Mang con đi bó bột, ông bác sĩ bảo: “Thằng bé này chăm tốt, ăn uống dinh dưỡng đủ đầy, nên có thịt có da, chứ còn xương cốt mỏng và... yếu lắm!”.
Vậy là dẫu thuốc tốt lại phải chia tay với ông thầy thuốc người Tàu. Vì thuốc ấy chỉ có tác dụng bồi bổ thôi chứ không làm xương con cứng lên được.
Buồn quá, lại đi tìm đường khác cứu con! Hội có nhớ những ngày mẹ Hương của con đi nhặt củi khắp nơi nhóm lửa góc sân sắc thuốc cho con không?. Lúc ấy mẹ buồn lắm, đã mất bao công sức, lại mắc nợ với người ta suốt cả năm trời.Vậy mà công lao trôi ra sông cả! Nhưng mẹ không tiếc. Mẹ sẽ lại đi tìm, thể nào cũng có ngày mình gặp thầy gặp thuốc. Hôm nay chưa gặp, thì mai sẽ gặp. Cứ tin và phải tin vậy, đúng không con trai của mẹ?
Con lại cố tập đi, cái chân con lại đau nữa rồi. Mẹ vẫn luôn nhắc con không cần phải quá sức như thế. Dù con mãi không đi được thì với mẹ cũng không sao, mẹ vẫn mãi bên con.
Mấy hôm nay người ta nhắc nhiều tới lễ lạt, nhưng bố vẫn đi làm. Mẹ con mình ở nhà đón lễ cũng vui chán và đến tối, mẹ sẽ chở Khoa đi nhà sách một vòng. Đó là thú vui của mẹ con mình. Ở trong nhà sách đẹp đẽ thơm tho, mình tha hồ đọc sách... “chùa”, lúc về lại mua một vài cuốn.
Này, con trai của mẹ, sao con có vẻ căng thẳng vậy: con nôn nóng chuyện thi cử lấy bằng hay con buồn phiền vì không được đi chơi lễ? Không đi được đâu con ạ, đường xá đông đúc quá chừng, mà thanh niên bây giờ họ đi xe thật là ngổ ngáo. Lỡ xảy chuyện là nguy lắm con ạ.
Nhắc đến đây mẹ mới nhớ về chuyến đi biển duy nhất của chúng ta. Bố mẹ đưa các con đi biển Cần Giờ... Thương con quá, khi mẹ bế con xuống biển, con bỗng khóc ré lên... Hóa ra sóng biển đánh vào ống chân làm con đau đớn. Mẹ bế con ngồi trên cát, chúng ta chỉ được ngồi xem thiên hạ tắm biển mà thôi. Mẹ cay đắng, ngậm ngùi khi nhận ra căn bệnh quái ác kia đã lấy của con quá nhiều thứ. Ngay cả những điều tưởng như bình thường đơn giản nhất, con cũng không được hưởng như mọi người... Lòng buồn đau vô hạn, mẹ đưa con và em về. Từ đó chúng ta không lần nào đi biển nữa.
Thì mình vẫn có biển con ạ. Ta thấy biển qua tivi. Nếu ta ước mơ, ta vẫn có thể sang tận Ha-oai tắm biển! Nào, mẹ con ta cùng nhau mơ ước, những mơ ước rất khác người: chúng ta sẽ cùng nhau ra khơi trên một con thuyền thật lớn. Con là thủy thủ, mẹ là hành khách của con tàu. Chúng ta sẽ đứng trên những con sóng bạc đầu. Con hiên ngang, không hề sợ biển. Biển cũng sẽ thua mẹ con ta. Cứ ước mơ, biết đâu ước mơ sẽ có ngày thành sự thật...
Hội nhỏ bé của mẹ! Mấy hôm nay con chập chững đi những bước đầu tiên, run rẩy và vẫn cần đến tay mẹ đỡ. Mấy hôm nay mẹ cũng đang tập quen với ý nghĩ rằng con đã lớn rồi. Ta thỏa thuận điều này nhé: cả nhà sẽ không gọi con là Tý Lớn nữa nhé!
Con không còn là Tí và con cũng phải tập lớn dần trong tính cách, đúng không? Mẹ đã rất vui khi con nói rằng con muốn tự lập để lỡ khi không còn bố mẹ trên đời.
Hội ạ, muốn là muốn thế – dẫu rằng cuộc sống không phải cứ muốn là mọi sự sẽ được – nhưng mẹ sẽ cùng con, ta sẽ cùng nhau đi tiếp những bước đi, dù nho nhỏ thôi, ta vẫn sẽ đi vì cuộc sống chẳng thể nào dừng lại.
Mẹ đã mang những tấm ảnh của các anh ở mái ấm Phan Sinh về đấy. Con hãy xem và nhận xét thử xem thế nào: Gần 20 thanh niên trẻ trung, đáng yêu, dù không muốn họ vẫn phải chấp nhậncuộc đời gần như bất toại. Họ không thể buồn mãi. Khi mẹ đến thăm, họ vẫn cười, họ vẫn nói với mẹ về những chuyện vui, chuyện ấm áp, nghĩa tình ở đời. Có anh còn kể cho mẹ nghe về những dự tính, những mơ ước đấy.
Đúng rồi đấy, con trai của mẹ, hãy cứ mang những dự tính, những ước mơ. Đừng bao giờ chỉ sống với những thực tại trần trụi. Con có thấy cuộc đời sẽ đẹp mãi, nếu ta còn biết ước mơ. Không phải cứ mơ ước nào cũng thành. Nhưng không phải vì thế mà con không mơ ước.
Còn chuyện đi học, con không được cãi lời mẹ đâu, dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, nếu còn được học, thì cứ học. Thời thế bây giờ khác, việc học hành, giáo dục đã khác ngày xưa. Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mình phải chịu khó tìm tòi mới thấy. Mẹ biết con buồn mãi vì không thể học hết cấp 3. Nhưng con à, với hoàn cảnh của chúng ta, cần phải có lựa chọn cho hợp lý. Phải tiếp tục học con ạ, học tin học cũng là học. Với sức khỏe của con, tin học là chọn lựa hợp lý nhất.
Con đừng là bản sao của mẹ: cái gì cũng dở dang, lúc nào cũng hụt hẫng, chông chênh, luôn luôn lo lắng, đắp đổi để mong được bình an... Hơn nữa, dẫu sao mẹ cũng chỉ là một người đàn bà yếu ớt. Con thì khác. Con là một đấng nam nhi, không cần phải quá nghĩ đến căn bệnh kia, không có nó thì đời ta vẫn là một cái gì đó mong manh ngắn ngủi. Bởi vậy nếu có thể con hãy mạnh mẽ, dạn dĩ lên. Cái gì cảm thấy cần, con hãy quyết đoán. Con hãy trở thành một chàng trai dũng cảm. Mẹ sẽ giúp con. Mẹ sẽ hạnh phúc hơn nếu con trở thành người mạnh mẽ. Mạnh mẽ và vui vẻ, hai điều đấy đáng để ước ao...
Mẹ cũng cảm ơn con nhiều vì dạo này con hay quan tâm đến mẹ. Mẹ vẫn bình thường, vẫn vui và yêu các con thật nhiều, dù rơi vào hoàn cảnh nào. Con lo chuyện mẹ có đủ sức không, nếu cứ đến những nơi xa để thăm người bệnh? Được mà con, điều ấy làm mình vui hơn. Vả lại sự có mặt của mình ít nhiều cũng làm họ vui, họ cảm thấy bình an, thì điều ấy nên làm lắm chứ! Chắc con còn nhớ những ngày tháng mình khổ, mình khắc khoải, đớn đau, chỉ cần một ai đó chia sẻ, quan tâm, tin yêu... thì mình thấy hạnh phúc biết bao!
À, hè về rồi đấy, em Khoa sẽ ở nhà. Cái thằng bé ấy mạnh chân mạnh tay lắm, anh em có giỡn chơi thì con cẩn thận nhé.
Mẹ đi đây Hội ạ, còn nhiều việc phải lo, nhân tiện mẹ đi bỏ thư cho ông bà ngoại. Chỉ có ông ngoại đọc, bà ngoại chẳng đọc đâu... Bà yếu rồi... Mẹ nhớ bà quá.
Đêm nay mẹ lại thức. Bố mắng tại mẹ uống trà, “đã hay nghĩ suy lại còn uống trà” nên mới mất ngủ! Nhưng không phải. Mẹ biết thức vì những kỷ niệm lại trở về... Bây giờ là hai giờ khuya, mẹ trở dậy ghi kẻo không lại quên mất:
Chiều nay, người hàng xóm khoe rằng họ mới mua một cái xe gắn máy... Họ rất vui, tự nhiên mẹ lại nhớ đến những chiếc xe đã gắn bó với cả nhà mình...
Hồi mẹ lấy bố, nhà mình có một cái Chaly (chuyện này mẹ đã ghi lại rồi: xe Chaly đã cùng mẹ đi làm, đi bán dạo...). Khi chúng ta lên Di Linh, mẹ bán mất Chaly và khi trở về, bố mình cót két đi cùng chiếc xe đạp.
Ngày mình dời nhà về Gò Vấp, mẹ đã tích tiền bán nhà mua một cái Citi... Dĩ nhiên hồi đó xe còn mắc mỏ nên chúng ta đành đi xe... không giấy.
Có một ngày con ốm, nhập viện Nhi Đồng 2, bố đi làm, mẹ đưa con vào bệnh viện.
Lúc về, bố lật đật gom thêm đồ đạc vào thăm. Bố đi thế nào mà bị một chú cảnh sát giao thông thổi (ngay ngã ba Nguyễn Kiệm – Thích Quảng Đức). Bố lo sợ vã mồ hôi, lo chú lập biên bản, mất xe. Ấy vậy mà chú ấy... rất tốt: Chú chưa lập biên bản ngay, chỉ nói là có tiền thì đưa... 400 ngàn, khỏi lập! Bố mình run lập cập, nói xin anh hãy đợi em. Chú bảo cứ để xe bên vệ đường cạnh mấy chú xe ôm, đi lo tiền cho sớm! Bố kêu xe ôm về đường Bạch Đằng vào nhà ông chú mượn được mấy trăm, lấy được xe về. Nhà mình mắc thêm món nợ!
Sau lần ấy bố dặn mẹ: nhớ đấy, nếu có gặp chú CSGT đừng có dại mà trình bày hoàn cảnh này nọ, buồn cười lắm... Mẹ bảo bán quách chiếc Citi cho rồi, nhưng bán lấy gì mà đi. Nhưng đi xe kiểu đó thì lại sợ, sợ bị mắc nợ thêm!
Cho đến một ngày con gãy cái tay phải treo toòng teng, mẹ chạy xe đi mua đồ. Mẹ chạy một mạch xuống tận Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) Mẹ lê la... gạ bán (Con sẽ bảo tại sao mẹ biết những chỗ này? Ôi dào, đường ở mồm, cuộc sống dạy người ta học khôn, cứ khốn khổ đi, rồi sẽ biết hết!).
Mẹ bán được cái xe thật! Mẹ bọc tiền thật kỹ, giắt trong... cạp quần. Khoác một cái áo ngoài lếch thếch lôi thôi, mẹ đi bộ sang một con đường khác rồi gọi xe ôm.
Về đến nhà, biết mẹ đã bán xe, bố trợn tròn mắt: Mẹ mày thật là bạo gan... Mẹ thủng thẳng nói thêm rằng mẹ đã nhờ cậu sửa xe tháo cái bửng cất ở nhà ông chú, lúc nào ghé qua mang bán kiếm được thêm mấy chục ngàn! Bố thốt lên: “Ôi trời ơi! Mẹ mày thế này thì... khi*p quá!”. Có gì mà khi*p, của mình thì mình bán nuôi con, mình có ăn không của ai mà sợ. Mỗi khi rơi vào cảnh khốn khổ, mình toàn bị người ta o ép mãi thì sao... Mình cũng phải tính thế nào cho đỡ thua thiệt chứ! Từ nay dứt khoát là sẽ không đi xe không giấy nữa! Vừa khổ vừa lo. Họ lấy tiền trên tay mình mà lại còn tỏ ra oai phong lẫm liệt!
Ngày xe Trung Quốc xuống giá, may gặp dịp ông ngoại vào thăm, thấy cảnh nhà mình, thương quá, ông đã mua cho gia đình mình một cái xe mới. Cái xe màu đỏ, hiệu PRETTY, mua ở cửa hàng đường Nguyễn Oanh, hết hơn 7 triệu... Vậy mà chưa đầy một năm, con gãy xương đùi, mẹ lại phải mang cái xe thân yêu đi bán. Tiếc thì cũng tiếc, nhưng xe đâu có bằng con.
Bây giờ mình bớt khổ hơn, mẹ đã mua lại một chiếc xe cũng màu đỏ. Thỉnh thoảng mẹ lại bỏ con lên xe đi dạo một vòng. Con trai có thấy không, chúng mình cũng chưa khổ mấy. Phải cảm ơn ông ngoại, bởi lúc mua cái xe cho mẹ ông có bảo rằng: “Bố cho cô cái cần câu...” (ý ông nói là lấy cái xe để làm phương tiện sinh sống). Ông ngoại có biết đâu, mỗi lần bé Hội ốm gãy xương, trong nhà có món gì là mẹ Hương, đứa con gái yêu thương của ông, cũng phải đem đi cầm, đi bán...
Đêm nay nghĩ lại chuyện cũ, mẹ thấy buồn cười, vậy mà mắt mẹ lại cứ cay cay...
Năm 2002 ấy nhà mình khổ thiệt! Mẹ đi bán hàng rong lo ăn lo học cho các con. Bố đi làm, chỉ là làm công nhật.
Mệt lắm, thật sự là quá mệt. Mẹ đã không thể cười, bao nhiêu nét vui tươi đã lịm tắt.
Tiền hết... Vô tình ông ngoại vào thăm và “bắt quả tang” mẹ bê chiếc ti-vi đi bán. Mẹ bán ti-vi “xịn” mua lại một cái ti-vi 14 “inh” để dư ra được mấy trăm ngàn. Đêm, nằm một mình hình như ông ngoại đã... khóc!
Không ngủ được, mẹ dậy pha trà, hai bố con ngồi nói chuyện. Ông bảo: “Sao con không mua giường cho con cái nó nằm?”. Mẹ nói: “Dọn nhà hoài... mệt lắm bố ơi. Con cho hết giường rồi, để khi cần, bán được nhà, chạy cho tiện. Con hứa, khi nào đỡ khánh kiệt, có thể ổn định con sẽ mua cho chúng nó mỗi đứa một cái giường thật đẹp cho mà xem” (Bây giờ đã yên yên, mẹ đã mua cho mỗi đứa một cái giường màu mận chín.)
Ông ngoại buồn lắm, buồn như mưa rơi, mà mưa rơi thì nhà mình dột lỗ chỗ... Ông ngoại thở dài. Tiếng thở dài làm mẹ đau như dao cắt. Ông ngoại tặng mẹ mấy câu thơ:
Mưa rơi trên mái tôn nghèo
Con gái cắn răng chẳng hề kêu
Bao năm xa xứ, con giấu nhẹm
Để bố xa xôi phải nghẹn ngào
Thôi mà bố, than thở chẳng giải quyết được gì đâu, có chăng chỉ tiếc giấc mơ ngày xưa. Con đã không được tiếp tục mặc áo sinh viên, đã không thể trở thành kỹ sư nông nghiệp. Chẳng thể đi trên đê sông Hồng tràn gió và nắng, nghe tiếng sáo vi vu theo sóng lúa dập dìu. Chẳng thể sống ở nơi quê cũ rất thương yêu... Tất cả đã qua rồi bố à. Phải nhìn vào thực tại thôi. Thực tại, con cần phải đương đầu với bao nhiêu điều, bố ạ!
“Thằng bé yếu quá, cái bụng to quá, chân tay run thế kia. Cái kiểu này gọi là “nặng bồng nhẹ tếch”. Con phải tập cho nó con ạ, chớ để nó mập thêm...”. Nhìn quanh, ông ngoại phát hiện ra nhà mình có cái giá đựng bình lọc nước, ông bèn lấy làm dụng cụ cho con luyện tập. Cái giá thay cặp nạng, vừa nhẹ lại vừa chắc tay. Mỗi sáng, hôm nào trời không mưa, ông ngoại dìu tập cho con nhích từng bước nhỏ xíu...
Mẹ yêu ông ngoại lắm, yêu ông nhất trên thế gian này. Nếu có thể làm bất cứ điều gì mà ông ngoại vui mẹ sẽ làm, không cần phải tính toán.
Những ngày ông ngoại đến, mẹ bày đủ trò cho ông ngoại vui. Ông ngoại về rồi, mẹ lẳng lặng xin đi làm dọn phòng ở một tòa nhà lớn ngoài thành phố...
Làm người dọn nhà ở đây cũng khó, vì dọn nhà cho những ông Tây, người ta giàu, mướn văn phòng mở công ty. Dọn nhà cho những người này phải rất chi chuyên nghiệp: phải biết sử dụng hóa chất, máy hút bụi, máy chà sàn, phải biết cách gấp từng cái khăn tay..., và phải biết... cúi đầu trước khách ra vào cao ốc. So với tất cả những người ra vào đó, người dọn dẹp là đứng thứ bét rồi, có cúi đầu, gọi dạ bảo vâng mới... chuyên nghiệp chứ!
Mẹ xin làm ca đêm con ạ, ngày ở nhà chăm con. Làm đêm yên tĩnh, gần như không có người. Tha hồ vừa hút bụi vừa nghĩ đủ ước mơ mà chẳng phải cúi đầu chào ai hết.
Ban đêm, mẹ làm bạn với... rác. Gom rác ở những cái giỏ trong các gầm bàn ở văn phòng. Ở đây mẹ mới phát hiện ra: Ồ, rác, rác thế mà... có ích. Ừ, có ích thật. Ta gom giấy vụn lại để dành một tuần bán một lần. Các chị em cùng với mẹ mỗi người đều có thêm chút thu nhập. Còn có những cái nơ, cái kẹp chưa hư, nhưng chắc... lỗi thời các cô văn phòng bỏ đi, mẹ gom về cho trẻ con hàng xóm.
Mẹ không hề kẹp tóc. Mẹ giữ thói quen ấy cho đến bây giờ, mẹ thích được thảnh thơi, tóc tai cũng phải để cho thảnh thơi mới được.
Một đứa đi gom rác, mà không chịu kẹp tóc, lạ chưa. Đã bảo mẹ là mẹ mà, mẹ không bao giờ thích mình là ai khác.
Ở đây đã xảy ra một việc đặc biệt, liên quan đến tòa nhà lặng lẽ phía bên kia đường... Câu chuyện này để mai mẹ viết tiếp. Hôm nay mẹ chở con nhiều cũng hơi mệt. Mình đi ngủ đi con...
Ngôi nhà lặng lẽ phía bên kia là tòa mục vụ của giáo phận thành phố (số 6 đường Tôn Đức Thắng) đó con. Đêm đêm, khuya, tan ca, rời khỏi tòa nhà 37 tầng cao ✓út, lộng lẫy - nơi mẹ dọn rác và hút bụi - mẹ băng qua đường đến đứng trước cái cổng nhỏ của tòa nhà. Mẹ hướng vào tượng Đức Mẹ ngự khiêm nhường lặng lẽ ở trong sân. Mẹ xin với Đức Mẹ rằng: Mẹ hãy cho con bình yên như cát bụi. Cát bụi nhỏ bé, cát bụi tối tăm, cát bụi âm thầm giữa cuộc đời rộn rã... Mẹ cũng xin với Thiên Chúa cho mẹ đủ sức mạnh để bình yên. Bình yên vác thập giá đời mình. Bình yên đương đầu với căn bệnh của con. Bình yên ngay cả khi sóng gió, ngay cả khi bị người đời chà đạp...
Bởi vì khi trái tim đã bình yên thì mọi sự trên đời không còn gì là khó nhọc, chẳng còn gì là quan trọng. Mẹ đã bình yên đi qua những căn nhà đẹp đẽ xưa kia là của chúng ta mà không hề ngoái lại, luyến tiếc. Mẹ cũng bình yên lắm, khi bắt gặp những cái nhìn cảm thương, những cái nhìn khinh bỉ, rằng sao bây giờ Hương ra nông nỗi này, sao bây giờ phải đi quét rác dọn phòng, sao bây giờ lại giống như kẻ hạ tiện ngu dân... Ồ! Có sao đâu! Mọi sự bây giờ cứ như dòng nước chảy, cứ cuốn đi, đi mãi. Miễn chúng ta có nhau. Miễn sao sáng ra thấy các con bình an, đêm về thấy các con say giấc... Thế là vui, thế là hạnh phúc! Đâu có cần phải la hét, tranh đua. Mặc kệ người ta. Mẹ học cách cúi xuống để tồn tại. Như gương đức mẹ vậy, năm xưa ôm con chạy trốn tới xứ người, giữ gìn mạng sống cho con để nhân gian có một đấng cứu chuộc.
Mẹ thì chẳng dám nghĩ đến cao xa, chỉ mơ mình làm được như con gà mái mẹ thôi. Biết chở che con mình, biết bới đất kiếm giun, kiếm sâu nuôi con cho đến lớn... Biết dạy con tự lập khi khỏe chân mạnh cánh là phải biết kiếm lấy cái ăn, biết chăn dắt đàn con mình vượt qua sình lầy, rào giậu...
Ngôi nhà lặng lẽ ở đường Tôn Đức Thắng ấy càng thêm in sâu vào mẹ vì về sau, có lần mẹ con ta đã đến đấy và đã có một ngày rất đỗi hạnh phúc: mẹ con ta đến đó để làm chứng nhân, chứng nhân của Chúa Ki-Tô, đấng sáng tạo và yêu con người nhất mực. Chúng ta đã thấy những nụ cười, đã nghe được những tiếng vỗ tay vang dậy: mọi người cùng chia sẻ với mẹ con ta, về những ước mơ về những dự định...
Tạ ơn thiên chúa đã đồng hành với mẹ trong những tháng năm dài. Người là đấng vô hình chung thủy, chẳng đổi thay và đã cho chúng ta bao bài học cao quý.
Người đã từng “cúi xuống đất và chẳng hề nói gì...” và người cũng đã từng sống một đời âm thầm trong vai trò một anh thợ mộc...