Hồng Lâu Mộng - Chương 49

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Cõi lưu ly mai hồng tuyết trắng;
Gái son phấn, ăn sống nuốt tanh.

Hương Lăng thấy mọi người đang cười mình, liền đi lại cười nói:
- Các cô xem bài thơ này được thì tôi còn học nữa; nếu không, tôi cũng chán ૮ɦếƭ về thơ thôi.
Nói xong đưa bài thơ cho Đại Ngọc và mọi người xem, thì thấy:
Tinh hoa đâu để giấu cho mình.
Bóng vẫn run run vẻ vẫn xinh.
Nghìn dặm chày vang khi giặt lụa,
Nửa vừng gà giục lúc dòn canh.
Sáo nghe mặt nước thu buồn ngắt,
Áo tựa bên lầu đêm vắng tanh.
Hãy hỏi mình xem này chị Nguyệt,
Khi tròn khi khuyết mãi sao đành.
Mọi người xem xong cười nói:
- Bài này không những hay mà lại có ý mới mẻ khéo léo. Mới biết tục ngữ nói “Đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Nhất định chúng tôi phải mời chị vào thi xã.
Hương Lăng nghe nói, trong bụng vẫn không tin, cho là bọn họ nói dối, lại cứ xoắn hỏi Đại Ngọc và Bảo Thoa.
Chợt bọn a hoàn và bà già vội vàng chạy đến, cười nói:
- Có các cô các mợ nào đến chơi ấy, chúng tôi không biết là ai; các cô các mợ về mà nhận bà con.
Lý Hoàn cười nói:
- Làm gì có chuyện ấy? Các người cứ nói rõ xem, bà con của ai nào?
- Hai cô em của mợ đều đến; lại có một cô nữa, nói là em của cô Tiết, còn một cậu thì nghe nói là em của cậu Tiết. Tôi đi mời bà dì đây! Mợ và các cô hãy về trước.
Nói xong họ đi thẳng. Bảo Thoa cười nói:
- Không lẽ là Tiết Khoa nhà chúng tôi và em gái nó đến chơi chăng?
Lý Hoàn cười nói:
- Có lẽ thím tôi cũng lại vào Kinh đây? Tại sao bọn họ lại cùng đi với nhau một chuyến? Chuyện này cũng lạ thật.
Mọi người sang bên Vương phu nhân, thấy chật ních cả nhà. Lại có chị dâu của Hình phu nhân đem con gái là Tụ Yên đến Kinh nhờ vả Hình phu nhân. Vừa gặp lúc anh Phượng Thư là Vương Nhân cũng vào Kinh, nên hai nhà cùng đến một lúc. Đi đến nửa đường khi thuyền đậu lại, gặp thím của Lý Hoàn đem theo hai con gái cô lớn là Lý Văn, cô nhỏ là Lý Ỷ, cũng lên Kinh. Mọi người kể chuyện, té ra đều là chỗ bà con cả. Vì thế ba nhà cùng đi một đường. Sau lại có em họ Tiết Bàn là Tiết Khoa, mang theo em gái là Tiết Bảo Cầm vào Kinh để đính hôn, vì trước đây cha hắn đã hứa gả Bảo Cầm cho con quan hàn lâm họ Mai. Nay nghe Vương Nhân vào Kinh, nên hắn đem em gái đi theo. Hôm nay mọi người cùng đến, người nào hỏi thăm vào nhà bà con người ấy.
Giả mẫu và Vương phu nhân rất đỗi vui mừng, Giả mẫu cười nói:
- Thảo nào, đêm qua ngọn đèn cứ nở hoa mãi, thì ra báo điềm cho ngày hôm nay.
Mọi người kể lể chuyện nhà, thu nhận quà bánh, rồi mời khách ở lại cơm rượu, Phượng Thư tất nhiên đã bận lại càng bận thêm. Lý Hoàn và Bảo Thoa kể lể những chuyện xa cách lâu ngày với thím và các chị em. Đại Ngọc thấy thế, trước còn vui, sau nghĩ người ta đều có bà con, chỉ mình là trơ trọi, nước mắt tự nhiên lại chảy ra. Bảo Ngọc hiểu ý, khuyên ngăn an ủi mãi mới thôi.
Bảo Ngọc vội về viện Di Hồng, cười bảo Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Tình Văn:
- Các chị không đi mà xem! Ai ngờ anh ruột chị Bảo như thế, mà em con nhà chú hình dáng đi đứng khác hẳn. Thật giống hệt em ruột chị Bảo vậy. Còn lạ hơn nữa là ngày thường các chị nói chị Bảo rất đẹp, nay hãy so với cô em chị ấy xem. Lại còn hai cô em chị Cả nữa, tôi không thể tả ra hết được! Trời ơi! Có bao nhiêu tinh hoa đúc ra được lớp người đẹp đẽ tuyệt vời như vậy! Thế mới biết tôi là “con ếch dưới giếng". Ngày thường cứ nói mấy người ở đây đẹp có một không hai, ngờ đâu không phải tìm đâu xa, chỉ ở trong vùng này cũng mỗi người mỗi vẻ. Giờ tôi lại hiểu thêm được một bậc nữa. Ngoài mấy người này ra, biết đâu chẳng có những người đẹp hơn nữa?
Bảo Ngọc nói rồi lại cười một mình.
Tập Nhân thấy Bảo Ngọc nói có ý vớ vẩn, không thèm đi xem. Bọn Tình Văn đi xem về ngặt nghẽo cười bảo Tập Nhân:
- Chị đi mà xem! Cháu gái Hình phu nhân, em gái cô Bảo, hai em gái mợ Cả, trông đều ngồn ngộn như đám hành non.
Nói chưa dứt lời, thấy Thám Xuân hớn hở tìm Bảo Ngọc nói:
- Thi xã của chúng ta có lẽ thịnh vượng đấy.
- Phải đấy. Vì chúng ta có hứng mở thi xã nên quỷ thần xui khiến những người ấy đến đây. Có điều, không hiểu họ đã biết làm thơ chưa?
-Em có hỏi, họ đều nói nhũn, nhưng xem ra có lẽ ai cũng biết cả. Nếu họ chưa biết cũng chẳng khó gì. Anh cứ xem Hương Lăng đủ biết.
Tập Nhân cười nói:
- Nghe đâu em cô Bảo đẹp lắm, cô Ba xem thấy thế nào?
- Đúng đấy. Cứ theo ý tôi, ngay chị Bảo và những người ở đây cũng không ai bằng.
Tập Nhân lấy làm lạ, cười nói:
- Lạ nhỉ! Ở đâu còn tìm người đẹp hơn thế nữa? Tôi phải đi xem mới được.
Thám Xuân nói:
- Cụ mới trông thấy Bảo Cầm đã mừng rối lên, bắt mẹ tôi phải nhận cô ấy làm con nuôi. Cụ định mang cô ấy về nuôi đấy.
Bảo Ngọc cười hỏi:
- Em nói có thực không?
- Khi nào em lại nói dối. - Lại cười nói - Giờ cụ đã có cô cháu gái đẹp ấy, chắc sẽ bỏ quên anh là cháu giai!
- Cái đó không sao, đúng lẽ ra cũng nên thương cháu gái hơn mới phải. Mai là ngày mười sáu, chúng ta nên mở thi xã đi thôi.
- Cô Lâm vừa ốm khỏi, chị Phượng cũng ốm, được người nọ lại mất người kia.
- Chị Phượng không biết làm thơ, thiếu chị ấy cũng không sao.
- Thôi hãy cố chờ mấy hôm nữa, để những người mới đến làm quen với nhau đã, chúng ta sẽ mời họ chẳng hơn ư? Hiện giờ chị Lý và chị Bảo chắc không còn bụng nào nghĩ đến chuyện làm thơ nữa. Vả chăng Tương Vân chưa đến, cô Tần mới khỏi, còn những người khác đều chưa hợp lệ. Chi bằng hãy chờ Tương Vân sang, mấy người mới đến dần dần quen thuộc nhau, cô Tần khỏi hắn, chị Lý và chị Bảo trong bụng thư thái. Hương Lăng làm thơ đã khá, bấy giờ chúng ta mới họp thi xã thực đầy đủ, như thế chẳng vui hơn ư? Nay chúng ta hãy sang bên cụ nghe ngóng xem, cô em chị Bảo nhất định ở lại nhà chúng ta rồi, còn ba cô kia nếu không ở lại, chúng ta xin với cụ cho họ ở trong vườn, như thế lại thêm được mấy người nữa, chẳng hay hay sao.
Bảo Ngọc hớn hở cười nói:
- Em nghĩ sáng suốt quá. Anh thực là hồ đồ, chỉ mừng hão một lúc, chứ không nghĩ được đến đấy.
Nói xong. hai anh em sang bên Giả Mẫu. Quả nhiên Vương phu nhân đã nhận Tiết Bảo Cầm làm con nuôi. Giả mẫu rất là vui mừng, không cho Bảo Cầm sang ở bên vườn, bắt phải ngủ ở đây với mình. Tiết Khoa thì đến ở buồng của Tiết Bàn. Giả mẫu bảo Hình phu nhân:
- Chị không cần phải mang cháu gái chị về nhà vội, cứ để nó ở trong vườn chơi mấy hôm đã. Anh và chị dâu Hình phu nhân vì nhà túng thiếu, chuyến này vào Kinh cốt để nhờ Hình phu nhân giúp đỡ cho nhà cửa và tiêu pha. Nay nghe nói thế, lẽ nào họ lại không vui lòng.
Hình phu nhân liền giao Hình Tụ Yên cho Phượng Thư. Phượng Thư nghĩ chị em trong vườn thì nhiều, tính tình mỗi người một khác, sợ Hình Tụ Yên ở riêng một nơi không tiện. Chi bằng đưa nó đến ở với Nghênh Xuân, sau này nó có điều gì không vừa lòng. Hình phu nhân có biết cũng chẳng liên lụy gì đến mình.
Từ đó trở đi, trừ khi Hình Tụ Yên về nhà không kể, nếu ở lại trong vườn Đại Quan độ một tháng trở lên, Phượng Thư cũng cấp tiền lương cho cô ta như Nghênh Xuân. Phượng Thư thấy Tụ Yên tâm tính ôn hòa, đáng mến, không giống như Hình phu nhân và cha mẹ nó, lại nhà nghèo vất vả, nên thương nó hơn các chị em khác. Hình phu nhân thì chẳng để ý gì đến.
Giả mẫu và Vương phu nhân vẫn mến Lý Hoàn là người hiền lành, góa chồng từ trẻ, mà vẫn giữ được tiết. Nay thấy bà thím của Lý Hoàn đến, liền không cho ra ở ngoài. Tuy bà thím không bằng lòng, nhưng vì Giả mẫu nhất định giữ lại nên đành phải mang Lý Văn, Lý Ỷ vào ở trong Đạo Hương thôn.
Công việc xếp đặt xong. Chợt Trung Tĩnh hầu là Sử Đỉnh phải đổi ra làm quan ở tỉnh ngoài, sắp sửa mang gia quyến đi nhậm chức. Giả mẫu không rời được Tương Vân, liền đem cô ta sang bên này và bảo Phượng Thư sắp đặt một chỗ cho ở. Sử Tương Vân xin đến ở với Bảo Thoa.
Bấy giờ trong vườn Đại Quan lại nhộn nhịp hơn trước: Lý Hoàn là đầu, còn nữa là Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Bảo Thoa, Đại Ngọc, Tương Vân, Lý Văn, Lý Ỷ, Bảo Cầm, Hình Tụ Yên, lại thêm Phượng Thư và Bảo Ngọc, tất cả mười ba người. Kể tuổi ra, Lý Hoàn lớn hơn, Phượng Thư thứ hai. Còn mấy người kia chỉ chừng mười lăm, mười sáu, mười bảy tuổi, hoặc cùng năm khác tháng, hoặc cùng ngày khác giờ, ngay bọn họ cũng không thể nhớ rõ ai là lớn, ai là bé được, thành ra bốn tiếng “chị", “em", "anh", “em", muốn gọi thế nào thì gọi.
Hương Lăng đang hăm hở thích làm thơ nhưng không dám quấy rầy Bảo Thoa. May sao có Sử Tương Vân đến, Tương Vân rất thích nói chuyện, tránh sao Hương Lăng chả lại nhờ chỉ bảo cách làm thơ? Tương Vân thấy vậy càng cao hứng, suốt ngày đêm trò chuyện huyên thiên. Bảo Thoa cười nói:
- Điếc tai quá, không thể chịu được. Chúng mình là gái lại thích thơ, coi việc làm thơ là chính, như vậy chỉ tổ làm cho bọn có học cười thôi, họ lại cho là mình không biết yên phận. Một mình Hương Lăng đang làm nhộn nhà rồi, lại thêm cái lưỡi gầu dai của cô nữa, luôn mồm luôn miệng nào là thơ của Đỗ Công Bộ(1) uất ức âm thầm; thơ của Vi Tô Châu(2) thanh đạm tao nhã; thơ của Ôn Bát Soa(3) đẹp nhời; thơ của Lý Nghĩa Sơn(4) kín đáo sắc sảo. Cô bỏ hai nhà thơ hiện đại không nói, lại cứ nhắc đến những nhà thơ trước làm gì?
Tương Vân nghe xong cười hỏi:
- Hai nhà thơ hiện đại là ai?
Bảo Thoa cười nói:
- Nỗi lòng chật vật của Hương Lăng ngốc và lời nói ba hoa của Tương Vân điên.
Hương Lăng và Tương Vân nghe vậy đều cười ầm lên.
Chợt Bảo Cầm khoác áo đi mưa vàng xanh lấp lánh, không biết làm bằng thứ gì, từ ngoài đi vào. Bảo Thoa hỏi:
- Cái áo này em lấy ở đâu đấy?
- Vì trời xuống tuyết, cụ tìm cái này cho em đấy.
Hương Lăng đứng lên xem, nói:
- Thảo nào, trông đẹp quá, dệt bằng lông công đấy.
Tương Vân cười nói:
- Có phải lông công đâu? Là lông mào vịt trời đấy. Thế mới biết cụ thương cô thực. Người thương Bảo Ngọc đến thế cũng không cho anh ấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Tục ngữ nói rất đúng: “Mỗi người có một số phận riêng". Tôi không ngờ nó đến đây, lại được cụ thương như thế.
Tương Vân nói:
- Cô ở bên nhà cụ, hoặc sang bên vườn, nơi nào cũng tha hồ chơi đùa ăn uống. Còn khi đến nhà bà Hai, người ở nhà, cô có thể ngồi lâu nói cười không sao, nếu người đi vắng, cô đừng nên vào. Vì ở đấy họ đều xấu bụng, chỉ muốn trêu chọc chúng ta thôi.
Bảo Thoa, Bảo Cầm, Hương Lăng, Oanh Nhi nghe vậy đều bật cười. Bảo Thoa nói:
- Cứ tưởng chị là người vô tâm, mà hóa ra con người hay để ý. Thực ra chị có để ý đấy, nhưng có gì lại nói tuột ra. Em Cầm nhà tôi cũng giống chị. Trước đây, chị muốn nhận tôi làm chị, bây giờ tôi bảo chị nên nhận nó là em đi.
Tương Vân lại nhìn Bảo Cầm cười nói:
- Chỉ có cô ấy mới đáng mặc cái áo này, chứ người khác thì không xứng.
Lúc đó Hổ Phách chạy đến cười nói:
- Cụ bảo: Cô Cầm hãy còn bé, cô Bảo không được thằng thúc cô ấy quá. Cô ấy thích cái gì. muốn cái gì cũng nên chiều, đừng xét nét lắm.
Bảo Thoa vội đứng dậy vâng lời, lại đẩy Bảo Cầm cười nói:
- Phúc em đấy! Thôi về đi, kẻo lại bảo là chị quấy rầy em. Thật không ngờ chị lại không bằng em.
Đương nói thì Bảo Ngọc, Đại Ngọc đến. Bảo Thoa vẫn còn cười đùa. Tương Vân cười nói:
- Chị Bảo ơi, tuy chị nói đùa, nhưng biết đâu có người lại thật lòng nghĩ như thế đấy.
Hổ Phách cười nói:
- Kể ra cũng chẳng ai bực tức đâu. có chăng chỉ người này thôi.
Miệng nói tay chỉ vào Bảo Ngọc. Bảo Thoa, Tương Vân đều cười nói:
- Anh ấy không phải là người như thế đâu.
Hổ Phách lại cười nói:
- Không phải cậu đấy thì là cô này.
Vừa nói, vừa chỉ vào Đại Ngọc. Tương Vân không nói gì, Bảo Thoa cười nói:
- Cũng không đúng nữa. Em tôi cũng như em cô ấy, có lẽ cô ấy lại vui thích hơn tôi nữa kia, việc gì mà bực tức. Chị nghe chị Vân nói nhảm, chẳng có gì đứng đắn cả.
Bảo Ngọc xưa nay biết rõ Đại Ngọc có tính hẹp hòi, nhưng chưa biết câu chuyện giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa. Nay thấy Giả mẫu thương Bao Cầm quá, Bảo Ngọc sợ Đại Ngọc trong bụng khó chịu, giờ thấy Tương Vân nhắc đến, Bảo Thoa lại đưa thêm, nhưng nét mặt Đại Ngọc không có gì thay đổi, lại hùa theo với Bảo Thoa, nên Bảo Ngọc trong bụng không hiểu ra sao, liền nghĩ: “Xưa nay hai người này không như thế bao giờ, nay xem ra lại thấy họ đối xử với nhau tốt hơn người khác nhiều". Một chốc lại thấy Đại Ngọc gọi Bảo Cầm là em, chứ không gọi đến tên họ, coi như chị em ruột vậy. Bảo Cầm lại trẻ người hăng hái, thông minh nhanh nhẹn, từ bé đi học, nay đến phủ Giả mới vài ngày, đã quen biết hầu hết mọi người, thấy đám chị em không phải là bọn gái khinh bạc, đối xử tử tế với chị mình, nên không dám khinh nhờn ai. Cô ta lại rất kính mến Lâm Đại Ngọc là người xuất sắc nhất. Bảo Ngọc thấy vậy, trong bụng càng lấy làm lạ.
Sau khi chị em Báo Thoa đến nhà Tiết phu nhân. Tương Vân về nhà Giả mẫu. Đại Ngọc về buồng nghỉ. Bảo Ngọc liền đến tìm Đại Ngọc, cười nói:
- Trước anh xem Tây Sương ký có mấy câu rõ nghĩac anh thường nói để mà cười, em lại sinh ra tức giận. Bây giờ nghĩ lại còn có một câu không hiểu, anh đọc ra đây, em giảng cho anh nghe nhé.
Đại Ngọc nghe nói, biết Bảo Ngọc lại có ý tứ gì đây, liền cười nói:
- Anh cứ đọc cho em nghe đi.
- Trong khúc "Náo giản" có một câu rất hay: “Tự bao giờ Mạnh Quang đỡ án trước Lương Hồng?”(5) Câu này chẳng qua là điển có sẵn, nhưng ba chữ "tự bao giờ" ý hỏi rất thú vị. Vậy thì họ đỡ án tự bao giờ? Em nói cho anh nghe.
Đại Ngọc nghe xong. cười nói:
- Nguyên câu hỏi ấy là hay. Họ hỏi cũng hay, nay anh hỏi lại càng hay.
- Trước kia em cứ ngờ anh, bây giờ chắc em không ngờ nữa.
- Ngờ đâu chị Bảo thực là người tốt, trước em vẫn cứ cho chị ta là hạng ác ngầm.
Rồi Đại Ngọc đem việc nói nhầm tửu lệnh, Bảo Thoa dặn bảo thế nào, khi có bệnh, Bảo Thoa đến chuyện trò và cho yến sào ra sao, kể hết cho Bảo Ngọc nghe. Bảo Ngọc mới biết rõ đầu đuôi, liền cười nói:
- Đã biết mà, anh đang băn khoăn về việc "Tự bao giờ Mạnh Quang đỡ án trước Lương Hồng" thì ra đỡ từ lúc "Đồ trẻ con nói chẳng nể lời"(6) ấy.
Nhân câu chuyện Bảo Cầm, Đại Ngọc nghĩ ngay mình không có chị em, nên lại không cầm được nước mắt. Bảo Ngọc vội vàng khuyên:
- Thật là em chuốc lấy phiền não vào người. Em thử nhìn xem, năm nay lại gầy hơn năm ngoái đấy. Thế mà không biết giữ gìn, hàng ngày bỗng dưng vô cớ, em cứ phải khóc được một lúc mới coi như xong việc một ngày.
Đại Ngọc gạt nước mắt nói:
- Gần đây em cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt ít hơn năm ngoái. Lòng càng đau xót, thì nước mắt lại càng ít đi!
- Vì em khóc quen rồi, nên ngờ thế thôi, chứ nước mắt có bao giờ ít đi.
Đương nói chuyện, một a hoàn đưa cái áo khoác da vượn đến, nói:
- Mợ Cả vừa cho người đến bảo: “Giờ đã có tuyết, muốn bàn ngày mai mời mọi người đến làm thơ đấy.”
Bỗng cả a hoàn của Lý Hoàn đến mời Đại Ngọc. Bảo Ngọc liền rủ Đại Ngọc cùng đến Đạo Hương thôn. Đại Ngọc thay đôi giày da dê thêu hoa nạm kim tuyến, khoác một cái áo da cáo trắng, ngoài bằng lông chim màu đỏ, thắt một cái dây lưng như ý xanh vàng lấp lánh, đầu đội mũ che tuyết. Hai người giẫm tuyết cùng đến, đã thấy bọn chị em ở cả đấy rồi. Người nào cũng mang áo khoác màu đỏ, bằng lông chim, riêng Lý Hoàn mặc một cái áo nỉ rộng, Tiết Bảo Thoa mặc một cái áo gấm thêu hoa. Hình Tụ Yên vẫn mặc áo thường, không có áo đi mưa.
Một lúc, Tương Vân đến, khoác một cái áo của Giả mẫu cho, bên ngoài bằng da con rái cá, bên trong bằng da chuột đen, đầu trùm một cái khăn kiểu Chiêu Quân dệt bằng da vượn màu đỏ giát vàng, lại quấn một cái khăn quàng cổ, bằng da rái cá. Đại Ngọc cười nói:
- Các chị xem kìa, Tôn Hành Giả đến đây rồi. Cũng một thứ áo che tuyết, mà nó cố ý làm ra vẻ tao nhã lắm đấy.
Tương Vân cười nói:
- Các chị xem bên trong tôi mặc đây này.
Vừa nói vừa ϲởí áօ ngoài ra, thấy bên trong mặc một cái áo ngắn kín vạt bằng da chuột bạch đã hơi rung rúc, cổ áo giát vàng, tay áo hơi hẹp, thêu rồng bằng chỉ ngũ sắc, mặc cái quần đoạn thủy hồng lót bằng da cáo, lưng thắt một cái dây dài năm màu tết hình con bướm, chân đi đôi giày da hươu. Trông người càng tỏ ra thướt tha uốn éo, như lưng ong mình vượn, dáng hạc hình ve. Mọi người cười nói:
- Cô ấy thích mặc kiểu cậu bé, vì kiểu ấy trông sắc sảo lanh lợi hơn là kiểu cô bé.
Tương Vân cười nói:
- Hãy bàn việc làm thơ đi! Cho tôi biết ai là chủ đây?
Lý Hoàn nói:
- Theo ý tôi, hôm qua là ngày chính đã qua, nếu lại chờ đến ngày chính nữa, sợ lâu quá. Nay lại có tuyết, chi bằng chúng ta họp nhau đầy đủ, vừa để mừng khách mới đến, vừa để làm thơ. Chị em nghĩ thế nào?
Bảo Ngọc nói ngay:
- Chị nói rất phải nhưng hôm nay đã muộn, ngày mai lỡ không có tuyết thì còn thú gì.
Mọi người đều nói:
- Mai chắc chưa tạnh, có tạnh nữa thì trong đêm nay tuyết còn xuống cũng đủ thưởng rồi.
Lý Hoàn nói:
- Họp ở đây cũng được, nhưng ra Lư Tuyết am tốt hơn. Tôi đã sai người đào lò sưởi rồi, chúng ta sẽ đến đấy sưởi lò làm thơ. Cụ chưa chắc đã thích đến. Vả chăng đây là cuộc chơi đùa của chúng tao chỉ nên cho thím Phượng biết thôi. Chị em mỗi người bỏ ra một lạng, đưa lại đây cho tôi.
Rồi trỏ Hương Lăng, Bảo Cầm, Lý Văn, Lý Ỷ, Tụ Yên nói:
- Năm người này không phải góp, trong bọn chúng ta, cô Hai ốm, cô Tư xin nghỉ, đều không kể, còn bốn phần của chị em mang lại dây, tôi bỏ thêm năm, sáu lạng là đủ.
Bọn Bảo Thoa nhận lời, rồi bàn đến việc ra đầu bài và hạn vần, Lý Hoàn cười nói:
- Tôi đã định trước rồi. Để đến ngày mai thế nào sẽ biết.
Nói xong, mọi người chuyện phiếm, một lúc, rồi sang bên Giả mẫu.
Cả đêm, Bảo Ngọc thắc thỏm không sao ngủ được. Hôm sau, trời vừa sáng, đã trở dậy mở màn ra xem thì cửa sổ còn đóng, nhưng trông sáng lóa cả mắt, trong bụng ngần ngại, thầm trách trời đã lạnh và mặt trời đã lại mọc rồi. Bảo Ngọc vội đứng dậy, mở cửa sổ, từ trong cửa kính nhìn ra, té ra không phải ánh sáng mặt trời, mà là tuyết rơi đêm qua đọng dày gần một thước, trên trời còn trắng xóa như bông. Bảo Ngọc sung sướng lắm, gọi người dậy, rửa mặt súc miệng xong, mặc cái áo bằng da cáo khổ rộng màu tím lại thêm cái áo bằng da con cắt bể, thắt lưng, ngoài khoác cái áo tơi giát ngọc, đội nón mây vàng, đi đôi guốc gỗ đường, vội vàng đến Lư Tuyết am. Nhìn ra ngoài cửa, bốn bề trắng xóa một màu, xa xa là tùng xanh trúc biếc, chẳng khác nào mình đứng trong chậu pha lê vậy. Bảo Ngọc đi đến dưới dốc núi vừa vòng qua chân núi, đã ngửi thấy mùi hương lạnh. Quay lại, am Lũng Thúy của Diệu Ngọc ngay đó có mấy chục cây hồng mai, đỏ thắm như son, chiếu xuống màn tuyết càng thêm chói lọi, trông rất đẹp mắt. Bảo Ngọc đứng lại ngắm nghía một lúc rồi mới đi. Thấy trên cầu Phong Yên có một người che dù đi đến, đó là người của Lý Hoàn sai đi mời Phượng Thư. Bảo Ngọc đến Lư Tuyết am, thấy bọn bà già a hoàn đương quét tuyết dọn đường. Am này làm dựa vào núi trông ra sông, một dãy mấy gian nhà gianh tường đất, cửa trúc giậu găng, mở cửa ra đã có thể buông câu, bốn mặt lau sậy che kín, có một lối quanh co lách qua lau sậy đi ra, đến ngay cái cầu trúc ở Ngẫu Hương tạ. Các bà già, a hoàn thấy Bảo Ngọc mặc áo tơi, đội nón đến, đều cười nói:
- Chúng tôi vừa nói chỉ thiếu có một ông câu cá thôi, giờ đủ cả rồi. Các cô ăn cơm xong mới đến, cậu vội vã quá.
Bảo Ngọc nghe nói, đành quay trở về. Đến đình Thấm Phương, thấy Thám Xuân ở Thu Sảng trai ra, khoác cái áo tơi màu đỏ, đội mũ quan âm, vịn vào vai a hoàn, đằng sau có một người đàn bà che dù lụa xanh. Bảo Ngọc biết Thám Xuân đến nhà Giả mẫu liền đứng lại chờ, rồi hai người cùng đi ra vườn. Bảo Cầm đương rửa mặt chải đầu và thay quần áo ở trong buồng.
Một lúc, chị em đến đủ cả. Bảo Ngọc kêu đói cứ đòi ăn cơm. Chờ mãi mới có cơm bưng lên, món đầu là dê bao tử hầm với sữa. Giả mẫu nói:
- Đó là vị thuốc của người già đấy. Những thứ chưa ra bóng mặt trời thì các cháu còn bé không nên ăn. Hôm nay có món thịt hươu tươi, các cháu hãy chờ mà ăn.
Mọi người vâng lời.
Bảo Ngọc không chờ được, lấy nước chè chan vào cơm, ăn với thịt gà rừng, và lấy và để cho xong bữa. Giả mẫu nói:
- Ta biết các cháu hôm nay có việc bận, nên chẳng thiết gì đến ăn.
Liền gọi:
- Để lại món thịt hươu, đến chiều cho chúng nó ăn.
Phượng Thư vội nói:
- Hãy còn nhiều, cứ ăn cho hết đi.
Tương Vân bàn với Bảo Ngọc:
- Có thịt hươu mới, chi bằng chúng ta xin một miếng mang vào vườn, rồi vừa ăn vừa chơi.
Bảo Ngọc xin Phượng Thư một miếng, sai bà già mang vào trong vườn.
Mọi người đến Lư Tuyết am để nghe Lý Hoàn ra đầu bài và hạn vần, nhưng không thấy Tương Vân và Bảo Ngọc đâu. Đại Ngọc nói:
- Hai người ấy cùng đi với nhau, sẽ sinh lắm chuyện. Nhất định bây giờ họ chỉ bàn tính cái món thịt hươu đấy thôi.
Đương nói thì thím Lý chạy đến xem và hỏi Lý Hoàn:
- Tại sao một cậu đeo ngọc, một cô đeo kỳ lân vàng, trông vẻ thanh tú, lại không phải thiếu ăn, thế mà họ đương bàn với nhau ăn thịt sống đấy. Tôi không tin, thịt sống lại ăn được à?
Mọi người đều cười:
- Khá thật! Gọi ngay hai đứa về đây!
Đại Ngọc cười nói:
- Chỉ tại cô Vân bày chuyện ra thôi. Tôi đoán không sai mà!
Lý Hoàn vội chạy đi tìm hai người, bảo:
- Hai đứa chúng bay muốn ăn thịt sống, ta đưa đến chỗ cụ cho mà ăn, chỉ sợ không ăn hết cả con hươu thôi. Sau này có sinh bệnh cũng chả việc gì đến ta. Tuyết xuống nhiều, lạnh dữ, khéo lại làm tội ta đấy!
Bảo Ngọc vội cười nói:
- Có ăn thịt sống đâu! Chúng tôi nướng rồi mới ăn đấy.
Lý Hoàn nói:
- Thế thì được.
Rồi thấy bọn bà già mang lò sắt, xiên sắt, vỉ sắt đến, Lý Hoàn nói:
- Cẩn thận đấy, lỡ đứt tay lại khóc!
Phượng Thư ở nhà đường bận việc phát tiền thưởng hàng năm, nên sai Bình Nhi đi trả lời là không đến được. Tương Vân gặp Bình Nhi, khi nào cho về ngay? Bình Nhi vốn thích chơi đùa, ngày thường ở với Phượng Thư cũng cứ chơi bừa bãi, giờ thấy thế, càng vui, liền tháo ngay vòng ở tay ra, ba người ngồi quanh lò lửa, Bình Nhi muốn nướng ba miếng ăn trước. Bảo Thoa, Đại Ngọc ngày thường đã trông quen rồi, không lấy làm lạ. Bảo Cầm và thím Lý cho là việc chưa từng có. Thám Xuân cùng Lý Hoàn đã bàn nhau ra bài hạn vần rồi. Thám Xuân cười nói:
- Các chị ngửi xem, ở đây cũng sực cả mùi thơm, tôi đi ăn đây.
Nói xong, chạy ngay đến chỗ mấy người nướng thịt. Lý Hoàn cũng theo ra nói:
- Khách đến đủ cả rồi, các người còn ăn chưa chán à?
Tương Vân vừa ăn vừa nói:
- Ăn đến món này muốn uống rượu. Có uống rượu mới ra thơ chứ. Nếu không cò món thịt hươu này, hôm nay chắc không làm được thơ.
Chợt thấy Bảo Cầm mặc báo cừu thêu đàn le, đứng đó cười. Tương Vân cười nói:
- Đồ ngốc! Lại đây mà nếm xem!
Bảo Cầm cười nói:
- Bẩn lắm!
Bảo Thoa cười nói:
- Em thử nếm xem, ngon lắm đấy! Chị Lâm người yếu, ăn không tiêu, chứ không thì chị ấy cũng thích lắm!
Bảo Cầm nghe nói, đến ăn một miếng thấy ngon, lại ăn nữa.
Phượng Thư cho a hoàn đến gọi Bình Nhi. Bình Nhi nói:
- Mày cứ về trước đi, cô Sử còn giữ tao ở lại đây.
A hoàn về. Một lúc thấy Phượng Thư khoác áo tơi đến, cười nói:
- Ăn gì ngon thế, lại không gọi tôi?
Nói xong liền ngồi xuống ăn. Đại Ngọc cười nói:
- Ở đâu kéo đến một lũ ăn mày thế kia? Thôi, thôi! Hôm nay Lư Tuyết am thực là đốn kiếp, chỉ tại con Vân làm hại thôi. Ta phải khóc cho Lư Tuyết am mới được.
Tương Vân cười nhạt:
- Chị biết cái gì: "Là danh sĩ thật phải phong lưu”. Các người chỉ giả làm bộ thanh cao, đáng ghét nhất! Bây giờ chúng tôi ăn uống nhồm nhoàm, tuy tanh hôi thật, nhưng chốc nữa sẽ là bụng gấm miệng thêu cả đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Lát nữa làm thơ không hay, sẽ móc hết thịt ra, rồi lấy lau sậy dính tuyết tọng vào họng họ để cho hết kiếp đi.
Ăn xong, mọi người đi rửa tay.
Bình Nhi định đeo vòng vào tay, thấy thiếu một cái, tìm trước tìm sau, chẳng thấy đâu cả. Mọi người đều lấy làm lạ. Phượng Thư cười nói:
- Cái vòng đi đâu, tôi đã biết rồi. Các chị cứ việc làm thơ, chúng ta cũng không cần phải tìm. Độ ba ngày nữa thế nào cũng thấy.
Nói xong lại hỏi:
- Các chị hôm nay làm thơ gì đấy? Cụ bảo bây giờ gần hết năm, sang giêng nên bày cuộc đố thơ đèn để mọi người cùng vui.
Mọi người đều cười nói:
- Phải đấy, thế mà quên mất. Bây giờ làm sẵn mấy bài thật hay, để ra giêng chơi.
Nói xong mọi người cùng vào nhà có lò sưởi ngầm. Ở đây mâm bát hoa quả đã bày đủ cả, trên tường đã dán đầu bài, vần thơ và thể lệ làm thơ. Bảo Ngọc, Tương Vân vội đến xem, thấy đầu đề: Tức cảnh liên cú ngũ ngôn bài luật nhất thủ, hạn nhị tiêu vận.(7) Nhưng dưới chưa kê thứ tự. Lý Hoàn nói:
- Tôi không quen làm thơ mấy. Tôi chỉ xướng ra ba câu thôi, còn sau ai nghĩ được trước làm trước.
Bảo Thoa nói:
- Phải viết thứ tự ra chứ.
----------------------------------
1. Tức Đỗ Phủ.
2. Tức Vi Ứng Vật, người đời Huyền Tông và Đức Tông nhà Đường.
3. Tức Ôn Đình Quân người đời nhà Đường,làm thơ rất nhanh, xoa tay tám lần là làm xong bài thơ, vì thế người ta gọi là Ôn Bát Soa.
4. Đã chú thích ở hồi 40.
5. Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, nhà nghèo, nhưng vẫn kính trọng nhau như chủ với khách. Khi đưa đồ ăn cho chồng, Mạnh Quang dâng khay lên đến tận lông mày.
6. Chữ trong “Tây Sương ký”
7. Một bài thơ Đường luật 5 chữ, tả cảnh trước mắt, mỗi người nối một câu, hạn vần “nhị tiêu”.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc