Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 12

Tác giả: Nhiều Tác Giả

HỌC CÁCH THƯƠNG YÊU MẸ, HUẤN LUYỆN BIẾT CẦN SUY NGHĨ VÌ MỌI NGƯỜI
Thông cảm và quan tâm đến người khác đó là một nội dung quan trọng của tình cảm và trí lực. Nó liên quan đến việc đứa trẻ ấy trong tương lai liệu có được mọi người yêu quý hay không. Đối với những gia đình chỉ có một con, thì điều này càng quan trọng. Trung Quốc ngày nay là một xã hội mà mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con. Một đứa trẻ là tương lai của cả ba gia đình, là niềm hi vọng của cả ba gia đình, là chỗ dựa tinh thần của sáu thành viên lớn tuổi. Nếu giáo dục được một đứa trẻ có phẩm chất tốt, niềm hạnh phúc đó được nhân lên gấp bội. Nhưng nếu trong gia đình có một đứa con bất hiếu, nỗi đau khổ về tinh thần kể sao cho hết.
Trong số những người tôi quen biết, có những gia đình con cái thật là hiếu thảo, có gia đình có những đứa con phá phách ngang tàng. Những gia đình nghiêm khắc với con cái, thì các cháu thường rất hiếu kính cha mẹ. Những gia đình quá nuông chiều con cái, thì con cái thường hay phá phách ngang tàng. Cái công thức “Ăn mật trả đường” trong quan hệ bạn bè dường như không có hiệu quả trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có những bậc cha mẹ thả lỏng buông xuôi, hi vọng rằng lớn lên nó sẽ hiểu, phần lớn đều gặp phải thảm cảnh “con mình rứt ruột đẻ ra mà giờ đây sao mà như lang sói”.
Những chuyên gia về “Tình thương EQ” sau khi nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Lương thiện và thương yêu là bản tính có sẵn trong gen di truyền của đứa trẻ. Nhưng không có được sự dạy dỗ chu đáo, thì phẩm chất tốt đẹp sẽ bị mất đi, nếu bạn hi vọng rằng đứa trẻ sau khi lớn lên tự nhiên chúng sẽ có lòng thông cảm, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, thì tốt nhất bạn hãy gửi gắm ngay niềm hi vọng ấy cho chúng từ bây giờ. Quan trọng hơn nữa là, chỉ thuyết giáo bằng lời không thì chưa đủ, phải để cho trẻ luyện tập thường xuyên. Đại não của con người được chia thành hai phần: tư duy và tình cảm; kĩ năng “Tình thương EQ” trong xã hội chỉ có thông qua những việc làm cụ thể, mới có thể được phát kiến thành công trong bộ phận tình cảm của đại não. Những lý lẽ này nhiều năm trước đây tôi chưa hiểu rõ, chỉ đơn giản nghĩ rằng phải mau chóng áp dụng một số biện pháp để đề phòng Đình Nhi biến thành con người vị kỉ, chỉ biết mình chứ không biết đến ai nữa. Đối với một đứa trẻ mới có 3 năm 10 tháng tuổi như Đình Nhi, biện pháp tốt nhất là phải bắt đầu từ tình thương yêu mẹ, rồi mới rèn luyện thành thói quen biết suy nghĩ vì người khác. Điều đáng mừng là những rèn giũa đó đã tạo cho Đình Nhi một trái tim biết đồng cảm. Cháu tỏ ra vô cùng mẫn cảm trước những tư tưởng và tình cảm của người khác, thầy giáo và các bạn đều cảm nhận được những tình cảm chân thành biết chia sẻ buồn vui với người khác ở Đình Nhi. Cũng từ đó mọi người rất yêu quý cháu. Không những vậy, những rèn giũa đó còn làm cho cuộc sống của chúng tôi thời đó có nhiều điều thú vị.
Ngày mùng 2 tháng Giêng năm 1985, tôi yêu cầu Đình Nhi cứ mỗi lần mẹ giận, phải biết làm cho mẹ vui lòng. Mỗi lần Đình Nhi làm sai một việc gì khiến tôi phải cáu giận, cháu lại dựa vào người tôi thỏ thẻ: “Mẹ! Con biết sai rồi, mẹ đừng giận con nữa nhé, con đọc một bài thơ cho mẹ nghe nhé”. Nói rồi cháu liền bập bẹ đọc: “Sớm từ Bạch đế giữa tầng mây…”. Bài thơ chưa đọc hết tôi đã bật cười. Đình Nhi còn hát để làm tôi nguôi giận. Hai ngày đầu cháu thường hay hát bài “Tổ quốc chúng ta đẹp tựa vườn hoa…” Sau đó cháu lại thích hát:
“Lắc la lắc lư, Chiếc nôi nho nhỏ, Bé bỏng của ta, Đang thiu thiu ngủ…”
Vậy là có lợi hay có hại đối với cháu, nhưng đối với tôi quả thật là hữu hiệu. Trước đây, mỗi lần cáu giận thật khó mà kìm lại được, còn bây giờ chỉ cần vài giây là tôi đã vui lại ngay, khi tôi vui trở lại thì cháu cũng rất vui. Điều đó thật có lợi cho tôi và không khí gia đình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là việc đòi hỏi Đình Nhi phải có trách nhiệm đối với người khác. Ít nhất cháu cũng phải có trách nhiệm đối với tình cảm của tôi, để mẹ thư thái vui vẻ, sẽ sống được lâu hơn. Những ngày được sống hạnh phúc bên mẹ của Đình Nhi cũng sẽ lâu dài hơn.
Có lần tôi bị khản giọng nói không rõ lời, nên không hát, không kể chuyện cho cháu nghe được. Đình Nhi đã chủ động nói với tôi: “Vậy thì để con kể chuyện cho mẹ nghe”. Cháu muốn kể một chuyện gì đó thật buồn cười. Thế là cháu bắt đầu bịa ra những câu chuyện ngớ ngẩn và kỳ quái như: “Ngày xửa ngày xưa, có một cái cây mọc trên mặt đất, cây cứ lớn mãi, lớn mãi, thồi trở thành một cái cây rất to. Tán lá xòe ra, mỗi chiếc lá là một chiếc đèn pin. Mẹ thấy có lạ không chứ?”. Cháu bịa ra nhiều thứ chuyện, phần lớn na ná giống nhau. Đây là một dự báo tốt đẹp, cần chú ý gợi mở trí tưởng tượng và tính hài hước của cháu. Điều đó vô cùng có lợi cho sự nghiệp của cháu sau này.
Hôm ấy con gái tôi lấy sẵn thuốc đánh răng và bàn chải đợi tôi đi đánh giăng, cháu vẫn ngồi trên giường hát kinh kịch. Cháu nói: “Đoạn kịch này phải dùng tất chân mới hát được”. Bởi vì ở đầu giường đang vất đôi tất chân màu đỏ của cháu, vật duy nhất có thể dùng làm “đạo cụ”.
Những lần huấn luyện như thế làm cho tình cảm hai mẹ con chúng tôi càng khăng khít. Có lần hai mẹ con đang đi trên đường, Đình Nhi bảo tôi hãy vứt bỏ găng tay đi, cháu nói là: “Cách một lần găng tay con không truyền được tình cảm sang mẹ được”. Một đứa trẻ mới 3 tuổi đã có những biểu hiện tình cảm cảm động như thế, vậy thì còn phải lo gì sau này lớn lên sẽ không có tình cảm với mọi người.
Có điều, cũng có lúc tôi đã quá nóng vội trong việc dạy dỗ con phải biết quan tâm đến mọi người, như trong dịp về thăm bà ngoại Tết năm 1985.
Ở nhà bà ngoại lúc bấy giờ có cháu nhỏ còn ít tuổi hơn cả Đình Nhi. Tôi chưa lường được trước, khi cháu nhỏ còn đang ngủ, Đình Nhi vô ý nói to, đóng cửa mạnh, hoặc chạy nhảy ở trong nhà làm em thức giấc, tôi không kìm được quát mắng Đình Nhi. Và sau đó tôi phải gánh đủ hậu quả của việc làm thiếu suy nghĩ đó. Trước hết Đình Nhi đã nhanh chóng học được các loại từ ngữ không đẹp mà tôi dùng để nói với cháu như là: “vô ý thức”, nào là “dám cãi lại mẹ à!”… Và nhất là động một tí là cháu cũng gắt lại tôi; thứ hai là, khi biện pháp giáo dục bằng cáu gắt không mang lại hiệu quả, thì tính tình tôi càng trở nên cáu bẳn, tâm trạng tôi luôn thấy buồn phiền.
Khi nhận ra điều đó, cũng là lúc mẹ con tôi sắp trở về nhà. Tôi thấy dù thế nào cũng phải kiên trì giảng giải không để xảy ra tình trạng căng thẳng trong quan hệ mẹ con như vừa qua. Tôi giao hẹn với cháu, hai mẹ con từ nay không được cáu gắt nữa, người này nổi nóng thì người kia phải lập tức nhắc nhở, không khí gia đình lại trở lại như trước đây.
Sự việc này nhắc nhở tôi: Việc làm có tác dụng giáo dục hiệu quả hơn rất nhiều lời nói, тһô Ьạᴏ áp chế không bao giờ có thể dạy con trở thành một con người dịu dàng nhã nhặn.
KHOẢNG THỜI GIAN TỐT NHẤT DÀNH CHO VIỆC CHUYÊN TÂM HỌC CHỮ
Đầu óc ít bị phân tán nhất của Đình Nhi là vào lúc trước khi đi ngủ buổi tối, chỉ cần bảo cháu ngồi lên giường làm một việc gì đó là cháu vui vẻ làm ngay, nhiều lúc say sưa quên cả thời gian. Tôi đã lợi dụng khoảng thời gian đó để dạy Đình Nhi học chữ.
Hơn 20 ngày trước đây, tôi đã bắt đầu huấn luyện cho Đình Nhi khả năng đọc các chữ số. (Đây là một trắc nghiệm, trí lực của những đứa trẻ trước bảy tuổi. Trước ba tuổi, tôi chưa bao giờ cho Đình Nhi làm loại bài tập này). Ba ngày liền (trước lúc cháu đi ngủ mấy phút), tôi cho cháu phân tích một con số có hai chữ số, số nào đứng trước, số nào đứng sau, sau đó làm ngược lại. Sau khi luyện tập với các chữ số hàng chục như vậy, đến ngày thức năm tôi bắt cháu không qua phân tích, trả lời ngay. Kết quả thật là đáng mừng. Khoảng mười ngày sau đó, tối hôm qua cháu chợt nghĩ ra một trò chơi. Cháu đố tôi đếm ngược số hàng trăm. Tôi làm mẫu, rồi hướng dẫn cháu, kết quả cháu cũng bắt đầu làm được.
Tôi cho rằng cách làm như vậy, có thể khiến các cháu nhỏ nhanh chóng chuyển từ cách “nhớ theo hình mẫu” sang “cách nhớ có phân tích” rất có lợi cho việc chuyển sang học chữ bằng cách nhớ các bộ thủ và các nét tiếp theo. Tôi luôn mong Đình Nhi sớm học được chữ Hán, để chóng bước vào giai đoạn tự đọc được sách báo. Tôi dành nhiều thời gian cho việc học tập này của cháu.
Từ ngày Đình Nhi tròn 4 tuổi, tôi chính thức bắt đầu dạy Đình Nhi học chữ. Tôi đọc cho cháu nghe một câu chuyện, dạy cháu nhận biết vài ba chữ ít nét nhất trong câu chuyện đó, hết quả rất tốt. Bây giờ Đình Nhi nhận mặt chữ đã vượt qua giai đoạn “nhớ theo hình mẫu” chuyển sang giai đoạn nhớ chữ theo sự nhận viết các nét và cấu tạo chữ.
Việc nhận biết nét chữ này được bắt đầu từ mùa đông năm ngoái… Khi cháu bắt đầu tập viết, các chữ cứ rời rạc, nghiêng ngả lung tung. Bây giờ cháu đã biết viết thành hàng lối, nhưng nét chữ vẫn chưa chuẩn xác. Mấy hôm trước đây tôi bắt đầu mô phỏng viết chữ “củ cải”, cháu đã viết lộn chữ thành “cải củ”, chứng tỏ rằng cháu vẫn chưa xác định được quan niệm về xuôi ngược của từng chữ. Đó là đặc trưng của “cách nhớ theo hình mẫu”. Tôi cho rằng việc tập viết chữ của đứa trẻ mới lên bốn tuổi là hoàn toàn thứ yếu. Đó chỉ là một động tác hỗ trợ cho việc nhận biết mặt chữ. Thế là tôi liền nghĩ ra cách: cho cháu tập xếp chữ trên bảng nhựa, đầu tiên tôi dùng những que tăm dài ngắn khác nhau, cho cháu nhìn chữ mẫu rồi tập xếp lại. Biện pháp này rất có kết quả. Rồi tôi sẽ dùng bìa cứng cắt thành các nét chữ dài ngắn khác nhau để cháu tự xếp chữ, rồi dạy cháu phân biệt các loại chữ…
… Trong quá trình dạy Đình Nhi nhận mặt chữ tôi có dựa vào sách tranh truyện, rồi phân tích cấu tạo của từng chữ, dạy cháu đánh vần và cuối cùng là tập viết, liên tưởng sự giống nhau của từng chữ với hình mẫu sống trong đời thường…
NÓI NĂNG ĐẾM SỐ PHẢI NHANH NHẸN – RÈN LUYỆN TỐC ĐỘ TƯ DUY
Các nhà khoa học Pháp và Mỹ sau hàng loạt cuộc nghiên cứu, kết quả trắc nghiệm trí thông minh con người đã phát hiện: “Nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của con người chính là tốc độ hoạt động tâm lý. Chúng ta hãy thử xem một vấn đề đơn giản như: hãy đếm hàng số 3, 6, 9, 12,… Với loại bài tập này không ai cảm thấy khó khăn, và cũng không có ai đếm nhầm. Nhưng trong một vài giây có người đếm được mấy chục số, nhưng cũng có người chỉ đếm được dăm ba con số. Sự khác biệt về tốc độ ấy càng được thể hiện rõ hơn ở những vấn đề phức tạp, có nghĩa là những người trả lời nhanh ở những vấn đề đơn giản, thì cũng trả lời nhanh được ở những vẫn đề phức tạp. Trái lại cũng như vậy. Sự hơn kém nhau về tốc độ của hoạt động tâm lý rất phổ biến ấy chính là cơ sở cơ bản và cố hữu quyết định sự hơn kém nhau về trí lực”.
Sau khi đọc được đoạn đó trong cuốn “Tự trắc nghiệm trí lực”, tôi đã đưa vào chương trình bồi dưỡng Đình Nhi phần huấn luyện tốc độ tư duy. Cách làm cụ thể, ngoài việc “nói một lượt phải hiểu ngay” như đã nêu trên, còn lại chủ yếu là thông qua việc tính toán thật nhanh để giúp Đình Nhi tăng nhanh tốc độ phản ứng trước một tin mới. Dựa trên sách vở hay trong thực tế, hễ có cơ hội tính toán một cách giản đơn là tôi bắt Đình Nhi phải tập đếm hoặc tập tính toán. Khi tập đếm, yêu cầu cháu phải làm với tốc độ thật nhanh, không được “ậm ừ” chậm chạp.
Đồng thời coi việc tập đếm ở mọi lúc mọi nơi. Tôi thường để Đình Nhi tập so sánh các vật thể có sự khác nhau rõ rệt, để nhận biết hình thể từng loại, đồng thời tập đếm luôn. Khi dạy Đình Nhi các phép tính cộng trừ, tôi không chú trọng ở tốc độ nhanh mà chú trọng ở kết quả chính xác. Vì chỉ nhanh trên cơ sở chính xác thì sự tính toán đó mới có ý nghĩa. Trên thực tế, khi Đình Nhi đã làm quen được sự phản ứng nhanh nhạy thì tự cháu lại thấy khó chịu với thái độ làm việc lề mề, chậm chạp. Đến lúc này tôi lại phải luôn nhắc cháu: làm việc gì cũng không được vội vã hấp tấp, không được vội đưa ra những kết quả khi chưa được thẩm định lại.
Khi được chia một phần thức ăn gì ngon, chính là một dịp hay để tôi dạy cháu tập tính toán. Có lần, trong ngày sinh nhật của Đình Nhi, tôi hỏi cháu: “Trong hộp hiện chỉ còn 7 quả vải, nên chia thế nào đây?”. Đình Nhi đã dùng ngay máy tình trò chơi loay hoay tính toán một hồi rồi đưa ra kết quả: “Mẹ ăn 4 quả, con ăn 3 quả”. Cháu còn bắt chước câu chuyện “Khổng Dung chia lê”, đưa ra 2 đáp án vô cùng chính xác. Cuối cùng tôi ăn 3 quả, còn lại 1 quả tôi chia đôi, rồi lại chia đôi nữa, cho Đình Nhi tập tính toán chia phần. Sau đó, hai mẹ con tôi cùng ăn quả vải đó. Lẽ ra tôi phải thưởng cho cháu cả quả vải đó, song nghĩ rằng, muốn nhân cơ hội này dạy cho cháu biết “miếng ngon sẻ nửa”, nên cũng đành phải ăn phần của mình.
Ngoài việc học chữ và học toán, tôi cũng thường xuyên dạy cháu tập vẽ và kể chuyện theo tranh. Cũng cần phải nói thêm rằng, tất cả những việc làm đó đều nhằm giúp Đình Nhi nắm được kĩ năng. (Tôi cho rằng rèn luyện kĩ năng cho rtẻ phải ở giai đoạn tiểu học, còn đối với đứa trẻ từ ba đến sáu tuổi, đây là thời gian quý báu nhất để mở mang trí lực và kích thích sự ham muốn, hiểu biết).
Sự tiến bộ trong học vẽ của Đình Nhi biểu hiện ở hai mặt như sau: một là, rất chăm chú, rất hiếu học, đã có phần say mê; hai là, đối tượng vẽ nhiều hơn, từ ông mặt trời, hoa lá đến bé trai bé gái, rồi tiến đến vẽ chim, vẽ bướm, vẽ chuồn chuồn, châu chấu, nhà cửa, dòng sông, cây cầu, con thỏ, con cá và vẽ những đám mây… Tới đây, tôi sẽ xin cho cháu vào lớp “nghệ thuật mầm non” để cháu học hội họa, chắc rằng sẽ tiến bộ nhanh hơn.
Khi xem tranh kể chuyện, Đình Nhi thường hay kể miên man. Tôi thường yêu cầu cháu, trước hết phải kể tên các sự vật có trên bức vẽ đó, sau đó dạy cháu nên tổ chức các tư liệu đó như thế nào để thành câu chuyện. Nếu có động vật thì nên kể động vật trước rồi thông qua con mắt của động vật đó để kể tiếp các cảnh vật xung quanh, to trước, nhỏ sau, cận cảnh viễn cảnh… Vừa mới đây, tôi cho Đình Nhi nhìn một bức tranh truyện và chỉ nhắc cháu một chút về nguyên tắc trước sau, cháu đã làm khá tốt. Sau này nếu có thời gian tôi sẽ ghi chép kĩ hơn về việc này, sẽ giúp cho cháu chú ý hơn đến các mối quan hệ nội tại trong một ý tưởng, đồng htời cũng làm tăng ý muốn được biểu đạt và khả năng biểu đạt của Đình Nhi.
Để Đình Nhi thấy được tính thực dụng của việc học tập, tôi cho cháu viết ba lá thư ngắn chỉ mười mấy chữ gửi cho bà ngoại, đồng thời cháu còn gửi biếu bà hai bức tranh do cháu tự vẽ, trong thư cháu còn đề nghị: “Mỗi lần gửi thư về bà, bà viết riêng cho cháu mấy chữ”. Thế là mỗi lần tôi nhận được thư bà, trong thư đều có một mảnh giấy nhỏ viết riêng cho Đình Nhi.
Có điều đáng tiếc là: việc học Anh văn của cháu vẫn chưa làm được. Vì tôi không mua được tài liệu có băng kèm theo, mà tiếng Anh lại là thứ tôi mù tịt. Khi còn ở dưới quê Hồ Bắc, mỗi buổi tối Đình Nhi đều ngồi trước ti-vi xem tiết mục dạy tiếng Anh “Hãy học cùng tôi” chừng hơn nửa tiếng. Cứ như vậy xem liên tục từ lúc cháu mới được 1 tuổi 8 tháng tuổi cho đến lúc cháu 2 tuổi 11 tháng.
Việc coi truyền hình trong hơn một năm đó đã thực sự có hiệu quả khi Đình Nhi học ngoại ngữ ở trường tiểu học. Cháu đã nói với tôi: “Chẳng hiểu sao con luôn cảm thấy tiếng Anh như tiếng nói của chính mình, nó cũng chẳng khác gì tiếng mẹ đẻ”. Những ấn tượng ăn sâu trong đầu óc ngay từ những ngày thơ ấu của cháu, nay đã có tác dụng.
Trước khi Đình Nhi vào học tiểu học, tôi chưa có đủ tiền mua một chiếc tivi, nên ngoài thời gian trên, cháu không còn được tiếp tục xem chương trình “Hãy học với tôi” nữa. Giờ đây nghĩ lại, tôi lại thấy mừng. Nếu khi đó trong nhà lại có một chiếc tivi, thì tôi cũng sẽ lại như mọi người khác, coi tivi như bà bảo mẫu, để con cái cứ ngồi lỳ trước tivi bị động xem đủ mọi chương trình hàng mấy tiếng đồng hồ liền, còn mình thì rảnh tay đi làm việc khác. Đã vậy thì làm gì có nhiều thời gian và công sức để mở mang trí lực và bồi dưỡng tình cảm cho Đình Nhi, và nếu vậy Đình Nhi làm gì có được như ngày hôm nay.
Các nhà khoa học Âu Mỹ qua nghiên cứu cho thấy rằng, khi xem truyền hình, sóng điện trong đại não con người cũng giống như sóng điện khi người ta đang ngủ. Đối với một đứa trẻ dưới sáu tuổi, cứ duy trì trạng thái đó, rõ ràng đã bỏ lỡ một thời kỳ tốt đẹp nhất để phát triển đại não tuổi ấu thơ. Qua sự theo dõi của tôi, những đứa trẻ được cha mẹ coi tivi là một bà bảo mẫu, khi lớn lên sẽ hình thành một thói quan xấu là lười động não. Vì rằng, xem tivi là một hoạt động hoàn toàn bị động, không buộc phải có sự phản ứng tức thời. Trừ phi có người lớn ngồi kèm theo, vừa xem, vừa hỏi, vừa giảng giải, coi các tiết mục trên tivi là một thứ giáo trình, thì mới có tác dụng mở mang tri thức cho trẻ. Tuy vậy, đối với những đứa trẻ dưới hai tuổi, không gì bằng lấy ngay các sự vật cụ thể là đối tượng nhận thức.
Trong quá trình trưởng thành của Đình Nhi, tôi luôn lợi dụng các tiết mục phim kịch phát trên truyền hình để làm giáo trình cho Đình Nhi nhận biết tính phức tạp của cuộc sống xã hội. Về mặt đẩy nhanh khả năng tư duy, truyền hình chỉ được dùng để huấn luyện khả năng tư duy và khả năng miêu tả các hoạt động xã hội, khi ấy Đình Nhi đã học lớp 4 tiểu học, đã có đủ khả năng để tiếp thu sự rèn luyện tư duy nhanh ở mức độ khó hơn.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc