Tĩnh Uyển tiễn Trình Tín Chi về, trái tim mới đập bình thường trở lại. Ngày hôm sau, vì là ngày đại hỷ, cho nên hai vợ chồng họ Doãn đều bận chuẩn bị hôn lễ, trong nhà người đông việc nhiều, mấy người chị em họ của Tĩnh Uyển đều đến, ở trên lầu cùng cô. Một đám người nói nói cười cười, bỗng nghe thấy bác Phúc từ ngoài đường hô vọng vào trong, trên tay cầm tờ báo nói: “Đại thắng! Đại thắng! Đánh một trận thắng lớn rồi!”.
Tĩnh Uyển vội vàng đi lên hai bước, quả nhiên nhìn thấy hàng tít màu đỏ lớn trên trang báo: “Dư Gia Khẩu đại thắng”, cô không kịp nghĩ nhiều, chỉ mãi đọc nội dung bên dưới, chiến đấu kịch liệt hơn mười ngày, Thừa quân cuối cùng không địch được Dĩnh quân, toàn tuyến phía Đông tan vỡ. Tĩnh Uyển đọc đến mấy chữ “Dĩnh quân chiếm đóng Dư Gia Khẩu”, trong đầu “ầm” một tiếng, định thần lại mới nghĩ Dư Gia Khẩu là vùng trọng yếu của Thừa quân, sau Dư Gia Khẩu là Vĩnh Tân, Vĩnh Tân là đại bản doanh phía Nam của Thừa quân, Ϧóþ chặt yết hầu đường sắt Thừa – Dĩnh, bây giờ lại để mất Dư Gia Khẩu, e rằng Vĩnh Tân nguy hiểm chỉ một sớm một chiều. Cô sững sờ đứng đó, Minh Hương vội cầm lấy tờ báo, rót cho cô tách trà nóng.
Một người chị họ cười nói: “Tĩnh Uyển nhà ta từ nhỏ đã giống con trai, cho nên không chịu thua kém đấng mày râu, lúc nào cũng quan tâm tin tức quốc sự, e rằng sau này Kiến Chương còn phải chịu lép vế em ấy”.
Một người em họ khác nói: “Báo thì có gì hay, ngày ngày chỉ nói chuyện đánh nhau, nhưng em nghe cha nói, trận đánh này có lẽ sẽ chóng kết thúc thôi. Tin tức trang đầu trên báo hôm nay nói nước Nga tuyên chiến với Thừa quân. Cha nói, Thừa quân lần này trước sau đều có địch, chỉ có thể thua thảm hại”.
Chỉ nghe thấy “choang” một tiếng, tách trà nóng trong tay Tĩnh Uyển vỡ tan. Minh Hương giật bắn mình, vội vàng hỏi: “Tiểu thư có bị bỏng không?”.
Tĩnh Uyển sắc mặt trắng bệch, nhưng dáng vẻ vẫn trấn tĩnh: “Không”.
Minh Hương vội thu dọn mảnh vỡ, miệng còn nói: “Rơi xuống đất nở hoa, vinh hoa phú quý”.
Một tay Tĩnh Uyển ấn lên иgự¢, trên mặt đang cười ngẩn ngơ, lẩm bẩm nói: “Em học ai thế, lải nhải như vậy”.
Minh Hương bĩu môi: “Còn không phải là bác Ngô, nói trong nhà có việc hỷ, những câu tốt lành nhất định phải nhớ”.
Mấy người chị em họ xúm lại xem của hồi môn của cô, khăn trùm đầu, đồ trang sức, hết thảy đều lôi hết ra, cầm thứ nào lên là tấm tắc khen thứ ấy, toàn con gái trẻ tuổi với nhau nên rất náo nhiệt, huống hồ đang xem trang sức, khen cái này tinh xảo, cái kia quý báu, trên trán Tĩnh Uyển lấm tấm mồ hôi lạnh, tiếng cười nói ồn ã cả căn phòng, vang lên trong tai như xa như gần, vo ve như tiếng ong. Cô trấn tĩnh, vì tổ chức hôn sự nên cả căn phòng đều treo trướng hỷ và hoa màu, bốn bề đều là màu sắc rực rỡ, trong căn phòng chất đầy các loại gấm vóc rương hòm, đều là đồ cưới chuẩn bị cho ngày mai, trên bàn trang điểm có chiếc đồng hồ Tây nho nhỏ, dưới đồng hồ có quả cầu thủy tinh di chuyển không ngừng, lắc qua lắc lại, cô nhìn đến chóng mặt, dường như cả căn phòng đều đang chuyển động.
Vợ chồng họ Doãn đều bận tiếp đãi người thân bạn bè, đến ba, bốn giờ chiều, Doãn phu nhân mới có thời gian lên lầu xem con gái, còn đám chị em họ của Tĩnh Uyển đều xuống dưới nghe kịch, một mình Tĩnh Uyển ngồi ở đó, sững sờ thẫn thờ.
Doãn phu nhân xót xa hỏi: “Nghe bác Ngô nói trưa nay con không ăn gì, sao mặt đỏ thế”.
Tĩnh Uyển đưa tay sờ sờ mặt, má cô nóng hầm hập, giống như sốt, nhưng trong tim cô dường như đang có một ngọn lửa đang hừng hực cháy, ánh mắt đượm vẻ xa xôi, cô khẽ gọi một tiếng: “Mẹ”.
Doãn phu nhân dịu dàng vuốt tóc cô, mắt cô bỗng ngấn lệ: “Mẹ, con sợ lắm”.
Doãn phu nhân sững lại một lát, lập tức cười nói: “Con bé ngốc này, có gì sợ chứ, con gái lớn đều phải gả chồng mà”.
Tĩnh Uyển lại giống như sắp bật khóc, cắn chặt môi, cố ngăn nước mắt. Doãn phu nhân hoảng hốt, vội nói: “Con ngoan, trên dưới Hứa gia con đều quen thuộc, giống như nhà mình vậy, hơn nữa đều ở trong thành, sau này con muốn về cũng rất thuận tiện mà”.
Tĩnh Uyển cuối cùng không kìm được nữa, nước mắt trào ra, Doãn phu nhân thấy cô như thế, không hiểu vì sao cũng cảm thấy vô cùng xúc động, đưa tay ra ôm con gái vào lòng, Tĩnh Uyển vừa nói vừa nấc nghẹn ngào: “Mẹ, con xin lỗi.”
Doãn phu nhân vỗ lưng cô: “Nói linh tinh, con có lỗi gì với mẹ chứ, chỉ cần con sống vui vẻ mẹ đã mừng lắm rồi”. Bà lại nói tiếp: “Xưa nay con luôn hiểu chuyện, hôm nay phải vui vẻ, đây là việc đại hỷ mà”.
Tĩnh Uyển “vâng” một tiếng, vùi mặt vào lòng mẹ, ôm chặt lấy eo mẹ rất lâu không chịu buông ra. Doãn phu nhân nghĩ chỉ có một cô con gái độc nhất này, ngày mai phải gả vào nhà người khác, trong lòng cũng ngàn phần vạn phần không nỡ, nên bà cứ dặn dò mãi mấy đạo lý làm dâu, rồi an ủi con gái rất nhiều.
Theo lễ tiết, trước khi kết hôn Kiến Chương và Tĩnh Uyển không được gặp mặt, cho nên chiều muộn hôm đó, Kiến Chương gọi điện thoại đến. Tĩnh Uyển nhận điện, trong lòng cô có cảm giác rối ren phức tạp, nhưng không biết nên nói gì với anh, Kiến Chương chỉ coi như cô mệt, nói mấy việc trong hôn lễ ngày mai, cuối cùng dặn dò: “Vậy em ngủ sớm đi”.
Cô “ậm ừ” một tiếng, anh sắp dập điện thoại, bỗng nghe cô gọi: “Kiến Chương”.
Anh hỏi: “Sao thế?”.
Trong ống nghe chỉ có tiếng ù ù, hơi thở anh chậm và đều, cô dịu dàng nói: “Không có gì, chỉ muốn gọi anh một tiếng thôi”.
Thỉnh thoảng cô lộ ra vẻ trẻ con đó, nhưng Kiến Chương lại thấy ngọt ngào, nói: “Ngủ sớm chút đi, ngày mai có thể gặp mặt rồi”.
Tĩnh Uyển yên lặng hồi lâu, cuối cùng mới nói: “Anh cũng nghỉ sớm đi, tạm biệt”.
Cô dập điện thoại, đứng dậy. Phía trước bắc sân khấu, đang biểu diễn, tiếng chiêng trống truyền đến như xa như gần, réo rắt réo rắt… Trái tim cô còn đập nhanh hơn tiếng trống, cô kiểm tra tất cả mọi thứ trong túi xách: Ảnh cha mẹ và mình, hai tập tiền giấy dày, một nắm tiền lẻ, còn cả chiếc đồng hồ quả quýt đó. Cô nghĩ một lúc, lấy khăn tay bọc viên “Thần Châu”, nhét vào đáy chiếc túi xách.
Khách khứa đều đang nghe kịch ở phía trước, cô lặng lẽ xuống lầu, vì sắp mở tiệc nên người làm đều bận túi bụi, nhất thời không ai chú ý đến cô. Cô ra khỏi hoa viên từ cửa sau, trong vườn yên lặng không một bóng người, chỉ có mấy chiếc cờ màu nhỏ treo trên cây, tung bay trong gió, reo lên “lật phật lật phật”, tiếng chiêng trống huyên náo phía trước, cô lờ mờ nhận ra khúc “Ngọc Liên Minh”, đang hát đến câu: “Ta không cần gấm vóc trâm ngọc, chỉ cần áo vải trâm gai, mưa gió có nhau, bên nhau trọn đời…”. Lời thế son sắt đó như một sự an ủi kì lạ, khiến cô không thấy quá sợ hãi, chỉ là bước chân không kìm được hơi chùn lại, may mà suốt dọc đường không gặp ai. Cửa sau vốn không khóa, ông Lý canh cửa ngồi ở ghế mây, ngẩng đầu há miệng ngồi ở đó, hóa ra đã ngủ quên trong cơn gió mát, ông Lý nuôi một con chó vàng lớn, thấy cô nó lười nhác vẫy vẫy đuôi, cô lặng lẽ đi ra khỏi cửa.
Xuyên qua con phố liền nhìn thấy mấy chiếc xe kéo đang đợi khách, cô lên đại một chiếc, nói với phu kéo xe: “Đến phía Nam thành, mau đi”. Phu xe đó thấy dáng vẻ cô, biết là tiểu thư nhà giàu, hơn nữa lại không mặc cả, rõ ràng là khách sộp, lập tức hăng hái, kéo nhanh như bay, không lâu sau đã đưa cô đến phía Nam thành.
Cô biết hành động này của cô thật sự khiến người đời kinh hãi, ngay cả Nghiêm tiên sinh đó thấy cô cũng rất bất ngờ. Cô không nhiều lời, chỉ nói gọn một câu: “Tôi muốn đến Vĩnh Tân”.
Nghiêm tiên sinh đó lập tức trấn tĩnh, ánh mắt đầy vẻ khâm phục, miệng lại nói: “Bây giờ hai bên chiến sự gay go, giao thông đứt đoạn, tiểu thư không thể mạo hiểm như thế”.
Tĩnh Uyển cố chấp ngẩng mặt lên: “Anh ấy đã có thể đến được, anh nhất định có cách đưa tôi đi. Cửa thành sắp đóng rồi, nếu hôm nay không đi được có lẽ cả đời này tôi cũng không có cách nào đi”.
Nghiêm tiên sinh do dự: “Tiểu thư thân đáng ngàn vàng, tiền tuyến lửa đạn không phải là chuyện chơi. Trên đường chẳng may có tổn thất gì, Nghiêm Thế Xương tôi mặt mũi nào đi gặp cậu Sáu”.
Tĩnh Uyển giậm chân: “Tôi không sợ, anh sợ cái gì?”.
Nghiêm Thế Xương suy nghĩ một lúc lâu, cuối cùng hạ quyết tâm, ngẩng đầu lên nói: “Vậy xin tiểu thư đợi lát, tôi đi bố trí”.
Anh ta làm việc rất lanh lẹ, một lúc sau liền quay lại, hai người ngồi xe ra khỏi thành, bên ngoài thành đã có người thuê một chiếc xe ngựa đón ở đó, trời đã muộn, họ ngồi xe ngựa lắc lư đi khoảng mười cây số. Tĩnh Uyển một nửa hồi hộp, một nửa sợ hãi, xen lẫn sự vui mừng khó tả, ngồi trong chiếc xe ngựa lọc cọc lọc cọc, trái tim cô ấp ủ một sự nồng nhiệt không thể khống chế. Lần này gần như đi cả nửa đêm, từ con đường nhỏ xe ngựa lắc lư rẽ vào con đường hẹp hơn nữa, cuối cùng đi vào một khuôn viên, nhờ vào chút ánh sáng ở đầu xe Tĩnh Uyển lờ mờ nhìn thấy một hộ gia đình rất bình thường.
Nghiêm Thế Xương xuống xe trước, giúp cô kéo mành che, nói nhỏ: “Tiểu thư, tối nay ở tạm đây, sáng sớm mai lại lên đường”.
Tĩnh Uyển tuy to gan, nhưng đến nơi không quen biết này vẫn không khỏi sợ hãi. Trong lòng vẫn nhớ cha mẹ, lúc này chắc họ lo lắng đến phát điên rồi, nhưng bản thân khi ra đi đã không màng tất cả, sau này chỉ có thể cầu xin họ tha thứ.
Chủ nhà là một cặp vợ chồng, tươi cười ra đón. Ở đây không có đèn điện, vẫn thắp đèn dầu, Tĩnh Uyển thấy có nữ chủ nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Dưới ánh sáng ảm đạm chỉ thấy một căn phòng dọn dẹp gọn gàng, bà chủ nhà giúp cô kéo chiếc mành, bên trong cũng là giường đất. Tĩnh Uyển nửa đêm bôn ba, nay thấy chiếc giường sạch sẽ đó liền ngồi xuống trước.
Nghiêm Thế Xương nói: “E rằng ngày mai tiểu thư vẫn phải khổ rồi”. Anh ta nói rõ tất cả kế hoạch cho cô: “Tiền tuyến tuy đang đánh nhau, nhưng ở đây rất gần núi Kỳ Phong, chúng ta đã chuẩn bị gia súc, sáng sớm ngày mai sẽ khởi hành, đi qua con đường nhỏ trên núi, dự tính phải mất bốn, năm ngày, chỉ cần đến phạm vi núi Kỳ Phong, là chúng ta có thể kiểm soát được rồi. Có điều đường đi đều là đường nhỏ qua núi vượt đèo, nhà dân thưa thớt, chỉ sợ việc ăn ở của tiểu thư sẽ phải chịu khổ rất nhiều”.
Tĩnh Uyển nói: “Không sao, tôi đã đi là đã chuẩn bị chịu khổ rồi”.
Nghiêm Thế Xương gặp mặt cô có mấy lần, trong lòng rất là lo lắng, cô là đại tiểu thư yếu đuối như thế chỉ sợ trên đường rất khó chăm sóc. Sáng sớm ngày hôm sau Tĩnh Uyển thay bộ quần áo cũ của bà chủ nhà, lấy vải xanh quấn tóc lên, nhìn rất giống thôn nữ. Cô tuy trẻ tuổi nhưng trong lòng đầy tâm sự, biết rõ con đường phía trước vất vả, soi mình vào mặt nước vẫn không nhịn được cười thành tiếng.
Nghiêm Thế Xương cũng thay quần áo vải cũ, chủ nhà chuẩn bị cho anh hai con lừa lớn, lại bảo một đứa cháu của mình tầm mười bốn gọi là Thặng Nhi, giúp Tĩnh Uyển kéo gia súc. Tuy Tĩnh Uyển cưỡi ngựa rất khá nhưng cũng chưa từng cưỡi lừa, cô đứng ở một chiếc cối bên cửa do dự một lúc lâu, cuối cùng lấy hết can đảm cưỡi lên, Nghiêm Thế Xương vốn cũng rất lo lắng, thấy cô ngồi chắc chắn trên yên mới thở phào.
Khi cưỡi quen con lừa đó rồi thì đi vừa nhanh vừa chắc. Tháng tám trong núi lúa kê đang chín, Tĩnh Uyển ngắt một chiếc lá cọ che lên đầu tránh ánh nắng, cô đã thay đôi giày da bằng đôi giày vải bà chủ mới khâu, trên đó thêu một cặp bướm ngũ sắc, dưới ánh mặt trời đôi giày lắc qua lắc lại, cặp bướm sống động như sắp bay lên. Cô nghiêng người ngồi trên lưng lừa, hai bên con đường nhỏ đều là cỏ dại xanh rì, thỉnh thoảng giữa khúc quanh của núi lại hiện ra một mảnh ruộng, gió thổi qua đám cao lương rậm rì, cách chiếc lá cọ, ánh mặt trời nóng bỏng tỏa ra hơi thơm thanh mát. Đi rất lâu mới nhìn thấy hai, ba hộ gia đình lác đác ở sườn núi, khói bếp màu xanh ngọc bốc lên lưng chừng trời. Con đường núi ngoằn ngoèo, như thể đi mãi không hết vậy. Tĩnh Uyển lúc đầu vẫn lo lắng về cha mẹ, thỉnh thoảng có cảm giác áy náy, đến lúc này cũng đành cố gắng quên đi, cô nghĩ việc đã đến nước này nghĩ nhiều chẳng ích gì. Trong lòng hễ nghĩ đến ngày gặp Mộ Dung Phong là cả trái tim lẫn đầu óc đều thấy vui mừng, dù rằng cô chưa bao giờ phải đi qua đường núi gập ghềnh như vậy.
Thặng Nhi chỉ lo cắm đầu đi, Tĩnh Uyển vốn có tâm trạng, muốn phân tán sự tập trung, do đó hỏi cậu hết câu này đến câu khác như mấy tuổi rồi, nhà có những ai, đi học chưa, đã đi đâu ra khỏi làng chưa… Nghiêm Thế Xương vốn rất lo lắng, thấy dáng vẻ bây giờ của cô dần dần cũng yên tâm hơn. Tĩnh Uyển hiếm khi được vào trong núi, thấy cái gì cũng mới mẻ, lúc đầu Thặng Nhi hỏi một câu mới đáp một câu, sau đó cô hỏi đây là cây gì, đó là hoa gì… dần dần cũng trở nên thân thuộc hơn.
Mùa thu lạnh dần, gió thổi rì rào lách qua cây cối, giữa cây có tiếng côn trùng như đan dệt, bên này đang hát, bên kia đang ca, chít chít rít rít trầm bổng không ngừng, Thặng Nhi nhanh tay nhanh mắt, bắt ngay một con dế lớn đậu trên cỏ, lấy lá cỏ buộc lại, đưa cho Tĩnh Uyển. Tĩnh Uyển mừng rỡ đón lấy, thắt lá cỏ vào chiếc lá cọ, cầm đầu ngọn cỏ chọc chọc con dế, vô tình để lộ tính khí trẻ con, Nghiêm Thế Xương thấy cũng phải phì cười.
Đi đường như thế suốt ba, bốn ngày liền, con đường họ đi rất hẻo lánh, ngoài người bản địa rất ít người biết. Cho nên tuy chặng đường rất cực nhọc nhưng bình yên thuận lợi. Nghiêm Thế Xương rất kính phục cô, nói: “Tiểu thư quả thật không thua kém đấng mày râu”.
Tĩnh Uyển cười đáp: “Anh coi tôi là thiên kim đại tiểu thư, hẳn là có phần coi thường tôi rồi”.
Nghiêm Thế Xương liên tục nói “Không dám”.
Tĩnh Uyển phì cười, nói: “Anh đừng vâng vâng dạ dạ thế, anh tuy là thuộc hạ của cậu Sáu, nhưng đâu phải thuộc hạ của tôi”.
Nghiêm Thế Xương nói: “Thế Xương phụng mệnh bảo vệ tiểu thư, cho nên hiện tại chính là thuộc hạ của tiểu thư”.
Tĩnh Uyển cười nói: “Lần này may nhờ có anh, nếu anh cứ vâng vâng dạ dạ thế tôi sẽ phạt anh đấy”.
Nghiêm Thế Xương lại “vâng” một tiếng, lần này đến Thặng Nhi cũng cười, Tĩnh Uyển nói: “Vừa mới nói xong, lại phạm lỗi, phạt anh hát”.
Nghiêm Thế Xương theo Mộ Dung Phong từ nhỏ, lên ngựa quản quân, xuống ngựa quản dân, sống trong rừng gươm đao bão đạn cho đến ngày hôm nay, bình thường những đồng bào mà anh chung sống đều là đàn ông hào khí vời vợi, xưa nay không coi trọng phụ nữ yếu đuối, nhưng đồng hành cùng vị Doãn tiểu thư này lại thấy cô phóng khoáng, bình dị dễ gần, không chỉ không hề kiêu ngạo mà còn kiên nhẫn, đến đàn ông bình thường cũng không bì được. Đáng quý nhất là một thiên kim tiểu thư, suốt dọc đường ăn lương khô uống nước lạnh, chân tay phồng rộp cả lên cũng không chau mày. Trong lòng anh tôn trọng cô, nghe cô nói muốn phạt anh hát, cảm thấy khó xử, mặt mày đỏ bừng lên – điều mà xưa này chưa từng xảy ra với anh: “Tôi không biết hát”.
Tĩnh Uyển vỗ tay cười nói: “Nói dối, người nào trên thế giới này mà chẳng biết hát, mau hát một bài, nêu không tôi và Thặng Nhi đều không chịu”.
Nghiêm Thế Xương không biết làm thế nào, anh cũng không biết hát nhiều bài, đành hát một điệu dân ca quê nhà: “Trước núi sau núi trăm hoa đua nở, hái một nhành hoa cài lên tóc, người trước người sau quay đầu lại nhìn, có ai đến hái hoa yêu hoa yêu…”. Giọng anh khàn thôi, nhưng thấy Tĩnh Uyển cười rất chăm chú nghe, nên lại hát tiếp: “Trước núi sau núi trăm hoa đua nở, hái một nhành hoa cài lên tóc, người trước người sau quay đầu lại nhìn, có ai đến lấy chị yêu chị, bướm hồng cũng biết hoa yểu điệu, bay đến bên cạnh chị, chẳng lẽ anh cứ đờ đẫn như thế, đờ đẫn như thế, còn muốn em nhét vào tay anh, nhét vào tay anh…”.
Móng lừa gõ trên con đường đi, âm thanh trong trẻo, làm kinh động mấy chú chim non phía xa xa, chúng phành phạch vỗ cánh bay lên trời. Những ngày tháng trước đây của anh, hoặc là liếm máu trên bảng súng đầu đao, hoặc là uống rượu cá tiền với anh em, hoặc là say đắm trong nhà thổ chốn ngõ nhỏ, chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ ngồi trên lưng lừa cất cao tiếng hát giữa núi rừng thế này, nhưng thấy khuôn mặt cô tươi cười, trong lòng dù thế nào cũng không nỡ làm phật ý cô.
Thế Xương hát hết một bài, Tĩnh Uyển cười nói: “Hát hay như thế còn nói không biết hát”.
Chiếc roi trong tay Nghiêm Thế Xương đã dính đầy mồ hôi, anh yên lặng vài giây, cười nói: “Giọng cậu Sáu mới hay, thỉnh thoảng nghe thấy cậu ấy gọi một phách, còn vang hơn mấy diễn viên nổi tiếng đó”.
Tĩnh Uyển cười mỉm, nói: “Tôi thật sự không biết đấy, lần sau nhất định bắt anh ấy hát”. Cô lại thuận miệng hỏi anh: “Cậu Sáu của các anh lúc nhỏ trông thế nào?”.
Nghiêm Thế Xương cười đáp: “Lúc đại soái còn sống, cậu Sáu cũng rất nghịch ngợm, đại soái hễ tức giận là cầm chổi lông gà đánh cậu ấy, không đánh gãy chổi tuyệt đối không tha. Lúc đó cậu Sáu chỉ tầm mười tuổi, có lần gây chuyện bên ngoài, biết đại soái sẽ đánh, cho nên cầm dao cắt một vết sâu bảy, tám phân trên chiếc chổi lông gà mới. Đại soái về đến nhà, quả nhiên cầm chổi đánh, mới đánh được hai cái đã gãy, đại soái sững lại hỏi: “Sao loại chổi này bây giờ lại đểu thế?”. Người ở nhà trên ai cũng biết là cậu Sáu bày trò, đều ôm bụng cười lỉnh ra ngoài”.
Tĩnh Uyển cũng mỉm cười, mắt nhìn con đường núi trước mặt, hình như hơi thẫn thờ, lúc này mặt trời lặn xuống núi, ánh sáng như dát vàng, Nghiêm Thế Xương cảm thấy đôi mắt cô như thủy tinh, còn phát sáng óng ánh hơn cả chiều tà rực rỡ đó.
Cô quay mặt đi, má phớt hồng như ráng chiều, nói: “Nghiêm đại ca, sau đó thì sao?”. Cô gọi tiếng “đại ca” rất tự nhiên, Nghiêm Thế Xương không dám trả lời, đương lúc chần chừ, lại nghe cô nói: “Tội nghiệp anh ấy từ nhở không có mẹ, haizz!”.
Một tiếng than như thế, xa xăm bất tận như một sợi dây lan đến tận nơi sâu thẳm đáy tim. Nghiêm Thế Xương không dám ngẩng đầu nhìn cô nữa, một lát sau mới nói: “Tiểu thư, ngày hôm nay sẽ đến Hà Gia Bảo rồi, ở đây chỉ cách núi Kỳ Phong một ngọn núi, tuy Dĩnh quân không đóng quân ở Hà Gia Bảo nhưng binh chiến loạn lạc là khó tránh khỏi. Cho nên hành trình ngày mai rất nguy hiểm, đến lúc đó nếu xảy ra chuyện gì, tiểu thư nhất định phải đi với Thặng Nhi trước, nó biết đường, biết làm sao để đến núi Kỳ Phong”.
Tĩnh Uyển tuy hơi sợ hãi nhưng mau chóng lấy lại dũng khí, nói: “Nghiêm đại ca, không sao đâu, ba người chúng ta nhất định có thể cùng nhau bình an đến núi Kỳ Phong”.
Nghiêm Thế Xương cười nói: “Tôi chỉ là sợ bất trắc, tiểu thư là người phúc trí vẹn toàn, nhất định có thể bình an, thuận lợi đến gặp cậu Sáu”.