn ông tí nào cả! Thế mà ông còn mặt mũi nói cháu mình đẹp nhất, tôi đến ngượng thay cho ông!"
Ông Ngôn liền vỗ tay đánh đét một cái, cáu: Có bà nội ông mới lẩm cẩm ấy! Thằng Tân Đạt Di nhà ông mà xinh xắn hả? Tóc tai thì chổng ngược lên, người nào không biết lại tưởng ông đang bế con khỉ! Khỉ thì thôi đành chấp nhận, lại còn câm nữa, là bạn bè chơi với nhau đã lâu nên tôi ngại chưa nói với ông đấy thôi!”
Hồi ấy, Tân Đạt Di đã gần lên ba rồi mà vẫn chưa biết nói. Còn Ngôn Hi hai tuồi đã chạy lăng xăng khắp nơi, nịnh “chú đẹp trai, cô xinh gái” để noi kẹo ăn rồi.
Đây là nỗi đau thầm kín của ông Tân, thế nên ngày ngày ông đều bế Tân Đạt Di chửi rủa ông cháu nhà họ Ngôn, Tân Đạt Di cũng chăm chú lắng nghe.
Cuối cùng, ba tuổi ba tháng ba ngày, cậu chàng mới cất lời vàng, câu nói đầu tiên mà cậu thốt ra chính là: “Ngôn Hi, cái thằng lẩm cẩm kia!”
Câu nói này đã khiến già trẻ gái trai trong khu nhà cười đau bụng mấy tháng liền.
Lòng tự trọng của Ngôn Hi bị tổn thương, chạy khắp sân đuổi Tân Đạt Di, bắt được liền chửi: “Cha thằng Tân Đạt Di lẩm cẩm, mẹ thằng Tân Đạt Di lẩm cẩm, ông nội thằng Tân Đạt Di lẩm cẩm, bà nội thằng Tân Đạt Di, cả nhà thằng Tân Đạt Di lẩm cẩm!”
Vả thế là trở thành bài vè kinh điển, réo đi réo lại quanh năm suốt tháng.
Ngôn Hi vốn là cậu bé coi trời bằng vung, từ nhỏ đã có tính thù dai. Người ta bắt nạt anh một phần, anh nhất định phải đòi lại mười phần, hôm nay thiếu một phần thì ngày mai phải bù lại cho bằng được.
Chính vì thế ông Ôn không quý Ngôn Hi, nhưng vì nể mặt bạn cũ nên vẫn coi như cháu trong nhà. Điều ông lo lắng nhất là Tư Hoán thân Ngôn Hi quá sẽ sinh hư.
“Chỉ có cô là thương cháu.” Anh chàng này nói như đang diễn kịch trên sân khấu, còn quỳ một chân xuống, nắm lấy tay bà Uẩn Nghi, cười rất ranh ma rồi nói liến thoắng: “Cô ơi, cô tốt với cháu như thế chắc là yêu cháu lắm nhỉ? Ui da, cháu thấy xấu hổ quá. Hay là cô bỏ chú Ôn đi rồi lấy cháu nhé!”
“Lớn bằng ngần này rồi mà còn lấc cấc vậy, để chú Ôn nghe thấy thì mày lại ăn đòn!” Bà Uẩn Nghi cười vẻ thân thiết.
“Chú ấy có nhà đâu!” Ngôn Hi không thèm để tâm, mắt liếc xéo Tư Hoán. Tư Hoán khóc dở mếu dở. Ngôn Hi chỉ hơn anh nửa tuổi, hồi nhỏ đã bắt anh gọi là anh nhưng anh không chịu, không biết bị tiểu bá vương họ Ngôn kia đánh bao nhiêu lần.
Cuối cùng tiểu bá vương họ Ngôn tuyên bố thẳng thừng: “Cậu không gọi tôi là anh, tôi cũng chẳng cần! Đợi khi nào tôi lấy cô Uẩn Nghi, cậu sẽ phải gọi tôi là cha!”
Và thế là hắn vắt óc hơn chục năm trời để được làm cha dưỡng của Tư Hoán.
Tư Hoán mấp máy, mắt chữ A mồm chữ O nhìn Ngôn Hi. Tại sao tên lưu manh này lại ăn nói như thế chứ! Chẳng biết phép tắc gì cả!
“Thằng nhóc này, đừng có ăn nói linh tinh!” Ông Ngôn Soái tức đến tái mặt, kéo cổ áo Ngôn Hi đến trước mặt A Hoành, nghiến răng ken két, nói: “Cháu nói với em A Hoành đi, cháu tên là gì?”
Ông Ngôn Soái không biết rằng A Hoành và Ngôn Hin đã gặp nhau trước đó.
Hai chữ “Ngôn” và “Hi” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cô và không thể xóa mờ.
“Ngôn Hi.” Anh liếc A Hoành một cái.
“Ôn Hoành.” Cô cười, ánh mắt trong veo, nói năng rụt rè.
Cuối cùng cô cũng đã có thể gọi tên anh một cách danh chính ngôn thuận.
Sau nhiều lần gặp gỡ tình cờ, cuối cùng họ đã chính thức quen nhau.
Cả hai đều không lưu tâm đến sự tương ngộ này.
Một người mười lăm, một người mười bảy, đều là độ tuổi trăng rằm.
Thế rồi, oan gia ngõ hẹp, một vở kịch hay ra đời.