Một căn gác có cầu thang riêng ở một khu công giáo cũng có lợi điểm của nó: Tự do và ít khi bị xét nhà. Có lẽ phải mượn thêm một cây đàn ghi-ta nữa. Có cây đàn ghi-ta chơi một lúc vào khoảng mười giờ đêm vừa giải trí vừa gây cho hàng xóm một ấn tượng “tốt” nếu “hàng xóm” ấy là một cô gái lãng mạn thì có khi lại còn hay.
Thuê xong căn gác, Hữu thực sự trở lại đời sống của một sinh viên rất bình thường, độc thân, hơi cô đơn một chút và có ít nhiều máu văn nghệ.
Xế chiều đứng ngoài cái lan can gỗ ngó ra đường hẻm Hữu tự nhiên nhớ trường kỳ lạ. Nhưng giờ đây trường học đối với anh chỉ còn là kỷ niệm. Bảy Trung phân công anh phụ trách trường Đại học Sư phạm nhưng anh chẳng còn chường mặt đến bất cứ trường đại học nào nữa. Những lần hội thảo xuống đường, những đêm đốt lửa hát trước đám đông… đã làm cho khuôn mặt anh trở nên quá quen thuộc. Bạn bè anh lớp trước bây giờ đã ra trường cả, lớp mới lên không ai còn biết anh nhưng những tên mật vụ đội lớp nhân viên văn phòng, đội lớp giáo sư thì vẫn còn đó, những thằng công an chìm đội lớp sinh viên thì vẫn đeo bám lấy trường lớp, rình mò…
Hữu đã nắm rất kỹ tình hình ở Đại học Sư phạm qua Bảy Trung, tuy nhiên anh vẫn chưa hình dung được nhịp sống của trường, chưa hình dung được những đôi mắt, những khuôn mặt mới. Có lẽ trường đã đổi khác lắm, sân cỏ nhiều hoa sứ hơn và những dãy lầu mới mọc lên… Anh nóng lòng chờ cái “móc” đầu tiên kể từ khi hoạt động trở lại.
Hữu đến chỗ hẹn trễ vài phút. Người bạn đang ngồi đợi trong một quán cà phê bên dưới giàn đậu. Hai người chọn một góc kín đáo.
Hữu gọi một ly nước trái cây còn Khâm uống cà phê sữa. Trái với dự đoán của Hữu, Khâm lại là một thanh niên khỏe mạnh, trẻ trung, cái nhìn thẳng, sáng.
- Tôi học năm thứ nhứt ban Lý Hoá - Khâm nói - Lớp đó thật là tệ. Toàn tụi phản động anh à. Anh nghĩ coi, toàn một lũ sắp làm công chức cho Nguyễn Văn Thiệu
Hữu ngó quanh, có ý nhắc Khâm nên nói nhỏ bớt. Anh hỏi:
- Thế còn các lớp khác?
- Cũng thế. Cả cái đại học sư phạm là vậy hết. Cứ ngày hai buổi vô lớp điểm danh xong xuôi, thầy nói gì chép nấy. Chép đã rồi về. Trong đầu tụi nó chẳng biết một chút gì về chánh sách thực dân mới, về độc lập dân tộc, đừng nói chi tới Cách mạng. Chúng chỉ biết có một điều, đó là làm thế nào để thi ra trường đậu cao, chọn được nhiệm sở tốt. Toàn là một lũ phản động, đáng ghét không thể tưởng được.
Khâm nói quá nhanh, nói thao thao bất tuyệt đến nỗi khi dừng lại anh gần như lỡ bộ, quá đà. Hữu hơi cúi xuống, giọng anh nhỏ lại. Anh hỏi:
- Cơ sở chúng ta ở đó có ba đồng chí, ngoài ra không có quần chúng tiến bộ nào sao?
Khâm nâng tách cà phê lên môi, uống một ngụm nhỏ và đặt nhẹ tách xuống bàn. Anh nói:
- Kể ra thì cũng có, cũng có một số.
- Chừng bao nhiêu?
- Thực ra tôi cũng không rõ.
- Nhưng chắc là có một số tiến bộ?
- Vâng, có.
- Vậy thì đâu phải chỉ toàn sinh viên phản động.
- Vâng… có lẽ như thế.
Thấy Khâm có vẻ bị xúc động. Hữu cười. Anh nói:
- Tôi rất đồng ý với anh rằng họ là những sinh viên sắp làm công chức tất nhiên họ cầu an và thụ động. Nhưng như thế, theo tôi không phải là phản động đâu anh à. Số phản động thực sự tôi nghĩ có lẽ ít thôi, rất ít là khác. Anh nghĩ sao?
Câu hỏi đột ngột làm Khâm luống cuống. Anh đưa tách cà phê lên môi, uống rất nhanh, đặt xuống rồi lại đưa lên môi uống một ngụm nữa.
- Vâng… Có lẽ anh nhận xét chín chắn hơn tôi. Thực ra dùng từ “phản động” có hơi thái quá nhưng dẫu sao thì… thì đa số vẫn rất lưng chừng không ủng hộ chánh quyền Sài Gòn nhưng cũng thờ ơ với cách mạng. Sự thực là như thế.
- Đó - Hữu nói - Chính cái đa số lưng chừng ấy mới là đối tượng mà ta phải tranh thủ đó anh à. Nếu ta khinh họ không biết gì, coi họ là kẻ nhởn nhơ đồng loã với tội ác rồi có thái độ thù ghét, xa rời họ thì ta hoạt động với ai? Ta hoạt động để làm gì? Đó là tự cô lập mình với quần chúng. Ta đánh mất quần chúng. Làm cách mạng mà không có quần chúng là ૮ɦếƭ. Là thất bại. Là tự nộp mình cho an ninh, mật vụ…
Khâm ngồi im như tượng đá. Nhạc trong quán chợt chuyển sang một điệu buồn.
- Còn Ban đại diện. Thế nào anh?
Khâm dường như chưa ra khỏi cơn bàng hoàng. Anh uống tiếp một ngụm cà phê, hai môi còn chúm lại.
- Kể ra chúng cũng được một số sinh viên thích, nhờ thường tổ chức những cuộc đi chơi, có khi mời cả ca sĩ phòng trà về hát tại trường. Anh cũng biết rõ là tiền bạc chúng rất sẵn.
- Theo anh thì trong mùa bầu cử sắp tới đây ta có hy vọng thắng không?
- Cái đó còn tuỳ. Ý kiến của hai đồng chí kia thì có hy vọng nhưng tôi thì tôi thấy hơi khó. Cái trước mắt là làm thế nào để tập hợp được một liên danh mạnh.
- Thôi được, chuyện bầu cử cũng còn lâu, lần sau chúng ta sẽ bàn kỹ.
Hai người đứng lên ra khỏi quán. Mỗi người đi mỗi ngả.
Thành phố đã lên đèn. Hữu qua đường, rẽ sang bên hông chợ Tân Định đón xe buýt về nhà.
Chừng nửa giờ sau Bảy Trung đến.
- Gặp không? - Bảy Trung hỏi ngay khi lên tới đầu cầu thang.
- Gặp. Rất trong sáng.
- Vậy đó. Nhưng khi có công tác gì mạo hiểm là anh ta nhận ngay. Làm việc say mê, nhiệt tình rất cao. Rồi anh sẽ biết. Một người đa cảm và rất dễ xúc động.
- Khâm được kết nạp Đoàn lâu chưa?
- Gần mười tháng.
Hữu vừa nói chuyện vừa lui cui nấu nước. Bảy Trung trải chiếc chiếu ny-lông ra giữa sàn gỗ.
Hữu hỏi:
- Mấy thứ đó xong chưa anh?
- Xong. Tôi có đem cho anh đây.
Bảy Trung rút trong túi áo ra tấm thẻ căn cước xanh thảy xuống chiếu. Hữu cầm lên tay, nhìn sững tấm thẻ của mình.
- Lê Văn Tài. Cái tên nghe cũng được lắm. Giống y như thiệt.
- Thì đây là thứ thiệt đó chớ.
- Thứ thiệt?
- Thiệt trăm phần trăm. Chỉ có tấm hình là của anh thôi còn toàn bộ của người ta.
- Thế thì hay quá. Anh làm cách nào mà giỏi vậy?
Bảy Trung đổi thế ngồi, anh bẻ cong tấm thẻ căn cước xanh và 乃úng 乃úng bật bật mấy cái:
- Để rồi tôi sẽ truyền nghề cho anh. Giản dị lắm. Trước hết phải nắm vững nguyên tắc này: Trong lần ép đầu tiên ở Tổng Nha cảnh sát, sức nóng của máy chẳng những làm cho hai tấm nhựa dính liền nhau mà còn làm cho tất cả mọi tên, họ, chữ ký, nói chung là mọi dấu vết có trên mẩu giấy in đều “sang” qua lớp nhựa bọc ngoài. Dính ૮ɦếƭ cứng ở đó. Bây giờ muốn thay hình chỉ việc dùng mũi kim tách đôi hai tấm nhựa ra, ngâm vào nước sôi, cạo sạch mẩu giấy in đi…
Hữu ngắt lời:
- Vậy thì đi tuốt hết tên họ, chữ ký… còn gì?
- Đi sao được. Lúc nãy tôi đã nói rằng mọi dấu vết trên mẩu giấy in đã “sang” qua giấy nhựa rồi vì thế ta cạo sạch lớp giấy cũ mà chữ nghĩa vẫn còn y, chỉ việc thay vào một tấm giấy trắng cùng kích thước, dán tấm ảnh mới lên, ép hai tấm nhựa lại là xong.
- Vậy thì cũng đơn giản. Nhưng chắc là phải khéo tay lắm.
- Đúng. Phải khéo tay. Nhứt là lúc tách hai tấm nhựa ra. Làm đẹp hay không là do ở lúc ấy.
Hữu nói:
- Công việc của anh tôi mê lắm. Tôi phải tập mới được. Còn việc khắc dấu nữa. Quả thực là anh khéo tay.
- Đừng có khen. Rồi anh cũng sẽ làm được như vậy. Làm riết nó quen thôi. Anh biết không, lâu nay người ta vẫn làm dấu nổi bằng đồng, tôi nghiên cứu làm bằng gỗ và rồi hiện giờ thì cao su. Anh có tin rằng cao su mà vẫn có khả năng ép được con dấu nổi không?
- Làm được sao?
Bảy Trung mỉm cười, chậm rãi rót nước trà ra tách. Anh nói:
- Thôi để lần khác. Tôi sẽ làm cho anh coi.
Hữu cũng uống nước trà. Tiếng xe cộ chạy ngoài đường nghe đã thưa, một lát có tiếng còi tàu huýt lên ở đâu rất xa.
Bảy Trung ngồi uống nước trà mà mắt không rời bộ dạng tiều tuỵ của Hữu, anh ái ngại hỏi:
- Anh ở tù cũng hơn năm năm phải không?
- Năm năm bốn tháng.
- Lâu nay có được tin hai bác ở nhà không?
- Mẹ tôi mất từ lâu rồi, còn cha tôi bây giờ chắc cũng đã già yếu lắm rồi. Hay là tôi thử về thăm nhà một chuyến được không?
Bảy Trung cười. Dường như câu hỏi của Hữu đã xoá đi được vết nhăn trên vầng trán anh. Anh nói:
- Kể ra thì sau hơn năm năm xa cách, anh về thăm nhà cũng nên lắm, chính tôi cũng đang lo tới chuyện đó nhưng liệu có bảo đảm an ninh không? Giấy tờ đi đường thì không sợ đâu chỉ ngại khi về tới nhà. Mạng lưới mật vụ của chúng cũng đáng ngại lắm.
Hữu nói:
- Tôi có một người thầy ở ngoại ô thành phố Qui Nhơn. Nếu về có thể ghé đó vào ban đêm sáng đi sớm thì bảo đảm an toàn.
- Để rồi anh em mình bàn kỹ lại chuyện đó thêm. Tôi nghĩ anh cũng nên về lắm. Ngày mai tôi đem thẻ sinh viên và giấy hoãn dịch lại cho anh.
Hữu vui vẻ hỏi:
- Giấy hoãn dịch à? Hoãn dịch vì lý do gì? Gia cảnh hay học vấn?
- Không - Bảy Trung cười - Tụi mình thì chỉ hoãn dịch vì lý do làm cách mạng thôi.
Hữu đến Qui Nhơn vào lúc xế chiều, anh đón xe lam về thẳng khu Sáu. Sau mấy năm xa cách nghĩa địa đã dày đặc mồ mả. Núi vẫn ở sau lưng, trọc thấp và đầy đá tảng. Mộ bia trắng toát, câm lặng xếp hàng ngàn đời. Đèn trên đài ra-đa ở dãy núi phía trong đã lấp lánh trong hoàng hôn mầu tím than.
Hữu xách cái xách tay đi len vào giữa mồ mả. Có phải nơi này không? Trước mặt là hàng rào kẽm gai. Khu đất rộng lố nhố những cây thánh giá trắng hếu như hình người đứng dang tay. Ngày trước dường như chưa có nghĩa địa này. Đúng rồi, chưa, đó chỉ là bãi cỏ và bụi cây dại, chiều chiều trẻ con thả bò ăn rong.
Hữu theo đường mòn tiến sâu vô phía chân núi. Nghĩa địa Phật giáo tiếp ngay phía sau dày đặc những bông sen và chữ vạn. Đúng là mẹ yên nghỉ trong mảnh đất này. Từ tượng phật bà Quan Âm rẽ sang trái mấy chục bước là tới phần mộ. Thưa mẹ, con đã về đây. Hữu ngồi xuống trước tấm bia nhỏ. Trong ánh sáng mờ nhạt của hoàng hôn, Hữu đọc lại dòng chữ ngày xưa chính tay anh đã khắc trên đó. Nét chữ còn nguyên vẹn nhưng sơn đã tróc gần hết và rải rác những vết rêu mầu xanh đen.
Hữu cúi người che gió và đốt nhang thơm. Mùi hương thoang thoảng của khói chợt dâng lên nỗi ngậm ngùi trong lòng anh. Hữu cắm nhang vào chiếc bình hương bằng xi-măng phía trước và quỳ mọp xuống trước tấm bia nhỏ. Lúc ấy anh nghe tiếng ríu rít của đàn chim mía đang bay về phía chân núi. Hữu ngẩng lên, đàn chim đã bay xa, khuất mất trong bóng chiều, chỉ còn lại khung trời rộng bàng bạc mây và cái im vắng mênh ௱ôЛƓ của buổi chiều ngoại ô. Anh đứng lên, ngôi mộ nhỏ như một nấm đất mọc đầy cỏ úa… Khói hương bay lên, vỡ tung trong cơn gió im lặng. Anh cố tưởng tượng hình dáng của mẹ nằm nhưng anh chỉ thấy được hình ảnh cuối cùng của mẹ. Hình dáng gầy yếu đầu cạo trọc, mắt mờ, bàn tay run run. Có phải khi con đi rồi mẹ ở nhà chỉ biết vui với ngọn đèn không? Ngọn đèn lúc chập choạng tối, lúc nửa đêm thức dậy khô cổ quờ quạng đi tìm một miếng nước. Ngọn đèn hột vịt vàng úa, lu mờ đứng đợi mẹ trong góc phòng, ngọn đèn nhỏ thay con hôm sớm với mẹ… thay con hầu hạ bên giường? Có phải chỉ có ngọn đèn đó thôi phải không mẹ? Có phải những buổi sáng sớm rét run mẹ lê từng bước đi tìm nồi cơm nguội và chai nước mắm nhưng đôi mắt mẹ đã loà nên lấy lầm chai dầu lửa và đã phải nuốt nắm cơm khô hôi nồng và mửa thốc tháo, té nhủi sau hè? Có phải mẹ đã sống những ngày cuối cùng tàn khốc như thế không? Nấm đất vẫn câm lặng. Nấm đất không trả lời, chỉ có khói bay lên, vỡ ra, hết lớp này đến lớp khác, chỉ có những giọt nước mắt ứa ra trên má Hữu, chảy dài từng giọt lặng lẽ.
Hữu đứng im rất lâu cho đến khi cơn gió xao xác đến mang theo tiếng sóng vỗ rì rào ngoài ghềnh Ráng. Hữu đi quanh nấm mồ. Giọt nước mắt vô tình vỡ ra trên môi mặn, đầm ấm. Anh nhổ những cọng cỏ may trên mộ và lá bù xít mọc lan chung quanh. Chiều xuống dày đặc. Thành phố đàng xa đã lên đèn. Từ biệt mẹ.
Hữu xách cái xách tay theo lối mòn đi ra đường cái. Chuyến xe lam vắng khách đưa anh về căn nhà người thầy học cũ ở một xóm nghèo bên chân núi.
Người thầy già sống với một đứa cháu ngoại và cô con gái lớn trong một khu vườn trái cây nhỏ. Cảnh nhà không có gì thay đổi. Vẫn ánh đèn dầu leo lét bên cánh cửa sổ sơn màu xanh lá cây. Vẫn tiếng chó sủa gâu gâu uể oải.
- Ai vô đó?
Hữu bước lên thềm. Đôi mắt người thầy giáo già còn tinh lắm. Đôi mắt mở to, ngạc nhiên:
- Hữu đấy hả? Thầy nghe nói con…
- Dạ, Hữu đáp, con ở tù mới về đây. Thầy ngày rày có được khỏe không?
Người thầy đặt bàn tay lên lưng Hữu.
- Vô, vô đi con. Thầy đã nói là thầy sống để chờ ngày hoà bình mà.
Đứa cháu ngoại đem chiếc đèn bão vào đặt trên tấm phản gõ. Thầy ngồi xếp bằng, cái quạt nan đan bằng cật tre để một bên.
- Sao con về được?
- Con vượt ngục. Con trốn về đây nên không thể ghé nhà, con ghé vô đây. Không biết cha con còn khỏe không?
Người thầy nghiêng đầu suy nghĩ. Trong ánh đèn lờ mờ ấy hiện ra nguyên vẹn cái vẻ đăm chiêu ngày xưa.
- Hôm rằm này cha con có ghé đây kiếm cây giống, thấy còn vững vàng lắm. À, mà để thầy biểu thằng Hào nó đi mời, giờ này vẫn còn xe lam đây mà.
Thằng cháu ngoại đứng một bên hăm hở nói.
- Để cháu đi cho.
Nói xong nó chạy thẳng ra ngõ. Người thầy đưa chiếc khăn lông cho Hữu và dẫn anh ra giếng rửa mặt.
Khu vườn trái cây tối đen như mực. Tiếng ếch nhái từ phía chân núi sau vườn đưa lại, gợi lên trong trí Hữu cả một vùng thiên nhiên xanh ngát ngày xưa, với những bãi cỏ thênh thang chạy vòng qua mỏm núi, những vùng nước đọng lác đác hoa súng đỏ, trắng và hoa rau muống tim tím, hoa nổ xanh xanh; với cánh đồng lúa chín vàng thơm mùi cốm và con đường đất loanh quanh như con thú nhỏ chạy lẫn vào phía chân núi. Ngọn núi trọc ấy, ngày xưa vẫn thường in bóng những tà áo dài trắng lất phất bay như những con cò ở mãi đàng xa, phía bên kia đồng lúa. Ngọn núi không cao nhưng đầy đá cuội và gai góc, anh vẫn thường leo lên đó nhìn những đám mây cao, những đám mây êm như cánh chim tuyệt vời ngủ quên trong gió giữa trời xanh bao la, tự nhiên thấy thèm gần gũi chúng và cố leo lên tới đỉnh. Bấy giờ anh là người cao nhất thành phố, dưới chân anh, thành phố chỉ là một mô hình nhỏ bé, một hình tam giác xanh mát bóng cây và mái ngói đỏ thấp thoáng phía sau những chòm lá xanh như những cụm bông trang rực rỡ. Phương đông là biển xanh trong, lấp lánh nắng. Chân trời sáng lên như thuỷ tinh rực rỡ. Cù Lao Xanh có khi là một quả núi đen sẫm, có khi chỉ là một cái bóng mờ nhạt lẫn mất trong sương. Lâu lâu mới có một con tàu nhổ neo ra đi chậm chạp câm lặng, buồn thảm. Phi trường nhỏ với phi đạo ngắn chói loà mặt trời buổi sáng. Chiếc phi cơ ở đâu trở về sà xuống bãi đáp êm ái như một cánh chim.
Giờ trở lại đây, ngọn núi vẫn còn đứng đó với dáng con kỳ đà bò về phương nam, có lẽ vẫn còn những chòm cây dại, những bụi sim thấp lè tè mà đầy trái ngọt, có lẽ vẫn còn nguyên nhiều thứ nữa. Đã lâu lắm rồi sao tiếng ếch nhái vẫn còn nguyên giọng bâng khuâng, sao cơn gió còn thơm mùi cốm.
Hữu thấm khăn, lau mặt và trở vào. Người thầy nhóm ngọn lửa vàng giữa ba hòn gạch. Gian nhà tranh đơn sơ, vách phên tre lủng nhiều chỗ. Vách bếp trét bằng đất sét trộn rơm giờ đã nám khói đen ngòm, trên gác bếp lủng lẳng những trái bắp giống, trái bầu ve và miếng xơ mướp.
Hữu ngồi xuống bên người thầy cũ.
- Thầy nấu gì đó?
Người thầy cười, những nếp nhăn hằn thật rõ sau hai đuôi mắt:
- Ra đây, đi theo thầy.
Thầy xách cái cuốc, dáng cao cao, thong dong. Thầy cúi xuống cho khỏi ᴆụng chái nhà rồi đi ra vườn. Sao đầy trời. Đêm có gió vi vu đuổi lá khô chạy rào rào dưới những gốc ✓ú sữa, gốc mít… Hữu nói:
- Con nhớ ngày xưa thầy dẫn tụi con đi học có những đêm trời cũng tối đen như thế này. Đi qua những khu vườn thơm, tay xách cái đèn dầu dừa hoặc đèn khấu, học thì học trong đình trong miễu, bàn ghế làm tạm bằng tre bằng thân cây rừng thô sơ. Về sau này nhiều lần đi công tác tại các vùng giải phóng thỉnh thoảng con lại thấy cảnh học trò đi học đêm như thế. Lần nào thấy cảnh đó con cũng nhớ thầy rồi nhớ luôn cái cảnh buổi sáng làm lễ khai giảng trong miễu thầy mặc cái quần xi-ta xám áo vải ú màu cháo lòng rộng thùng thình. Thầy đứng cao hơn mấy thầy khác, thầy bắt giọng cho tụi con hát bài quốc ca. Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… Thiệt là lạ, tại sao cảnh nào con cũng không nhớ rõ bằng cái cảnh ấy. Nhớ rõ đến nỗi trong tai còn mường tượng ra giọng hát của thầy.
Người thầy dừng lại bên mấy vồng khoai, thầy đặt cái cuốc xuống. Điếu thuốc cháy đỏ lên soi sáng chòm râu lưa thưa… Thầy nói:
- Cái miễu mà con nói đó bây giờ không còn nữa. Bom đạn đã biến thành bình địa. Mấy cây xoài cây bứa to lớn như thế mà cũng gãy sạch. Hôm Tết thầy có về thăm quê đi ngang qua đó chỉ còn có tấm bia đá phía trước. Con còn nhớ tấm bia đá ấy không?
- Nhớ. Tấm bia đá cao quá đầu người, có tạc hình con lân, đắp nổi lên bằng mảnh chai, mẻ chén, mẻ sành phải không thầy?
- Con nhớ rõ lắm. Bây giờ chỉ còn tấm bia đó đứng trơ trọi trên một nền đất rộng cỏ cháy, dạo sau này người ta cất ba bốn căn nhà tôn lụp xụp nơi đó, buôn bán với tụi Đại Hàn…
Hai thầy trò vừa bới khoai vừa trò chuyện trong tối. Gió thổi vi ✓út trên cao, ngọn tre nhấp nhô giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh. Hữu nói:
- Lâu lắm rồi con mới sống lại được một đêm yên tĩnh như thế này ở thôn quê. Ở Sài Gòn không như thế này đâu. Giờ này trong đó đường phố còn đông nghẹt xe cộ. Nói chuyện với nhau phải nói thiệt là to mới nghe được. Sống ở thành phố nhiều khi nhớ lại những buổi tối như thế này con thèm lắm, nhất là những đêm mưa có cái chòi cao giữa rẫy, hai cha con mang áo tơi lá khấu có vảy to sù sì như con kên kên đội mưa ra vườn bẻ bắp vào nướng trên than hồng, đào khoai vào vùi trong bếp tro, vừa sưởi vừa ăn bắp nướng. Cha con kể chuyện Người Ăn Bắp Và Con Rùa. Nước giếng đựng trong cái bầu ve khô treo lủng lẳng trên “con sẻ”. Bên ngoài mưa mặc mưa. Rả rích, tí tách trên lá chuối lá khoai lá mít, lộp độp trên luống cải trên ᴆụn rơm khô… thấy ấm, thấy thú quá chừng…
Hai thầy trò đứng dậy. Thầy vác cái cuốc, Hữu bưng rổ khoai lon ton đi sau như đứa tiểu đồng nho nhỏ trong truyện cổ tích.
Trời đầy sao. Đêm đẹp vô cùng. Bước chân đi sột soạt, sột soạt trên lá khô. Cảnh đêm ở đây phần nào giống những miền quê vùng châu thổ Cửu Long. Cũng vườn xoài, rặng trâm đám mía và những tiếng chân người đi xào xạc, chỉ khác là không có tiếng sóng nước lách tách trong những tối triều lên…
Hai người đến bên bếp lửa. Ấm trà Huế được nhắc xuống, nồi khoai bắc lên. Nụ cười của thầy tạo những nếp nhăn rõ ràng sau hai đuôi mắt. Nụ cười đẹp vì hai hàm răng đều bóng ngời ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn sau khi trải qua mấy nhà tù của Ngô Đình Diệm. Chúng đánh thầy đến thổ huyết nhưng hàm răng thì vẫn bóng ngời. Hàm răng đẹp làm cho nụ cười hiền. Hiền và rộng. Con đi đâu xa có nhớ thầy cũng là nhớ nụ cười ấy. Và những nếp nhăn sau đuôi mắt. Và câu bắt giọng “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Thế mà giờ đây hai thầy trò lại có lúc ngồi với nhau bên một bếp lửa.
Ô! Sao bếp lửa đẹp như cây hoa lạ giữa đêm. Cây hoa nhảy múa lung linh, toả sáng. Con rất mê tiếng nổ lách tách của củi khô, tiếng kêu “xuỳ xuỳ” của củi ướt làm phun những vòi khói nhỏ qua các lỗ mọt trên nhánh củi… Con mê những thỏi than hồng rực rỡ còn giữ nguyên hình nhánh cây, sáng đẹp như mẩu san hô. Bếp lửa sao có tình quá, làm ấm lòng bàn tay. Hơ một lúc áp tay lên thái dương thấy thích. Sao thầy không làm như thế. Mỗi khi lạnh thầy cũng giống như cha con, thường trùm cái khăn lông qua đầu, phủ kín hai tai, quấn một vòng qua cổ. Ngọn lửa nhấp nhô như làm xiếc. Có phải trong sách người ta nói rằng một trong những khám phá quan trọng nhất của loài người là lửa không? Đúng như thế, nhưng phải ngồi lại quanh đây, bên bếp lửa hồng, bên những người rất thân mới thấy mối tình của lửa, mới thấy khả năng liên kết gắn bó, lạ thường của nó. Và mới hiểu rằng lửa không những chỉ là một khám phá quan trọng mà còn là một khám phá kỳ diệu tuyệt vời…
Hữu nhìn đăm đăm vào ngọn lửa. Những trái bắp đầu tiên đã chín, thầy gắp ra thảy cho Hữu một cái rồi xếp trên cái sàng bằng tre. Ngoài ngõ có tiếng xe gắn máy. Thầy nói:
- Thằng Duy đó chớ không ai.
Hữu đứng lên. Duy và người cha đã vô tới cái sân đất.
- Con ơi!
Tiếng kêu ngắn ngủi ấy vang lên trong tâm hồn bàng hoàng của Hữu. Anh thấy giọt nước mắt long lanh trên mắt cha. Hữu cảm động ôm lấy cha. Cha cao lớn thong dong như chàng tráng sĩ. Cha khỏe không cha? Cha khỏe, cha có sao đâu, ở nhà ai cũng tưởng con đã ૮ɦếƭ. Con xin lỗi cha. Con xin lỗi cha ngàn lần. Cha vẫn thương con vô cùng, cha vẫn thương con như ngày còn thơ dại. Con cảm nhận điều đó trong hơi ấm của đôi tay to lớn của cha và trong tiếng kêu thảng thốt vừa rồi. Con xin lỗi cha, lâu nay tự trong thâm tâm con vẫn nghĩ rằng cha không thương lũ con cũng như cha đã bạc tình với mẹ…
- Cha tưởng con đã ૮ɦếƭ rồi sao?
- Ai cũng nói con đã ૮ɦếƭ.
Hữu ngó sang Duy, Duy giải thích:
- Cách đây hai tháng tôi có vào Biên Hoà thăm chú. Tôi đến nhà lao Tân Hiệp xin gặp mặt chú. Tôi đợi từ sáng tới chiều cuối cùng thằng cảnh sát ra gặp tôi. Nó đứng nhìn tôi một lúc rất lâu rồi nó cười, nó nói: “Ông về đi, thằng em ông nó đang ở nhà đó, nó đâu còn ở đây nữa.” Tôi nghe nó nói, thấy điệu bộ rất khả nghi, tôi lo ngại lắm. Tôi về, tôi kể lại mọi sự, bàn bạc với nhiều người tin cẩn, ai cũng nói chú bị thủ tiêu rồi. Chú về nhà mà coi. Cha đã lập một cái bàn thờ…
Hữu cười. Duy cũng cười. Người thầy rót nước trà ra tách mời ông bạn già. Hữu bắt đầu kể lại chuyện vượt ngục. Thằng Hào ngồi trên ngưỡng cửa chóc mỏ lên nghe, con chó mốc nằm trong lòng nó, đuôi ngoe nguẩy.
Hữu kể, câu chuyện đang nửa chừng thì con chó chồm lên. Thằng Hào giữ nó lại.
- Ai đó?
Một người con gái hiện ra trong vùng sáng của khung cửa lớn bóng in xuống sân.
- Anh Hữu!
Tú quên cả chào mọi người, đứng khóc thút thít như đứa nhỏ.
- Anh Hữu ơi! Anh còn sống nhưng anh Nghi thì không còn…
- Sao? Hữu kêu lên, Nghi đâu?
Tất cả đều im lặng. Thôi, anh hiểu rồi. Anh hiểu rồi Tú ạ. Em ngồi xuống đi, em đừng khóc. Đây là nhà của thầy, chung quanh còn có hàng xóm.
Hữu day sang Duy.
- Anh Ba, Nghi tử trận rồi à?
- Không - Duy nói, cố giữ giọng bình tĩnh - Nó bị bắn ૮ɦếƭ. Người ta nói nó bắn lộn với một thằng Mỹ nhưng anh không tin như thế. Không ai tin như thế cả.
Hữu không còn lòng dạ nào kể hết câu chuyện vượt ngục của mình. Người thầy đã bưng rổ khoai và bắp nướng lên. Thầy nói với đứa học trò cũ:
- Mọi việc đã qua rồi con ạ. Chỉ còn một cách giải quyết duy nhất, là cuộc chiến đấu mà con đang dự phần… Thôi, mời tất cả.
Duy vói lấy một củ khoai, bẻ một nửa đưa cho thằng Hào. Nhìn quanh, không thấy ai nhúc nhích, anh tần ngần giây lâu rồi đưa củ khoai lên miệng. Anh nhai chậm. Đôi mắt buồn.
Cuộc họp gồm bốn người: Hữu, Khâm, Lượng (bí thư chi đoàn Đại học Sư phạm) và Bảo. Một đoàn viên mới. Khâm nói:
- Anh có ngờ là chúng nó mời một đoàn viên của mình làm trưởng Ban vận động bầu cử không?
- Ai vậy?
Bảo cười. Anh là một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai. Anh giải thích:
- Lâu nay tôi vẫn giao du với nhóm sinh viên của chính quyền, cũng nhờ cái “mác” trường Tây anh ạ.
- Như vậy theo các anh thì tình hình bầu cử năm nay thế nào?
- Vẫn chưa khá, Khâm nói, chúng tôi vẫn lập chưa xong cái liên danh. Mới được năm người trong đó đã có hết hai đoàn viên của ta. Chẳng lẽ ghế chủ tịch mình lại nhảy vô nữa thì còn gì là “quan điểm quần chúng”.
Lại nói:
- Tôi có mời hai người rồi nhưng họ đều từ chối. Hai người đó là quần chúng tất cả. Nhưng họ sợ bị bắt. Tụi công an thường cứ nhằm vô ghế chủ tịch.
Hữu quay sang Bảo và Lượng:
- Các anh có mời ai không?
Lượng đáp:
- Tôi có mời một anh học Toán 3 nhưng anh ấy cũng sợ. Kiểu này chắc anh Khâm phải ra quá.
Khâm:
- Tôi còn một thằng bạn, học năm thứ 3 Việt Hán. Nó tốt lắm, gia đình cũng tốt nhưng không biết nó có chịu không. Năm nay nó ra trường.
- Phải cố mời.
- Nhưng nếu không được?
- Khi nào không được thì anh cứ ra. Anh Lượng giữ ghế gì?
- Phó chủ tịch ngoại vụ.
- Liên danh mình có bao nhiêu nữ?
- Một người.
- Liên danh nó?
- Hai. Và đẹp nữa.
- Sinh viên trầm trồ lắm.
Khâm ngã người ra sau, chợt nói:
- Tối nay tôi phải đi mời anh ta cho được.
- Anh ấy tên là gì? Hữu hỏi.
- Trần Hồng Sơn.