Cũng hôm sau, Tây Môn Khánh cùng Hạ Đề hình lo tiếp rước quan Tuần án, sau đó ra thăm trang trại đang xây cất, thưởng tiền cho đám thợ, mãi chiều mới về nhà. Vừa vào tới cổng, đã thấy Bình An chạy ra thưa:
- Hôm nay có văn thư từ Đông Xương phủ gửi tới, lại có cả thư của Địch quản gia trong phủ Thái sư nữa. Tôi đã đưa vào phòng Đại nương rồi. Người đưa thư nói rằng trưa mai sẽ tới để nhận thư phúc đáp.
Tây Môn Khánh vào thẳng phòng Nguyệt nương, lấy thư của Địch quản gia mà đọc, thư viết vắn tắt rằng:
"Kính gửi Tây Môn Đại quan nhân, từ bao lâu nay, tuy xa xôi nhưng tôi vẫn được Đại quan nhân có lòng nghĩ tới, để đền đáp lại, tôi cũng luôn hết lòng giúp đỡ Đại quan nhân. Nay có chuyện nhỏ này, xin quan nhân giúp giùm cho. Nguyên là tân Trạng nguyên Thái Nhất Tuyền là con nuôi của Thái sư tôi, được thánh thượng ban ân về quê thăm cha mẹ. Trạng nguyên sẽ đi qua quý địa phương, vậy nhờ Đại quan nhân thù tiếp Trạng nguyên một bữa cơm xoàng. Tôi xin chờ thư phúc đáp. Nếu Đại quan nhân nhận lời, thì đó là làm ơn cho tôi vày. Ký tên:
Địch Khiêm".
Bên dưới lại ghi tiếp:
"Còn chuyện hôm trước, tôi có nhờ gia nhân thưa lại, chắc Đại quan nhân cũng đã lo giùm rồi, tôi xin gửi theo đây mười lạng, gọi là chút lễ nhỏ nhoi".
Tây Môn Khánh đọc thư xong, than vãn một hồi rồi quát gia nhân:
- Xem có người mối mai nào gọi cho ta một người đi, thật khổ quá.
Nguyệt nương hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
- Địch quản gia trong phủ Thái sư trước đây có nhờ tôi một chuyện, nói là hiện không con, muốn có một người con gái về làm thi*p, không cần giàu nghèo, không nề tốn kém, miễn là phải thật đẹp. Lại nói là tốn kém về quần áo trang sức bao nhiêu cho cô đó thì tôi cứ ứng trước, Địch quản gia sẽ hoàn lại sau, lại hứa là sẽ tận lực giúp đỡ tôi trên đường công danh. Vậy mà tôi quên bẵng đi mất từ bấy tới nay. Lai Bảo phần thì cũng trở thành chức việc, phần thì ở ngoài tiệm, ít gặp nên cũng quên không nhắc tôi. Bây giờ Địch quản gia gửi thư hỏi chuyện đó, lại gửi mười lạng bạc làm lễ vật tặng tôi, ngày mai người ta lấy thư phúc đáp.
Nàng xem tôi phải phúc đáp làm sao với người ta bây giờ? Một là nhờ mai mối xem có ai thật đẹp, chừng mười lăm mười bảy tuổi, bất kể con nhà thế nào, bất kể đòi hỏi bao nhiêu tiền bạc, kiếm thật gấp cho một người. Hai là nếu kíp quá thì nhà mình có con a hoàn Tú Xuân cũng đẹp đẽ, có thể dùng vào việc này được.
Nàng tính sao?
Nguyệt nương bảo:
- Làm cái gì mà như cháy nhà vậy? Gấp gáp quá thì hư chuyện hết. Mấy tháng nay chàng lo những gì đâu đâu, có mỗi một chuyện người ta nhờ thì lại quên bẵng đi mất, bây giờ vội vàng đâu được. Phải kiếm một người vừa đẹp, vừa đàng hoàng cho người ta. Tú Xuân nó là kẻ ăn người ở của nhà mình, làm sao đem lên làm thi*p của người ta được, người ta biết chuyện thì ăn nói làm sao? Vả lại, chàng hết lòng giúp người ta thì người ta cũng hết lòng giúp lại. Tính chuyện gấp quá đâu được, bây giờ dù sao cũng muộn rồi, phải nhờ mối mai, từ từ tìm người con nhà đàng hoàng, nết na đẹp đẽ mới được chứ. Tính như chàng đâu được. Tây Môn Khánh hỏi:
- Nhưng ngày mai người ta cần có thư phúc đáp thì mình phải trả lời sao đây ?
Nguyệt nương bảo:
- Rõ thật làm quan xét đoán mọi việc mà có việc này cũng không tính ra. Để ngày mai gia nhân của Địch Quản gia tới đây, mình tìm kế trì hoãn, trả lời rằng đã tìm được người rồi, nhưng quần áo và nữ trang chưa xong, để ít ngày nữa, khi các thứ xong xuôi thì mình sẽ sai người đưa lên Đông Kinh, trong khi đó thì mình lo tìm người cũng không muộn.
Tây Môn Khánh cười:
- Nàng nói rất đúng.
Đoạn quay ra sai Trần Kính Tế viết thư phúc đáp.
Hôm sau, gia nhân của Địch Quản gia tới, Tây Môn Khánh cho mời vào ngồi uống trà rồi hỏi:
- Thuyền của Thái Trạng nguyên bao giờ tới đây để ta biết trước mà lo nghênh tiếp.
Người nọ đáp:
- Lúc tôi lên đường thì Trạng nguyên cũng rời kinh đô. Địch Quản gia lo rằng Trạng nguyên về quê thăm nhà, tất thiếu thốn nhiều thứ nên có nhờ quan nhân lo giúp đỡ.
Tây Môn Khánh bảo:
- Ngươi về thưa lại với Địch Quản gia rằng Trạng nguyên cần gì, ta cũng cố lo cho đủ.
Đoạn gọi Kính Tế, bảo dọn tiệc thù tiếp. Lúc người đó ra về, Tây Môn Khánh đưa thư phúc đáp và tặng năm lạng bạc làm lộ phí.
Thật ra thì gian thần trong triều ngày càng mạnh, bè đảng lớn lao, Thái Nhất Tuyền nguyên là em của Tể tướng An Đôn, vua Huy Tông vì áp lực của bè đảng gian thần mà buộc lòng phải cho Nhất Tuyền đậu Trạng nguyên, sau đó Nhất Tuyền được Thái Thái sư nhận làm nghĩa tử nên nhà vua phải bổ Nhất Tuyền vào chức Bí thư Tỉnh chính sự trong nội các rồi cho nghỉ ngơi về thăm cha mẹ Ở quê nhà.
Khi gia nhân của Địch Quản gia đi rồi thì Nguyệt nương cho gọi Phùng ma ma, Tiết tẩu và mấy người mai mối khác tới, dặn rằng cấp tốc chia nhau đi các nơi tìm một người con gái thật đẹp, tổn phí bao nhiêu cũng chịu.
Mấy hôm sau Tây Môn Khánh sai Lai Bảo tới Tân Hà Khẩu để hỏi tin tức về thuyền của Thái Trạng nguyên. Thái Trạng nguyên hiện đi cùng thuyền với Tiến sĩ An Thầm. An Tiến sĩ lúc trước vợ ૮ɦếƭ nhưng nhà nghèo chưa cưới được vợ khác, nay cũng về quê để cưới vợ, do đó cùng đi với Thái Trạng nguyên.
Hôm sau nữa, thuyền hai người tới Tân Hà Khẩu thì Lai Bảo đã chờ sẵn tiếp kiến, lại đưa thi*p của chủ và đủ các món rượu thịt để thết đãi ngay trên thuyền.
Tại Đông Kinh, Thái Trạng nguyên đã được Địch Quản gia dặn rằng:
- Tại huyện Thanh Hà có Tây Môn Thiên hộ là môn hạ của lão gia, được làm chức hình quan cũng là do lão gia. Nhà Tây Môn giàu có ức vạn, Tây Môn lại hiếu lễ, đi ngang đó tất được hậu đãi.
Nay thấy Tây Môn Khánh sai người tới thuyền bái kiến rồi tặng đủ thứ rượu thịt thì trong lòng vui vẻ lắm.
Hôm sau Thái Trạng nguyên và An Tiến sĩ lên bộ vào thành tới nhà Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh đã chuẩn bị tiệc rượu đầy đủ, lại gọi bốn con hát người Tô Châu tới hát xướng mua vui. Thái, An hai người đem theo một ít quà biếu tới. Tây Môn Khánh mũ áo chỉnh tề ra nghênh tiếp vào đại sảnh làm lễ giao bái rồi phân ngôi chủ khách mà ngồi. Thái Trạng nguyên vòng tay nghiêng mình nói:
- Tôi ở kinh sư có được nghe Địch Quản gia khoe quan nhân đây là bậc tài hiền, dòng dõi phiệt duyệt danh gia, lại thuộc dòng họ lớn ở Thanh Hà, tôi đã ngưỡng mộ từ lâu mà cứ hận rằng chưa có dịp tương kính. Nay được bái kiến quan nhân đây thì quả là vinh hạnh cho tôi lắm.
Tây Môn Khánh nói:
- Trạng nguyên dạy quá lời, được Địch gia gửi thư cho biết là Trạng nguyên đi qua đây thì bổn phận tôi là phải nghênh tiếp chỉ hiềm việc công bề bộn nên thế nào cũng có điều sơ suất, xin thứ lỗi cho.
Lát sau lại bảo:
- Chẳng hay quý nguyên quán là tại nơi nào? Và tôn hiệu của nhị vị là gì? Thái Trạng nguyên đáp:
- Quê quán tôi là Khuông Lô thuộc Từ Châu, tên hiệu Nhất Tuyền, may mắn thi đậu Trạng nguyên, được làm Nội các Bí thư, hiện được phép vua về quê thăm cha mẹ.
An Tiến sĩ tiếp lời:
- Còn tôi là người huyện Tiền Đường tỉnh Triết Giang, tên hiệu là Phương Sơn, hiện làm chức Quan chính tại Công bộ, lần này cũng được phép về quê. Tiện đây cũng xin hỏi tôn hiệu của quan nhân.
Tây Môn Khánh từ chối:
- Tôi ,chỉ là một chức võ quan thấp hèn, đâu dám xưng tên hiệu trước nhị vị.
Hai người không chịu, Tây Môn Khánh bất đắc dĩ phải đáp:
- Tôi tên hiệu là Tứ Tuyền, nhờ Thái sư nâng đớ và Địch gia giúp đỡ nên hiện được giữ chức Thiên hộ, lo về việc hình pháp. Tôi quả là không xứng đáng được giữ chức đó.
Trạng nguyên nói:
- Quan nhân đây tướng mạo không phải tầm thường, đường công danh còn nhiều tốt đẹp lắm, xin chớ quá kiêm nhường như thế.
Lát sau Tây Môn Khánh mời hai người vào nhà mát tại hoa viên để thay áo rộng nhưng Trạng nguyên nói:
- Chúng tôi di ngang đây, nhớ tới quan nhân mà phải ghé thuyền để bái kiến tôn nhân, chứ thật sự là không có thời giờ, vậy mà bây giờ, quan nhân cố tình lưu giữ thế này, chúng tôi thật chẳng biết làm sao.
Tây Môn Khánh nói:
- Tôi quả không dám lưu giữ nhị vị, nhưng mong nhị vị không chê chúng tôi nghèo hèn, nhà cửa thấp bé mà nán lại đôi chút dùng bữa cơm xoàng, được như vậy thì may mắn cho chúng tôi lắm, chúng tôi chỉ có một tấm lòng thành mà thôi. Thái Trạng nguyên cười:
- Quan nhân đã có thịnh tình như vậy thì chúng tôi đâu dám từ chối.
Nói xong theo Tây Môn Khánh tới thư phòng tại hiên Phỉ Thúy thay áo rồi trở ra Tụ Cảnh đường trong hoa viên ngồi uống trà nói chuyện. Thái Trạng nguyên ngắm cảnh trong vườn thấy bao la bát ngát, cây cối rườm rà hoa cỏ xinh tươi, đình tạ núi hồ tuyệt đẹp thì khen rằng:
- Nơi đây quả chẳng khác Bồng Lai tiên cảnh.
Nói xong rủ An Tiến sĩ bước sang bàn bên cạnh, bày cờ mà đánh giải trí, Tây Môn Khánh nói:
- Hôm nay chúng tôi cũng mạo muội cho gọi mấy ca nữ tới đây hát hầu tiệc nhị vị.
An Tiến sĩ nóng lòng hỏi ngay:
- Vậy thì mấy nàng đó đâu, sao không thấy?
Tây Môn Khánh quay lại đưa mắt, gia nhân chạy ngay vào trong. Khoảng khắc, bốn ca nữ thướt tha bước tới cúi lạy ra mắt. Thái Trạng nguyên hỏi:
- Mấy nàng đây tên gì?
Một ca nữ đáp:
- Tiện nữ là Tử Hiếu, chị bên cạnh đây là Chu Thuận, chị kia là Viên Đạm, chị này là Hồ Thảo. An Tiến sĩ lại hỏi:
- Các ngươi quê quán ở đâu?
Tử Hiếu thưa:
- Tất cả chúng tôi đều là người Tô Châu.
An Tiến sĩ bảo:
- Các ngươi vào trong hóa trang đi rồi ra đây hát cho chúng ta nghe.
Đám con hát lui vào. Tây Môn Khánh lại bảo Thư Đồng hóa trang giả gái cùng hát, rồi mời khách nhập tiệc. Tây Môn Khánh tự tay rót rượu mời, ba người cùng ăn uống chuyện trò, trong khi đó đám con hát và Thư Đồng đàn ca hát xướng. An Tiến sĩ chỉ Thư Đồng mà hỏi chủ nhà:
- Người kia là ai vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
- Tên đó là thư đồng của chúng tôi, nên tôi đặt tên là Thư Đồng.
An Tiến sĩ bảo:
- Tài nghệ của nó thật tuyệt diệu.
Nói xong gọi Thư Đồng tới thưởng một chung rượu. Thái Trạng nguyên cũng gọi một con hát khác tới thưởng rượu rồi bảo:
- Các ngươi hát khúc Triều Nguyên ca" cho ta nghe thử.
Tử Hiếu hát rằng:
Hoa thắm liễu xanh.
Ngoài rèm trời may thanh thanh.
Sơn thủy hữu tình.
Làn đông phong cho vó ngựa gập ghềnh.
Than rằng thân mình như cánh bèo mặt nước.
Trôi nổi bồng bềnh.
Quê nhà đường xa vời vợi.
Bóng chim tăm cá mịt mù.
Biết cùng ai tới.
Sầu ly hương ròng rã mấy thu.
Xót thay huyên già thông cỗi.
Chiều tà ngả bóng tang dụ..
Tử Hiếu hát xong, An Tiến sĩ bảo Thư Đồng:
- Ngươi hát khúc nào nói về ý nghĩa ân đức vô biên thử xem.
Thư Đồng đáp:
- Nếu vậy thì tôi nhớ được khúc "Họa My tự" Đoạn hát rằng:
Ơn đức Ⱡồ₦g lộng vô biên.
Nhờ phụ mẫu.
Nuôi ăn học.
Lo việc nhân duyên.
Gặp hội gió mây đưa đẩy.
Cánh chim bằng cưỡi gió bay lên.
Nhớ điều loan phụng.
Đã biết kiếp này chẳng nên.
Thì kiếp trước sao không gieo ngọc Lam Điền.
An Tiến sĩ là người Hàng Châu, thích đàn ông đóng giả đàn bà nên hết lời khen tặng Thư Đồng, tự đứng dậy cầm tay dắt tới thưởng rượu.
Lát sau tiệc tàn, Tây Môn Khánh dẫn khách đi thăm hoa viên rồi ngừng ở một ngôi đình, sai gia nhân bày tiệc hoa quả gồm ba mươi thứ để mời khách ăn trái cây uống rượu tiếp.
Thái Trạng nguyên uống vài tuần rượu rồi nói:
- Hôm nay là lần sơ kiến mà chúng tôi đã phiền quan nhân phiền quá, trời cũng đã muộn rồi, xin cho chúng tôi được cáo từ.
Tây Môn Khánh nhất định không chịu, nhưng lại hỏi:
- Nhị vị bây giờ về thuyền hay còn đi đâu?
Thái Trạng nguyên đáp:
- Chúng tôi định tới tạm trú tại chùa Vĩnh Phúc ở ngoại thành.
Tây Môn Khánh nói:
- Bây giờ ra ngoại thành thì cũng muộn rồi, nếu nhị vị không chê thì xin lưu lại đây để chúng tôi được hết lòng tiếp đãi. Các gia nhân thì xin nhị vị cho về thuyền, dặn ngày mai hãy tới đón, chỉ xin để một hai người lại thôi. Chúng tôi có đủ người phục dịch nhị vị.
Thái Trạng nguyên nói:
- Tuy biết quan nhân hiếu khách, nhưng chỉ sợ làm phiền quan nhân nhiều quá.
Nói thêm vài câu khách sáo nữa, Thái Trạng nguyên cho đám gia nhân của mình về thuyền nghỉ, dặn hôm sau mang ngựa tới đón. Gia nhân vâng lời kéo đi.
Trời gần tối, hai người khách đánh cờ giải trí. Tây Môn Khánh thưởng tiền cho đám đào kép rồi cho về, chỉ để lại mình Thư Đồng hát hầu khách. Tới lúc lên đèn, Thái Trạng nguyên nói nhỏ với Tây Môn Khánh:
- Chẳng nói giấu gì quan nhân, anh em chúng tôi về quê lần này tiền bạc cũng không dư giả lắm...
Tây Môn Khánh nói ngay:
- Xin nhị vị khỏi bận tâm, Địch gia đã cho chúng tôi biết trước cả rồi.
Nói xong dẫn hai người đi thăm nốt mấy cảnh trong hoa viên, sau cùng vào một động đá trong ngọn giả sơn, tên là động Tàng Xuân, nơi đây đã bày sẵn tiệc rượu hoa quả, lại có cả bàn ghế giường nằm.
Chủ khách lại ngồi uống rượu. Thư Đồng theo tới ca hát. Thái Trạng nguyên bảo Thư Đồng:
- Ngươi hát khúc "Hồng nhập xuân đào" đi.
Thư Đồng bước tới rót rượu rồi lui ra vài bước, vỗ tay mà hát. An Tiến sĩ thích lắm, bảo:
- Tên này thật dễ mến.
Đoạn gọi tới thưởng rượu. Bữa tiệc rượu kéo dài tới đêm. Sau đó Tây Môn Khánh cho sửa soạn giường chiếu tại động Tàng Xuân và hiên Phỉ Thúy cho hai vị khách, cắt đặt gia nhân hầu hạ rồi mới về phòng nghỉ.
Hôm sau, Tây Môn Khánh chờ hai vị khách thức dậy rồi cho gia nhân mời tới đại sảnh uống trà, sau đó ăn sáng và uống rượu. Qua vài tuần rượu, Tây Môn Khánh sai gia nhân đem lễ vật ra, gồm bạc mặt một trăm lạng và đủ thứ khác cho Thái Trạng nguyên, cùng vài xấp lụa và ba chục lạng cho An Tiến sĩ, Thái Trạng nguyên giả vờ từ chối:
- Chúng tôi chỉ cần thêm một ít lộ phí, quan nhân cho quá nhiều như thế này làm sao dám nhận?
An Tiến sĩ cũng nói:
- Thái huynh tôi đây dù sao cũng nhận được, nhưng còn tôi thì đâu dám.
Tây Môn Khánh cười:
- Có gì đâu, đây chỉ là lễ mọn để tỏ tấm tình của tôi. Nhị vị vinh quy thì tôi chỉ xin có chút ít để nhị vị uống trà dọc đường, có gì là nhiều.
Gia nhân từ thuyền tới đón, hai người nói lời cảm tạ rồi sai gia nhân thâu tiền bạc và các lễ vật, đoạn nói:
- Chúng tôi lần này chịu ơn quan nhân, xin ghi tạc trong lòng, về tới kinh, chúng tôi sẽ nguyện báo đáp.
An Tiến sĩ cũng nói:
- Hôm nay tương biệt, chẳng biết bao giờ mới lại được tái kiến tôn nhân.
Tây Môn Khánh nói:
- Chúng tôi nghèo nàn vụng dại, có điều gì thất thố cũng xin nhị vị niệm tình tha thứ cho.
Hai vị khách cáo từ, Tây Môn Khánh thân tiễn tới cổng. Thái An hai người lên ngựa đi rồi, Tây Môn Khánh mới trở vào nhà...