LỚP VÔ KỈ LUẬT, CÓ NHIÈU THÓI XẤU, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC ĐỒNG LÕA A DUA
Năm học lớp 3, năm học mà sự phân hóa về trình độ học sinh ngày càng rõ rệt. Những học sinh do thành tích học tập những năm học trước mà được đứng đầu lớp, nay dần dần tỏ ra đuối sức, nhưng riêng Đình Nhi thì vẫn giữ được vị trí đứng đầu về điểm trung bình của tất cả các môn. Cô giáo chủ nhiệm lớp này gần đây lại càng tỏ ra không yên tâm với nghề nghiệp. Trong thời gian bắt đầu ôn tập cuối học kỳ I lớp 3, cô đã nói thẳng với học sinh rằng: “Các em phải tự ôn tập lấy môn văn của học kỳ này, bởi vì cũng sắp thi rồi (cô đang học ngoại ngữ tại chức), cô cũng phải lo việc ôn tập của cô”. Các phụ huynh rất bất bình trước thái độ vô trách nhiệm đó của cô. Khi bắt đầu vào học kỳ II, các phụ huynh đều nhất trí làm đơn đề nghị nhà trường phải thay cô chủ nhiệm. Nhà trường đã chấp thuận, bố trí một thầy giáo dạy văn về làm chủ nhiệm lớp.
Cô chủ nhiệm cũ bị nhà trường thi hành kỉ luật: tước quyền dạy môn văn, buộc phải dạy các môn phụ khác ở những năm đầu bậc tiểu học. Việc hình thành cho học sinh thói quen học tập tốt là một việc cực kỳ quan trọng, nhưng do cô chủ nhiệm thiếu trách nhiệm và thiếu cả nhiệt tình nghề nghiệp trong thời gian dài: lớp 1 và lớp 2, vì vậy lớp 3 này đã trở thành một lớp “vô kỉ luật”, bất trị. Do buông lỏng quản lý, đã tạo cho lớp này có những thói quen rất xấu, như khi lên lớp thầy giảng cứ giảng, học trò tự do đùa nghịch và nói chuyện. Đình Nhi đã nhiều lần phàn nàn rằng: “Có dỏng tai nghe, cũng không nghe thầy đang nói gì”.
Thầy chủ nhiệm mới về, đang trong quá trình tìm hiểu lớp để chuẩn bị ra đối sách. Nhật ký của Đình Nhi có đoạn viết:
“Chiều nay, lần đầu tiên tôi cảm thấy, làm một cán bộ lớp thật là vất vả. Bởi vì trước đây chúng tôi cũng giống như mọi bạn, không được làm những việc khác mọi người. Đến tận chiều nay, mới nghe thầy chủ nhiệm phổ biến, cán bộ lớp phải làm nhiều việc quá”.
Thầy giáo mới đã phải bỏ cả một tuần lễ, không dạy bài, chỉ chỉnh đốn kỉ luật cho lớp. Sau tuần đó lớp lại bắt đầu vào học, nhưng thật không ngờ, lớp vẫn vô kỉ luật như trước, thầy phải cho nghỉ học. Chúng tôi rất lo lắng, nhưng không biết làm như thế nào, đành phải nói với Đình Nhi: “Khi thầy không giảng bài, con tự đọc bài trước, rồi làm những bài tập”. Nhưng khốn nỗi, bàn sau Đình Nhi là một cậu bé vô cùng nghịch ngợm, không dứt tóc thì lại kéo áo Đình Nhi, làm sao có thể tập trung tự học được. Nếu có mách thầy giáo, thì bạn ấy chỉ tỏ ra nghiêm túc ngay lúc đó thôi. Thầy vừa quay lưng đi, cậu ta càng nghịch hơn.
Vì việc này mà Đình Nhi luôn buồn bực, vợ chồng tôi thật là khó xử. Trong bữa cơm chúng tôi nói với Đình Nhi: “Nhân lúc làm bài tập làm văn, con xin thầy cho đổi chỗ”. Ba nói: “Thầy giáo nào cũng thích những học sinh nhiệt tình học tập, chỉ cần con viết ra được một cách chân thực và cụ thể nỗi khổ không thể tập trung tư tưởng của con, và biểu thị quyết tâm, nếu được đổi chỗ chắc chắn con sẽ học tốt hơn. Ba tin rằng thầy giáo sẽ đáp ứng nguyện vọng của con, mà con cũng chẳng thiệt hại gì”. Với ý nghĩ thử làm xem sao, Đình Nhi đã viết được một bài văn thật ngây thơ và xúc động. Kết quả là, ngay sau khi chấm xong bài văn đó, thầy chủ nhiệm đã sắp xếp cho bạn trai nghịch ngợm đó và một bạn nữ cũng nghịch ngợm không kém xuống ngồi ở dãy bàn cuối lớp. Tiếp sau, thầy cho tất cả các học sinh chú ý nghe giảng lên ngồi ở mấy dãy bàn đầu, những em nào ít tập trung chú ý cho ngồi dãy bàn sau. Còn một biện pháp nữa, mỗi tiết thầy chỉ giảng 10 phút, còn lại, thầy dùng để duy trì kỉ luật. Cứ vậy, nạn mất trật tự dần được tháo gỡ.
Không làm đầy đủ bài tập cũng là một chuyện bình thường ở lớp Đình Nhi. Hiện tượng xấu đó có ảnh hưởng không tốt đối với Đình Nhi. Có lần, Đình Nhi lười biếng không làm bài tập toán ở nhà. Không ngờ hôm sau thầy giáo kiểm tra vở bài tập và chấm ngay tại chỗ. Đình Nhi phải nói dối là quên vở bài tập ở nhà. Theo kinh nghiệm, thầy thấy rõ sự thực, nói: “Quên vở bài tập ở nhà tức là không làm bài tập, phải làm bù ngay tại lớp. Ngày mai, mời cha mẹ đến gặp tôi”.
Đình Nhi rất hối hận về sự việc này, cháu đã ghi vào nhật ký:
“Về đến nhà, tôi nói lại chuyện này với ba. Ba bắt tôi phải kể tỉ mỉ lại từ đầu. Nghe tôi kể xong ba nói: “Những sự việc như thế này con đã phạm mấy lần rồi?”, tôi đã giấu ba, nói: “Chỉ có lần này thôi ạ!” Ba bảo tôi hãy nhớ lại xem, còn nói: “Ba cần sự thành thực ở con”. Suy nghĩ một lát tôi trả lời: “Vừa rồi con đã giấu ba, sự thực là đã nhiều lần con không làm bài tập ở nhà”. Sau đó tôi ngồi nhẩm lại, rồi nói cho ba nghe tổng số lần tôi đã không làm bài tập ở nhà (kể cả số lần bị phát hiện và số lần không bị phát hiện)”.
Đúng lúc đó tôi (Lưu Vệ Hoa) trở về nhà. Tôi hỏi ngay, có chuyện gì xảy ra. Ba buồn rầu nói: “Đình Nhi không làm bài tập, còn nói dối!” Tôi lườm Đình Nhi một cái, rồi giận dỗi bước vào phòng trong, không thèm nói năng gì với con. Ba chán nản thở dài: “Trời! Tại sao con phải nói dối người khác chứ?” Sự phản ứng của chúng tôi đã làm cho Đình Nhi thực sự hối hận và xấu hổ. Cháu cứ cúi đầu sững giữa nhà, không biết làm thế nào. Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Đã sai lầm, còn đứng đấy làm gì nữa? Không mau mau đi làm công việc của con đi?” (Giúp mẹ làm những việc vặt trong nhà). Nghe tôi nói vậy, Đình Nhi vội chạy vào nhà vệ sinh lấy dụng cụ lau nhà. Hôm ấy cháu lau nhà cẩn thận hơn tất cả mọi ngày.
Khi Đình Nhi lau nhà và cả khi ăn cơm tôi vẫn tỏ ra lạnh nhạt với cháu. Cho đến tận lúc ăn cơm xong, tôi mới hỏi: “Đình Nhi, việc này nên xử lý thế nào?” Đình Nhi nói: “Con chỉ nghĩ rằng, sau này con sẽ làm hết mọi bài tập ở nhà, không lười biếng nữa”. Đến đây, vợ chồng tôi mới ôn tồn giảng giải cho cháu nghe, chủ yếu để cháu hiểu được hai điều: 1. Làm người phải sống theo nguyên tắc, không được a dua đua đòi, một việc sai không bao giờ vì có nhiều người làm mà biến thành đúng được; 2. Lười biếng là nguyên nhân của muôn việc xấu xa, đã có biết bao người chỉ vì lười biếng và lừa dối mà bước vào con đường tội lỗi.
Cuối học kỳ I năm lớp 3, lần đầu tiên Đình Nhi giành được danh hiệu “học sinh 3 tốt” của toàn trường. Trước đây, cháu mới chỉ là “học sinh 3 tốt” của cả lớp. Để chúc mừng cháu, tôi đã dẫn cháu đi chụp một bức ảnh cười híp mắt, đem về dán ở bảng vàng danh dự của nhà trường.
Cùng sống trong một môi trường khó khăn phức tạp, những người quyết chí vươn lên sẽ dám chấp nhận thử thách và chiến thắng, còn những kẻ nhút nhát và buông xuôi, mặc cho dòng đời đưa đẩy thì khó lòng bứt ra khỏi dòng xoáy ác nghiệt đó.
RÈN LUYỆN TỪNG PHẦN, BIẾN HẤP TẤP VỘI VÀNG THÀNH THẬN TRỌNG
Theo chủ trương của ba: mỗi giai đoạn chỉ nên giải quyết một vấn đề chủ yếu. Làm thế nào để xác định được mục tiêu chủ yếu trước mắt? Chúng tôi thường vận dụng “lý luận thanh gỗ ngắn”: một chiếc thùng gỗ có thể chứa được bao nhiêu nước, là do thanh gỗ ngắn nhất trên thành thùng quyết định, nối dài thanh ngắn đó, thì rõ ràng dung lượng đó tăng lên.
“Lý luận thanh gỗ ngắn” rất có tác dụng, đã mau chóng trở thành công cụ lý luận quen thuộc của Đình Nhi. Chúng tôi và cháu thường xuyên cùng tìm ra “thanh gỗ ngắn” ở cháu, thiếu đâu bù đấy, tìm mọi cách để nối dài “thanh gỗ ngắn” đó.
Ở những năm đầu bậc tiểu học, một trong những “thanh gỗ ngắn” của Đình Nhi là tính hấp tấp vội vàng. Nhìn chung, các cháu bé thông minh nhanh nhẹn, thường thiếu sự kiên trì thận trọng. Rõ ràng có thừa khả năng làm một bài tập, thế nhưng chỉ vì một vài sai sót nhỏ mà bị mất điểm. Điều này chứng tỏ sức tập trung chú ý trong đại não của cháu còn thiếu sự kiên trì và bền bỉ. Do đó gây trở ngại cho việc nâng cao trình độ chung.
Sự hấp tấp vội vàng của Đình Nhi chủ yếu thể hiện ở cách tính toán, mỗi lần thi đều mắc phải những sai lầm do hấp tấp vội vàng, làm cho môn toán ít khi đạt được điểm tối đa. Hoặc là nháp đúng rồi, nhưng chép lại thì sai, như viết 35 thành 53; hoặc là phức tạp thì không sai mà đơn giản thì lại sai, như 3 + 2 = 8; hoặc là khi cộng trừ, chữ số không đặt thẳng hàng, số thập phân quên không đánh dấu phẩy…
Sau khi phân tích kĩ một vài trường hợp sai lầm trong bài làm và bài thi của Đình Nhi, chúng tôi đã rút ra được một kết luận quan trọng: Sự “hấp tấp vội vàng” của Đình Nhi không phải vấn đề thái độ mà là năng lực. Đã là thiếu năng lực thì không thể chỉ dựa vào phê bình và quở trách, mà phải dựa vào những biện pháp rèn luyện hữu hiệu.
Thế là, trong kỳ nghỉ hè của lớp 3, ba đã lập ra cho Đình Nhi một chương trình rèn luyện chuyên biệt nhằm tạo thói quen luôn thận trọng tỉ mỉ cho Đình Nhi: tập chép lại số điện thoại.
Ba lấy ra một cuốn “Danh ba điện thoại của thành phố Thành Đô” đã quá hạn, lật ra một trang nào đó, rồi nhìn đồng hồ bấm giây, yêu cầu Đình Nhi phải chép thật nhanh, xem trong 1 phút chép được bao nhiêu số. Ba quy định “tay trái chỉ vào số, tay phải chép thật nhanh”, hết một phút đồng hồ dừng lại. Sau đó cho Đình Nhi tự đối chiếu, nếu có chỗ sai thì phải luyện thêm 10 phút nữa. Nếu 3 lần đầu chép đúng, thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch.
Hình thức rèn luyện này không có thưởng, nếu có thưởng thì cũng chỉ là một tràng vỗ tay của ba khi Đình Nhi chép không sai, và khi chép sai thì cả hai ba con đều suýt xoa hối tiếc. Như vậy, chính bản thân sự tiến bộ trong rèn luyện đã là nguồn vui của cả hai cha con. Cũng giống như sự phấn đấu vươn lên trong học tập và trong các kỳ thi đấu của Đình Nhi sau này, bản thân thành tích tốt đã là một phần thưởng quý báu rồi, phần thưởng vật chất có thể có, có thể không; không thành vấn đề quan trọng.
Tôi cho rằng, phương thức “cùng luyện tập” vốn không mâu thuẫn với việc rèn luyện thói quen độc lập làm bài. Bởi vì khi luyện tập chuyên biệt, vai trò của người lớn là một “huấn luyện viên ngoài sân cỏ”; mục đích là trong một thời gian ngắn phải thành thục được một kĩ năng nào đó. Nếu không có sự tham gia của người lớn, thì việc luyện tập này sẽ trở thành khô khan tẻ nhạt, ngay cả những đứa trẻ lớn tuổi, nếu khả năng tự kiềm chế còn kém cũng khó mà kiên trì luyện tập được lâu, đừng nói gì đến các cháu học sinh mới tám, chín tuổi. Nhưng chỉ cần có sự tham gia của người lớn, công việc luyện tập khô khan tẻ nhạt kia lập tức biến thành một trò chơi đầy hứng thú, các cháu sẽ vui vẻ kiên trì tự thử sức mình. Cần chú ý là thời gian cho mỗi lần huấn luyện không được quá dài, tốt nhất “kết thúc khi còn đang hứng thú”.
Cuộc huấn luyện chuyên biệt đầu tiên (chép số điện thoại) chủ yếu rèn luyện cho Đình Nhi một kĩ năng “sao chép thật nhanh và chính xác”. Cuộc huấn luyện chuyên biệt thứ hai là: cộng trừ các con số trong bộ bài tú-lơ-khơ, mục đích là rèn luyện kĩ năng “tính nhẩm nhanh và chuẩn xác”.
Một lần tình cờ chúng tôi đọc cuốn “Tuần báo văn trích” trong đó có chuyện : Một gia đình con cái đều giỏi toán, có đến mấy người con đều được giải thưởng trong các cuộc thi toán Olympic. Các người con giỏi toán này đều sử dụng biện pháp tính nhẩm quân bài tú-lơ-khơ với tốc độ nhanh để rèn luyện đầu óc toán học của mình. Biện pháp là: trước tiên loại bỏ đi các quân bài J, Q, K trong bộ bài, sau đó tráo trộn bài lên, bấm đồng hồ, bắt đầu cộng nhẩm các con số ở những quân bài được lật lên, xem trong thời gian nhất định cộng được bao nhiêu quân bài.
Ba bấm đồng hồ để cho Đình Nhi luyện tập theo cách đó. Lúc bắt đầu, tay chân Đình Nhi cứ cuống cả lên, cộng đến mấy chục giây đồng hồ mà vẫn cứ cộng sai. Chỉ sau mấy ngày ngắn ngủi ba cùng luyện tập với Đình Nhi, tốc độ chính xác đã tăng lên rõ rệt. Trên cơ sở đó ba còn dạy cho Đình Nhi những thủ thuật để tăng nhanh tốc độ. Sau hơn 10 ngày, Đình Nhi đã có thể cộng hết các con số trong bộ bài chỉ trong mấy giây. Sau này Đình Nhi đã coi việc luyện tập này là một trò chơi “thể dục đầu óc”, mỗi ngày đều cộng trừ nhẩm quân bài đến ba lần, đến mức không cần để đầu óc suy nghĩ lắm, nhưng vẫn cứ làm đúng. Loại hình thể dục đầu óc này được duy trì đến những năm theo học sơ trung. Đương nhiên, quân bài đã được tăng lên đến con số 40, và hình thức cộng vào đã chuyển sang trừ đi. Tốc độ tính toán của Đình Nhi quả thực đã làm tôi hoa mắt. Mục tiêu nâng cao tính chuẩn xác trong tính toán đã đạt được đúng kỳ hạn, ba và Đình Nhi đều vui mừng khôn tả.
NHỮNG CÂU CHUYỆN MỚI CỦA BA ĐÃ GÓP PHẦN NHÀO NẶN NÊN TÂM HỒN CON GÁI
Trương Hân Vũ có biện pháp tốt về mặt nâng cao kĩ năng học tập cho con, nhưng anh luôn nhấn mạnh, kĩ năng thuộc phạm trù "pháp luật" cũng tức là khôn khéo và thủ thuật. Trong mối quan hệ giữa "đức" và "tài", phải luôn giữ vững nguyên tắc "chân thành là gốc, khôn khéo là ngọn". Vì vậy, điều mà anh băn khoăn suy nghĩ nhiều nhất là làm thế nào để xây dựng tâm hồn Đình Nhi.
Ba là người đã nhiều năm nghiên cứu về tâm lý tuổi nhi đồng, ba hiểu rất rõ kể chuyện là một thủ thuật quan trọng để dẫn dắt tâm hồn trẻ thơ. Khi vừa mới nhập vào gia đình chúng tôi, ba còn chưa biết khả năng tiếp thu của Đình Nhi ra sao, ba định tìm những câu chuyện có trên giá sách của Đình Nhi. Ở đây có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về đồng thoại và những cuốn truyện dân gian trong và ngoài nước. Nhưng hễ ba cứ cầm bất kỳ cuốn nào lên, Đình Nhi lại ra sức lắc đầu như một con lúc lắc: "Truyện này con nghe kể rồi, truyện kia con cũng nghe rồi, con còn biết kể lại nữa cơ. Con muốn nghe những câu chuyện mới!"
Thế thì ba biết cách rồi. Suy nghĩ một lát, rồi ba kể cho Đình Nhi nghe chuyện "Yến tử đi sứ nước Sở", một câu chuyện lịch sử mà Đình Nhi chưa được nghe bao giờ. Con người thấp bé, cực kỳ thông minh và khôi hài của nước Tề ấy, với một tấm lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, ông đã đập tan mọi âm mưu thâm độc muốn gây khó khăn và làm nhục nước Tề của cả bọn vua tôi nước Sở, bảo vệ sự tôn nghiêm của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi sứ của mình.
Đây là câu chuyện đầu tiên ba kể cho Đình Nhi nghe. Đến những đoạn gay cấn, Đình Nhi cứ tròn xoe đôi mắt, thấp thỏm lo sợ cho vị sứ giả có dáng người thấp bé của nước Tề, một mình giữa bầy lang sói. Và Đình Nhi đã cười như nắc nẻ khi ba kể đến những đoạn khôi hài. Những khái niệm mới như: tình yêu Tổ quốc, lòng tin vào sức mạnh trí tuệ của loài người, sự tôn nghiêm của nhân cách, tinh thần bất chấp mọi gian nguy để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng... cũng là những phẩm chất mà ba luôn mong muốn Đình Nhi có được, tất cả những cái đó như những hạt mưa lặng lẽ tưới mát tâm hồn non nớt của Đình Nhi.
Vốn có tầm nhìn xa, ba chủ trương: những món ăn tinh thần mà chúng tôi cung cấp cho Đình Nhi phải là những món ăn được lấy từ kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của Trung Quốc và phương Tây, hơn nữa biết kết hợp hài hòa những tinh hoa của hai nền văn hóa ấy, nhào nặn nên một thế giới nội tâm hoàn mỹ nhất cho Đình Nhi.
Theo cách suy nghĩ đó, ba đã chọn lựa từ trong những bộ sách của mình, tìm ra những món ăn tinh thần bổ ích cho Đình Nhi. Đồng thời ba cũng tự đặt ra cho mình những nguyên tắc như sau:
1. Những câu chuyện kể phải là những chuyện về người thật việc thật lấy từ các tác phẩm nổi tiếng cổ kim đông tây, mà ảnh hưởng của nó làm cho con cái suốt đời không quên.
2. Dù chuyện là bi hay hài, nhân vật chính là chính nghĩa hay phi nghĩa, nhưng hướng đi của câu chuyện phải là hướng đi lên, quyết không để cho con có thái độ tiêu cực sau khi đọc những câu chuyện đó.
Theo dự tính đó, ba thực sự bắt tay vào việc, trong đầu ba hiện lên cả một danh mục dài các câu chuyện dự định kể.
Ba chọn truyện, tưởng chừng như rất dễ dàng, nhưng kỳ thực đều đã phải trải qua một sự sàng lọc rất kĩ càng. Như khi kể câu chuyện thứ nhất cho Đình Nhi nghe, trong đầu óc ba lúc ấy hiện lên rất nhiều câu chuyện nói về những con người thông minh trác tuyệt xưa nay ở Trung Quốc, nhưng ba lại chọn câu chuyện "Yến Tử đi sứ nước Tề", bởi vì ba không muốn sau này Đình Nhi sẽ trở thành một con người hẹp hòi ích kỉ, vụn vặt mà thiếu đi một lý tưởng cao cả, một ý chí quật cường. Ba nói: trong cuộc sống thực tế, loại người hẹp hòi ích kỉ ấy sẽ không làm nên trò trống gì, còn thua cả những thằng ngốc, nhưng biết chân chất làm ăn.
Suốt sáu năm ròng rã ba kể cho Đình Nhi nghe biết bao nhiêu chuyện. Trước khi Đình Nhi học sơ trung phải vào ở hẳn trong trường , thì nghe ba kể chuyện là một nội dung không thể thiếu trong cuộc sống của Đình Nhi.
Khi kể chuyện ba thường không câu nệ cứ phải kể đều đều từ đầu đến cuối mà nắm chắc trọng điểm, hoặc những tình tiết có ý nghĩa nhất đối với Đình Nhi. Ở những đoạn này, ba đã dùng phương pháp "đặc tả" để khắc sâu ấn tượng cho Đình Nhi.
Khi kể chuyện danh tướng chống Nhật Thích Kế Quang, ba nhấn mạnh vào đoạn kể về thời niên thiếu của ông... Một hôm cậu bé Kế Quang đi một đôi giày mới rất đẹp, cậu thích chí đi qua cửa nhà khách, không ngờ cha cậu trong thấy, gọi giật lại. Cha nghiêm mặt quở trách: "Mới tí tuổi đầu mà đã thích ăn diện như vậy, cha thật không bằng lòng. Tuổi nhỏ đã thế này, lớn lên có tí chức quyền tránh sao khỏi tham lam, tàn ác, ăn chơi đàng điếm". Nói rồi cha bắt tháo giày ra, xé nát ngay trước mặt để răn thói xa hoa, chưng diện.
Đối với ba, kể chuyện cho Đình Nhi nghe là một công việc vô cùng thích thú. Đình Nhi không phải là một "chiếc đồng hồ vô thức trên nóc nhà nghị viện Anh quốc", cứ đánh thì mới kêu, mà là một "tờ giấy trắng trong", một chút ánh sáng li ti cũng chiếu lọt.
"Tiết mục kể chuyện trên giường ngủ" kéo dài gần sáu năm, cho đến khi Đình Nhi vào học trường ngoại ngữ, phải nội trú mới kết thúc. Nhưng những đạo lý mà ba đã dày công truyền thụ cho Đình Nhi qua những câu chuyện sinh động và hấp dẫn kia thì ngày càng ăn sâu bám rễ trong lòng Đình Nhi.