Vương Tiểu Thạch từ hướng Hàm hồ tiến vào kinh thành.
Lúc này là mùa đông, Hàm hồ đã kết thành băng, có thể đi bộ qua mặt hồ. Nhưng lớp băng vẫn còn mỏng, nếu không cẩn thận thì sẽ lật người ngã ngựa, chìm vào đáy hồ.
Đây giống như câu thành ngữ “như lý bạc băng” (như đi trên băng mỏng).
Băng mỏng, quần áo càng mỏng hơn.
Vương Tiểu Thạch không mặc áo dày, bởi vì hắn đang hưởng thụ cảm giác lạnh lẽo.
Tâm hắn nóng, cho nên càng thích lạnh, có lẽ như vậy sẽ khiến một người luôn nhiệt tâm như hắn bình tĩnh lại.
Trên đường đi tới, hắn vẫn không ngừng luyện đao tập kiếm, học ở trong lòng.
Khi thấy được tuyết rơi, trong lòng hắn lại suy nghĩ, một kiếm kia của mình liệu có thể nhẹ và mềm giống như bông tuyết hay không?
Lúc gặp gỡ gió xuân, hắn lại thầm suy nghĩ, đao của mình có thể vô hình vô tích, không thể suy đoán như gió hay không ?
Nếu như không thể, hắn sẽ không ngừng tập.
Nếu như không có, hắn càng thêm khổ luyện.
Luyện tập trong lòng.
Khi hắn mới bắt đầu học võ, thật sự là quá gian nan, nhưng lại tràn đầy hứng thú. Đó là một loại hứng thú tìm vui trong khổ cực, những hứng thú khác không thể nào so sánh được.
Sau khi hắn học võ đã có thành tựu, quả thật rất hưng phấn, đến nỗi suốt ngày trầm mê trong võ công, đã thấy qua là không quên được. Hắn có nhiều ý tưởng mới, chỗ nào không hiểu thì khổ công suy nghĩ, hoặc hỏi ý kiến của ân sư, không nghiên cứu thông suốt thì thề không ngừng lại.
Hắn học võ đại thành, vẫn tiếp tục học, nhưng không nhất định phải động tay động chân, mà trên cơ sở vững chắc không ngừng sáng tạo nên cảnh giới mới. Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ. Hắn căn cứ vào trật tự khí hậu bốn mùa, khi mặt trời vừa lên thì luyện Thần Quang chi kiếm, mặt trời giữa trưa thì tập Liệt Dương chi đao, mặt trời mọc ở phía đông thì luyện Xuân Dương chi kiếm, mặt trời lặn về phía tây thì tập Thu Dương chi đao; đồng dạng, trăng mọc lên ở phía đông, thậm chí trăng sắp lặn đều có đao pháp kiếm thức.
Lúc này hắn đã học ít ngộ nhiều, dùng sự trầm tư để luyện tập, có lúc thậm chí đã không cần dùng đến đao kiếm nữa.
Hắn có thể lĩnh ngộ đao pháp từ trong mầm non đầu xuân, thể ngộ kiếm chiêu từ trong chim bay vạn dặm, hiểu rõ đao ý từ khoảnh khắc trăng in trong nước, phá giải kiếm quyết khi dùng nước rửa kiểm.
Có lúc, võ công tiến thêm một bước không phải là học được từ võ công, có thể là từ một bài thơ, một hoàn cảnh, một cuộc chia ly, hoặc là một câu nói.
Nói cách khác, vạn pháp trong thiên hạ đều lĩnh ngộ được từ trong cuộc sống.
Cho nên Vương Tiểu Thạch một đường đi tới, tâm tình tuy không cảm thấy vui sướng, nhưng lại không bỏ qua tất cả hứng thú trên đường.
Chẳng hạn như nhìn một cô gái xinh đẹp hoặc không xinh đẹp, một con chim én hoặc một con lừa. Những thứ này đều là âm thanh thiên nhiên khắp nơi đều có, cũng là thiên cơ không thể bỏ qua.
Học vấn của nhân sinh là những gì học gì học được trong cuộc đời. Người khác dạy chỉ là học thức, muốn biến học thức thành học vấn và tu dưỡng của mình, vậy thì phải dựa vào chính mình lĩnh ngộ, phân tích và tiếp thu.
Vương Tiểu Thạch rất hưởng thụ đi bộ, cũng rất hưởng thụ cuộc sống, bao gồm cả cuộc sống chán nản.
Cuộc sống không hoàn toàn vui vẻ và phấn khởi, có lúc cũng khó tránh khỏi cảm thấy chán nản. Nếu như chỉ biết nhìn vào mặt tốt của cuộc sống, vậy thì có lúc sẽ bị mặt tối của cuộc sống tiêu hủy chính mình.
Giống như thất bại là mặt trái của thành công, có nếm trải thất bại mới có thể vui vẻ hưởng thụ thành công, có thể ngộ sự chua xót của thất bại mới có thể một ngày thành công hoan hỉ.
Thái độ của Vương Tiểu Thạch đối với cuộc sống là một loại “cố chấp” toàn diện, cho nên khi mở lòng, hắn lại hiểu rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì nên làm nhưng không làm, cái gì không nên làm nhưng phải làm.
Sau bốn năm, hắn lần thứ hai đi đến kinh thành, lại hiểu biết nhiều hơn về sắc thái của cuộc sống.
Hắn lặng lẽ đi bộ, đi bộ cũng như đi xe, đi rồi lại đi, nghĩ rồi lại nghĩ.
Cho đến nơi này, Hàm hồ, bên hồ, trên băng.
Chợt có người gọi hắn:
- Công tử!