Khéo ăn nói khi nhờ người khác giúp đỡKhông ai có thể tồn tại độc lập trong xã hội, có một số việc nếu chỉ có một mình sẽ không thể hoàn thành được mà cần sự giúp đỡ của người khác. Do đó, chúng ta không thể tránh việc mở lời xin trợ giúp, việc này yêu cầu chúng ta phải biết cách ăn nói, ngôn ngữ hay mới có thể lay chuyển người khác.
Thể hiện ý đồ một cách phù hợp
Mở lời nhờ người khác giúp đỡ cũng là một nghệ thuật. Làm thế nào để người đó vui vẻ giúp đỡ bạn? Việc này yêu cầu bạn phải nắm chắc các kĩ năng tìm hiểu về con người để nâng cao khả năng trong việc thuyết phục người khác.
Nắm được đặc điểm tính cách của người mà bạn định nhờ giúp đỡ
Khi nhờ người khác làm việc gì đó, trước tiên phải tìm hiểu tính cách người đó. Đối với một số nhân vật đặc biệt, ví dụ những người quá công minh hoặc kiêu ngạo, muốn người đó giúp đỡ, bạn phải tìm hiểu kĩ đặc điểm tính cách của đối phương để từ đó tạo bước đột phá.
Thời Chiến quốc, Trương Nghĩa đến nước Sở xây dựng sự nghiệp từ lúc còn rất trẻ nhưng không giành được thành tựu gì, cuộc sống rất khó khăn. Một số người có hoàn cảnh giống như ông muốn rời khỏi nước Sở, nhưng không có đủ điều kiện vật chất. Trương Nghĩa thấy vậy, bèn nghĩ ra một cách kiếm tiền cho mọi người.
Nhằm thu hút sự chú ý của Sở Hoài Vương, Trương Nghĩa đã âm thầm quan sát và cuối cùng cũng nghĩ ra một cách. Sở Hoài Vương rất háo sắc, người được sủng ái nhất bên cạnh ông là Nam Hậu và Trịnh Tụ.
Một ngày, Trương Nghĩa nói với Sở Hoài Vương: “Tôi đến nước Sở đã lâu, nhưng chẳng có thành tựu gì đáng kể, tôi định tới tìm vận may ở nước Phổ, không biết ý đại vương thế nào?”
Sở Hoài Vương vốn không thích Trương Nghĩa, nghe ông nói muốn đi bèn lạnh lùng đáp: “Tùy ông thôi.”
Trương Nghĩa nói: “Đại vương, ông thích gì ở nước Phổ để tôi mang về?”
“Không cần gì cả”, Sở Hoài Vương lạnh nhạt. Trương Nghĩa sớm biết Sở Hoài Vương là người háo sắc nên cố tình nói: “Vậy mĩ nữ thì sao? Đại vương nhất định sẽ thích.”
Sở Hoài Vương sáng mắt: “Chuyện này ta quên mất, may mà ông nhắc tới! Ta cho ông một khoản tiền, hãy mang vài cô gái đẹp về đây.”
Sau khi nhận tiền xong, Trương Nghĩa cố tình truyền tin này ra ngoài. Không lâu sau, sự việc đến tai Nam Hậu và Trịnh Tụ. Hai người đã rất lo sợ khi nghe thông tin
này, bèn sai người đến chỗ Trương Nghĩa và nói với ông: “Chúng tôi nghe nói ngài định tới nước Phổ mua đặc sản nên tặng ngài chút tiền coi như là lộ phí”. Như vậy, Trương Nghĩa đã kiếm được không ít tiền.
Trương Nghĩa đã nắm được đặc điểm háo sắc của Sở Hoài Vương, lại lợi dụng được tâm lí của Nam Hậu và Trịnh Tụ, một mũi tên trúng hai đích, ông đã kiếm được một khoản tiền lớn.
Thăm dò đối phương qua lời nói, sắc mặt
Có câu nói “Ra cửa xem sắc trời, vào nhà xem sắc mặt”. Xem sắc trời có thể là xem thời tiết nóng hay lạnh. Còn xem sắc mặt là quan sát tâm trạng, cảm xúc của người khác. Biết cách thăm dò thái độ qua lời nói, sắc mặt sẽ giúp bạn hiểu tâm lí đối phương, là cơ sở quan trọng khi muốn nhờ ai đó giúp đỡ.
Quan sát người khác, đầu tiên phải chú ý sắc mặt, các tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố rất dễ được biểu lộ qua khuôn mặt. Cũng phải chú ý đến những thông tin được truyền đạt qua hành động cơ thể. Ví dụ, một người hơi cúi về phía trước, thể hiện người đó sắp từ chối một việc gì đó. Còn nếu một người cúi đầu im lặng bước đi, họ có thể vừa trải qua thất bại. Một người ngẩng cao đầu bước đi khoan thai thể hiện sự tự tin. Còn khi cười tủm tỉm, có thể người đó đang có chuyện vui.
Đương nhiên, khi tìm hiểu đối tượng, không thể chỉ dừng lại ở quan sát bên ngoài mà còn phải đi sâu vào lời nói, hành động, như vậy mới có thể thành công.
Sau đây là một câu chuyện của Đại thái giám Lí Liên Anh.
Một ngày, Từ Hi Thái Hậu xuất cung. Khi đi qua phủ Lí Liên Anh, nhìn thấy trên cửa có tấm bảng với dòng chữ “Tổng quản Lí phủ”, Từ Hi tỏ nét mặt không vui. Lí Liên Anh thấy sắc mặt Thái hậu, trong lòng ông hiểu rõ: Mặc dù mình là Thái giám tổng quản, nhưng tấm biển đó có phần khoa trương. Nếu một ngày nào đó Từ Hi Thái Hậu không vui, dùng việc này gây rắc rối cho ông, sợ rằng ông sẽ bị nguy hiểm. Lí Liên Anh đợi khi Thái hậu hồi cung mới lập tức quay về nhà gỡ tấm biển xuống và xóa dòng chữ đi. Sau đó ông vào cung gặp Từ Hi và nói: “Do nô tài không thường ở nhà, người nhà không biết nên treo tấm biển “Tổng quản Lí phủ” lên trước cửa. Nô tài vừa về và tháo tấm biển xuống, xóa dòng chữ đi”. Từ Hi Thái Hậu vốn trong lòng không vui, muốn nhân chuyện này trách mắng Lí Liên Anh. Nhưng nghe ông nói vậy, Thái hậu không trách nữa và cũng không truy cứu thêm về chuyện này.
Cho dù lịch sử đánh giá Lí Liên Anh thế nào, nhưng câu chuyện này đã cho thấy ông là một người rất giỏi thăm dò thái độ người khác thông qua sắc mặt.
Khi nhờ người khác giúp đỡ, bạn phải chú ý một số điểm sau:
(1) Kịp thời nắm bắt nhu cầu tâm lí và tình cảm của đối phương. Ví dụ, khi đối phương đang nói chuyện với bạn mà không ngừng xem đồng hồ, điều đó chứng tỏ họ có việc bận. Trong tình huống này, bạn không nên nói ra yêu cầu của mình. Nếu đối phương nhiệt tình nói: “Xin lỗi, hôm nay tôi có việc bận, nhưng vẫn còn thời gian, cứ nói đi…”. Lúc này, bất luận đối phương có nhiệt tình thế nào, bạn cũng không nên nói ra, hãy chủ động cáo từ. Nếu bạn không hiểu rõ tâm lí đối phương thì hãy chờ đến khi thời cơ thích hợp, nhanh chóng và quyết đoán nói ra vấn đề của mình để đạt được mục đích, tránh bỏ lỡ thời cơ vì do dự.
(2) Trong khi thăm dò thái độ đối phương, không nên phạm vào những điều mà họ cấm kị, nếu không, chuyện đơn giản sẽ trở nên khó giải quyết. Đối với những
người cởi mở, thích giao tiếp, thì cho dù phải tiếp xúc với người lạ, cũng không vấn đề gì. Nhưng với những người có tính cách hướng nội, thì rất dễ gây ra ảnh hưởng không tốt. Do đó, khi gặp những người hướng nội, nên nói chuyện trong không gian yên tĩnh mới dễ dàng đạt mục đích thuyết phục.
(3) Khi nhờ người khác giúp đỡ, tuyệt đối không nên chỉ nói đến việc của mình, và nói những từ như “Xin hãy giúp đỡ”, như vậy sẽ vô tình tạo ra áp lực.
Chính vì thế, nhờ người khác giúp đỡ là một việc rất phức tạp, nhất định phải học cách thăm dò thái độ đối phương để nắm bắt thời cơ thích hợp. Khi trình bày phải rõ ràng mạch lạc, không quanh co hoặc nói không rõ ràng.
Sử dụng lời nói khích bác thay vì nhờ vả trực tiếp
Khi nhờ người khác giúp đỡ, nếu khó có thể trực tiếp nói ra lời nhờ vả, và đối phương là người tương đối thẳng tính, bạn có thể cân nhắc tới việc sử dụng phương pháp khích bác để khiến người đó bị kích động và tự nguyện giúp bạn.
Phương pháp này yêu cầu bạn phải nắm được đặc điểm tính cách đối phương, khiến đối phương bị kích động bằng những yếu tố bên ngoài và có hành động theo đúng mong muốn của bạn, từ đó giúp bạn đạt mục tiêu.
Khi sử dụng phương pháp khích bác, bạn nhất định phải nhìn rõ đối tượng đang đối diện, căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định cách thức. Phương pháp này không thích hợp cho những người có tính cách mềm yếu. Do đó, nhất định phải tìm đúng người, không được thực hiện mù quáng.
Khích bằng cách nói ngược
Cố tình đưa ra thông tin ngược để thể hiện suy nghĩ của mình khiến đối phương có phản ứng bị kích động. Hãy xem câu chuyện sau đây.
Tổng Giám đốc một công ty nước ngoài thảo luận về hợp đồng thuê đất với lãnh đạo địa phương. Do điều kiện công ty đưa ra quá thấp nên địa phương không thể chấp nhận và muốn phía công ty phải nhượng bộ.
Lãnh đạo địa phương nói: “Tầm ảnh hưởng của ngài Tổng Giám đốc lớn hơn nhiều so với chúng tôi, mặc dù rất khâm phục, nhưng chúng tôi buộc phải thu đất về và chấm dứt hợp đồng.”
Tổng Giám đốc: “Vậy được, tôi tăng giá thuê lên gấp rưỡi.”
“Không được, theo tính toán của chúng tôi, phải tăng lên gấp đôi mới hợp lý.”
“Được, về nguyên tắc chúng tôi đồng ý.”
Vị lãnh đạo địa phương này đã rất khéo léo sử dụng phương pháp khích bác với chiến thuật lùi để tấn công và đã đạt được mục đích mong muốn.
Khích bằng ngôn ngữ ám thị
Trước tiên phải dùng lời khen để đạt mục đích tạo áp lực và tác động vào tâm lí
người mình đang nhờ cậy, khiến người đó có quyết tâm. Gia Cát Lượng đã dùng chính cách này để thuyết phục Tôn Quyền cùng liên minh đánh Tào Tháo.
Khi thuyết phục Tôn Quyền, Gia Cát Lượng trước thì nói khích, sau mới khuyên nhủ. Tôn Quyền vốn sợ quân Tào nhiều, lại được Khổng Minh phóng đại là bên Tào Tháo binh nhiều tướng giỏi, khuyên Tôn Quyền đừng đánh mà hãy sớm ngoảnh mặt về phương Bắc đầu hàng. Bị kích động, Tôn Quyền đã đồng ý, hạ quyết tâm liên minh với Lưu Bị và Gia Cát Lượng để chống lại Tào Tháo.
Ai cũng hi vọng mình được tôn trọng, nếu bạn khen một người thứ ba trước mặt ai đó, đương nhiên sẽ khiến người đó bị kích động và có hành động thể hiện mình.
Kĩ năng bắt nọn bằng lời nói
Mở lời nhờ người khác giúp đỡ là một chuyện khó, nhưng nếu nắm chắc kĩ năng, chuyện khó sẽ biến thành dễ. Bạn có thể dùng lời nói đổi lấy lời nói thật từ đối phương, thậm chí còn có thể trực tiếp khiến đối phương đáp ứng yêu cầu của bạn. Đó chính là sức mạnh của lời nói, có thể dùng lời nói đổi lấy lời nói, dùng lời nói đổi lấy lợi ích.
Lời giả đổi lấy lời thật
Thẳng thắn, thật thà là một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, nhưng làm việc gì cũng thẳng và thật quá chưa chắc đã tốt. Đặc biệt là trong một số tình huống nhạy cảm, lời nói thật của bạn chưa chắc đã đổi được lời nói thật của đối phương. Lúc này bạn cần đưa ra lời nói với thông tin giả để đổi lấy lời nói thật.
Cảnh sát bắt một nghi phạm Gi*t người, nhưng anh ta không thừa nhận mình có mặt ở hiện trường vào ngày xảy ra sự việc, anh ta cho biết mình ở biển, rất muộn mới quay về.
Cảnh sát hỏi: “Hôm đó anh đi ra biển từ lúc mấy giờ?”
Nghi phạm trả lời: “Do trời nóng quá nên 6 giờ sáng tôi đi và tới tận 7 giờ tối mới về.”
Cảnh sát lại hỏi: “Anh tới biển sớm như vậy, nhất định nhìn thấy rất nhiều cá heo trên bãi cát, hôm đó thời sự đưa tin, có nhiều cá heo bị mắc cạn.”
“Đúng vậy, tôi có nhìn thấy, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cá heo”
Lúc này cảnh sát mới nói: “Vào ngày xảy ra vụ án, không hề có cá heo mắc cạn trên bãi biển.”
Nghi phạm biết mình mắc bẫy nên cúi đầu nhận tội.
Cách làm này thường được cảnh sát sử dụng khi thẩm vấn tội phạm, mặc dù nó không liên quan mấy tới việc nhờ người khác giúp đỡ, nhưng kĩ năng này cũng có thể dùng trong việc đó. Chỉ cần biết sử dụng một cách linh hoạt, bạn sẽ có được đáp án mong muốn và thuận lợi hoàn thành công việc của mình.
Sử dụng lời nói hài hước
Các chủ đề nhẹ nhàng, hài hước thường mang lại cảm giác vui vẻ. Những chủ đề
nghiêm túc sẽ gây không khí căng thẳng. Nếu có thể, hãy nói về chủ đề nghiêm túc với lời nói hài hước, như vậy đối phương sẽ dễ chấp nhận yêu cầu của bạn.
Một cô gái làm việc rất tốt, mang lại lợi nhuận lớn cho công ty. Ông chủ nói với cô: “Cô làm tốt lắm, tôi sẽ không quên công lao của cô”. Cô gái cười và nói: “Tôi nghĩ ông nên chuyển câu nói này vào khoản lương của tôi”. Ông chủ ngay lập tức vui vẻ đồng ý: “Được, nhất định như vậy”. Không lâu sau, cô gái đã được tăng lương.
Khi được cấp trên khen ngợi, cô gái trong câu chuyện đã khéo léo đề cập tới một vấn đề nghiêm túc là tăng lương bằng cách nói hài hước của mình. Tất nhiên ông chủ đã vui vẻ đồng ý. Đây chính là sức mạnh của sự hài hước.
Tạo cơ hội cho đối phương mở lời trước
Có những việc không tiện trực tiếp nói ra, nếu lúc này bạn có thể khéo léo khiến đối phương mở lời trước thì sẽ dễ được chấp nhận hơn nhiều. Do đối phương đề cập đến chuyện bạn muốn nói trước, bạn có thể căn cứ theo tình hình thực tế để tùy cơ ứng biến và nêu ra yêu cầu của mình, như vậy sẽ dễ dàng đạt được mục đích.
Dương cho Nhất vay tiền để làm ăn. Nhưng thật không ngờ vài ngày sau Nhất bị tai nạn qua đời. Lúc này Dương rơi vào thế tiến toái lưỡng nan, nếu đòi tiền sẽ gây khó khăn cho người nhà Nhất, còn nếu không nhắc đến chuyện đó thì khó lấy lại tiền. Sau khi suy nghĩ, Dương quyết định nói với vợ Nhất: “Thật không ngờ anh Nhất lại ra đi sớm như vậy, sự hợp tác giữa chúng tôi mới chỉ bắt đầu. Hay là thế này, các mối quan hệ của chồng chắc chị cũng biết, chị hãy tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của anh ấy, tôi sẽ cố gắng giúp đỡ, dù khó khăn thế nào cũng không sao.” Vợ Nhất đã an ủi lại Dương: “Sự cố lần này đã gây thiệt hại cho anh, tôi cũng không thể tiếp tục công việc đó, anh hãy lấy lại tiền và tìm cơ hội khác.”
Trong lời nói của mình, Dương đã khéo léo tạo cơ hội để vợ Nhất đề cập trước tới vấn đề anh đang muốn nói đến, và đương nhiên, anh đã đạt được mục đích lấy lại tiền của mình.
Sử dụng đúng phương pháp với từng kiểu người
Xã hội này rất phức tạp, loại người nào cũng có. Những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội còn ít kinh nghiệm sống, do đó khi nhờ người khác giúp đỡ, nhất định phải tìm hiểu kĩ tính cách người đó. Với mỗi loại người khác nhau thì cần sử dụng những phương pháp nói chuyện khéo léo khác nhau.
Người cứng nhắc, máy móc
Trong cuộc sống thường có những người rất lạnh nhạt với người khác và không bao giờ chú ý tới điều bạn nói. Tuy nhiên, có lúc bạn sẽ phải nhờ họ giúp đỡ, vậy phải làm thế nào?
Về mặt hình thức, cho dù đối phương có đối xử với bạn thế nào, bạn đều có thể có cách đáp trả tương ứng. Nhưng cách nghĩ này là không đúng. Đầu tiên, bạn có việc cần nhờ họ giúp chứ họ không cần bạn. Tiếp đó, sự cứng nhắc chỉ là đặc điểm tính cách của họ chứ không phải họ cố ý làm vậy vì có thành kiến với bạn. Vì thế, bạn không cần phải tính toán quá nhiều, không nên sử dụng cảm nhận chủ quan của bản
thân để đánh giá đối phương, nếu không sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ.
Mặc dù những người cứng nhắc, lạnh lùng không có nhiều sở thích và hứng thú, càng không thích giao tiếp với người khác, nhưng là một người sống trong xã hội, họ vẫn có điều phải quan tâm, chỉ là họ khiến người ngoài cảm thấy khó hiểu. Vì thế, khi giao tiếp với kiểu người này, bạn không thể tỏ ra lạnh nhạt, hãy nhiệt tình, tỉ mỉ quan sát hành động của họ, tìm ra điều khiến họ quan tâm từ trong lời nói và hành động, hãy cố gắng hết sức để hiểu họ. Một khi chủ đề trò chuyện đề cập tới vấn đề đối phương quan tâm, họ có thể sẽ thể hiện sự nhiệt tình và không tỏ ra cứng nhắc, khô khan nữa. Lúc ấy hãy nêu ra yêu cầu, bạn rất dễ được chấp nhận.
Kiểu người ngạo mạn, vô lễ
Trong xã hội, có nhiều người rất ngạo mạn, họ luôn cho mình là nhất, không coi ai ra gì. Giao tiếp với kiểu người này thực sự là một việc không vui. Nhưng nếu bạn có việc cần thiết và buộc phải tiếp xúc với họ, vậy nên làm thế nào?
Có một số ý kiến cho rằng, với loại người kiểu căng ngạo mạn, phải cố gắng để “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, họ càng tỏ ra kiêu căng, bạn càng phải cố ý tỏ ra không cần họ. Đương nhiên, để tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên, cách làm này dùng càng ít càng tốt. Bạn hãy bình tĩnh suy nghĩ và sẽ nhận ra rằng, bằng những cách thích hợp, bạn khiến người kiêu căng phải công nhận bạn, đó mới là sự lựa chọn tốt nhất. Sau đây là một số kĩ năng có thể tham khảo.
(1) Hạn chế tối thiểu thời gian tiếp xúc: Hãy thể hiện ý kiến, thái độ và yêu cầu của mình chỉ trong một lần nói. Như vậy, đối phương sẽ không có cơ hội thể hiện sự ngạo mạn và không thể không suy nghĩ về vấn đề bạn nêu ra.
(2) Ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc: Hãy trình bày yêu cầu và vấn đề của bạn một cách ngắn gọn nhất.
(3) Khi tiếp xúc với loại người này nhất định phải cẩn thận, thận trọng, không nên tỏ ra quá nhiệt tình, nói năng tùy tiện. Do bạn không hiểu rõ đối phương nên nếu nói nhiều sẽ có thể động chạm khiến họ không vui.
Kiểu người qua loa đại khái
Kiểu người này có phản ứng rất nhanh. Khi nhờ họ giúp đỡ, họ có thể nhanh chóng đưa ra quyết định ngay cả khi bạn chưa nói rõ ý của mình khiến bạn nghi ngờ không biết họ có hiểu bạn không.
Khi nhờ người có tính cách qua loa đại khái giúp đỡ, tốt nhất bạn nên chia nhỏ thành nhiều bước và nói từng bước một, mỗi khi nói xong một điều, nên hỏi ý kiến của họ ngay, phải làm rõ vấn đề trước khi tiếp tục. Như vậy mới không gây ra hiểu nhầm, tránh được những rắc rối không cần thiết.
Kiểu người ích kỉ
Trong cuộc sống có nhiều người rất ích kỉ chỉ biết nghĩ cho bản thân, chuyện gì họ cũng đặt lợi ích bản thân lên trước nhất, không chịu hoặc không muốn hi sinh vì người khác.
Người ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình, nên rất chú ý tới lợi ích cá nhân, do đó họ luôn tính toán thiệt hơn. Cách tốt nhất để nhờ người ích kỉ giúp đỡ là dùng lợi ích làm động lực cho họ khiến họ chấp nhận.
Kiểu người nóng vội
Kiểu người này thường không cân nhắc trước khi làm việc gì đó, họ có suy nghĩ đơn giản, nếu thích thì họ sẽ rất nhiệt tình. Ưu điểm của kiểu người này là không quá tính toán, thẳng thắn, nhưng nhược điểm là không biết nghĩ cho người khác. Chính vì thế mà người nóng vội dễ gây mất lòng và cũng dễ bị mất lòng.
Khi nhờ người nóng vội giúp đỡ, không cần phải trình bày nhiều, có gì nói nấy là được. Nếu có mối quan hệ tốt, có việc bạn cần họ giúp, nếu làm được họ sẽ không bao giờ bàng quan.
Để công việc của mình được thuận lợi, thành công, bạn phải nắm chắc đặc điểm tính cách đối phương, với mỗi loại người khác nhau có những cách làm khác nhau. Như vậy mới có thể đạt được thành công.
Kiên trì, không bỏ cuộc khi chưa đạt mục đích
Phương pháp này chính là dùng hình thức tiêu cực để đạt hiệu quả tích cực, thể hiện quyết tâm không bỏ cuộc khi chưa đạt mục đích để gây áp lực cho đối phương, gia tăng cơ hội tiếp xúc, thể hiện rõ thái độ, tình cảm và suy nghĩ của bản thân để làm ảnh hưởng tới đối phương, khiến họ chấp nhận giúp đỡ bạn.
Một số người có lòng tự trọng cao, khi nhờ người khác giúp đỡ mà bị từ chối một, hai lần thì không dám đề cập đến nữa. Thực ra, trong một số trường hợp, nên sử dụng chiến thuật “chai lì” để nhận được sự giúp đỡ.
Do đó, khi nhờ người khác giúp đỡ, “da mặt phải dày” một chút. Chỉ cần còn một tia hi vọng cũng phải cố gắng đến cùng mới có thể đạt mục đích.
Nhìn từ góc độ khác, việc chiếm lĩnh thời gian cũng là một νũ кнí hữu dụng khi nhờ vả người khác giúp đỡ. Thời gian đối với ai cũng đều rất quý giá nên không ai muốn lãng phí. Vì thế, nếu có đủ sự nhẫn nại, bạn chắc chắn sẽ làm được việc của mình.
Tuy nhiên, cách làm này không phải áp dụng được với mọi đối tượng. Phải nắm vững một số điều sau đây:
(1) Phải có đủ kiên nhẫn
Kiên nhẫn là tiền đề và cũng là cơ sở của phương pháp “chai lì”. Khi xảy ra mâu thuẫn trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ, nếu phản ứng tiêu cực sẽ mang lại kết quả không tốt và không có lợi cho việc giải quyết vấn đề. Bạn nên giữ thái độ kiên nhẫn, dùng lí trí tự khống chế mình. Chỉ có nhẫn mại mới có thể thành công, cho dù phải tốn thời gian cũng không tiếc.
(2) Chọn thời cơ hành động
Hãy sử dụng những hành động tích cực để tác động đối phương, khiến sự việc chuyển biến theo hướng tốt. Khi nhờ người khác giúp việc gì đó, ai giỏi chọn thời cơ, người đó sẽ chiến thắng.
Tận dụng quan hệ đồng hương để tạo ra thành
công
Khi ở một vùng đất xa lạ, nghe thấy ai đó nói đến từ đồng hương, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy rất gần gũi, thân thiết, chính vì thế “đồng hương” là một kiểu tình bạn đặc biệt.
Trong môi trường xã hội phức tạp và nhiều áp lực như ngày nay, nhờ đồng hương giúp đỡ dễ hơn nhiều so với nhờ vả người xa lạ. Giữa đồng hương luôn có sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông Lưu là người huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Theo lời kêu gọi đi xây dựng vùng kinh tế mới, ông và bố mình chuyển đến Điện Biên và định cư luôn ở đây. Sau đó, ông Lưu không quay về Thái Bình nữa.
Sau cải cách mở cửa, trải qua quá trình cố gắng, ông Lưu đã trở thành một thương gia có tiếng. Tuổi càng cao, ông càng muốn về thăm quê hương, nhưng do công việc bận rộn nên ông không có thời gian.
Lúc này, chính quyền nơi quê hương ông Lưu muốn mở một xưởng gia công, cần vốn đầu tư. Một cán bộ được cử đến gặp ông Lưu với hi vọng được ông giúp vốn.
Hai người là bạn khi còn nhỏ, vừa gặp nhau họ đã nói đến chuyện quê hương thay đổi như thế nào, phát triển ra sao… Việc này đã khiến ông Lưu nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp thời thơ ấu, nhớ quê nhà, nhớ ông bà và nhớ bạn cũ…
Hai người đã ôn lại kỉ niệm trong suốt vài giờ đồng hồ, nhưng người cán bộ vẫn không hề nói đến chuyện xin góp vốn. Cuối cùng, ông Lưu đã chủ động gợi ý việc giúp đỡ quê hương và chấp nhận yêu cầu góp vốn đầu tư cho quê hương mình.
Từ đó có thể thấy, khi sử dụng mối quan hệ đồng hương để nhờ giúp đỡ, kĩ năng quan trọng nhất là phải nắm được chữ “tình”.
Chú ý ngôn ngữ khi nhờ người khác giúp đỡ
Khi nhờ người khác giúp một việc gì đó, nhất định phải chú ý lời nói chừng mực, phải biết điều gì nên và không nên nói. Nếu lời nói của bạn khiến đối phương không hài lòng, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công việc.
Một lần, hai sinh viên mới tốt nghiệp đến xin việc tại một siêu thị. Sau khi tìm hiểu lí lịch hai người, quản lí siêu thị tỏ ra rất hài lòng. Sau đó, một nhân viên mặc áo sơ mi trắng đã đưa họ đi làm quen với siêu thị.
Ba người đến khu vực bán hàng, không khí rất ồn ào. Người mặc áo trắng giới thiệu công việc: “Những người mặc áo vàng là nhân viên bán thời gian, những người mặc áo đỏ là nhân viên chính thức”. Hai người gật đầu. Lúc này, một trong hai sinh viên hỏi: “Anh không mặc áo vàng, cũng không mặc áo đỏ, vậy anh là lãnh đạo đúng không?” Người mặc áo trắng chững lại trong giây lát rồi trả lời: “Tôi là đầu bếp”.
Khi chưa hiểu rõ về tình hình, nếu tùy tiện đưa ra câu hỏi hoặc có phát ngôn không đúng sẽ dễ gây ra sự phản cảm.
Chính vì thế, khi nhờ người khác giúp đỡ, không nên nói bừa, nhất định phải chú ý lời nói. Ngoài ra, còn một số điều cấm kị khác.
(1) Không tiết lộ chuyện riêng của người khác
Ai cũng có những chuyện không muốn cho người ngoài biết, nếu bạn vô tình phát hiện ra bí mật của ai đó, đừng nói ra, bởi điều đó không có lợi cho công việc của bạn.
(2) Không tiết lộ điều cơ mật
Nếu người bạn định nhờ giúp đỡ có bí mật mà bạn vô tình biết được, tuyệt đối không được tiết lộ, nếu không bạn sẽ không có hi vọng được giúp đỡ.
(3) Nói ít khi gặp người lạ
Khi nhờ vả người khác, không nên can thiệp vào công việc của họ, cũng không nên nêu ý kiến bừa bãi, nhất là với những người bạn chưa hiểu rõ, nếu lời nói của bạn giúp đỡ người khác thì không sao, nhưng nếu ý kiến của bạn khiến người khác bị tổn thất thì bạn sẽ gặp bất lợi.
Xin sự trợ giúp là một môn học bắt buộc. Cho dù bạn là người thế nào, bạn chỉ có thể tồn tại khi được người khác giúp đỡ và khi có khả năng giúp đỡ người khác. Vì thế, nhất định phải nắm vững các kĩ năng khi tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi nó sẽ có tác dụng rất lớn, giúp bạn thành công trong giao tiếp xã hội.