Ngũ đại công tử Phong thành không ngờ đến Lâm Nam lại gặp ngay chàng công tử lọt lướt kia. Cố Thiên Tường có vẻ ngoài lạnh lùng cố hữu, trong lúc nói chuyện vui vẻ vẫn không ngừng thăm dò về mình, rất cảnh giác, nói chuyện cởi mở, nhưng không phải là người dễ nịnh. Lưu Giác được phong Bình Nam tướng quân cũng đóng ở Lâm Nam, hai người, một thống lĩnh thủy quân, một thống lĩnh lục quân, bao giờ mình gặp Lưu Giác? Ba năm nay chàng thay đổi có nhiều không? Từ lúc chia tay Cố Thiên Tường ra về, A La luôn trầm tư.
Ra khỏi Phong thành chưa lâu, trên đường đi được nghe rất nhiều lời đồn về Lưu Giác. Dân chúng bên đường nhắc đến chàng với vẻ vừa kính nể vừa sợ hãi, họ đồn chàng diệt sơn tặc trừ họa cho dân, đồn là chàng mặt sắt không nương tay, Gi*t người không chớp mắt. Nhưng lời khen vẫn nhiều hơn, chàng chấn chỉnh Nam quân đâu vào đấy, hết sức nghiêm minh. A La nghe dân chúng bàn tán, nghĩ đến quân đội hiện đại, nàng không hiểu lắm về quân đội, chỉ có ấn tượng đó là đội quân rất tốt với nhân dân. Nhưng nghĩ đến Lưu Giác, nàng lại thở dài, lờ mờ cảm thấy từ sâu trong lòng nỗi mong ngóng muốn gặp lại chàng, nhưng lại không dám đối diện. Nàng không dám đối diện với hiện thực rủi ro nhỡ chàng vẫn chưa hết giận áp tải nàng trở về tướng phủ.
Thất phu nhân và Tiểu Ngọc từng lo lắng hỏi nàng, nếu gặp Lưu Giác liệu có bị bắt đưa về không? A La cười hì hì: “Tướng phủ lẽ nào không có ai đi tìm? Tử Ly chắc cũng thế. Lưu Giác tính khí kiêu ngạo, chàng ta muốn đưa chúng ta về, nếu ta ngoan ngoãn nghe theo, đảm bảo chàng ta sẽ cảm thấy vô vị, mà với tính cách chàng ta, nếu không thích sẽ tuyệt đối không làm. Chúng ta cứ thong thả du sơn ngoạn thủy rong ruổi đến thành Lâm Nam, bị chàng ta tóm trước khi đến đó, là do số chúng ta đen đủi, muộn một chút thì chúng ta cũng đã rong chơi đủ rồi. Chuyện này khoan nghĩ vội, gặp người rồi hẵng hay, chẳng lẽ chúng ta trốn chạy cả đời? Đến nước khác nếu xảy ra chuyện lại trốn hay sao? Đành phải đối diện thôi”.
Thất phu nhân than thở: “Tam Nhi, con đã cứng rắn trưởng thành hơn nhiều, chỉ có điều có những lúc dù có mạnh đến mấy cũng không làm gì được”.
“Sẽ có cách, chúng ta sẽ vẫn đi về phía nam, đợi kiếm đủ bạc sẽ đến Trần quốc xem sao, không biết nơi miền quê yên bình liệu có chỗ nào để chúng ta dung thân. Mẹ nói cũng phải, mạnh cũng chẳng ích gì, chúng ta có gì nào? Tiền bạc không, quyền lực không, con đánh cược, mấu chốt vẫn là ở thái độ của Lưu Giác. Chỉ cần qua cửa ải chàng ta, phía tướng phủ cũng dễ đối phó. Huống hồ, chuyện qua đã lâu, làm gì có ai cố chấp như thế, chỉ có người không bình thường”. Nói xong câu đó, A La nghẹn giọng, nghĩ đến vẻ thành tâm của Lưu Giác một lòng một dạ muốn bảo vệ nàng suốt đời suốt kiếp. Lại thở dài, gạt những ý nghĩ đó sang một bên, miệng cười thật tươi: “Đằng nào bây giờ chúng ta cũng chưa có bạc, cứ thong thả hẵng hay, mọi người đừng lo. Mẹ à, dù thế nào A La cũng hiếu thuận với mẹ, Tiểu Ngọc à, tướng công sẽ nuôi nàng”.
Với tâm thái như vậy họ sống qua hai năm trên đường đến Lâm Nam. Trong những năm này, Lưu Giác không tìm được nàng, Tử Ly và người của tướng phủ cũng không tìm được nàng, không biết là số may mắn hay là còn ẩn tình gì khác, nhưng họ đã sống những ngày thực sự vui vẻ.
A La cau mày thở dài. Suy nghĩ theo hướng tích cực là một chuyện, nếu thực sự gặp lại, e sẽ là chuyện khác. Nếu Lưu Giác nổi giận lôi đình thì sao? Nếu chàng vẫn ôm hận thì sao? Nếu chàng nhất định đưa thất phu nhân và nàng trở về tướng phủ thì sao?
Mặc dù từ ngày quen nhau đến giờ, luôn là nàng khiến chàng bực mình, nhưng cũng không thấy chàng tỏ ra thực sự muốn báo thù. Có điều, nàng thoái hôn khiến Lưu Giác mất mặt, chàng ta sẽ phản ứng ra sao, A La không dám khẳng định. Nàng hơi hối hận, hay là mình quá tự tin?
Lúc này ✓ú Trương báo, đã tìm được một chỗ ở khác, theo yêu cầu của A La, đó là một nơi gần dãy núi phía tây thành. Thất phu nhân hiếu kỳ hỏi: “Tại sao phải ở gần núi?”.
A La không muốn để thất phu nhân lo lắng. Khó khăn lắm mới ra khỏi tướng phủ, mấy năm nay thất phu nhân lòng đã nhẹ nhõm, vui lên rất nhiều. Nếu gặp chuyện căng thẳng, nỗi lo lắng ám ảnh, bà sẽ không chịu nổi. Vậy là nàng cười, nói: “Ở đó vắng vẻ yên tĩnh”.
A La quyết định tạm thời không nghĩ đến chuyện có gặp phải Lưu Giác hay không. Đã đến đây, bây giờ chưa gặp, cứ làm theo kế hoạch đã, sau này nếu gặp hẵng hay. Nàng dự định ngày hôm sau sẽ chuyển khỏi quán rượu của ✓ú Trương.
Sáng sớm hôm sau, tiếng cười trong vắt của Tiểu Ngọc vang khắp sân: “Tiểu thư, tuyết rơi rồi”.
A La khoác áo dài, tóc vẫn để xõa bước ra ngoài. Thật vậy, những bông tuyết bay trắng trời, phủ một lóp mỏng trắng xóa lên những mái nhà xa gần trên sườn núi. Những ngọn cây xanh thẫm và những mái cong đen sì thấp thoáng lộ ra trong biển tuyết. Cảnh sắc này trông giống gì nhỉ? Tranh thủy mặc! A La mỉm cười thốt lên, thành Lâm Nam đẹp thật.
“Tiểu thư, không sợ nhiễm lạnh sao!”. Tiểu Ngọc phủi tuyết trên vai nàng, khoác cho nàng chiếc áo gió, ân cần khẽ trách. A La nhìn Tiểu Ngọc, cười nói: “Đi lên núi dạo chơi không?”.
“Ồ, tiểu thư, tiểu thư vẫn chưa rửa mặt chải đầu”.
“Không hề gì, Tiểu Ngọc rửa mặt, chải đầu là được rồi, đi thôi!”. A La cười vung chân vung tay sải những bước dài, cải tạo Tiểu Ngọc chỉ thành công một nửa, người ở đây tư tưởng thâm căn cố đế, khó mà thay đổi.
Sáng sớm, trên con đường mòn giữa chừng núi, thỉnh thoảng họ gặp một lão tiều phu khoác bó củi hoặc sọt than hoa to đi vào thành, từ khu nhà dân thoảng hoặc vọng ra tiếng chó sủa. Qua một con đường nhỏ, đã nghe thấy tiếng thác chảy. A La dắt tay Tiểu Ngọc thận trọng vòng qua mặt thác. Đứng ở đây, có thể nhìn thấy quán rượu của ✓ú Trương bên dưới, có thể nhìn rõ ✓ú Trương cùng thất phu nhân đang đứng trên sân ngắm tuyết. Ở khu nhà giữa những làn khói mỏng cuộn lên, bức tranh thủy mặc vậy là có sinh khí, sinh động hẳn lên.
A La cúi người, cầm lên một phiến băng mỏng, Ϧóþ nát, giơ lên cho từng giọt nước nhỏ xuống mặt, lạnh run người, nhưng lại rất dễ chịu, cả người như được kích hoạt tỉnh táo, sảng khoái vô cùng. Nàng từ từ đứng dậy, hít căng một hơi không khí trong lành, vươn người. Tiểu Ngọc nheo mắt xuýt xoa: “Tiểu thư, tiểu thư chưa rửa mặt mà sao vẫn đẹp như thế!”.
A La lòng tràn trề vui sướng, hân hoan, cất tiếng cười giòn tan.
Trong khu rừng ở một mé sườn núi, Lưu Giác mình khoác áo choàng đen, im lặng ngồi trên lưng ngựa, mấy binh sĩ Ô y kỵ cũng im lặng như chàng. Lưu Anh nhìn về phía trước, tam tiểu thư thay đổi thật rồi, trước đây nhỏ nhắn xinh xẻo, bây giờ đã là một đại mỹ nhân đẹp rực rỡ khiến người ta hồn siêu phách lạc, y thầm thở dài, người như vậy, chẳng trách chúa thượng quyến luyến không thể nào quên.
Lén nhìn Lưu Giác, thấy chàng mím môi, không biểu cảm, toàn thân tựa hồ biến thành tảng đá im lìm. Lưu Anh lại thở dài, sáng sớm tinh mơ cưỡi ngựa lên núi, đứng đến hơn nửa canh giờ, không nói không rằng, cứ nhìn như vậy, là có ý gì, rõ ràng lòng rất muốn, lại không chịu đi gặp nàng ta.
Lưu Giác trầm mặc như một cái đầm sâu hút, ánh mắt phân vân. Sau khi A La ra đi, không chỉ một lần chàng tự hỏi, rút cục mình đang tức giận điều gì? Nghĩ đến A La không cần mình, lòng chàng hận đến muốn Ϧóþ ૮ɦếƭ nàng; nghĩ đến những lúc ở bên A La, dẫu nàng làm cho mình tức giận, lòng chàng lại tràn ngập âu yếm, vấn vương, lại buồn man mác.
Ba ngày sau khi được phong Bình Nam tướng quân, chàng liền rời kinh, đi về phương nam. Chàng phóng ngựa đến biệt uyển của Hộ Quốc công chúa, thơ thẩn trong rừng đào cả một ngày. Sơn cốc tiết cuối hạ, cỏ vẫn xanh như thế, nhưng đào đã không còn nở hoa. Ngọn lửa âm ỉ trong lòng bùng cháy, người nóng bừng, chàng nhảy xuống suối. Làn nước lạnh ngắt ôm ấp chàng, hỏa khí tiêu tan, chàng bất giác cười đau khổ, dạo đó nếu chàng không lang thang tới đây, nếu cứ để A La ngã xuống suối, thì đã không có mọi vấn vương về sau, tất cả đều là ý trời.
Chàng đến tướng phủ, Lý tướng đưa chàng đi thăm Đường viên. Khóm hải đường cành đã xum xuê, xòe ra che nửa sân, Lý tướng ngậm ngùi nói, Đường viên tất cả vẫn y nguyên, chỉ đợi chàng đưa thất phu nhân và A La trở về. Nghĩ đến lần A La ăn cơm trên thuyền hoa bữa đó, nàng hầu như chỉ ăn thịt không ăn rau, lại nhìn Đường viên lạnh lẽo tiêu sơ và khuôn mặt đẫm nước mắt của Lý tướng, người chàng bỗng run lên. Nếu Lý gia không đối xử nghiệt ngã với A La, tuổi còn nhỏ như vậy làm sao nàng dám hành động to gan đến thế! Cho dù không muốn lấy chàng, cũng không đến mức đưa mẹ và tỳ nữ bỏ trốn! Nghe nhắc đến câu thơ A La đọc lúc sáu tuổi, lòng chàng càng đau thắt, điều gì khiến một đứa trẻ sáu tuổi làm ra những vần thơ bi ai như vậy!
Năm đó, do cáo thị khắp nước thông báo A La bị bắt cóc, bản thân chàng gần như cũng tưởng thật, đem tất cả nỗi tức giận, đau đớn trong lòng trút lên đầu bọn sơn tặc, nhưng lại bất ngờ giành được sự kính trọng của tướng sĩ Nam quân, về sau, để thu phục cánh quân này, chàng ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, muốn loại bỏ thế lực của họ Vương không phải chuyện dễ. Chàng buộc phải học cách tự kìm chế, thận trọng, suy tính trước sau. Bây giờ, A La đã đến Lâm Nam, chàng thầm nghĩ, nếu là trước đây, chàng đã chặn A La ngay từ khi nàng xuất hiện ở cổng thành. Còn bây giờ, điều chàng mong muốn là, nếu hỏi lại câu đó, có muốn cùng chàng đồng cam cộng khổ, nàng sẽ không do dự cho chàng một câu trả lời khiến chàng hài lòng.
Lưu Giác từ xa lặng lẽ đứng nhìn, A La đang đứng trên triền núi, chiếc áo choàng rộng bao bọc thân hình mảnh dẻ, mái tóc dài xõa đến eo, giữa thảm tuyết trắng xóa bên dòng thác bạc dáng phiêu diêu tự tại, tiếng cười trong vắt hồn nhiên. Ba năm nay nàng thay đổi không ít, khuôn mặt đã nở nang đầy đặn, không còn nét vụng về trẻ con ngày trước, chiếc cằm nhọn xinh, làn da như bạch ngọc phớt hồng, càng khỏe mạnh, tràn trề sức sống. Đôi mắt đó không thay đổi, vẫn trong veo như nước nguồn, lóng lánh tinh nghịch, hễ cười là sóng sánh mê ly. Mới sáng sớm chưa chải đầu A La lại vẫn đẹp đến thế!
Chàng nên xả hận, nên trừng phạt người đó mới phải, nhưng lòng chàng bây giờ tràn ngập hình ảnh người đó, chỉ muốn ngắm nhìn mãi, ngắm vẻ linh lợi như con chim yến đó. Một nỗi êm dịu từ từ dâng lên trong đáy mắt chàng, triền miên vấn vít, như những con sóng ngầm lặng lẽ từ cơ thể tỏa ra, Ô y kỵ đứng phía xa trong rừng cũng cảm nhận được, bất giác thở phào.
Tiếng cười trong vắt của A La vọng lại, như tiếng chim lảnh lót văng vẳng giữa rừng, như tiếng thác bạc đổ ào trên đá, vỡ vụn tung lên, lan tỏa trong tầng không buổi sớm tinh sương, vấn vương trên triền núi. Nàng không hề áy náy gì ư ? Không hề day dứt tí nào sao? Mất tích mấy năm liền mà vẫn ung dung sung sướng như vậy, trong khi khiến bao người khổ công tìm kiếm, người ngựa rối ren. Nỗi giận lại trào lên, Lưu Giác “hừ” một tiếng, ngồi thẳng trên mình ngựa, sát khí lại trùm lên cả khu rừng, hàn khí lại ngưng tụ trong đáy mắt. Con tuấn mã bên dưới có vẻ bồn chồn, không ngừng giậm vó một cách bất an, chàng cơ hồ lập tức thúc ngựa lao lên, bàn tay xiết chặt dây cương nổi hằn những đường gân xanh.
Đột nhiên, phía nam thành phụt lên một đám khói đen. Lưu Giác cau mày, thủy quân Trần quốc động binh ư? Chàng liếc nhanh A La lúc đó cũng đang ngẩng nhìn đám khói trên trời, lặng lẽ quay đầu ngựa phi xuống núi, Ô y kỵ lẳng lặng đi theo.
Đám khói ngưng đọng trên không mãi chưa tan, lại có tiếng chuông dồn dập nối nhau. Tiểu Ngọc kêu lên “Có chuyện rồi?”. Cùng với tiếng chuông, dân chúng đổ ra đường, ai nấy mặt mày hốt hoảng.
A La nói: “Về nhà xem sao”.
Hai người trở về tửu quán, ✓ú Trương hốt hoảng chạy ra: “Tiểu thư, hai người đã về, không được ra khỏi nhà, hai nước khai chiến rồi”.
A La, thất phu nhân và Tiểu Ngọc nhìn nhau. Thất phu nhân luống cuống: “Chẳng phải đã mấy chục năm không đánh nhau cơ mà? Sao bây giờ nói đánh là đánh ngay?”.
A La thấy ✓ú Trương cũng không biết gì hơn, bèn nói: “Con vào thành nghe ngóng tình hình. Tiểu Ngọc, ở nhà với mẹ và ✓ú Trương, đóng cửa lại, không được đi đâu”.
Thất phu nhân không chịu: “Con đưa Tiểu Ngọc đi cùng. Chúng ta ở đây, không đi đâu hết, con đi một mình, sao mẹ yên lòng?”.
Tiểu Ngọc cũng đồng tình. A La bất lực, vội vào thay áo cùng Tiểu Ngọc đi ra.
Các cửa hiệu trong thành vẫn mở cửa. Trên phố có rất nhiều người tụ tập sốt ruột ngóng tin. Cổng thành đã đóng, A La kéo một người hỏi: “Bên ngoài có chuyện gì vậy?”.
“Nghe nói thủy quân Trần quốc đánh lén, Cố tướng quân đã tập hợp đội thuyền chuẩn bị nghênh chiến”.
“Ở đâu có thể nhìn thấy tình hình trên sông?”.
“Sườn dãy Tây Sơn. Bao nhiêu người đang đi đến đó”.
A La và Tiểu Ngọc hỏi đường đến dãy Tây Sơn.
Lưu Giác lên thẳng thành môn lầu, tri phủ Lâm Nam vội đi đến chắp tay bẩm báo: “Bẩm tướng quân! Cổng tây đã đóng, thủy quân nước Trần đã có chuẩn bị, sáng sớm nay đột nhiên tấn công, binh sĩ đi tuần trên bờ bên này bị trúng tên thiệt mạng, thi thể vừa mới phát hiện, khi lính gác dùng ống nhòm quan sát, quân Trần đã đến giữa sông”.
“Chém!”. Lưu Giác lạnh lùng ra lệnh.
Tri phủ sững người. Một quân sĩ được cử thi hành mệnh lệnh , nửa khắc sau đã đưa đầu tên lính gác về.
Tri phủ toát mồ hôi lạnh, Bình Nam tướng quân này sao nói chém là chém, còn không thèm liếc nhìn một lần.
Ánh mắt Lưu Giác lướt qua mặt các binh sĩ trên thành môn lầu, nói dõng dạc: “Hai nước Ninh, Trần đã ngừng chiến mười năm, biên cương yên bình, thông thương phồn thịnh. Nay Trần quốc đột nhiên xâm phạm Lâm Nam, có ý đồ xâm chiếm giang sơn chúng ta, bọn lang sói dã tâm, tất bị trời phạt! Nuôi binh ngàn ngày, chính là đợi lúc này, xả thân báo quốc, bảo vệ giang sơn, là chí hướng của nam nhi chúng ta”.
Quân sĩ rầm rầm hưởng ứng: “Nguyện cùng tướng quân bảo vệ Lâm Nam, đánh bại quân Trần!”.
Lưu Giác quyết đoán hạ lệnh cho tri phủ và quan thủ thành Lâm Nam, thực hiện triệt để quản chế quân sự, đồng thời trấn an thương khách và dân chúng. Một loạt mệnh lệnh như pháo nổ, liên tiếp từ miệng chàng ban ra, thấy chúa thượng điềm tĩnh xử trí, thái độ bình thản, quân sĩ hết lòng tin tưởng, từng người nhận lệnh răm rắp thi hành.
Lưu Giác đứng trên tường thành, nhìn về mặt sông, khi thủy binh của quân Trần cách thành Lâm Nam không quá năm chục trượng liền bị đội chiến thuyền của Ninh quốc chặn đánh, tên bắn như mưa, đã có thuyền áp sát thuyền địch, binh sĩ nhảy lên thuyền đánh giáp lá cà, tiếng hô “Gi*t” động trời, Lưu Giác quan sát tình hình, biết thủy binh của Nam quân đã đến muộn, mặc dù vẫn còn chiến thuyền tiếp tục từ thủy trại đi đến, nhưng cục diện diễn ra vẫn không có trật tự bằng quân Trần.
Lúc đó đột nhiên trên mặt sông, một tiếng động vang như sấm, định thần nhìn ra, thấy Cố Thiên Tường mình vận áo bào trắng, chiến giáp, đứng trên lầu chiến thuyền lao vào thủy binh quân Trần, chiến thuyền phía trước và hai bên bố trí theo hình mũi tên, xông thẳng vào chiến thuyền địch. Tiếng trống dồn dập, không kịch liệt, nhưng sục sôi khiến người ta hồn bay phách lạc, sát khí hừng hực.