“Bà sao rồi ạ? Cháu vừa mới được cô Da cho biết tin là bà nội phải vào bệnh viện”.
“Khá hơn rồi. Bác sĩ nói là do bà nghỉ ngơi ít quá”.
“Bà nên nghỉ ngơi nhiều vào. Đừng căng thẳng suy nghĩ gì nhiều ạ”.
“Không suy nghĩ sao được khi chuyện xảy ra lớn đến như vậy?”. Giọng nói của bà run lên như người vẫn chưa chấp nhận được sự thật.
“Bà ơi, tên tuổi chỉ là cái vỏ bên ngoài thôi ạ. Có được rồi cũng mất đi thôi. Nếu cứ níu lấy nó thì chúng ta sẽ đau khổ”.
“Cháu không hiểu Pat ạ. Warakorn đã phấn đấu để có danh tiếng tốt đẹp hàng bao nhiêu đời nay, thế mà đến đời bà lại phải chịu bê bối, bị nhơ bẩn như vậy”.
“Nếu bà nói như thế thì cháu cũng không biết phải nói sao cả. Bà bảo cháu gọi về để nói chuyện này ạ?”.
“Không phải chỉ có chuyện này đâu. Cháu ở bên đó có lẽ đã biết tin về Pasakorn qua mạng rồi”.
“Cháu cũng biết sơ qua ạ”.
“Bà muốn cháu trở về Thái Lan. Bà quyết định sẽ giao chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty và số tài sản của bố cháu cho cháu thừa kế”. Bà lớn Nongkhran đề cập thẳng vào vấn đề. Các con cháu ngồi nghe trong phòng bệnh nhân ngoài Piyada ra, hết thảy đều giật mình nhưng không có ai dám ngăn cản.
“Cháu cảm ơn bà. Nhưng có lẽ cháu không thể nhận sự kỳ vọng của bà được đâu ạ. Cháu tự thấy mình không có đủ kiến thức và năng lực để tiếp quản. Hơn nữa cháu còn có công việc của cháu chứ ạ”.
“Thế còn tài sản thuộc quyền thừa kế của bố cháu thì sao?”.
“Tùy bà thôi ạ. Bà muốn trao cho ai hay tổ chức từ thiện nào cũng được ạ”.
“Cháu không định cân nhắc lại một chút hay sao?”.
“Không ạ. Chuyện này cháu đã suy nghĩ kỹ rồi ạ”.
“Có nghĩa là cháu sẽ không quay trở lại Thái Lan nữa đúng không?”.
“Có chứ ạ. Xương cốt của bố mẹ cháu vẫn ở Thái Lan nên thỉnh thoảng cháu sẽ quay trở về”.
“Cháu không nghĩ sẽ quay về thăm bà đúng không?”.
“Bà vẫn khỏe mà, những chuyện như thế này không làm gì được bà đâu ạ. Việc vào bệnh viện lần này cũng giống như việc truyền nước chơi chơi thôi. Rồi bà sẽ khỏe lại như cũ. Bà tin cháu đi ạ. Bà sẽ không sao đâu và sẽ không có gì xảy ra cả”.
Khi chuyện không được như ý muốn, bà lớn Nongkhran kìm nén cơn giận đang bắt đầu nổi lên, quyết định đổi chủ đề: “Con phóng viên gì đó có còn liên lạc với cháu hay không?”.
“Nếu bà muốn nói tới Pare thì cháu vẫn liên lạc với cô ấy ạ”.
Người bà nói giọng không hài lòng: “Mày toàn bênh vực cho nó thôi”.
“Cháu không bênh vực cho cô ấy mà nói đúng sự thật vì phần lớn là cháu gọi cho cô ấy”.
“Mày không phải khiêu khích bà, Pat ạ. Mày cũng biết là bà ghét con bé ấy thế mà vẫn qua lại với nó. Mày cũng biết là nó khiến cho thanh danh dòng họ chúng ta nhàu nhĩ như thế nào mà, đúng không?”.
“Pare chỉ làm những gì cần làm. Nếu cháu là cô ấy, cháu cũng sẽ làm như thế. Không biết chừng cháu còn làm nhiều hơn thế nữa. Em gái cô ấy bị chà đạp bở kẻ mất hết nhân tính, bà bắt cô ấy im lặng không làm gì thì quả là hơi quá đáng ạ”.
Bà lớn Nongkhran cứng họng, từ sâu thẳm trong tim, bà hiểu và thông cảm với Paremai, nhưng việc Patiya không hề kính nể, nói như tát nước vào mặt bà lại khiến bà không chấp nhận được, hơn nữa dù sao người vô nhân tính mà Patiya nói tới cũng là một thành viên mang họ Warakorn.
“Pat! Mày to gan thế nào mà dám nói tao như vậy?”. Khi tức giận, bà thường đổi giọng đanh thép.
“Cháu chỉ nói sự thật”.
“Mày coi người ngoài hơn tao đúng không?”.
“Pare không phải là người ngoài mà là vợ đã đính hôn của cháu. Cháu cũng chỉ nhìn nhận mọi việc theo sự thật khách quan. Cháu không cho phép ai miệt thị cô ấy cả”.
“Pat! Mày quá đáng lắm rồi đấy. Mày định thách thức tao hay sao mà lại đi đính hôn với con bé đó?”. Bà tức giận đến nỗi miệng và cổ run lên.
“Cháu không thách thức ai hết. Cuộc đời này là của cháu, cháu muốn đính hôn hay cưới ai là quyền của cháu và là chuyện riêng của cháu”.
“Mày… mày chưa bao giờ coi tao ra gì đúng không?”.
“Bà đừng nói thế, cháu nào dám. Nếu bà không có gì nữa thì cháu dừng máy đi làm việc đây ạ. Dù sao bà cũng giữ sức khỏe nhé”.
“Thằng Pat!”. Bà lớn Nongkhran hét lên nhưng bên kia đã cúp máy.
“Mẹ ơi, bình tĩnh đi kẻo huyết áp lại tăng cao đấy ạ”.
Pandon vừa từ tòa án đến, im lặng lắng nghe cuộc nói chuyện giữa bà lớn Nongkhran và Patiya được một lúc khá lâu bây giờ lên tiếng.
“Bây giờ con mới biết rằng mẹ đã quyết định dứt khoát trong việc giao chức chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Warakorn Group cho Pat đấy”.
“Mẹ đổi ý không trao quyền thừa kế hay bất kể thứ gì cho nó nữa vì nó dám cả gan đính hôn với con bé phóng viên ngạo mạn ấy mà không thèm hỏi ý kiến mẹ lấy một lời. Nó thật sự không còn coi mẹ ra gì nữa”.
Ngay khi bà nói xong, phần lớn người nghe trong phòng đều lén mỉm cười hả hê.
Paremai vừa cùng bà Nupmai về tới nhà sau khi xong nghi lễ hỏa thiêu Yaimai thì nhận được điện thoại của Patiya.
“Anh à”.
“Lễ tang đã xong xuôi rồi chứ?”.
“Xong cả rồi. Cảm ơn anh. Thế anh thì sao, quay phim đến đâu rồi?”.
“Sắp xong rồi. Có thể xong trước thời hạn. Em đã giải quyết xong công việc của mình chưa?”.
Paremai bật cười, trả lời: “Mới được gần hai tháng thôi mà. Anh cho em thời gian ba tháng cơ mà?”.
Trước khi lên đường sang Ma-rốc, Patiya đề nghị cô phải giải quyết xong công việc ở Thái Lan trong vòng ba tháng rồi xin nghỉ để sang Mỹ sống với anh. Paremai ra điều kiện là cô phải thuyết phục được bà Nupmai cùng sang Mỹ và để bà thích nghi được với môi trường mới thì mới làm đám cưới với Patiya.
“Nếu giải quyết xong sớm cũng không sao, còn tốt nữa là khác”.
“Em chỉ sang đó khi đã thuyết phục được mẹ đi cùng, chúng ta đã thống nhất rồi còn gì”.
“Thế này thì hơn. Anh đã đổi ý rồi. Nếu thời gian đầu mẹ vợ tương lai của anh vẫn chưa muốn sang nghỉ hè để thay đổi không khí, thì em cứ sang một mình trước. Đến khi nào chúng ta làm đám cưới và có con rồi thì ắt mẹ sẽ sang thôi”.
Paremai đỏ bừng mặt, không trả lời anh.
“Pare!”. Giọng nói dịu dàng từ đầu dây bên kia.
“Chuyện gì ạ?”.
“Em có nhận lời với anh là sẽ giải quyết công việc trong vòng ba tháng được không?”. Ý của Patiya là Paremai phải chuyển sang sống với anh ở Mỹ ngay khi giải quyết xong công việc.
“Để em nói chuyện với mẹ trước có được không ạ?”.
“Em nên nói sơ qua với bà trước, kẻo đến lúc nói rằng sẽ chuyển sang Mỹ bà sẽ khó lòng chấp nhận được”.
“Anh không phải lo đâu. Em biết phải nói thế nào với mẹ mà”.
“Đồng ý. Anh không giục em nữa. Nhưng nếu giải quyết công việc xong xuôi rồi hãy nói cho anh biết nhé để anh chuẩn bị vé máy bay về đón em sang”.
“Vâng. À anh Pat này”.
“Gì vậy?”.
“Cảm ơn anh, đã vì em mà hủy hợp đồng đóng phim khiêu dâm. Em đã đọc được tin ở bên này rồi. Em rất vui khi anh không lôi em vào cùng”.
“Thì anh không nói nhưng báo chí chắc sẽ sớm biết thôi vì sớm muộn gì cũng phải họp báo để giới thiệu em một cách chính thức mà”.
“Khoan hãy họp báo được không ạ? Anh hãy đợi đến khi chúng ta ấn định ngày cưới rồi hẵng công bố”.
“Đồng ý. Pare muốn thế nào thì anh sẽ làm theo như thế”.
Paremai nói tiếp: “Em được tin bà anh vào viện. Tình trạng của bà sao rồi? Anh đã điện thoại về hỏi thăm bà chưa?”.
“Tuần trước anh vừa nói chuyện với bà xong. Thấy bà bảo hôm nay sẽ ra viện. Thế còn vụ án diễn biến tới đâu rồi?”.
“Tòa án vẫn đang trong giai đoạn thẩm vấn nhân chứng ạ. Nhưng em nghĩ rằng vụ này chắc không có gì thay đổi. Pasakorn tự làm mọi việc trong khi hoàn toàn làm chủ được ý thức nên nếu viện cớ là bị bệnh tâm thần, xin giảm nhẹ tội thì không chấp nhận được”.
“Cũng tốt. Mọi chuyện sẽ nhanh chóng được khép lại”.
“Khi sự việc đã như vậy rồi, bà nội anh vẫn có ý định giao chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty Warakorn Group cho Pasakorn ạ?”.
“Anh cũng không biết nữa. Tuần trước bà bảo anh về Thái Lan để ký nhận quyền thừa kế tài sản của bố anh và chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty nhưng anh từ chối. Vì thế bây giờ anh không biết bà giải quyết ra sao hay trao cho ai nữa”.
“Anh quá cứng nhắc Pat ạ. Bao giờ anh mới thay đổi quan điểm để làm lành với bà đây?”.
“Anh cho rằng chúng ta đừng nhắc đến nó nữa thì hơn. Nói ra lại giống như chèo thuyền trong ao thôi. Nói chuyện của chúng ta đi. Pare có nhớ anh không?”.
“Cậu Pat gọi đến à?”. Bà Nupmai hỏi ngay khi con gái vừa cúp máy rồi bước tới ngồi xuống ghế sa lông bên cạnh mình.
“Vâng ạ”.
Thấy con gái tỏ ra bồn chồn, bà Nupmai hỏi tiếp: “Có chuyện gì vậy?”.
“Anh Pat vẫn chưa chịu làm hòa với bà lớn Nongkhran ạ. Con đã cố gắng nói để anh ấy thay đổi quan điểm, nhưng anh ấy không chịu. Con nghĩ rằng người già thích con cháu cảm thông với mình. Nếu anh Pat chịu nhường nhịn một chút biết đâu bà anh ấy sẽ thay đổi quan điểm với anh ấy”.
“Con nói vậy có nghĩa là con không còn để bụng chấp nhặt những chuyện trước kia với bà lớn Nongkhran nữa đúng không?”.
“Thì con làm theo lời mẹ dạy mà, chuyện nào ra chuyện đấy chứ ạ. Trường hợp của Mai, người làm là Pasakorn, còn bà lớn có thể đã từng gây khó dễ cho con nhưng con hiểu lòng bà ấy”.
“Con của mẹ lớn nhiều rồi”.
“Con là con gái mẹ cơ mà”. Paremai lao vào ôm ghì lấy mẹ.
Bà Nupmai ôm chặt con gái vào lòng, hỏi: “Thế còn chuyện cậu Pat muốn con sang sống ở Mỹ thì sao?”.
“Mẹ nghĩ sao ạ?”.
“Nếu mẹ trả lời không thì sao?”.
“Con sẽ không đi”.
Bà Nupmai sửng sốt.
Paremai nói tiếp: “Con đã quyết rồi. Con chỉ đi khi có mẹ đi cùng mà thôi. Nhà chỉ còn có hai mẹ con, mẹ ở đâu thì con ở đấy, không thì làm sao con yên tâm được”.
“Cảm ơn con”. Bà Nupmai ôm chặt con gái vào иgự¢, xúc động nói: “Con là đứa con ngoan. Nhưng mẹ muốn con thử sang sống ở bên đó trước. Nếu con thấy ổn thì mẹ sẽ chuyển sang sau có được không?”.
“Có nghĩa là mẹ sẽ không đi cùng với con ạ?”.
“Mẹ sẽ sang nhưng không phải lúc này”.
“Tại sao ạ?”.
“Mẹ phải giải quyết việc bán ngôi nhà này xong xuôi đã”.
“Chúng ta giữ lại cũng được mà mẹ”.
Bà Nupmai lắc đầu: “Giữ lại mà không ở nó sẽ cũ và hư hỏng theo thời gian. Bán đi là tốt nhất, ít nhất con cũng có một chút vốn liếng khi sang Mỹ”.
Paremai lao vào ôm ghì lấy mẹ: “Con không cần tiền. Con có thể tự nuôi sống bản thân và nuôi mẹ được mà không phải bán nhà”.
“Sao con lại nói như vậy? Ngôi nhà này lưu giữ những kỷ niệm không đáng nhớ đối với mẹ. Mẹ không muốn giữ lại nó nữa. Nếu sau này chúng ta quay lại thì có thể tìm mua một ngôi nhà mới cũng được”.
“Vậy chúng ta bán nó mẹ nhé. Nhưng con không nhận số tiền này đâu, mẹ cứ giữ lấy. Con có công việc mà, nếu không con sẽ mượn của anh Pat”.
Bà Nupmai gí ngón trỏ vào trán con gái: “Đừng tưởng được cậu ấy yêu chiều thì muốn sao cũng được đâu nhé. Đàn ông họ sẽ chán đấy”.
Paremai tròn mắt nhưng hai gò má đỏ ửng: “Ai nói là anh ấy rất yêu chiều con ạ?”.
“Mẹ nghĩ mẹ không nhìn nhầm người đâu. Kiểu đàn ông Mỹ như cậu Pat rất quý trọng cuộc sống độc thân và thái độ tự chủ. Nhưng cậu ấy lại cầu hôn con và muốn con sang Mỹ với cậu ấy, hơn nữa lại còn tin tưởng trao chiếc nhẫn của mẹ cậu ấy cho con nữa. Nếu không phải vì rất yêu thì là gì?”.
Paremai ngả người nằm dài ra ghế, đầu gối lên lòng mẹ trong khi giơ tay đeo nhẫn lên trước mặt: “Đúng vậy ạ. Anh Pat rất tin con”.
Bà Nupmai cần lấy tay con gái giơ lên gần mặt để xem xét: “Viên kim cương này đẹp quá, có vẻ nặng đấy”.
“Đúng. Nếu làm mất thì ૮ɦếƭ, nhất là thời buổi này trộm cắp nhiều như rươi”.
“Con phải giữ gìn cẩn thận, nếu không cần thiết thì cũng đừng đeo để người khác nảy sinh lòng tham”.
“Con sẽ cố gắng làm như vậy”.
Bà Nupmai gật đầu, đổi chủ đề: “Thế chuyện sang Mỹ con quyết định thế nào?”.
“Mẹ quyết định sao đã ạ?”. Paremai nghiêng người nhìn vào mắt mẹ.
“Con cứ sang trước. Mẹ ở lại để giải quyết việc bán nhà đã. Xong rồi mẹ sẽ sang sau”.
“Trời. Để con ở một mình với anh Pat, mẹ không sợ anh ấy ăn thịt mất con à?”.
Bà Nupmai gí ngón tay trỏ vào trán con gái: “Đừng có vạch áo cho người xem lưng. Dù sao mẹ cũng từng trải hơn con đấy nhé. Không phải cứ giả vờ thành thật mà tưởng mẹ không biết gì đâu?”.
Paremai rời khỏi tòa án sau khi xong việc cung cấp lời khai theo lệnh triệu tập của tòa, cô sững lại khi thấy đội trưởng Tula đợi mình ở bên dưới.
“Lâu lắm rồi không gặp Pare. Em có khỏe không?”.
“Vâng. Dạo này em cũng hơi bận ạ. Em sắp thôi việc nên phải nhanh chóng giải quyết cho xong những công việc còn tồn đọng. Đơn xin thôi việc sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này ạ”.
“Thôi việc? Tại sao lại thôi việc? Hay là có công việc mới tốt hơn?”.
Paremai lắc đầu. Hai người sánh đôi tới bãi đỗ xe. Cô nói tiếp: “Em cũng chưa biết có tìm được công việc mới hay không, nhưng em xin thôi việc để chuyển sang Mỹ ạ”.
“Chuyển sang Mỹ?”. Chàng đội trưởng nhắc lại câu nói của cô một cách khó khăn. Hôm nay anh có cảm giác không khác gì một con vẹt, con khướu nói theo Paremai: “Chuyển sang bên ấy làm gì? Thế mẹ em có đi cùng không?”.
“Có ạ. Nhưng mẹ sẽ sang sau. Thực ra em cũng muốn hẹn đội trưởng đi ăn để cảm ơn anh đã giúp đỡ em trong suốt thời gian qua. Hôm nay anh có thời gian đi ăn với em không ạ? Coi như là bữa chia tay luôn vì em sẽ lên đường vào đầu tháng tới. Bây giờ visa cũng xong cả rồi”.
“Được. Mà tại sao em lại chuyển sang Mỹ vậy?”.
“Em và anh Pat đã đính hôn. Em sang Mỹ để chuẩn bị làm đám cưới”.
Tula thực sự bị bất ngờ. Anh liếc mắt nhìn ngón tay đeo nhẫn của Paremai. Ngay khi nhìn thấy chiếc nhẫn kim cương, anh như hóa đá.
Paremai nói tiếp: “Để em điện thoại cho cả anh Sila nữa. Nhiều người sẽ vui hơn. Nhân dịp này em chia tay với mọi người luôn”.
Tula không nghe thấy cô nói gì. Anh sắp xếp ý nghĩ rồi hỏi: “Pare đính hôn với anh Patiya từ bao giờ?”.
“Hai tháng rồi ạ. Anh Pat đính hôn với em trước khi anh ấy lên đường đi Ma-rốc”.
“Lạy Phật! Anh còn không hề biết một chút gì về việc Patiya theo đuổi em. Không, phải nói đúng hơn là anh không hề biết rằng Pare thích anh Patiya. Pare và anh Patiya thích nhau từ khi nào? Tại sao anh không biết?”. Tula hỏi đi hỏi lại như chiếc đĩa CD đang chạy bị vấp, giọng nói của anh khàn đặc, cổ họng khô rát. Anh cảm thấy chóng mặt như vừa bị hạ nốc ao.
Người bị hỏi đỏ bừng mặt, trả lời: “Em cũng không biết trả lời anh sao ạ. Đây thực sự là chuyện rất khó để nói hoặc giải thích cho người khác. Một phút trước ta còn ghét người đó đến tận xương tủy, nhưng một phút sau đó lại cảm thấy rất kỳ lạ khi ở cạnh người ấy”.
“Em đã cân nhắc kỹ rồi sao? Em đừng quên anh ấy là diễn viên phim khiêu dâm đấy. Anh ấy không phù hợp với em một chút nào cả”.
“Em không quan tâm đến quá khứ, mặc dù đôi khi cũng cảm thấy hơi phân vân. Nhưng hiện nay anh ấy đã hủy bỏ hợp đồng đang đóng phim khiêu dâm với công ty thuê mình được hai, ba tháng nay rồi ạ”.
“Từ bỏ vì em à?”.
“Vâng. Anh ấy chịu mất rất nhiều tiền phạt vì em”.
“Cho dù là như vậy đi nữa, nếu là anh, anh cũng sẽ thấy phân vân khi phải chung sống với người trong quá khứ đã từng quan hệ với không biết bao nhiêu người. Có khi lại truyền đủ các bệnh cho ta cũng nên”.
“Cảm ơn anh đã lo cho em. Nhưng trước đây mỗi lần đóng phim, anh ấy đều biết tự bảo vệ mình. Em không muốn nói đến những gì đã qua nữa. Em cũng đã suy nghĩ cân nhắc mọi lẽ khi nhận lời cầu hôn của anh ấy. Hơn nữa mẹ em cũng không phản đối chuyện này khi anh ấy xin phép mẹ”.
Tula nuốt cục tức vào cổ, cố gắng quen với giọng nói thể hiện rõ tình yêu thương và tôn trọng đó.
Lạy Phật! Sự việc xảy ra từ bao giờ? Patiya cuỗm mất miếng cá thơm của anh từ bao giờ?
“Anh quá chậm phải không nên không kịp với Patiya?”.
“Không phải như thế đâu ạ. Nhưng đây là chuyện duyên số mà. Em không muốn đội trưởng hiểu lầm anh Pat”. Paremai nhẹ nhàng đáp lại.
“Em không định nghĩ lại một lần nữa hay sao? Anh ấy và em quá khác biệt nhau. Hãy cho anh cơ hội để chứng tỏ mình đi! Anh xin hứa sẽ chăm sóc Pare và mẹ tốt nhất có thể”.
“Cảm ơn ý tốt của anh. Nhưng thực sự là em không thể. Em tin rằng anh ấy yêu em không ít hơn em yêu anh ấy. Đội trưởng đi ăn cơm với em nhé! Cho em được cảm ơn đội trưởng vì những tình cảm tốt đẹp mà đội trưởng đã dành cho em bấy lâu nay. Suốt cuộc đời này em sẽ không quên mình có một người anh trai vô cùng tốt như đội trưởng”.
“Vì anh nói lời yêu em quá muộn phải không?”.
“Không phải là chuyện nhanh hay chậm đâu ạ. Cho dù đội trưởng có nói lời yêu với em trước anh ấy, thì câu trả lời vẫn là không, bởi em chỉ coi đội trưởng như một người anh trai mà thôi. Vì thế anh hãy coi em như một người em gái nhé. Em tin rằng đội trưởng sẽ gặp được người vừa ý. Tới lúc đó đừng quên báo tin cho cô em gái này biết nhé. Em sẽ tới chia vui với đội trưởng”.