Đời nhà Minh truyền đến vua Sùng Trinh thứ mười tám bị Lý Tự Thành dấy quân làm phản soán nước. Ngô Tam Quế thấy thế lực quân Mãn Châu mạnh như vũ bão, mở cửa quan đầu hàng. Vua Thế Tổ nhà Thanh đem binh vượt Vạn Lý Trường Thành xâm chiếm Trung Quốc lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Trị, cải quốc hiệu là Đại Thanh.
Truyền đến đời Cao Tông niên hiệu Càn Long vừa đúng bốn đời vua.
Tới đây nhà Thanh ở trong thời toàn thịnh. Người Mãn được quan cao chức trọng, dân Hán bị đè nén bạc đãi.
Vua Càn Long rất thông minh, văn hay chữ tốt và cũng là vị Hoàng đế võ nghệ cao cường, chánh trị giỏi. Bởi vậy Càn Long đặc cách dùng cả người Hán có tài.
Luật pháp Thanh triều bắt dân Hán phải dóc tóc quấn bím như người Mãn, những ai quật cường không theo tục lệ Mãn châu đều bị trừng phạt nặng nề.
Với đường lối chánh trị canh tân mềm dẻo ấy, Càn Long có ý san phẳng sự hiềm thù giữa dân tộc cai trị và bị trị, sửa lại một phần nào lỗi lầm của các vì Tiên đế.
Bất mãn từ lâu, người Hán vẫn không vì thế mà chẳng quật cường.
Trừ những nơi đô thành, thị trấn người qua kẻ lại, buôn bán tập nập có vẻ thái bình thịnh trị, nhưng thiệt ra, một khi rời khỏi các nơi ấy, cường đạo như rươi chiếm cứ lập sơn trại tại nhiều nơi sơn cốc, ςướק bóc đòi tiền mãi lộ khách qua đường, sống ngoài vong cương tỏa của luật pháp triều đình.
Những người lý trí vững vàng hơn thì đều bỏ văn học võ, trao dồi sức khỏe những mong sau này làm cách mạng xua đuổi người Mãn ra ngoài biên cương. Các hội kín và giáo đạo cùng mọc lên như nấm. Đáng kể nhất có Bạch Liên giáo hoạt động dưới quyền của thủ lãnh Lưu Chí Hiệp. Rồi đến Thiên Địa hội, Bát Quái giáo và Nghĩa Hòa đoàn hoạt động với mục đích “Phản Thanh” dưới quyền Lý Văn Thành ở Hoạt huyện thuộc Hà Nam, Lâm Thanh ở Đại Hưng, Kinh Triệu.
Giáo phái chia ra nhiều chi nhánh rải rác khắp nơi như Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, An Huy...
Vua Thanh xuống chỉ tìm bắt, khám xét từng nhà trong các châu huyện khiến nhân dân kinh hãi, Bọn quan tham lại nhân dịp ᴆục nước béo cò, nhiều bãi làm tan nát cửa nhà dân chúng, kể không sao hết.
Về võ nghệ, phái nọ môn kia cũng khá nhiều. Nhưng tựu trung thời ấy vẫn còn mấy phái chánh mà cả người Hán lẫn người Mãn đều tôn trọng như Tổ phái. Đó là Nga Mi sơn ở Tứ xuyên, Côn Luân sơn ở Thanh hải, Không Động sơn ở Cam Túc... Võ Đang sơn ở ranh giới Giang Tây Hồ Nam, Tung Sơn Thiếu Lâm tự Nam phái ở Tuyền châu thuộc Phúc Kiến, Thái Sơn Thiếu Lâm Bắc phái ở Mã Dương cương thuộc Sơn Đông (người Bắc thường gọi tắt là Sơn Đông phái) và Bạch Hạc sơn ở Vân Nam.
Ngoại trừ các môn tập luyện về võ khí, quyền cước vẫn là căn bản của công phu luyện nội - ngoại công nên các võ thuật gia siêu đẳng thường gọi tổng quát bằng câu Nam quyền, Bắc cước. Nghĩa là: người Nam có ngọn quyền dũng mãnh trấn áp Nam Sơn, người Bắc có ngọn cước phi thường đả giao long Bắc hải. Rừng văn biển võ, võ luyện văn ôn, thiệt là cả một công phu khổ luyện rất dày. Con người phải kiên tâm nhẫn nại, bản ngã đức độ thêm vào đó còn cần gặp sư phụ chân truyền và vấn đề thời gian mới mong đạt mức tuyệt đích.
Nhưng rất nhiều người tập luyện dang dở, mới biết qua loa dăm ba thế võ đã kinh bạc, áp bức kẻ cô thế, mục hạ vô nhân.
Năm ấy Càn Long nhị thập tam niên. Tuy trong hoàng thành tam cung lục viện chẳng thiếu chi cung tần, mỹ nữ nhưng nhà Vua vẫn theo thường lệ, dậy trước canh năm, ra võ đường thảo mấy đường quyền cước cho dãn gân cốt, thuần tay chân...
Sau đó người thay áo vào văn phòng chong đèn đọc các bản phúc trình xa gần trong nước.
Thái giám Vinh Lộc khúm núm dâng khay trà Long tỉnh pha với nước suối Ngọc Tuyền lấy từ Cam Túc về, Vinh lộc rón rén rót trà ly sứ độc ẩm, khói xanh nhẹ bốc tỏa hương trà khắp gian phòng ấm cúng. Lùi bước, viên thái giám giả khoanh tay đứng xa ra một bên, nét mặt khắc khổ, lạnh lùng như pho tượng, tương xứng với căn phòng tranh tối tranh sáng âm u.
Nhà Vua cầm ly trà thơm ngát, uống từng hớp nhỏ, đưa mắt nhìn người tôi tớ trung thành, còn sót lại từ đời Tiên đế Ung Chánh, mà nhiệm vụ chỉ có sáng sáng dâng trà cho đức Vua ngự ẩm.
Gian phòng trần thiết giản dị. Ngoài những ô gác cổ thư la liệt trên tường, đầu phòng bên kia chỉ có pho tượng Quan võ bằng đồng hun cao lớn cỡ người thật. Đàu bên này là chiếc án thư chạm trổ cổ kính bằng gỗ mun và trên tường, ngay sau lưng nơi vua ngự, gác treo một thanh Long Tuyền Kiếm rủ hai dòng tua sắc Lục đã bạc màu.
Liên miên đọc hồ sơ nọ đến hồ sơ kia, nhà Vua thỉnh thoảng hoặc nở nụ cười đắc ý hoặc tặc lưỡi rồi đăm chiêu... Cất tiếng sang sảng tợ chuông vàng, Càn Long vẫn chăm chú nhìn một bản phúc trình :
- Vinh Lộc! Tiếc rằng nhà ngươi trọng tuổi rồi...
Tiến lại gần mấy bước, viên lão thái giám ngạc nhiên :
- Muôn tâu, Hoàng thượng có điều chi truyền bảo?
Nhìn Vinh Lộc từ chân đến đầu như quan sát một kẻ lạ mặt, Càn Long không để ý đến câu hỏi, nói tiếp :
- Phải ngươi trọng tuổi rồi, không đủ sức theo trẫm!
Chìm đắm trong sự bất ngờ do mấy câu buông sõng của nhà Vua, Vinh Lộc không biết thưa câu gì cho hợp hơn là tiếng: Dạ.
- Trẫm muốn bỏ ra một thời gian dài, năm, mười năm chẳng hạn ngao du khắp đất nước để được gần thần dân, sống như thường dân để hiểu họ.
Vinh Lộc hoảng hốt ra mặt :
- Tâu Hoàng thượng, Tiên đế không bao giờ rời khỏi hoàng cung... Tối ư nguy hiểm! Nguy hiểm! Kẻ nô thần này cầu mong các vị Tiên đế hiển linh ngăn cản ý đó của Hoàng thượng.
Càn Long buông bản phúc trình xuống mặt án thư, cười vang :
- Trẫm là người bằng xương bằng thịt, thần dân cũng vậy. Có khác nhau chỉ ở chỗ điện vàng cung ngọc và chiếc áo bào long cổn này chớ gì!
Lắc đầu, ngẫm nghĩ giây lát. Càn Long nói tiếp :
- Trong bộ thường phục thì Trẫm có khác chi thần dân đâu. Ngại nỗi gì?... Lát nữa ngự triều, Trẫm sẽ dự bàn với Đại học sĩ Trần Hoàng Mưu và Lưu Dung xem sao.
Vinh Lộc kinh hoảng :
- Muôn tâu...
Càn Long vẫy tay :
- Thôi, ý ta đã quyết, ngăn cản vô ích!
Vinh Lộc lui về chỗ cũ, khoanh tay đứng trơ ra như pho tượng.
Xa xa, trống Long Phụng điểm hồi, chuông Kiền Dương giục giã, giờ ngự triều đã tới, Càn Long tự rót trà uống cạn hai ly, rồi xốc áo đứng dậy...