Khi Mio qua đời, tôi đã nghĩ thế này.
Ai đó, người đã tạo ra tinh cầu của chúng ta, phải chăng lúc đó, đang tạo thêm một tinh cầu khác ở đâu đó trong vũ trụ…
Tinh cầu nơi người ta sẽ tới sau khi qua đời.
Tinh cầu mang tên Lưu Trữ.
“Lưu Trứ?” Yuji hỏi.
Không phải, tinh cầu Lưu Trữ.
“Lưu Trứ?”
Lưu Trữ.
“Lưu,” Yuji ngẫm nghĩ rồi nói tiếp, “Trứ?”
Thôi được rồi.
Nơi ấy giống như một thư viện khổng lồ, rất mực yên tĩnh, sạch sẽ và ngăn nắp.
Đại để là một nơi rộng mênh ௱ôЛƓ, với hành lang dài ngút mắt chạy xuyên các tòa nhà.
Tại đây, những người đã rời bỏ tinh cầu của chúng ta đang tận hưởng một cuộc sống an bình.
Có thể nói tinh cầu này ở trong chính trái tim chúng ta.
“Nghĩa là sao ạ?”
Yuji thắc mắc.
Là thế này, khi mẹ Mio qua đời, các cô các bác đã nói với Yuji thế nào nhỉ? Là mẹ vẫn ở trong trái tim của con đúng không?
“Vâng.”
Bởi vậy, tinh cầu này là nơi những người sống ở trong tim của tất cả mọi người trên thế giới cư ngụ cùng nhau.
Chừng nào vẫn có ai đó nghĩ đến, họ còn được sống ở tinh cầu đó.
“Nếu ai đó quên họ thì sao ạ?”
Ừ, thì họ sẽ buộc phải rời tinh cầu.
Lần này mới là “chia tay” thực sự.
Vào buổi tối cuối cùng, tất cả bạn bè sẽ tụ tập lại để tổ chức tiệc chia tay.
“Có ăn bánh ga tô không?”
Có, có bánh ga tô.
“Cả trứng cá hồi?”
Ừ, cả trứng cá hồi. (Trứng cá hồi là món khoái khẩu của Yuji.)
“Thế còn…”
Đủ mọi thứ. Con không phải lo.
“Thế, tinh cầu ấy có Jim Button không?”
Sao cơ?
“Vì con biết Jim Button. Tức là Jim Button ở trong trái tim con phải không?”
Ừ, ừ, (tối qua, tôi đã đọc cho Yuji nghe truyện
Jim Button và bác lái tàu Luke
), bố nghĩ là có, có thể lắm.
“Thế còn đầu máy Emma? Emma cũng ở đấy chứ?”
Emma không ở đấy.Chỉ có con người mới ở đấy thôi.
“Hừm.” Yuji nói.
Có Jim Button, có cả Momo (1).
Có cô bé quàng khăn đỏ, đương nhiên cả Anne Frank (2) nữa, Hitler và Rudolf Hess (3) chắc cũng có ở đó.
Có cả Aristotle và Newton.
“Mọi người làm gì ở đó ạ?”
Làm gì à, họ cứ lặng lẽ sống thôi.
“Chỉ thế thôi?”
Chỉ thế thôi là sao, à, có lẽ họ còn suy nghĩ về điều gì đó chăng?
“Suy nghĩ? Nghĩ gì thế ạ?”
Điều gì đó vô cùng phức tạp. Phải suy nghĩ rất lâu mới ra được câu trả lời. Vì thế, ngay cả khi đến tinh cầu Lưu Trữ, họ vẫn tiếp tục suy nghĩ.
“Cả mẹ cũng thế?”
Không, mẹ chỉ nghĩ về Yuji.
“Thật hả?”
Thật.
Nên Yuji không được quên mẹ đâu đấy.
“Con không quên đâu.”
Nhưng con còn nhỏ quá, Mới ở được với mẹ có năm năm.
“Vâng.”
Vậy bố sẽ kể cho con trước kia mẹ là cô gái như thế nào.
Mẹ đã gặp và kết hôn với bố ra sao.
Mẹ đã vui mừng thế nào khi Yuji chào đời.
“Vâng.”
Bố mong con sẽ luôn nhớ những điều ấy.
Nhất định con phải nhớ đến mẹ đấy, để khi đến lượt bố tới tinh cầu ấy, bố vẫn có thể gặp được mẹ.
Con hiểu chứ?
“Gì ạ?”
Thôi được rồi.
-------------
Chú thích:(1): Tên nhân vật chính trong truyện thiếu nhi cùng tên của nhà văn Michael Ende.
(2): Cô bé người Đức gốc Do Thái, tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng
Nhật ký Anne Frank
.
(3): Cận vệ thân tín của Hitler dưới thời Đức Quốc xã.“Con chuẩn bị đi học chưa?”
“Gì ạ?”
“Con chuẩn bị xong chưa? Đeo thẻ tên vào chưa?”
“Gì ạ?”
Sao thằng bé lại nghễnh ngãng thế nhỉ? Hồi Mio còn sống, nó đâu có thế này. Có vấn đề về tâm lý chăng?
“Đến giờ rồi. Đi thôi.”
Tôi cầm tay Yuji, lúc này vẫn còn ngái ngủ, kéo ra khỏi nhà. Tôi trao Yuji cho cậu bé phụ trách dẫn các em đi học (1) đang đợi dưới chân cầu thang, rồi đứng dõi theo thằng bé. Đi cạnh anh phụ trách lớp Sáu, trông Yuji như trẻ mẫu giáo. So với tuổi lên sáu, thằng bé còn nhỏ quá. Dường như nó đã quên mất việc phải lớn lên.
Nhìn từ đằng sau, gáy của Yuji gầy và trắng như cổ hạc. Phần tóc lộ ra bên dưới chiếc mũ vàng có màu giống nước trà Darjeeling pha sữa.
Vài năm nữa, mái tóc trông như tóc của hoàng tử Anh quốc này thể nào cũng xoăn tít lại.
Tôi đã trải qua chặng đường này rồi. Nguyên nhân là bởi một số hoóc môn bị tiết ra quá nhiều vào tuổi dậy thì. Đến khi ấy, Yuji sẽ lớn bổng lên, hơn cả tôi bây giờ. Yuji sẽ gặp một cô gái giống mẹ, sẽ yêu, và nếu thuận lợi sẽ có được một bản sao mang nửa gien di truyền của mình.Từ thời xa xưa, con người đã luôn như vậy (phần lớn mọi sinh vật đều thế), chừng nào tinh cầu này còn quay, quy trình vẫn sẽ được lặp lại.
Tôi leo lên chiếc xe đạp cũ dựng dưới chân cầu thang, nhấn bàn đạp hướng về văn phòng luật nơi tôi làm việc. Văn phòng cách khu nhà tôi ở chưa tới năm phút đạp xe. Khoảng cách lý tưởng đối với một người không chịu nổi các phương tiện giao thông như tôi.
Tôi làm ở đây đã được tám năm.
Khoảng thời gian đó không hề ngắn. Lấy vợ, có con, và vợ rời đến một tinh cầu khác.
Khoảng thời gian đủ dài cho ngần ấy chuyện xảy ra.
Vậy đấy, giờ ở tuổi hai chín, tôi đã là ông bố độc thân với một cậu con trai sáu tuổi.
Giám đốc văn phòng rất tốt với tôi.
Tám năm trước ông đã là một ông già, giờ đây ông vẫn là một ông già và sẽ còn tiếp tục là một ông già cho đến lúc nhắm mắt. Tôi không hình dung nổi ông giám đốc không phải là một ông già. Chẳng rõ ông đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết là ông đã qua tuổi tám mươi.
Bộ dạng ông rất giống loài chó St. Bernard có thùng rượu treo ở cổ (2). Có điều, thứ treo ở cổ ông là cái cằm hai ngấn. Ông cũng giống loài chó này ở tính cách điềm đạm, hòa nhã, mắt lúc nào cũng lim dim.
Giả sử có một con St. Bernard già nua ngồi thế chỗ ông ở góc phòng, chưa chắc tôi đã phát hiện ra.
Khi Mio mất, tôi vốn yếu đuối lại càng thêm yếu đuối, ngay cả chút sức lực để thở cũng ngày một cạn kiệt.
Suốt một thời gian dài, tôi bỏ bê công việc, gây biết bao phiền toái cho văn phòng. Tuy vậy, ông giám đốc không tìm người khác thay thế mà chờ cho tới lúc tôi đủ sức gượng dậy. Sau đó, ông còn cho phép tôi chỉ làm đến bốn giờ chiều. Tôi đề đạt nguyện vọng rằng không muốn Yuji ở nhà một mình sau giờ tan học và ông đã đáp ứng. Làm vậy, tuy lương ít đi, nhưng bù lại tôi có được khoảng thời gian không thể đổi thành tiền.
Nghe nói ở thị trấn khác có nhận giữ trẻ sau giờ học, nhưng nơi tôi ở không tồn tại mô hình hữu ích này.
Bởi vậy, tôi rất biết ơn ông giám đốc.
Đến văn phòng, tôi cất tiếng chào Nagase, người có mặt sớm hơn tôi.
“Chào cô.”
Cô chào đáp lại.
“Chào anh.”
Nagase làm ở đây trước tôi. Theo lời cô, học xong cấp III là cô vào văn phòng này luôn, vậy nên tính ra cô cũng phải hai sáu tuổi rồi.
Cô là một người khiêm tốn, nghiêm túc, gương mặt cô già dặn, rất hợp với tính cách lặng lẽ của cô.