Buổi tối, Cố Tiểu Ảnh và Hứa Tân theo lẽ tự nhiên ở lại nhà Đoàn Phỉ ăn tối. Đoàn Phỉ không chỉ có tay nghề nấu ăn ngon, mà còn có sở thích nấu nướng rất nhiệt tình. Đây là một đức tính hiếm thấy trong thời đại “thục nữ chẳng bao giờ vào bếp” này. Có điều, Mạnh Húc thấy ngứa mắt khi bà xã mình mang bầu đến tháng thứ sáu mà vẫn phải nấu cơm cho hai cô gái thích ăn thích chơi này, liền nói ngay là mình sẽ đích thân vào bếp. Cố Tiểu Ảnh và Hứa Tân chưa bao giờ thấy Mạnh Húc vào bếp, nên mỗi người một bên cửa bếp chằm chằm nhìn Mạnh Húc nấu nướng, thỉnh thoảng lại nhắc: “Bếp mở rồi đấy”, “Anh rể cẩn thận”, “Ối ối ối trứng cháy rồi”.
Mạnh Húc phát hoảng vì tiếng hét của hai cô gái, không chịu nổi, phải ngoái cổ ra phía phòng khách gọi: “Bà xã ơi, em nhanh lôi hai cái đồ này ra ngoài đi! Ồn ào quá!”
Đoàn Phỉ vừa cười vừa đi từ phòng khách sang, vỗ vai hai người bạn: “Vào đi vào đi, sao hai người giống mẹ chồng quá vậy?”
Cố Tiểu Ảnh và Hứa Tân nuối tiếc quay người đi vào phòng, trước khi đi còn kịp vớ điện thoại chụp một tấm ảnh Mạnh Húc đang khoác tạp dề nấu nướng, vừa đi và cảm khái: “Mình phải post lên blog của trường mình mới được, tiến sỹ Mạnh vào bếp, chà chà, tình tứ thật!”
Đoàn Phỉ “Xì” một tiếng, rồi thuận tay vỗ vào lưng Cố Tiểu Ảnh: “Đúng là chẳng ra làm sao! Nấu cơm thì có gì mà tình tứ?”
“Sư tỷ chị đừng nói chuyện không đau lưng” - Cố Tiểu Ảnh than thở, “Nếu Quản Đồng nhà em mà cũng nấu được một bữa cơm cho em, thì đừng nói sinh con, mà sinh luôn mười đứa em cũng cam lòng!”
“Mười đứa?”, Hứa Tân cười to, “không phải tớ đùa cậu đâu, con ruồi nhỏ ạ, cậu thì làm gì có khả năng đó?”
Cố Tiểu Ảnh trợn mắt, thuận tay túm cái gối trên ghế sôfa rồi một lần nữa đuổi đánh. Đoàn Phỉ ngồi ở đó một tay xoa bụng nhìn hai cô gái đang đùa giỡn, cảm thấy rằng: hạnh phúc thực ra chỉ đơn giản là chuyện khiến người ta thấy ấm áp.
Từ ngày Đoàn Phỉ quen Mạnh Húc đến nay đã năm năm. Đoàn Phỉ vẫn còn nhớ Mạnh Húc lúc mới gặp tại quán cà phê, trong tiếng nhạc êm dịu, anh đã kể cho cô nghe lịch sử mỹ thuật Trung Quốc bằng thứ tiếng phổ thông đậm đặc khẩu âm Chiết Giang.
Trước đó, Đoàn Phỉ chưa từng nghĩ đến việc có ngày mình lại phải cần đến việc “giới thiệu”.
Các cô gái tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật không xinh đẹp lắm, mà thường là cũng không biết trang điểm. Có câu “người đẹp vì lụa”, nên cô giáo Đoàn vì biết cách trang điểm mà chỉ trong vòng nửa năm đã được bầu là một trong “bốn cô giáo xinh nhất” trường đại học Công nghệ.
Hồi đó đang có trào lưu blog, các sinh viên lên blog bình luận sôi nổi:
Tầng 1: Cô Đoàn hôm nay quàng một chiếc khăn lụa đẹp quá, chắc là đắt lắm nhỉ?
<
Tầng 2: Mình phát hiện ra cô Đoàn chưa bao giờ mặc trùng quần áo, chắc nhà cô ấy giàu lắm?
Tầng 3: Này người hoa mắt tầng trên, đó là do cô Đoàn là người biết phối đồ, một chiếc áo sơmi trắng mà cô có thể kết hợp rất nhiều kiểu.
Tầng 4: Cô Đoàn chưa có bạn trai hay sao ấy. Các anh em gặp may rồi, tiến lên!
Tầng 5: Chúng ta là đồ sâu bọ, chúng ta là đồ sâu bọ!
Tầng 6: Tầng 4 đúng là cái đồ không ra gì, chẳng biết xấu hổ! Cảnh cáo các cậu không được ngắt đi những bông hoa hiếm hoi trong trường, làm người phải có đức độ, muốn trường thọ phải biết thẩm mỹ.
Tầng 7: Khi chim đã lớn thì rừng nào cũng có…
Tầng 8: Tôi yêu cô Đoàn Tôi yêu cô Đoàn Tôi yêu cô Đoàn Tôi yêu cô Đoàn Tôi yêu cô Đoàn!
...
Đúng là rỗi hơi. Những entry này Đoàn Phỉ có thể tự mình xem, thỉnh thoảng còn để lại lời nhắn: “Tôi là Đoàn Phỉ, người nào không tin thì chỉ là con cún”. Đương nhiên chẳng có người nào tin cả, nhưng từ đó có thể thấy cô gái này thực sự cá tính.
Những ngày vô vị đó kéo dài không lâu, bởi rất hay có người nghe ngóng các chủ đề kiểu như “cô Đoàn đã có người yêu chưa”, khi biết là chưa thì liền hớn hở khoe: “tôi quen một anh chàng rất khá, cô Đoàn có muốn gặp mặt không” - làm Đoàn Phỉ tức lộn ruột.
Lúc đầu cô còn từ chối khéo, nhưng từ chối mãi cũng không tiện, cho đến khi chủ nhiệm khoa phải ra tay, ông cười hà hà bảo: “Cô Đoàn này, người bạn học của tôi có một anh con trai, rất khá, cô xem lúc nào có thời gian, đi gặp mặt một chút được không?”
Nhìn chủ nhiệm khoa tóc bạc trắng, tính tình hiền hậu, Đoàn Phỉ đành thở dài, bước chân vào con đường “coi mắt”.
Con đường này cũng không dài lắm, nên đến đối tượng thứ ba thì cô gặp được Mạnh Húc.
Cô còn nhớ, đó là vào mùa đông, Mạnh Húc mặc một chiếc sơ mi trắng, áo gilê màu đỏ hồng, kết hợp vào quần xám nhạt và áo jacket mày xanh lam đậm, ngoài cũng khoác chiếc áo lông dày xụ, mà sau này Đoàn Phỉ gọi đùa là “áo hotdog”, người thì gày gò, nhưng trông phải to ít nhất gấp hai lần. Anh ta ăn mặc lòe loẹt đứng trước mặt Đoàn Phỉ, suýt nữa khiến Đoàn Phỉ, vốn là người cầu kỳ về ăn mặc, ngất xỉu!
Được cái Đoàn Phỉ cũng là người nhân từ, kiên nhẫn nên cô không bỏ đi mà ngồi lại nói chuyện. Lúc đó Mạnh Húc mới học năm thứ nhất tiến sỹ, chuyên ngành lịch sử mỹ thuật đại học tỉnh, có chút kiến thức, nên cứ mở mồm là nói về chuyên môn. Cũng có thể coi là anh chàng may mắn, vì khi còn học đại học, Đoàn Phỉ rất yêu môn lịch sử mỹ thuật, mê mẩn trường phái tranh nhân văn Tống Nguyên và trường phái tiểu họa hoa sen. Càng nói chuyện, cô càng có nhiều ấn tượng tốt với Mạnh Húc học rộng biết nhiều. Thỉnh thoảng anh chàng miền Nam này lại nói ngọng, khiến Đoàn Phỉ phải phì cười, nhưng cô cũng kịp nhận thấy vẻ chân thành và quan tâm trên gương mặt anh, nên thầm có cảm giác gì đó thật an toàn.
Vì thế mới nói, duyên số là một thứ thật kỳ lạ, Đoàn Phỉ hoạt bát bắt đầu tình yêu với Mạnh Húc quê mùa như thế, và tình yêu của hai người kéo dài trong ba năm.
Trong khoảng thời gian không ngắn cũng không dài đó, Đoàn Phỉ đã cải tạo anh chàng của mình một cách rất tinh tế, cô nói cho anh biết người dân ở đây có những quy tắc gì trong bữa ăn, khách chính, khách phụ phải ngồi ở đâu, lúc chúc rượu có điều kiêng kỵ nào; nói cho anh biết lúc mặc đồ, đội mũ cần theo quy luật nào, mỗi màu sắc cần kết hợp thế nào mới được coi là đẹp; lúc nói chuyện với người khác cũng cần biết cách nhìn vào mắt họ; khi ăn cơm nếu có gì cần nói, phải nuốt thức ăn xong mới được mở miệng; khi không tán đồng ý kiến của người thì phải biểu đạt ý kiến của mình một cách khéo léo; lúc xưng hô với bề trên phải dùng từ “ông” chứ không dùng từ “anh”… giống hệt như đang dạy dỗ một đứa trẻ con. Có điều, sau này Đoàn Phỉ cũng phát hiện ra: con gái đi lấy chồng rồi, về danh nghĩa là có thêm một người chồng, nhưng thực tế là thêm một đứa con.
Kể cũng hay, năm Mạnh Húc tốt nghiệp, cũng chính Đoàn Phỉ là người sấp ngửa đi tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các trường, rồi tự lựa chọn ba trường trong số đó để anh đến giảng thử. Trước khi giảng thử, Đoàn Phỉ uốn nắn từng ly từng tý cho tiến sỹ Mạnh Húc hay đỏ mặt khi nói chuyện, rằng: lúc giảng bài cần làm gì, làm thế nào để thu hút sự chú ý của học sinh, làm thế nào để vừa hài hước lại vẫn thể hiện được sự học rộng biết nhiều… Cô luôn tham dự vào sự trưởng thành của anh giống như một người mẹ, không vội vàng hấp tấp.
Lúc đầu Mạnh Húc còn cười, nói Đoàn Phỉ thiên vị trường mình, đến đâu cũng thấy trường mình là nhất. Đoàn Phỉ lắc lắc đầu, chậm rãi phân tích: thứ nhất, ở lại đại học tỉnh, người nào cũng từng là thầy cô của anh, đến đời kiếp nào anh mới có một mảnh trời riêng cho mình? Thứ hai, ở lại đại học tỉnh, ai cũng có tấm bằng tiến sỹ của trường nổi tiếng, đều đi học nước ngoài về, liệu mảnh bằng tiến sỹ trong nước quê mùa của anh có đất dụng võ không? Thứ ba, ở lại đại học tỉnh, một nơi ᴆụng đâu cũng thấy các học giả đại học Harvard, đại học Yale, thì anh sẽ bị nấu chín thành một cây thịt, chứ chắc chẳng được trở thành rồng phượng đâu. Tục ngữ có câu: “thằng chột làm vua xứ mù”, làm sao anh biết học viện hạng hai không có đất dụng võ chứ?
Hôm đó, Mạnh Húc nhìn Đoàn Phỉ thản nhiên phân tích rõ ràng rành mạch, mà thấy thực sự ngỡ ngàng.
Một lúc sau anh mới nói nên lời: “Bà xã ơi, em quả là… Gia Cát Lượng phiên bản nữ!”
Đoàn Phỉ cười.
Và sự thực cũng đã cứng minh, cứ coi như Gia Cát Lượng phiên bản nữ đi, thì cũng không phải người tầm thường!
Tháng năm năm đó, Mạnh Húc ký hợp đồng với Học viện nghệ thuật, với chức danh “Phó giáo sư”, lại được thêm một căn hộ mới rộng 130m2 trên tầng 16, trường phân cho giáo viên, cộng thêm 100 nghìn tệ kinh phí nghiên cứu khoa học khởi điểm. Hai năm sau, với thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, Mạnh Húc trở thành tấm gương điển hình có tiếng nói trong số giáo viên trẻ của học viện Nghệ thuật, và trong danh sách nghiên cứu sinh cao học năm sau của học viện, cột họ tên giáo viên hướng dẫn, đã xuất hiện cái tên Mạnh Húc.
Nói một câu mộc mạc: đến lúc này, mấy người bạn học trước đây của Mạnh Húc ở lại trường vẫn chỉ có cái chức danh “giảng viên”, ở trong mấy căn hộ cho thuê tồi tàn gần trường, ngày ngày bán cháo phổi dùi mài học vấn. Đương nhiên, họ cũng đang miệt mài cho chức danh, cho nhà ở, cho địa vị và những phúc lợi liên quan của mình trong tương lai.
Thực ra Mạnh Húc cũng biết, mặt bằng của đại học tỉnh vẫn tốt hơn, dù gì cũng là trường có bề dày trăm năm tuổi. Buổi ban đầu các bạn anh bước chân vào trường sẽ nhiều gian nan, nhưng sau khi sôi kinh nấu sử nhất định cũng sẽ có thành quả, thậm chí có thể cả đời còn sáng lạn hơn Mạnh Húc. Thế nhưng, cuộc sống của họ quả thật là khổ sở, từ vật chất đến tinh thần đều như đang phải vác trên mình một cái mai quá nặng, không dám thảnh thơi một ly một tý. Nhìn lại mình, anh là tiến sỹ duy nhất của phòng nghiên cứu đào tạo mỹ thuật học của Học viện nghệ thuật nên không chỉ có cơ hội tham gia rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cao, mà còn không có áp lực gì, cứ việc yên tâm vô tư vùi đầu nghiên cứu. Có thể coi cuộc sống của anh như thế là quá thoải mái.
Chính vì những lẽ đó, anh không thể không cảm ơn Đoàn Phỉ.
Tuy nhiên, cũng có lúc anh ngấm ngầm ưu tư, nghĩ mình là một trang nam tử, tại sao lại dựa dẫm vào vợ như thế; tại sao anh luôn đưa ra quyết định dựa theo ý kiến của cô? Tại sao vợ mình lại chỉ ra cho mình thấy mình nhiều nhược điểm đến thế? Ngoài học hành ra, tại sao mình chẳng thể làm tốt được một việc nào khác?
Thế nhưng, không đợi cho đến khi nỗi ưu tư của anh được tìm hiểu đầu đuôi, thì có một sự kiện lớn xảy ra trong cuộc sống của anh, vào năm anh tròn 30 tuổi, Đoàn Phỉ mang thai. Niềm vui được làm bố cổ vũ anh rất nhiều, khiến anh lao vào công cuộc phấn đấu cho tương lai của vợ con, tuy mệt mỏi mà vinh quang.
Có câu “tam thập nhi lập”, Mạnh Húc vừa xào rau vừa nghĩ: mình như thế này, đã coi là “lập” được chưa nhỉ?