Hữu đánh răng vội vàng. Người bạn ở chung đã thức dậy và đang ngồi ở bàn học. Ngọn đèn chụp xinh xắn được bật lên, cái gương trước mặt, lọ keo xịt tóc và hộp phấn (loại dành riêng cho các cô) xếp một bên.
Anh ta soi gương, dùng tay đè đè, tém tém, vuốt vuốt mái tóc rồi xịt keo chải lại một lần nữa.
Khi Hữu mặc quần áo xong thì anh bạn đã có một mái tóc thật bóng và đang dùng phấn thoa lên mặt để che dấu cái nước da tái mét cố hữu của mình trước khi đi học bằng chiếc Yamaha đàn ông màu đỏ tía.
Hữu lỡ một chuyến xe lam đi Sài Gòn. Anh quyết định lần này không nhượng bộ, không lịch sự với mấy người phái nữ nữa.
Chiếc xe lam vừa đậu lại là Hữu bám lấy ngay. Hàng chục bàn tay đàn bà, đàn ông, người già, quân nhân, học sinh đều bám chặt lấy thành xe một lúc. Đàn ông có lợi thế hơn nhờ mang giày và ăn mặc gọn gàng. Đàn bà đi guốc mặc áo dài, lên xe sao bằng đàn ông. Hữu choáng ngay một chỗ. Giữ vững vị trí. Chiếc xe đầy nhóc ngay. Nó rú ga, vọt tới như một kẻ thoát thân.
Hữu phải mất hai vòng xe lam và mấy trăm thước đi bộ mới đến được phòng xem mạch sang trọng của một ông bác sĩ mà theo lời rao thì ông ta đang cần một thơ ký.
Hơn tám giờ bác sĩ đến. Một vài người vào, rồi trở ra, đi vội vàng với một vẻ u buồn hay một nụ cười gượng trên môi. Đến phiên Hữu, bác sĩ hỏi:
- Anh biết đánh máy không?
- Biết.
Bác sĩ chỉ cái máy chữ:
- Anh thử một chút tôi xem.
Hữu ngồi lại bàn. Lóc cóc… Lóc cóc…
- Được rồi, ông bác sĩ hỏi tiếp: anh biết nói tiếng Pháp không?
- Biết. Tôi là sinh viên.
Ông bác sĩ già cười:
- Nhưng mà này, anh có xe gắn máy không?
*
Hữu lại cuốc bộ, lại nhảy lên xe lam đến một địa chỉ khác, tiếp tục cuộc hành trình thất nghiệp của mình. Anh có trong tay hai cái địa chỉ nữa. Một tư thục cần giáo sư và một số ngoại kiều cần người dạy tiếng Việt.
Hữu phải mất gần mười lăm phút đi vòng vòng trong hẻm mới tìm ra được trường trung học nọ. Trường làm anh ngạc nhiên. Trước hết là cái tên, Trường Việt-Mỹ. Một cái tên anh chưa nghe ai nhắc đến bao giờ thế mà phía dưới tấm bảng lại đề một câu “Sáng lập năm 1950” tính ra đến nay đã gần hai mươi năm. Điểm làm Hữu ngạc nhiên nữa là nơi đó không có vẻ gì là một cái trường mà chỉ là một cái biệt thự lớn, cũ kỹ, tường vôi đã loang lổ nhiều chỗ, cửa nẻo đã bị mọt ăn hư hao quá nửa và ngoại trừ những cái cửa lớn, còn tất cả những cửa sổ đều mất cánh. Trường có một cái sân hẹp trồng vài cây nhãn Ⱡồ₦g còm cõi, mái lợp ngói vảy và ở một chái nhà rợp bóng chim én bay lượn kêu ríu rít quanh hàng trăm cái tổ của chúng.
Trong văn phòng không có ai cả, Hữu ngồi đợi cạnh bàn giấy. Đó là một cái phòng lớn ăn thông với phía sau. Một lão già mù loà lần mò đi vào cái cửa sau của văn phòng để sang một cái phòng nhỏ nào đó kế bên, làm gì lục ᴆục bên đó một lúc rồi lại đi ra phía sau cũng bằng cái cửa lúc nãy, một lát lại có một đứa nhỏ chừng bảy tám tuổi cũng đi qua đi lại bằng cái cửa ấy, thỉnh thoảng nó dừng lại, tò mò ngó Hữu rồi nheo mắt một cái và đi mất.
Hữu đến ngồi ở ghế đối diện để khỏi hướng mặt về phía cái cửa ấy nữa. Trước mặt anh một bản đồ thế giới lớn như cái đi-văng treo bên cạnh bảng thời khoá biểu bằng ván ép đóng đinh chi chít và trên những cái đinh ấy gắn đầy những mẩu bìa cứng tròn tròn bằng cái nút quần và đủ màu sắc.
Hữu quay lại khi nghe có tiếng giày. Một người đàn ông ốm nhom như que củi chìa tay ra trước mặt anh. Ông trạc năm mươi, tóc hơi quăn và ăn mặc còn chải chuốt lắm. Ông vào đề ngay:
- Anh xin dạy môn gì?
- Dạ, Anh văn.
- Anh đã dạy ở đâu chưa?
- Dạ có chứ, tôi dạy Anh văn nhiều năm nay.
- Mỗi tuần anh rảnh mấy buổi?
- Dạ chiều thứ hai, sáng thứ tư và chiều thứ sáu.
Ông hiệu trưởng cúi mặt xuống có vẻ nghĩ ngợi một chút rồi ngẩng lên quyết định đột ngột:
- Thôi được, như thế này, trường chúng tôi ít học sinh nên chúng tôi không thể trả lương cao được vậy nếu anh chấp thuận mỗi giờ đệ nhất cấp hai trăm và đệ nhị cấp ba trăm thì mời anh ngày… à… hôm nay hai mươi, mời anh ngày hai mươi lăm đến đây chúng ta họp chút xíu và đầu tháng tới khai giảng.
Ông hiệu trưởng nhìn vào bản thời khoá biểu, nói:
- Sáng nay thầy có hai giờ lớp Bảy hả? Mời thầy lên lầu, phòng cuối cùng, hành lang phía bên trái.
Hữu bước vào lớp. Lũ học trò nhỏ đứng dậy. Một hai, ba… mười lăm… mười sáu, mười bảy. Mười bảy đứa con trai và một đứa con gái nhỏ mặc áo đầm trắng.
Hữu thẫn thờ ra hiệu cho học trò ngồi xuống. Anh hỏi:
- Năm ngoái lớp này được bao nhiêu em?
- Thưa thầy, bốn mươi mấy người.
- Sao năm nay còn có bao nhiêu đây?
- Tụi nó đi trường khác hết rồi thầy.
Hữu đi xuống cuối lớp. Ánh mặt trời chiếu qua những khung cửa sổ mất cánh thành những vệt dài trên nền gạch ca-rô. Bàn ghế hai bên thì quá cũ và loang đầy vết mực, vết cào, vết xây xát hay nứt nẻ. Anh dừng lại nơi bàn em bé gái mặc áo đầm và hỏi:
- Sao em không mặc áo dài?
Cô bé đứng lên, khoanh tay trước иgự¢ và lần đầu tiên anh mới biết thế nào là đôi mắt nai tơ, đôi mắt ấy hơi ngước lên nhìn anh rồi cái miệng xinh xinh mấp máy:
- Dạ thưa thầy con học lớp năm mới lên.
- Sao em không học lớp sáu?
- Dạ thưa thầy, năm ngoái con học lớp năm, năm nay con lên lớp sáu và thầy hiệu trưởng bảo con ngồi đây.
Hữu cười, xoa đầu nó và bảo nó ngồi xuống. Anh nói:
- Ở đây không phải lớp sáu. Đây là lớp bảy. Sao em không theo mấy em lớp sáu mà ngồi?
Cô bé lại đứng lên khoanh tay trước иgự¢:
- Thưa thầy không có ai học lớp sáu nữa hết. Có một mình con hà.
Hữu kêu trời. Anh bảo cô học trò nhỏ bé của mình ngồi xuống và trở về bàn giáo sư ở trên bục cao.
Hữu hỏi học trò xem em nào đứng nhất Anh văn năm ngoái thì chúng chỉ một em học sinh trắng trẻo, sạch sẽ, ăn mặc tươm tất:
- Thưa thầy, trò Vinh, con ông hiệu trưởng đó thầy.
Hữu gọi nó lên bảng và nói:
- Các em đã học một năm Anh văn và học tới bài 20. Rồi, bây giờ em dịch cho thầy câu “Tôi là một học sinh”.
Thằng bé con ông hiệu trưởng, thằng bé đứng nhất Anh văn của lớp sáu năm ngoái, đứng một đống như ông phỗng đá. Nó cầm viên phấn trên tay, mắt nó nhìn cái bảng đen rồi một lúc sau nó dùng viên phấn vạch vạch trên bảng mấy chục cái vạch ngắn cho đỡ buồn.
- Thôi, em về chỗ.
Hữu bắt đầu giảng lại cho chúng động từ To Be, cho nhiều thí dụ và cuối cùng cho làm một bài tập ngắn ứng dụng.
Anh đi xuống cuối lớp, nhìn lên những cái lưng nhỏ đang cúi trên trang giấy mới.
Anh thò đầu ra ngoài khung cửa, ngước lên nhìn đàn chim bay lượn quanh hàng trăm cái tổ nhỏ của chúng. Những cái tổ không biết được làm bằng gì nhưng có màu vàng vàng và gắn rải rác đầy cả khoảng tường vôi thụt sâu trong chái nhà. Én nằm trong tổ, én đậu trên những cây đòn tay bằng gỗ, én bay lượn chung quanh. Cả một góc trời được che kín bằng hàng trăm đôi cánh én đen tuyền và những cái bụng trắng phau, thon thon linh động và gợi cảm, trên lưng chúng lấp lánh những sợi lông xanh như kim tuyến mỗi khi chúng nghiêng cánh đảo trước mắt anh giữa luồng sáng rực rỡ của mặt trời.
Đàn chim én sẽ an ủi anh, sẽ đem lại nguồn vui cho cõi lòng ê-chề về một gia đình tan nát và phẫn nộ về một xã hội suy tàn.
Một đám mây lớn bay qua và che khuất mặt trời. Cảnh vật dịu mát. Tiếng chim én dường như rộn rã hơn.
Hữu cúi xuống khung cửa sổ và anh nhận ra những đống phân chim nhỏ xíu bám đầy trên đó. Phân chim đã khô đi và có màu đen, trắng, xám lẫn lộn. Hữu dùng viên phấn hất mấy hạt phân chim và nhìn chúng rơi xuống tận dưới sâu trên một nền đất ẩm ướt vì dường như lúc nãy nơi đó có một người con gái đã giặt đồ.
Anh trở lại bàn giáo sư và ngồi im nhìn lũ học trò đang cắm cúi viết.
Cô bé mặc áo đầm ngồi một mình, hai tay đặt trên bàn, ngay ngắn, tóc mềm và mượt, đôi mắt thơ ngây lơ đãng nhìn ra ngoài hành lang, nơi đó những tàn cây nhãn vừa ra mấy cụm hoa rải rác trong đám lá. Hình như cô bé cũng đang lắng nghe tiếng chim én kêu ríu rít nhưng vẫn im lặng ngoan ngoãn và hiền từ.
Học trò làm bài xong, Hữu thu bài và đến bên đứa con ông hiệu trưởng, anh hỏi:
- Em có thường lấy trứng chim én không?
- Dạ, ít khi lắm, vì nó làm tổ cao quá.
- Cao thì mình bắc thang.
- Thang ở nhà thấp lắm thầy, em với chị em thường lấy lưới, đợi tối nó ngủ thì giăng lưới phía ngoài tổ rồi lấy cây đập đập vào tường cho nó bay ra, mắc vào lưới, ập lại, bắt một lần cả chục con.
- Bắt chim mẹ không à?
- Dạ.
- Nó ăn gì?
- Nó ăn ruồi. Ăn cơm cũng được nhưng nó không chịu ăn đâu thầy. Tụi em bắt chơi một lát rồi đến sáng thì thả ra.
Nghe nói tới chuyện chim chóc lũ học trò chăm chú ngồi im, rồi khi có một con én bay lọt vào trong lớp, chúng đều nhỏm dậy và la lên:
- Nó kìa thầy! Nó kìa!
Hữu nhìn theo con chim bé nhỏ.
Và chuông cũng điểm giờ.