Hồng Lâu Mộng - Chương 14

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Hồi thứ mười bốn
Lâm Như Hải từ trần ở thành Dương Châu;
Giả Bảo Ngọc giữa đường chào vua Bắc Tĩnh.

Đô tổng quản ở phủ Ninh là Lai Thăng biết tin Phượng Thư đến giúp việc, liền gọi những người đồng sự đến bảo:
- Nay mời mợ Liễn ở phủ Tây sang trông nom công việc. Mợ ấy muốn chi cái gì, lấy cái gì, truyền bảo câu gì, mọi người phải hầu hạ cẩn thận. Hàng ngày chúng ta đến sớm về muộn, chịu vất vả một tháng rồi sau sẽ nghỉ, đừng để phải bẽ mặt. Mợ ấy là người ngoài mặt đanh đá, trong lòng sâu cay, đáo để có tiếng, khi nóng tiết lên, chẳng nể ai đâu.
Mọi người đều nói: “Phải đấy!” Có một người cười nói:
- Cứ lý ra, bên này chúng ta cũng cần được mợ ta sang để bắt vào khuôn khổ, nếu cứ như bây giờ thì chẳng còn ra thể thống gì.
Đương nói chuyện, vợ Lai Vượng cầm đối bài đến lấy giấy chép kinh viết sớ. Trong phiếu kê rõ số mục. Mọi người mời ngồi uống nước, một mặt sai người chiếu theo phiếu lấy giấy rồi cùng vợ Lai Vượng đi ra đến cửa nghi môn, mới giao mang đi.
Phượng Thư sai Thái Minh đóng sổ, truyền cho vợ Lai Thăng tra xét lại danh sách người nhà; hẹn sáng sớm ngày mai, hết thảy người nhà và đàn bà hầu đều đến phủ để nghe lệnh. Phượng Thư điểm qua sổ sách xong, hỏi vợ Lai Thăng mấy câu, rồi lên xe về.
Ngày hôm sau, đúng giờ mão hai khắc, Phượng Thư lại đến. Những đàn bà và người hầu trong phủ đều đã đủ mặt. Thấy Phượng Thư và vợ Lai Thăng đương cắt các người chấp sự, họ đều đứng ngoài cửa sổ nghe ngóng không dám vào.
Phượng Thư bảo vợ Lai Thăng:
- Đã giao cho ta, nếu ta có điều gì làm cho các người khó chịu thì cũng đành vậy. Ta không nhu nhược như mợ các ngươi, muốn gì được nấy đâu. Các người cũng đừng lấy nê rằng phủ này từ trước đến nay vẫn thế. Bây giờ hết thảy đều theo lệnh ta, nếu làm sai một tý, bất luận là người có thể diện, đều nhất luật trừng trị.
Phượng Thư nói xong, sai Thái Minh đọc danh sách, đọc đến tên người nào thì gọi người ấy lên nhận mặt, rồi cắt đặt như sau:
- Hai mươi người này chia làm hai ban, mỗi ban mười người, chuyên việc pha nước tiếp các tân khách;
- Hai mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc cơm nước phục dịch họ hàng và những người trong nhà;
- Bốn mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc thắp hương, róc dầu, kéo màn, cúng cơm, cúng nước, có khách đến viếng thì “cử ai” trước linh sàng;
- Bốn người này chuyên ở phòng trà coi giữ ấm, chén, mất mát cái nào, phải chia nhau đền;
- Bốn người này chuyên giữ hồ rượu và bát đĩa, mất mát cái gì cũng phải chia nhau đền;
- Tám người này chuyên thu nhận lễ viếng;
- Tám người này coi giữ đèn, nến, dầu, các đồ mã: sẽ được cấp phát trước, rồi mới theo sổ phân phát đi các nơi;
- Ba mươi người này hàng ngày thay phiên canh đêm, trông nom cửa ngõ, đèn đuốc, quét dọn các nơi;
- Các người khác chia đi các phòng, mỗi người một chỗ, bàn ghế, đồ đạc, cho đến ống nhổ, phất trần... ở chỗ nào mất mát hoặc hư hỏng, trách cứ người đó phải đến.
- Chị Lai Thăng ngày nào cũng phải xem xét tất cả, nếu có ai lười biếng, uống rượu, đánh bạc, đánh cãi nhau, lập tức bắt đến trình ta. Nếu thiên vị một ai, ta xét ra, dù là người có thể diện từ mấy đời, ta cũng không nể. Bây giờ đã có khuôn phép, nếu ai làm bậy, người ấy phải chịu lỗi. Những người theo hầu ta hàng ngày đều có đồng hồ. Trong buồng nhà trên cũng có đồng hồ đánh chuông, nên bất cứ việc lớn hay nhỏ, phải có thì giờ nhất định. Hàng ngày cứ giờ mão hai khắc ta đến điểm danh; đúng giờ tỵ ăn cơm sáng; vào đầu giờ ngọ hai khắc lĩnh bài, trình việc; đầu giờ tuất đốt giấy báo hiệu tối, ta sẽ đến các nơi tra xét lại một lượt rồi nhưng người canh đêm đem nộp đủ chìa khóa cửa. Sáng hôm sau, đúng giờ mão hai khắc, mọi người lại phải có đủ mặt tại đây. Chúng ta chịu khó vất vả mấy ngày, khi công việc xong, ông các người sẽ thưởng cho.
Sau đó theo số phân phát: chè, dầu, nến, phất trần, chổi, các thứ. Một mặt sắp đặt các đồ trong nhà: bàn, ghế, nệm, chiếu, ống nhổ, đệm kê chân. Một mặt phân phát, một mặt vào sổ, ai trông chỗ nào, ai nhận thứ gì, biên chép rất rõ ràng. Mọi người nhận xong về chỗ, không như trước kia việc nhẹ thì tranh nhau làm, việc nặng chẳng ai ngó đến. Trong các phòng cũng không vì đông người nhốn nháo mà mất đồ đạc. Kẻ đến người đi, ở đâu vào đấy, không lộn xộn như trước người đang bưng nước thì lại bắt đi bưng cơm, người đang cử ai thì lại bắt đi tiếp khách. Hết thảy những chuyện lười biếng, trộm cắp cũng không xảy ra nữa.
Phượng Thư thấy mình có uy quyền, ra lệnh cho ai, đều răm rắp làm theo, trong bụng rất là đắc ý. Nhân thấy Vưu thị ốm, Giả Trân lại thương xót quá đỗi không ăn uống được, Phượng Thư ngày nào cũng bảo nấu cháo dừ và những món ăn ngon, rồi sai người mang đến. Giả Trân hàng ngày cũng sai người sửa soạn đồ ăn ngon đưa đến chỗ Phượng Thư làm việc. Phượng Thư không ngại khó nhọc, ngày nào cũng đến đúng giờ, điểm danh người nhà và bảo ban công việc. Một mình đứng ngồi ở trong phòng, không trò chuyện với các chị em dâu, ngay bạn gái thân thuộc đến cũng không ra đưa đón.
Hôm ấy là ngày thứ năm trong tuần thất thứ năm, các vị sư làm đàn khai phương phá ngục, thắp đèn cho vong hồn vào chầu vua Diêm Vương, bắt ma quỷ, mời Địa tạng bồ tát, mở cầu vàng, dẫn cành phan(1); các đạo sĩ đọc sớ, chầu Tam thanh(2), lạy Ngọc Đế; các sư đốt hương, phù phép, lễ kinh Thủy sám(3); lại có ba sư nữ trẻ tuổi mặc áo cà sa gấm, đi giày đỏ, niệm chú Tiếp dẫn(4) ở trước linh cữu, rất là nhộn nhịp.
Phượng Thư chắc hôm ấy có nhiều khách, đúng giờ dần dậy rửa mặt chải đầu, sắm sửa đâu đấy, rồi mặc quần áo, uống sữa, súc miệng, đến giờ mão hai khắc, vợ Lai Vượng đem người nhà đến chờ sẵn. Phượng Thư ở trong nhà ra, lên xe, trước xe treo đôi đèn ***g viết ba chữ “Vinh quốc phủ”. Ngoài cửa phủ Ninh, ở giữa có đèn treo, hai bên có đèn cầy, đốt sáng như ban ngày. Người nhà mặc đồ tang, xếp hàng đứng hầu. Xe đỗ ở cửa giữa, bọn hầu nhỏ lui ra, bọn đàn bà chạy lại vén rèm. Phượng Thư xuống xe, tay vịn vào Phong Nhi, hai người đàn bà cầm đèn, đỡ Phượng Thư vào. Những người đàn bà bên phủ Ninh đều ra chào.
Phượng Thư thong thả bước vào bàn thờ ở gác Đăng tiên trong vườn Hội Phương. Vừa trông thấy quan tài, nước mắt đã lã chã như hạt châu sa. Những hầu nhỏ chắp tay đứng đợi đốt vàng. Phương Thư gọi to:
- Pha nước cúng, đốt vàng!
Một lượt thanh la và âm nhạc nổi lên. Có người mang một cái ghế tựa lớn để ở trước linh cữu, Phượng Thư ngồi xuống khóc to, hết thảy gái trai trong ngoài trên dưới đều khóc rầm lên. Giả Trân và Vưu thị sai người đến khuyên giải, Phượng Thư mới thôi.
Vợ Lai Vượng đem nước trà đến, Phượng Thư súc miệng, đứng dậy từ biệt mọi người trong họ, đi vào nhà bên, mang sổ ra gọi tên. Mọi người đều có mặt cả, chỉ trừ người giữ việc đưa đón các bạn thân là chưa thấy đến. Phượng Thư sai đi gọi ngay. Người kia rất sợ chạy đến. Phượng Thư cười nhạt:
- Ngỡ là ai hóa ra chính là mụ. Mụ cho mình có thể diện hơn người, nên không nghe lời ta!
Người kia nói:
- Hôm nào tôi cũng đến sớm. Hôm nay tôi đã dậy từ lâu, thấy trời còn sớm, lại ngủ mất, thành ra đi chậm một bước, xin mợ tha cho lần đầu.
Đương nói thì vợ Vương Hưng ở bên phủ Vinh sang, đứng ngoài ló đầu vào.
Phượng Thư để người ấy đứng đấy, quay sang hỏi vợ Vương Hưng:
- Chị đến có việc gì?
Vợ Vương Hưng đến gần nói:
- Đến lĩnh bài lấy chỉ để đính diềm xe và kiệu.
Nói xong nộp đơn. Phượng Thư bảo Thái Minh đọc lên: “Kiệu nhỡ hai cỗ, kiệu nhỏ bốn cỗ, xe bốn cỗ, cộng tất cả phải dùng là bao nhiêu sợi, mỗi sợi bao nhiêu cân chỉ tơ”.
Phượng Thư nghe xong, thấy số mục đúng, liền sai Thái Minh biên vào sổ, rồi lấy đối bài ở phủ Vinh ném cho vợ Vương Hưng mang đi.
Phượng Thư định quay lại câu chuyện đi trễ, lại có bốn người chấp sự ở phủ Vinh đến, đều là những người lĩnh bài để đi lấy các thứ. Phượng Thư bảo họ đưa đơn đọc lên, nghe có bốn thứ liền trỏ vào hai thứ, bảo:
- Cái này khai nhầm, về tính lại sẽ đến lĩnh.
Nói xong vứt đơn xuống. Hai người này tưng hửng đi ra.
Phượng Thư thấy vợ Trương Tài đứng bên cạnh, hỏi:
- Chị có việc gì?
Vợ Trương Tài vội đưa đơn ra nói:
- Vừa mới thuê làm màn xe kiệu xong, đến lĩnh tiền trả công thợ may.
Phượng Thư thu lấy đơn trao cho Thái Minh vào sổ. Chờ Vương Hưng trao đồ xong, xem số trao có hợp với số mua không, rồi mới cho vợ trương Tài đi lĩnh. Sau đó lại sai đọc một đơn khác, tức là khoản tiền mua các thứ giấy, vải, hồ dán để sửa sang buồng học của Bảo Ngọc, Phượng Thư sai nhận đơn, biên sổ đợi vợ Trương Tài nộp đủ rồi mới phát.
Phượng Thư phân phát các việc xong, mới quay lại bảo:
- Ngày nay người này ngủ quên, ngày kia người kia ngủ quên, thì sẽ hết cả người. Ta cũng muốn tha cho mụ, nhưng lần đầu ta khoan thứ cho mụ, thì sau còn cai quản được ai? Chi bằng cứ xử trí ngay.
Nói xong lập tức nghiêm nét mặt, gọi:
- Mang mụ này ra đánh hai mươi roi.
Thấy Phượng Thư nổi giận, lông mày dựng ngược, không ai dám chậm trễ, người thì lôi mụ ra, người thì nhặt lấy đôi hài. Mụ kia bị đánh hai mươi roi, lại phải đến lạy tạ.
Phượng Thư nói:
- Ngày mai còn chậm, sẽ đánh bốn mươi roi, ngày kia đánh sáu mươi roi. Đứa nào muốn chịu đòn thì cứ chậm. Thôi, cho đâu về đấy.
Mọi người đứng ngoài cửa sổ, nghe vậy, đều răm rắp đi làm việc. Những người ở hai phủ Ninh, phủ Vinh đến lĩnh thẻ trả thẻ, đi lại tấp nập. Người đàn bà bị đòn xấu hổ bỏ đi. Lúc này mọi người mới biết Phượng Thư là tay ghê gớm, nên ai nấy nơm nớp lo sợ, làm việc cẩn thận, không dám lười biếng nữa.
Bảo Ngọc thấy đông người, sợ Tần Chung khó chịu, liền rủ đến chỗ Phượng Thư ngồi. Tần Chung nói:
- Bên ấy đang bận việc. Vả lại, chị ấy cũng không thích có người đến. Chúng ta đến đó sợ làm phiền chị ấy.
Bảo Ngọc nói:
- Phiền cái gì? Không ngại. Cứ theo ta.
Nói xong liền kéo Tần Chung đi.
Phượng Thư đang ăn cơm, thấy chúng đến, cười nói:
- Sao mà nhanh chân thế! Mau lên đây.
Bảo Ngọc nói:
- Chúng tôi vô phép rồi.
- Ăn ở bên nhà hay bên này?
- Ở bên này đông người, ăn làm sao được. Chúng tôi ăn bên cụ rồi mới lại đây.
Nói xong, ngồi xuống.
Phượng Thư ăn xong, có một người đàn bà ở phủ Ninh đến lĩnh bài để lấy đến hương. Phượng Thư cười bảo:
- Ta chắc hôm nay chị phải đến lĩnh. Không thấy chị đến, ta cứ tưởng chị quên, hóa ra bây giờ mới lĩnh. Nếu quên thực, thì chị phải xuất tiền ra, càng lợi cho ta.
Người ấy cười nói:
- Tôi quên thật, vừa mới nhớ ra, nếu chậm một bước nữa thì có lẽ không lĩnh được.
Nói xong lĩnh bài đi.
Đương lúc biên sổ, trao bài. Tần Chung cười nói:
- Cả hai phủ đều dùng một thứ bài, lỡ có người làm bài giả đi lĩnh tiền, thì làm thế nào?
Phượng Thư nói:
- Cứ như cháu nói thì ra không còn có phép vua nữa!
Bảo Ngọc hỏi:
- Sao bên nhà ta không có ai đến đây lĩnh bài để lấy đồ vật?
Phượng Thư nói:
- Khi họ đến thì chú hãy còn trong giấc chiêm bao kia! Tôi hỏi chú bao giờ các chú bắt đầu học tối?
- Chỉ trông mong học ngay từ bây giờ; nhưng họ chưa thu xếp xong buồng học nên đành chịu vậy.
- Chú cứ nói với chị là xong ngay.
- Chị cũng chẳng làm gì được, khi nào họ có làm thì mới xong.
- Họ dù có làm cũng phải cần các thứ, ta không cấp đối bài thì cũng khó mà làm được!
Bảo Ngọc nghe nói, xoắn lấy ngay Phượng Thư, đòi cho đối bài ngay tức khắc:
- Chị ơi, phát ngay bài cho họ đi sắm sửa các thứ.
- Ta mệt rồi, đau dừ cả người, chịu sao được cái lối quấy rầy của chú? Cứ yên tâm, hôm nay họ đã lĩnh giấy dán rồi, họ cần thứ gì thì đến lĩnh, còn chờ gọi à? Sao chú ngốc thế?
Bảo Ngọc không tin. Phượng Thư gọi Thái Minh đem sổ cho xem. Bỗng có người vào trình:
- Chiêu Nhi ở Tô Châu đã về.
Phượng Thư bảo gọi ngay vào. Chiêu Nhi quì xuống vái chào. Phượng Thư hỏi về làm gì? Chiêu Nhi nói:
- Cậu con bảo về. Cụ Lâm đã mất hôm mồng ba tháng chín. Cậu con đưa cô Lâm và linh cữu cụ Lâm về Tô Châu, độ cuối năm nay mới về. Cậu sai con về báo tin, hỏi thăm sức khỏe cụ, chờ chỉ thị của cụ và xem các mợ ở nhà có mạnh khỏe cả không. Cậu con lại dặn lấy mấy bộ áo da mang đi.
- Mày đã gặp mọi người chưa?
- Đã gặp cả rồi.
Nói xong vội vàng đi ra.
Phượng Thư nói với Bảo Ngọc:
- Cô Lâm có thể ở lâu được với chúng ta.
Bảo Ngọc nói:
- Khổ quá! Không biết mấy hôm nay em nó thương khóc đến thế nào!
Nói xong cau mày thở dài.
Phượng Thư thấy Chiêu Nhi về, trước mặt mọi người không kịp hỏi kỹ về Giả Liễn, nhưng nóng lòng sốt ruột, chỉ muốn về ngay. Vì công việc chưa xong, nên đành phải chịu. Chiều về, Phượng Thư gọi ngay Chiêu Nhi đến hỏi kỹ xem trên đường Giả Liễn có được bình an không. Suốt đêm Phượng Thư cùng Bình Nhi sửa soạn áo da, lại nghĩ xem chồng ở ngoài cần những thứ gì gói cả vào một gói trao cho Chiêu Nhi. Phượng Thư lại dặn dò Chiêu Nhi: “Phải hết sức hầu hạ cậu, đừng để cho cậu giận. Phải luôn luôn khuyên cậu ít rượu, không được đưa cậu đi lại với bọn con gái bậy bạ. Tao mà biết được, về đây tao sẽ đánh mày gãy chân”.
Chiêu Nhi cười, vâng lời đi ra.
Phượng Thư mãi canh tư mới đi ngủ, trời sáng lúc nào không biết, vội vàng dậy rửa mặt chải đầu rồi đi sang phủ Ninh.
Giả Trân thấy sắp đến ngày phát dẫn, liền lên xe mang theo người coi ty âm dương đến chùa Thiết Hạm xem xét chỗ quàn linh cữu. Lại dặn dò kỹ lưỡng nhà sư Sắc Không sửa soạn đồ lễ chuẩn bị mời các vị danh tăng đến để làm lễ tiếp linh. Giả Trân không nghĩ gì đến ăn uống, vì gần tối không tiện về nhà, phải ngủ lại đấy một đêm. Sáng sớm hôm sau, vội vàng trở về, lo liệu việc cất đám; một mặt sai người đến chùa Thiết Hạm sửa sang gấp chỗ để linh cữu, chỗ bếp núc và số người rước linh. Ngày phát dẫn sắp đến Phượng Thư phân phái người đi lo liệu các việc; mặt khác sai người phủ Vinh sắp sửa xe kiệu theo Vương phu nhân đi đưa đám, và thu xếp chỗ mình nghỉ.
Lúc này lại dồn dập nhiều việc như tang bà Thiện quốc công, Hình phu nhân, Vương phu nhân phải đến viếng và đi đưa đám; sinh nhật bà Tây An quận phi, phải đưa lễ mừng; lại có anh ruột là Vương Nhân và gia quyến về Nam, phải viết thư và sắm sửa các thứ mang về nhà; lại thêm Nghênh Xuân ốm, ngày nào cũng phải mời thầy xem bệnh, bốc thuốc. Phượng Thư bận quá đứng ngồi không yên, còn nghĩ gì đến ăn uống. Khi sang phủ Ninh thì người phủ Vinh đi theo, khi về phủ Vinh thì người phủ Ninh tới tìm. Thấy vậy, Phượng Thư càng hăm hở, không hề thoái thác việc gì, lỡ để người ngoài chê trách. Vì vậy ngày đêm bận rộn, tính toán công việc đâu vào đấy, nên trong họ, trên dưới ai cũng khen ngợi.
Chiều hôm trước ngày đưa đám, họ hàng bạn hữu cùng các ban âm nhạc đến đầy nhà. Vưu thị vẫn ốm nằm trong buồng, một mình Phượng Thư đảm đang hết mọi việc. Trong họ tuy có nhiều chị em dâu, nhưng người thì ăn nói vụng về, người thì đi đứng hấp tấp, hoặc e lệ với bọn quyền quý nên không quen tiếp khách. Riêng có Phượng Thư là người cử chỉ khoan thai, nói năng khoát đạt, tỏ vẻ cao quý, rộng rãi, nên chẳng coi ai vào đâu tha hồ phung phí, sai phái, muốn làm gì thì làm.
Suốt đêm hôm ấy, đèn đuốc sáng trưng, kẻ đưa người đón, rộn rịp trăm đường, chẳng cần phải nói. Sáng hôm sau, được giờ tốt, một bọn sáu mươi tư người mặc áo xanh rước linh, mặt trước minh tinh viết một dòng chữ lớn : “Linh cữu của nghi nhân họ Tần, quan hàm Ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy đạo Tử cấm, phòng Hộ nội đình là cháu dâu trưởng họ Giả cáo phong nhất đắng Ninh quốc công. Thiên triều Hồng phúc triệu năm”. Bao nhiêu đồ chấp sự và trần thiết đều làm một loạt mới, trông choáng cả mắt. Bảo Châu theo lễ con gái chưa lấy chồng, chịu tang dẫn linh cữu, khóc lóc rất thảm thiết.
Quan khách đến đưa đám có: tập tước Bá nhất đẳng Ngưu Kế Tông là cháu Trần quốc công Ngưu Thanh; tập tước tử nhất đẳng Liễu Phương là cháu Lý quốc công Liễu Bưu; tập tước tam phẩm Uy trấn tướng quân Trần Thụy Văn là cháu Tề quốc công Trần Dực; tập tước tam phẩm Uy viễn tướng quân Mã Thượng là cháu Trị quốc công Mã Khôi; tập tước nhất đẳng Tử Hầu Hiếu Khang là cháu Tu quốc công Hầu Hiếu Minh; duy có bà Thiện quốc công ૮ɦếƭ, cháu là Thạch Quang Châu không đến được: Bấy giờ người ta gọi sáu nhà này cùng hai nhà Ninh, Vinh là “bát công”.
Ngoài ra còn có: cháu Nam An quận vương, cháu Tây Ninh quận vương, Trung tĩnh hầu Sử Đĩnh; tập tước nhị đẳng Nam là Tưởng Tử Ninh, cháu Bình Nguyên Hầu; tập tước nhị đẳng Nam kiêm chức Kinh doanh du kích là Tạ Côn, cháu Định thành hầu; tập tước nhị đẳng Nam là Thích Kiến Huy, cháu Tương Dương hầu; Ngũ thành binh mã Ty là Cừu Lương, cháu Cảnh Điền hầu. Lại còn các vương tôn công tử như Hàn Kỳ là con Cẩm hương bá, Phùng Tử Anh là con Thần vũ tướng quân, Trần Dã Tuấn và Vệ Nhược Lan... không kể xiết được. Khách đàn bà có độ mười kiệu lớn, ba bốn mươi kiệu nhỏ, cùng với kiệu xe trong nhà hơn một trăm cỗ. Trước mặt có bày các thứ lộ bộ chấp sự đi nối nhau một dãy dài đến ba bốn dặm đường.
Bên đường, có những trạm kết hoa cao ngất, bày cỗ bàn, tấu âm nhạc. Đó là trạm tế giữa đường của các nhà. Trạm thứ nhất là của Đông Bình quận vương, trạm thứ hai là của Nam An quận vương, trạm thứ ba là của Tây Ninh quận vương, trạm thứ tư là của Bắc Tĩnh quận vương. Trong bốn vị vương này, khi trước chỉ có Bắc Tĩnh vương công cao nhất, nên con cháu vẫn được tập tước... Hiện nay Bắc Tĩnh vương là Thủy Dung, chưa đầy hai mươi tuổi, tuấn tú khác thường, tính tình nhũn nhặn. Được tin vợ cháu đích tôn phủ Ninh ૮ɦếƭ, nghĩ đến tình nghĩa ngày trước ông cha hai nhà chơi thân với nhau, Bắc Tĩnh vương không nghĩ mình là tước vương, hôm trước đã đến nhà hỏi thăm, làm lễ điếu tang, nay lại sửa lễ tế giữa đường, sai các thuộc hạ túc trực ở đấy. Canh năm vào chầu xong, Bắc Tĩnh vương mặc đồ trắng, ngồi kiệu, đánh chiêng trương lọng đến trước trạm đỗ xuống. Các quan đứng hầu hai bên, không cho quân dân qua lại.
Một chốc, đám ma phủ Ninh như ngọn núi bạc, trắng xóa trên mặt đất, rầm rầm rộ rộ, từ phương Bắc đến. Thấy trạm tế, người giữ việc của phủ Ninh quay lại báo, Giả Trân truyền ngay nhưng người cầm chấp sự đằng trước đứng lại, rồi cùng Giả Xá, Giả Chính, vội vàng theo quốc lễ đến yết kiến. Bắc Tĩnh vương ngồi trong kiệu nghiêng mình mỉm cười đáp lễ. Trong khi trò chuyện, Bắc Tĩnh vương vẫn dùng tiếng xưng hô như bạn bè thân mật, không có ý gì tỏ vẻ cao quý cả. Giả Trân nói:
- Con dâu kẻ hèn hạ này mất, phiền đức vương hạ cố nhiều lần, bọn chúng tôi đâu dám nhận!
Bắc tĩnh vương cười nói:
- Chúng ta là chỗ bạn thân đời đời với nhau, sao lại nói thế?
Rồi quay lại bảo trưởng phủ quan thay mình chủ tế. Bọn Giả Xá đứng cạnh đáp lễ, rồi thân đến tạ ơn.
Bắc Tĩnh vương tỏ ý rất khiêm tốn, nhân hỏi Giả Chính:
- Có cậu con ngài khi mới sinh ngậm ngọc, tôi muốn xem mặt đã lâu, đều bị việc trở ngại. Hôm nay chắc cậu ấy có ở đây, sao không mời lại?
Giả Chính vội lui ra, gọi Bảo Ngọc thay áo rồi dẫn lại yết kiến. Bảo Ngọc xưa nay nghe tiếng Bắc Tĩnh vương là người hiền đức, tài mạo khác thường, phong lưu, phóng khoáng, không câu nệ lối quyền quý, vẫn muốn được gặp, nhưng vì cha ngăn giữ, không được như ý. Nay thấy gọi, rất là vui mừng, vội chạy lại liếc nhìn, thấy Bắc tĩnh vương nghiêm trang phong nhã đương ngồi trong kiệu.
---------------------------------
(1). Theo lễ bên nhà chùa; tức là Đàn ௱ôЛƓ sơn.
(2). Theo phái đạo gia (phái tu tiên). Tam thanh là ba cõi trong sạch nhất: Ngọc thanh, Thượng thanh, Thái thanh. Có thuyết cho là ba vị thánh: Nguyên thủy thiên tông; Thái thượng đạo quân; Thái thương lão quân.
(3). Những nghi lễ riêng bên nhà chùa, thường dùng trong tuần bốn mươi chín ngày để siêu độ vong linh.
(4). Đưa linh hồn về cõi phật.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc