Hành Trình Xương Thủy Tinh - Chương 01

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

“Đôi chân” của cô bé xương thủy tinh

Hơn hai năm nay, có một phụ nữ dù ngày nắng hay ngày mưa, mỗi sáng bà vẫn đẩy chiếc xe đạp đã cũ nát để đưa cháu tới trường. Từng vòng xe lăn nhẹ nhàng, khó nhọc bởi chỉ cần sơ suất là cô bé bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh có thể gãy xương.
Mỗi ngày đều đặn vào giờ ra chơi, giáo viên và học sinh Trường tiểu học Tân Thạch A (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đều thấy bà bế cháu đi từ tầng 2 xuống dưới nhà vệ sinh và làm các sinh hoạt cần thiết. Cô bé xương thủy tinh Lê Thị Xuân Quyên (10 tuổi) nói một cách hồn nhiên: “Nội chính là đôi chân của con”. Đôi chân mà cô bé nhắc tới đó là bà Huỳnh Thị Kim Loan (62 tuổi, ngụ tại tổ 10, ấp 1, xã Tân Thạch).

Bố bị bệnh tâm thần, mẹ bị dị tật chân bẩm sinh nên từ lúc sinh ra mọi chăm sóc, sinh hoạt của bé Xuân Quyên đều nhờ vào bà. Những lần cháu bị gãy xương, bà Loan lại vay mượn khắp nơi để đưa cháu đi bệnh viện. Cô bé với đôi mắt sáng, thông minh nhưng không thể đi lại được như bạn bè cùng lứa. Thấy cháu ham học, cứ khóc xin cho đi học hoài nhưng không trường nào chịu nhận, bà Loan phải nhờ xã xin phòng giáo dục - đào tạo huyện, rồi đứng ra cam kết với trường sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe và sinh hoạt của cháu. “Bù lại, cháu ham học lắm, luôn đứng đầu lớp và là học sinh giỏi của trường” - bà Loan tự hào.

Mỗi sáng khi đưa cháu tới lớp, bà tranh thủ về nhà làm công việc nhà, với một công đất dừa là nguồn thu nhập chính, rồi canh giờ ra chơi trở lại trường. Không ít người đi qua Trường tiểu học Tân Thạch A thấy bà nhặt rác, quét lá trong sân trường những lúc đợi cháu đều nhầm tưởng bà là lao công.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, bé Xuân Quyên chia sẻ: “Con thương bà nội, con mong có tiền để mua cho nội một chiếc xe đạp mới, chiếc xe đạp nội hay đưa con đến trường đã cũ lắm rồi, cứ hư suốt. Nội đã già nên toàn phải dẫn bộ để đưa con đi”.
Những dấu chân đẹp giữa đời
“Chiều nay ta lại chuyển nhà... Lần này thì chúng ta thật sự ở cùng nghĩa địa... Mùa chay, người ta ra nghĩa địa đọc kinh cho các linh hồn. Tiếng kinh nguyện và những vành khăn trắng... Mẹ nhìn người ta, mẹ đứng im ૮ɦếƭ lặng. Mẹ sẽ còn ôm con đi tới tận đâu, nơi cái thế gian này? Mẹ không biết, mẹ không biết con trai à...”.
Cuộc hành trình của người mẹ trẻ - Nguyễn Thị Thu Hương - với đứa con mang căn bệnh quái ác cứ như thế: Đi, bán nhà mà đi, đi về nơi xa hơn nữa, hẻo lánh hơn nữa, tăm tối hơn nữa... Nơi “thật sự ở cùng nghĩa địa” chưa phải là nơi cuối cùng của cái gia đình ấy. Cuộc hành trình vẫn tiếp diễn.

Nhưng để chống chọi với căn bệnh quái ác, giành lấy sự sống cho con, giữa Sài Gòn, không người thân, không chỗ dựa, người mẹ trẻ ấy - người con gái đất Bắc, 21 tuổi, từng ngồi trong giảng đường đại học - không chỉ bán nhà và đi... Thu Hương còn lao vào cuộc sống với tất cả nỗi nhọc nhằn, cực nhục mà người đời có thể có. Tất cả “chỉ để đổi lấy một điều: Con sống. Con được đi học. Con được yêu thương và được chăm sóc đủ đầy... Chúng ta vẫn có nhau, vẫn tồn tại giữa đời này...”. Cái điều tưởng như thường tình với hàng vạn người phụ nữ khác ấy, với Thu Hương thì lại là “cái vòng xoay khốc liệt của số phận”. Không khốc liệt sao được khi mà...“Từ ấy đến lúc con hai tuổi, con ốm triền miên. Đã thế lại gãy xương thêm vài lượt... Qua hai tuổi, con gãy tay. Chưa tháo bột lại... gãy chân... Ta đã ở dọc đường Lê Đức Thọ suốt 8 năm, đã bán nhà 10 lần và con đã gãy xương tới 27 bận... Bó bột - nằm viện - kiếm tiền -..., mẹ không còn thời gian để khóc trước cái vòng xoáy khốc liệt của số phận nữa...”.

Không còn thời gian để khóc và không khóc, người mẹ trẻ ấy chỉ “thề nguyền”:“Còn một chút hơi thở là mẹ còn chiến đấu vì sự sống của con, có sao đâu, con trai của mẹ...”.

Nhưng không phải chỉ dừng lại ở sự sống - dù sống được với đứa trẻ mang căn bệnh “xương thủy tinh” đã là chuyện lạ, đã là kỳ công - Thu Hương còn nâng, còn “đẩy” con mình lên. Trong suốt cuộc hành trình, bất cứ trong hoàn cảnh khốn khó, khổ ải đến đâu, cũng nghe thấy lời người mẹ trẻ, rất dịu dàng mà đầy cương quyết, tỏ bày cùng con: Sống là phải đi về phía trước, “Phải học thôi Hội à! Ốm cũng học! Què quặt, khập khiễng cũng phải học...”. Sống là phải có ước mơ đẹp cho đời, “Đừng bao giờ chỉ sống với những thực tại trần trụi. Con có thấy, cuộc đời sẽ đẹp mãi, nếu ta còn biết ước mơ. Không phải cứ mơ ước nào cũng thành. Nhưng không phải vì thế mà con không mơ ước...”. Sống là phải biết ơn biết nghĩa ở đời, “Đấy, Hội ạ, nhớ lại những chuyện cũ mẹ bỗng nghĩ suy: bao tháng ngày qua, mẹ chưa phụ cuộc đời này, dẫu rằng đã có những lúc quá đắng cay, nhưng rồi cuộc đời đã bù đắp cho ta nhiều lắm! Vậy mẹ nhắc con một điều cần phải nhớ, vì giờ đây con cũng đã lớn rồi: rằng sau này, sống ở đời, đừng bao giờ con trở thành một kẻ vong ơn, vì con đã mắc nợ cuộc đời nhiều lắm. Nợ nghĩa, nợ tình...”...

Đọc Hành trình “Xương thủy tinh”, tôi đã gặp một cuộc hành trình lạ lùng: càng đi về những mảnh đất xa hơn, hẻo lánh hơn, tối tăm hơn, gian khó hơn, lại chính là lúc cả cái “gia đình xương thủy tinh” ấy càng đến gần hơn với một mảnh đất mới khác, mảnh đất rộn rã, ngập tràn ánh sáng của tình người, của ước vọng tương lai đã biến thành hiện thực...

Và, trên mảnh đất mới này, Hành trình “xương thủy tinh” vẫn tiếp tục, “nhưng hành trình ấy giờ đây không còn nặng nề, u ám như những ngày xưa. Hành trình ấy đã nhẹ nhõm hơn, vui tươi hơn và có cả sự thi vị nữa”. Thu Hương đã viết vậy trong “Lời cuối”. Tôi xin thêm vào: Cuộc hành trình giờ đây còn đến để sẻ chia, đến để tay nắm lấy tay, đến để nụ cười tiếp với nụ cười, cùng những phận đời ở những nơi nghèo khó, tối tăm vượt qua khó nghèo, tăm tối.
Phải thú nhận rằng càng đọc Hành trình “xương thủy tinh” của Thu Hương, tôi càng bị lôi cuốn. Cái lôi cuốn của sự sống động, chân thật trong cách viết, cách diễn đạt; của chất sống thật ngồn ngộn, khắp nơi, trong từng câu, từng đoạn; của sự kiện, chi tiết bất ngờ, lạ cứ dồn dập kéo đến... Nhưng trên hết, đậm nhất ấy là sự xúc động mà Hành trình“xương thủy tinh” đem lại: Làm sao mà giữ lại được, không phải rưng rưng khi trong mỗi trang sách ta đều gặp một nỗi đớn đau, đớn đau có lúc đến quặn thắt, tận cùng và cùng lúc trong mỗi trang sách ấy ta lại gặp một nghị lực và một tình yêu thương đến kỳ lạ của một người mẹ trẻ, rất trẻ...

Người mẹ trẻ cứ xốc con bước tới, về phía trước và để lại những trang viết về cuộc hành trình như để lại những dấu chân đẹp giữa đời...
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc