Chương 11: 11: Chương 10

Tác giả: Ngô Tiếu Kì


Mùa hè qua đi và mùa thu lại đến, tôi gặp lại con Vy vào ngày khai giảng và bắt đầu năm học mới cùng nhau.
Năm học lớp Tám, bọn lớp tôi có phong trào sưu tầm những bài thơ, và con Vy cũng không ngoại lệ.
Tất cả là do cô Thu Thủy, giáo viên dạy Ngữ Văn mới của chúng tôi.
Những tiết học của cô thường trôi qua rất nhanh, cô không cho chúng tôi chép bài nhiều mà chỉ ghi lại những từ khóa trong bài giảng của mình trên bảng, sau đó bắt chúng tôi phải tự diễn giải ra phần còn lại.
Vì vậy, mỗi tuần cô đều tranh thủ được khoảng mười lăm phút trong một tiết học nào đó.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chúng tôi lại được nghe những bài thơ do chính cô viết, với cảm hứng lấy từ chính câu chuyện về mối tình đầu đầy mơ mộng.
Tôi chẳng biết những câu chuyện của cô có thật hay không, nhiều đứa cũng cảm thấy có vẻ hư cấu, nhưng đứa nào cũng thích được nghe kể chuyện như vậy.
Ở cái giai đoạn đầy biến động trong tính cách của con người ấy, cô Thủy đã trải ra những lăng kính màu hồng để chúng tôi nhìn vào thế giới xung quanh.
Dưới tác động của cô, tôi cũng bị ảnh hưởng đôi chút, hoặc có thể nhiều hơn tôi tưởng.
Tôi cảm thấy những nhà thơ tài thật, chỉ cần vài dòng là có thể tóm gọn hết cả câu chuyện dài hay tâm tư của bản thân trong đó.
Và tôi bắt đầu thích đọc những bài thơ.
Nhưng không giống như những đứa khác trong lớp, chúng mua hẳn vài tập thơ để chuyền tay nhau, còn tôi thì chỉ có thể lục lọi những cuốn sách Ngữ Văn cũ của chị Nhã để lại.
Những cuốn sách mà tôi chưa học tới.
Một buổi tối tháng Mười Hai, trời mưa tầm tã dội lên mái tôn nhà tôi, tạo nên những tiếng lộp bộp không ngừng.
Sau khi lấy cái thau và bỏ một cái giẻ vào để hứng nước mưa ở chỗ dột gần bàn học, và những chỗ khác nữa, tôi lại cắm cúi đọc thơ.
Tôi đọc bài thơ Tương Tư của Nguyễn Bính một lần, hai lần, rồi ba lần.
Tôi không biết Nguyễn Bính tương tư ai, nhưng tôi thấy mình có chút nhớ con Vy, dù vừa gặp nó lúc chiều.
Tôi chống cằm lên bàn, lắng nghe tiếng mưa bên ngoài cửa sổ và bắt đầu suy nghĩ những thứ linh tinh.
Không biết giờ này con Vy đã ăn cơm chưa, nó đang làm gì, đang học bài hay đang đọc truyện, trời mưa như thế này nó có thấy lạnh không? Hình bóng của nó cứ hiện lên trong đầu tôi, với gương mặt nhìn nghiêng từ một bên, giữa những tia sáng chiếu vào từ cửa lớp.
Tôi nghĩ về điều đó và ngồi cười một mình.
Chắc là tôi "tương tư" con Vy rồi.
Và dường như có một giọng nói thôi thúc trong đầu, tôi tìm cuốn vở Giáo Dục Công Dân và xé một tờ giấy trong đó.
Rồi như một ông đồ già, tôi nắn nót viết lại bài thơ của Nguyễn Bính.
Có một điều trùng hợp là ở trên lớp, con Vy cũng ngồi về hướng Đông của tôi.
Vì vậy mà câu đầu của bài thơ đã được tôi tô đậm hơn những dòng còn lại.
Giờ học chiều hôm sau, tôi mượn nó cuốn vở soạn bài Ngữ Văn đem về nhà.
Cầm cuốn vở trên tay, tôi mân mê những nét chữ xinh xắn, hít thở hương thơm của mùi mực và giấy vở.
Con Vy dùng một loại 乃út rất đặc biệt, mực có mùi thơm chứ không như cây 乃út tôi đang dùng.
Tôi đưa tay lướt trên những trang giấy mịn màng, tưởng như đang được nắm bàn tay mềm mại của nó.
Tôi cẩn thận kẹp "bức thư tình" của mình vào giữa cuốn vở, không nỡ cất đi mà ôm "nó" ngủ tới sáng.
Chiều hôm sau, tôi trả lại cho con Vy cuốn vở soạn bài.
Nhìn nó cất cuốn vở vào trong cặp, lòng tôi nhảy nhót lên những cảm xúc hồi hộp.
Nhưng hai ngày trôi qua, vẫn chẳng có điều gì xảy ra khiến tôi có chút lo lắng.
Đến chiều thứ Hai tuần sau đó, con Vy hỏi mượn tôi vở bài tập Đại Số và trả lại vào thứ Ba, kèm một tờ giấy.
Nó viết cho tôi bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Nhìn những dòng chữ màu tím dễ thương như cái đứa viết ra chúng, tôi có cảm giác khác hẳn khi đọc những câu tương tự trong cuốn sách.
Tôi thấy như lòng mình đang cuộn sóng.
Cầm tờ giấy mỏng manh trên tay, soi dưới ánh đèn, tôi bắt đầu xoay mình như đang khiêu vũ.
Tôi lại ngồi vào bàn học, xé một tờ giấy trong cuốn vở Giáo Dục Công Dân và lại nắn nót viết từng câu trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
Như lần trước, tôi lại mượn con Vy một cuốn vở rồi kẹp bài thơ vào giữa.
Và vài ngày sau, tôi nhận được một bài thơ khác của Xuân Quỳnh - Thuyền Và Biển.
Tôi định viết tiếp cho nó một bài thơ nữa từ trong cuốn sách Ngữ Văn của chị Nhã, nhưng sau đó lại thấy không còn nhiều bài có thể dùng được.
Nếu cứ như vậy thì sớm muộn cũng chẳng còn gì để tôi viết lại nữa.
Tối hôm đó, tôi đạp xe ra Siêu Thị Sách ở cuối đường Lê Thành Phương và tìm đọc những bài thơ.
Mất hơn một tiếng đồng hồ đứng giữa các hàng sách, tôi tìm được bài thơ Xa Cách của Xuân Diệu, trong một cuốn sách nhỏ.
Tôi đọc thêm vài bài thơ khác nữa thì thấy cũng khá hay nên quyết định sẽ mua cuốn đó.
Nhưng khi đến trước quầy tính tiền, tôi sờ vào trong túi và nhớ ra là mình chẳng còn đồng nào cả.
Tôi vừa dùng hết số tiền dành dụm được để mua cái hồ mới cho lũ cá của mình.
Cầm cuốn sách về lại nơi mà mình đã lấy xuống, tôi đặt nó vào chỗ cũ và đứng đó khoảng năm phút.
Thật sự là một cuốn sách hay, nhưng nếu để dành tiền tới khi mua được nó thì cũng mất một hay hai tuần, mà tôi thì không đợi được lâu như vậy.
Cuối cùng, tôi quyết định làm một trong những việc mà mình ghét nhất trên đời: Học thuộc lòng.
Tôi ghét phải ngồi nhìn vào từng chữ từng chữ trong sách giáo khoa hay cuốn vở ghi và lẩm nhẩm như tụng kinh, cho tới khi nhớ được chúng, rồi lại quên hẳn sau kỳ thi cuối năm.
Tôi lấy cuốn sách ra khỏi giá lần nữa, lật tìm bài thơ Xa Cách khi nãy rồi bắt đầu đọc.
"Không giống với văn xuôi, những bài thơ cần phải đọc theo vần điệu thì mới dễ đọc, dễ nhớ và dễ thấm được" - cô Thủy nói như thế.
Và quả thật làm theo lời cô khiến tôi thấy dễ ghi nhớ hơn nhiều, nhưng mất hơn ba mươi phút tôi vẫn chỉ thuộc được bốn khổ đầu.
Việc học trộm thế này đã khó, mà còn bị nhìn chằm chằm vào người thì lại càng khó hơn nữa.
Giữa mỗi dãy sách đều có một chị gái mặc áo dài màu hồng ngồi trông sách, và chỗ tôi đang đứng cũng như vậy.
Có lẽ việc tôi ở lỳ một chỗ quá lâu khiến chị ấy chú ý.
Chốc chốc, chị ấy lại rảo bước dọc lối đi giữa hai hàng giá sách để sắp xếp mọi thứ ngăn nắp như cũ.
Tôi cảm giác có một đôi mắt cứ nhìn vào mình và không thể nào tập trung được.
Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng đứng đó và nhồi nhét từng câu thơ vào đầu, cho tới khi Siêu Thị Sách đóng cửa vào chín giờ tối.
Tôi về nhà và lập tức ngồi vào bàn học, ghi lại tất cả những gì mình nhớ vào một tờ giấy, và tôi chỉ nhớ được một nửa bài thơ.
Tối hôm sau, tôi lại chạy ra đó lần nữa để đọc trộm.
Thật may là tôi chỉ mất thêm một buổi tối để học thuộc bài thơ, và sửa lại vài chỗ chưa đúng của hôm trước.
Tôi xé một tờ giấy khác, nắn nót viết lại nội dung từ bản nháp rồi lại gửi đi như vẫn làm.
Kể từ sau bài thơ Xa Cách ấy, con Vy ngồi xích lại gần tôi hơn.
Cái bàn ba người, giờ hai chúng tôi chỉ ngồi một nửa, một nửa còn lại nhường cho đứa ở đầu bên kia.
Cứ như thế, cách vài ngày, chúng tôi lại gửi cho nhau một bài thơ.
Nó toàn gửi cho tôi những bài thơ của Xuân Quỳnh, có lẽ nó thích nhà thơ này.
Còn tôi thì cũng bắt đầu quen với việc đọc trộm thơ rồi về nhà chép lại.
Một hôm, khi đang mải mê trong những vần thơ, một giọng nói êm dịu vang lên từ phía sau tôi:
- Em trai có vẻ thích đọc thơ nhỉ.
Tôi giật mình gập cuốn sách rồi quay lại.
Là chị gái vẫn thường ngồi ở gần cái kệ sách nơi tôi đang đứng.
- Chị chưa thấy đứa nào ở tuổi em thích đọc thơ đến vậy.
- Dạ, - Tôi lo lắng nói, không biết việc đọc chùa như vậy có bị kết án hay không - Cũng hay mà chị.
Chị ấy mỉm cười nhìn tôi, rồi lại nhìn cuốn sách trong tay tôi.
Chị đi vài bước dọc theo hàng sách rồi quay lại, vẫy tay gọi tôi.
Thấy tôi vẫn đứng im như tượng, chị mỉm cười.
Ngón tay chị giơ lên ngang tầm mắt, đung đưa trên từng gáy sách.
Chị rút ra một cuốn mỏng như cuốn vở nhưng nhỏ hơn và đi đến chỗ tôi.
- Em đọc thử đi, có mấy bài thơ hay lắm, đọc cho bạn gái nghe là khỏi chê.
- Cả..
m..
cảm ơn chị.
- Tôi cầm cuốn "Thơ Nguyễn Bính" trong tay và nói, bất ngờ với những gì đang diễn ra.
- Không có gì đâu, - Chị cười nói - Em làm chị nhớ tới đứa em trai ở quê, cũng tầm tầm tuổi em vậy nè.
Mà em cứ tự nhiên đọc đi, chỉ cần đừng làm hỏng sách với cất lại chỗ cũ giúp chị là được.
- Dạ.
- Tôi gật đầu.
Tôi không nhớ rõ mặt, cũng không biết tên chị ấy, chỉ nhớ rằng chị có một nụ cười rất đẹp cùng một giọng nói rất ngọt ngào.
Vậy là từ đó, tôi bắt đầu viết thơ của Nguyễn Bính cho con Vy, còn nó thì vẫn viết cho tôi những bài thơ của Xuân Quỳnh.
Đôi lúc, tôi tưởng chúng tôi đang hóa thân thành Nguyễn Bính và Xuân Quỳnh, ngày ngày gửi thơ tình cho nhau.
Dù sao thì đó cũng chỉ là suy nghĩ của tôi thôi, nhưng thơ của họ đã giúp tôi và con Vy mỗi lúc một gần nhau hơn.
Chúng tôi viết cho nhau ngày một nhiều, không rõ là bao nhiêu nữa.
Đến cuối năm học, khi xấp thơ tình đã khá dày, tôi gỡ tờ bìa của một cuốn vở cũ, đặt những bức thư ấy vào trong rồi cẩn thận kẹp lại..


Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc