Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 17

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Thời kỳ tiểu học
Xây dựng tâm hồn và phát triển kĩ năng
Để bồi dưỡng con gái trở thành một con người tài năng, ngay từ đầu tôi đã ngầm hạ quyết tâm, phải bằng tất cả khả năng của mình cố gắng để Đình Nhi được tiếp cận một nền giáo dục tốt đẹp nhất. Thế nhưng, một người mẹ độc thân, không chức quyền, không tiền bạc như tôi, để cho con mình có được một nền giáo dục tốt đẹp nhất đâu phải là chuyện dễ.
Khi Đình Nhi tròn sáu tuổi, rất may, Sở Giáo dục thành phố Thành Đô đã sửa đổi lại quy định bảy tuổi mới được vào tiểu học nay thành sáu tuổi đã được nhận vào tiểu học. Điều đó đã giúp tôi trút bỏ được mỗi lo canh cánh bấy lâu nay là trong suốt cả một năm trời, Đình Nhi sẽ làm gì trong lứa tuổi từ sáu đến bảy. Thế nhưng lại có những nguồn tin khác khiến tôi không thể yên tâm.
Với hệ thống giáo dục thời bấy giờ, cha mẹ học sinh muốn xác định được chất lượng giáo dục của một nhà trường nào đó chỉ có thể căn cứ vào số lượng học sinh cử tuyển được vào học trong trường đó nhiều hay ít; mà số lượng này lại do cấp trên hạn đinh. Những trường tiểu học trọng điểm của thành phố có số lượng học sinh cử tuyển đông lại không gần nhà tôi, xét theo hộ khẩu thì Đình Nhi không thể vào những trường đó. Trừ phi tôi có thể giúp xưởng trường của những trường trọng điểm đó liên hệ được mối hàng có thể đem lại cho họ một vạn đồng tiền hỗ trợ giáo dục, thì Đình Nhi mới có thể được nhận vào các trường tiểu học có chất lượng giáo dục loại A đó. Thế nhưng đối với tôi, một nghìn đồng còn chẳng đào đâu ra được, nói gì đến một vạn. Nếu hoàn toàn chỉ xét theo hộ khẩu, Đình Nhi sẽ phải học một trong hai trường có chất lượng giáo dục kém nhất của Thành Đô. Hai trường tiểu học này, hàng năm chỉ có một hai học sinh được nhận vào học trong các trường trung học trọng điểm. Số còn lại phải theo học ở hai trường trung học có chất lượng kém nhất Thành Đô, mà những trường trung học này đã nhiều năm nay chưa có một học sinh nào thi đỗ đại học.
Một tiền đồ như vậy khiến ngưồi ta vô cùng lo lắng. Trong buổi liên hoan mừng cho khóa tốt nghiệp Nhà trẻ số 3, các thầy cô giáo đã yêu cầu tôi đại diện cho các bậc cha mẹ học sinh lên phát biểu. Khi ấy tôi đã nói rất hùng hồn rằng: "Được giáo dục tại Nhà trẻ số 3, một nhà trẻ có chất lượng giáo dục loại A này, đó là một điều vô cùng may mắn cho các cháu. Đáng tiếc là, đại đa số các cháu, kể cả cháu Đình Nhi nhà tôi, đều không thể tiếp tục qua tuổi niên thiếu ở một trường tiểu học có chất lượng giáo dục loại A..."
Để giành lấy một suất tại các trường tiểu học có chất lượng giáo dục tốt cho con mình, khi đó các bậc phụ huynh của các cháu vừa tốt nghiệp Nhà trẻ số 3 này đều phải trổ hết tài năng. Một người bạn tốt của Đình Nhi tên là Ương Ương (cái tên này sẽ xuất hiện nhiều lần trong nhật ký của Đình Nhi), gia đình ở sát Hội kiên hiệp văn nghệ tỉnh, cơ quan của cha bạn ấy đứng ra giới thiệu cho tất cả các bạn nhỏ đủ tuổi đi học tiểu học năm ấy được vào học tại Trường tiểu học Sở Thương nghiệp, một trường trọng điểm của khu Đông Thành. Trường tiểu học này tuy không bằng các trường tiểu học khác của thành phố, nhưng mỗi năm cũng có mười suất vào học tại các trường trung học trọng điểm. Những học sinh tốt nghiệp khác, cũng có cơ hội để vào học tại các trường trung học có chất lượng giáo dục loại B hoặc C. Lại một người bạn tốt khác của Đình Nhi, tên là Vương Ngọc (cái tên này cũng sẽ còn xuất hiện nhiều lần trong nhật ký của Đình Nhi), cha mẹ đều là công nhân, chỉ còn biết đi theo số phận. (Lúc ấy, cha mẹ Vương Ngọc quá thương con gái mình, đã cố gắng tìm ra được một giải pháp riêng. Đó là vẫn kiên trì cho con gái theo học lớp hội họa của cô Viên, lấy kết quả xuất sắc về mỹ thuật để bù đắp lại sự thiếu hụt trầm trọng về văn hóa trong trường tiểu học. Cuối cùng khiến con gái đi theo con đường mỹ thuật. Hôm vừa qua, ngày 26 tháng 4 năm 2000, có tin nói rằng: Trường trung học bán công thuộc học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên đã đề cử Vương Ngọc vào học tại Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên. Vương Ngọc là một hình mẫu , từ trong khó khăn tìm ra lối thoát cho mình).
Tôi không muốn chịu theo số mệnh, nhưng cũng không có quyền cao chức trọng để có thể viết lá thư tay gửi đến các trường trọng điểm trong thành phố, đơn vị tôi cũng không có đủ tài và quyền lực để tiến cử các cháu đến tuổi vào học tại các trường trọng điểm của tiểu khu. Chính trong lúc cùng đường bí lối ấy, một đồng nghiệp của tôi, cùng với vợ anh đã ra tay cứu giúp. Hai vợ chồng anh ấy đã chủ động liên hệ cho hai cháu trong Ban biên tập chúng tôi được vào học tại một trường tiểu học mới được nâng cấp thành trường trọng điểm. Trường này so với trường tiểu học Sở Thương nghiệp xa hơn nhiều. Từ nhà tôi phải đi qua hai bến xe buýt, xuống xe còn phải đi một đoạn khá xa nữa mới đến... Nhưng, ưu điểm của trường này là, đất đai rộng rãi, không khí yên tĩnh hơn nhiều so với trường tiểu học Sở Thương nghiệp. Quan trọng hơn là, hàng năm vẫn có mười suất vào học tại các trường trung học trọng điểm. Số lượng học sinh ở đây đông hơn rất nhiều so với trường tiểu học Sở thương nghiệp, mức độ cạnh tranh đương nhiên là sẽ gay gắt hơn. Thế nhưng, dẫu sao có cơ hội tốt hơn rất nhiều so với không có cơ hôi.
CHƯA VÀO TIỂU HỌC ĐÃ CÓ MỤC TIÊU LỚN ĐANG CHỜ
Mặc dù, luôn coi trọng việc giáo dục đối với Đình Nhi, nhưng từ trước tới nay tôi chưa nghĩ cụ thể rằng, sau này Đình Nhi sẽ làm nghề gì. Tôi chỉ biết, mỗi khi kể cho Đình Nhi nghe các câu chuyện về các nhân vật kiệt xuất đông tây kim cổ, tôi đều có ý kkhen ngợi họ với thái độ vô cùng khâm phục: "Họ là những người có cống hiến cho xã hội loài người". Đồng thời tôi cũng khuyến khích Đình Nhi: lớn lên con cũng phải có những cống hiến cho xã hội loài người. Với sự truyền thụ và truyền cảm của tôi, ngày từ rất nhỏ, Đình Nhi đã biết mơ ước: "Lớn lên con cũng sẽ trở thành một người có cống hiến cho xã hội loài người".
Suốt thời gian đi liên hệ cho Đình Nhi vào học, tôi đều cố gắng mang Đình Nhi đi theo, chủ yếu là để cho cháu biết rằng, để thực hiện được ước mơ "lớn lên sẽ cống hiến cho xã hội loài người" thì trước tiên phải được tiếp nhận một sự giáo dục thật tốt. Thấy người lớn cũng phải lao tâm khổ tứ, chạy ngược chạy xuôi, vất vả đủ đường chỉ vì việc học của mình, Đình Nhi tuy còn rất nhỏ nhưng cũng đã cảm thấy, để được vào học tại một trường có sự giáo dục tốt, thật là quan trọng biết bao, và cũng thật gian khó biết bao.
Về tình cảm, Đình Nhi rất muốn vẫn được tiếp tục học cùng bạn Vương Ngọc. Tôi đã phải giải thích để cháu hiểu: trường mà bạn Vương Ngọc rồi đây sẽ học, mỗi năm chỉ có một, hai suất được vào học tại các trường trung học trọng điểm thôi. Các chỉ tiêu ấy rất dễ bị các bạn "học sinh ba tốt của tiểu khu" được cộng điểm chiếm mất. Đình Nhi nói: "Con sẽ phấn đấu để được là học sinh ba tốt". Tôi nói với cháu: "Con có quyết tâm như vậy là tốt lắm, nhưng tiêu chuẩn "ba tốt" cũng thật khó mà xác định, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh công bằng về học tập mà thôi. Chúng ta không sợ cạnh tranh, mà chỉ sợ không có cơ hội để cạnh tranh. Mẹ chỉ cần làm sao khi tốt nghiệp con có tổng điểm đứng hàng thứ ba trong toàn trường, thế thì trong chỉ tiêu mười người kia thế nào cũng có tên con. Vì rằng, một nhà trường nhiều nhất cũng chỉ được công nhận hai, ba "học sinh ba tốt". Nhưng lại sợ rằng con đứng hàng thứ tám, thứ chín, một vài bạn được ưu tiên cộng điểm lập tức sẽ đẩy con ra ngoài. Nếu con không vào được các trường trung học trọng điểm, thì con làm sao có thể tiếp nhận được một sự giáo dục tốt nhất. Muốn có những cống hiến cho xã hội loài người, như ông Andersen (một nhân vật mà Đình Nhi luôn sũng bái), thì càng khó khăn biết bao".
Trong suốt cả quá trình trưởng thành của Đình Nhi sau này, những lời nói trên đã để lại cho cháu một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bởi vì, cái lý tưởng nhân sinh xa vời và phù phiếm của cháu, lần đầu tiên đã được giải thích thành một mục tiêu mang tính giai đoạn cụ thể là "Phải cố gắng để được xếp thứ ba trong toàn điểm". Mục tiêu có tính chất giai đoạn đó luôn là động lực nội tại thúc đẩy Đình Nhi cố gắng học tập.
BỒI DƯỠNG THÓI QUEN GIAO TIẾP MỞ RỘNG CỬA SỔ TÂM HỒN
Mỗi khi đến trường, Đình Nhi phải hai lần sang đường, và phải đi qua một nga tư xe cộ luôn tấp nập. Cả năm lớp 1, mỗi ngày tôi phải hai lần đưa đón Đình Nhi tận cổng trường. Lúc bấy giờ, hạnh phúc nhất của tôi là được tận mắt thấy ĐìnhNhi tung tăng hoa vào dòng các bạn nhỏ hớn hở tới trường, cảnh tượng đó thật có ý nghĩa.
Tôi luôn nghĩ rằng, vào tiểu học chính là bước đi đầu tiên trên chặng đường bước vào xã hội của con mình, cũng là bước đi đầu tiên xa rời mẹ. Lần đầu tiên Đình Nhi chia tay tôi bước vào trường, cũng chính giờ phút ấy, Đình Nhi bắt đầu phải một mình đối mặt với một thế giới mới lạ. Muốn trưởng thành một cách lành mạnh trong cái thế giới mà ánh sáng và bóng đêm luôn hiện hữu, hoa thơm và cỏ dại cùng sinh tồn ấy, chỉ dựa vào những điều đã học nhờ sự giáo dục từ sớm, từ lúc không đến sáu tuổi là hoàn toàn không được, nhất là với các cháu lớp một, lần đầu tiên bước vào xã hội. Tôi cũng cần phải hiểu thật cặn kẽ mọi việc của Đình Nhi, để có được những sự giúp đỡ thật hữu hiệu và đúng trọng tâm.
KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN: BỊ CÁCH CHỨC QUYỀN LỚP TRƯỞNG
Đó là việc xảy ra sau khi vào học được vài ba tháng. Ở trường, đức tính nhanh nhẹn của Đình Nhi đã được cô giáo chủ nhiệm chú ý. Vào học được mấy hôm, cô chủ nhiệm cho Đình Nhi làm quyền lớp trưởng (lớp trưởng chính thức sẽ được quyết định sau khi vào học 2 tháng). Mới vào trường mà đã được coi trọng như vậy, mẹ con tôi rất vui mừng, nhưng chỉ ít lâu sau, Đình Nhi làm mất lòng cô chủ nhiệm vì một chuyện không ngờ. Đó là vào tiết dạy ngữ văn, cô chủ nhiệm hướng dẫn học sinh đánh vần "đi". Theo cách mới phải đọc là "đờ-i-đi", nhưng cô lại đọc là "đê-i-đi". Vốn có thói quen ở nhà là thấy sai phải sửa ngay, Đình Nhi lập tức giơ tay lên phát biểu. Trước cả lớp, cháu đã chỉ ra cách đánh vần sai của cô chủ nhiệm, cô tỏ ra bực và vẫn khẳng định cô đọc đúng. Đình Nhi cứ muốn tiếp tục tranh luận, nhưng cô bảo ngồi xuống. Cô cho là Đình Nhi tự cao tự mãn, đã cách chức quyền lớp trưởng của Đình Nhi.
Đình Nhi rất ấm ức. Tan học trở về nhà, cháu đã nói lại chuyện đó với tôi. Trước tiên, tôi khẳng định cách đánh vần của cháu là đúng, sau đó tôi nói với cháu: "Chỉ ra cách phát âm sai của cô chủ nhiệm tuy không phải là việc làm sai, nhưng không nên làm việc đó trước mặt cả lớp. Thứ nhất là, ngay lúc bấy giờ chưa chắc cô giáo đã nhận ra cái sai của mình, chỉ thấy con chơi trội, làm mất thể diện của cô. Cách làm đó khó làm cho cô thay đổi được, con chỉ có thể thay đổi cách làm của mình, cốt sao có hiệu quả thật tốt. Ví như, sau khi tan lớp, tự con đến gặp cô chủ nhiệm, khiêm tốn xin cô chỉ bảo lại, rồi nhân đó đưa ra ý kiến của mình, nếu vậy thì sự việc đâu đến nỗi thế này".
Suy nghĩ một lát Đình Nhi nói: "Con nghĩ không được mẹ ạ, ít nhất cô giáo không nên giận dữ về điều đó. Bởi vì, việc làm của con đâu có làm mất thể diện của cô". Đình Nhi lại hỏi: "Vậy thì tại sao cô giáo sai có thể không phải sửa, còn con sai thì bắt con phải sửa ngay?" Tôi bật cười: "Con không sửa thì đến lúc thi con sẽ mất điểm, liệu con có sửa không?". Đình Nhi cũng cười và nói: "Phải sửa chứ, mẹ!" Nhân cơ hội đó, tôi bảo cháu: "Nếu cô giáo có vấn đề gì, lãnh đạo nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục. Lần sau gặp những trường hợp như vậy, tốt nhất con nên về nói với mẹ biết đã. Còn về cái chức quyền lớp trưởng, coi như là việc đã rồi. Con nên nhớ lấy bài học ấy, một thất bại như vậy có thể sẽ tạo ra được nhiều sự thành công sau này". Câu chuyện của tôi từ sự mâu thuẫn thầy trò liền chuyển sang một vấn đề khác có tính triết học: "Tại sao từ một việc thất bại lại có thể tạo ra được những thành công và từ một thành công lại là tiền đề cho một thất bại?..." Tôi giảng giải hồi lâu, Đình Nhi lắng nghe, dường như mọi nỗi oan ức vừa rồi đều tan biến cả. Thế là xóa tan được cơn khủng hoảng trong tâm lý của Đình Nhi.
Những mâu thuẫn giữa thầy và trò kiểu Đình Nhi vừa rồi, nếu không có sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ, rất dễ để lại những vết thương lòng cho trẻ, nhẹ cũng gây nên một sự lẫn lộn trong quan niệm phải trái, mà nặng có thể tạo ra được một tâm lý luôn chống đối trong lòng trẻ. Nếu không giải quyết kịp thời, sau này sẽ vô cùng khó khăn. Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", phải nhanh chóng giải quyết kịp thời.
Chừng một năm sau, Đình Nhi lại gặp phải một vấn đề tương tự, lần này cháu đã chín chắn hơn rất nhiều.
Hôm qua thầy giảng bài thơ: "Buổi sớm mùa xuân". Thầy nói: "Tác giả bài này là Mạnh Hạo Nhiên, một nhà thơ đời Đường". Thế nhưng tôi (Đình Nhi) lại nghe nhầm thành đời Tống. Về đến nhà tôi vội hỏi mẹ: "Mẹ oi, Mạnh Hạo Nhiên là nhà thơ đời nào mẹ nhỉ?" Mẹ nói: "Đời Đường, con ạ!"Thế thì thầy giáo giảng sai rồi, thầy nói là đời Tống". Mẹ bảo: "Không có thể, nhất định là con đã nghe nhầm rồi". May quá, không phải như lần trước, tôi đã không đứng lên tranh luận với thầy ngay tại lớp.
BIẾT CHỊU ĐỰNG NHỮNG LỜI GIÈM PHA VÀ GIỄU CỢT,
RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG
Từ sau vụ tranh luận với cô giáo về cách đánh vần ở trên lớp, thái độ của cô giáo chủ nhiệm đối với Đình Nhi rõ ràng không được như trước. Ở trên lớp, Đình Nhi vẫn tích cực giơ tay phát biểu, nhưng cô giáo rất ít khi gọi cháu. Nhiều khi cả lớp không ai trả lời được Đình Nhi đã xung phong đứng lên trả lời. Đã không khen, cô lại còn giễu Đình Nhi là "thích yêng hùng" (tiếng Thành đô có nghĩa là thích chơi trội, hoặc "chỉ mình em là yêng hùng nhất"). Cứ nhiều lần như vậy, tính tích cực trong học tập của Đình Nhi đã giảm sút đi nhiều, cháu bắt đầu không hứng thú lắm với tiết học ngữ văn.
Tôi không đem chuyện này trao đổi với cô giáo, mà chỉ đơn phương yêu cầu Đình Nhi phải điều chỉnh lại thái độ và hành vi của mình, mong muốn qua việc này bồi dưỡng khả năng thích ứng của cháu.
Buổi trưa hôm đó, trong bữa cơm, Đình Nhi đã nói với tôi: "Từ nay về sau, giờ ngữ văn con không thèm phát biểu nữa đâu". Tôi hỏi cháu: "Tại sao?". Cháu kể lại những sự việc trên lớp cho tôi nghe. Thực lòng, tôi rất không tán thành cách làm của cô giáo, nhưng để giữ uy tín cho các thầy cô, tôi đã đứng về phía cô giáo giải thích cho cách làm đó. Tôi nói với Đình Nhi: "Cô giáo không gọi con, vì cô biết rằng con đã hiểu bài, vì vậy cô chỉ gọi những bạn chưa hiểu bài, hoặc không tập trung chú ý nghe giảng đứng lên trả lời câu hỏi. Đây là biện pháp để nhắc nhở học sinh phải tập trung chú ý nghe giảng. Con tranh mất phần phát biểu của các bạn, cô giáo sẽ không kiểm tra được ai là người đã hiểu bài..."
"Vì vậy, cô mới phê bình con..." Đình Nhi đã hiểu ra, vội tiếp lời tôi: "Vậy theo mẹ, sau này con có nên giơ tay phát biểu nữa không?" Tôi hỏi lại cháu: "Theo con nên thế nào?" Suy nghĩ một lát, Đình Nhi nói: "Nếu là câu hỏi đơn giản, các bạn đều đua nhau trả lời, thì thôi, con không giơ tay nữa. Nếu là câu hỏi khó, các bạn đều không trả lời được, mà con biết trả lời thì con sẽ giơ tay xin phát biểu. Mẹ thấy thế nào?" Đương nhiên là tôi thấy tốt quá rồi, tôi còn bổ sung thêm: "Câu hỏi đơn giản con cũng cứ giơ tay, nhưng không cần quan tâm đến việc thầy cô giáo có gọi mình hay không, chỉ cần để các thầy cô biết rằng mình đã hiểu bài thế là được". Đình Nhi rất hài lòng với cách giải quyết ấy. Cách sửa chữa thái độ của Đình Nhi cộng với việc Đình Nhi luôn trả lời tốt các câu hỏi khó, nên cô giáo chủ nhiệm đã thay đổi thái độ với Đình Nhi.
Tôi thường nói với Đình Nhi rằng, người Thành Đô có một câu nói rất hay: "Người khôn ngoan biết trách mình, người không khôn ngoan chỉ biết oán trách người khác". Những người hễ gặp trắc trở gì chỉ biết trách người khác, trách hoàn cảnh, thì chỉ biết chờ đợi môt cách tiêu cực sự thay đổi của người khác, mà chính mình lại không có khả năng làm người khác thay đổi. Thế là mọi khó khăn ngày càng chồng chất không được giải quyết, kẻ thiệt thòi nhất là chính mình. Một người có chí tiến thủ tích cực, luôn biết chủ động tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề, chứ không một mực truy cứu trách nhiệm của người khác.
Trong thời gian học tiểu học, Đình Nhi thường lúng túng trước những sự việc tương tự như vậy, đã nhiều lần nước mắt lưng tròng cháu tự hỏi: "Phải làm thế nào đây?" Nhưng qua nhiều năm thử thách và rèn luyện, tới khi cháu vào học trung học, ở cháu đã hình thành được một nguyên tắc cho mọi hành vi của mình là "phải biết tự điều chỉnh mình là chính". Trong khi thảo luận các vấn đề, Đình Nhi đã biết nói được câu: "Đây không phải vấn đề mà chúng ta có thể thay đổi được, thì chúng ta phải biết làm gì chứ..."
Ngoài khả năng thích ứng với các mối quan hệ xã hội, khả năng thích ứng với hoàn cảnh vật chất cũng vô cùng quan trọng. Ngay từ nhỏ, Đình Nhi cũng đã rèn luyện để có được khả năng này.
Khi Đình Nhi còn đang học lớp một, tại một ngôi lầu của một đơn vị khác chỉ cách cửa sổ nhà chúng tôi chừng 5 mét, có một cặp thanh niên vừa chuyển đến rất mê hát karaoke. Hai thanh niên cứ sau bữa cơm tối lại hát đến tận khuya, loa mở rất to, giọng hát lại không đúng nhạc, những ngày cuồi tuần lại lôi kéo bạn bè hát đến tận nửa đêm. Bà con hàng xóm nhắc nhở, có người còn chửi bới, họ cũng không thèm để ý tới. Đình Nhi thường bị những tiếng gào thét ấy làm cho tâm trí rối loạn, không thể tập trung học bài.
Mối lần ĐÌnh Nhi kêu ca phàn nàn với tôi về chuyện này, tôi thường ôn tồn nói với con: "Chúng ta đã không có cách nào làm cho họ ngừng hát, thì chúng ta phải tìm cách thích ứng với tình trạng này thôi. Nhân dịp này, con hãy luyện tập khả năng chống lại sự quấy nhiễu. Con nên học tập Mao Chủ tịch thời trẻ đã thường xuyên đến chợ rau quả ngồi đọc sách chỉ cốt rèn luyện khả năng chống lại sự quấy nhiễu. Con nên học tập Mao chủ tịch, luyện tập khả năng tập trung tư tưởng trong điều kiện ồn ào náo nhiệt".
Thực ra, tôi rất ghét những hành động vô ý thức như vậy, nhưng tôi luôn phải tự nhắc mình, không để lộ thái độ căm ghét đó trước mặt Đình Nhi, cốt là để tăng cường lòng tin đối với việc rèn luyện khả năng chống lại sự quấy nhiễu của cháu. Đồng thời cũng yêu cầu cháu không kêu ca phàn nàn gì nữa, đừng để mẹ phải phiền lòng. Tôi bảo Đình Nhi: "Con phải luôn tự nhắc nhở mình: "Các người hãy cứ hát đi, ta vẫn tập trung tư tưởng học như thường đấy!" Cứ như vậy cho đến lúc tư tưởng hoàn toàn tập trung". Ngay từ khi Đình Nhi mới sáu tuổi, cháu đã bắt đầu biết sử dụng phương pháp tích cực đó để điều chỉnh tâm lý, kìm nén tình cảm. Điều này đã có tác dụng tốt đối với việc tăng cường khả năng chịu đựng về tâm lý của cháu.
Có không ít bậc cha mẹ chỉ coi trọng đầu tư chất xám và rèn luyện kĩ năng cho con mình, họ rất ít chú ý đến khả năng thích ứng của con. Thực ra, đối với sự phát triển của con cái sau này, khả năng thích ứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, khả năng thích ứng với môi trường sống của một con người như thế nào, nó có thể quyết định đến khả năng phát huy tài năng và trí lực của người đó. Cùng với sự trưởng thành về tuổi tác, sự phong phú về tri thức, khả năng thích ứng đó càng thể hiện rõ ràng. Một con người có khả năng thích ứng về sinh lý quá kém đến một nơi khác lạ thì dễ thường bị kém ăn, mất ngủ, làm sao có thể ohát huy được tài năng một cách bình thường. Có những người tài năng có thừa, nhưng rơi vào hoàn cảnh khó khăn rắc rối về quan hệ xã hội, cả một đời chẳng làm đươc việc gì nên hồn, một trong những nguyên nhân là họ đã thiếu đi một khả năng thích ứng với xã hội.
Điều đáng mừng là, khả năng thích ứng của Đình Nhi rất tốt, cho đến nay, cháu luôn nhanh chóng thích ứng được với hoàn cảnh, luôn giữ được trạng thái tâm lý bình thường, phát huy khả năng vốn có của mình.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc