Từ Boston đến Bắc KinhNắng rực rỡ xuyên qua lớp tường kính, rọi vào phòng chờ sân bay, trong phòng bật điều hòa nên không ít người xung quanh đã thiu thiu gà gật.
Tớ lại rất tỉnh táo, mấy khi mới được cầm PSP chơi cho đã ghiền, chợt nghe có tiếng bước chân đang tiến lại gần, rồi người đó ngồi xuống chỗ trống bên cạnh.
Tớ chẳng buồn ngước lên, mà cũng không lấy làm lạ vì sự xuất hiện của bác ấy.
Mẹ tiễn tớ đến cửa kiểm tra an ninh là quay về luôn, lúc chia tay còn rưng rưng, như thể không yên tâm để tớ ngồi máy bay một mình, mà tớ cũng ngại bóc mẽ cơ. Thực ra mẹ tớ dã man lắm, hồi tớ 3 tuổi mẹ đã quẳng tớ lên máy bay, một thân một mình từ Mỹ về Trung Quốc, tuy mẹ nói sẽ có người đón tớ ở sân bay, nhưng cả hành trình dài đến mười mấy tiếng đồng hồ, tớ muốn đi vệ sinh cũng phải nhờ mấy chị tiếp viên hàng không xinh đẹp giúp, kì thực chuyện đó khiến tâm hồn trẻ thơ của tớ bị tổn thương kinh khủng.
Đứng trước các chị ấy, các cậu có tè được không hả? Tuy lúc đó tớ mới chỉ 3 tuổi thôi, nhưng tớ cũng là đàn ông chứ bộ!
SO, tớ phải cố lờ chị ấy đi vậy.
“Đừng suốt ngày chơi điện tử nữa.”
Tớ chỉ muốn lườm cho bác ấy một cái, dễ gì mẹ tớ vừa đi, đã có ngay người khác đến cằn nhằn.
Ở phương diện này, 2 người quả thực là một đôi trời sinh.
Bác lại với tay xoa đầu tớ, như thường ngày tớ vẫn làm với Hate ở nhà. Nhưng Hate là cún, tớ không phải cún. Mẹ tớ ghét chó lắm, nhưng cuối cùng vẫn không cấm được tớ nhận nuôi Hate, mà cái tên này là do mẹ tớ đặt, mẹ tớ nói chó đáng ghét, chỉ có mèo mới đáng yêu thôi, trong khi tớ chả thích mèo.
“Cao thêm rồi nhỉ.” Bác ấy ngày càng táo tợn, vò tóc tớ sắp rối hết rồi này. Đành rằng tóc tớ có ngắn thật, nhưng cũng có phong cách cả đấy nhé?
Cuối cùng, tớ gườm: “Bác lại đến Boston họp à?”
“À, đến bàn chuyện làm ăn.” Bác thảnh thơi ngả lưng vào thành ghế, dáng dấp khanh khảnh đầy phóng khoáng, mang nét đẹp điển hình của người đàn ông Châu Á, tuy tớ chưa tiếp xúc nhiều với người Châu Á, nhưng dù sao tớ cũng từng sống ở Bắc Kinh mấy tháng, tớ biết số đàn ông đẹp trai như ông bác đây quả không nhiều. Tuy tớ vẫn chưa hiểu rốt cuộc mẹ và bác là thế nào với nhau, song từ lúc biết chuyện đến nay, dường như lúc nào bác ấy cũng xuất quỷ nhập thần, hiện ra như một kỳ tích vào đúng lúc mẹ bỏ lại tớ một mình.
Lần đầu tiên, hình như năm đó tớ 2 tuổi, nếu trí nhớ của tớ chưa đến nỗi nhầm lẫn, thì khi ấy đang đánh nhau với thằng cha Eamon cao to hơn hẳn ở nhà kế bên, đúng lúc cô bảo mẫu vào bếp thì nó cầm hòn đá chọi đầu tớ, thế là mình tớ đứng đấy khóc tu tu, rồi chẳng hiểu bác ấy từ đâu nhảy ra, ôm đứa bị vỡ đầu là tớ, lao xe như bay đến bệnh viện gần nhất.
Lúc khâu ở bệnh viện, tớ khóc không ngừng, bác ấy làm dở đủ trò dỗ dành, cuối cùng đồng ý đưa tớ đi ăn kem. Sau đó không chỉ dẫn tớ đi ăn kem, mà bác còn đưa tớ đi xem hải âu, kết quả tớ ngủ quên trên xe, lúc mở mắt ra, đã thấy mình nằm trên chiếc giường con ở nhà.
Tớ chưa từng nói với mẹ về chuyện này, lúc đó tớ cảm giác như thể bác ấy là do mình tưởng tượng ra, hoặc chỉ là mơ. Nên cả một quãng thời gian dài, tớ đã gọi bác ấy là Aladdin, cũng bởi tớ cảm thấy bác ấy chính là nhân vật trong cổ tích, xoa xoa cây đèn thần là lập tức sẽ xuất hiện, rồi có thể đáp ứng mọi điều ước của tớ, miễn là những điều ước ấy đừng xa vời quá.
Điều ước xa vời thực tế nhất mà tớ từng thổ lộ với bác ấy là vào trước đêm Giáng Sinh năm ngoái, bác hỏi tớ thích quà giáng sinh gì, cả năm rồi tớ cứ ao ước có một con ngựa nhỏ cho riêng mình, thế là tớ nói tớ thích ngựa con.
“À, quà này thì to quá nhỉ, ông già Noel không nhét vừa chiếc tất của cháu đâu.” Bác ấy tủm tỉm bảo trêu thế, tớ biết vậy là không được ngựa rồi, lần nào mẹ không muốn mua gì cho tớ, mẹ luôn giả lả với y chang.
Sau đó bác nghĩ cách đút lót cô bảo mẫu, nhân lúc mẹ vắng nhà, bác lén dẫn tớ tới trường đua ngựa chơi nửa ngày, tớ vui lắm, vui vô cùng. Tớ thích con ngựa nhỏ màu nâu đến độ lên rồi không muốn xuống nữa, tớ biết mỗi lần tớ nũng nịu, là bác sẽ chịu ngay, quả nhiên bác nói: “Thôi được rồi, con ngựa này là của cháu, nhưng mà tạm thời đành gởi nuôi ở đây, cháu có thể đặt cho nó cái tên.”
Tớ vừa mừng vừa ngạc nhiên, song cũng phần bán tín bán nghi, đến phút chót, bác vẫn không quên dặn dò: “Về đừng kể với mẹ nhé.”
Đương nhiên rồi, quyết không để mẹ biết.
Aladdin chỉ là của riêng tớ.
“Mẹ cho cháu về thăm ông nội và bác cả.” Tớ nhe răng lè lưỡi trêu bác ấy: “Cả ông bà ngoại nữa.”
Ông bà ngoại đã thương tớ nhất rồi, mà ông nội còn chiều tớ hơn, tuy tớ suốt ngày trêu chị Nguyên Nguyên, tớ bắt sâu róm dọa chị ấy, làm ૮ɦếƭ cá vàng ông nội nuôi, rung táo trên cây rụng sạch, còn cầm súng nước trèo lên hòn non bộ đóng giả điệp viên… bất kể tớ có phá phách nghịch ngợm gì đi chăng nữa, song ông nội vẫn quý tớ vô cùng.
Ông phần riêng sô cô la cho tớ, lúc đưa còn tươi cười bảo: “Ông nội mua ở Thụy Sĩ cho cháu này, ngon không?”
Tớ nhét đầy sô cô la vào miệng, ậm à ậm ờ gật đầu.
Sô cô la ông nội mua thật tuyệt vời.
Bữa tối thế nào cũng có đúng món sủi cảo tớ thích nhất. Bà nội vừa gắp vào bát tớ, vừa bảo: “Bác cháu lâu lắm rồi chưa xuống bếp, hôm nay làm sủi cảo cho cháu ăn đấy nhé.”
Thực ra, bác tớ rất bận bịu, nhưng tớ thích quấn chân bác, chơi trò diều hâu quắp gà con với chị Nguyên Nguyên, lần nào bác thua, bác cũng xách tớ với chị mỗi người một tay: “Diều hâu sắp cất cánh nào!”
Thế rồi bác quay bọn tớ choáng váng luôn, còn vui hơn cả trò đĩa bay ở vườn trẻ.
Cả nhà có bà nội là đa cảm nhất, có lần bà tính, mỗi năm bà có thể gặp tớ mấy đợt, mỗi đợt được gặp tổng thể mấy ngày?
Lần nào đến lúc chia tay, bà cũng rơm rớm.
Bữa này có chị Nguyên Nguyên đứng ra gánh vác trách nhiệm: “Bà ơi, ngày nào cháu cũng ở bên bà!”
Mà tớ chỉ có thể an ủi bà rằng: “Bà nội ơi, nghỉ hè cháu sẽ về ngay, về ngay…”
Thỉnh thoảng ông bà ngoại lại sang Mỹ thăm tớ, vậy mà ông bà nội chưa từng, nên mỗi độ hè là mẹ sắp xếp cho tớ về thăm ông bà.
Aladdin nói: “Bác với cháu vừa khéo ngồi cùng chuyến bay, hai ta đi chung nhé.”
Vừa khéo á?
Thôi đi, cháu có phải trẻ con đâu.
Cơ mà ngồi máy bay với Aladdin cũng có cái hay, bác ấy mua nhiều đồ ăn ngon, còn đọc nhiều truyện cổ tích cho tớ nghe nữa chứ, giữa chừng tớ lăn ra ngủ, bác ấy phủ cho cái chăn, chăm nom chu đáo vô cùng.
Tớ ngủ đâu chừng 2 tiếng, lúc dậy bác ấy gọi nước cam, tớ vừa uống nước cam vừa hỏi: “Bao giờ bác với mẹ cháu tái hôn?”
Vẻ mặt bác trông khác hẳn.
Nói thực thì từ lâu lắm rồi, tớ dự tính sẽ hỏi bác ấy câu trên, mỗi lần chỉ cần hơi đả động đến chuyện này thôi là bác ấy đã đánh trống lảng rồi. Lần này ngồi chung máy bay, bác có muốn chạy cũng khó nhá, vả lại còn những mấy tiếng đồng hồ nữa, tớ tha hồ vặn hỏi.
“Trẻ con đừng lo chuyện đâu đâu.” Bác lại bắt đầu lòe cái bộ dạng đáng ghét: “Nhất là những chuyện cháu không hiểu lẫn không biết”
“Chẳng lẽ cháu không phải con bác à?”
Tớ tung quả bom thứ 2, vẻ mặt bác ấy tỏ ra lúng túng không ngoài dự tính. Mẹ tớ luôn lảng tránh khi tớ hỏi rốt cuộc bố tớ là ai, một người có ông nội bà nội có bác cả có chị họ, sao lại không có bố chứ, mẹ tớ trước nay vẫn vô tư coi tớ như trẻ con.
Bác ấy nhìn tớ một lúc lâu không nói gì, tớ chợt có dự cảm xấu: “Không phải bác với mẹ cháu chưa từng kết hôn chứ?”
Nếu như họ đã li hôn, việc này còn dễ hiểu một tí, nhưng trong trường hợp họ vốn chưa từng lấy nhau, vậy thì chuyện này phức tạp hơn tớ tưởng nhiều.
Cuối cùng hỏi một đằng, bác ấy lại trả lời một nẻo: “Mẹ cháu khó theo đuổi lắm.”
“Thì cũng là phụ nữ cả thôi, mà cũng chẳng phải người phụ nữ thông minh gì cho cam.” Tớ ói ra máu mất thôi, tớ quyết định dừng cái ý nghĩ người này là bố mình, một người thế này sao có thể sinh ra một đứa trẻ thông minh như tớ được, rõ là một bác ngốc, tớ thật sự sắp ói ra máu đến nơi rồi: “Đừng bảo với cháu bác theo đuổi mẹ cháu tám chín năm nay mà vẫn chưa được nhé.”
“Đây là chuyện riêng giữa bác với mẹ cháu, cháu đừng xen vào.”
Người đàn ông sĩ diện đã bắt đầu thẹn quá hóa giận.
Tất cả bè phái phản động đều là lũ hổ giấy, ông nội tớ dạy thế.
Tớ bắt đầu uống nước cam: “Được rồi, từ nay cháu sẽ không giúp bác nữa.”
Người đàn ông này bắt đầu cân nhắc, sau thì hỏi: “Cháu giúp gì được bác?”
Buộc lòng phải nói rằng đàn ông con trai một khi đã vướng vào chuyện yêu đương là chỉ số thông minh tụt hẳn, ví dụ như ông bố Aladdin này của tớ.
“Đương nhiên giúp được nhiều chứ”, tớ hào hứng bảo: “Mẹ cháu thương ai nhất nào? Đương nhiên là cháu rồi, chỉ cần cháu về phe bác, bác thua thế nào được?”
Bác là người mua ngựa cho tớ, bác dạy tớ đánh bóng chày, bác dẫn tớ đi công viên xem gấu bắc cực, mà cũng chính bác dậy tớ bơi, bác bế tớ đến bệnh viện, bác còn khụy gối thắt dây giầy cho tớ, bác ấy chính là bố tớ.
Tớ không giúp thì ai giúp bố đây?
Tớ tám tuổi rồi, vả lại tớ là đàn ông, đàn ông con trai không giúp đỡ lẫn nhau, thế là trái lẽ trời.
Còn như mẹ tớ thì—–hừm, hai người đàn ông thông minh hợp sức tác chiến mà mẹ không xiêu lòng mới lạ đấy!