Làm Dâu Xứ Nhật - Chương 60

Tác giả: Thanh Phương Japan

Một ngày An nhận được cuộc điện thoại mà An không bao giờ ngờ đến, đó cũng là cuộc điện thoại mở cánh cửa cho An bước vào con đường hạnh phúc.
Thấy điện thoại rung, An bấm máy nghe, ban đầu An cứ tưởng là chị Mai hay chị Nga.
– Xin chào. Đây có phải là số điện thoại của Mi-an không nhỉ?…
– Vâng, cháu là Mi-an. Có phải ông là ông nội của Jun không ạ. Cháu nhận ra giọng của ông.
– Đúng rồi, ông đây. Nghe Jun nói mắt của cháu đang hồi phục, ông chúc mừng cháu.
– Vâng ạ. Bác sĩ bảo cháu là tình trạng rất khả quan. Gần đây ông vẫn khoẻ chứ ạ?
– Ông cũng tạm ổn. Jun hôm qua về thăm ông nên ông lấy được số điện thoại của cháu. Ông nhớ mấy đứa trẻ quá, chắc giờ chuẩn bị biết ngồi rồi nhỉ? Ông đã hỏi Jun về chuyện của con. Nếu con không ở với gia đình Saito nữa thì về làm cháu dâu ông đi, ông sẽ đứng ra vun vén cho 2 đứa. Sống đến tuổi này, ông nhìn không nhầm đâu. Lần đầu tiên ông thấy Jun nó yêu một cô gái nhiều như vậy, ông cũng thấy con có tình cảm với Jun. Kệ người đời nói gì, 2 đứa yêu nhau thì bỏ qua quá khứ rồi đến với nhau đi, từ giờ chắc phải còn hơn 70 năm cuộc đời sống với nhau. 1 năm với người chồng đầu không thấm vào đâu cả.
– Vâng ạ. Bê-tô và Na-mư ngồi vào ghế hơi được rồi ạ. Sang tháng bắt đầu ăn dặm, bây giờ cứng cáp lắm, cháu bế thấy nặng tay lắm rồi. Chuyện của cháu và Jun thì hiện tại cháu cũng chưa dám nghĩ gì nhiều. Một đời chồng và dắt theo 2 đứa con nhỏ bước chân vào gia tộc Abe thì sẽ là điều làm cho rất nhiều người bàn tán, có lẽ bố mẹ Jun và họ hàng cũng có thể sẽ phản đối ông ạ.
– Chỉ cần cháu nói một câu là cháu có muốn ở cùng Jun không? Những chuyện còn lại ông sẽ lo cho 2 đứa. Còn thiên hạ nói gì thì kệ người ta đi con, miệng gần tai ai người đó nghe, họ nói thì họ có sống hộ mình giây phút nào đâu. Nói chung là con không phải lo gì, có ông ở đây rồi.
– Ông để cho cháu thời gian xử lý xong mọi thủ tục với Ryo rồi tính tiếp ông nhé. Cháu có cảm giác ông giống hệt như ông nội đã mất của cháu. Ông đã từng luôn nói: “ Không phải lo gì, có ông ở đây rồi”.
– Người ta bảo đấy là có duyên. Có duyên thì trong mấy tỉ người ông cháu mình mới gặp nhau. Con không phải lăn tăn gì về 2 đứa trẻ cả, nếu chúng nó đi theo mẹ thì gia đình Abe nhà ta quá hời rồi, cưới vợ cho cháu lại lãi được hẳn 2 cục vàng.
– Vâng, cháu cám ơn ông. Mắt khỏi cháu sẽ dẫn bọn trẻ về thăm ông.
– Không cần, không cần. Mấy hôm nữa ông về Tokyo rồi, ông sẽ qua thăm cháu trước.
– Vâng vâng, chắc mấy hôm tới cháu chưa ra viện được, ông bảo Jun dẫn ông tới bệnh viện rồi cháu nhờ người cho 2 đứa trẻ vào viện chơi với ông luôn ạ.
– Ừ, thế nhé, mấy hôm nữa ông lên. Nghỉ ngơi cho mau khỏi nhé.
– Vâng ạ.
Có lẽ Jun biết ông nội là trưởng bối có tiếng nói nhất trong gia đình nên Jun đã có tác động lên ông nội để ông mở sẵn đường cho An. Tính Jun là thế, làm gì cũng thật chu đáo và cẩn thận, cái cảm giác ở bên cạnh người đàn ông như thế thật an toàn, mưa giông bão tố cũng không phải lo nghĩ gì. Bất giác An nở một nụ cười tươi trên môi, trái tim như có ngàn nụ hoa đang hé nở.
Chị Mai và chị Nga đã chuyển sang nhà ông bà ngoại Ryo sống với Bê-tô và Na-mư nên chuyện của Ryo- Anna – Ryota thì mấy chị em đều hoàn toàn không có tin tức gì. Theo lời chị Mai thì Ryo phờ phạc như cái xác không hồn. Áp lực công việc của Ryo trong giai đoạn này vô cùng lớn, bong bóng kinh tế tại Nhật cũng vỡ theo do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính lan ra từ Mỹ. Tập đoàn N có hệ thống khách sạn, bất động sản rất mạnh ở Nhật và có chi nhánh tại nhiều nước trên thế giới nên bị ảnh hưởng nặng nề.
Khách sạn của tập đoàn N đa phần kinh doanh khách sạn 5 sao cao cấp. Khi kinh tế khó khăn, tất cả các công ty và người dân thắt chặt hầu bao nên tỉ lệ phủ kín phòng của tập đoàn N trượt dốc không phanh. Chi phí nuôi hệ thống nhân viên và các khoản phí khác quá lớn, lãi suất ngân hàng tăng… Tất cả ập đến như sóng thần làm cho Ryo và các đầu não của tập đoàn N trở tay không kịp, tài chính dự trữ cũng mòn dần.
Ở Việt Nam, tập đoàn Hoàng An cũng bị ảnh hưởng của khủng hoảng nhưng không quá nhiều vì Hoàng An kinh doanh chủ yếu ở phân khúc khách sạn 3-4 sao. Sau khi mẹ Hiền sinh các em, bố Bình quá tải công việc và việc nhà nên quyết định bán bớt các dự án bất động sản lớn. Số bố Bình rất may là lúc bố Bình bán thì bất động sản vẫn cao, bán dễ. Mẹ Hiền làm tài chính và ngân hàng lâu, nên có kinh nghiệm, khuyên bố Bình quy hết tiền sang tích trữ vàng. Lúc khủng hoảng kinh tế, người người nhà nhà tìm chỗ chú ẩn an toàn trong vàng nên ai cũng đổ xô đi mua vàng vì sợ tiền đồng trượt giá. Lúc đó giá vàng ở VN lên cao bất thường, cao hơn giá vàng thế giới nhiều. Trong giai đoạn tài chính biến động như vậy, mẹ Hiền thuê mấy bảo mẫu chăm các em, lúc đó các em cũng bắt đầu tập đứng, cứng cáp và khoẻ mạnh lắm, ăn ngoan ngủ tốt.
Người ta nói “ thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” là câu nói siêu chuẩn khi đối chiếu vào bố mẹ của An. Thỉnh thoảng bố mẹ có gọi điện sang hỏi thăm An và buôn nhiều chuyện nhưng chi tiết những pha làm ăn đình đám của bố mẹ thì An lại được nghe chị Mai kể, An nghe mà cứ như nghe chương trình doanh nhân thành đạt ý. Thỉnh thoảng An lại tủm tỉm cười, mình có bố mẹ thật giỏi.
Lúc vàng lên cao nhất, bố Bình mẹ Hiền quyết định bán toàn bộ vàng dự trữ ra và mua lại rất nhiều dự án bất động sản đang trong tình trạng thoi thóp, chủ đầu tư trên bờ vực phá sản nên giá rất rẻ. Chị Nga bảo bố mẹ An làm ăn gặp thời còn chị Mai thì bảo là làm ăn thành công chính còn do cái đầu thông minh, con mắt nhạy bén biết chớp thời cơ.
Các bạn có tin cách đây 10 năm, bố Bình mẹ Hiền và mấy người bạn có tiền đã góp tiền mua đất vùng ven của Osaka và Tokyo Nhật, sau này khi suy thoái đi qua, những khu đất này ở Nhật tăng giá nhiều thì mọi người quyết định bán lại cho những chủ đầu tư đến từ Trung Quốc và thu lợi không nhỏ, sau này An cũng là một thành viên trong “ phi đội lướt đất” chứ không còn lướt vàng và đô nữa.
Ngày An nhận được kết quả kiểm tra mắt, bác sĩ kết luận mắt An đã phục hồi 50% cũng là ngày An và Ryo kí vào giấy li hôn nộp ra toà. An thấy chút thương cảm khi gặp Ryo, An nhìn được không quá rõ nhưng An nghe được giọng nói của Ryo quá mệt mỏi và có đôi lần lấy tay che miệng để ngáp. Đứng trên đỉnh cao danh vọng đâu đã phải là an toàn, đứng càng cao thì những chuyện phải đứng mũi chịu sào càng nhiều. Áp lực tài chính, lãi vay ngân hàng, đáo hạn ngân hàng, kỳ trả lương nhân viên là những lưỡi dao đâm rỉ máu tinh thần, thể xác của những người lãnh đạo doanh nghiệp khi kinh doanh không thuận lợi. Những lúc đó họ có muốn lùi cũng không còn đường lùi. Bây giờ Ryo đang rơi vào tình cảnh đó.
Đón An ra viện là bố Bình, mẹ Hiền, 2 chị và Jun. Lúc về tới nhà mới, An ngạc nhiên thấy quá nhiều trẻ con, từ xa An đã kịp đếm có 5 đứa trẻ đang túm tụm chơi đồ chơi. Ngoài Bê-tô và Na-mư ra thì 3 đứa nhỏ kia chính là em ruột An. 2 anh chàng hơn 1 tuổi mặc rất manly và 1 cô bé mắt tròn xoe, trắng như trứng gà bóc, đây đúng là một tiểu thiên thần, lấy hết những nét đẹp của bố mẹ rồi đem vẽ lên khuôn mặt trắng nõn kia. An chợt thấy thèm một đứa con gái ghê gớm.
Nhà mới của An được bố Bình mua cho, một lô góc ở khu gần nhà ông bà ngoại Ryo, ngay trước nhà là dòng sông nhỏ, nước trong vắt, quanh nhà trồng nhiều hoa hồng và đặc biệt là có nhiều cây hoa anh đào không to lắm nhưng có vẻ như mới được trồng về đây.
– ( Bố Bình) Cách đây mấy tháng tháng, bố sang Nhật cùng mấy người bạn đi mua bất động sản thì ông nội Jun có hẹn gặp bố. Gia đình Abe tiếp đón bố rất nhiệt tình. Lúc đó họ cũng có ý muốn con về sống cùng nếu sau này con và Jun tiến xa hơn. Trước khi sang đây, bố suy đi tính lại nhiều lần và nghĩ là nếu các con có lấy nhau thì ở riêng sẽ tốt nhất, dễ bề chăm sóc 2 đứa nhỏ và các chị con cũng ở gần để tiện đỡ đần con. Mắt con và trí nhớ chưa phục hồi hoàn toàn nên bố vẫn lo
– ( An) Chuyện này bố có đề cập với bên gia đình Jun hôm gặp mặt không ạ?
– ( Bố Bình) Ban đầu bố định không nói vì dù sao cũng là lần đầu gặp. Nhưng ông nội Jun tính toán rất chu toàn, ông đề cập luôn đến chuyện cho các con ở riêng. Tranh thủ cơ hội đó bố nói là sẽ mua cho con một ngôi nhà riêng giống mơ ước của con, khi ra viện thì con về đây sống luôn, chuyện cưới xin thì cứ để các con tự tính toán.
– ( An) Bố cho người trồng một loạt cây boa anh đào quanh nhà đúng không ạ?
– ( Bố Bình) Không. Bố ở đây ít ngày quá, không kịp đi xem nhà để mua cho con, bố giao cho Mai. Trong buổi gặp mặt với gia đình Abe, ông nội Jun có đề xuất là mua căn nhà to to để sau này nếu 2 đứa lấy nhau, ông sẽ muốn về ở cùng, ông muốn mua nhà tặng cho 2 đứa. Bố thì chưa biết khi nào các con muốn kết hôn nhưng khi con ra viện phải có ngôi nhà thật tốt cho con và các cháu nên bố từ chối, bố vẫn quyết định là gia đình ta tự mua. Nếu sau này con và Jun lấy nhau thì số tiền ông nội Jun muốn mua nhà cho 2 con thì coi như cho các con lấy vốn làm ăn, ngôi nhà này là nhà chung của 2 gia đình, ông vào ở cũng tiện, bố mẹ từ Việt Nam sang chơi hay sang công tác thì ở lại mấy ngày cũng không vấn đề gì. Mai gọi về báo bố là đích thân ông nội và bố mẹ Jun dẫn Mai, Nga và Jun đi chọn nhà. Xem nhiều lắm rồi mới ưng ngôi nhà này. Ông nội cũng là người chỉ đạo trồng cây hoa anh đào quanh nhà, trồng cây khoẻ khoắn, nhỏ chút thôi nhưng sang tháng 4 là nở được hoa luôn. Ông bảo với Mai là : “ Mi-an chắc chắn sẽ thích ngôi nhà này”. Nội thất trong nhà thì Jun tự lên phương án cải tạo và chỉ đạo hết đấy.
– ( An) Sao những chuyện này chẳng ai nói gì với con. Chị Nga hay vào viện với con hơn, chị Mai thì cứ bận rộn, bí ẩn kiểu gì ấy, hoá ra là chuyện nhà cửa này.
– ( Bố Bình) Mọi người thống nhất là giữ bí mật tuyệt đối, đây là món quà cho con lúc con ra viện.
Trong lúc mọi người quây quần trong phòng khách thì Jun nắm tay An dẫn đi khắp nhà. Bây giờ An mới hiểu, trong những câu chuyện không đầu không cuối mỗi lần Jun đến bệnh viện thăm An đều hỏi An về những thứ An thích, những mơ ước của An, cả những thứ An ghét…Song song đó Jun cũng kể cho An nghe những thứ Jun yêu, Jun ghét. Thỉnh thoảng An hỏi Jun là anh hỏi em cứ như phỏng vấn để viết báo ấy thì Jun trả lời siêu dễ thương:
– Anh kể cho em nghe mọi thứ của anh để nhỡ 1 ngày anh già, anh lẩm cẩm, mất trí nhớ thì em sẽ nhắc anh nhớ lại. Và ngược lại anh sẽ giúp em.
Thấm thoát từ mùa hoa anh đào năm ngoái ở nhà ông nội Kyoto, An đứng dưới cây hoa anh đào, giơ tay ra bắt lấy những cánh hoa may mắn và giờ đã tròn 1 năm. Năm nay hoa anh đào lại nở, xua tan cái lạnh giá của mùa đông, mang cái nắng ấm của mùa xuân may mắn và An đứng trong vườn ngắm hoa anh đào trong vòng tay ấm áp của Jun.
Jun ôm An từ phía sau rồi thì thầm vào tai An:
– Mùa thu năm nay, khi lá phong chuyển thành màu đỏ, hàng cây bạch quả chuyển lá vàng, chúng ta cưới nhau đi. Anh sẽ cho em một đám cưới lãng mạn nhất như em từng mong ước.
– Vâng, em đồng ý.
???? Cuộc sống của An tại Nhật sau 2 năm ra trường đầy bão tố mây đen nhưng sau đó lại mở ra những ngày đầy nắng ấm nhưng cũng có cả mưa giông
Phần 1 truyện “ Làm dâu xứ Nhật” Phương xin phép dừng ở đây.
Câu chuyện về cuộc đời của An, chị Mai và chị Nga khi “ Làm dâu xứ Nhật” 10 năm có rất nhiều nội dung để viết, hấp dẫn và cũng rất thực tế. Phương hẹn các bạn một thời gian nữa khi có nhiều thời gian hơn, Phương sẽ chú tâm viết Phần 2 thật hay cho các bạn đọc nhé.
Sau này Ryo- Anna và gia đình Ryo, gia đình Jun cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của An và Jun nhiều lắm. Chị Nga và chị Mai cũng bước bước chân vào và bước chân ra khỏi vòng xoáy cuộc đời rất nhiều lần. Từ góc độ của Phương nhìn vào thì cả An, chị Mai và chị Nga đều là những người phụ nữ thông minh, mạnh mẽ và suy nghĩ rất sâu sắc.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc