Sai LầmCon người có lúc không bằng một ngọn cỏ gốc cây, cỏ cây sẽ suốt đời cảm ơn ánh nắng và mưa móc cho nó năm tháng ấm nhuần, còn con người khi mất mát, sẽ hoàn toàn quên hết vị ngọt ngào và hạnh phúc của hoa đẹp trăng tròn.
Một người trong mơ, luôn mơ thấy mất đồ, đó là vì y lo sợ mất mát. Chúng ta mỗi ngày đều đang đánh mất, đều đang bỏ lỡ, đánh mất thời gian như nước chảy róc rách, bỏ lỡ những tao ngộ đẹp đẽ trong tuổi xuân biêng biếc. Đối với nhiều người, cuộc sống của họ là chuỗi dài oán trách những thứ có được quá ít, những thứ mất đi lại quá nhiều, vui vẻ quá ít, bi thương quá nhiều. Con người có lúc không bằng một ngọn cỏ gốc cây, cỏ cây sẽ suốt đời cảm ơn ánh nắng và mưa móc cho nó năm tháng ấm nhuần, còn con người khi mất mát, sẽ hoàn toàn quên hết vị ngọt ngào và hạnh phúc của hoa đẹp trăng tròn.
Lần này, Tsangyang Gyatso thật sự đã đánh mất. Ngài luôn lo lắng bí mật sớm muộn có ngày bị người phát hiện, bèn dùng thân phận thật thật giả giả che đậy hành tung của mình. Nhưng việc càng lo sợ càng dễ xảy ra. Ngài tin tưởng hoa tuyết óng ánh, những hạt tuyết tràn trề thanh khiết ấy đã rơi vào câu thơ của Ngài, đồng thời cũng đã phản bội Ngài. Ngài cuối cùng không hối hận, đã từng lập lời thề, bởi vì yêu, có thể lưu đày đến chân trời, thê lương suốt quãng đời còn lại.
Ngồi ngay ngắn trong điện lớn trang nghiêm, đối diện với vẻ hiền từ của Phật, Ngài áp sát trán trên nền gạch điện thờ, không phải cầu xin Phật tha thứ, chỉ muốn nói với Phật, Ngài thật sự là vô ý. Vô ý bội bạc, vô ý phụ lòng, vốn dự định suốt đời là Phật, trong cung điện to đẹp đàng hoàng, đối diện dòng người hành hương vô tận, giảng kinh thuyết pháp cho họ, vô tư cống hiến vì họ. Tiếc rằng tình khó kìm chế, thắng cảnh diệu kỳ khôn tả này chẳng bằng một lúm đồng tiền của cô gái Qonggyai. Điều Ngài cần là cùng ý trung nhân sống ở một nơi thế ngoại đào nguyên[1] nho nhỏ, bình yên với đồng ruộng vườn rau tự cấp tự túc. Không có phồn hoa nhốn nháo của thành thị, chỉ có đất lề quê thói chất phác, sống những ngày tháng không cần quan tâm thế giới bên ngoài thay đổi thế nào.
[1] Thế ngoại đào nguyên: Đào Tiềm đời Tấn trong “Ký Suối Hoa Đào” đã miêu tả một miền đất cách tuyệt với đời, không chịu tai họa chiến tranh, yên vui đẹp đẽ. Người sau mượn đó để chỉ miền đất không chịu ảnh hưởng của bên ngoài hoặc thế giới đẹp đẽ trong ảo tưởng.
Ngày bí mật bị vạch trần, vị Phật sống trẻ tuổi Tsangyang Gyatso còn bình tĩnh hơn trước, dù con đường tình cảm đi đến tận cùng hay không, ít nhất Ngài vẫn sở hữu hiện tại. Ngài đọc kinh văn, viết tình ca dưới ánh đèn chập chờn. Nếu có một ngày Ngài thật sự chẳng còn gì cả, những bài tình ca này sẽ giống như gió từ cung điện cao ngất bay ra, vượt qua núi tuyết hoang nguyên, lan tỏa đến mỗi một ngóc ngách của Thanh Tạng. Dù là giữa chợ đông, trong quán rượu, trong lều vải, những người đa tình trên cao nguyên đều sẽ truyền xướng nó không ngừng. Vì có tình yêu, mới có từ bi và khoan dung. Mỗi đóa hoa sen đều cần tình cảm vun tưới; mỗi ngọn đèn dầu thơm đều cần ấm áp thắp sáng; mỗi con người đều cần bồ đề độ hóa.
Đêm hôm đó, Tsangyang Gyatso nghe thấy tiếng ca của mình được đống lửa thắp sáng, hương thơm của dầu bơ lan tràn giữa bầu trời trong suốt. Những chiếc chuyển kinh luân kia cứ thế ngày đêm xoay vòng không biết mệt mỏi, chúng vốn có ý tốt, dẫn dắt nhiều người chìm đắm trong cõi trần rời xa rối ren. Tsangyang Gyatso yêu thích nơi này, nếu cuộc sống có thể không bị trói buộc, nếu ngày tháng có thể pha trộn gia vị tình yêu, Ngài cam nguyện suốt đời bầu bạn với Đức Phật, cống hiến tất cả tư tưởng. Thế nhưng đời người có biết bao điều không như ý, việc Ngài phải đối diện rốt cuộc cũng là lựa chọn. Nếu chọn mai lạnh cao ngạo, nghĩa là không có duyên với hoa sen mát lành. Nếu chọn tuyết trắng dương xuân, nghĩa là mất đi rừng phong thu muộn.
Cho rằng chẳng qua là cố chấp với tình yêu của một người trẻ tuổi, nhất thời mê man tâm tính, chỉ cần từ đó giữ nghiêm thanh quy, Ngài vẫn là Đạt Lai Lạt Ma tôn quý vô song của cung Potala. Tsangyang Gyatso không biết thói buông thả và đa tình của mình đã trở thành cái cớ hoàn mỹ mà Lha-bzang Khan dùng để đánh dẹp Sangye Gyatso. Sự phản bội của Ngài đối với Phật tổ đã trở thành lưỡi dao sắc bén để đối phó Ngài trong tay Lha-bzang Khan. Nếu Ngài chỉ là một người dân bình thường, dù phạm phải tội lớn tày trời, cũng chẳng qua là lấy mạng đền mạng thôi. Nhưng Ngài không phải, Ngài là thủ lĩnh chính giáo Tây Tạng, liên quan muôn ngàn chúng sinh. Một sinh một diệt, đều là chuyện xưa mây khói.
Lha-bzang Khan dâng thư cho vua Khang Hy ở xa tận thành Bắc Kinh, chỉ ra việc xấu Ngài đã vi phạm thanh quy, lừa dối chúng sinh. Và thâm độc nói rằng một lãng tử chẳng có chút đạo hạnh tu hành thì không thể là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5 thao lược kiệt xuất. Tsangyang Gyatso chỉ chẳng qua là một món hàng giả mạo mà năm xưa Đệ Ba Sangye Gyatso tìm đến để ứng phó nhà vua, là con cờ y dùng để độc chiếm chính quyền Tây Tạng. Mấy năm nay, Tsangyang Gyatso là con rối của Đệ Ba Sangye Gyatso, trước giờ không dính dáng đến chính sự. Đệ Ba Sangye Gyatso đã lừa dối chúng sinh thiên hạ, lừa dối vua Đại Thanh, hành vi dối trên lừa dưới này phải chịu xử phạt nghiêm khắc.
Một câu “không phải là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5”, nói rất hùng hồn, dường như đã là tội chứng xác thực, không cho phép giảo biện. Tấu chương này khiến vua Khang Hy hơi dao động, năm xưa Đệ Ba Sangye Gyatso giấu không phát tang suốt mười lăm năm tròn đối với cái ૮ɦếƭ của Đạt Lai thứ năm, sau đó là vì Khang Hy tra ra, y mới đưa linh đồng chuyển thế trở về, cử hành điển lễ tọa sàng. Giờ đây bản tấu của Lha-bzang Khan không thể không khiến Khang Hy hoài nghi thân phận chân thực của Tsangyang Gyatso. Chẳng lẽ Sangye Gyatso quả thật to gan làm xằng, che giấu chân tướng của linh đồng chuyển thế? Tìm một thiếu niên không rõ lai lịch ở dân gian tới giữ chức Phật sống?
Trước khi chân tướng chưa làm sáng tỏ, Khang Hy đa mưu túc trí không tin lời nói phiến diện của Lha-bzang Khan, nhà vua phái sứ giả đến Tây tạng để điều tra thật giả vị Phật sống trẻ tuổi này. Khi sứ giả nhìn thấy Tsangyang Gyatso phong thái khác thường, thông tuệ hơn người, nghi hoặc dường như thay đổi. Sứ giả dâng thư trình báo Khang Hy: “Lạt Ma này không biết có phải là hóa thân của Đạt Lai thứ 5 hay không, nhưng quả thật có pháp tướng thánh thể viên mãn.” Đồng thời còn đính kèm thơ tình của vị Phật sống này lưu truyền trong thành Lhasa, những câu thơ thật tươi đẹp, rung động lòng người, là độc, cũng là thuốc. Chẳng lẽ Ngài thật sự là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5? Chẳng lẽ hành vi lãng tử của Ngài chỉ là vì Phật động lòng phàm? Thế nhưng Phật có thể động lòng phàm chăng?
Vị Phật sống vi phạm thanh quy Tsangyang Gyatso vốn nên chịu trừng phạt của giới luật. Nhưng vì lẽ gì thơ tình của Ngài lại sưởi ấm tâm ý con người như thế, đó không phải là kinh văn tối nghĩa khó hiểu, không phải là điều lệ đạo đức nhạt nhẽo hư vô, mà là cảm động, diễn giải bởi sinh mệnh và tình cảm mãnh liệt, là tiếng gọi đến từ linh hồn. Bắt đầu có những trái tim mềm yếu xúc động vì nó, lỗi Ngài đã phạm dường như chẳng phải là tội không thể tha. Có lẽ đáy lòng mỗi người đều xao xuyến tình cảm êm đềm, có lẽ trong lòng mỗi người đều có một bóng hình ghi lòng tạc dạ, có lẽ kiếp số của Tsangyang Gyatso cũng là kiếp số của đời người.
Có điều sai rốt cuộc vẫn là sai, những ai từng phạm sai lầm đều phải gánh vác hậu quả vì sai lầm của mình. Dù Khang Hy không lập tức trừng phạt Tsangyang Gyatso, nhưng Đệ Ba Sangye Gyatso lại không dám dung túng Ngài tùy tiện làm càn nữa. Mà cung Potala dường như đã không khóa nổi trái tim phóng đãng vì tình của Ngài, sự quản thúc lỏng lẻo đối với Ngài ngày xưa của Sangye Gyatso đã khiến thói ngỗ ngược của Tsangyang Gyatso ngày càng tăng thêm. Con ngựa hoang bị thả lỏng đã thoát cương mà đi, giờ nên làm sao để thu phục nó?
Trong lúc bất lực, Sangye Gyatso đành cầu xin Ban Thiều thứ 5 Lobsang Yeshe giúp đỡ, y hy vọng Tsangyang Gyatso sẽ nghe theo lời khuyên của Ban Thiền, cứu với Ngài thoát khỏi biển tình cuồn cuộn. Đợi đến một ngày kia sau khi tỉnh ngộ, có lẽ Tsangyang Gyatso sẽ phát hiện ra rằng, thế gian thật sự có thể hoàn toàn đổi mới. Trên thực tế, Sangye Gyatso hiểu rõ hơn bất cứ ai, đứa trẻ này bướng bỉnh dường nào, đa tình dường nào. Nhưng Sangye Gyatso đã không còn cách nào khác, Lha-bzang Khan làm sao chịu để yên cho họ?
Tu viện Tashilhunpo[2] ở Shigatse[3], là trụ sở của Ban Thiền Lạt Ma các đời. Ban Thiền thứ 5 Lobsang Yeshe cũng có nghe nói về hành vi kinh hãi thế tục của Tsangyang Gyatso, Ngài phải khuyên nhủ, làm lễ thọ giới tỳ khưu[4] cho Tsangyang Gyatso. Ngài không hy vọng nhìn thấy vị Phật sống trẻ tuổi này vì tình mất đứt tiền đồ, sa vào đầm lầy sâu thẳm khôn lường. Sự mê loạn của Phật sống sẽ khiến cả Hoàng Giáo gió mây biến ảo, lúc đó, tước cục thế sóng lớn cuồn cuộn, ai còn có thể ra sức cứu vãn?
[2] Tu viện Tashilhunpo (Trác Thập Luân Bố): xây năm 1447 bởi đệ tử của Tsongkhapa.
[3] Shigatse hay Xigazê (Nhật Khách Tắc): là một địa khu của Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Về mặt lịch sử, hầu hết địa khu từng là một phần của tỉnh Tsang, thuộc Tây Tạng cũ. Trung tâm hành chính của địa khu là thành phố Shigatse.
[4] Giới tỳ khưu: còn gọi là giới cụ túc, chỉ giới luật các vị tỳ khưu và tỳ khưu ni phải tiếp nhận và tuân thủ, thọ giới tỳ khưu là chính thức có được tư cách tỳ khưu, tỳ khưu ni.
Năm 1702, Tsangyang Gyatso hai mươi tuổi đến Shigatse. Tu viện Tashilhunpo dưới ánh nắng lấp lánh hào quang rực rỡ, nó chỉ thẳng lên trời xanh, dường như biết trước ý trời, quang ảnh mê ly, soi rọi cơn sóng nhấp nhô trong lòng Tsangyang Gyatso. Còn Ngài vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh điềm đạm, dường như người đến đây thọ giới là một nhà sư không liên quan gì với Ngài. Thượng Sư đi theo bên cạnh thấy thần sắc khác thường của Ngài lại sinh lòng bất an, vì họ không biết vị Phật sống trẻ tuổi này rốt cuộc đang nghĩ gì. Vẻ trầm mặc của Ngài tựa như mặt trời lặn chầm chậm chìm xuống phía tây, mang theo một nỗi cô độc cách biệt với đời và đoạn tuyệt lạnh lẽo.
Đêm nay tôi bắt đầu cảm thấy bất an vì cái tên Tsangyang Gyatso. Đọc qua thơ tình của Ngài, tôi đã hiểu, trên đời Ngài không thể thoát ly biển tình được nữa, dù linh hồn Ngài rất cố gắng đến gần bên Phật. Tôi từng thề ước, đời này chỉ làm một cô gái trong cõi trần, kiếp sau lại nghe Phật giảng thiền. Nhưng thời khắc này tôi lại muốn làm một người hành hương vô danh của cung Potala, một mình đi trên thềm đá dài hun hút. Hoặc vượt ra khỏi hồng trần muôn trượng, cùng Ngài đi đến đạo tràng bồ đề; hoặc vì Ngài ở chốn hồng trần sâu nhất, soi gương trang điểm.