Sáng hôm sau Hữu được đưa đi bệnh viện Biên Hoà trên một chiếc Landrover màu xám. Cùng đi với anh có hai tù nhân đã lớn tuổi trông rất tiều tuỵ.
Mặc dù các tù nhân đã bị còng tay nhưng bọn chúng cũng bố trí đến sáu tên an ninh theo canh giữ. Chúng ngồi bao quanh Hữu và không bỏ qua một cử chỉ nào của anh.
Dọc đường Hữu tìm cách bắt chuyện với tên an ninh trẻ ngồi bên. Hắn khoe khoang tình hình an ninh rất tốt, đường xe lửa đã được sửa chữa lại, vài tháng nữa là có xe đi suốt Sài Gòn Huế, cộng sản hết cơ hội phá hoại, rút về rừng hết.
Hữu đưa một đề nghị:
- Đến một tiệm tạp hoá nào đó cho tôi mua một ít kim may áo.
- Mua làm gì?
- Về châm cứu. Ở trong trại giam tôi phụ trách châm cứu chữa bệnh cho anh em.
- Không được. Thôi, đừng nói chuyện, sắp tới nhà thương rồi.
Chiếc xe dừng lại trước cổng bệnh viện. Sau khi tên an ninh trình giấy tờ, cổng được mở lên và chiếc Landrover màu xám tiến sâu vô phía trong cùng. Hữu và người bạn tù già bị áp giải lên lầu. Ở phòng khám bệnh anh được mở còng và ngồi giữa hai tên an ninh chờ bác sĩ.
Anh không phải đợi lâu vì dường như người ta muốn giải quyết sớm cho anh về trại. Viên bác sĩ khám qua loa rồi làm giấy cho anh đi chụp hình phổi.
Năm tên công an lúc nào cũng theo sát một bên. Hữu thấy khó mà chạy thoát được. Từ phòng khám bệnh Hữu được đưa xuống đất để đến dãy lầu khác ở phía sau để chụp hình phổi. Động tác xảy ra rất nhanh. Viên bác sĩ phụ trách nói một cách gọn lỏn.
- Xong. Ba ngày nữa đến lấy kết quả và tái khám.
Anh bị dẫn lên xe, còng lại như cũ và chở thẳng về trại giam. Nắng đã lên cao, chiếu rực rỡ trên phố phường đông đúc. Cảnh ấy làm sống lại trong lòng Hữu cả quãng đời đấu tranh sôi nổi giữa lòng đô thị. Anh nhìn học sinh đi học, nhìn xe cộ qua lại trên đường, nhìn vòm trời xanh bao la và thấy lòng khát khao tự do mãnh liệt.
Trong suốt chuyến đi. Hữu không tìm được cơ hội nào để trốn thoát tuy nhiên lời dặn của bác sĩ ba ngày sau tái khám cũng làm anh hy vọng.
Buổi tối, Hữu cứ miên man suy nghĩ về chuyện vượt ngục. Trong trí anh, giọng nói thân thiết của một đồng chí lãnh đạo chi bộ ở nhà lao Chí Hoà cách đây hai năm lại vang lên rõ từng câu từng chữ…
- Vượt ngục là một trong những trách nhiệm của người đảng viên. Thời cơ lúc nào cũng có thể có dù chỉ trong một giây phút, vấn đề là mình có quyết tâm chụp lấy thời cơ ấy hay không mà thôi.
Đến ngày thứ ba, chiếc xe Landrover màu xám lại đưa Hữu đi bệnh viện. Lần này Hữu ra đi trong tư thế sẵn sàng. Anh mặc chiếc quần tây đen thường ngày bên trong là chiếc sơ-mi xám xin của Được, bên ngoài mặc áo bà ba đen, trong túi thủ một ve dầu xanh và tám trăm đồng bạc Sài Gòn.
Rút kinh nghiệm lần trước, Hữu nhận thấy trong suốt chuyến đi chỉ có lúc đến bệnh viện là địch có nhiều sơ hở nhất. Anh tranh thủ nói chuyện với tên an ninh hôm trước. Lần này hắn không đem chuyện “tàu hoả chạy suốt Sài Gòn Huế” ra khoe mà lại nói chuyện ăn mặc và chuyện gái ở Sài Gòn.
Giống y như hôm trước, khi đến bệnh viện chiếc Landrover chạy tuốt ra phía sau trở đầu rồi mới cho tù nhân xuống.
Ba tên an ninh dẫn Hữu và người đồng chí già đến dãy lầu bên trái. Lúc đến cầu thang hai tên tách đi chỗ khác, chỉ để một tên giải Hữu và người bạn tù kia lên lầu để đến phòng khám hôm trước.
Tên an ninh to béo cứ đi sát hai người tù, một tay hắn thọc vô túi quần thủ sẵn khẩu súng lục trong đó. Khi đến phòng khám bệnh, gã mở còng cho hai người tù và đẩy cánh cửa lớn.
Phòng trống, chỉ có một người đàn bà ốm yếu ngồi gần cửa sổ. Cánh quạt trần quay rất chậm. Tên an ninh ra hiệu cho Hữu và người đồng chí già ngồi đợi ở chiếc ghế dài còn hắn ngồi ở một chiếc ghế sắt đặt gần cửa, bàn tay phải vẫn bỏ trong túi quần.
Mọi người đợi một lúc khá lâu nhưng bác sĩ vẫn chưa đến và phía trong phòng khám bệnh dường như cũng không có dấu hiệu gì là có người trực. Tên an ninh có vẻ sốt ruột. Gã đứng lên, đến bên cánh cửa phòng gõ mấy tiếng và nghe ngóng. Ngay lúc ấy Hữu muốn nhỏm dậy. Một cảm giác kỳ lạ chạy khắp thân thể anh. Từ cánh cửa lớn này ra hành lang gần quá, chỉ cần bước hai bước và chạy thẳng xuống cầu thang là thoát ra cổng.
Nhưng tên an ninh đã quay lại, chửi thề:
- Đ.m làm việc gì giờ này mà chưa tới sở.
Hữu hỏi hắn:
- Mấy giờ rồi, anh?
- Gần chín giờ. Cha con nó đi đâu mất tiêu.
Gã đứng ngoài hành lang ngóng lên ngóng xuống một lát rồi ra lệnh:
- Thôi, đi theo tôi.
Hữu nắm tay người bạn tù già dìu ông ra cửa. Tên an ninh đi chậm lại, kèm sát hai người tù, bàn tay vẫn không rời khẩu súng giấu trong túi.
Lúc xuống tới chân cầu thang Hữu mới giật mình nhận ra hai tên an ninh từ lâu vẫn ngồi gác ở đó. Cũng may, lúc nãy nếu anh chạy ra thế nào xuống đây cũng bị tóm cổ.
Tên an ninh mập ra hiệu cho hai người tù theo hắn ra tận phía sau dãy lầu, nơi phòng chỉ dẫn.
Lần khám trước Hữu đã để ý đến khu vực này. Đây là một khu tương đối có nhiều ngõ ngách, quan trọng nhất là một bức tường chắn ngang phân chia chỗ đậu xe và dãy lầu bên trái. Lần này tên an ninh dẫn Hữu ra tận phòng chỉ dẫn ở khu vực ấy. Hắn muốn hỏi xem tại sao gần chín giờ sáng mà phòng khám bệnh vẫn không có người. Hắn bước đi hấp tấp nóng nảy. Hữu đi chậm lại, giả cách nói chuyện với người đồng chí già để cho tên an ninh qua mặt mình. Quả thực, hắn thiếu cảnh giác, hắn bỏ hai người tù rớt lại phía sau, vượt lên khoảng ba bước rồi năm bước. Hữu dừng lại. Tên an ninh vẫn tiếp tục bước tới. Bảy bước rồi tám bước. Còn một đoạn nữa mới tới phòng chỉ dẫn. Hữu lùi lại, lùi lại, rồi quay lưng chạy vòng qua bức tường lúc nãy. Anh cởi nhanh chiếc áo bà ba đen ném dưới chân tường và rảo bước ra cổng. Nơi đó, người ta ra vào tấp nập và người tù Phan Hữu với chiếc sơ-mi xám bỏ gọn gàng trong chiếc quần tây đen đã bước ra khỏi cổng bệnh viện như bao nhiêu người khác. Nhưng nếu có ai để ý sẽ thấy rằng người thanh niên ấy đang đi chân đất và trên cổ còn quấn một chiếc khăn rằn. Chi tiết này Hữu cũng khám phá ra ngay khi vừa ra khỏi cổng. Anh tháo chiếc khăn rằn cuốn nhỏ lại, đi gần như chạy giữa phố đông người. Khi đi ngang qua một cái xe nước mía Hữu cúi xuống nhét chiếc khăn vô đống bã mía rồi quẹo vô một con đường hẻm. Đây là một cái hẻm hẹp hai bên nhà cửa lụp xụp chen chúc. Hữu đi được một lúc thì ᴆụng ngay một hàng rào kẽm gai chắn ngang lối đi. Trong lúc bối rối bỗng có tiếng người nói:
- Hết đường rồi. Không đi được nữa đâu.
Hữu nhìn lại, thấy một em thiếu niên chừng mười hai mười ba tuổi đang cầm một cái chong chóng đứng bên một gốc dừa lớn. Thấy Hữu đứng ngẩn ngơ em bé cười. Hữu cười với em và hỏi:
- Chú leo qua đây đi, được chớ gì?
- Được. Leo đại đi. Hồi giờ ai có chuyện gấp cũng thường leo qua đây, khỏi đi vòng ra ngoài lộ.
Hữu leo qua rào, theo một đường hẻm nhỏ dẫn ra một đường phố khác. Đường Hàm Nghi. Chữ ấy hình như nhắc anh nhớ tới một điều gì. Phải rồi, có lần Hữu nghe Hạnh nói có một người cậu ruột mở tiệm thuốc tây ở đường này. Số 33. Con số trùng tên với rượu bia. Hữu không thể lầm được. Anh đi dọc theo dãy phố mang số lẻ. Đúng là một tiệm thuốc tây, anh bước thẳng vô đó.
Một người đàn ông đeo kính cận đứng sau quầy hàng đang xem một cái toa thuốc. Hữu nói liền khi ông ta ngẩng lên:
- Thưa ông tôi là bạn của chị Hạnh.
- Hạnh nào? Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Chị Hạnh sinh viên y khoa.
- Ừ. Nó ở nhà má nó chớ, đây làm gì có.
Hữu không ngờ một người cậu của Hạnh, một người có thể gọi là “gia đình cách mạng” lại có thái độ ấy. Anh định bỏ đi nhưng vừa quay ra cửa thì… Hữu suýt kêu lên… Trước mặt anh, phía bên kia tường rào một dãy lầu cao. Rõ ràng đó là bệnh viện mà anh vừa trốn khỏi. Thì ra từ nãy giờ anh chỉ mới đi vòng ra được khu vực phía sau bệnh viện và giờ đây Hữu nghe rõ nhiều tiếng tu-huýt, tiếng người la lối từ trên lầu cao vọng xuống. Anh thấy rõ mình đang ở trong một tình trạng nguy hiểm. Ngay lúc này, nếu anh bước ra đường thế nào cũng bị nhận mặt. Nghĩ thế Hữu đành quay lại phía lão chủ tiệm thuốc tây giữa sự ngơ ngác của ông ta. Anh không còn cách nào khác hơn là nói thẳng:
- Thú thực với ông, tôi là tù chính trị trốn về đây. Hiện giờ tình hình ngoài đường găng lắm. Ông có thể nghĩ tình cho tôi ở tạm đây đến tối, lúc ấy tôi sẽ đi.
Người đàn ông gần như sững sờ trước câu nói ấy. Chiếc gọng kính đồi mồi rớt xuống sống mũi, miệng ông há hốc ra và mặt càng lúc càng tái nhợt.
- Không… Không được đâu.
Ông ta cúi xuống, hấp tấp kéo cái ngăn kéo. Bàn tay run lẩy bẩy của ông rút ra một trăm bạc đẩy về phía Hữu mắt lấm lét ngó ra đường:
- Cậu… cầm tạm đi xe… Ra tới đường là có xe liền. Cậu đi gấp đi kẻo họ tới bây giờ.
Không để ông ta nói hết câu, Hữu đi thẳng ra cửa. Rất may anh gặp ngay một chiếc xích-lô đạp vừa trờ tới. Anh hấp tấp bước lên xe. Người phu xe già cắm cúi đạp được một đoạn rồi hỏi:
- Cậu về đâu?
- Bác cho cháu ra bến xe.
- Tưởng đi đâu, bến xe tới rồi đây. Sao ở đó lại bến xe có mấy bước mà cậu cũng đi xích-lô.
Hữu bước xuống xe, gượng cười:
- Dạ, cháu ở dưới quê lên, không biết đường sá gì hết. Bao nhiêu tiền, bác?
Ông già dùng lưỡi xoay điếu thuốc rê:
- Thôi, ở đó lại đây qua chở dùm.
Hữu cám ơn người phu xe già rồi chạy theo một chiếc xe lam vừa chuyển bánh. Chiếc xe đưa anh đi giữa thành phố rực nắng. Hữu liếc nhìn đồng hồ tay của một người ngồi cạnh. Mười một giờ. Trên đường phố đã thấy nhiều toán học sinh ra về, quần xanh áo trắng, áo dài trắng nữ sinh, áo đầm mẫu giáo tung tăng khắp nơi… Hữu nhìn theo đám học trò và chợt nhận ra ở ngã tư trước mặt một toán cảnh sát dã chiến phối hợp với quân cảnh đang án ngữ dày đặc. Hữu bảo người tài xế:
- Cho tôi xuống đây.
Chiếc xe ngừng lại. Hữu trả tiền xe rồi vội vàng băng qua đường xăm xăm đi về phía đám học sinh mẫu giáo đang vui vẻ nắm tay nhau về. Anh đến bên mấy em bé gái, hai tay dắt hai em vừa đi vừa hỏi chuyện:
- Hai cháu học lớp mấy?
- Lớp mẫu giáo A.
- Còn cháu học lớp mẫu giáo năm.
- Nhà cháu ở gần đây không?
- Gần.
- Chú dẫn cháu về nhà nghen.
- Nhà chú cũng ở gần nhà cháu hả?
- Ừ, nhà chú ở gần.
Hữu vừa nói chuyện với các em nhi đồng vừa theo dõi bọn quân cảnh lúc ấy chỉ đứng cách anh có mấy bước và đang xét giấy tờ những người qua lại ngã tư. Hữu cứ nương theo mấy em nhỏ, dắt tay chúng đi tung tăng trên vỉa hè vừa đi vừa hỏi chuyện cười nói tíu tít. Phút chốc anh qua khỏi vòng vây cảnh sát và rẽ sang một con đường khác, anh đi nhanh và quẹo vô một con hẻm gần đó.
Đường hẻm hẹp và quanh co dẫn sâu vô xóm lao động. Hữu nghĩ cùng lắm ta cũng có thể ẩn vô nhà quần chúng. Hữu hơi yên tâm và đi chậm lại để tránh sự chú ý của mọi người. Anh chợt nhận ra trước mặt mình, chỗ cuối con hẻm, là một khoảng trống lớn dường như mở ra một cánh đồng nào đó. Hữu tiến tới một lát nữa thì thấy những hàng rào kẽm gai và những trụ điện sơn hắc ín đen kịt mọc rải rác trên vùng đất trống đó, dây điện giăng ngang khoảng trời trong xanh và phía đàng xa lại hiện ra những bức tường vàng bẩn cũ kỹ kẻ những khẩu hiệu bằng sơn đen từ lâu đời.
Hữu còn đang phân vân không biết nơi đó là cái gì thì một hồi còi tàu rúc lên và tiếng nổ xình xịch của con tàu từ Biên Hoà đi Sài Gòn đã nghe thấy từ xa. Thế là anh chạy. Anh chạy như bay tới chỗ khoảng trống. Con tàu chỉ ngừng lại vài phút ở cái ga xép ngoại ô này và khi nó chuyển mình ra đi thì Hữu cũng vừa đến nơi, nhảy lên một toa xe gần cuối.
Một chiếc xe gắn máy dù cũ tới đâu vẫn tiện lợi hơn một trăm lần đi bộ, nhất là đi bán báo. Ngày trước Hữu bán báo bằng xe mô-bi-lét, giờ đây, với đôi chân không lấy gì làm vạm vỡ, đôi chân khô đét sau gần năm năm ngấm đòn dùi cui ma-trắc, báng súng roi mây, Hữu thấy khó mà lấy lại phong độ cũ.
Ngày trước, ngoài một trăm mấy chục “mối” báo tháng, mỗi chiều Hữu còn có thể bán thêm cả mấy chục tờ khác, nhưng giờ đây anh chỉ có thể ôm trong tay hơn ba chục tờ. Ba chục tờ vừa đi vừa rao, bán cho hết không phải là khó. Cái khó là làm thế nào biết được hiện nay các đồng chí cũ còn lại ở đâu? Bảy Trung ở đâu?
Suốt hai tuần nay Hữu ôm chồng báo đi nát cả cái khu Bàn Cờ, nơi Bảy Trung ở năm năm về trước. Anh đi ngang ngôi nhà ấy, ngôi nhà sau một cái chùa lụp xụp. Cây hoa giấy vẫn ra hoa đỏ tía, cái cổng sắt sơn xanh tróc sơn và căn gác gỗ tối om vì tàng hoa giấy che bên ngoài. Chính nơi đó, đồng chí Bảy Trung đã kết nạp anh vào Đảng. Chừng ấy năm đã đi qua nhưng căn gác nhỏ bé ấy vẫn không có gì thay đổi. Bao lần ôm chồng báo đi qua đây. Hữu đã dừng lại nhìn ngắm nó với tâm tình của một đứa con trước chiếc nôi xinh ngày xưa người mẹ thường ru mình vào giấc ngủ. Rồi lặng lẽ bước đi. Tiếng rao chợt bật lên lạc lõng, vô thức:
- Báo đây! Báo đây!
Hữu đi khắp nơi tìm các đồng chí cũ. Người chủ nhà già nua của căn nhà Bảy Trung đã không cho biết một điều gì về tông tích của anh cả. Ngày trước Hữu có đến đây mấy lần nhưng lão già quá, thời gian đã làm lão quên đi hết chăng? Lão cũng chẳng nhận ra được Hữu nữa.
- Tôi không rõ, lão nói, cậu Trung dọn đi từ năm bảy mươi. Bây giờ căn gác, con cháu tôi ở dưới Sóc Trăng lên ở nẳm nay.
Hữu kín đáo trở lại trường, trường vẫn đông đảo, chen chúc như cái rạp hát. Những phòng học, những giảng đường mới đang xây lở dở, xây tới đâu học tới đó. Ngày trước nhà trệt lợp ngói thấp lè tè với hai chục ngàn sinh viên thay nhau lui tới, ngày nay thêm mấy từng lầu nữa, sĩ số đã tăng lên bao nhiêu rồi mà ồn ào náo nhiệt, mà xanh đỏ tím vàng rằn ri đủ thứ, mà tóc tai, môi má vẽ vời, mà nước hoa trộn với mồ hôi ngai ngái… Nhưng lạ thay, những lúc đặt chân vào khuôn viên, Hữu vẫn thấy lòng xao xuyến như gặp lại một người thân. Tại sao? Mình yêu mến cái gì ở nơi chốn xô bồ rỗng tuếch này? Nhiều lần anh đã phẫn nộ trước muôn vàn nhởn nhơ ngu ngốc. Thế mà giờ đây, thăm lại trường, vẫn thấy có điều gì rất yêu dấu. Có phải đó là những dáng dấp tận tuỵ quen thân của những người đồng chí cũ? Có phải những vừng trán đẫm mồ hôi một đêm nào đốt đuốc giữa khuôn viên? Có phải những vệt máu hồng đã loang lổ trên những tà áo trắng? Và có phải không, nơi cái bực cấp đi lên này, đồng chí Mười Thanh đã bị hai tên an ninh chìm đánh gục trên vũng máu?
Những đồng chí ấy, những người bạn năm trước bây giờ không còn ai nữa nhưng trường vẫn giữ nguyên mối tình với Hữu. Quanh đây toàn là những kẻ xa lạ, những sinh viên trẻ trung hào nhoáng nhưng Hữu biết giữa cái bề ngoài ấy, cách mạng vẫn có mặt, vẫn lớn lên như một nụ mầm. Nhưng giờ đây, còn ai biết anh là người đồng chí? Hữu chợt nghĩ đến Hạnh. Khi còn ở tù dường như có lần anh nghe đồn Hạnh được trả tự do nhờ sự “đút lót” của một người chú ruột làm đại tá trong quân đội Sài Gòn.
- Hay ta thử đến đó xem sao!
Hữu suy nghĩ cả ngày. Buổi chiều anh đi ngang đường Ngô Thời Nhiệm. Toàn biệt thự. Ngôi nhà của Hạnh ngày xưa vẫn không có dấu hiệu gì là đã đổi chủ. Hữu định nếu đi ngang cổng mà thấy Hạnh là tìm cách gặp nhưng lần nào nhìn vô trong anh cũng chỉ thấy những gốc cây sứ chạy cong cong theo một lối đi trải sỏi trắng.
Sáng hôm sau Hữu quyết định vào nhà hỏi thăm. Anh bấm chuông. Một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi tiến ra cổng.
- Cậu hỏi ai?
- Thưa bà, tôi xin phép gặp chị Hạnh.
Người đàn bà nhìn Hữu giây lâu, dò hỏi, e dè, lưỡng lự.
- Xin lỗi, cậu tìm có việc gì?
- Dạ, tôi là bạn học cũ, lâu ngày ghé thăm.
Người đàn bà đặt tay lên cánh cửa cổng, nụ cười gượng gạo với những nếp nhăn của thời gian.
- Cô ấy không còn ở đây nữa. Cổ đi theo chồng rồi.
Hữu chào người đàn bà.
Suốt quãng đời hoạt động trong các phong trào sinh viên học sinh ngày trước anh đã gặp gỡ Hạnh nhiều lần, đã từng giữ chung một đầu biểu ngữ, từng sống những ngày vui lao động trong các chuyến công tác xa, những đợt cứu trợ đồng bào chiến nạn và từng chứng kiến những cảnh tù đày tra tấn dã man sau đêm hát tại trường văn khoa chống vụ tàn sát ở Mỹ Lai và đòi hoà bình độc lập. Anh đã sống bao nhiêu kỷ niệm với người con gái ấy nhưng chưa lần nào anh nghĩ đến một mối tình, thế mà câu nói giản đơn của người đàn bà lúc nãy chợt làm anh xao xuyến. Cô ấy không còn ở đây nữa, cổ đi theo chồng rồi. Chồng của Hạnh là một người như thế nào? Đang lúc bị giam. Hạnh được thả ra, điều ấy có liên quan gì đến cuộc hôn nhân sau đó?
Hữu đi bộ một mình dọc theo đường Công Lý. Mùa thu hoa me rụng vàng trên vỉa phố. Lá trên cao vẫn xanh, vẫn kết dày đặc thành mái vòm nhưng hoa vàng cứ bay nghiêng nghiêng theo cơn gió đi qua, nhìn từ xa thấy nhỏ li ti và mịn như phấn thông… Hoa bay lạc trong không gian lấp lánh, vàng như hạt nắng sớm của một ngày nào đó cách đây năm năm trên vùng rừng chồi thấp tại làng cô nhi Long Thành.
Hạnh đã đứng im trên vùng đất hoang đó nhìn ra phía xa. Chiếc áo bà ba trắng in rõ trên một nền xám xịt và nâu sẫm, chỗ chân trời tiếp giáp với rừng cây. Mấy người bạn trong đoàn công tác xã hội đã thức dậy ca hát và chơi đàn quanh lều. Hạnh nói:
- Trông anh mặc áo rét tôi cũng thấy lạnh.
Chị làm bộ rùng mình, hai tay đan vào nhau thu lại phía trước. Sương sớm tan dần trên các chòm cây. Trời hửng sáng. Các em cô nhi đi từng hàng dài từ các dãy nhà ngủ đến phòng ăn, tất cả đều mặc áo vàng đầu cạo trọc, các em đi thật yên lặng, chậm rãi, đầu hơi cúi xuống, thỉnh thoảng lại chắp tay cúi chào các ni sư hay mấy anh sinh viên đang đi về trại.
Hạnh vác cuốc và xách cái xô không đi bên Hữu. Hai người nhập vô đoàn sinh viên vừa đi qua. Họ bắt đầu khai mương quanh các trại cô nhi. Đất thì xốp nhưng cây rừng nhiều quá thành thử anh chị em phải vất vả lắm mới cắt đứt được hết những cái rễ chằng chịt bên dưới. Họ làm việc trong tiếng hát của các em cô nhi vang lên trong trại. Đến trưa mưa bỗng trút xuống ào ào, các rãnh mới đào đã có nước chảy. Các em rất thích nhìn những mương nước mới đào này, các em đứng phía trong, cười nói tíu tít. Tiếng hát của anh em sinh viên lúc ấy to hơn tiếng mưa xối xả. Hạnh mặc áo mưa vàng chói trông lạ hẳn đi. Tóc vẫn khô nhưng nước mưa cứ theo mũ áo chảy ròng ròng hai bên má. Hữu nói đùa:
- Trông chị bây giờ giống bà Trưng Trắc hơn ngày hôm qua nhiều.
Hạnh vừa cuốc đất vừa cười, hỏi vặn lại:
- Anh đã gặp bà Trưng Trắc bao giờ chưa mà biết giống?
- Dĩ nhiên là chưa, nhưng mỗi khi muốn đóng vai bà Trưng Trắc thì người ta thường chọn những cô gái đẹp.
Những kỷ niệm ấy giờ đã qua đi mất. Dừng lại trong cơn gió đầy hoa me vàng. Hữu chỉ còn thấy rõ nhất đôi mắt sáng và nụ cười mỉm, kín đáo.
Hữu bán hết báo rất nhanh. Báo hôm nay thiên hạ đổ xô nhau mua chỉ vì một chuyện ngoại tình giữa bà thiếu tá với ông trung tá nhảy dù nào đó đã được tiểu thuyết hoá một cách sống sượng. Dẫu sao biến cố ấy cũng giúp anh xong nhanh công việc và lời thêm được mấy trăm bạc.
Trên xe buýt bước xuống Hữu băng qua đường. Từ ngày vượt ngục về Sài Gòn đến nay trong người Hữu không có một chút giấy tờ nào hết, cũng may nghề bán báo chẳng phải là cái nghề mà bọn cảnh sát quân cảnh để ý đến. Cầm xấp báo đi khơi khơi giữa phố, gặp tụi nó chỉ cần rao lên mấy tiếng, cười một cái là qua mặt tỉnh bơ. Dần dà, Hữu gần như chẳng còn bận tâm gì đến chuyện giấy tờ nữa. Tuy vậy từ nhà tới chỗ lấy báo Hữu phải đi xe buýt. Đi xe buýt có hai cái lợi lớn: Đỡ tốn tiền và rất ít khi bị xét giấy.
Hữu ghé quán cơm bình dân ở đầu hẻm gọi một dĩa cơm sườn và một ly trà đá. Tháng năm tháng sáu buổi chiều thường nóng nực, quán ăn lại không có quạt, chật hẹp và tối. Hữu cắm cúi ăn, không để ý đến chung quanh, khi ngẩng lên, anh bắt gặp một cặp mắt đang nhìn mình đăm đăm. Hữu ngại phải đón nhận cái nhìn ấy nhưng khi anh vừa định quay đi thì người đàn ông nọ đã rời chỗ ngồi tiến lại phía anh, đến lúc ấy Hữu mới nhận ra Bảy Trung với nụ cười rất bình lặng, rất đơn giản và chân thành. Hai bàn tay siết lại thật chặt, ấm và cồm cộm những vết chai.
- Cứ ăn đi - Bảy Trung bảo - Cứ ăn xong đi đã.
Thế là Hữu ăn. Ăn nhanh.
Lúc hai người ra khỏi quán thì chiều đã xuống mát rượi cả thành phố. Bảy Trung vừa đi vừa ngắm nghía người đồng chí cũ. Hai người quan sát nhau. Bảy Trung bảo:
- Đàng kia có một cái công viên khá vắng, ta lại đó đi.
Họ đi bộ dọc theo đường Phan Đình Phùng. Hữu nói:
- Tôi đi tìm anh suốt hơn hai tháng nay. Bà chủ nhà cũ nói anh đã dọn đi từ năm sáu chín bảy mươi gì đó.
Bảy Trung nói:
- Tôi cũng đi tìm anh quá trời. Ở ngoài này anh em cũng nắm rất rõ tình hình đấu tranh của anh em trong tù. Các anh lãnh đạo trong cứ cũng đều có theo dõi, chính vì thế mà khi được tin anh vượt ngục tôi được chỉ thị đi tìm anh. Tìm khắp nơi… Bây giờ anh ngụ tại đâu?
Hữu đưa xấp báo cũ ra trước mặt, anh cười, bảo Bảy Trung:
- Ban ngày tôi đi bán báo, tối về ngủ nhờ nhà mấy anh em đồng nghiệp trong các xóm lao động, nay nhà này mai nhà kia. Tôi chẳng dám về các nhà trọ cũ nữa.
Hai người vào một công viên nhỏ ở ngã tư đường. Họ chọn một cái ghế đá khuất dưới bóng cây hoàng lan, quay lưng về phía cặp tình nhân đang rù rì phía bên kia bãi cỏ. Hữu nhìn những tia nước phun nhỏ li ti trước mặt tự nhiên lòng thấy thanh thản. Đoá hoa chuối nước màu cam lấm chấm vàng rung rinh dưới những giọt mưa nhẹ nhỏ xuống cuống quýt. Lá me trên cao xao xác lay động theo cơn gió nhẹ lướt qua. Hữu tựa lưng vào thành ghế nhìn bầu trời. Bảy Trung đốt một điếu thuốc đưa cho Hữu và tự châm cho mình một điếu. Bảy Trung nói:
- Anh phải kiếm một chỗ ở riêng cho ổn định mới được.
- Nhưng trong mình tôi chẳng có thứ giấy tờ nào cả.
- Cái đó không lo. Tôi sẽ cung cấp mọi thứ cho anh để anh có thể sống hợp pháp như bất cứ một người dân Sài Gòn nào. Chỉ ngại một điều là anh có vẻ còn yếu lắm.
Hữu mỉm cười, anh rít một hơi thuốc và nhả khói một cách kiểu cọ. Anh nói:
- Tôi thấy sức khỏe cũng bình thường anh ạ. Dần dà rồi nó cũng bình phục thôi. Anh nói đi, tình hình bây giờ ra sao rồi.
Anh Bảy Trung duỗi thẳng hai chân, phun một luồng khói vào khoảng không:
- Sau đợt bình định học đường của chúng vào năm 1972, các đồng chí mình phải rút hết vào cứ, một thời gian sau lại phải chạy thẳng sang biên giới Miên. Tôi và vài đồng chí nữa tuy chưa bị lộ nhưng cũng phải án binh bất động cả mấy tháng trời.
Hữu hỏi:
- Như vậy bây giờ các đại học đều trống à?
- Không hẳn thế. Tôi trở lại Sài Gòn hơn một năm nay, kể ra bên cánh học sinh còn mạnh, cơ sở gầy dựng lại rất khá, chỉ có cánh sinh viên của mình thì còn yếu nhưng không thể gọi là trống được.
- Vậy còn Ban đại diện các trường - Hữu hỏi - Chắc cũng tụi nó nắm hết?
Anh Bảy Trung ngồi nhỏm dậy, gạt tàn thuốc lên thành ghế đá, tay gác lên đầu gối, mặt cúi xuống trầm ngâm hồi lâu.
- Không hết - Anh nói - Ta vẫn còn nắm được một số trường và chi phối một số. Đây chính là vấn đề tôi cần bàn với anh rất kỹ. Nhìn chung tình hình ban đại diện ta không thua chúng bao nhiêu. Các đại học lại sắp tới mùa bầu cử, ta chỉ cần thắng thêm hai phân khoa nữa so với năm rồi là ta sẽ thắng ở Tổng hội sinh viên. Và đó là mục tiêu quan trọng.
Hữu toát mồ hôi trán. Sự chú ý dồn cả trong đôi mắt và thế ngồi chồm tới. Anh hỏi:
- Hiện tại ta nắm được các trường nào?
- Y khoa, Nông lâm súc, Khoa học, Kỹ thuật Phú Thọ. Còn địch, chúng nắm các trường Dược, Văn Khoa, Đại học Sư Phạm, Luật Khoa và Kiến Trúc. Tuy chúng hơn ta một phân khoa nhưng “thế” của chúng lỏng lẻo. Cũng giống như những năm trước, ban đại diện của chúng chỉ có mặt để choán chỗ của ta và để quay “cua” bán cho sinh viên lấy lời. Đó cũng là một trong những mầm mống gây bất mãn trong quần chúng sinh viên. Còn ta, ta nắm chắc. Ban đại diện ta gồm những sinh viên có uy tín, một số là đoàn viên, vài nơi đã có chi bộ. Tuy so với những năm trước thì còn kém nhưng từ một tình trạng bình định học đường mà gượng gậy được như thế là khá lắm.
Hữu cười:
- Khá thực. Nghe anh nói tôi muốn anh giao công tác liền.
- Không gấp lắm đâu. Anh cần phải bồi dưỡng một thời gian. Mình phải tính chuyện đường dài.
Hữu nói:
- Anh cứ giao công tác đi. Tôi vừa làm vừa bồi dưỡng cũng được chớ gì.
Hữu xòe hai bàn tay đưa ra trước mặt. Lưng bàn tay đen sạm nổi lên những đường gân lớn hình nan quạt, Hữu lại ngửa hai bàn tay, lòng bàn tay lõm xuống, mềm nhão. Bảy Trung lắc đầu cười yên lặng.
Phía trên ngọn cây cao trận gió đi qua làm những trái chùm gởi khô lìa cành xoay tít mù trong không gian như những con chim sâu nhỏ đập cánh ríu rít. Bảy Trung chăm chú nhìn những trái chùm gởi và nói:
- Cái này là cái lá gì mà hay quá. Tôi ở Sài Gòn cả chục năm rồi mà bây giờ mới để ý đến nó.
Hữu chỉ cười. Anh ngước nhìn lên cao. Mấy trái chùm gởi bay nghiêng nghiêng lại chỗ anh rồi rơi xuống trước mặt, xoay tít như cái chong chóng. Bảy Trung lấy một trái lên coi. Hữu chợt hỏi:
- Anh còn nhớ Hạnh chớ hả?
- À, tôi quên nói chuyện Tư Hạnh. Gia đình cậy tiền cậy thế đút lót cho ra tù tính ép lấy chồng. Tôi mới nghe anh em bàn tán chuyện đó ít lâu thì bỗng nhiên một hôm tôi gặp cổ trong cứ. Hỏi ra, thoát ly luôn.
- Thật là một tin mừng!
Bảy Trung dường như không biết tình ý trong câu nói đó, anh cúi xuống che gió đốt thuốc trong khi Hữu đứng lên đi lại phía thảm cỏ, đưa hai tay lên đón những trái chùm gởi khô đang xoay tít mù trên cao.