Anh từng nói, chữ "Đạo" cô viết mạnh mẽ có lực, anh thích nhất chữ đó. Chỉ cần có cơ hội, anh liền bỏ trống khi ký tên để cô thay anh thêm chữ "Đạo". Anh còn từng nói, cô có thể gọi anh như thế khi chỉ có riêng hai người, nhưng cô thường không quen, bao năm chỉ gọi anh là Vĩnh Đạo. Đó là việc trước đây bao lâu rồi?
Mười năm? Mười một năm?
Phổ Hoa nắm chặt tấm ảnh, không nhớ rõ nữa, muốn vo rồi vứt nhưng lại không nỡ, nhất thời không biết nên làm thế nào. Di động bỗng lại rung lên, tin nhắn của Quyên Quyên, trong đó viết: Phổ Hoa, cậu không sao chứ? Phổ Hoa cố gắng đến hết giờ nghỉ trưa, vội vàng để lại đơn xin nghỉ trên bàn làm việc của tổng biên tập rồi rời tòa soạn.
Nắng nóng khó chịu, cô không mở ô, lướt về phía trước như mộng du dưới ánh nắng mặt trời, không biết mình rốt cuộc nên đi đâu.
Người đi đường lướt qua, quay đầu nhìn cô kỳ lạ, lúc nóng nhất trong ngày lại có người mặc áo khoác đi khắp nơi. Cô đi qua tủ kính quầy hàng, nhìn thấy bóng mình. Thật lạ, đâu cũng lạ, từ lâu lắm rồi cô tự cho rằng không còn bị khuấy động bởi bất cứ việc gì, lúc này như đang dần tan rã, xúc động muốn khóc. Cô lấy di động, tìm danh bạ điện thoại, trong đó không nhiều tên, cái nào gần như cũng đều không thích hợp để liên lạc lúc này. Che hai má nóng rực, Phổ Hoa đành chọn trốn vào nơi kín đáo bên lề đường chờ xe, thử để bản thân bình tĩnh lại.
Biển báo các tuyến xe ở trạm đỗ có tới mấy chục cái, chỗ nào cũng có xe đi, tên trạm đều lạ hoắc, từng chiếc xe đến, cô xếp hàng theo mọi người, nhưng chẳng lên chiếc nào, đứng tới khi hai chân mỏi nhừ mới giơ tay vẫy một chiếc taxi.
Lái xe hỏi đi đâu, cô do dự một lát rồi nói: "Về nhà đi".
"Nơi nào!". Lái xe lại hỏi lần nữa, ngữ khí hơi mất kiên nhẫn, "Cô ở đâu?".
"Oái...". Phổ Hoa vốn định nói địa chỉ nhà mình, nhưng lại đọc ra một cái tên khác mà cô đã thuộc lòng.
Xe nhanh chóng khởi động, lái xe không bắt chuyện, Phổ Hoa nghe tiếng rì rì của điều hòa, mặc kệ hơi nóng ngoài cửa sổ luồn qua khe kính táp lên mặt. Hai mươi phút sau, cô đứng đối diện với biển hiệu lớn khắc tên trường trung học. vẫn con đường cũ, thẳng tắp, không rộng lắm, bóng râm của hàng cây ven đường che đi cái nóng như thiêu như đốt. Nhà mặt đường đều trang trí kiểu giả cổ, treo hoành phi, tường quét vôi mới. Biển tên trường mới thay, phòng học mới xây,sân tập thể thao xi măng cũng mới rải lại, rất nhiều ký ức năm đó của cô được tô điểm lại.
Quán cũ ven đường bên kia đã dỡ bỏ một nửa, Phổ Hoa dừng trước cửa một trong các quán đó, ngẩng đầu nhận ra biển hiệu "Sạp phô mai Kiến Nhất" ban đầu, giờ gọi "Quán phô mai Kiến Nhất." Cô bước vào, phát hiện mặt tiền cửa hàng vẫn rất hẹp, chỉ có thể đủ chỗ cho một bàn hai người, còn lại lối đi nếu khách hơi mập một chút thì sẽ phải cố hết sức mới len qua được. Ánh sáng trong quán mờ mờ, trên tường treo một bảng giá cũ mà chủ quán đã dùng hơn chục năm. Cô men theo bàn gỗ đi vào, lấy một bát phô mai hạnh nhân ướp lạnh. Người thu tiền không còn là chủ quán Vương Kiến Nhất với gương mặt đầy nếp nhăn nữa, mà là một phụ nữ trung niên trên dưới bốn mươi, trả lại cô mấy đồng tiền cũ nhàu nát. Bưng bát phô mai, Phổ Hoa tìm được chỗ ở bàn duy nhất gần đường, cô ngồi xuống, ϲởí áօ khoác.
Trong quán không hề nóng, tiếng quạt vù vù trên tường, chẳng mấy chốc đã chuyển tới vị trí trên đầu cô, mang theo chút gió mát. Cô không ăn phô mai hạnh nhân ướp lạnh, chỉ ép chặt tay cho mát rồi đưa tay xoa lên mặt, lặp lại nhiều lần, khiến hai má mát hơn. Anh ấy kết hôn rồi, cùng Cầu Nhân. Câu nói ấy lóe lên trong đầu rồi lại bị cô cố tình che giấu. Phổ Hoa cảm thấy tiếng vù vù của quạt điện khuấy đảo nhịp đập trái tim khiến nó trở lên hỗn loạn, giống như bệnh nhân mắc bệnh nặng gần đất xa trời, nảy lên một cái rồi lại hụt một cái.
Hơn một năm trước Quyên Quyên từng cảnh cáo, cô không tin. Quyên Quyên nói: Cậu đừng ngốc nữa, cái gì rồi cũng đều thay đổi. Cô còn hỏi ngược lại Quyên Quyên: Ai nói?
Bây giờ cô đã biết, đúng vậy. Theo thời gian, cái gì rồi cũng đều thay đổi, hơn nữa thay đổi một cách triệt để. Cho dù ngồi trong quán cũ năm đó, ăn phô mai hạnh nhân năm đó, cô cũng không thể trở lại mười mấy năm trước. Rút di động ra, Phổ Hoa đọc lại hai tin nhắn của Quyên Quyên, cô muốn xóa tin
nhắn chỉ có hai chữ đó đi. Tay đặt trên phím xác nhận xóa, nhưng lại không ấn. Rất nhiều năm rồi, Phổ Hoa chưa từng chủ động nhắc tới cái tên Cầu Nhân. Không phải cô không nhớ, mà nhớ rất rõ. Họ chưa từng là bạn, cũng không phải kẻ thù mặt đối mặt. Ngoài cùng lớp cấp hai ra, họ không tiếp xúc nhiều, sau khi lên lớp mười một chia lại lớp, đến cơ hội vô tình gặp mặt ở hành lang cũng rất ít. Khi những học sinh mũi nhọn như Kỷ An Vĩnh, Thi Vĩnh Đạo, Lý Thành Tự hợp thành "lớp học sinh ưu tú ban khoa học tự nhiên", Cầu Nhân cũng trong danh sách đó, còn cô tự mình cầm kết quả phân lớp đứng trong hành lang khổ sở tìm kiếm phòng học ban xã hội.
Hai cái tên Phổ Hoa và Cầu Nhân giống như chữ viết trên hai mặt của đồng tiền kim loại, không thể đồng thời xuất hiện. Cô từ bỏ là người cuối cùng vào danh sách "lớp học sinh ưu tú ban khoa học tự nhiên", đã giúp Cầu Nhân đạt được mục đích.
Từ khi đó, ba chữ Diệp Phổ Hoa liền bị ép xuống mặt sau của đồng tiền kim loại, không thể trở mình. Mồ hôi trượt từ xương quai xanh vào trong áo, Phổ Hoa không tìm thấy khăn giấy, dứt khoát cho phô mai áp lên mặt. Nói không ra là nóng hay oi, hay cái gì nữa. Cô phân biệt tiếng vù vù của quạt và âm thanh trong đầu mình, nghĩ rất lâu mới nhớ ra một người. Đợi phô mai hết lạnh, cô lại cầm di động, mở tới danh mục số gọi đi. Bà chủ hơn bốn mươi tuổi mang lên cho Phổ Hoa một bát phô mai hạt ý dĩ, đặt cạnh cốc phô mai hạnh nhân còn chưa ăn.
Phổ Hoa cảm ơn, nghiêng người dựa vào lưng ghế, trán tựa lên tấm kính. Bốn, năm giờ, cửa sắt bên đường đối diện đã mở, học sinh tản ra mỗi góc đường như thủy triều, bao gồm cả quán phô mai Kiến Nhất. Thấy bọn trẻ mặc những bộ đồng phục học sinh rộng thùng thình trên người, cô không nén được cảm giác có chút xúc động.