Không còn Trịnh Dung Ngải Đông Đông thoải mái hơn nhiều, lúc này lòng nó ngập tràn tình yêu mật ngọt, trong mắt nó Chu Cương nhìn sao cũng đẹp, cũng hấp dẫn quá chừng. Gương mặt đàng hoàng đứng đắn, mũi cao, vai rộng, vóc người rắn chắc lại thêm đôi chân dài miên man, đúng là chuẩn chú đẹp trai chân dài trong truyền thuyết. Nhất là cặp mắt một mí với cái cằm lấm chấm râu mới cạo nữa thì thôi… khêu gợi mà đầy nam tính, ấy như là đặc điểm riêng biệt trên đời chỉ mình Chu Cương sở hữu. Ngải Đông Đông nhìn nhìn một hồi nước miếng cứ tự động ứa ra, nó ăn được thêm bao nhiêu cơm canh, lại còn tợp hai hớp rượu.
Gần xong bữa thì có tiếng người hô hoán bên ngoài: “Gió lên rồi, ai phơi đồ rút vào nhanh lên!”
Họ ngồi trong nhà ăn không thấy trời, lúc ăn xong đi ra thì bầu trời trong xanh ban sáng đã tối tăm vì cơn mây đen cuộn tới từ phương Bắc, gió nổi lên ầm ầm, những mảng đen như mực loang lẫn trong mây vần vũ, loáng thoáng như có cả tiếng sấm sét. Một phạm nhân nhìn trời, bảo: “Sét đánh mùa đông là dở lắm.”
Ngải Đông Đông nhìn về phương Bắc thấy có nhiều quần áo không kịp cất bị gió cuốn bay, một cái ҨЦầЛ ŁóŤ đỏ chóe rơi xuống trước mặt nó. Chu Cương phì cười bảo: “Đứa nào ngựa vậy, sịp đỏ cơ à?”
Ngải Đông Đông nhặt lên, mới săm soi một tí thì có một ông chú tất tả chạy lại, coi bộ cũng vai u thịt bắp: “Ấy quần của tôi đấy!”
Hình như ông này cũng nghe thấy câu nói của Chu Cương nên phân bua ngay: “Năm nay là năm tuổi nên phải mặc đồ đỏ lấy may.”
Hồi nào đến giờ đây là lần đầu tiên Ngải Đông Đông nghe chuyện năm tuổi thì phải mặc đồ màu đỏ
“Năm tuổi là thế nào ạ?”
“Cầm tinh con gì thì năm tuổi là năm ấy.” Chu Cương bảo nó: “Chú mày còn lâu mới đến năm tuổi.”
Ngải Đông Đông dưỡn dẹo đáp: “Thế thì năm tuổi con cũng phải kiếm đồ đỏ mặc… à thảo nào, giờ thì con biết vì sao hồi 12 tuổi con làm gì cũng không thuận rồi, hóa ra là vì không mặc sịp đỏ.”
Chu Cương cười bảo: “Muốn mặc thì việc gì phải đợi đến năm tuổi, giờ chú kiếm cho mày một cái luôn.”
“Thật nhá, ba nuôi kiếm được con mặc liền, đằng nào cũng sắp Tết rồi, mặc cho có không khí.”
Ngải Đông Đông tưởng tượng ra cảnh mình mặc quần sịp đỏ, gợi cảm lắm chứ bộ. Xanh xanh đỏ đỏ, trẻ nhỏ nó mừng, điềm tốt điềm tốt.
Chạng vạng tối hôm đó trời đổ đợt tuyết đầu tiên, bấy giờ còn chưa tối, Ngải Đông Đông đang làm trong xưởng thì có ai đó kêu lên tuyết rơi rồi.
Từ bé Ngải Đông Đông đã thích tuyết, nghe nói tuyết rơi nó nhấp nhổm muốn chạy ra xem. Khải Tử thấy thế bảo: “Đợi tí rồi ra, nửa tiếng nữa là hết giờ rồi.”
Ngải Đông Đông cố lắm mới ngồi yên được thêm nửa tiếng, chuông vừa reo là nó quẳng hết việc chạy vù ra ngoài, bên ngoài những bông tuyết như lông ngỗng đã rải kín mặt đất, đám quản giáo ngoài hành lang đều đứng co ro hút thuốc. Ngải Đông Đông vừa ra cũng thấy rét run cả người: “Rét thế nhỉ.”
Sau đó ý tưởng đầu tiên đến trong óc nó không phải ngắm tuyết nghịch tuyết mà là… trời lạnh thế này hai người nằm trong chăn phải ôm nhau khít rịt thì mới ấm nhỉ.
Ấy là niềm vui bất ngờ trận tuyết đầu mùa ban cho nó.
Tuyết rơi làm không khí trong trại xốn xang hẳn lên, ai ai cũng thấy vui trong lòng, giờ cơm tối nhà ăn rất nhộn nhịp, Ngải Đông Đông chơi ngoài trời hồi lâu rồi mới xoa xoa hai bàn tay cóng đỏ chạy vào nhà ăn, Khải Tử hỏi nó: “Thích ăn gì, anh mời mày.”
“Ở đây thì đừng hỏi em thích ăn gì, anh phải bảo có gì ăn đã.” Ngải Đông Đông trêu: “Thật ra em có kén chọn đâu, ăn gì cũng được ạ.”
“Không kén thì tốt, gì cũng ăn được mới chóng lớn.” Khải Tử nhìn đồ ăn bày trong tủ kính: “Hay anh mời mày đùi gà nhé?”
“Thôi khỏi, để em sang ăn với Chu Cương, anh đừng phí tiền.” Ngải Đông Đông cười ngượng, Khải Tử thở dài, bảo: “Có ba nuôi sướng thật, anh quên đấy. Giờ mày có sơn hào hải vị với Chu Cương rồi thì thèm gì đùi gà của anh.”
“Ơ anh Khải…”
Khải Tử bật cười: “Anh đùa đấy, sang nhanh lên đừng để Chu Cương đợi.”
“Ổng làm biếng lắm, ăn trên ngồi trốc quen rồi giờ này chắc ổng chưa đến đâu, để em về buồng gọi ổng.”
Nó chưa kịp quay đi thì Khải Tử đã túm cổ nó giữ lại, gã xoay vai nó trỏ vào bên nhà ăn nhỏ, bĩu môi bảo: “Khỏi về, Chu Cương ngồi trỏng kìa.”
Ngải Đông Đông ngó sang, qua vách kính đúng là nó thấy bóng Chu Cương ngồi bên đó thật, không chắc lắm vì trong phòng ấm hơi nước bám mờ mờ trên kính, Ngải Đông Đông chào Khải Tử rồi đi sang bên đó. Chưa vào đến nơi nó đã nghe thấy tiếng cười của Chu Cương.
Không chỉ có mình Chu Cương, còn một người nữa, chính là kẻ mà nó rất sợ – Triệu Đắc Ý.
Triệu Đắc Ý đang cười nói rất to, ai quý thì cho là gã ăn to nói lớn còn ai ghét sẵn như Ngải Đông Đông thì chỉ thấy người đâu mà giọng oang oang vô duyên vô dáng làm nó nhức cả đầu, đúng là thứ quan nhà quê chân đất mắt toét. Nó dán mặt vào vách kính thấy bàn Chu Cương có năm sáu người ngồi, có vẻ toàn những người có vai vế, nó hóng một lúc thì hiểu đại khái Triệu Đắc Ý mời mấy người nọ đến đây không phải để gặp Chu Cương, mà là để thưởng thức tay nghề của đầu bếp Trương.
“Đầu bếp này nấu ăn ngon hơn ở ngoài nhiều. Ngồi đây thì không đàng hoàng lắm nhưng tôi nghĩ anh em mình vào thăm Chu Cương tiện thể nhậu một bữa luôn, cũng hay, nhỉ.”
Triệu Đắc Ý tự dưng mò đến phá hỏng cả tâm trạng đang phấn chấn của Ngải Đông Đông, có lão ở đấy làm sao nó dám mò mặt vào. Đứng ngoài cửa một hồi nó cũng thấy dở, thế là nó lén bỏ chạy ra ngoài. Một khu bị hỏng hệ thống sưởi nên mướn thợ về sửa, nó bắt gặp nên ngồi xuống hóng hớt luôn đến lúc thợ sửa xong đi về nó mới đứng dậy. Bấy giờ nó quay lại nhà ăn thì đã vắng tanh chẳng còn ai.
Nó chán nản đi qua quầy bán đồ ăn đã đóng cửa, chặc lưỡi nghĩ thôi thì nhịn vậy, trước kia nó nhịn hoài.
Thế là nó đi ra khỏi nhà ăn, bên ngoài tuyết đã đóng một lớp dày, xung quanh trắng xóa, lấp lánh lên trong bóng tối. Nó siết chặt vạt áo khoác cắm đầu đi vào gió tuyết, được mấy bước thì thấy Chu Cương đứng đó, gã mặc áo khoác màu đen trông cao to sừng sững. Ba nuôi nó có khác, khoác măng-tô xỏ giày tây vào là lịch lãm không khác gì người thành phố, toàn thân gã bây giờ toát ra khí chất ngời ngời và sức hấp dẫn còn mãnh liệt hơn xưa.