Hữu đang giảng bài thì có tiếng gõ cửa. Ông hiệu trưởng chào anh rồi bước vào lớp. Học sinh chưa kịp đứng lên thì ông đã ngăn chúng lại và nói:
- Thầy lấy làm tiếc mà nói với các em như thế này. Thầy rất muốn duy trì lớp Bảy, nhưng lớp này quá ít học sinh, học phí của mười mấy em làm sao đủ trả lương cho giáo sư vì thế thầy quyết định giải tán. Em nào muốn đi học trường khác thì đi, còn em nào muốn lên lớp Tám thì thầy cho lên để học chung với các em lớp Tám cho vui.
Hữu nhìn xuống đám học trò, và lạ chưa! Anh thấy mặt đứa nào cũng hân hoan, rạng rỡ.
Hữu chán nản bỏ ra ngoài hành lang trong khi ông hiệu trưởng chăm chú chép thời khoá biểu lớp Tám lên bảng.
Trong đời anh chưa bao giờ anh gặp một trường hợp quái đản như vậy.
Ông hiệu trưởng đã chép xong thời khoá biểu và trở ra. Hữu chặn ông lại:
- Trời ơi! Thầy cho chúng nhảy lớp thì làm sao chúng học nổi?
Ông hiệu trưởng cười một cách trâng tráo:
- Tôi có bắt buộc chúng nó đâu! Nếu chúng không thích thì chúng cứ đi trường khác. Tôi đã bảo như thế mà.
- Nhưng thầy biết là chúng đều thích. Và thầy xúi chúng.
- Tôi nào có xúi. Chúng thích thì phải chiều chúng chứ tôi biết làm sao bây giờ?
- Thầy không biết làm sao à? Không duy trì được thì giải tán, sao thầy lại cố giữ chúng lại một cách kỳ cục như vậy?
Ông hiệu trưởng đỏ mặt. Hữu nổi giận và anh tưởng ông ta cũng nổi giận nhưng ông ta đã đặt một bàn tay lên vai Hữu và cười làm lành:
- Anh hỏi gay tôi làm gì. Đáng lẽ anh nên thông cảm cho tôi, mỗi tháng tôi chịu lỗ cả trăm nghìn thì mở trường ra làm gì?
Hữu tì tay lên chiếc bao lơn bằng gỗ mục nát, anh nói:
- Tôi thông cảm cho trường lắm, nhưng nếu trường ở vào hoàn cảnh không thể tồn tại được thì thầy cứ đóng cửa trường và tôi có mất chỗ dạy cũng không phiền trách gì, chứ còn thầy coi thường tương lai học sinh như thế thì vô lý quá.
Ông hiệu trưởng cúi đầu yên lặng. Ông có vẻ xúc động. Mắt ông đỏ hoe, lát sau ông nói nhưng vẫn cúi nhìn mặt đất ở dưới sâu:
- Tôi cũng đã nghĩ tới chuyện ấy anh à. Nhưng anh nghĩ coi (Ông ngẩng lên nhìn trời rồi nhìn suốt dãy hành lang vắng teo, giọng ông run run tiếp). Anh nghĩ coi, cả một cơ nghiệp hai mươi năm dài chẳng lẽ phút chốc…
Ông quay mặt chỗ khác:
- Thôi, xin phép thầy, tôi xuống.
Hữu đứng im nhìn người đàn ông ốm yếu ấy bước hấp tấp một mình trên dãy hành lang dài và rộng.
Hữu thẫn thờ vào lớp. Lũ học trò trở nên hỗn loạn. Chúng ngồi chụm lại đánh cờ, nói chuyện. Một thằng ngồi trên bàn, gác chân lên hai vai của một thằng khác ngồi trước, vừa rung đùi vừa huýt sáo. Hữu giận dữ đập bàn và gọi nó lên bảng. Thằng nhỏ sợ hãi bước lên và Hữu trút cơn phẫn nộ kỳ quái xuống người nó. Thằng bé co ro, chống đỡ một cách thảm hại và tuyệt vọng.
Lớp học im phăng phắc. Không đứa nào dám thở nữa. Thằng học trò nhỏ đã lùi đến cuối lớp và ngồi úp mặt trên bàn khóc.
Hữu bỏ ra ngoài hành lang. Anh cũng muốn khóc. Anh đã đánh nó như đánh một kẻ thù, nhưng kẻ nào mới là kẻ thù thực sự đáng nhận lãnh cơn giận điên cuồng ấy?
Muốn đọc truyện hay vào ngay ThichTruyen http://thichtruyen24h.com
Hữu bỏ ba ngày để nghiên cứu một cách đánh mìn bằng kíp điện rất độc đáo. Trái mìn chỉ có nửa ký TNT đặt trong cái hộp giấy thô sơ, hai sợi dây điện từ kíp nổ được nối với một mạch điện, mạch này bị cắt bởi một cái thoi nhỏ. Thoi này có thể di động dễ dàng trên một cái trục nhỏ. Lúc mìn thăng bằng, con thoi ở giữa. Mạch điện bị cắt. Nếu trái mìn bị nghiêng, lập tức con thoi chạy xuống chạm vào cực điện kia, mìn sẽ phát nổ tức thì.
Hữu hoàn thành trái mìn ấy lúc trời đã khuya lắm. Anh thận trọng đặt nó vào trong một cái xách tay rồi ngồi lại bàn học viết mấy chữ bằng sơn trắng trên một cái bảng đen nhỏ. MÌN, NGUY HIỂM TRÁNH XA, bên dưới anh vẽ một cái đầu lâu và hai xương chéo.
Trong quá trình chiến đấu tại thành phố Sài Gòn ngay giữa lòng địch, chưa lần nào anh đánh trái một cách công khai như lần này. Mọi khi mỗi lần đánh trái, Hữu phải đi trinh sát địa hình rất kỹ, phải nghiên cứu quy luật đi lại của địch, phải nguỵ trang mìn trái rất công phu, nhưng lần này thì không.
Sáng sớm ngày mai anh sẽ đem trái mìn này lên cái cầu nổi gần chợ Bến Thành đặt ở đấy, trương “bảng hiệu” đàng hoàng cho đồng bào tránh xa, đồng thời cũng để nhử địch tới. Anh sẽ ngồi uống cà-phê với đồng chí Bảy Trung chờ xem kết quả.
Nghĩ đến lúc đó Hữu mỉm cười và anh nhắm mắt lại. Giấc ngủ đến dễ dàng và êm ái như một cơn gió nhẹ.
*
Năm giờ sáng, lúc trên cầu nổi chưa có ai, Hữu đặt ngay trái mìn giữa lối đi và dựng tấm bảng có cái đầu lâu và xương chéo bên cạnh. Đồng chí Bảy Trung chờ anh trên chiếc Honda 67 đậu sát công viên Quách Thị Trang. Hữu đi nhanh xuống cầu thang và đến ngồi sau lưng anh Bảy Trung. Chiếc xe vọt đi về hướng đường Trần Hưng Đạo.
- Coi có thằng nào theo dõi không - Bảy Trung dặn.
Hữu đã để ý cảnh giác từ trước nhưng anh cũng ngoái cổ nhìn lại một lần nữa. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ tụi mật vụ theo dõi. Hai người lái xe vòng vòng một lúc rồi quẹo xuống bến Bạch Đằng. Vừa rẽ lên đường Lê Lợi anh bị một toán quân cảnh thổi còi chặn lại.
Bảy Trung cười hề hề:
- Không sao. Nó “ba-rê” đường. Chắc nó mới phát giác ra trái mìn của mình.
Hai người quẹo xe vô một quán cà-phê ngồi chờ kết quả.
Trong lúc ấy nơi cầu nổi bọn cảnh sát dã chiến bao vây cả khu vực bùng binh chợ Bến Thành. Chiếc xe Jeep nửa trắng nửa xanh đậu ngay dưới cầu thang, cần ăng-ten chổng lên trời, rung động nhấp nhô. Máy PRC 10 kêu rè rè, chốc chốc lại nổi lên một giọng nói ồm ồm gay gắt. Lúc này hai tên chuyên viên gỡ mìn đã bước lên tới bực thang cuối cùng của cầu nổi. Chúng đứng im, mỗi đứa mỗi bên, quan sát trận địa. Thằng thứ nhứt chậm chạp bước tới gần trái mìn. Khi còn cách trái mìn chừng ba thước hắn dừng lại, nhẹ nhàng ngồi xuống quan sát một lúc. Trước mặt hắn là một cái hộp giấy thô sơ màu đất sét, có một sợi dây điện lòi ra ngoài. Cạnh đó là một tấm bảng nhỏ vẽ hình đầu lâu xương chéo. Loại mìn gì đây? Suốt mấy năm học hỏi tận bên Mỹ hắn chưa hề thấy có trái mìn nào kỳ cục như thế. Nhưng mà… hắn nghĩ, cũng có thể đây chỉ là một cái hộp giấy đựng đất cát mà Việt cộng đem bỏ đây để phá mình chơi thôi. Hắn nghi thì nghi thế nhưng cũng thấy ngại ngại. Cuối cùng hắn đứng lên và quay gót. Thấy thằng này quay lại, tên chuyên viên thứ hai hỏi:
- Sao?
Hắn lắc đầu:
- Khó hiểu.
Tên thứ hai chẳng nói chẳng rằng, xăm xăm đi tới. Gã tới thật gần và ngồi xuống. Gã ngồi im như thế rất lâu rồi rút trong túi ra một cái kìm bấm cán bọc nhựa. Gã cắt sợi dây điện lòi ra ngoài. Xong việc gã đưa hai tay cầm lấy trái mìn và nâng nhẹ lên. Không thấy động tịnh gì gã bước đi. Hai tay cầm chắc trái mìn.
Gã khoe với thằng chuyên viên kia:
- Tao cắt sợi dây điện là xong.
Bên dưới cầu thang, tụi cảnh sát cũng cười thích thú. Mấy cái bản mặt ngước lên nhìn người hùng gỡ mìn đứng trên đầu cầu thang giơ một tay lên trời chào chiến thắng.
Gã bước chân xuống mấy bậc thang. Một bậc, hai bậc. Không, bàn chân gã chưa kịp chạm tới bậc thứ hai thì độ dốc đã làm cho con thoi nhỏ trong trái mìn chạy xuống chạm vào mạch điện phía dưới. Mìn phát nổ. Gã rú lên một tiếng và từ trên cao lao xuống đất như một quả bóng. Tên chuyên viên còn lại cũng té nhào và lăn xuống cầu thang, mình mẩy đầy máu.
Trong quán cà phê ở đầu đường Lê Lợi, Hữu và anh Bảy Trung nheo mắt nhìn nhau.
- Đẹp quá!.
Lúc hai người đứng lên trở ra đường, Bảy Trung chợt hỏi:
- Nghe nói anh đã tìm được việc làm?
- Vâng, dạy học.
- Khá không?
- Cũng tạm được nhưng tôi ngại trường nó sắp dẹp tiệm anh à.