Tình yêu là thứ công bằng, nếu cứ mãi cho đi thì cũng có lúc mệt mỏi. Có lẽ, họ đã lỡ mất giây phút yêu thương nhất ấy rồi.
[1]
Chiêm Đông Quyến một mình từ thành B lái xe sang đây. Anh lo lắng vô cùng, anh sợ cô cứ tiếp tục khóc.
Anh tìm được Tả Ý theo địa chỉ mà cô đưa.
Không ngờ, Tả Ý của bây giờ lại đang rất yên tĩnh mà ngồi trên ghế gỗ của công viên, trò chuyện cùng những đứa trẻ trước mặt, thần sắc bình thường, hoàn toàn không còn mất kiểm soát như trong điện thoại nữa.
Chỉ vài phút thì cô và bọn trẻ đã quen thân với nhau, cùng chơi trò đố chữ, ai thắng được ăn kẹo.
Có một cậu béo chạy khắp nơi rồi tìm về một khúc cây, hỏi cô: “Dì ơi, dì nói xem đây là gì?”
“Khúc gỗ.” Tả Ý nói.
“Bốn chữ.”
Tả Ý nghĩ ngợi một lúc: “Một khúc cây gỗ.”
Đích thật là bốn chữ. Từ nhỏ cô đã như thế, chẳng đâu vào đâu, chọc người ta là giỏi nhất.
Chiêm Đông Quyến ở bên cạnh thấy vậy chỉ biết lắc đầu.
Quả nhiên, câu trả lời của cô khiến cậu béo hơi trở tay không kịp, xua tay nói: “Không phải không phải, không phải ý này, loại phải dùng bốn chữ để nói đó.”
“Cái đó gọi là thành ngữ.” Tả Ý mắc cười.
“Đúng đúng, chính là thành ngữ. Gọi là gì nào?”
Lần này thì thách đố cô thật rồi, cô nghiêng đầu, chau mày: “Không biết.” Khó đoán quá.
Cậu bé mập mạp đắc ý nói: “Đây gọi là hoàn hảo nguyên vẹn.”
Sau đó, cậu bé bẻ nhánh cây ra, nhưng không xé hết mà giữ lại lớp vỏ, cậu tiếp tục: “Còn đây gọi là tơ lòng còn vương.”
Tả Ý nghe xong, cười cười, lấy khúc cây từ tay cậu bé, bẽ gãy thành đôi rồi hỏi: “Vậy để dì đố con, đây là thành ngữ gì?”
Cậu bé gãi đầu, chau mày vào nhau, lắc đầu nói: “Cô giáo chưa dạy, con không biết.”
Tả Ý chớp mắt nói: “Là đoạn tuyệt quan hệ.”
Gió thu làm tung bay tóc cô, Tả Ý đã trở lại như bình thường, dấu hiệu duy nhất cho thấy cô đã khóc chỉ còn đôi mắt đỏ hoe ấy. Lâu nay cô rất kiên cường, chưa bao giờ rơi lệ trước mặt anh, dẫu cả khi bố mẹ qua đời.
Nhìn những đứa trẻ cầm kẹo rời khỏi, anh mới bước tới: “Em làm gì mà khóc lóc trong điện thoại thế?”
“Vì em đau răng.” Cô nói.
***
Chiêm Đông Quyến tìm cho cô một chỗ ở yên tĩnh tại thành B, để cô sống một mình. Tả Ý tắt nguồn điện thoại, không xem truyền hình, không đọc báo, chỉ nấp trong căn hộ của Chiêm Đông Quyến.
Chứng đau răng quả là đến rất hung mãnh.
Chân răng bị viêm, khiến cho khuôn mặt của cô bị sưng lên, cô đành ra tiệm thuốc. Tiệm thuốc giới thiệu cho cô cả đống thuốc trị đau răng.
Cô chau mày: “Không phải loại trước đây tôi uống.”
“Vậy trước đây dùng loại nào?” Người bán hàng hỏi.
Cô khựng lại: “Tôi… Không biết.”
Trên đường trở về, Tả Ý đột nhiên đón taxi đến nghĩa trang tại Đông Sơn ở ngoại ô thành Tây.
Từ xa Tả Ý đã trông thấy hai bia mộ ấy, từ trên đếm xuống, nó nằm ở vị trí thứ ba, tư từ ngoài đếm vào. Bên trái là ba, bên phải là mẹ. Mẹ không phải là vợ hợp pháp của ba, vậy nên vì tôn trọng dì Nhậm, ba mẹ đã không chôn cùng một mồ.
Trên tấm ảnh, ba đang cười, cô và ba giống nhau, chỉ có một lúm đồng tiền. Khi còn nhỏ, cô rất nghịch ngợm, rất phá phách, nhưng mỗi khi nhắc đến cô, ba vẫn tự hào mà nói: “Tả Ý của ba, Tả Ý của ba…”
Vậy nên mới khiến Tả Tình ghét cô đến vậy.
Tả Tình nói: “Đừng tưởng ba gọi mày về thì mày là người của Thẩm gia. Nói cho mày biết, cho dù là gia sản của Thẩm gia, hay là Chiêm Đông Quyến, tao cũng không chia cho mày một phân nào đâu.”
Lúc ấy cô cười nhạt. Cô chẳng cần gì cả, chỉ cần có A Diễn của cô.
Ở Đức, cô có A Diễn.
Lệ Trạch Lương bao giờ cũng là người xuất sắc nhất trong một nhóm người. Giữa quần người tóc vàng mắt xanh ấy, một người mang dòng máu châu Á như anh vẫn thu hút ánh nhìn của người khác. Vóc người cao to, mí lót, tóc tai chỉnh tề, không quá dài cũng không quá ngắn. Mỗi lần cắt tóc xong, nước da ở phía sau lỗ tai sẽ tạm thời để lộ ngoài không khí, vừa trắng vừa mịn.
Khác hẳn những thanh niên da trắng, đeo bông tai, tóc vuốt keo, trên người thì nồng nặc mùi.
Mỗi khi thấy có con gái nhìn Lệ Trạch Lương, cô bèn kéo tay áo anh và nói: “Em nhất định phải trông coi anh gắt gao hơn.”
Khi Tả Ý đến Đức thì anh đã bắt đầu đầu tư cổ phiếu và hợp tác mở công ty với bạn bè, thường xuyên lái xe đi lại giữa Frankfurt và Heidelberg. Tính tình của anh lúc ấy không có quái lạ như bây giờ, chỉ là hơi ít nói, sống khá giản dị. Và đó cũng là tính cách mà Tả Ý sớm đã quen thuộc.
Cô đến quá đột ngột, tiếng Đức chưa biết nhiều, phải mất rất nhiều thời gian trong khâu ngôn ngữ, cũng vì thế mà ngoài trường học thì cô không đi đâu khác. Vậy nên, thông thường đều do anh mua nguyên liệu về nấu cho cô ăn.
Hôm đó, Lệ Trạch Lương lại đi Frankfurt, buổi tối không về.
Mùa đông của Đức đến đặc biệt sớm, cũng lạnh hơn ở thành B, mới bốn giờ mấy mà trời đã sập tối.
Tả Ý từ trường về chỗ ở thì trời đã tối mịt, nhưng cô lại để quên găng tay và nón trong thư viện. Dưới màn đêm và khí hậu ngày càng rét, cô lạnh muốn đông cứng.
Lại vì lười quay về lấy đồ, thế là cô một mình đi đường tắt, rẽ vào hẻm để về nhà.
Cả con hẻm chỉ có một mình cô, bước chân đi trên tuyết kêu cọt kẹt, hình như còn có âm vang. Đi được nửa đường thì cô bắt đầu sợ, bèn khẩn trương quay đầu nhìn, có hơi hoang mang.
Khi một lần nữa quay lại nhìn, cô phát hiện từ xa có một bóng người đang đi nhanh về phía cô.
Tim cô thót lên, sợ sẽ gặp phải tên say xỉn nào đó, thế là đưa chiếc đồng hồ không có giá trị lên trước иgự¢, dùng tay kia giữ chặt. Người đó sắp đến gần, cô dừng bước, tim như muốn nhảy ra ngoài, cơ hồ là muốn vắt chân chạy ngược trở về.
Chính trong lúc này, người đó đi chậm lại, hỏi cô bằng tiếng Trung Quốc: “Tả Ý?”
Giây phút ấy, Tả Ý ngẩn người, lập tức chạy nhanh tới xòa vào lòng anh: “A Diễn!”
“Một mình em sao không đi đường lớn?” Anh thở hổn hển mà nói, như vừa từ nơi khác vội vã tới đây vậy. Đến nơi có đèn đường, Tả Ý mới nhìn thấy bước chân gấp rút của anh, dưới cái lạnh rét buốt như vậy mà trán anh lại thấm đầy mồ hôi.
“Hồi chiều anh nói sẽ không về mà?”
“Xong việc nên về.”
Hồi chiều khi trời vừa rơi tuyết, anh đang ở Frankfurt thì đột nhiên nghĩ không biết trời lạnh như vậy, một mình cô ở nhà sẽ ra sao. Thế là ra xe chạy một mạch suốt một tiếng để về nhà, về đến nhà không thấy ai, anh lại vội vàng tìm đến thư viện.
“Vậy là anh đến đón em?” Tả Ý nghiêng đầu hỏi.
Anh nghiêm mặt, không trả lời.
Tả Ý vui mừng hà hơi vào tay rồi xoa xoa cho ấm. Cô không đeo găng tay, áo lại không có túi, vì vậy mười ngón đã bị đông thành màu đỏ.
“Găng tay đâu?” Anh hỏi.
“Để quên trong trường rồi.” Cô nói.
“Đến khi nào thì đầu óc mới lanh lợi chút, quên này quên nọ.”
Anh nói xong thì đưa tay cô kẹp giữa hai tay của mình xoa xoa. Ngày thường tay anh có hơi lạnh, vậy mà lúc ấy nó lại ấm áp lạ thường.
Cô cười khờ, nhìn anh nói: “A Diễn, anh thật là tốt.”
Anh ngước mắt lên nhìn, lại phát hiện thấy cô chỉ mặc áo lông cừu, mũ và khăn choàng đều không có, bèn buông tay cô ra, lấy khăn choàng của mình xuống quấn lên cho cô.
“Còn chỗ nào thấy lạnh?” Anh hỏi.
“Tay.” Cô nhõng nhẽo.
Anh cũng chịu thua, anh không quen đeo găng tay, đến mùa đông thì chỉ bỏ tay vào túi áo. Thế là, anh cởi nút áo măng tô ra định khoác lên cho cô.
“Không chịu, em đâu có yếu ớt như vậy. Lỡ làm anh bị cảm thì còn mệt hơn.”
Tả Ý đảo mắt một vòng: “Thế này đi!”
Cô nắm lấy tay phải của anh, cùng cho vào túi áo. Lúc ấy anh mặc áo măng tô màu xanh đậm, trong túi toàn là hơi ấm của anh lúc nãy.
Tay trái của cô và tay phải của anh làm cho chiếc túi ấy cồm cộm.
Sau đó, Tả Ý cười hì hì nói: “Vậy là được rồi.”
Năm ngón tay của cô luồn qua năm ngón của anh, rất thuận lợi mà đan vào nhau.
Tay của Lệ Trạch Lương dường như đơ lại một lúc, anh không cố tình phối hợp, cũng không cố ý từ chối, chỉ là rất tự nhiên mà cọ sát lên đó, truyền hơi ấm cho cô.
Tiếp đến, cô đưa bàn tay phải bị bỏ rơi ở ngoài của mình lên, lẩm bẩm với nó: “Xin lỗi nha tay phải. Tay phải của A Diễn viết chữ rất đẹp, vì vậy Tả Ý phải nắm tay phải trước. Nhưng không sao, một lát nữa A Diễn sẽ làm ấm tay phải hen.”
Lệ Trạch Lương bật cười.
Thế là, hai người sánh vai cùng về nhà.
Không biết vì đi quá nhanh, hay vì nhiệt độ chợt tăng cao, hoặc là do cô quá khẩn trương, tóm lại bàn tay nắm chặt tay Lệ Trạch Lương của cô bắt đầu đổ mồ hôi. Cô muốn lấy ra lau nó đi, nhưng lại không dám.
Cô sợ chỉ cần mình khẽ động đậy, làm kinh động đến anh thì anh sẽ không cho cô nắm nữa.
Đó là lần đầu tiên họ nắm tay nhau, nếu không phải nhờ cô mặt dày mà nghĩ ra chủ ý này, không biết sẽ còn phải chờ đến ngày tháng năm nào. Từ lần đầu gặp nhau đến lần đầu nắm tay, họ dùng mất bảy năm.
Một lúc sau, anh hỏi: “Tay kia không cần à?”
“Sao?”
“Tay phải của em.”
“Cần!”
Thế là hai người lại đổi vị trí đứng, thay bằng một tay khác.
Suốt chặng đường Tả Ý cứ cười hi hi thích thú.
“Cười gì thế?” Anh hỏi.
“Đâu có, có nhặt được tiền đâu.” Tả Ý nín cười, bắt chước anh làm mặt nghiêm mà nói.
Thật ra, trong lòng cô đang suy nghĩ, hay là sau này đừng mua găng tay nữa.
[2]
Lệ Trạch Lương còn có một sở thích đó chính là xem bóng đá.
Cô rất khó tưởng tượng, một người hướng nội như anh sao lại có hứng thú với môn thể thao đó, dù biết rằng anh chưa bao giờ chơi.
Song anh cũng không phải rất cuồng nhiệt, chỉ là mỗi tuần thứ bảy đều sẽ dành ít thời gian để xem chương trình chuyển tiếp từ đài địa phương. Khi xem bóng đá, anh sẽ pha một tách trà rồi yên lặng ngồi theo dõi. Mỗi khi đến hồi gay cấn, hai tay sẽ siết chặt lại, sẽ đứng phắt dậy, rồi lại từ từ ngồi xuống.
“Họ đá qua đá lại mãi cũng không vào, chán thật. Biết bao nhiêu người mà chỉ giành có một quả bóng, chi bằng kêu trọng tài phát một lần nhiều quả.”
Anh lườm cô một cái.
Cô lập tức im miệng.
Chỉ mới được một lúc, cô lại bắt đầu không thể ngồi yên nữa.
“Chẳng lẽ lý do anh đến Đức, chỉ là để xem bóng?” Cô hỏi.