Hẹn Bạn Trên Đỉnh Thành Công - Chương 03

Tác giả: Zig Ziglar

PHẦN HAI: CHÂN DUNG TỰ HỌA
MỤC ĐÍCH:
1/ Trình bày tầm quan trọng của hình ảnh lành mạnh về chính mình.
2/ Nhận diện những nguyên do tạo nên hình ảnh nghèo nàn về bản thân.
3/ Trình bày những nét đặc trưng của hình ảnh bản thân nghèo nàn.
4/ Cống hiến mười lăm phương pháp làm đẹp hình ảnh bản thân.
5/ Khuyến khích chọn lựa và trau dồi hình ảnh bản thân.
CHƯƠNG 3: KẺ TRỘM THẬT HAY GIẢ
Không gian: Một tiệm tạp phẩm nhỏ trong làng.
Thời gian: năm 1887.
Một người đàn ông trạc độ sáu mươi tuổi, dung mạo hòa nhã vào mua củ cải. Ông đưa cho cô bán hàng tờ 20 đô la. Cô bán hàng cầm tiền, đút vào ngăn kéo rồi lấy tiền lẻ ra thối. Chợt đầu ngón tay dính mực, cô giật mình, lưỡng lự một lát. Rồi tự nghĩ: có lẽ nào một người vừa là thân chủ, vừa là hàng xóm lại là cố tri như ông Emmanual Ninger đây lại đưa tiền giả hay sao? Thế là cô định thối tiền cho ông ta về. Tuy vậy, cô cứ băn khoăn mãi, (vào năm 1887, 20 đô la là một món tiền khá lớn) nên mới mời cảnh sát đến giúp đỡ. Một cảnh sát viên quả quyết đó là bạc thiệt, một người khác thì tỏ vẻ nghi ngờ trước vết mực lem. Cuối cùng, tính tò mò cộng với tinh thần trách nhiệm đã buộc họ phải đến xét nhà ông Ninger. Tại đây, trên gác thượng, họ đã tìm thấy những dụng cụ in giấy 20 đô la giả, với một tờ đang in dở, cạnh đó là ba bức chân dung do chính tay Emmanual Ninger vẽ.
Ninger là một họa sĩ có tài. Ông tự tay vẽ lấy những tờ 20 đô la giả. Và đã lừa được mọi người bằng những nét vẽ tỉ mỉ, tài hoa cho đến khi số mệnh vạch mặt ông bằng những ngón tay ướt của cô hàng rau. Sau khi bắt giữ ông, người ta đem bán đấu giá 3 bức chân dung được tất cả 16.000 đô la – vị chi mỗi bức trên 5.000. Điều trớ trêu là Emmanual Ninger vẽ mỗi bức chân dung trị giá trên 5.000 đô la cũng chỉ mất công bằng vẽ một tờ 20 đô la thôi.
Con người tài hoa lỗi lạc ấy quả là một tên trộm đúng nghĩa nhất. Điều bi đát ở đây là người bị ông ta ăn trộm nhiều nhất lại chính là Emmanual Ninger. Thật vậy, giá như biết đem bán tài năng một cách hợp pháp, chẳng những ông ta đã giàu có mà còn có thể giúp ích cho đời nữa. TÊN ÔNG ĐÃ ĐƯỢC GHI VÀO BẢN DANH SÁCH DÀI VÔ TẬN NHỮNG KẺ ĂN TRỘM CHÍNH MÌNH TRONG KHI ĂN TRỘM CỦA NGƯỜI KHÁC.
TÊN TRỘM THƯỢNG LƯU
Tên trộm thứ hai tôi muốn nhắc tới là Arthur Barry. Y là một tên trộm đặc biệt, chuyên ăn trộm nữ trang hồi còn trong tuổi “đôi mươi bồng bột”. Barry nổi tiếng quốc tế là tên trộm nữ trang siêu đẳng của mọi thời đại. Y không chỉ ăn trộm giỏi mà còn là một tay sành sỏi về nghệ thuật nữa.
Tuy ăn trộm, nhưng Barry rất “khó tính”, không phải “bạ đâu lấy đó” như những tay khác. “Khổ chủ” của y không những phải lắm của nhiều tiền, mà còn phải nổi tiếng trong giới thượng lưu nữa. Cảnh sát đã phải lắm phen điên đầu với y.
Một đêm Barry bị bắt quả tang sau khi lọt ổ phục kích. Lúc bị ba viên đạn ghim vào người và những mảnh kiếng đâm vào mắt, y đã đau đớn, tuyệt vọng la lên: “Tôi không bao giờ ăn trộm nữa”. Thế rồi sau đó y đã thoát đi như có phép lạ và ba năm sau vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Cuối cùng, vì ghen tuông, một phụ nữ đã tố giác y và y đã lãnh án mười tám năm tù. Khi được phóng thích, y đã giữ lời hứa, không bao giờ ăn trộm nữa. Y đến New England và sống một đời gương mẫu. Dân địa phương đã biểu dương y bằng cách bầu y làm hội trưởng hội cựu chiến binh.
Tiếng đồn lan xa. Phóng viên khắp nước đua nhau phỏng vấn y. Họ hỏi y rất nhiều. Sau cùng, một phóng viên trẻ đã ᴆụng đến điểm then chốt của vấn đề bằng một câu hỏi “hóc 乃úa”:
- Thưa ông Barry, suốt thời trộm đạo, ông đã lấy trộm của nhiều nhà quyền quí, nhưng tôi tò mò muốn biết ông có nhớ đã lấy trộm của ai nhiều nhất không?
Barry đáp lại ngay không chút do dự:
- Nhớ chứ. Người bị tôi lấy trộm nhiều nhất chính là Arthur Barry. Thật vậy, tôi đã có thể là một doanh gia thành đạt, một nhà tư bản ở phố Wall và góp phần không nhỏ để xây dựng xã hội, nhưng tiếc thay, tôi đã chọn lầm nghề trộm cắp và đã tiêu phí hai phần ba cuộc đời thanh xuân sau song sắt nhà tù.
Quả thực, Barry đúng là người ăn trộm của chính mình!
BẠN BIẾT TÊN TRỘM NÀY
Tên trộm thứ ba tôi muốn nhắc tới là chính BẠN. TÔI GỌI bạn là kẻ trộm, vì bất cứ ai không tin mình và không sử dụng hết năng lực của mình đã thực sự đánh cắp chính mình, đánh cắp những người mình thương mến và đã khiến năng suất giảm hạ, nên y cũng đánh cắp của chính xã hội nữa. Mặc dù người ta đánh cắp chính mình một cách vô ý thức song tội trạng vẫn trầm trọng vì xã hội vẫn mất mát nhiều như khi hữu ý vậy. Câu hỏi đến đây đã hiện rõ: Bạn có sẵn sàng ngừng đánh cắp chính mình không? Tôi tin bạn đã bắt đầu leo lên đỉnh thành công. Đối với bạn cũng như nhiều người khác, quyển sách này sẽ là động cơ, là niềm hưng phấn và kiến thức giúp bạn đi suốt quãng đường dài. Dù sao, tôi cũng xin nhắc bạn là không phải khi đọc xong quyển sách này, kiến thức bạn hoàn hảo liền đâu. Thân thể bạn cần thực phẩm nuôi dưỡng mỗi ngày thế nào thì trí tuệ bạn cũng cần thực phẩm tinh thần như vậy. Cứ cố gắng đọc đi đọc lại thêm nhiều lần nữa rồi chỉ ít lâu sau khi nhìn vào gương, bạn sẽ đối diện với một tên trộm đã giải nghệ.
TIẾNG CHUÔNG ĐIỆN THOẠI
Tôi vẫn coi hình ảnh lành mạnh về bản thân chính là khởi điểm là bước đầu tiên và quan trọng nhất để đạt mục tiêu... Nói cho cùng, NẾU KHÔNG BẮT ĐẦU, CHẮC CHẮN TA KHÔNG THỂ ĐẾN ĐÍCH. Giả sử bây giờ chuông điện thoại nhà bạn reo vang, bạn nhấc lên nghe, người ở đầu dây bảo bạn: “Allô, mong bạn thông cảm, tôi không mượn tiền cũng không muốn phiền bạn điều gì cả. Tôi chỉ muốn gọi để nói cho bạn biết rằng bạn là người tốt nhất đời mà thôi. Bạn là vốn quí trong ngành nghề của bạn và là niềm hãnh diện của tập thể đấy. Tôi muốn được ở bên bạn luôn vì mỗi lần như vậy tôi đều cảm thấy phấn khởi và thấy hăng say làm việc thiện hơn. Ước gì tôi được gặp bạn mỗi ngày vì bạn chính là động lực thúc đẩy tôi thăng tiến bản thân. Thưa bạn, tôi chỉ muốn nói có thế thôi. Mong chóng được gặp lại bạn”.
Trước những lời nhận định tích cực và chân thành này (chân thành vì do bạn thân nói ra cơ mà) bạn cảm thấy thế nào?
Nếu là bác sĩ, liệu bạn có trở nên một bác sĩ tốt hơn không? Nếu là giáo viên, là doanh gia, là cha, là mẹ..., liệu bạn có muốn nên tốt hơn không? Dù bạn là ai và làm nghề gì đi nữa, tôi tin chắc tự thâm tâm bạn biết mình sẽ không chỉ cố gắng làm việc tốt hơn mà còn cảm thấy hạnh phúc hơn trước nhiều.
Tuy nhiên, qua mẩu đối thoại trên, bạn hiểu thêm được bao nhiêu về nghề bác sĩ, thương doanh, luật sư, sinh viên nào? Hiển nhiên bạn sẽ chẳng hiểu thêm gì cả. Song tự đáy lòng, bạn vẫn biết mình sẽ sống tốt hơn và hạnh phúc hơn trong công việc, bởi vậy lời nhận định ấy đã khiến bạn thay hình đổi dạng. Từ nay, bạn sẽ bảo: Tôi là vốn quí của xã hội, và vinh dự cho ngành nghề của tôi. Bạn sẽ nhìn mình dưới một góc độ khác, hình ảnh về chính bạn đã đổi thay và một điều thú vị xảy ra ngay lúc đó: Bạn cảm thấy tự tin hơn. Do đó, năng lực của bạn cũng tăng lên. KHI HÌNH ẢNH CỦA BẠN ĐẸP HƠN THÌ CÔNG VIỆC CỦA BẠN CŨNG ĐẸP HƠN.
Đã biết cú điện thoại hiệu nghiệm như vậy, sao bạn không thử làm ngay đi? Sao bạn không để sách xuống và nhấc điện thoại lên (trừ phi bây giờ là 2 giờ sáng hoặc một giờ bất tiện). Hãy gọi cho người bạn thực lòng quí mến, kính trọng. Hãy cho họ biết bạn đánh giá cao công việc của họ, bảo họ rằng đời họ thực có ý nghĩa đối với bạn. Người ấy tất sẽ cảm kích sâu xa và bạn cũng thấy hài lòng. Càng giúp xây dựng người khác, bạn càng cảm thấy thỏa mãn với mình hơn.
Câu chuyện sau đây nói lên tầm quan trọng của một hình ảnh lành mạnh về bản thân và kết quả của nó.
MỘT BƯỚC UNG DUNG TỪ “DỐT NÁT” ĐẾN THIÊN TÀI
Năm Victor Seribriakoff lên mười lăm tuổi, thầy giáo khuyên anh về nhà học nghề vì dốt nát như anh, khó mà học hành đến nơi đến chốn được. Victor nghe theo lời thầy và mười bảy năm sau, anh trở thành một tay lang bạt kỳ hồ với đủ mọi thứ nghề kỳ quặc. Người ta đã phê phán anh là “dốt nát” nên suốt mười bảy năm trời, anh quả đã “dốt” thật. Năm anh ba mươi hai tuổi, một thay đổi kỳ diệu đã diễn ra. Kết quả của một cuộc trắc nghiệm cho thấy anh là một thiên tài với chỉ số thông minh là 161. Từ đó anh bắt đầu hành động như một thiên tài thực sự, anh viết sách, đăng ký bằng phát minh và trở nên một doanh gia lỗi lạc. Đáng nói nhất có lẽ là việc anh được bầu làm chủ tịch hội Mensa quốc tế một hiệp hội mà tiêu chuẩn duy nhất để nhập hội là phải có chỉ số thông minh từ 140 trở lên. Chuyện anh Victor Seribriakoff hẳn khiến bạn tự hỏi: biết bao nhiêu thiên tài đã phải lang thang như những kẻ dốt nát chỉ vì có người đã bảo họ u mê, đần độn. Không phải bất thần mà Victor tích góp được số vốn kiến thức sâu rộng như vậy đâu. Cũng chẳng phải ngày một ngày hai mà anh tự tin đến thế được. Anh được như vậy chính là nhờ đã biết kiên trì tự rèn luyện mỗi ngày đấy. Khi thấy mình biến đổi, anh đã hành động khác hẳn, anh bắt đầu hi vọng và đạt được những kết quả lạ lùng.
HÌNH ẢNH TỰ THÂN QUAN TRỌNG ĐẾN MỨC NÀO?
Trong quyển “Cách thế trở nên bạn thiết của chính mình” (How to be your own best friend) Mildred Newman và tiến sĩ Bernard Berkowitz hỏi một câu thấm thía: “Nếu không thể yêu mình, làm sao ta có thể yêu người khác được?”.
Bạn không thể cho điều mình không có. Thánh Kinh cũng nói: “Hãy yêu người như mình”.
Hình ảnh tự thân quan trọng không? Bạn không THỂ LÀM KHÁC CÁCH BẠN NHÌN BẢN THÂN. HÌNH ẢNH TỰ THÂN SẼ đưa bạn lên đỉnh thành công hoặc sa xuống đáy hầm. Hãy coi mình là người hữu ích rồi bạn sẽ hữu ích. Nếu cho mình là người tầm thường, vô giá trị tất bạn sẽ chẳng có giá trị gì. May thay, dù trong quá khứ, bạn nhìn mình ra sao đi nữa thì nay, bạn vẫn có động lực, có phương pháp và năng lực để thay đổi và trở nên tốt hơn. Trong số các món quà Tạo hóa ban tặng cho con người, quyền được chọn lựa con đường mình thích chính là món quà quí giá nhất. Khi đi sâu vào hình ảnh tự thân, bạn hãy nhớ kĩ là bất cứ hình ảnh nào cũng đều được trí óc tô vẽ, thêm thắt lên. Chẳng hạn đi lại trên tấm ván rộng 40 cm, đặt giữa hai căn nhà mười tầng, vấn đề sẽ khác hẳn. Đi trên tấm ván đặt dưới đất, bạn cảm thấy dễ dàng và an toàn, nhưng đi trên tấm ván đặt giữa hai tòa nhà cao tầng, bạn có cảm tưởng như sắp té đến nơi. Đó là vì trí óc đã tô vẽ thêm nên bạn mới sợ hãi như vậy. Có những lần người đánh “gôn” sau khi phá bóng xuống lỗ hoặc ra ngoài đường biên đã phân bua: “Tôi biết mình sẽ làm vậy mà”. Đó là vì tâm trí anh đã vẽ nên hình ảnh trước và tay anh chỉ làm theo thôi. Ngược lại, người chơi gôn thắng cuộc biết rằng mình phải “thấy” trái banh đi vào đầu gậy trước khi quật nó. Người chơi khúc côn cầu giỏi bao giờ cũng “thấy” trái banh rớt đúng lỗ trước khi ra tay. Nhà doanh thương giỏi phải “thấy” khách hàng đồng ý mua trước khi gọi điện cho họ. Hiển nhiên Michael Angelo đã phải thấy Môsê ngồi lẫm liệt trong khối đá hoa trước khi ᴆục nhát đầu tiên.
BA LẦN ĐÁNH BÓNG
Điều khó hiểu và khiến giới thể thao thất vọng nhất là khi thấy một cầu thủ khúc côn cầu cầm chày tiến ra mô đất và rồi để đối phương quạt bóng ba lần liền mà cứ đứng thúc thủ. Ba cơ hội ngàn vàng để ghi điểm mà lại cứ đứng ì ra một chỗ mới ૮ɦếƭ chứ. Tại sao vậy? Đơn giản lắm, tại vì y “thấy” mình sẽ đánh hụt và bị loại. Nên y cứ vác chày trên vai mà “đi tản bộ”.
Trong trường đời, một người cứ tiến ra sân nhưng không hề muốn chạm bóng như vậy còn đáng buồn hơn nữa! Theo bác sĩ Larry Kimsey thì y là người thất bại nhất vì y không cố gắng. Nếu bạn cố gắng mà thua cuộc thì bạn còn có thể rút được kinh nghiệm từ bàn thua để từ đó đỡ thua hơn, KHÔNG LÀM GÌ TẤT KHÔNG HỌC HỎI ĐƯỢC GÌ. NHỮNG NGƯỜI NHƯ vậy tự kết án mình trong nhà tù của sự tầm thường. Họ không bao giờ tham dự trận đấu cuộc đời và chẳng thực sự chạm bóng lần nào. Họ trở nên là kẻ thù sâu độc nhất cả cho chính họ và là người trọng tài mù lòa. Hình ảnh họ có về bản thân là hình ảnh quỵ ngã – thất bại – bị loại. Đã thế, tâm trí họ lại còn phóng to thêm hình ảnh ấy nữa mới ૮ɦếƭ.
Chính vì vậy mà mới đây, bác sĩ Maxwell Maltz, nhà phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng thế giới, tác giả cuốn “Tự giúp mình”, cuốn sách đã bán được trên mười triệu bản, đã nói mục đích của mọi loại điều trị bằng tâm lý đều nhằm giúp bệnh nhân thay đổi hình ảnh về chính mình.
HÃY TỰ TÍN
Khởi điểm của thành công và hạnh phúc là một hình ảnh lành mạnh về chính mình. Tiến sĩ Joyce Brothers, một tác giả thời danh, một nhà bình luận và tâm lý đã nói: “Ý nghĩa về bản thân chính là cốt lõi của nhân cách!”. Nó chi phối mọi hoạt động của con người từ trí hiểu đến óc cầu tiến và thích nghi, từ việc chọn bạn đến hôn nhân và nghề nghiệp. Không có gì quá đáng khi bảo rằng một hình ảnh tích cực nhất về bản thân chính là sự chuẩn bị tốt nhất để thành đạt ở đời.
Trước khi cho rằng mình xứng đáng được thành công và hạnh phúc cũng như trước khi thích người khác thì bạn phải chấp nhận chính mình đã. Nếu chưa chấp nhận chính mình thì dù có động lực thúc đẩy, có xác lập mục tiêu hay suy nghĩ tích cực đến đâu cũng chẳng ăn thua gì. Bạn phải cảm thấy mình “đáng” được hạnh phúc, thành công... trước khi chúng thuộc về bạn. Người thiếu tự tin dễ cho lối suy nghĩ tích cực, việc xác lập mục tiêu... là hoạt động cho người chứ không phải cho mình.
Mong bạn nhớ là tôi đang nói về sự chấp nhận bản thân cách lành mạnh chứ không phải về cái tôi hợm hĩnh kiểu “Tôi là người vĩ đại nhất” đâu nhé! Trong số các chứng bệnh ta thường mắc thì cao ngạo là chứng quái dị nhất. Nó khiến mọi người đều phải khó chịu trừ mình người mắc bệnh.
Thực ra, kẻ cứ băn khoăn mãi với “cái tôi” chính là người rất thiếu tự tin.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc