Con người khó tránh việc mắc lỗi, cần thành khẩn khi xin lỗiChúng ta khó tránh khỏi việc phạm lỗi khi giao tiếp với người khác, chỉ cần nhận ra, thành khẩn xin lỗi và thay đổi thì người khác sẽ tha thứ. Do đó, nắm vững nghệ thuật xin lỗi rất có lợi cho hoạt động xã giao.
Xin lỗi: Bí quyết của giao tiếp thành công
Lẽ nào biết cách xin lỗi thì có thể thành công? Nói như vậy liệu có quá lời? Thực ra, biết cách xin lỗi đương nhiên không chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại. Nhưng nếu muốn đạt thành tựu trong sự nghiệp, bạn phải học cách xin lỗi.
Lincoln là một trong những Tổng thống nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Khi còn là một luật sư, lời nói của ông rất có sức mạnh. Nhưng do tuổi trẻ bồng bột nên đã mắc lỗi với không ít người.
Có một lần, một người đã rất tức giận sau khi bị Lincoln mắng nên muốn quyết đấu với ông. Nhờ có mọi người khuyên can, cộng thêm lời xin lỗi của Lincoln nên cuộc quyết đấu được hủy bỏ. Chuyện này đã khiến Lincoln hiểu ra rằng, làm người không nên quá khoa trương, không nên chỉ biết chỉ trích, phê bình người khác, nếu không sẽ phải chịu thiệt.
Thế nhưng thói quen chỉ trích của Lincoln đã ăn vào máu, muốn thay đổi không phải chuyện dễ. Sau này lại xảy ra một xung đột khác: Trước mặt rất đông người, Lincoln đã mắng té tát một nghị sĩ, thậm chí còn khiến người này bật khóc.
Sau khi mắng xong, Lincoln cảm thấy rất hối hận, ông vừa tự trách mình, vừa suy nghĩ tìm cách để xin lỗi người kia. Sau khi đấu tranh tư tưởng, Lincoln hạ quyết tâm sẽ tới xin lỗi người nghị sĩ đã bị ông mắng. Mặc dù đối phương không chấp nhận lời xin lỗi của Lincoln ngay, nhưng hành động của người đó thể hiện mâu thuẫn giữa hai người đã được gỡ bỏ, ông đã bớt đi được một kẻ thù trên chính trường.
Sau những chuyện này, Lincoln đã trưởng thành hơn. Bản thân ông cũng biết, muốn tiến bước trên con đường chính trị thì ông phải có nhiều bạn bè và ít kẻ địch. Về sau này, mặc dù có những lúc xung đột với người khác, nhưng ông đều xin lỗi ngay. Thói quen này đã giúp Lincoln cải thiện các mối quan hệ, đoàn kết sức mạnh chính trị, tạo cơ sở vững chắc để trở thành Tổng thống.
Đối với những người bình thường, việc xin lỗi mặc dù không giúp chúng ta trở thành người thành công, nhưng nó mang lại không ít cơ hội, giúp chúng ta thoát khỏi khó khăn và tránh được nhiều trở ngại trên con đường đi tới thành công.
Do đó, muốn trở thành một người thực sự thành công, bạn bắt buộc phải học nghệ thuật xin lỗi.
Xin lỗi phải chủ động
Khi giao tiếp, những người trẻ tuổi khó tránh khỏi việc nói sai, làm sai, thậm chí là đắc tội với người khác. Nếu sau khi phạm lỗi, chúng ta kịp thời nhận ra và thành khẩn xin lỗi, chủ động chịu trách nhiệm, thì chúng ta sẽ được đối phương tha thứ. Nếu bạn nhận ra lỗi sai nhưng không kịp thời xin lỗi mà chỉ tìm lí do để biện minh, kết quả không những không được tha thứ mà còn làm tổn hại tới hình tượng và nhân cách của chính mình. Vì thế, không được coi nhẹ tác dụng của lời xin lỗi.
Xin lỗi không chỉ là nhận lỗi, mà còn là dũng cảm chịu trách nhiệm về lỗi sai do mình gây ra. Lời xin lỗi thể hiện bạn rất coi trọng các mối quan hệ, và còn giúp hàn gắn, tăng cường tình cảm giữa hai bên.
Chính vì vậy, khi xin lỗi, chúng ta nhất định phải tôn trọng các nguyên tắc sau.
(1) Thái độ nhất định phải thành khẩn
Khi xin lỗi ai đó, ánh mắt không nên nhìn xuống, hãy ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào đối phương, như vậy người đó mới hiểu được sự chân thành của bạn.
(2) Tỏ ra bình thường
Kịp thời nhận lỗi và xin lỗi là một đức tính tốt đẹp, một hành động đáng trân trọng. Vì thế, bạn không nên né tránh, cũng không nên quá khoa trương khi xin lỗi, bởi như vậy sẽ khiến người khác không những không chấp nhận lời xin lỗi của bạn, mà thậm chí còn cảm thấy bạn giả tạo.
(3) Tốc độ kịp thời
Nếu bạn không thể xin lỗi ngay sau khi phạm lỗi, thì cũng nhất định phải nhanh chóng tìm cơ hội thích hợp thể hiện sự hối lỗi của mình.
Rất nhiều người khi làm sai việc gì đó đều đưa ra nhiều lí do biện minh để tự bảo vệ mình, cũng có những người nhất định không chịu nhận lỗi. Làm như vậy, hiệu quả sẽ không tốt. Khi làm sai, điều quan trọng nhất là phải nhận lỗi. Chỉ có dũng cảm nhận lỗi sai mới có thể khiến người khác khoan dung độ lượng bỏ qua cho bạn.
Xin lỗi thế nào để có hiệu quả nhất
Phạm lỗi thì phải xin lỗi, đây là điều nên làm và nhất định phải làm cho tốt. Chỉ có nắm chắc kĩ năng xin lỗi mới dễ được đối phương lượng thứ.
(1) Nói xin lỗi trước
Khi bạn xin lỗi ai đó, nên diễn đạt ngắn gọn nguyên nhân, không nên giải thích nhiều, càng đơn giản càng hiệu quả.
(2) Nghiêm túc lắng nghe phản ứng của đối phương
Khi xin lỗi, phải thể hiện bạn rất để ý tới cảm nhận của người đối diện, cũng rất muốn nghe họ nói về suy nghĩ của họ. Khi đối phương nói xong, tuyệt đối không nên tranh luận hoặc biện hộ. Nếu đối phương vẫn còn suy nghĩ muốn nói, hãy để người đó nói hết. Bạn phải học cách nhẫn nại, bởi vì sự nhẫn nại sẽ tránh được rất nhiều
việc không vui.
(3) Hạ mình một cách hợp lí
Khi phạm lỗi, cho dù trong cuộc sống hay trong công việc, lúc xin lỗi, hãy nhớ tự phê bình mình một cách hợp lí, thừa nhận mình đã làm không tốt, đồng thời có thể sử dụng một số tính từ xấu để nói về lỗi của mình. Khi bạn nhận lỗi và tích cực thay đổi mình, bạn sẽ được tha thứ.
Tự trách mình trước
Nhà hùng biện Carnegie thường dắt chó đi dạo trong công viên. Do trong công viên có ít người, hơn nữa chú chó lại rất hiền, chưa cắn ai bao giờ, nên ông không dùng dây xích hoặc rọ mõm cho chó.
Một ngày, ông và chú chó của mình gặp một nhân viên bảo vệ trong công viên, người nhân viên hỏi Carnegie: “Tại sao anh không rọ mõm hoặc xích chó? Lẽ nào anh không biết thế là vi phạm quy định?”
“Tôi biết”, Carnegie hạ giọng: “Nhưng tôi nghĩ nó sẽ không cắn ai cả”
“Anh nghĩ ư? Pháp luật không cần biết anh nghĩ gì. Lần này tôi không truy cứu, nhưng lần sau mà tôi còn gặp tình trạng này, anh sẽ phải giải quyết vấn đề ở tòa án.”
Carnegie không muốn phạm luật, nhưng chú chó của ông không thích rọ mõm. Một buổi chiều, ông lại đưa chó vào công viên. Đột nhiên, ông nhìn thấy nhân viên an ninh hôm trước đi về phía mình.
Carnegie cảm thấy sự việc rất tồi tệ, ông quyết định sẽ giải thích nên mở lời trước: “Thưa ông, lần này tôi lại mắc lỗi. Tuần trước ông đã cảnh cáo tôi, nhưng tôi lại đưa chó ra ngoài mà không rọ mõm cho nó, ông hãy phạt tôi đi.”
“Tôi biết rồi”, người nhân viên an ninh nhẹ nhàng nói: “Tôi biết khi không có người, chẳng ai muốn ép buộc con vật cưng của mình làm gì.”
“Đúng là như vậy, nhưng tôi đã phạm luật”, Carnegie trả lời.
“Thực ra thì sự việc cũng không quá nghiêm trọng, hay là thế này, chỉ cần anh cho chó chạy chơi ở chỗ vắng người, ở nơi tôi không trông thấy là được”.
Trong ví dụ này, để tránh bị phạt, Carnegie đã dùng cách tự trách mình trước, khiến nhân viên an ninh nọ cảm thấy ông ta được tôn trọng mà khoan dung độ lượng bỏ qua.
Khi bạn mắc lỗi và biết sẽ bị người khác chỉ trích, trước tiên hãy tự phê bình mình. Khi đối phương thấy bạn kịp thời nhận lỗi thì sẽ không trách mắng bạn nữa và sẽ lượng thứ cho bạn. Nếu có yêu cầu với đối phương, bạn có thể mở đầu bằng cách nói: “Xin lượng thứ cho yêu cầu của tôi”, “Tôi nói những lời này có thể hơi mạo muội”, “Lời tôi nói có thể hơi quá đáng”… Lúc đó, cho dù lời nói của bạn có khiến đối phương không thích, nhưng họ sẽ không vì thế mà trách cứ bạn. Nếu sử dụng lặp đi lặp lại sẽ càng có hiệu quả, đối phương sẽ lắng nghe và chấp nhận yêu cầu của bạn.
Lời xin lỗi phải đơn giản, chính xác
Khi giao tiếp hoặc khi kể chuyện gì đó với người khác, ngôn ngữ nhất định phải
đơn giản, không nên quá phức tạp. Một người có tài ăn nói, chỉ với vài câu nói đơn giản đã có thể diễn đạt rõ ràng suy nghĩ của mình.
Ngôn ngữ khi xin lỗi cũng phải đơn giản, rõ ràng và chính xác. Mặc dù thể hiện thành ý bằng lời nói, nhưng lời nói nhất định phải đơn giản, không nên nói nhiều.
Do bị bệnh từ nhỏ nên Lương bị tật ở chân, việc đi lại rất bất tiện nên anh cảm thấy vô cùng tự ti, mặc cảm. Trong một lần quá chén, đồng nghiệp của Lương là Hoàng đã bắt chước dáng đi của anh trước mặt mọi người, việc này khiến Lương rất xấu hổ.
Ngày hôm sau khi đã tỉnh rượu, Hoàng ý thức được hành động của mình hôm qua là quá đáng, bèn tìm đến Lương và nói: “Hôm qua tôi đã sai, tôi uống quá chén nên không kiểm soát được mình, tôi đã làm tổn thương anh, thật đáng xấu hổ.”
Nếu Hoàng chỉ nói đến đó, có lẽ Lương sẽ lượng thứ cho anh. Nhưng Hoàng lại tiếp tục nói: “Anh biết đấy, tôi chưa bao giờ kì thị người tàn tật. Hôm qua đúng là tôi uống say, muốn mọi người vui vẻ nên đùa một chút. Nói thật, anh hàng xóm cạnh nhà tôi cũng bị tàn tật, nhưng tôi chưa bao giờ trêu anh ấy, quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Tàn tật chẳng có gì đáng lo cả, vẫn có thể nói điều muốn nói và làm việc muốn làm…”
Hoàng chưa nói hết, Lương đã tức giận bỏ ra ngoài khiến Hoàng bối rối tự hỏi:
“Mình có lòng xin lỗi, nhưng tại sao anh ấy lại bỏ đi khi mình chưa nói xong?”.
Càng nói nhiều càng dễ mắc lỗi, việc xin lỗi cũng không ngoại lệ. Thực tế, xin lỗi là một cách để cứu vãn mối quan hệ giữa bạn và người khác, nếu nói quá nhiều khi xin lỗi, sẽ khiến tâm trạng đối phương càng tồi tệ hơn và lời xin lỗi sẽ mất đi ý nghĩa vốn có.
Ngoài ra, khi xin lỗi, dù nói nhiều hay ít cũng phải nói bắt đầu từ lỗi của mình, không nên giải thích về khuyết điểm của đối phương, nếu không sẽ gây hậu quả không tốt.
Vì thế, khi xin lỗi, nhất định phải nói đơn giản, rõ ràng, nói đúng trọng điểm, không nói nhiều và dài dòng. Khi xin lỗi không cần phải diễn giải nhiều, chỉ cần nói rõ bạn biết lỗi và hi vọng đối phương bỏ qua cho bạn là được. Nếu nói nhiều, sự việc sẽ càng trở nên phức tạp.
Đương nhiên, khi xin lỗi, chúng ta phải quan sát phản ứng của đối phương, nắm chắc thời cơ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Khéo léo xin lỗi khi bị lãnh đạo chỉ trích
Có lúc chúng ta sẽ phạm lỗi trong công việc và bị lãnh đạo chỉ trích. Khi mắc lỗi, hãy thành khẩn xin lỗi lãnh đạo và hứa sẽ thay đổi, khắc phục lỗi gây ra, như vậy mới được lãnh đạo lượng thứ và không gặp trở ngại trong công việc.
Chúng ta nên biết, khi bị lãnh đạo phê bình, nên có sự tiếp thu và thay đổi. Hãy thử tưởng tượng, sau khi tiếp nhận lời phê bình của lãnh đạo, nếu cấp ưới không tiếp thu và vẫn không chịu thay đổi cách làm việc thì lãnh đạo sẽ nghĩ thế nào? Họ sẽ nghĩ bạn không có thái độ hợp tác.
Vì thế, khi bị lãnh đạo chỉ trích hay phê bình, không nên biện hộ, tranh luận, cũng không nên không có phản ứng gì. Cách tốt nhất là xin lỗi. Khi xin lỗi, bạn hãy thể hiện thành ý, tiếp thu ý kiến cấp trên, nhận trách nhiệm và nói ra suy nghĩ về việc giải quyết vấn đề. Như vậy, lãnh đạo sẽ cảm thấy bạn là người có tinh thần hợp tác và có
triển vọng trong công việc.
Lí thuyết có thể rất hay, nhưng vận dụng thực tế mới là điều phức tạp. Hãy dùng lời xin lỗi khiến lãnh đạo của bạn cảm động, chỉ có hiểu nguyên nhân của lời phê bình, bạn mới có thể tìm ra phương thức ứng phó chính xác.
Lời phê bình của lãnh đạo với cấp dưới chủ yếu là do nguyên nhân cấp dưới mắc lỗi trong công việc. Khi gặp tình huống này, đưa trọng điểm xin lỗi vào phương pháp giải quyết vấn đề là sự lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, hàm nghĩa của lời phê bình có thể không chỉ đơn giản như vậy. Có lúc, lời chỉ trích của lãnh đạo với cấp dưới tưởng như không có lí, nhưng thực tế lại có hàm ý thâm sâu.
Ví dụ, lãnh đạo có thể mượn lời phê bình để nói với bạn không nên quá tự đại, vấn đề không nhẹ nhàng như bạn nghĩ. Hiểu rõ ý đồ này, khi xin lỗi, bạn có thể thuận theo suy nghĩ của lãnh đạo để tìm hiểu thêm về cách thức giải quyết vấn đề, đồng thời thể hiện sự khiêm tốn, xin lãnh đạo góp ý cho mình.
Ngoài ra, lời phê bình của lãnh đạo còn nhằm thể hiện uy tín và sự nghiêm khắc của người đó. Khi gặp tình huống này, bạn nên thể hiện thái độ tôn kính. Khi nói xin lỗi với lãnh đạo, thái độ tôn kính sẽ khiến đối phương thỏa mãn tâm lí tìm kiếm sự uy nghiêm, từ đó chấp nhận lời xin lỗi của bạn.
Nói tóm lại, căn cứ vào các tình huống khác nhau để đưa ra cách thức xin lỗi phù hợp. Hãy khéo léo sử dụng lời xin lỗi khiến đối phương cảm động và biến lời chỉ trích thành động lực giúp bạn phát triển, nâng cao bản thân.
Lãnh đạo biết xin lỗi càng có uy tín
Để giữ hình tượng và sự tôn nghiêm của mình, cho dù mắc lỗi, các lãnh đạo cũng rất khó nói lời xin lỗi với nhân viên. Thực tế, nếu người lãnh đạo nắm được nghệ thuật xin lỗi thì không chỉ có được mối quan hệ gần gũi với cấp dưới, mà còn có lợi cho việc xây dựng uy tín, khiến cấp dưới thấy rằng bạn là người thẳng thắn, có trách nhiệm. Khi cấp dưới mắc lỗi, thì đó cũng là cái sai của lãnh đạo. Bởi một trong những nghĩa vụ của lãnh đạo là chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm việc. Trong tình huống này, nhận lỗi với cấp dưới sẽ có hiệu quả tốt hơn so với việc chỉ trích họ.
Thời kì nội chiến Hoa Kỳ, vào thời điểm quan trọng thì nhà đại tá Scott thuộc quân Bắc xảy ra chuyện không hay – vợ ông không may qua đời, ông hi vọng đơn vị phê chuẩn cho mình về nhà lo tang lễ.
Đương nhiên, yêu cầu này đã bị cấp trên từ chối. Scott cảm thấy tức giận, ông cho rằng đơn vị đã vi phạm nhân quyền. Vì thế ông đã đề nghị lên Bộ trưởng Lục quân nhưng vẫn bị từ chối. Trong tình huống đó, ông đành phải nhờ đến Tổng tư lệnh Lincoln.
Khi Scott đề đạt yêu cầu của mình với Lincoln, không ngờ lại bị Lincohn trách mắng: “Mỗi ngày tôi có biết bao nhiêu việc phải làm, vậy mà chỉ vì chuyện nhỏ này lại làm phiền tôi. Nếu anh muốn về nhà, hãy tìm Bộ trưởng Lục quân! Chuyện này do ông ta giải quyết!”
“Thế nhưng tôi đã bị từ chối, Tổng thống, ngài là hi vọng cuối cùng của tôi.”
“Ông ta đã từ chối rồi, vậy anh còn đến đây tìm tôi làm gì? Hơn nữa tôi rất bận rộn, không có thời gian giải quyết chuyện này.”
Câu trả lời vô tình của Lincoln đã khiến Scott mất hết hi vọng. Ông trở về doanh trại trong tâm trạng không vui và oán trách cấp trên.
Sáng hôm sau, Scott nghe nói có người đến tìm mình, thì ra đó là tổng thống Lincoln. Vừa nhìn thầy Scott, Lincoln bước tới nắm tay và nói: “Đại tá thân mến, hôm qua thực sự tôi đã không phải với anh, bận rộn cả ngày nên tâm trạng tôi không được tốt và nói những lời khó nghe. Mong anh bỏ qua cho tôi, bởi tôi không có lí do gì để trách mắng một người đang cống hiến, hi sinh vì đất nước. Về yêu cầu được về nhà của anh, tôi đã thảo luận với Bộ trưởng Lục quân. Bây giờ anh có thể thu dọn hành lí về nhà.”
Nhận được lời xin lỗi của Lincoln, Scott rất xúc động. Nỗi thất vọng và sự oán trách của một ngày trước bỗng dưng tiêu tan hết.
Từ trước tới nay, chúng ta luôn tư duy rằng, lãnh đạo không phải xin lỗi cấp dưới, cha mẹ không phải xin lỗi con cái. Bởi trong mắt nhiều người, xin lỗi là biểu hiện của kẻ yếu, sẽ làm tổn hại tới uy tín của bản thân.
Thực ra xin lỗi có thể giúp bạn nhận được sự thông cảm, ủng hộ và giành những thành tích lớn hơn. Lời xin lỗi của Lincoln không những không làm tổn hại tới sự tôn nghiêm của ông mà còn khiến người khác thấy được ông là người thẳng thắn và khoan dung.
Do đó, một người lãnh đạo biết cách quản lí nhân viên sẽ không bao giờ tiếc một câu xin lỗi. Khi câu nói này được chuyển tới cấp dưới, hiệu quả mà nó mang lại sẽ vô cùng bất ngờ.
Xin lỗi cấp dưới có thể giúp lãnh đạo củng cố uy tín và nâng cao sức hút nhân cách. Nếu đa số lãnh đạo trên thế giới không muốn nhận lỗi với cấp dưới, mà bạn lại làm được điều này thì bạn sẽ trở thành bậc “minh quân” trong mắt mọi người. Bởi khi bạn thừa nhận mình có lỗi và kịp thời sửa đổi, sức hút nhân cách của bạn sẽ khiến các nhân viên cấp dưới vui vẻ, tình nguyện làm việc cho bạn.
Lời xin lỗi của lãnh đạo còn có thể mang lại cảm giác an toàn cho nhân viên cấp dưới, ngoài ra, còn có thể tạo hiệu quả tốt đẹp bất ngờ.
Có một ông chủ công ty bị thất lạc một văn bản quan trọng, mặc mặc dù đã tìm khắp nơi nhưng không thấy nên ông trách mắng thư kí của mình. Một tuần sau, ông phát hiện ra tập văn bản đó trong ngăn kéo ở nhà mình. Theo lí thì ông phải xin lỗi người thư kí, nhưng ông cảm thấy rất ngại. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, ông quyết định sẽ vẫn xin lỗi người thư kí. Ông nghĩ, nếu mình không nhận lỗi sai, sau này sẽ khó quản lí nhân viên cấp dưới. Đương nhiên, sau khi nhận lời xin lỗi từ ông chủ, người thư kí cảm thấy được trân trọng nên càng nỗ lực làm việc hơn và luôn cố gắng để không phạm lỗi.
Trong ví dụ trên, lời xin lỗi của ông chủ đã khiến người thư kí cảm động, việc ông tự nhận lỗi không chỉ được nhân viên kính trọng mà còn là hành động làm gương cho mọi người, tạo ảnh hưởng tích cực trong công việc.
Nếu ông chủ trong câu chuyện trên không xin lỗi người thư kí, khi sự việc bị lộ ra sẽ có ảnh hưởng xấu và khiến ông bị mất tín nhiệm. Ngược lại, việc ông thẳng thắn nhận lỗi đã để lại ấn tượng tốt đẹp.
Tóm lại, là một lãnh đạo, bạn phải có tấm lòng khoan dung và thái độ khiêm tốn, như vậy mới tạo được uy tín và được lòng nhân viên cấp dưới.