Mẹ và con gáiMẹ lặng im, không nói. Cái khoảng không mẹ dành hết cho những giận dữ của mình. Nước mắt mình rơi, còn mẹ, mẹ quay mặt vào tường như thể ngủ. Nước mắt mẹ lặn trong lòng. Cô bé mới lớn làm sao hiểu nổi.
Hết cấp I, mình kể với mẹ:
- Các bạn cùng lớp cứ trêu quần áo con mặc. Con chẳng mặc quần áo mẹ khâu nữa đâu. Mẹ mua cho con bộ quần áo mới đi.
Mẹ cười hiền từ nhìn mình thì thầm:
- Con chịu khó mặc lại quần áo của các cô các chú, mẹ sẽ khâu đẹp hơn. Bao giờ con lớn, mẹ sẽ cho con ăn diện nhất khu tập thể này.
Nói rồi mẹ lại ngồi chăm chú khâu cho mình cái váy đồng phục.
Ngày khai trường, các bạn mặc đồng phục áo trắng váy xanh đẹp ơi là đẹp. Chỉ riêng mình mặc cái áo trắng cháo lòng và váy xanh màu bộ đội. Cô giáo nói:
- Em không đóng tiền mua đồng phục à? Vậy đứng cuối hàng nhé, kẻo lớp mất điểm thi đua.
Về nhà nước mắt ngắn nước mắt dài, chỉ có mẹ là hiểu. Mẹ mua đền bù cho con gái miếng đu đủ. Mẹ bảo:
- Bữa nào thấy có miếng vải nào giống của các bạn, mẹ lại khâu cho con cái váy khác. Còn áo trắng, các con hay nghịch bẩn, đằng nào chẳng giống nhau.
…
Năm mình học cuối cấp II, mẹ về hưu non. Bố về mất sức. Chẳng còn biết sống kiểu gì. Bố không có ý định đi tìm việc làm. Bỏ mặc thùng gạo bao giờ vơi bao giờ đầy. Giấu tạm nỗi quyến luyến, mẹ lên Mộc Châu đi làm giúp việc cho anh trai cả. Ba năm sau mới về. Những năm tháng ấy, mình sắp thành một cô gái. Không còn chơi trò may quần áo cho 乃úp bê nữa, mà bắt đầu biết soi gương để tết hai bím tóc thật gọn gàng. Những biến đổi đầu tiên trong đời khiến mình hốt hoảng. Từ một hình chữ nhật trở thành hình cái lọ hoa, từ một nhúm cau trở thành cỡ bự, từ một… trở thành…, từ một… trở thành.
Học sinh ngày ấy tồ lắm. Mình mất chiếc dép do đi lội Hồ Tây còn đứng khóc cơ mà. Mình chưa nghĩ ra những bữa cơm no bụng hai bố con là tiền của mẹ. Mình chỉ biết không có mẹ ở bên, mà cũng không có ai đáng tin tưởng để mà hỏi: “Tại sao con thế này?”.
Mình chỉ biết nhìn trộm bạn gái cùng lớp để bắt chước. Trong lòng tự dưng lại giận mẹ đến vô cùng. Những bức thư mình viết cho mẹ, ngày càng giận dỗi. Mình hét lên trong thư: “Mẹ bỏ rơi con, con ghét mẹ”.
Cho đến khi mình cũng có một em bé của riêng mình, bỗng nhớ lại ngày ấy, chợt giật mình, không biết lúc ấy nước mắt mẹ nhiều đến ngần nào.
Hai năm sau, đúng ngày mồng một tháng mười một, đi học về đã thấy mẹ nằm ở giường, mình mừng rỡ chạy tới ôm lấy cổ mẹ. Thời gian xa cách quá nên không còn chỗ cho tự ái, mà chỉ còn chỗ cho nhớ nhung.
- Mẹ, mẹ về! Mẹ ơi, mẹ về từ lúc nào thế? Sao mẹ biết hôm nay mà về. Mẹ ơi, mẹ say xe à? Sao lại nằm mệt mỏi thế?
- Hôm nay á? - Mẹ lơ đãng hỏi lại - Hôm nay là ngày gì?
- Hôm nay là sinh nhật nó - Bố gắt.
- Mẹ, thế không phải hôm nay mẹ về vì sinh nhật bước sang tuổi mười tám của con ư? Mẹ, mẹ nỡ quên sinh nhật của con?
- Ừ, mẹ quên mất - mẹ mệt mỏi trả lời rồi nằm quay mặt vào trong tường.
Trời ơi, sự rạng rỡ, ánh mặt trời chói lọi trong tiềm thức của một đứa con thiếu mẹ như bị vụn vỡ. Mình bước thụt lùi khỏi cái giường rồi ngồi thụp xuống đất. Cái cảm giác bị ẩn lại phía sau, để trước mặt là tấm lưng của mẹ làm mình như rơi xuống một cái hố. Hố sâu đen ngòm toàn những mảnh sắc nhọn biết cứa đau. Mình thất vọng, cái thất vọng đổ xuống đè nát tất cả. Đè nát cả nỗi nhớ nhung mong ngóng mẹ trở về.
Mẹ… thế thì mẹ về làm gì? Mẹ có nhiều con để mà nhớ đâu. Không có mẹ con vẫn sống được mà. Không có mẹ, có lẽ đời con cũng khác rồi. Mẹ nghỉ ngơi rồi đi lúc nào cũng được. Mẹ đi đi. Cũng chẳng phải mẹ có nhớ sinh nhật con hay không, con chẳng cần. Nhưng con nghĩ, chẳng có người mẹ nào lại quên ngày mình đau đẻ. Gần ba năm mẹ đi, con chỉ có gửi thư đi mà chẳng có lấy một dòng nào trở lại. Con vẫn bền bỉ viết mà mong ngày hôm nay. Quần áo con rách, chẳng có tiền mua, tự cắt lại đồ của các cô các chú để may cho mình. Đi học mà như con hề ấy. Thế mà…
- Con kia, mày im đi.
Bố gào lên cáu giận. Hình như bố sắp đập vỡ một cái gì. Bố không cần phải đập, ở đây, trong tim này cũng đã vỡ rồi. Nước mắt mình không còn ri rỉ trên bờ má gầy gò nữa. Nước mắt trào rộng, nhòe nhoẹt trong tiếng nấc, mình òa khóc như một đứa bé 2 tuổi. Mình nhìn bố đầy trách móc, lao về phòng, đóng cửa đánh rầm. Và không còn muốn ai đến dự sinh nhật, chào đón tuổi mười tám nữa. Mình căm ghét tất cả những thứ thuộc về mình.
Mẹ lặng im, không nói. Cái khoảng không mẹ dành hết cho những giận dữ của mình. Nước mắt mình rơi, còn mẹ, mẹ quay mặt vào tường như thể ngủ. Nước mắt mẹ lặn trong lòng. Cô bé mới lớn làm sao hiểu nổi.
Ngày ấy, mình không biết rằng sau ba năm mẹ giúp đỡ hết lòng cho hai bác, đến khi mẹ bị tiểu đường, mọi sức lực mất hết, người chỉ như một cây rơm, bác dâu đưa cho mẹ mấy trăm nghìn và bảo mẹ về lại Hà Nội. Mẹ trở về như một… cái vỏ chanh.
…
Học hết lớp 12, bố mẹ ngẩng cao đầu với tất cả vì mình tốt nghiệp còn thiếu 1 điểm nữa thì được bằng giỏi. Những ngày tháng ôn thi đại học như những con thiêu thân tìm đường đến với cái đèn chụp muỗi. Mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng. Lớp ôn thi đại học xô bồ và ngổn ngang đủ mọi tầng lớp. Học 4h chiều mà phải mang quyển vở đến xí chỗ từ 9h sáng. Đấy là học ở Trung tâm Cửa Bắc. Còn ở trung tâm của Trường đại học Sư phạm thì ca này nối tiếp ca kia, chen nhau bẹp ruột. Nhưng nào ngờ, niềm tự hào của bố mẹ bị rơi xuống cái hang không đáy khi nghe tin mình trượt đại học. Mình cũng ngỡ ngàng không kém. Xót xa, rụng rời. Chẳng hiểu vì sao mình trượt.
Những năm 1998 - 1999 là những năm thì tuyển sinh đại học tiêu cực nhất trần đời, phải đến ba năm sau, báo đài mới nói nhiều. Nhìn lại mà xót xa nền giáo dục nước nhà.
Mẹ đi bán hàng ngoài hồ, bố ở nhà đập phá, chửi rủa. Bố bảo mình trượt đại học là bôi tro trát trấu vào mặt bố. Bố bảo mình là đồ ăn hại, chỉ ăn với chơi là giỏi thôi. Mình lặng lẽ đi quạt lò nấu cơm, nhưng khổ, lò mãi không bén lửa. Khói tùm lum. Bố điên tiết xông tới cầm chậu nhôm phang vào mặt con gái. Rồi đấm đá cho bõ ghét. Mình sợ hãi, chạy khỏi căn nhà. Chạy mãi, chạy mãi, ra đến chợ Bưởi, và… ngơ ngác không biết đi đâu về đâu.
Hai hôm sau, mình gọi về cho mẹ, mình khóc vì cả nhà chẳng thấy ai đi tìm. Mẹ giọng thẳng băng: “Con đi chán thì liệu mà về nhé! Mẹ không đồng ý con đi như thế đâu”, làm mình giận mẹ lắm. Mình đâu biết rằng bố nói dối mẹ, bố bảo nó bỏ sang nhà cái Lý chơi, giờ này vẫn chưa chịu về. Chắc mẹ cũng giận mình. Gì chứ mẹ nghiêm khắc lắm. Mà cũng may có cô bạn cho ở nhờ mấy hôm, không thì biết bấu víu vào đâu.
…
Cuối cùng, mình cũng đỗ đại học, có việc làm và đi lấy chồng. Mẹ lặng lẽ làm tất cả mọi thứ cho con đường mình đi được thuận buồm xuôi gió hơn. Mẹ vẫn ngồi khâu cho mình cái nút áo bị đứt, vẫn dặn mình về nhà chồng phải làm sao cho bố mẹ khỏi bận lòng. Hai tháng bỏ nhà theo chàng làm dâu làng Đông, là hai tháng mẹ sắp cơm vẫn lấy đủ 3 cái bát. Gạo vẫn đong hai bò rưỡi. Ngày thứ bảy chưa về thăm mẹ, sáng chủ nhật sang đã thấy mẹ tủi thân rơm rớm nước mắt rồi. Mẹ bảo: “Cả ngày hôm qua không làm gì cả, cứ ngồi ngóng tiếng xe của chúng mày”.
Mẹ ơi, biết đến bao giờ con mới trả hết được ơn sinh thành.
XUỐNG ĐÁY BIỂN SẼ MÒ THẤY NGỌC TRAI
Các cụ vẫn có câu: "lên voi xuống chó", nhưng chưa lần nào được "lên voi" thì mình đã phải "xuống chó rồi". Nói vậy có khi là bạc miệng, nặng lời quá với cuộc sống mà người ngoài nhiều khi nhìn vào và nói: "còn tốt chán!", song đúng là có những giai đoạn mình cảm thấy bí bách đến vô cùng. Chán ngán chỉ muốn nằm xuống, mặc kệ tất cả để buông xuôi.
Lấy chàng, tình yêu trong sáng bắt đầu được dán đè lên bởi những hóa đơn thanh toán, bởi những hớt hải lo đóng tiền ăn cho kịp dù chưa được lĩnh lương hay khoản nào đó hay ho. Lấy mình, chàng bắt đầu nghỉ việc ở Xuất nhập khẩu Đà Nẵng. Chàng tự ái sếp thì phải. Đàn ông hay thật, tinh thần bất khuất tự cường muôn năm. Tinh thần ấy thường được lên cao khi không nhìn thấy mấy cái nồi trong bếp của vợ. Chàng bắt đầu cà phê sáng với bạn bè và tham dự cơn lốc của chứng khoán trong những ngày lúc nào ti vi cũng cảnh báo là "bong bóng" sắp vỡ. Còn mình tối đến là ngồi ngẩn ngơ xem còn bao tiền trong nhà và phải chi tiêu những khoản gì đây.
- Em chẳng biết cái gì cả. Bây giờ à, ngoài sàn đến cả bà đi bán rau cũng nghỉ buổi chợ để tham gia cơ mà. Các bà ấy không biết khai gì trên tờ lệnh, phải nhờ người viết hộ mà vẫn xây được nhà to đấy.
- Em chả biết, nửa năm trước em có chơi chung với cái Thạch. Từ 20 triệu chẳng hiểu làm sao em chỉ còn 6 triệu. Ngẩn ngơ cả người! biết thế đắp vào người cho nó bổ béo. Em hết yêu chứng khoán rồi.
- Tại em ngu nên mới thế chứ. Lại tin bạn nữa. Riêng anh á, chỉ trong một tháng thôi anh sẽ sắm cho em xe tay ga là ít. Miễn là giờ em đưa thêm tiền đây cho anh. Tầm này mới trúng này.
- Chả cần. Em còn phải sinh con, còn phải có tiền dự phòng trong nhà. Công việc của em biết đến bao giờ mới được tăng lương nên chả có khoản nào nữa đâu.
Thế rồi ngày nào chàng cũng đi đi về về như thế. Nịnh nọt để xem mình còn khoản tiền nào thì lòi ra cho chàng. Chứng khoán tự dưng như một mẻ bạc lớn, mẻ bạc mà cả làng Đông hai số cuối không phải ai cũng chơi.
Cái ví cứ mỏng dẹp cho dù mới mười ngày kể từ ngày lĩnh lương, và rỗng tuếch khi nửa tháng đã qua. Nói với chàng, nhưng tai chàng ở cao quá không nghe thấy. Nói với ai bây giờ. Một buổi tối mẹ chàng lên phòng mình, mẹ biết chàng không có nhà. Mẹ mệt mỏi, nằm kềnh lên giường thở dài:
- Hừm, tháng này có vẻ chậm lượng quá nhể?
- À ... à vâng. Sáng mai con đi làm, chiều con mang tiền về gửi mẹ, mẹ nhé. Con cũng chưa lĩnh lương đâu, nhưng chắc con xin tạm ứng trước được.
- Ừ thì tôi có hỏi gì đến tiền ăn đâu. Chỉ hỏi chơi thế thôi. Dạo này tôi cũng thua kinh quá. Có mấy con le le đuổi mãi không về. Bây giờ mà bỏ thì mất hết, phải nuôi tiếp thôi. Cùng lắm hai ngày nữa là nó về. Tôi tính chán rồi, chẳng có con nào mà câm đến sáu ngày đâu.
Mình dạ mẹ mà lòng nặng trĩu. Mình chỉ biết còn mỗi một chỗ để đi, mặt mo cũng phải đi.
Tút... tút...
- Alô! Mẹ à!
- Mẹ ơi, con ngại quá nhưng vẫn phải hỏi mẹ.
- Mẹ cho con vay tạm 2 triệu để đóng tiền ăn, mẹ nhé. Con cảm ơn mẹ.
Nuôi cho lớn, cho ăn học, chẳng cho được đồng nào, giờ có con gái còn quay về vay tiền để đóng tiền ăn nuôi chồng nữa. Mẹ không than thở một lời nào, chỉ lặng lẽ rút hết những đồng tiền tiết kiệm phòng khi vào viện cho con gái. Thương mẹ rồi cũng thương thân mình biết bao nhiêu.
...
Mình bắt đầu phải làm thêm cho một công ty nữa. Học hỏi nhiều thứ hơn để cả hai bên công ty đều hoàn thành tốt công việc. Có khi chỉ vì đọc một cuốn sách cũng mất luôn mấy đêm để kịp buổi hội thảo. Chàng càu nhàu vì ánh đèn làm chàng khó ngủ, còn mẹ cho rằng con dâu hưu, đi tối đi ngày.
Công ty tổ chức triển lãm. Chẳng có ai được phép chỉ tay năm ngón, dù đó là người chịu trách nhiệm quản lý. Hôm sau khai mạc mà hôm nay vẫn bộn bề quá, leo trèo, bê vác... Mình cũng lao vào làm nốt cho nhanh để còn kịp về trước. 11 giờ đêm. Cái tối lạnh lẽo hắt vào mặt cơn mưa bụi khốn khổ. Mình rón rén mở cổng bước vào nhà. Mẹ đứng trong phòng nhìn mình qua khe cửa, chống hai tay vào mạn sườn, thở dài ngao ngán. Mẹ lắc đầu rồi đi ngủ tiếp. Chẳng biết mẹ có bao giờ tự đặt ra câu hỏi: "Vì sao con trai mình nằm khểnh chân xem bóng đá trong khi con kia giờ này mới về?", cho mình được hai chữ công bằng.
Công việ căng như dây đàn, lúc nào cũng ngổn ngang vội vã. Mình phải có một quyển sổ to để kê ra từ đầu giờ sáng hoặc từ hôm trước xem hôm nay có những việc gì kẻo quên mất. Cái đầu nhức như say xe, cổ họng khô cứng, nôn nao, bước xuống cầu thang mệt lử. Bà chị ở cơ quan bảo:
- Hay là mày có bầu?
- Đâu mà, chắc tại em mệt thôi.
- Thử đi. Bây giờ hiện đại tiên tiến, tội gì mà không áp dụng. Mày cứ vô tâm thế bảo sao trông xấu. Cả đời chả thấy son phấn bao giờ.
- Vâng, thế để mai em đi khám. Chắc đi khám sẽ xinh hơn đấy chị nhể.
Nói rồi cả hai chị em cùng cười. Nụ cười tươi méo xẹo của mình lo lắng một hi vọng.
...
Hai tuần sau.
Một buổi sáng, bước xuống cầu thang đi làm, mọi thứ mờ mịt trong những đường bay của con đom đóm. Đầu nhức như 乃úa bổ. Sém tí nữa mình trồng cây chuối trên cầu thang. May cái lan can giúp đỡ, mình chỉ xây xước ngoài da. Chàng bảo:
- Mai anh đưa em đi khám nhé, nhìn mặt em chẳng có hột máu nào.
- Thôi, chắc em thiếu ngủ thôi mà. Chắc ăn thì anh mua cho em một que thử, hết có mười nghìn. Chứ đi khám chưa gì đã mất bốn mươi nghìn rồi, chưa kể đủ thứ thuốc. Phải tiết kiệm, anh ạ.
Vẫn biết cả làng đang đồn là mình tịt, vẫn biết ai cũng ngóng chờ, nhưng lúc này khi mà mọi thứ chỉ có đôi vai mình gồng gánh thì hi vọng kia bỗng trở nên nặng nề.
...
Sáng, cánh cửa buồng tắm mở, mình lay chàng dậy thật gấp. Cái mặt mình hơn hớn chỉ để báo một tin trọng đại:
- Anh ơi, mừng quá, hai vạch này.
- Ừ.
- Ơ kìa, anh được làm bố rồi đấy. Em cứ lo lắng, nhưng giờ nhìn thấy cái vạch này không hiểu vì sao em vui thế chứ. Chúng mình phải ăn mừng thôi anh.
- Ừ, anh biết rồi. Để yên cho anh ngủ. Hôm qua xem bóng đá suốt đêm.
Mình đang vui nên không giận chàng. Chỉ tiếc tại sao chàng không ôm lấy mình mừng rỡ như mấy bộ phim ti vi vẫn chiếu. Khi đi lấy chồng, mình cứ tưởng với đứa con đầu lòng chàng cũng mừng, ít nhất là cầm tay cảm ơn mình một câu. Có lẽ phim luôn chỉ là phim thôi.
Mình cứ lo sợ có con lúc này làm mình không đủ sức gánh kinh tế. Nhưng giờ tự dưng thấy tự hào về bản thân quá. Mình là đấng sinh thành, mình sắp có một em bé, một em bé biết ôm cổ mình thì thầm: "Con yêu mẹ".
Lao xuống tầng một, nắm lấy tay mẹ chồng, mình reo lên:
- Mẹ ơi, con có bầu rồi.
- Ừ! có thế chứ. Tôi lại cứ tưởng cô tịt!
Mẹ vẫn giữ được vẻ mặt không chút thay đổi tí nếp nhăn, chẳng như mình cứ hớn hở tứ tung. Ôi trời, giật cả mình. Biết vậy chẳng chạy xuống nữa. Đứa cháu đầu lòng của mẹ mà không có tác dụng gì ư? Thế nếu tịt thật thì thế nào nhỉ? Nhưng thôi, phải gọi điện về cho mẹ yêu thôi.
Cuối cùng cũng có người teo lên với mình qua điện thoại. Cuộc sống ơi, hình như có tia nắng nào đó cho lòng này thêm ấm rồi.
...
Nhìn lại những ngày nặng nề, mình không còn thấy ngao ngán mệt mỏi mà trầm uất nữa. Mẹ vẫn luôn dạy mình phải bao dung cho mọi thứ cơ mà. Cái cảm giác như "xuống chó" tự dưng nhẹ hẫng, chỉ như bị ngã xuống một đáy biển tối thôi. Nhưng biển sẽ lại trả về cho mình hậu hĩnh hơn vì mình thật can đảm. Biển trả về cho mình một viên ngọc trai quý. Một sinh linh bé nhỏ ở trong lòng.