Hà Nội ChờChủ nhật dài. Ngồi quán và thấy mình thối rữa ra được đến một nửa khi chỉ lang thang blog và blog, máy Huy rung nhẹ lên, mắt vẫn nhìn chăm chú vào máy, giật mình bởi cái ngữ điệu nhí nhảnh và vui tươi quen thuộc, cả tỉ năm chẳng nghe: “Này Huy, có người muốn được đến đón!”.
Thế là xách xe và đứng lên. Ôi nhớ quá cái giọng này!
Hà Nội đang mùa đẹp, lạnh lãng mạn lắm, phố đi để mà điên mất nếu không có người để liếc qua gương xe. Phương ngồi đấy rồi, Huy không cười nổi vì vui quá, cũng không nói được gì.
- Huy! Nói gì đi chứ, ai dạy lái xe tập trung thế hả, nói đi, lạng lách đi, đâm vào em nào còn làm quen được! - Phương vẫn cái giọng đấy, như một con chích chòe le te, Huy mỉm cười. Đường Phan Đình Phùng ngập nắng. Những cái lá to to đã rơi hết trước khi Phương về, hình như là mùa thi không đợi ai cả.
- Bạn hiền, ba năm rồi đây!
2. Không chung lớp, chả cùng trường, Huy và Phương chỉ là dạng “bạn xã hội”! Tức là quen nhau trên đường tung tẩy, thế thôi! Thế mà thân ghê gớm, chở nhau đi học từ cái thời còn gò lưng trên xe đạp, toàn là Huy phóng qua nhà Phương, chào mẹ Phương khi bác đóng cửa cho cô con gái rượu dắt xe ra, rồi đi được một đoạn là Phương vứt bớt xe vào hàng gửi quen, lại tót lên cho Huy chở đến trường. Đến giờ Huy lại đến đón. Bạn bè trêu mặc kệ! Cứ làm cái gì mình muốn. Cũng tí nữa thì… ẩm ương với nhau đấy, nhưng thân nhau quá thành ra ai biết phận người đấy, đứa nào cũng sợ “abc abc” thì có mà mất đứa bạn yêu, thế là thôi.
Phương thích vẽ. Cặp có thể không mang sách vở nhưng màu vẽ thì ngập, cứ rảnh ra là tay chân phải khua loạn lên trên giấy. Huy thì chỉ thích… thưởng thức nghệ thuật! Phương ưa ngồi quán và vẽ phố, vẽ lá, vẽ cái đang tươi lên ngoài cửa sổ. Hai đứa lên quán để mà chả làm gì, Phương tẩn mẩn với chì và tẩy xóa, Huy thì ngồi ngắm mãi cũng quen rồi. Thi thoảng Phương vẽ Huy để rồi hai đứa cười nghiêng ngả khi Phương chuyển thành tranh biếm họa khi cái mũi của Huy cứ to vật và răng thì nham nhở.
Những ngày tháng không vết cắt.
3. La place một chiều đẹp. Huy lại ngồi ngắm Phương, nó thường nói ít khi có quá nhiều điều muốn nói. “Phương đi mãi mà không khác chút nào.” “Gì cơ, tóc phải xoăn lên và mắt phải đổi màu ư?” … Phương cười phá, cái không gian quanh Phương không bao giờ yên tĩnh cả, một người biết xen vào không khí bằng những hơi thở không đều.
Huy không nói gì nữa, nó nheo mắt. Những tưởng phải giận nhau lắm khi đi như thế, ờ mà đúng là giận thật, chỉ có điều khi Phương về và ngồi trước mặt nó, thì nỗi sợ hãi rằng mình không được sợ hãi, hình ảnh chờ mong và những khắc khoải không tên tan biến. Chả biết được Phương muốn làm gì, vì bạn nó thuộc mẫu người hứng khởi, tức là chợt lên là làm chợt lên là thôi. Nhưng sống đẹp lắm. “Sao, thế ba năm ở bên đấy có gì để kể nào?”. “Thế ba năm ở nhà có gì để kể nào?” Câu nhai luyến láy vang vọng, Huy cười bằng mắt. “Ở nhà thì có gì mà kể chứ”. “Ngốc, ở nhà mới có nhiều cái để kể, đi là đi thôi, bây giờ thích ai rồi?”. “Thích Hà Nội!”. Huy trả lời rồi chợt mỉm cười vì cái sự rất bình yên của mình. Phương rạng rỡ: “Thế thì nó lại hoành thánh quá! À, hoành tráng quá!”.
Hai đứa ngồi nói chuyện phiếm một lúc lâu, rồi im lặng. Huy không thấy Phương rút giấy ra vẽ như thói quen nữa, nhưng nó im lặng. Đôi khi, người ta chỉ cần im lặng nếu muốn hỏi một điều gì đấy. Phương đứng lên và đi ra cửa sổ: “Này Huy, có bao giờ cuộc sống là câu chuyện không có cốt, người ta cứ viết mà không hiểu mình đang viết gì không?”. Huy không trả lời, hình ảnh người bạn thân đứng bên cửa sổ làm nó lặng thinh, dường như Phương gầy đi, nắng hắt vào mới thấy Phương gầy đi.
4. Giữa khi cuộc sống cỏ vẻ bình lặng, thì nó lại thường xảy ra nhiều điều ngược lại để chứng tỏ cái sự bình lặng ấy là đè nén một chiều sâu đổ vỡ. Bố mẹ Phương ly dị nhanh chóng, thậm chí không qua cả giai đoạn ly thân. Con chim chích chòe tưng bừng chợt nhận ra cái mờ ảo nó thấy qua những khung cửa kính ướt mưa mà mình thường vẽ, lại chẳng phải là cái thực bên ngoài ấy. Phương đi du học nhanh chóng, không phải để lẩn khuất nỗi buồn, mà để không nhìn lại phía sau, dường như người ta thường chỉ không thể nhìn lại phía sau khi người ta còn quá yếu. Phương đi không báo cho ai, cả Huy. Huy giận điên lên mấy tuần. Đến khi nhận được mail của Phương rằng nó đã ở Đức và theo học một trường về thiết kế thời trang, Huy mới ngỡ ngàng nhận thấy rằng cái ranh giới giữa hai đứa đã nhạt đi nhiều, Phương nói nó cần thời gian bình tâm sau những biến cố thường thấy. Giọng nó bình thản, nhưng vẫn thường vậy, bình thản cũng là để đóng gói một thứ nước không xuất khẩu được, nước mắt. Số đi động của Phương ở Đức nhanh chóng không liên lạc được và địa chỉ cũng đã thay đổi. Phương đổi hòm mail và xóa dấu vết tựa như một nhân vật chính phim điệp viên. Huy hiểu bạn, ở một mức nào đấy, hai đứa thân đến mức không thể làm gì cho nhau ngoài nghĩ về nhau. Huy không chờ, nó biết cách làm cho cuộc sống của mình tốt hơn bằng cách đổ cảm xúc vào từng ngày như đưa đồ vật lạ vào ngăn kéo. Huy không chờ Phương, vì nó biết Phương là một cái gì đấy nên là như thế. Phương muốn đi mà, người ta nên làm những việc người ta muốn, cái gì không có được thì đừng cố. Nhưng nói chung, theo một nghĩa nào đấy. Huy cũng lại chờ chờ.
5. Bây giờ thì Phương đã về nước, và có lẽ, trở lại là Phương, thậm chí mạnh mẽ hơn và bình thản hơn, sau vài ngày Hà Nội thì Huy nhận ra điều ấy. Nó cũng nhận ra cái vẻ lanh chanh mà hôm đầu Huy thấy ở Phương không được lâu, nó biết Phương cố làm như thế để Huy không suy nghĩ, không lăn tăn. Hai đứa gặp nhau đều, Phương không làm gì sau khi về nước ngoài việc lòng ròng phố lang thang quán, nó nói với Huy có thể sẽ đi đâu đó làm, không biết là đâu, nhưng không phải Hà Nội. Phương bây giờ là chân đi rồi, đất này không giữ được nó nữa. Huy mỉm cười khi Phương nói thế, nó bảo Phương Hà Nội chẳng bao giờ giữ gì, mà những gì thuộc về Hà Nội thì vẫn thuộc về Hà Nội thôi. Phương có đi đâu, Phương vẫn là một phần của nơi này. Phương bảo Huy bị bệnh… kinh điển à, nói ra những câu… có chiều sâu như thế, ai mà hiểu được! Ừ, đúng là ai mà hiểu được.
6. Phương ở Hà Nội vài tháng, không ai đếm ngày cả mà hình như ngày tự đếm, Phương về vào một lúc Hà Nội chuyển mùa, và cũng đi vào lúc Hà Nội chuyển mùa. Cuộc sống có những cách tính thời gian thật bình dị. Ngày trước cuối, hai đứa lại lên quán. Phố Cổ một trưa đông khách, tầng bốn thì toàn gió là gió, cảm giác mình ngồi rất là bồng bềnh, Phương bảo thế và cứ nhìn mãi về phía Hồ. Phương sẽ đi Venice, cũng lại là một thành phố tình yêu, một thành phố được đồn đại bởi vẻ chớp nhoáng của cảm xúc trên tất cả những phố luôn lát gạch và sông thì cứ chảy bình yên quanh quanh những con cầu nhỏ. Phương ngồi nói mãi về Venice với niềm đam mê thích thú. Mãi khi chiều tắt nắng, quán bắt đầu bớt khách rồi, Huy khuấy cốc cà phê lạnh canh, hỏi:
- Này, Phương có còn vẽ không?
Câu hỏi như rơi tõm xuống khoảng không gian rộng lớn trước mặt, nước từ Hồ bốc lên lạnh đến tên người. Phương lục cặp và lôi ra một bức ảnh. Trong ảnh là một căn phòng, chỉ nhìn thôi Huy cũng biết là phòng Phương, có lẽ ở Đức, vì phòng tràn ngập gương. Phương vốn thích gương, những người cô độc bao giờ cũng thích gương, Phương từng bảo thế. Trong căn phòng treo rất nhiều tranh, chỉ vẽ đúng một thứ: một con chim đậu trên cành cây.
Chích chòe đấy! Phương cười. Những bức vẽ cuối cũng là vẽ chích chòe, tại Huy hay bảo Phương giống chích chòe le te mà, thích cái tên đấy lắm! Huy không nói gì, nó hiểu Phương. Đường Hà Nội mùa này ngát quá, thấy cái gì cũng êm và cái gì cũng tinh tươm, lại chuẩn bị thay lá trên tất cả những chồi xuân kia, đường Hồ chìm dần trong màu sắc mới. Huy quay sang Phương, lần đầu tiên chạm vào tay Phương:
-Phương ạ, có những điều đã mất rồi thì không thể trở lại được, nhưng có những điều chẳng bao giờ mất. Mỗi lúc Hà Nội chuyển mùa, chắc chắn có một người nhớ Phương. Và nếu Phương đã biết chắc chắn có một người luôn chờ Phương ở Hà Nội, thì một ngày mệt mỏi, Chích Chòe hãy trở về đây.
Phố vẫn ngập trong cái sướt mướt của chiều tàn, những hàng cây đang rung lên trong gió, Hà Nội có một vẻ rất riêng không bao giờ lẫn được.
“Này Phương, Phương có thể viết cho mình một cuộc sống không cốt, nhưng hãy có kết”.
Chắc chắn đến một ngày, Chích Chòe sẽ trở về!
Hà Nội hiền. Tháng 12.