Tác giả: Mộc Mộc Tử
Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện
Biên tập: Tĩnh Nhiên | Thần Niên
Tiệm cơm Hà Ký khai trương ở phường An Nhân thành Trường An, có diện tích không lớn lắm, chỉ vừa vặn kê đủ năm, sáu bộ bàn ghế. Chủ cửa tiệm – Hà Bảo Tiến và một nhà già trẻ lớn bé cư trú ở hai gian nhà trệt phía sau.
Lúc mới chân ướt chân ráo đến Trường An, Hà Bảo Tiến mở một sạp hàng nhỏ ở trong thành. Nhờ một tay nấu ăn ngon và đầu óc kinh doanh nhạy bén, chỉ trong vòng hai ba năm ngắn ngủi Hà Bảo Tiến đã tích góp được một khoản tiền kha khá, đủ thuê một cửa hàng mặt tiền ở trong thành. Ông mấy ngày liên tục đôn đáo chạy quanh tìm kiếm cửa hàng cho thuê, ngặt một nỗi chẳng gặp được chỗ nào ra hồn. Cửa hàng có vị trí đẹp thì tiền thuê quá cao, chỗ có giá thuê rẻ thì lại ở nơi quá hẻo lánh. Vì chuyện này ông đã mất ăn mất ngủ mấy ngày liền.
Đúng lúc này, Hà Bảo Tiến tình cờ nghe nói có cửa hàng ở thành Đông đang muốn cho thuê thì đến nơi xem thử. Hà Bảo Tiến thấy cửa hàng đó chẳng những toạ lạc trong khu vực sầm uất mà giá thuê cũng rất hấp dẫn, trái tim của ông đập rộn ràng như trống bỏi: “Trên đời còn có chuyện tốt như vậy hả?”
Gã môi giới thấy biểu cảm trên mặt Hà Bảo Tiến như vậy biết tỏng trong lòng của ông đang nghĩ gì, gã tỏ vẻ bí hiểm, vuốt râu cười nói: “Đừng vội, giá thuê thấp có cái lý của nó.”
Hoá ra người chủ cho thuê có hai điều kiện: thứ nhất, người chủ muốn giữ lại lầu hai để tự kinh doanh, lầu một và hai gian nhà trệt kèm theo sân nhỏ phía sau cửa hàng đều có thể cho thuê. Thứ hai, nghe nói Hà Bảo Tiến định thuê cửa hàng để mở tiệm cơm, người chủ bảo chỉ cần mỗi ngày cung cấp thêm ba bữa cơm thì giá thuê sẽ được giảm một phần.
Hà Bảo Tiến cảm thấy hơi khó quyết định. Điều kiện thứ hai không khó, nhà ông mở tiệm cơm, mỗi bữa làm thêm một phần nữa cũng không đáng ngại. Chủ yếu khó là điều kiện thứ nhất. Có người ngoài ở trong tiệm cơm, chưa nói có bất tiện hay không, chỉ nói nếu hai bên xảy ra va chạm không vui, đến lúc đó chuyển tiệm cơm đi chỗ khác cũng chẳng đơn giản.
Gã môi giới nghe xong cũng gật gù nói: “Chú em lo lắng việc này cũng hợp lý. Có điều người chủ cửa hàng này cũng chẳng ở mãi trong kinh. Ngoài nơi này, người ta còn sở hữu những nơi khác nữa, thỉnh thoảng sống ở đây vài hôm thôi, bằng không giá thuê trên đoạn đường này sao rẻ dữ vậy chứ. Chú em thử cân nhắc lại một lần nữa xem.”
Hà Bảo Tiến về nhà suy nghĩ, đi đến cả nơi khác xem xét, nhưng chẳng tìm được nơi nào tốt hơn cửa hàng ở thành Đông. Hai ngày sau, ông quyết định đến đặt cọc và ký hợp đồng thuê cửa hàng. Thế nhưng vào ngày ký hợp đồng, ông chờ mãi cũng chẳng thấy bóng dáng người chủ cho thuê.
Tiệm cơm Hà Ký khai trương đã gần nửa năm, lầu hai của cửa hàng vẫn luôn để trống. Hà Bảo Tiến đang nghĩ bụng chắc chủ cho thuê quên béng nơi này và không chuyển đến ở nữa thì vào một buổi sáng nọ, một cỗ xe ngựa dừng trước cửa hàng, bước xuống xe là một đạo cô.
Nói là đạo cô vì nàng ấy mặc đạo bào màu tím nhạt, tự xưng mình là đạo sĩ. Hà Bảo Tiến thấy đạo cô này nhìn qua chẳng giống các đạo sĩ bình thường chút nào.
Đạo sĩ bình thường có thân hình gầy gò nhưng nàng ấy có vóc dáng cao ráo, thân hình yểu điệu. Đạo sĩ bình thường phần lớn có khí chất thoát tục, bộ dạng trang nghiêm nhưng nàng ấy mặt mày sáng sủa vui tươi, chưa nói đã cười. Đạo sĩ bình thường đều mặc đạo bào xám, đội mũ vàng nhưng nàng ấy mặc đạo bào không rõ của môn phái nào, trên 乃úi tóc còn cài một cây trâm bạc.
Sau khi xác nhận giấy sở hữu nhà do đạo cô lấy ra là thật, Hà Bảo Tiến giúp nàng mang hành lý lên lầu hai. Vừa từ lầu hai bước xuống, Trần thị-vợ của ông lén lút hỏi về lai lịch của đạo cô kia.
“Đạo cô kia tự xưng họ Thu, tên Hân Nhiên, là đệ tử trên núi Tĩnh Hư.”
Hai người chưa từng nghe ngọn núi nào tên là Tĩnh Hư nên Trần thị cảm thấy hơi bất an: “Ông nhìn tướng mạo của Thu đạo cô đi, tôi sợ nàng ấy giả danh đạo sĩ để lén lút buôn-bán-cái-đó…[1]”
“Bà đừng nói bậy!” Hà Bảo Tiến nhỏ giọng trách mắng: “Dù thế nào thì vị đó cũng là chủ cho thuê, mỗi tháng có tiền cho thuê cửa hàng, cần gì buôn-bán-cái-đó. Bà cẩn thận lời nói, nếu để vị đó nghe được, không chừng sẽ đuổi chúng ta đi đấy.”
Trần thị nghe lời quở trách của chồng có lý nên gật đầu đồng ý, không dám nhiều lời nữa, thầm nghĩ ngày mai sẽ tìm người hỏi thăm lai lịch của núi Tĩnh Hư này một chút.
Hà Bảo Tiến sau khi nhắc nhở vợ xong, chính mình lại có chút băn khoăn. Ông nghe nhiều người trong thành nói rằng không ít cô gái trẻ tuổi tự xưng mình là đạo cô nhưng lại ở trong đạo quán lén lút buôn bán da thịt, hoặc các quan gia có tiền cũng thường thu xếp cho các cô vợ bé ở trong đạo quán để che mắt thiên hạ. Nhớ đến ban đầu khi thuê cửa hàng, gã môi giới đã nhắc đến chủ cho thuê muốn giữ lại lầu hai để tự kinh doanh, Hà Bảo Tiến càng thêm hoảng hốt, tự hỏi cả lầu hai lớn như thế, một đạo cô nho nhỏ thì có thể kinh doanh cái gì?
Hà Bảo Tiến trằn trọc suy nghĩ chuyện này liên tục mấy đêm, nghĩ bụng nếu nàng ấy thật sự là gái làng chơi giả danh đạo sĩ, dù phải bồi thường thì ông cũng trả lại cửa hàng không thuê nữa.
May thay, hôm sau khi đi mua thức ăn về, Trần thị hớn hở kéo tay Hà Bảo Tiến ra gian nhà trệt ở đằng sau nhỏ giọng nói: “Tôi đã hỏi thăm rồi, nghe nói núi Tĩnh Hư kia khá nổi danh đấy, cả Thánh thượng cũng đã từng đến viếng thăm. Nếu Thu đạo cô thật sự là đệ tử ở đó, vậy hẳn không phải là cái loại không-đứng-đắn kia.”
Hà Bảo Tiến nghe vậy cũng khá an tâm, nhưng vẫn chú ý xem vị đạo cô ở lầu hai dự định kinh doanh cái gì. Cứ như thế thêm mấy ngày, cuối cùng lầu hai cũng có động tĩnh.
Sáng sớm hôm nọ, cửa sổ lầu hai mở ra, trên đó treo một tấm vải màu vàng cùng dòng chữ “Xem bói, giải xăm, sờ cốt, đoán chữ, hợp bát tự, xem tướng tay, quan sát phong thủy, đoán vận cát hung” [2]. Ở mép cửa sổ còn giăng thêm một tấm phướn trắng với bốn chữ lớn màu màu đen ‘KHÔNG SAI MỘT QUẺ’.
Đối với sự phô trương của lầu hai, không chỉ Hà Bảo Tiến, bá tánh xung quanh đều tò mò kéo nhau đến nhìn ngó, họ truyền tai nhau rằng sợ cả thành Trường An không kiếm được thầy bói thứ hai dám tự nhận mình đoán không sai một quẻ như vậy.
Sau khi vị đạo cô ở lầu hai ra chiêu bài như thế, không ít người ôm ý định xác minh thật giả đến xin quẻ, xem bói. Khách đến xem bói càng nhiều, Hà Bảo Tiến lại phát hiện thêm một điều kỳ quặc của vị Thu đạo cô này.
Bình thường nếu chủ cửa hàng không có việc gì, thời gian kinh doanh sẽ cố định, thế nhưng vị Thu đạo cô này lại mở cửa hàng hoàn toàn dựa vào tâm trạng. Nếu cửa sổ lầu hai đang mở chứng tỏ hôm ấy tiệm bói toán của nàng ấy đón khách, nếu cửa sổ đóng chặt thì hôm ấy từ chối tiếp khách.
Không chỉ thời gian kinh doanh không cố định, kỳ quặc hơn là phí xem bói. Cùng một người nhưng phí xem bói của hôm nay và ngày mai lại khác nhau, cùng một việc nhưng người khác nhau lại có phí xem bói khác nhau, tất cả phụ thuộc vào tâm tình hôm đó của nàng ấy như thế nào.
Ban đầu, Hà Bảo Tiến nghĩ rằng việc kinh doanh theo cảm tính như vậy sẽ chẳng kéo dài được bao lâu, nhưng sau này lại phát hiện ra không biết do nàng ấy xem bói quá chuẩn xác hay do mọi người quá mù quáng, nàng ấy càng tỏ ra thần bí thì khách hàng tìm đến tiệm bói toán lại càng đông.
Từ đó, dù tiệm bói toán ở lầu hai tiệm cơm Hà Ký mới khai trương được hai tháng đã khá nổi tiếng trong thành Trường An, không ít người bỏ ra một số tiền lớn để xin nàng ấy tính giúp một quẻ.
Buổi trưa ngày nọ, tiệm bói toán của đạo cô Thu Hân Nhiên tiếp đãi một vị khách nữ. Từ khi chuyển đến ở lầu hai, Thu Hân Nhiên chia cả tầng thành hai gian, gian trong làm phòng ngủ, gian ngoài làm thành một phòng khách trang nhã chuyên đón tiếp các vị khách nữ. Cũng chính vì tiệm bói toán của nàng ấy yên tĩnh và thanh nhã hơn so với các gian hàng khác ở bên ngoài nên rất nhiều cô nương, phu nhân ưa thích đến chỗ của nàng.
Vị khách nữ hôm nay là một cô nương không rõ thuộc gia đình quan lại quyền quý nào, đi cùng một hầu gái đến để nhờ giúp tính nhân duyên. Thu Hân Nhiên của cô nương nọ năm lượng bạc làm phí xem bói rồi giảng giải quẻ xăm: “Xin hỏi cô nương đã định hôn rồi hay chưa?”
Cô nương nọ ngượng ngùng đáp: “Gần đây có vài nhà đến ngỏ lời mai mối, nhưng vẫn chưa quyết định nhà ai cả.”
“Nhìn lá xăm này, xem ra đến đầu xuân sang năm, hôn sự của cô nương sẽ được định ra.”
Cô nương ngồi đối diện trên mặt lộ vẻ xấu hổ, một lúc sau mới rụt rè lên tiếng: “Vậy… Xin hỏi đạo trưởng tôi sẽ định hôn với nhà nào?”
“Thiên cơ bất khả lộ.”[3] Thu Hân Nhiên khép lá xăm lại đưa cho cô nương nọ, mỉm cười đầy ẩn ý nói: “Trong lòng cô nương hẳn đã có ý trung nhân?”
Cô nương nọ khẽ thở dài: “Phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn [4], hôn nhân đại sự nào đến lượt tôi lên tiếng chứ.”
Thu Hân Nhiên đang định tiếp lời thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng huyên náo ở bên ngoài. Bây giờ vừa đúng bữa trưa, dưới lầu có không ít khách đến dùng cơm, nghe thấy bên ngoài ồn ào thì lập tức chen nhau ra nhìn, xôn xao bàn tán: “… Hình như bọn họ trở về từ biên quan đấy…”
Thu Hân Nhiên mí mắt giật giật, Cô nương đang ngồi đối diện tò mò, rướn người ra cửa sổ xem thử. Một lúc sau, cả khu phố bỗng chật như nêm cối, gần như tất cả bá tánh trong thành đều bỏ mặc công việc đang làm để ùa ra xem náo nhiệt.
Hàng loạt tiếng vó ngựa chói tai cùng tiếng reo hò phấn khởi từ xa truyền đến, trong đó có người hô to: “Định Bắc Hầu [5] đã trở lại rồi!”
Một truyền mười, mười truyền trăm, chẳng mấy chốc tiếng hô lan ra khắp các ngõ ngách trong thành Trường An, vang động cả một vùng.
“Định Bắc Hầu đã trở lại?”
“Mấy ngày nữa là đại thọ của Thái Hậu, chắc ngài ấy trở về mừng thọ đấy.”
“Biên quan phía bắc không có Định Bắc Hầu có sao không?”
“…”
Danh tiếng của vị tướng quân phương bắc này nổi như cồn, ngay cả mấy người phụ nữ suốt ngày chỉ loanh quanh trong nhà cũng từng nghe qua uy danh lừng lẫy của Định Bắc Hầu. Vị cô nương nọ không ngờ hôm nay có thể may mắn gặp được Định Bắc Hầu hồi kinh và có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan của ngài ấy. Nàng không kìm nén được xúc động, đứng bật dậy, hào hứng chạy đến đứng cạnh cửa sổ trông ngóng.
Thu Hân Nhiên từ khi nghe đến cái tên “Định Bắc Hầu” đã sững người một lúc lâu, khi tiếng vó ngựa ngoài cửa sổ đến gần mới hoàn hồn lại, nàng cũng đứng dậy đi đến bên cửa sổ nhìn ra.
Cách đó không xa, một đội kỵ mã mang giáp sắt đang chỉnh tề đi đến, dẫn đầu chính là Định Bắc Hầu đang hồi kinh nhận thưởng. Mặc kệ những tin đồn bên ngoài thế nào, vị tướng quân trong truyền thuyết này nhìn qua có vẻ còn rất trẻ, ngoại hình chẳng những không hề thô kệch, ngược lại vô cùng nho nhã anh tuấn, trên người mặc giáp bạc và khoác áo choàng đỏ tươi, cả người tựa như đang toả sáng dưới ánh mặt trời, đặc biệt là đôi mắt phượng xinh đẹp và đôi môi hồng như hoa đào kia. Theo phía sau là những tướng sĩ hiên ngang đĩnh đạc, trên người khoác quân trang, đầu đội mũ sắt đang di chuyển một cách ngay ngắn và có kỷ luật.
Từ khi đoàn người vào thành, người dân hai bên đường hoan hô không ngớt, các cửa sổ trên phố mở toang, hàng loạt hoa tươi và khăn tay được ném ra để chào đón bọn họ. Thu Hân Nhiên đứng cạnh cửa sổ nhìn ngắm toàn cảnh bên ngoài, gượng gạo nở một nụ cười: “E rằng sau hôm nay, vị Định Bắc hầu kia sẽ là tình lang trong mộng của vô số cô nương trong thành Trường An này đấy nhỉ.”
Lúc đoàn người sắp đi ngang qua tiệm cơm, vị cô nương nọ không biết do quá xúc động nên sơ ý, hay kìm lòng không được mà buông lỏng tay khiến chiếc khăn đang cầm trên tay bay xuống.
“Ôi…” Vị cô nương nọ hốt hoảng kêu lên một tiếng.
Cả đoàn người đi một đường vào thành, dù có không ít người dân nhiệt tình ném hoa tươi và trái cây cho họ, cũng có một vài cô gái bạo dạn đứng ở trên lâu cao ném khăn tay vào giữa đoàn người nhưng cả đám tướng sĩ với kỷ luật nghiêm cẩn, không hề liếc ngang liếc dọc lấy một lần. Nhưng lần này khi đến gần tiệm cơm Hà Ký, có thể bởi vì tấm vải vàng và tấm phướn trắng treo trên cửa lầu hai quá bắt mắt, cộng thêm một chiếc khăn tay rơi bay phất phơ từ trên cao xuống, vị tướng quân nọ bỗng ngẩng đầu lên nhìn về phía cửa sổ lầu hai.
Giữa biển người mênh ௱ôЛƓ, khoảnh khắc ánh mắt của hai người giao nhau, Thu Hân Nhiên cảm giác máu toàn thân tựa như ngừng chảy, trên cổ thoáng thấy lạnh lẽo.
May thay, cái nhìn của vị tướng quân nọ lướt qua rất nhanh, tựa như đối phương chỉ lơ đãng nhìn về phía nàng một cái mà thôi. Khi nhịp tim dần dần trở lại bình thường, nàng nghe vị cô nương bên cạnh khẽ thở dài tiếc nuối. Tiếng vó ngựa đi xa dần, chiếc khăn tay bay xuống ban nãy đang nằm im giữa đường, trên đó còn lưu lại vài dấu móng ngựa.
Đám đông nối đuôi theo đoàn người ngựa đi vào sâu trong thành, dần dần cả khu phố đã trở lại dáng vẻ yên bình như lúc trước.
– Hết chương 1 –