Những ngày cuối năm suốt từ Sài Gòn ra tới Khu 6 trời nắng tốt. Mùa xuân chưa về nhưng hơi hướng của nó đã khơi dậy, thấp thoáng đâu đó trên lá cây, trên những cánh rừng thưa, những quả đồi trọc.
Rẫy nương xanh ngắt, chập chùng dày đặc khắp nơi trên những khu vực ngoại ô thành phố Long Khánh. Vườn trái cây bạt ngàn, trùng trùng điệp điệp. Rừng cũng thay lá xanh non. Đứng ở xa trông như lúc nào cũng có nắng trên khóm cây. Rừng thoáng, thưa, mời gọi. Giữa cái trảng trống, xanh um một màu khổ qua rừng và hoa trinh nữ, là con đường mòn quanh co, dẫn đi càng lúc càng sâu.
Giao liên là một em nhỏ trạc mười hai mười ba tuổi mặc chiếc áo sơ-mi cụt tay màu xám đã cũ và một cái quần xà-lỏn màu đất sét. Hữu và Khâm đi theo em, cho tới khi ra khỏi những khu vườn trái cây. Em giao liên dừng lại đợi hai người.
Trước mặt họ, cụm rừng nhỏ um tùm cây, toả bóng mát trên con đường mòn hun hút. Ở đâu đó trong cây lá rậm rạp ấy vang ra tiếng cười nói của nhiều người. Em nhỏ dẫn Hữu và Khâm đi dọc theo mé rừng đến một căn nhà lá trống trải giữa một trảng trống. Thấp thoáng có bóng người đi ra đi vào.
- Hai anh đợi em một lát.
Em bé nói xong đi khuất sau rặng cây. Lát sau em trở ra với một thanh niên râu rậm cạo không kỹ, dáng mập mạp chắc chắn.
- A! Té ra là Hai Tuyên! Hữu reo lên.
Hai Tuyên cười cười, trao cho hai người bạn mỗi người một cái khăn rằn. Đã quen với nguyên tắc “ngăn cắt” hai người tự động quấn khăn che mặt và bước theo Hai Tuyên.
- Tao chờ mày suốt hai bữa nay - Hai Tuyên nói - Ăn uống gì chưa?
- Chưa - Hữu đáp - nhưng chớ nấu cơm. Để tao đào khoai luộc ăn. Thấy mấy vồng khoai của mày, tao mê quá.
- Vượt ngục về bao lâu rồi mà giờ mới vô? Tao nghe tụi nó đồn, nó “ca” mày quá xá. Nó bảo chuyện của mày ly kỳ như trong tiểu thuyết. Có không?
Hữu vừa đi vừa ngước nhìn rừng, lòng vô cùng thoải mái. Anh nói:
- Có chớ. Tao tưởng đã bỏ mạng rồi. Về Sài Gòn để coi, gần sáu tháng. Lo đủ thứ chuyện, từ chuyện ăn ở, sinh hoạt, gầy dựng cơ sở tới chuyện bầu cử ở các trường Đại học. Vừa mới rảnh được một chút là anh Bảy Trung gởi về đây. Về kiểm điểm thời gian ở tù.
- Vậy còn chuyện bầu cử, Hai Tuyên hỏi tiếp, nghe nói có chuyện giựt gân lắm phải không?
Hữu cười, quay lại Khâm. Khâm cũng cười. Hữu vỗ vai người đồng chí trẻ tuổi của mình, anh bảo Hai Tuyên:
- Đây, muốn biết chuyện đó, cứ hỏi đồng chí này.
Bốn người đã vào tới căn nhà trống. Đó là trục giao liên: cái “mũi” của Hai Tuyên. Hữu đứng chống nạnh giữa nhà, quan sát chung quanh. Súng ống, bi-đông nước, bòng, bị treo lủng lẳng khắp nơi. Gạo, bắp chất ngổn ngang bên các cây cột lớn. Giữa nhà hai chiếc bàn tre bày đầy giấy tờ, sổ sách… Thấy không có ai ngoài Hai Tuyên, Hữu hỏi:
- Đi đâu hết?
- Đang họp.
Nói xong Hai Tuyên đi lại bên chuồng gà xách cái cuốc đi ra mấy vồng khoai. Anh bảo Hữu:
- Nhóm bếp đi!
Khâm thảy cho Hữu cái hộp quẹt, Hữu ngồi xuống bên bếp tro. Anh nhen lửa bằng rơm khô và chất củi rừng lên, lom khom thổi. Khói đùn lên mịt mù, bay tán loạn, trận gió kéo tất cả lên trời. Ngọn lửa rơm bùng lên cao, dữ dội, rồi lụn xuống, cháy leo lét trên những nhánh củi nhỏ. Khâm đi ra phía giếng nước, đứng ngó xuống đáy giếng. Anh múc một gàu lên uống rồi rửa mặt, còn lại nước thừa anh tưới đám cải bẹ xanh. Thấy Hai Tuyên đang bới khoai, Khâm tiến lại đó, phụ một tay lặt củ, dọn vồng. Nắng trong rừng sáng rực. Hai Tuyên hỏi:
- Tình hình Ban đại diện sinh viên ngoài đó ra sao, đồng chí?
Khâm dùng ngón tay, kéo nới cái khăn che mặt ra một chút cho khỏi vướng vô miệng. Anh nói:
- Nói chung từ ngày chúng mở chiến dịch bình định học đường năm bảy hai đến nay, chúng cũng kiểm soát được một số Ban đại diện sinh viên. Tuy vậy mình vẫn giành được một số Ban đại diện quan trọng, chẳng hạn như trường Sư phạm.
- Còn tại những trường khác, Ban đại diện ở trong tay nó thì mình hoạt động cụ thể ra sao?
- Chúng ta lập những nhóm sinh viên tách rời ra khỏi Ban đại diện. Chẳng hạn như ở Văn khoa có các nhóm Nhân Văn, Việt Hán, Triết Đông… Ta vẫn hoạt động được. Thật ra, dù khó cách mấy ta cũng có cách hoạt động được anh à.
Hai Tuyên tuy từ lâu đã nắm vững tình hình các trường đại học nhưng anh vẫn muốn nói chuyện với người đồng chí sôi nổi này. Mỗi lần anh khoái chí ai, anh thường cười hề hề, cái miệng rộng, răng lớn, cằm to đầy chân râu, râu quai nón mọc lan tới mang tai. Ngày trước anh cũng là một sinh viên hoạt động ở trường Khoa học. Trong chiến dịch bình định đại học, anh bị lộ, rút vô cứ. Địch đánh tràn tới. Đơn vị dời đi vòng vòng, sang tuốt bên Miên. Ồ, qua Miên, qua biên giới à? Thích quá! nghe chữ “qua biên giới” thấy nó hay hay, nó hùng hùng và lãng mạn cách gì. Đơn vị anh đi mấy ngày trong rừng. Một buổi sáng anh hỏi: “Qua biên giới chưa?” Đáp: “Rồi, qua lâu rồi”. Té ra biên giới thì cũng vậy thôi. Rừng và rừng.
Cái thuở ban đầu ấy đã qua. Sau hơn hai năm ở chiến khu anh học được nhiều chuyện, anh đi nhiều nơi. Cuối cùng đơn vị Thành Đoàn dời về Long Khánh, bám sát ngay thành phố, vùng đất mầu mỡ xanh um cây trái. Anh đóng chốt ở đây. Mũi M2. Làm công tác tuyên huấn.
Hai Tuyên đứng lên. Rổ khoai đã đầy. Khâm hỏi:
- Anh bới chi nhiều quá?
- Cứ ăn. Còn dư thì để dành. Anh thấy không, đất ở đây trồng khoai hết chê. Cả cải bẹ xanh cũng rất chịu.
Hai người đi ngang qua đám cải. Đám cải xanh mướt, sung sức. Khâm đứng nhìn mặt đất đen lẫn lộn một thứ sạn nhỏ do đá ong vỡ ra. Anh nói:
- Đất này trồng mía chắc tốt.
- Thì mía kia!
Hai Tuyên chỉ tay về phía trước. Đám mía xanh bạt ngàn bắt đầu từ con đường mòn chạy dài tới ʍúŧ mắt. Hai Tuyên cười cười, anh tiếp:
- Vậy mà rau muống ở đây trồng lại không lên (anh quay lại đám rau muống) anh thấy chưa, le hoe mấy cộng. Tụi này tưới biết bao nhiêu mà còi vẫn còi.
Hữu đợi hai người phía chái nhà. Bếp lửa đã cháy mạnh. Nồi khoai bắc lên gọn gàng. Phía trong rừng có tiếng vỗ tay và tiếng cười của nhiều người. Hai Tuyên nói:
- “Ngăn” kỹ đi. Mấy ổng họp xong rồi. Sắp ra bây giờ.
Hữu cột võng giữa hai cây bằng lăng, Hai Tuyên nằm một bên, hai bàn tay đan vào nhau, lót dưới gáy. Bóng nắng xuyên qua những tàng cây thưa chạy lướt trên hai chiếc võng đưa nhè nhẹ. Rừng vắng đến độ con nước nhỏ chảy tận phía trong sâu cũng nghe được tiếng róc rách, còn nghe được cả tiếng con cua đá bò trên những lối đi quen của nó, tiếng con sóc chuyền trên cành cây cam thảo. Hữu hỏi bạn:
- Lâu nay chuyện tình cảm ra sao?
- Chưa có gì cả.
- Sao nghe anh Bảy Trung nói có rồi.
Hai Tuyên cười khà khà, rút hai tay ra khỏi gáy, bứt mấy chiếc lá quanh mình. Anh nói:
- Kể ra thì có thể gọi là có. Còn nhỏ lắm, chỉ mới vừa “biết chuyện” thôi.
- Ô! “biết chuyện” là được rồi. Giờ ở đâu?
- Hà Nội.
- Hà Nội à?
- Ừ. Đi học.
- Thế thì tốt quá. Hơn hẳn tao. Tao chưa có gì cả mày ạ. Ở tù mất năm năm, người già khằng rồi mới ૮ɦếƭ chứ!
- Già gì. Tao thấy mày còn trẻ quá mà. Bao nhiêu rồi?
- Hăm tám.
- Ối giời! (Hai Tuyên giả giọng Bắc) Hai mươi tám mà già gì. Tao hăm chín đây đã sao!
Tiếng con tắc kè ở đâu kêu lên khiến Hữu có cảm tưởng như từ nãy giờ con vật ấy núp ở trong bụi rậm rình nghe chuyện hai người và khi nghe xong lấy làm thích thú nên lên tiếng tán thưởng. Con tắc kè làm thinh được một lát lại kêu nữa. Bắt đầu là một vài tiếng rè rè như đằng hắng lấy giọng, rồi:
- Tắc kè! Tắc kè!
- Mày biết con tắc kè nó nói gì không?
- Nói gì?
- Con vật đó nó tinh lắm mày à. Khi thấy bộ đội miền Bắc đi qua, nó kêu “bắc kỳ! bắc kỳ!”.
- Xạo quá, cha. Bây giờ đâu có bộ đội đi qua mà sao nó cũng kêu “bắc kỳ”?
Hai Tuyên lại cười to hơn:
- Bây giờ nó đâu có kêu “bắc kỳ”, nó nghe mình nói chuyện tình yêu nên nó chọc thằng cha Năm Dương.
- Năm Dương nào?
- Năm Dương hồi trước học Luật đó.
- Mà con tắc kè nó chọc giả chuyện gì?
- Chuyện tình.
- Mày nói khó hiểu quá. Câu chuyện ra sao đâu?
Hai Tuyên lại luồn hai tay xuống dưới gáy như lúc nãy, anh nói:
- Ở đây có một người đẹp. Không biết lúc trước mày đã biết chưa chớ tao thì không. Người đẹp ấy tên là Sáu Lan. Năm Dương “chịu” Sáu Lan lắm, giả theo “quá trời”, ở đây nhiều thằng theo Sáu Lan nhưng không ai tình bằng Năm Dương, nhưng rủi cho anh ta, Sáu Lan có tâm sự riêng…
Hữu cười, Hai Tuyên nói tiếp:
- Trong tình hình ấy Năm Dương nhảy vô. Không được cái “giải” gì cả. Mày biết ở đây khi muốn diễn tả cái tình trạng “Không được cái giải gì cả” tụi này dùng tiếng lóng gì không?
- Tiếng gì?
- “Trớt he”! Mỗi lần thấy Năm Dương đi qua rừng là con tắc kè nó chọc “Trớt he! Trớt he!”.
Hữu cười to. Vừa cười vừa tưởng tượng ra khuôn mặt tiu nghỉu của Năm Dương khi lầm lũi đi trong tiếng kêu “khốn nạn” của con cắc kè kỳ quái.
Hai Tuyên nói:
- Tối nay có buổi họp toàn cơ quan để nghe cuốn băng anh Năm Hưởng cán bộ trung ương nói về tiềm lực kinh tế và quốc phòng của ta, thế nào Sáu Lan cũng có mặt.
- Ừ - Hữu làm bộ lơ đãng trả lời, nhưng trong trí anh vẫn có một ý định “phải xem mặt Sáu Lan một chút mới được”.
Rửa chén xong Hữu rủ Khâm đi vô phía mé rừng. Trời tối mịt, con đường mòn nhỏ chạy loanh quanh giữa vùng hoa mắc cỡ bây giờ chìm mất trong bóng tối. Hai người gần như phải mò từng bước, nếu không, băng vô đám “trinh nữ” gai nó cào cho rách chân, Khâm nói:
- Tối như vầy mà tôi thấy các anh ở đây đi khơi khơi không băng vô gai cũng giỏi.
- Giỏi gì, ở quen thì chuyện đó thường quá. Anh thấy trong đó đông chưa?
- Đông. Võng cột khắp nơi.
Thấp thoáng sau đám lá trước mặt là thứ ánh sáng vàng sẫm của mấy ngọn đèn chai. Tiếng người nói nghe lao xao lẫn với tiếng xoay trở sột soạt trên võng.
Võng giăng ngang, giăng dọc khắp nơi, trong nhà ngoài sân, gốc cây, nhánh lá, cao có thấp có… Đồng chí Năm Dương ngồi bên chiếc bàn làm bằng thân sậy giả trúc.
- Ai là Sáu Lan?
Hữu tự hỏi và kín đáo đưa mắt nhìn quanh. Ngọn đèn nhỏ không đủ sáng, Hữu chỉ nhìn thấy lờ mờ những khuôn mặt thấp thoáng sau những cành lá nhỏ đen thẫm hay có khi chỉ bắt gặp những đôi mắt như những con ốc nhỏ thu mình sau lớp khăn rằn che mặt nhìn ra bên ngoài. Hơn một nửa số người tham dự đêm nay không “ngăn cắt”, Hữu nhận ra trong số này có nhiều bạn cũ của anh nhưng anh không tiện ra mặt.
Anh Năm Dương bấm máy cát-xét. Đồng chí Năm Hưởng bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng một giọng rè rè. Mọi người đều im tiếng. Gió vi vu trong rừng nghe xa và sâu thẳm, những đóm thuốc lá lóe sáng đây đó, những khuôn mặt trầm ngâm hiện ra trong đêm rồi chìm mất giữa bóng tối dày đặc… Giọng nói trong máy cát-xét nghe rõ như giọng người thật và có sức lôi cuốn mọi người.
Bây giờ Hữu mới để ý là mình đang nằm ngay trên miệng hầm tránh pháo, mỗi lần anh đưa võng, sạn đá ong trên nắp hầm rơi xuống vũng nước đọng phía dưới nghe lõm bõm. Biết như thế nên Hữu ngừng đưa. Những tiếng lõm bõm cũng chấm dứt, tuy nhiên lát sau nó lại nổi lên. Thì ra người đồng chí nằm cạnh anh cũng đưa võng. Có tiếng một người nằm phía trong chái nhà nhắc người đưa võng. Lời nhắc nhỏ thôi nhưng Hữu nằm gần nên nghe rất rõ.
- Sáu Lan, đừng đưa võng!
Hữu giựt mình! Thì ra “núi Thái Sơn” ở trước mặt mà mình không hay! Trời thì tối mà ngọn đèn dầu lại ở xa, Sáu Lan lại nằm lẫn sau một cành cây chay nên Hữu không tài nào xem mặt được tuy khoảng cách hai chiếc võng chỉ hơn một thước. Anh nằm im chờ đợi rất lâu mà vẫn không tài nào thấy mặt được người nữ đồng chí ấy. Cuối cùng buổi nói chuyện chấm dứt và mặc dù đây chỉ là công trình của một cuốn băng nhựa nhưng một tràng vỗ tay cũng đã vang lên giòn giã. Thình lình con cắc kè núp ở đâu đó lại lấy giọng và kêu lên mấy tiếng. Lập tức mọi người cười rộ lên. Trong đám đông có nhiều tiếng nhái theo.
- Trớt he! Trớt he!
Hữu nhìn về phía anh Năm Dương nhưng anh đã không còn ngồi đó nữa. Sáu Lan vẫn còn nằm im trên võng trong khi mọi người đã đứng lên đi ra ngoài trảng trống nói chuyện phiếm. Trong căn nhà nhỏ còn lại độ bốn năm người. Hữu gợi chuyện với Sáu Lan:
- Chị đã thấy con tắc kè đó chưa?
- Dạ, chưa.
- Trong rừng, tôi nghe nói có nhiều con tắc kè to lắm, nặng cả mười mấy ký lô.
Câu nói dài của Hữu làm Sáu Lan nhỏm lên, quay nhìn sang. Nhờ mọi người đi gần hết nên ánh đèn soi tới chỗ hai người nằm. Sáu Lan hỏi:
- Đồng chí nào nói giọng nghe quen quá. Đồng chí ở đâu lại vậy?
Giọng nói ấy cũng làm cho Hữu giựt mình. Đúng là giọng nói của Hạnh, làm sao có thể lầm được!
Hữu bỏ khăn che mặt ra.
Hai người nhìn thấy mặt nhau. Trời ơi, bao nhiêu năm rồi sao vầng trán vẫn hồn nhiên đến thế? Giọng nói của Hạnh chợt vang lên trong đêm:
- Anh về đây bằng cách nào?
- Tôi vượt ngục.
- Được bao lâu rồi?
- Gần nửa năm.
- Vậy mà mình không hay biết gì cả. “Mũi” của mình chỉ cách đây không đầy năm cây số.
Hữu nói:
- Về Sài Gòn tôi có đến thăm Hạnh nhưng ở đó người ta nói Hạnh đã đi theo chồng.
Hạnh cười, hàm răng ngời lên trong bóng tối. Hữu lại hỏi:
- Hạnh ra tù năm nào?
- Năm bảy mươi. Lúc ấy mình không biết tại sao nó thả mình, đến khi về nhà mới hay là gia đình đã đút lót cho tụi Tổng nha qua trung gian của ông chú mình hồi đó làm đại tá trong quân đội Sài Gòn. Được tự do thì rất mừng nhưng kỳ lắm anh à, khi biết chuyện ấy tự nhiên mình buồn, cứ băn khoăn hoài. Còn anh, anh đã vượt ngục như thế nào?
Hữu do dự, không biết mình có nên kể chuyện vượt ngục vào lúc này hay không.